Trong thiên hạ, được một tri kỷ, có thể không ân hận rồi.

 

 

 

THẾ NÀO LÀ THÍCH HỢP

Hoa không thể không có bướm, núi không thể không có suối, đá không thể không có rêu, nước không thể không có rong, cây lớn không thể không có dây leo, và người không thể không ghiền một thứ gì.

Thưởng hoa nên ngồi với gia nhân, uống rượu ngắm trăng nên ngồi với khách tao nhã, ngắm tuyết nên chung với cao sĩ.

Đứng trên lầu mà ngắm núi, đứng trên thành mà ngắm tuyết, đứng trước đèn mà ngắm trăng, ngồi trong thuyền mà ngắm mây, đứng dưới trăng mà ngắm người đẹp, mỗi cảnh có mỗi tình.

Đá ở bên gốc mai nên cổ kính, đá ở dưới gốc tùng nên thô, đá ở bên bụi trúc nên gầy, đá ở trong bồn nên đẹp.

Có núi xanh thì có nước xanh, nước mượn sắc của núi; có rượu ngon thì có thơ hay, thơ cũng mượn cái thần của rượu.

Gương chẳng may mà gặp người đàn bà xấu, nghiên mực chẳng may mà gặp tục tử, kiếm chẳng may mà gặp một viên tướng tầm thường, thì còn biết làm sao được nữa!


BÀN VỀ HOA VÀ MỸ NHÂN


Hoa không nên thấy rụng, trăng không nên thấy chìm, mỹ nhân không nên thấy chết yểu.

Trồng hoa nên thấy hoa nở, đón trăng nên thấy trăng tròn, viết sách nên viết cho xong, mỹ nhân nên thấy vui vẻ, sung sướng, nếu không thì uổng công.

Ngắm đàn bà buổi sáng, nên đợi lúc phấn son xong.

Có những bộ mặt xấu mà dễ coi, có những bộ mặt không xấu mà khó coi; có những áng văn viết không thông (mẹo) mà khả ái, có những văn viết thông mà đọc rất chán. Điều đó, không dễ gì giảng cho hạng nông cạn hiểu được.

Lấy lòng yêu hoa mà yêu mỹ nhân thì tất có cái thú riêng; lấy lòng yêu mỹ nhân mà yêu hoa thì thêm cái thâm tình và thêm lòng nâng niu thương tiếc.

Mỹ nhân hơn hoa ở chỗ biết nói; hoa hơn mỹ nhân ở chỗ tỏa hương. Nếu không được cả hai thì bỏ hương mà lựa biết nói. Thường hoa đẹp thì không thơm, cánh nhiều tầng thì không thành trái[1].

Gọi là mỹ nhân thì mặt đẹp như hoa, tiếng nói như chim, tinh thần như trăng, vẻ như liễu, xương như ngọc, da như băng tuyết, dáng như nước thu, lòng như thơ, ta không còn chỗ nào chê cả.

Trong thiên hạ không có sách thì thôi, có thì phải đọc; không có rượu thì thôi, có thì phải uống; không có núi đẹp thì thôi, có thì phải tới chơi; không có hoa có trăng thì thôi, có thì phải thưởng ngoạn; không có tài tử giai nhân thì thôi, có thì phải mến yêu, thương tiếc.

Người đàn bà xấu không cho gương là thù địch vì nó là vật vô tri, nếu gương mà hữu trí thì tất cả đã tan tành rồi.

Mua được một chậu hoa đẹp còn nâng niu thương tiếc, huống là đối với một “đóa hoa biết nói”.

Không có thơ rượu thì sơn thủy cũng vô nghĩa; nếu không có đàn bà đẹp thì trăng hoa cũng vô ích. Tài tử mà lại đẹp, giai nhân mà lại biết làm văn đều là không thọ được. Không phải chỉ vì Tạo vật đố kị, mà còn vì hạng người đó không phải là bảo vật của một thời, mà là bảo vật của cổ kim vạn đại, cho nên tạo hóa không muốn cho lưu lại lâu trên đời mà hóa nhàm.

SƠN THỦY


Vật mà dễ cảm lòng người, trên trời không gì bằng trăng, về nhạc không gì bằng đàn cầm, trong loài động vật không gì bằng chim quyên, trong loài thực vật không gì bằng liễu.

Vì trăng mà lo có mây, vì sách mà lo có mọt, vì hoa mà lo gió mưa, vì tài tử giai nhân mà lo mệnh bạc; đó đều là tấm lòng Bồ Tát cả.

Người xưa nói: “Nếu không có hoa, nguyệt, mỹ nhân thì xin đừng sinh ở thế giới này”. Tôi xin thêm một câu: “Nếu không có bút, mực, cờ, rượu thì không nên làm người”.

Nhân tuyết mà nhớ tới cao sĩ, nhân hoa mà nhớ tới mĩ nhân, nhân rượu mà nhớ tới hiệp khách, nhân trăng mà nhớ tới bạn quí, nhân sơn thủy mà nhớ tới những thơ văn đắc ý.

Có cảnh sơn thủy trên đá, có cảnh sơn thủy trên tranh, có cảnh sơn thủy trong mộng và có cảnh sơn thủy trong lòng. Cảnh sơn thủy trên đất đẹp ở chỗ gò hang u tịch; cảnh sơn thủy trên tranh đẹp ở chỗ nét bút thấm thía; cảnh sơn thủy trong lòng đẹp ở chỗ mỗi vật đều đúng vị trí.

Măng tre là vật quí trong loài rau, quả vải là vật quí trong loại trái cây, cua là vật quí trong loài thủy tộc, rượu là vật quí trong sự ẩm thực, trăng là vật quí trên trời, Tây Hồ là vật quí về sơn thủy, từ khúc là vật quí trong văn chương.

Phải có duyên mới được du ngoạn thắng cảnh; nếu duyên chưa tới thì dù ở cách thắng cảnh chỉ vài chục dặm cũng không nhàn nhã mà đi được.

Hình ảnh trong gương là những bức chân dung có màu; bóng dưới trăng là những nét phác bằng mực; hình ảnh trong gương là những bức họa rõ ràng từng nét, bóng dưới trăng là những bức họa “một cốt” (không có xương). Cảnh sơn thủy trên trăng là địa lý trên trời, bóng trăng sao trên nước là thiên văn trên đất.


XUÂN, THU


Xuân là lòng tự nhiên của trời, thu là tính tình thay đổi của trời. Người xưa cho mùa đông là “ba tháng dư” (hoặc ba tháng để nghỉ ngơi). Tôi cho rằng mùa hè mới là ba tháng dư: sáng sớm dậy là cái dư của đêm, đêm ngồi chơi là cái dư của ngày, ngủ trưa là cái dư của sự thù ứng. Cổ thi có câu: “Ta yêu mùa hè ngày dài“, lời đó đúng.

Răn mình thì nên như cái khí (nghiêm khắc) mùa thu; xử thế thì nên như cái khí (ôn hòa, vui vẻ) mùa xuân.

Thơ và văn được như cái khí mùa thu thì là hay, từ và khúc mà được như cái khí mùa xuân thì là hay.



THANH ÂM


Mùa xuân nghe tiếng chim, mùa hè nghe tiếng ve, mùa thu nghe tiếng trùng, mùa đông nghe tiếng tuyết; ban ngày nghe tiếng đánh cờ, dưới trăng nghe tiếng tiêu, trong núi nghe tiếng tùng, bên nước nghe tiếng sóng vỗ, như vậy sống không uổng.

Dưới tùng nghe tiếng cầm, dưới trăng nghe tiếng tiêu, bên suối nghe tiếng thác đổ, trong núi nghe tiếng tụng kinh, mỗi tiếng có một cái thú riêng.

Mọi thứ tiếng đều nên nghe xa, duy có tiếng đàn cầm là xa gần đều được. Nước có bốn thứ tiếng: tiếng thác, tiếng suối, tiếng ghềnh, tiếng ngòi rạch; gió có ba thứ tiếng: tiếng “sóng tùng”. Gió thổi trong tùng, nghe ào ào như tiếng sóng, tiếng lá thu, tiếng sóng ầm ầm; mưa có hai thứ tiếng: tiếng thưa rớt trên lá ngô đồng, lá sen, tiếng giọt gianh rớt trong thùng tre.


MƯA


Mưa có thể làm cho ngày ngắn và đêm dài.

Mưa xuân như chiếu vua ban ân, mưa hè như chiếu vua xá tội, mưa thu như tiếng điếu người chết.

Mùa xuân mưa nên đọc sách, mùa hè mưa nên đánh cờ, mùa thu mưa nên lục những đồ cất trong rương, mùa đông mưa nên uống rượu.

Tôi muốn viết thư gởi cho Thần Mưa, xin rằng mùa xuân sau tiết Thượng Nguyên hãy mưa cho tới mười ngày trước tiết Thanh minh (lúc đó ở Trung Hoa đào bắt đầu nở), rồi sau Thanh minh mưa cho tới tiết Cốc vũ (lúc đó ở Trung Hoa là mùa trồng lúa); mùa hè thì cứ mỗi tháng, mưa trước ngày thượng huyền và sau ngày hạ huyền; mùa thu chỉ mưa trong thượng tuần và hạ tuần tháng bảy và tháng chín; còn ba tháng mùa đông, thì xin đừng mưa.


GIÓ TRĂNG


Tiếc rằng trăng non mau lặn mà trăng khuyết (hạ tuần) chậm lên.

Dưới trăng nghe tiếng tụng kinh (hay chuông chùa) thì cái thú càng sâu xa; dưới trăng mà bàn về kiếm thuật thì can đảm càng tăng; dưới trăng mà bàn về thi thơ thì phong thái càng tĩnh; dưới trăng mà đối diện mĩ nhân thì tình ý càng nồng.

Phép ngắm trăng: trăng tỏ nên ngửng nhìn, trăng mờ nên cúi nhìn.

Gió xuân như rượu, gió hè như trà, gió thu như khói, gió đông như gừng, cải (cay: ý nói buốt).


THÚ NHÀN


Trong thiên hạ, được một tri kỷ, có thể không ân hận rồi.

Người ta cho là bận rộn thì mình coi là thảnh thơi, có như vậy mới có thể bận rộn cái mà người ta cho là thảnh thơi.

Không có cái gì vui bằng nhàn, nhàn không phải là không làm một việc gì. Có nhàn mới đọc được sách, mới đi coi được những thắng cảnh, mới giao du được những bạn bè có ích, mới uống rượu được, mới viết sách được. Có cái vui nào lớn hơn vậy nữa?

Mây được mặt trời chiếu vào rồi mới thành ráng, suối treo vào đá rồi mới thành thác. Cũng là vật đó mà gởi vào một cái khác thì có tên khác. Cho nên cái đạo bạn bè rất đáng quí.

Nói chuyện với bạn uyên bác như đọc sách lạ, nói chuyện với bạn phong nhã như đọc thi văn của danh nhân, nói chuyện với bạn nghiêm cẩn, đạo đức như đọc kinh truyện của thánh hiền, nói chuyện với bạn hoạt kê như đọc tiểu thuyết truyền kì.

Kẻ sĩ nên có bạn thân. Bạn thân bất tất phải là bạn thề sống chết có nhau. Thường thì bạn thân là bạn cách xa nhau trăm ngàn dặm vẫn có thể tin nhau, không nghe những lời người ta nói xấu về bạn. Việc nào nên làm, nên ngưng thì thay bạn mà mưu tính quyết đoán; hoặc những lúc lợi hại, giúp bạn mà không cho bạn biết, cứ hết lòng vì bạn mà không lo rằng bạn có hiểu mình không.

Tìm tri kỷ trong chỗ bạn bè là việc dễ, tìm tri kỷ trong chỗ thê thiếp là việc khó, tìm tri kỷ trong chỗ vua tôi càng khó nhất.

Diễn được những ý người trước chưa diễn mới là sách lạ; nói được những điều khó nói về vợ con, mới là bạn thân.

Ở thôn quê, có được bạn tốt thì càng thích… Trong số bạn bè, người nào làm thơ được là quí nhất, rồi tới người nào nói chuyện được, rồi tới người nào ca hát được, sau cùng mới tới hạng người biết những trò chơi trong xã hội.

SÁCH VÀ ĐỌC SÁCH


Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua cái kẽ, lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ở ngoài sân, tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài. Do từng trải nhiều hay ít mà sở đắc nhiều hay ít.

Có thể đọc những cuốn sách không có chữ (chẳng hạn cuốn sách ngoài đời) thì mới nói được những câu kinh nhân; có thể hiểu những điều giảng không được thì mới thấu được cái huyền vi nhất của đạo Phật.

Văn chương bất hủ cổ kim đều viết bằng huyết lệ.

Văn chương là sơn thủy trên án thư, sơn thủy là văn chương trên đất.

Thú nhất là đọc sách; đọc sử thì vui ít mà giận nhiều, nhưng chỗ giận đó cũng là chỗ vui.

Nên đọc kinh thư vào mùa đông, để tinh thần được chuyên nhất; nên đọc sử vào mùa hè vì ngày dài; nên đọc chư tử[2]vào mùa thu vì có nhiều ý lạ; nên đọc chư tập[3]vào mùa xuân vì thời tiết đổi mới.

Văn nhân mà bàn về binh thư, phần nhiều là bàn luận trên giấy (nghĩa là trên lí thuyết); vũ tướng mà bàn về văn chương, một nửa là nghe lỏm.

Người biết đọc sách thì cái gì cũng là sách: sơn thủy cũng là sách, cờ rượu cũng là sách, hoa nguyệt cũng là sách. Người biết đi coi phong cảnh thì cái gì cũng là sơn thủy: thư sử cũng là sơn thủy, thơ rượu cũng là sơn thủy, hoa nguyệt cũng là sơn thủy.

Người xưa muốn đọc sách mười năm, du ngoạn sơn thủy mười năm, rồi mười năm kiểm điểm lại kinh nghiệm. Tôi nghĩ kiểm điểm chẳng cần tới mười năm, chỉ hai ba năm cũng đủ, còn đọc sách và du ngoạn sơn thủy thì gấp hai, gấp năm lần mười năm cũng chưa mãn nguyện. Có lẽ “phải sống ba trăm năm” như Hoàng Cửu Yên nói, may mới đủ chăng?

Cổ nhân nói: “Thơ, có khổ rồi mới khéo” (Thi tất cùng nhi hậu công) vì có khốn khổ rồi giọng mới có nhiều cảm khái mà dễ có sở trường. Còn hạng người phú quí đã không lo buồn về cảnh nghèo hèn, thì chỉ vịnh về phong vân tuyết lộ, thơ có gì mà hay? Muốn thay đổi đi thì chỉ có cách đi du lịch, để được thấy núi sông, phong thổ, sản vật, nhân tình, hoặc thấy cái khổ của dân chúng sau những cuộc binh đao, trong những năm mất mùa vì hạn vì lụt, rồi tả trong thơ. Thế là mượn cái cùng sầu của người để cung cấp cho sự ngâm vịnh của ta. Vậy thơ cũng bất tất phải khổ rồi mới khéo.


BÀN CHUNG VỀ ĐỜI SỐNG


Một chữ “tình” để duy trì thế giới; một chữ “tài” để tô điểm càn khôn.

Thà bị tiểu nhân mắng chứ không muốn bị người quân tử khinh; thà bị giám khảo đui đánh hỏng chứ không muốn bị một học giả danh tiếng không biết tới.

Người nên giống một bài thơ, vật nên giống một bức họa.

Có những cảnh như rất u tĩnh mà thực ra thì tiêu điều, tức cảnh sương mù, cảnh mưa; có những tình cảnh như rất nhã mà thực ra rất khó chịu, tức cảnh nghèo khổ, đau ốm; có những tiếng nghe rất phong tao mà thực ra thì thô bỉ, như tiếng rao bán hoa.

Cày ruộng, tôi làm không được, thôi thì tưới vườn vậy; đốn củi, tôi làm không được, thôi thì nhổ cỏ vậy.

Tôi hận mười điều: một là sách dễ bị mối ăn; hai là mùa hè có nhiều muỗi; ba là sân thượng để ngắm trăng dễ rỉ nước; bốn là lá cúc thường héo; năm là tùng có nhiều kiến lớn; sáu là lá tre rụng trên đất nhiều quá; bảy là hoa quế và hoa sen mau tàn; tám là trong đám cỏ tiết thường có rắn; chín là hoa trên các mắt cáo thường có gai; mười là thịt nhím thường độc.

Một người ngồi sau cửa sổ, vẽ lên mảnh giấy cửa sổ, ta đứng ngoài nhìn vào, thấy đẹp lạ.

Gặp đời thái bình, sinh ở một nơi có núi, có hồ mà quan chủ quận liêm khiết, cảnh nhà phong lưu, cưới vợ hiền, đẻ con thông minh, đời được như vậy tôi cho là toàn phúc.

Trong lòng mà có cảnh núi hang thì sống ở thành thị cũng như sống ở núi rừng; cảm hứng gởi vào mây khói thì Diêm Phù[4] cũng như Bồng Đảo.

Ở thành thị nên lấy tranh làm sơn thủy, lấy bồn cảnh làm vườn tược, lấy sách làm bạn.

Đón danh sư về dạy con, vào danh sơn mà luyện cử nghiệp, đều là những điều lầm lẫn.

Một nhà tu hành bất tất phải giới tửu mà phải giới tục, đàn bà bất tất phải hiểu văn nhưng phải đẹp.

Nếu người thu thuế làm cho ta khó chịu thì đóng thuế sớm đi; muốn bàn đạo Phật với nhà sư thì phải thường bố thí.

Cái gì cũng dễ quên, chỉ có lòng ham danh là khó quên.

Rượu có thể thay trà, trà không thể thay rượu; thơ có thể thay văn, văn không thể thay thơ; khúc có thể thay từ, từ không thể thay khúc; trăng có thể thay đèn, đèn không thể thay trăng; bút có thể thay lời, lời không thể thay bút; người ở gái có thể thay người ở trai, người ở trai không thể thay người ở gái.

Điều bất bình nhỏ trong lòng, uống rượu vào có thể tiêu được; điều bất bình lớn trong đời, không dùng gươm không thể dẹp được.

Người bận rộn nhiều thì vườn nên ở bên cạnh nhà; người nhàn nhã thì nhà và vườn có xa nhau cũng không hại.

Đau, có thể chịu được; ngứa, không thể chịu được; đắng, có thể chịu được; chua, không thể chịu được.

Hạc làm cho ta có vẻ nhàn, ngựa làm cho ta có vẻ anh hùng, lan làm cho ta có vẻ ẩn dật, tùng làm cho ta có vẻ cổ kính.

Có cái vui sơn lâm ẩn dật mà không biết hưởng là hạng tiều phu, hạng làm vườn và hạng thầy chùa. Có vườn tược, thê thiếp mà không biết vui là bọn phú thương và quan lớn.

Nghiên mực của người nhàn phải đẹp mà nghiên của người bận rộng công việc cũng cần phải đẹp.

Món ăn ngon mà nuốt cho mau hết, phong cảnh lạ mà đi chơi chỉ lướt qua, tình thâm mà diễn bằng những lời nông nổi, ngày đẹp mà chỉ nghĩ đến chuyện ăn uống, giàu có mà cư xử theo thói kiêu sa; tất cả những hành động đó đều là trái ý trời.

(Trích U mộng ảnh – theo Sống đẹp của Lâm Ngữ Đường)
Nguyễn Hiến Lê dịch

[1] Bản tiếng Pháp dịch là: Sont mal formées. Nguyên văn tiếng Hán: bất kết thực… Được hoàn toàn thực là khó thay! Sen kiêm cả chăng?

[2] Tức các triết gia thời cổ ngoài Khổng, Lão.

[3] Tức sách của các nhà gần đây.

[4] Gốc là tiếng Phạn, trỏ Ấn Độ. Người Trung Hoa dùng tiếng đó để trỏ chung Trung Hoa và các nước phương Đông.


(Nguồn: Tạp chí Thơ)

Exit mobile version