LỜI THỀ CHÂN LÝ
Dưới triều đại đế chế Augustus trước công nguyên, một chàng trai La Mã thuộc dòng dõi quí tộc sắp sửa lên đường sang Hy Lạp chiến đấu. Theo nghi lễ hoàng gia, trước khi đi, chàng phải đưa người vợ mới cưới đến nhà thờ làm lễ, sau đó đến lò rèn đặt làm một chiếc quần đồng đóng đai lên nơi duy trì nòi giống của phụ nữ để giúp người vợ giữ trọn vẹn sự thủy chung với chồng. Vợ chàng là một vũ công xinh đẹp có trái tim rực lửa. Trong thâm tâm nàng căm ghét thủ tục này. Nàng cho rằng đây là thủ tục hủ lậu làm khổ người phụ nữ một cách dã man. Nàng đã âm thầm chống đối từ lâu. Một hôm nàng nói với chồng:
“Anh ơi, nghề vũ công của em mà mặc chiếc quần đồng vĩnh viễn trên người thì làm sao em múa được?”
Người chồng trả lời:
“Em phải thích nghi thôi. Luật vua không thể thay đổi”.
Người vợ nũng nịu:
“Em có đòi thay luật vua đâu. Em chỉ muốn anh lên thỉnh cầu vua cho em được đặc ân riêng thôi”.
Vừa nói nàng vừa ve vuốt chồng đắm đuối. Chàng nể tình, hứa với nàng:
“Để anh thử thỉnh cầu lên vua xem sao”.
Hôm chàng lên gặp vua, nàng đi cùng. Sau lời thỉnh cầu của chàng, nàng khóc sụt sùi xin vua cho nàng đặc ân được miễn mặc chiếc quần đồng để nàng có điều kiện phát triển nghề múa cho cung đình. Không ngờ vua đồng ý:
“Ta chấp nhận lời thỉnh cầu của thần nhưng ta ra lệnh cho hai vợ chồng thần phải tiến hành nghi lễ thề trước thần Sự thật”.
Thần Sự thật là một tảng đá cẩm thạch tròn lớn tạc hình mặt nạ có cái miệng sâu rất thiêng. Ai nói dối, thò cánh tay trái vào sẽ không rút tay ra được nữa. Buổi lễ thề được tiến hành trang trọng đúng nghi thức ngay tại quảng trường thần Sự thật trước sự chứng kiến của đội vệ binh hoàng gia và hàng ngàn dân chúng. Vị giáo sỹ tổ chức hành lễ trang trọng đọc luật thần Sự thật qui định: “Sau khi từ chiến trường trở về, người chiến binh đưa vợ đến bỏ tay vào miệng thần Sự thật. Những người vợ chung thủy sẽ rút tay ra bình yên. Còn những người vợ ngoại tình sẽ bị miệng thần Sự thật cắn chặt cánh tay trái rồi nuốt dần từng đoạn cho đến chết”.
Sau đó, vị giáo sĩ tuyên bố:
“Buổi lễ Thề bắt đầu. Xin mời bà An-na Mi-kê-li lên tuyên thệ”.
Từ khu vực dành cho gia đình, nàng lộng lẫy trong bộ váy qúi tộc dài màu trắng bước lên trước thần Sự thật giơ cao tay thề:
“Con An-na Mi-kê-li, vợ của chiến binh Pao-lô Bri-đi xin thề sẽ giữ trọn sự chung thủy với chồng. Nếu làm sai, con xin chịu sự trừng phạt theo luật của Thần”.
