Nguyễn Thanh Tâm
Thi thoảng tôi có ghé qua thăm PGS.La Khắc Hoà. Ông là người thầy đáng kính, cũng là đồng hương của tôi. Một lần, nhân chuyện về đổi mới thơ Việt Nam đương đại, ông nhấn mạnh: Có hai xu hướng cách tân thơ hiện nay về mặt hình thức. Hướng thứ nhất, tối giản, co ngắn câu thơ. Hướng thứ hai, kéo dài câu thơ như câu văn xuôi. Cả hai hướng này đều nhằm mục đích phá vỡ hình thức của thơ, mang đến những khả năng mới cho biểu đạt. Tôi lắng nghe ý kiến của thầy và suy nghĩ về những biểu hiện cụ thể của hai hướng vận động ấy trong thơ Việt. Hướng tối giản, tôi đã có một bài phân tích khá kỹ trên Tạp chí Văn nghệ quân đội (Chủ nghĩa tối giản trong thơ Việt Nam đương đại). Ở hướng kéo dài hình thức lời văn, tôi cứ băn khoăn mãi về việc, tại sao lại kéo dài, kéo dài như thế câu thơ dễ thành câu văn xuôi, đánh mất đặc trưng thể loại. Dĩ nhiên, thơ vẫn cần những đặc trưng để nó là nó mà không phải là một thể loại khác. Tuy nhiên, khi những điều kiện cần và đủ cho sáng tạo không có, những cố gắng gượng ép vô hình trung đã phản bội lại thơ, đẩy thơ đến vực thẳm “mất tích” thể loại.
Những bài thơ dài, câu thơ dài như văn xuôi chúng ta dễ bắt gặp trong đời sống thơ ca đương đại. Thực tế sáng tạo đã thể hiện rất sinh động chất thơ trong tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, kí,… Sự giao thoa thể loại là điều không thể tránh khỏi trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, như đã nói, một khi phụ gia lấn át nguyên liệu chủ đạo sẽ đem đến một hương vị khác hoặc một món ăn khác. Bởi thế, đọc những văn bản thơ dài, những câu thơ dài mà tuyệt không nhận ra chất thơ của nó ở đâu, chúng tôi cũng đành phải “thoả thuận” rằng, đó không phải là thơ. Vấn đề ở đây là, với những biểu hiện kéo dài câu thơ, bài thơ mà thiếu vắng chất thơ, nói lên điều gì trong cấu trúc tinh thần, trong nội tâm người viết?
Thứ nhất: Cảm xúc lan man dẫn đến phải viết dài. Nói cách khác, ý tính không cô đọng nên khó gói gém – chưa nói chuyện gói gém không chặt. Dường như, trạng thái tự do đã trở thành rào cản cho nguyên lý sáng tạo. Tự do không đồng nghĩa với tự tiện, tuỳ tiện, lan man, thiếu ý tứ, bố cục, cấu trúc. Cũng không thể vin vào tâm thức hậu hiện đại với các đặc tính phân mảnh, lắp ghép, cắt dán, hoài nghi, rời rạc, giải trung tâm, giải cấu trúc,… để biện minh cho một thực hành viết thiếu ý đồ, tư tưởng, cảm xúc và kĩ thuật.
Thứ hai: Sự lấn át tình. Đúng hơn, gia tăng yếu tố chuyện khiến cho thơ dài ra. Để cho hết chuyện cần phải dài là hệ luỵ của sự thẩm nhập này. Nói như thế, không có nghĩa là trong thơ không có chuyện. Thơ đương đại chứng kiến sự gia tăng yếu tố tự sự ngày càng rõ rệt. Tuy nhiên, chỉ nên xem câu chuyện là một gợi tứ, một sự châm ngòi cho cảm xúc, suy tư, biểu đạt bằng lời văn giàu cảm xúc, nhịp điệu và nhạc tính. Thơ bị phản bội chính trong những thực hành viết vừa dài dòng lại thiếu vắng cảm xúc, suy tư, chưa nói đến lời văn, kĩ thuật, nhịp điệu, nhạc tính bị xem nhẹ hoặc không được ý thức một cách rốt ráo.
