Để nói về văn chương của Trà Đóa có lẽ cũng chỉ cần gói gọn trong hai chữ: đủ và đã.
Gọi là đủ bởi dường như khi bước vào thế giới của Những kẻ khó thích nghi, người ta khó có thể nào tìm ra được dấu vết của sự thừa thãi trên bất cứ phương diện nào. Trà Đóa khởi sự những câu chuyện của mình theo một cách rất tự nhiên, không dẫn giải dài dòng, không cầu kỳ hoa mỹ. Mọi thứ mang dáng vẻ đơn giản và gần gũi, hệt như những gì mà ta vẫn hằng được nghe bên bàn cà phê buổi sáng.
Nhưng dưới ngòi bút của anh, tất cả mọi sự vật, sự việc lại hiện lên theo một cách thú vị, biến hóa liên tục từ hiện thực sang hư ảo chỉ trong một tích tắc ngắn ngủi. Mỗi hình tượng được xây dựng nên bằng lời văn dường như cũng được đặt vào một sức sống riêng, một cuộc đời riêng.
Nói cách khác, có những khoảnh khắc mà người đọc có cảm tưởng như bản thân tác giả dường như không còn là người dẫn dắt cho câu chuyện nữa mà đã để chính câu chuyện hay hình tượng tự cất lên tiếng nói của mình.
Cũng từ cái thế đứng chênh vênh giữa hiện hữu và siêu hình trong văn chương đó, người ta mới thấy cái tài tình đến độ gần như là tuyệt kỹ của Trà Đóa trong việc đặt để mọi chi tiết vào đúng chỗ để nó có thể phát huy được hết công dụng của mình.
Dưới con mắt của đời thường, hẳn người ta không thể nào tin được những gì mà tác giả đã “vẽ” nên trong các câu chuyện: cuộc đối thoại giữa con người và một dạng chúng sinh hiện hữu ngàn năm trong kinh văn Phật giáo, chiếc máy kỳ diệu với khả năng mang đến cho con người ta mọi thứ trên đời… Thế nhưng ở Những kẻ khó thích nghi, những điều tưởng chừng như phi lý ấy lại trở nên nhịp nhàng và sống động đến không tưởng.
Quan trọng hơn hết, khi xây dựng nên vô số hình tượng mang đầy tính biểu trưng ấy, Trà Đóa cũng đồng thời “thổi” vào trong đó hơi thở của sự chiêm nghiệm và suy tư. Những ý tưởng mang đầy tính triết học thấm đẫm mỗi trang văn nhưng lại không hề gây nên cảm giác nặng nề khô cứng.
Hay nói như cách của nhà văn, dịch giả Mai Sơn, bằng tác phẩm thú vị này của mình, Trà Đóa “đã khéo léo làm giảm sự trầm trọng, khô héo của tư tưởng, luận lý bằng cách đưa chúng từ trên đền đài sách vở xuống ăn nằm với bụi đời nhân sinh”.
Tuy nhiên, không vì thế mà những câu chuyện của Những kẻ khó thích nghi trở nên đơn giản và ta có thể tiếp cận theo một cách dễ dàng hơn. Có thể gọi cuốn sách này là một mê hồn trận khổng lồ được tạo nên bởi những biểu tượng và hình ảnh lẫn những ý niệm mênh mông bất tuyệt về kiếp sống và đặc biệt là những con người dường như “rơi” ra ngoài cái nhịp điệu sinh tồn của số đông.
Nó khiến ta không thể nào hấp tấp hay hời hợt mà buộc phải đọc chậm lại với một sự chú tâm cao độ. Đôi lúc, ta có thể bất giác bật cười vì một ý niệm ngộ nghĩnh nào đó chợt lóe lên đằng sau những con chữ và ta tiếp nhận chúng với tất cả sự thích thú. Nó tựa như sự thích thú xen lẫn kinh ngạc của một đứa trẻ lần đầu được nhìn một sự vật quen thuộc trở nên lạ lẫm và dị thường qua lăng kính hiển vi.
Và cũng chính tất cả những điều đó đã tạo nên những rung động vi tế nhất, băn khoăn về những điều tưởng như đơn giản đã trôi qua trong một khoảnh khắc sống nào đó và cuối cùng đọng lại là một cảm giác thực sự “đã”. Cái “đã” của một người được “nhấp từng ngụm rượu mạnh” và rồi váng vất bởi men say.
Cuối cùng, nếu hỏi rằng văn của Trà Đóa có dễ đọc không? Không. Chắc hẳn là không. Những câu chuyện trong tập sách mỏng này như một sự cô đặc đến lạ kỳ của hàng trăm sự vật, sự việc có thể bắt gặp mỗi ngày, ở xung quanh ta. Từ đơn giản nhất đến phức tạp nhất, chân thật nhất đến phù phiếm nhất…
Trà Đóa kể về những điều rất bình thường theo một cách dị thường, mang đến cho chúng ta vô vàn suy tư. Để rồi sau khi gấp sách lại, sẽ có không ít người băn khoăn tự hỏi: Liệu chúng ta có phải là những kẻ khó thích nghi?
Trà Đóa sinh ra và lớn lên tại Quảng Nam, tốt nghiệp khoa Dược thuộc Đại học Y Dược TP.HCM và hiện tại cũng đang làm việc trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, người đàn ông 45 tuổi lại gắn bó đời sống của mình với nghiệp văn chương.
Cường Nguyễn
HN đưa bài