Ngày hôm sau, chàng lên đường. Nàng ở lại với đám học trò múa hát ngày đêm. Một tháng, hai tháng rồi ba tháng, tin tức về chàng cứ biệt tăm. Bốn tháng, năm tháng rồi sáu tháng, nàng đợi chàng nhưng vô vọng. Chàng như ngôi sao lạc trong vũ trụ không về. Đến tháng thứ bảy, không chịu nổi chờ đợi nữa, khát vọng ân ái bùng lên trong nàng như lửa đốt. Nàng là người đàn bà đẹp lại rất hấp dẫn. Xung quanh nàng có biết bao nhiêu gã đàn ông si tình cứ bám theo. Nhưng hình phạt của thần Sự thật kinh khủng quá khiến nàng lạnh buốt tim gan. Nàng cắn răng chống lại mọi sự cám dỗ bằng phương pháp tự hành xác mình. Nàng nằm lên giường ôm gối lăn lộn hàng chục vòng vẫn không ngăn được dục vọng ái ân. Nàng nhảy vào phòng tắm dội nước xối xả cũng thất bại. Bí quá nàng chạy rông ra đường như con điên cho đến lúc mệt quá ngồi thừ ra trên chiếc ghế đá trong công viên. Có lần nàng cuồng dại đã dùng cả những vật thể cứng để hành lạc gây thương tích nặng trên thịt da nàng.
Trong trường học của nàng, một ngày nọ bỗng xuất hiện một giáo viên dạy nhạc. Dáng người cao lớn và hào hoa. Hắn nhanh chóng đi vào lòng nàng bằng những bản tình ca do hắn sáng tác chỉ hát riêng cho nàng. Đặc biệt hắn luôn dành cho nàng ánh nhìn mê hoặc cứ như mơn man trên cơ thể nàng khiến cho trái tim cô đơn của nàng thổn thức. Một đêm mưa, hắn lén lút xuất hiện trong phòng nàng với bó hồng thơm ngát. Hắn cười rất tươi và âu yếm đặt lên môi nàng nụ hôn như có lửa. Lúc đó, nàng bỗng thấy đất trời nghiêng ngả. Nàng giống như con thiêu thân đang đốt hết mình. Và nàng đã trao cho hắn sự ân ái tuyệt vời. Nàng đã vi phạm lời thề thủy chung, lời thề với Thánh Thần, lời thề có tên gọi trong sổ sách hoàng gia: “Lời thề chân lý”.
Cuộc tình vụng trộm kéo dài được hai tháng thì bất ngờ chồng nàng trở về đúng nửa đêm. Nàng sung sướng đón chồng và thầm cám ơn trời đất cho nàng cơ hội tốt để xóa dấu vết. Nàng ôm chàng hôn như bão táp và xô chàng ngã xuống giường. Nàng lật chàng lên người nàng toan làm điều chồng vợ. Chàng nói:
“Chưa được đâu em. Ngày mai anh và em phải đến trình thần Sự thật đã”.
Đối với nàng có nỗi lo nào đáng sợ hơn nỗi lo này. Nàng chạy xuống bếp vừa khóc vừa nấu cho chàng món súp ăn tạm. Nàng vò đầu bứt tai. “Phải làm sao bây giờ?”. Đang trong lúc bí, nàng bỗng thấy mấy liều thuốc ngủ nàng vẫn dùng hàng đêm để trên bàn. Nàng vội vàng cho một liều vào bát súp mong chồng ngủ yên để nàng tính cách.
Đợi cho chàng ngủ say, nàng vớ vội chiếc áo khoác chạy một mạch đến thần Sự thật. Nàng nghĩ chỉ có cách duy nhất là thú tội với thần Sự thật và xin ngài tha thứ. Đêm đó, trong sương mù thành Rôm dày đặc, nàng quì gối trước thần Sự thật cầu nguyện: “Kính ngài! Con là An-na, vợ của chiến binh Pao-lô. Trước đây con có lời thề trước ngài, nhưng con đã không làm được. Chồng con đi thôn tính Hy Lạp biệt tăm gần một năm không về. Con là cô gái trẻ lãng mạn. Con không giữ nổi nên đã ngoại tình. Ngài xem ngực con căng tràn sự sống như thế này, thân thể con lúc nào cũng rực lửa như thế này”.
Vừa nói nàng vừa cởi bỏ các loại áo trên người:
“Nếu ngài không tin, con xin dâng ngài để ngài hiểu cho”.
Rồi nàng đứng dậy, hơi kiễng chân áp núm bồng đào tròn căng bên trái vào miệng thần Sự thật. Một luồng khí lạnh đi qua người nàng giống như lời cảm thông che chở. Mừng quá, nàng áp luôn núm bồng đào bên phải cũng tròn căng vào miệng ngài. Một vài giọt sữa non con gái thánh thiện ứa ra rơi vào miệng ngài thơm nức. Lần này nàng thấy hơi ấm từ miệng ngài lan vào cơ thể nàng giống như một lời cảnh tỉnh.
Bỗng nàng thấy trước mắt mình hiện lên vị thần uy nghiêm giống như Thần Dớt trong truyện thần thoại Hy Lạp. Thần Sự thật nói:
“Ta hiểu và thông cảm cho con. Ta biết lũ đàn ông xứ này chỉ say mê tìm kiếm vinh quang trong chiến trận mà bắt những người phụ nữ trẻ trung xinh đẹp như con phải oằn mình trong khát vọng ái ân; thậm chí có nhiều người phải gồng mình chịu đựng chiếc quần đồng nô lệ mang vĩnh viễn trên mình. Nhưng ta cảnh cáo con về hành vi dùng thân thể đàn bà làm vật chứng minh nguyên nhân phạm tội của con là không được. Hành động này là bất nhã, phạm thượng. Nhưng dù sao ta cũng cám ơn con vì con đã cho ta một thoáng chút ngọt ngào. Ta tuyên bố ta chỉ tha cho con lần này thôi. Nếu lần sau con phản bội lời thề chân lý, ta sẽ trị con theo luật thần đấy”.
Nghe thần nói, nàng vội vàng khoác lại chiếc áo rồi quì xuống lạy tạ:
“Con cám ơn ngài. Thế là ngài đã đồng ý rồi. Ngày mai đến đây, ngài tha cho con, đừng ăn tay con nhé”.
Xong xuôi, nàng chạy ào về nhà đánh một giấc ngon lành cho đến tận trưa. Khi tỉnh dậy, nàng thấy chàng đang ngồi cạnh. Nàng trách:
“Sao anh không gọi em dậy?”
Chàng trả lời:
“Thấy em ngủ ngon lành quá, anh không nỡ đánh thức”.
Rồi chàng giục:
“Bây giờ, chúng ta đi trình thần Sự thật. Em thay quần áo nhanh lên”.
Buổi lễ chứng giám trước thần Sự thật cũng đầy đủ nghi lễ như buổi lễ thề. Vị giáo sỹ lần trước tuyên bố lý do và mời nàng bước lên bỏ cánh tay trái vào miệng thần Sự thật. Giây phút hồi hộp nhất đối với chàng, nàng và dân chúng bắt đầu. Nàng vẫn thấy lo sợ. Ngập ngừng, nàng chỉ đưa bàn tay trái vào rồi rút ra đến mấy lần. Cuối cùng nàng mạnh bạo cho lọt cả cánh tay trái vào miệng Ngài. Khi có hiệu lệnh rút tay, nàng khẽ xoay xoay bàn tay trong miệng thần Sự thật. Không thấy đau. Nàng nhanh chóng rút cánh tay trái ra an toàn giữa tiếng hoan hô của rừng người trên quảng trường. Nàng sung sướng đến trào nước măt. Chồng nàng mừng hơn đã ôm lấy nàng hôn như mưa.
Ngày đó chàng và nàng đắm đuối không rời nhau.
Sống với nhau hạnh phúc được hai tuần, một hôm chàng nói:
“Tuần sau anh lại lên đường sang Hy Lạp”.
Nàng buồn bã:
“Anh sang đó để làm gì?”
“Để mang vinh quang về cho Đế chế La Mã”.
Nàng nói:
“Các anh sang đó giết chóc, cướp bóc và thôn tính nước người ta. Đó là cuộc chiến tranh xâm lược, sao lại cho là vinh quang?”
“Em nói năng lung tung rồi” – Chàng gắt: “Các anh sang đó để mở mang bờ cõi, đem của cải về xây dựng La Mã trở thành Vương quốc vĩ đại nhất thế giới. Em có biết phỉ báng Đế chế La Mã sẽ phạm tội gì không?”
