Cây bút đã nói: tôi là vua của thế giới. Ngôn từ có thể làm được nhiều công việc của thanh kiếm. Nhưng thanh kiếm không thể làm được tất cả công việc của ngôn từ. Hàng trăm thanh kiếm đã bị tuốt ra khỏi vỏ, chỉ với một từ, thanh kiến có thể trở về vỏ.

 

Nhà thơ Rida K Liamsi (Indonesia) phát biểu tại Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ I.

Những thành ngữ lâu đời trong bài tham luận này được trích từ tác phẩm “Bustanul al Khatibin” của Raja Ali Haji, một nhà thơ Malay vĩ đại, người đã sống tại Riau, Indonesia từ năm 1809 đến 1876. “Bustanul al Khatibin” là một quyển sách về ngữ pháp Malay, được viết cách đây gần 100 năm trước. Điều này cho thấy ngôn từ chiếm hữu một vị trí quan trọng và đầy thế lực trong cuộc sống của chúng ta, về mặt xã hội, kinh tế, và chính trị. Điều này cũng cho thấy rằng thơ ca cũng có quyền năng tương tự, bởi vì thơ ca bao gồm những ngôn từ mạnh mẽ nhất. Thơ ca có sức mạnh của tâm hồn, có thể dời núi, tát cạn biển, và làm cho chim ngừng bay. Thơ ca là ma thuật, là câu thần chú của cuộc sống.

Trong xã hội Malay, vị trí của thơ ca, trong mọi hình thái của sự sáng tạo đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống. Những bài thơ, Seloka, Gurindam và những thể loại phát âm và sáng tạo khác nhau đã trở thành nhịp đập cuộc sống của người Malay. Một ví dụ đơn giản có thể tìm thấy trong cuộc sống của một người mẹ và những đứa con. Từ khi những đứa con còn nằm nôi, bà mẹ đã ầu ơ, đọc cho chúng nghe những bài thơ để cho những đứa con của bà được cảm thấy an tâm, thấy được bảo vệ, và ngủ ngon hơn. Bằng thơ, những người phụ nữ bắt đầu cuộc sống của mình và cũng kết thúc chuyến hành trình cuộc sống của mình.

Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta cũng thấy sức mạnh của thơ ca trong việc chuyển dời tinh thần, để giải thoát con người khỏi sự áp bức, xiềng xích và chủ nghĩa thực dân. Nhờ thơ ca, chúng ta đã đạt được sự độc lập. Ví dụ, ở Indonesia, thơ ca đã giúp nâng cao tinh thần dành độc lập. Tinh thần đoàn kết và cùng nhau chiến đấu. Indonesia đã sản sinh ra một bài thơ vĩ đại, đó chính là Đoàn thanh niên, được thành lập vào ngày 28/10/1928. “Chúng ta là những người con của Indonesia, tuyên thệ: Một đất nước, đất nước Indonesia. Một ngôn ngữ Bahasa Indonesia, và một tổ quốc, tổ quốc Indonesia”. Với Đoàn Thanh niên, tất cả những người đàn ông và đàn bà của Indonesia vùng lên, và chiến đấu giành đôc lập, giúp chính họ và đất nước thoát khỏi chủ nghĩa thực dân. Rồi vào ngày 17/8/1945, sau 27 năm, họ đã tuyên bố Ngày Độc lập và sáng tạo lại một bài thơ vĩ đại: Tuyên ngôn độc lập.

Những dòng chữ trong Tuyên ngôn độc lập đã trở thành những ngôn từ vĩ đại, khơi dậy tinh thần và sức mạnh kháng chiến của người Indonesia: “Chúng ta, quốc gia Indonesia, tuyên bố độc lập. Những vấn đề liên quan đến việc chuyển giao quyền lực…. sẽ được thực thi một cách nghiêm túc và trong khoảng thời gian ngắn nhất…..”

Với bài thơ đó, người Indonesia đoàn kết những bộ lạc khác nhau, những phong tục, ngôn ngữ và tôn giáo, thành: Một Quốc gia, Một Ngôn ngữ và Một đất nước: Indonesia. Với bài thơ ấy, Indonesia đã trả thành một quốc gia độc lập, một đất nước tự chủ.

Bây giờ, câu hỏi trong hội thảo này là: Liệu sức mạnh của thơ ca có xây dựng được tình đoàn kết, hòa bình, sự bình đẳng, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, chan chứa tình bạn, nhân ái hơn, giữa tình trạng của thế giới: nhiều sự thay đổi trong giá trị cuộc sống và ý nghĩa của nhân loại? Giữa chiến tranh, xung đột, khủng hoảng và lòng tham? Thơ ca có thể trở thành sứ giả của việc đối thoại giữa văn hóa và văn minh, để bảo tồn và phát triển bản sắc dân tộc của mỗi nước, vì một Châu Á đoàn kết và phát triển?

Thơ ca là một sự sáng tạo vĩ đại của ngôn từ. Thơ ca có sức mạnh to lớn trong chính chúng ta, trong bản thân chúng ta, trong quốc gia, và trong loài người. Nếu chúng ta có thể làm cho thơ trở thành kiệt tác, thơ ca có thể là một động lực thúc đẩy, và động lực tạo ra tình hữu nghị và hòa bình. Không gì có thể sánh được với thơ ca trong chặng đường cuộc sống và trong sự đấu tranh của loài người. Thơ ca sẽ chiến thắng những thanh kiến, đại bác, bom đạn vì thơ ca chính là cảm giác của công lý, hòa bình, và đoàn kết. Edward Bulwer Lytton (1839) đã nói : Cây bút có nhiều sức mạnh hơn thanh kiếm.

Chúng ta là Một. Có một Adam trong chính chúng ta, một từ đầy sức mạnh chỉ rõ nơi mà chúng ta đã sinh ra, lý do chúng ta tồn tại trên thế giới này, nơi chúng ta đang đến, và bằng cách nào chúng ta xây dựng văn minh nhân loại. Chúng ta có cùng cảm giác về hy vọng, cùng chung nỗi đau, cùng chung một vết thương. Chúng ta là NGÔN TỪ. Chúng ta là THƠ CA. Chúng ta làm thơ như những tác phẩm văn học, vì chúng ta hy vọng người nào đó sẽ đọc, mọi lúc, mọi nơi, và với thơ ca chúng ta tồn tại để nhắc nhở thế giới với giọng thầm thì của chúng ta, về hy vọng: Đoàn kết và gắn kết!

Nguyễn Phan Quế Mai chuyển ngữ

Tham luận tại Liên hoan thơ Châu Á _ Thái Bình Dương lần thứ I.