Thứ ba: Thơ dài ra bởi dung nạp quá nhiều các sắc thái miêu tả. Thơ là nhịp điệu của cảm xúc, suy tư. Thế nhưng, đọc thơ của rất nhiều người, chúng ta buộc phải trải nghiệm những miêu tả dài dòng, lê thê về trời mây non nước, cây cỏ hoa lá chim muông, mưa, gió, rét mướt,… mà ý tình, tư tưởng lại non lép, nhợt nhạt. Tác giả có thể phản biện là làm thơ mà không miêu tả thì biểu đạt như thế nào? Cố nhiên, cần miêu tả, nhưng đó là những miêu tả nhằm biểu đạt thế giới nội tâm, cảm xúc, suy tư. Sử dụng lời văn miêu tả vừa đủ, nhưng phải tiêu biểu, độc đáo, sâu sắc, mang tính tượng trưng… sẽ đem đến hiệu năng biểu đạt tối đa cả về ý, tình, hình, nhạc,…
Thứ tư: Việc chỉ nương vào nghĩa tự vị – từ điển của chữ đã khiến cho các nhà thơ cần nhiều chữ để bày tỏ cảm xúc, suy tư của mình. Đây là trạng thái phổ biến của thơ Việt. Ít, rất ít người thấy chữ là mục đích của thơ – ngôn ngữ thơ tự lấy nó làm mục đích. Các nhà thơ vẫn xem ngôn ngữ là phương tiện để biểu đạt hơn là chính sự biểu đạt/ cái được biểu đạt, do vậy, họ phải huy động nhiều chữ (lấy số lượng) thay vì làm việc (cật lực) với chữ hoặc bắt chữ làm việc (nâng cao chất lượng). Bởi thế, ít hoặc không thấy những cái mới từ chữ. Chữ nghèo nghĩa. Chữ xơ xác, cằn cỗi và lười biếng. Chức năng thi ca, như giới thi học luận định, là chiếu trục lựa chọn lên trục kết hợp. Nghĩa là, một câu thơ là trục ngang – trục kết hợp. Nhưng, thơ khác văn xuôi là ở chỗ, nó đặt từ ngữ trên trục đứng để “lựa chọn”. Trong các từ có cùng nghĩa, phải lựa chọn được từ đặc địa nhất. Lựa chọn với thơ, không chỉ là đúng, mà còn phải trúng, phải hay, giàu nhạc tính, nhịp điệu, âm hưởng, gợi cảm,… Công việc, kĩ thuật của người làm thơ là chỗ ấy.
Thứ năm: Thứ ngữ pháp giáo khoa làm chất thơ bay biến mất, hay đúng hơn là không còn chất thơ. Phan Ngọc trong một phân tích của mình về ngôn ngữ thơ đã phát biểu một cách có phần cực đoan, nhưng lại diễn đạt đúng bản chất của ngôn ngữ thơ: Thơ là một tổ chức ngôn ngữ đầy quái đản. Cái quái đản ở đây chính là sự sáng tạo một cách bất ngờ, lạ, mới, độc đáo. Không ai dại gì đi đòi hỏi câu thơ phải có các thành phần ngữ pháp, phải được ngắt nghỉ hay đánh dấu ở đâu. Ngữ pháp của thơ, trong tính động của nó, luôn thách thức các mô hình ngữ pháp giáo khoa, vươn tới một hình thức lời văn gây bất ngờ, hứng thú cho người đọc, thể hiện được những diễn biến trong sâu thẳm tinh thần thi sĩ. Các thi sĩ thành danh từ xưa đến nay đều là những bậc thầy về sáng tạo ngôn ngữ và cấu trúc: Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Đinh Hùng, Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh, Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Nguyễn Duy,… Ngữ pháp trong thơ của họ, chỉ có một quy chiếu duy nhất chính là cấu trúc nội tâm của họ.
Những trường hợp thơ văn xuôi, kéo dài câu thơ và văn bản thơ, là một biểu hiện của khuynh hướng phá vỡ cấu trúc hình thức của thơ cũ. Khi sử dụng những câu dài, các yếu tố tự sự, miêu tả, đối thoại, các cấu trúc ngữ pháp mới được dung nhập, tạo nên hình thức lời văn mới, sinh động. Tuy nhiên, những lỗ hổng trong tư duy kiến tạo nghệ thuật thơ của một bộ phận không nhỏ những người làm thơ đã làm cho thể loại này tăng về số lượng nhưng lại giảm chất lượng một cách thảm hại. Thơ bị phản bội từ những lỗ hổng như thế trong quá trình sáng tạo của người làm thơ.
Văn nghệ Quân đội
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài