Tên tuổi Azit Nê-xin đã trở nên quen thuộc với chúng ta. Là tác giả của tập truyện châm biếm nổi tiếng “Những người thích đùa” đã được dịch ra tiếng Việt, ông là trưởng đoàn nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ dự hội nghị BCH Hội Nhà văn Á Phi và cuộc gặp gỡ các nhà văn Á Phi ở nước ta vào tháng 10-1982.
Thi sĩ Xuân Quỳnh và Azit Nexin – Ảnh: tienphong.vn
Ngày 6-1-1983 ông bị tòa án của bọn độc tài quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra xét xử cùng 17 người khác trong Nghiệp đoàn nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ do ông làm chủ tịch. Chúng buộc tội Nê-xin và nhóm nhà văn này là “hoạt động và tuyên truyền cộng sản”. Trước phiên tòa, Nê-xin đã bác bỏ các luận điệu xấu xa của bọn độc tài quân sự. Ông tuyên bố: “Không thể bẻ bãy các nhà văn!” Một làn sóng đấu tranh được dấy lên khắp thế giới để bảo vệ Nê-xin và các Nhà văn tiến bộ Thổ Nhĩ Kỳ.
Để giúp bạn đọc hiểu thêm nhà văn châm biếm nổi tiếng này, chúng tôi giới thiệu 3 truyện ngắn của A.Nê-xin đã đăng trên báo Văn học Liên Xô.
AZIT NÊ-XIN
Chuyện kể về con thỏ thừa kế ngôi báu
Vào một ngày đẹp trời các loài vật khác nhau ở trong rừng mở đại hội hay là hội thảo. Thực ra tôi cũng không biết ở đây nên dùng từ nào cho chính xác hơn – Mọi con vật, từ nhỏ như kiến đến lớn như hà mã, voi, từ con bọ chét đến con lừa đều có mặt ở bãi trống lớn nhất giữa lãnh địa của mình. Trong bọn chúng có những nhà ngoại giao khéo léo thuộc giống tắc kè hoa; có những nhà chính trị giàu kinh nghiệm thuộc họ khỉ, các ông chủ công đoàn tức là những con quạ, các nhà tư sản địa phương – đó là những ký sinh trùng thuộc giống ve rừng; công nhân là những con ong, con kiến; các nhà tư tưởng là những con gà trống tây; các nhà trí thức là những con chim ác là bẻm mép; các nhà văn – những con dế mèn, các vị quan lại dưới dạng những con cừu… Nhưng chúng tôi sẽ không kéo dài việc liệt kê này nữa. Mọi loài vật mà chúng ta biết đã tập hợp đông đủ.
Nhiều bản báo cáo và đồng báo cáo được trình bày. Vô số diễn văn được đọc. Các nghị quyết được thông qua. Các vị đại biểu gầm lên, tru lên, rống lên, rú lên, hý lên, ộp oạp, meo meo, cúc cu đủ cả. Mà có lẽ còn cắn, húc, đá hậu nữa. Tóm lại là đã làm mọi việc giống như ở bất kỳ một đại hội nào.
Và đây là một vị đại biểu đã nói với sư tử:
– Kính thưa vị chúa tể vĩ đại, người chỉ huy vinh quang tối cao của chúng tôi! Ngài là người thay trời chăn dắt chúng tôi , là vị quốc vương muôn đời của chúng tôi. Tất cả chúng tôi đều biết điều đó . Tuy nhiên còn một điều không đáng kể mà chúng tôi còn chưa được biết, nhưng rất quan tâm: đó là sau ngài, ai trong số chúng tôi được coi là mạnh nhất?
Lười nhác một cách uy nghi, giống như các bậc vua chúa khác, sư tử lấy tư thế thích hợp với cương vị chúa tể của mình, ném một cái nhìn oai nghiêm đến các con thú đứng xung quanh . Rồi sau khi tăng âm độ lịch sự cho giọng nói của mình giống bất kỳ một vị quốc vương nào, sư tử thốt lên:
– Sau ta con thú mạnh nhất là con thỏ!
Cái gì? Thỏ à? Con thú hèn nhát chạy ra sau dãy núi xa nhất đứng sủa như chó săn ấy à?
Nhưng biết làm sao được! Điều này chính chúa sơn lâm đã hạ cố nói ra. Chúng phải thấy ! Thật là đúng khi người ta nói: “Rất có thể không nhận ra người kỵ sĩ dưới tấm áo choàng!”
Đại hội bế mạc. Và khi các đại biểu đã chạy tản ra về thì con thỏ cái hết run, nó nhảy vọt ra khỏi cái hố trong bụi cây và nói với chồng:
– À, bây giờ anh hãy tỏ rõ sức mạnh của mình đi! Chính sư tử đã nói rằng, sau ông ta anh là con thú mạnh nhất rừng kia mà!
– Em còn muốn gì ở anh nữa?
– Không được làm một thằng ngốc hèn nhát nữa! Hãy giơ vuốt ra cho mọi loài thú biết tay. Trốn tránh chúng đủ lắm rồi!
– Vuốt nào? Anh chỉ có những chiếc móng nho nhỏ thôi…
Nhưng điều này thật dễ hiểu với những người đã có vợ, thỏ đực không chịu nổi những lời làu bàu tẻ ngắt của vợ, bèn sợ sệt đến gần con cáo đang nằm quay đầu ra phía khác và thận trọng đụng vào chân nó.
– Ai đấy?
– Tôi …
– Mày là ai?
– Tôi ấy à? Tôi là… Đó chính là…, à tôi là thỏ.
Con cáo ngay lập tức đứng bật dậy và cúi chào sát đất:
– Tôi xin bày tỏ lòng kính trọng chân thành đối với ngài thỏ đáng kính, người thứ hai sau sư tử, người sẽ thừa kế ngôi báu.
Không chờ đợi một sự kính trọng như vậy, tuy nhiên thỏ ta cũng nhanh chóng khoác tay vợ lên đường, nện gót rất trịnh trọng.
– Đấy , anh thấy chưa? Ở đây anh là nhân vật chính yếu sau sư tử đấy nhé! Và em sẽ còn phải nhắc anh nhớ điều này! Anh hãy trông kìa, ở đằng kia có con sói đang ngồi suy nghĩ điều gì ấy . Anh đừng bỏ qua chuyện này nhé!
– Ôi, em nói gì vậy! Đùa với sói là mang vạ vào thân đấy!
Nhưng dù thỏ nói thế nào đi nữa thì vợ nó vẫn khăng khăng một mực. Thỏ ta bèn bò đến gần con sói và bắt đầu cù vào chân nó.
– Đứa nào đấy? – Sói hỏi, thậm chí không thèm quay đầu lại .
– Tôi … chi…ính là… là thỏ. – Thỏ ta thốt lên một cách khó nhọc.
– Bai-bai! Xin nhiệt liệt chào mừng ngài thỏ tôn kính!
Cứ nói thế, ngài thỏ quen dần với ý nghĩ rằng ngài là một kỵ sĩ thực thụ, và cuối cùng thì tin vào sức mạnh của mình đến nỗi có thể sẵn sàng chết vì kiêu ngạo (1).
– Còn bây giờ thì, ông chồng yêu quí của em ơi, anh hãy dạy cho con hổ kia một bài học là không được ngủ giấu hai chân sau đi như vậy!
Ngài thỏ bắt đầu lấy cọng rơm cù vào mũi hổ. Con thú to lớn này vẫn tiếp tục ngủ yên. Khi đó thỏ ta bèn lấy một cái roi chắc hơn và chọc vào mũi hổ.
– Lại đứa nào đấy?
– Tao! Thỏ đây! Con thú mạnh nhất sau sư tử đây!
Con hổ gầm lên và trong nháy mắt chân nó đã đè ngửa con thỏ khốn khổ ra đất và hấp một cái nuốt chửng ngay không thèm nhai. Thỏ phu nhân trong chớp mắt đã có mặt ở sau dãy núi xa nhất.
Câu chuyện cổ tích chấm dứt ở đây. Và bây giờ có một câu hỏi đặt ra với tất cả chúng ta: làm sao lại xảy ra chuyện hổ ăn thịt thỏ được? Tôi e rằng các bạn khó trả lời được câu hỏi này . Vấn đề là ở chỗ hổ ta ngủ quên không dự đại hội nên không biết sư tử đã tấn phong cho thỏ là con thú mạnh nhất và là kẻ thừa kế ngôi báu của mình.
———-
(1) Trong nguyên văn: vỡ tan ra vì kiêu ngạo.
Nhân công rẻ mạt
Sáng sớm. Ông chủ một nhà máy lớn đang ngồi trong phòng làm việc uống cà phê. Bỗng nhiên cửa mở toang. Một người kỳ quặc, bộ dạng lôi thôi chạy bổ vào. Vò nhàu chiếc mũ trong tay như những người thất nghiệp thường làm, anh ta nói với ông chủ:
– Thưa ngài tôi đến xin việc.
Không ngẩng đầu lên, ông chủ liếc nhìn anh ta:
– Anh biết làm gì ?
– Tôi đã học ở một trường tiểu thủ công và là thợ nguội bậc một.
– Ta cần thợ tiện.
– Tôi đã làm thợ tiện 5 năm trong một nhà máy ở Đức. Tôi có chứng chỉ.
Ông chủ hơi nhúc nhích:
– Nhưng, ta cần thợ vẽ mẫu hơn.
– Thưa ngài, tôi là thợ vẽ mẫu hạng nhất.
Ông chủ khoan khoái liếm môi:
– Có lẽ anh còn là thợ mộc nữa!
– Tôi đã làm thợ cả về mộc suốt 4 năm.
“Thật là của quý đối với nhà máy! – Ông chủ vui mừng – bây giờ hẳn là đòi nhiều tiền đây, không thể khác được”.
– Thế thì tốt, con ạ, nhưng ta lại không cần nhân công.
– Thưa ông chủ, tôi sẽ làm mọi việc ngài sai bảo.
– Thôi được. Ta sẽ nhận anh. Nhưng hãy nhớ rằng ta đã nói dứt khoát ta không trả công thừa đâu, mà ở chỗ ta anh là người thừa đấy.
– Xin đội ơn ông chủ. Tôi không đòi thừa đâu. Ông chủ trả cho bao nhiêu tôi cũng xin cảm ơn.
– Ở đây ta trả cho thợ cả bậc một 5 lia một ngày. Anh là thợ phụ nên ta trả cho 2 lia.
– Ông chủ định sao tôi cũng xin vâng ạ!
Được khích lệ bởi thắng lợi, ông chủ làm mặt nghiêm:
– Được! Còn điều này nữa: ngày làm việc ở chỗ ta không có định mức đâu. Nói cho mà biết, kẻo sau lại kèo nhèo. Mà ca cẩm nhiều thì chỉ tổ mệt xác thôi! Mỗi ngày phải làm việc tối thiểu là 11 tiếng!
– Cứ cho là 14 tiếng đi, thưa ông chủ. Chả lẽ làm việc nhiều, cánh tay bị khô đi hay sao?
Ông chủ không tin ở tai mình nữa.
– Hãy nghe đây, để sau này đừng nói là nghe không rõ. Chỗ làm việc chật và tối đấy!
– Thế nào cũng được ạ.
– À suýt nữa quên. Không được ứng lương trước đâu, hãy làm việc thử một tháng đã , và nếu ta hài lòng thì sẽ trả cho 2 lia một ngày.
– Ngài muốn thế cũng được.
– Tốt! Còn điều này nữa. Anh phải trả 20% lương về khoản khấu hao kỹ thuật và hao hụt nguyên liệu.
– Còn làm thế nào khác được, thưa ông chủ. Tất nhiên phải như vậy!
– Còn điều này…
– Tôi xin nghe!
– Ta tin nên giao cho anh – một người xa lạ, những cỗ máy cực tốt.
– Xin ngài cứ tin ở tôi .
– Phải nộp thuế về khoản đó đấy. Anh phải nộp 1000 lia.
– Thưa ông chủ, tôi xin nộp. Cha tôi có để lại một túp nhà xiêu vẹo. Tôi sẽ đem cầm đi và mang tiền tới.
– Vậy thì được. Hãy đi xuống xưởng mà làm việc!
Anh ta đi ra và một phút sau có hai người cảnh sát chạy xộc vào phòng, hổn hển nói:
– Thưa ngài, có một người mất trí vừa vào đây, anh ta trốn khỏi nhà thương điên. Chúng tôi tìm anh ta.
Dành thuận lợi cho các ngài cảnh sát
Tất cả! Từ nay tôi sẽ chỉnh đốn lại cuộc sống tất bật của tôi. Tôi sẽ sắp xếp những cuốn sách ngỗ nghịch của tôi thành hàng ngang! Thương thay cho các ngài cảnh sát , họ thường đến lục lọi, xáo trộn mọi thứ trong những chiếc va ly, những bao gói, những hòm rương cũ kỹ. Bạn hãy thử tìm một vật gì chẳng hạn trong cái đám đồ đạc phế thải ấy xem! Bây giờ tôi đã hệ thống lại những sách báo và vở ghi của mình. Chúng đứng thứ tự trên các giá. Tôi đã lập xong thư mục, hộp phiếu và các chú giải.
Nhà tôi được khám xét hàng tuần. Bây giờ các ngài cảnh sát có thể ung dung như lấy ở trên bàn của mình bất kỳ cuốn sách, bài báo nào của tôi mà họ thích.
Và tôi cũng đã lập xong thời gian biểu cho một tuần. Ngày thứ hai dành cho thẩm vấn. Đề nghị các ngài công tố phụ trách việc in ấn ở I-stan-bun từ nay chỉ gọi tôi lên thẩm vấn vào thời gian quy định. Làm thế nào khác được! Trật tự đòi hỏi như vậy!
Thứ ba dành cho việc khai cung tại nhà. Tôi có thể tiếp bất kỳ người nào muốn đến.
Thứ tư: khám xét nhà. Tôi tha thiết đề nghị các ngài cảnh sát chỉ đến gặp tôi vào ngày giờ quy định trong thời gian biểu.
Thứ năm, thứ sáu dành cho việc xét xử tại tòa án. Những ngày còn lại dành cho việc ra báo. Cần phải tiếp tục, vì không nên để cho một đám đông: cảnh sát , dự thẩm, công tố, quan tòa không có việc làm .
Nghĩ về cái chết của mình thật không có gì thú vị lắm, nhưng tôi chết, mọi người sẽ nói về tôi như sau: “Một con người có năng khiếu , làm chủ được ngòi bút. Nếu như không có tất cả những lần gọi ra tòa, khám xét, thẩm vấn và xét xử ấy thì ông ta đã thành nhà văn rồi…”
(2/8-83)
Nguồn: Tapchisonghuong.com.vn