“Tội chết anh ạ”.
“Đúng rồi, nhưng em có biết Đế chế La Mã sẽ xử tội chết bằng cách gì không?”
“Bằng bốn con ngựa phanh thây”.
Nàng trách:
“Các anh chỉ thích đánh nhau. Các anh chỉ thích những tấm huy chương trên ngực. Có bao giờ các anh nhìn thấy những tấm huy chương đó đã dính máu người bản xứ và máu của chính các anh không?”
“Em lại nói sai rồi” – Chàng ngắt lời: “Tấm huy chương là của vua ban tặng cho người có công trạng. Đó là niềm tự hào của những chiến binh như anh. Lẽ ra em phải tự hào chứ?”
Nàng trả lời:
“Không, em không thể tự hào được vì các anh có bao giờ nghĩ đến những người vợ phải mang chiếc quần đồng quanh năm suốt tháng trong khi phải đi, đứng, tắm rửa, ăn, nằm và lao động. Các anh có bao giờ nghĩ đến tuổi xuân của những cô gái trẻ phải quằn quại trong nỗi đau xa chồng lúc nào cũng khao khát được ái ân che chở”.
Rồi nàng kể những cuộc tự hành xác mình cho chàng nghe. Chàng ôm chặt nàng vào lòng động viên:
“Vợ của những chiến binh La Mã phải kiên cường như thế. Em hãy can trường lên. Đợi ngày chiến thắng anh sẽ đem vinh quang về cho em”.
Nàng dứt khoát:
“Lần này em không muốn anh ra đi nữa. Anh hãy ở lại cùng em nếu không em sẽ bị thần Sự thật cắn chặt mất cánh tay trái đấy”.
Chàng đề nghị:
“Nếu sợ, anh sẽ đưa em đến lò rèn để đúc cho em chiếc quần đồng truyền thống”.
Nàng phản đối:
“Không, em đã được vua ban cho ân huệ đặc biệt. Em sẽ không mặc chiếc quần nô lệ đó đâu. Em muốn anh lên gặp vua xin ở lại”.
Chàng quát:
“Em có biết đối với một chiến binh Lã Mã, sự đớn hèn đáng phỉ nhổ nhất là cái gì không? Đó là hành vi từ chối ra trận. Em đừng bắt anh phải làm sự đớn hèn đó”.
Nàng tỏ thái độ dứt khoát:
“Nếu vậy thì anh phải nghĩ cách. Anh phải cho em quyền được làm vợ làm mẹ. Sau năm tháng nếu anh không về chúng ta chia tay nhau”.
Chàng nổi nóng:
“Em có biết người đàn bà bỏ chồng là chiến binh La Mã sẽ phạm tội gì không?”
“Tội chết”.
“Biết vậy thì em đừng nói lung tung nữa”.
“Không! Em nói thật đấy. Em không nói là em bỏ anh mà em đề nghị anh giải phóng cho em thôi, anh ạ” – Nàng hạ thấp giọng: “Em yêu anh. Em không bao giờ có ý phản bội anh. Nhưng em là đàn bà. Em cần anh để đáp ứng cơn khát dục vọng và sinh con. Em sợ khi xa anh qúa lâu, ở một thoáng chốc nào đó, em không giữ nổi mình. Em sẽ bị thần Sự thật xử tội chết đấy”.
Cuộc tranh luận giữa hai vợ chồng nàng diễn ra khá căng thẳng. Nàng tóm vấn đề lại bằng công thức giữa nàng và chiến tranh chàng chỉ được quyền chọn một. Chàng khăng khăng chọn cả hai. Chàng chọn chiến tranh, đồng nghĩa với vinh quang ở phía trước và chọn nàng, đồng nghĩa với hạnh phúc ở phía sau. Với chàng, vinh quang và hạnh phúc là một cặp đôi không thể tách rời. Lập luận của cả hai đều có lý.
Cuối cùng nàng đề nghị đưa vấn đề này lên vua giải quyết. Chàng nói:
“Nếu đưa vấn đề này ra trước vua, chắc chắn em sẽ bị tử hình. Thôi phận đàn bà, em hay nghe anh đi”.
Nàng nói:
“Không. Em đã tính kỹ rồi. Cuộc chiến tranh mà anh đang theo đuổi là cuộc chiến tranh chết chóc cho cả hai bên. Việc em yêu cầu anh ở lại là để anh phụng sự xứ sở và vua, có ích hơn là đổ máu. Nếu vua giải quyết theo phương án của anh thì em tình nguyện được chết. Nếu vua chọn giải pháp của em thì anh và em sẽ là cặp đôi hạnh phúc”.
Ngày vua phán xét có quần thần rất đông. Họ đua nhau kết tội nàng vi phạm luật hoàng gia, đáng tội tử hình. Nàng chăm chú lắng nghe rồi thưa:
“Kính bệ hạ, con thấy mỗi quần thần ở đây đều có năm thê bảy thiếp mà không thê thiếp nào phải mặc chiếc quần đồng nên họ làm sao hiểu nổi nỗi đau của chúng con – vợ của những chiến binh La Mã. Con đề nghị bệ hạ ban chiếu điều các quần thần này sang Hy Lạp và vợ các quần thần này phải tuân theo luật mặc chiếc quần đồng như vợ các chiến binh”.
Đám quần thần la ó ỉnh ỏi. Họ nói nàng được vua ban ân huệ mà hỗn láo không thể chấp nhận được. Họ đề nghị vua xử trảm nàng ngay tức thì. Nàng cãi:
“Con nói là nói chung cho tất cả vợ các chiến binh La Mã. Chúng con đã phải xa chồng đằng đẵng. Chúng con cần sinh con để cung cấp nguồn lực cho hoàng gia. Con đề nghị cho lớp chồng con đợt này ở lại để làm tròn nghĩa vụ đại sự đúc giống cho hậu thế”.
Trước lý lẽ đầy thuyết phục của nàng, hoàng hậu, người vợ minh triết và xinh đẹp của vua tham gia buổi thiết triều đã dõng dạc tham kiến:
“Luật là luật chung cho mọi công dân không trừ một ai. Tôi là vợ vua, vợ một công dân La Mã, kể từ nay trở đi, những dịp vua đi xa không xác định được ngày về, tôi cũng sẽ mặc chiếc quần đồng và thực hiện các luật lệ vua ban. Những người đã hoàn thành sứ mệnh đi chiến trường rồi nên được xét ưu tiên cho ở lại để đúc nòi giống cho vương quốc”.
Đức vua là người nhân đức, biết phải trái, ngài cất tiếng nói:
“Ta thấy vợ chiến binh La Mã nói có lý. Ta đang tính đến kế sách luân phiên để đảm bảo tính công bằng trong vương quốc. Ta cũng đồng ý với đề nghị của hoàng hậu, kể từ nay trở đi, tất cả đàn bà của vương quốc khi chồng đi xa đều phải mặc quần đồng. Tuy nhiên, ta thấy rằng mặc quần đồng là tục lệ đã quá cũ. Ta đang định thay vào đó một tập tục khác văn minh và nhân bản hơn. Ta lệnh cho các quần thần nghiên cứu trình ta các giải pháp mới. Các quần thần có ai bổ sung ý kiến gì không?”.
Cả phòng thiết triều im lặng. Nàng tiến lên cúi đầu:
“Kính thưa đức vua, cho con trình thêm một đề nghị nữa”.
Vua gật đầu đồng ý. Nàng từ tốn nói:
“Thần Sự thật là một đấng linh thiêng. Ngài là biểu tượng của cái cao cả, tối thượng. Hành vi đặt tay đàn bà vào miệng ngài là bất nhã, phạm thượng. Theo con nên bỏ tục lệ thề này”.
Đức vua nhìn nàng với ánh nhìn trìu mến. Đức vua thấy nàng là người đàn bà thông minh, có những ý tưởng độc đáo. Đức vua phán:
“Ta sẽ nghiên cứu các đề nghị này và sẽ quyết vào buổi chầu ngay mai. Bãi triều”.
Nàng hớn hở cùng chồng trở về nhà. Con đường như trải rộng ra trước mắt. Gió lồng lộng thổi trên quảng trường. Đi qua chỗ hòn đá cẩm thạch, nàng kéo chồng bước thật nhanh. Cái miệng thần Sự thật sâu hun hút. Nàng hốt hoảng vô tình sờ lên cánh tay trái, bỗng dưng lạnh gai người…
Bà nép nhẹ vào ông. Sau hai mươi ba năm mất chồng, sống đơn côi, lặng lẽ nuôi hai cô con gái lớn khôn, bây giờ bà mới dành ít thời gian cho riêng mình.
Ông cũng giống bà, mất vợ đã hai lăm năm, không đi bước nữa mà ở vậy nuôi hai cậu con trai trưởng thành. Trước cử chỉ bất ngờ và yêu quí của bà, ông như chàng trai mới bắt đầu yêu. Ông ôm chặt bà đến mức bà phải hơi cựa mình và ngửa mặt nhìn ông: “Nhẹ thôi anh”.
Ông xoay người bà ép sát vào ngực mình rồi cười: “Bà thấy tôi còn sung sức không”. Bà im lặng, vòng tay ôm ông âu yếm như một lời thừa nhận. Ông sung sướng đặt lên tóc bà những nụ hôn của vị tướng già cường tráng. Để chứng minh cho sức khỏe của mình, ông bế bổng bà đặt lên mặt sập gụ nơi ông vẫn nằm xem vô tuyến. Bà nồng nhiệt đáp lại những cử chỉ yêu thương của ông như một cô gái trẻ.
Nhìn ông bà say đắm bên nhau, ai dám tin rằng tình yêu của lớp tuổi về hưu lại thiếu lửa.
Bà là bạn chí cốt của Hương, vợ ông. Thời mới là Trung uý đơn vị pháo binh đóng ở đầu cầu sông Đuống, ông quen hai cô nữ sinh y khoa Hà Nội đến giao lưu văn nghệ. Ông không ngờ, sau đó cả hai đều yêu ông, chàng sỹ quan trẻ đẹp trai, hát hay, đàn giỏi. Nhưng Hương mạnh dạn thổ lộ tình yêu với ông trước và được ông chấp nhận. Thế là Mai lặng lẽ gạt nước mắt mừng hạnh phúc cho bạn. Bây giờ cảnh ngộ đã đưa hai người gắn bó với nhau như một sự tiếp nối trên đường đời. Bỗng ông nói giọng nghiêm trang:
– Mai này.
– Gì anh?
– Anh muốn cưới Mai làm vợ, em có đồng ý không?
Mai cười:
– Anh hỏi làm gì nữa.
– Nếu vậy, em về bàn với hai cô con gái của em. Anh sẽ bàn với hai cậu con trai của anh. Sau đó ta chọn ngày cưới nhé?
– Em đồng ý.
– Chúng ta sẽ tổ chức đám cưới chỉ gói gọn trong hai gia đình và một ít bằng hữu thôi nhé?
– Tuỳ anh mà.
*
Về nhà, bà gọi hai cô con gái vào phòng riêng. Bà chưa nói hết lời, cô con gái đầu đã ngắt lời bà:
– Mẹ ơi, bạn mẹ có phải là bác Tuệ không?
Bà gật đầu. Cô con gái thứ hai reo lên:
– Ai chứ bác Tuệ thì con ủng hộ toàn phần. Chị Thu ơi, chị cũng ủng hộ mẹ trở thành phu nhân của tướng quân đi.
Bà dí ngón tay trỏ vào trán cô con gái thứ hai:
– Con chỉ được…
Thu nhìn mẹ xúc động:
– Mẹ ơi. Cả đời mẹ vất vả với con và em Hiền rồi. Bây giờ mẹ có người bạn theo chúng con là lý tưởng. Mẹ hãy cùng bác Tuệ tổ chức đám cưới đi. Chúng con ủng hộ tuyệt đối.
Rồi cả hai ào vào ôm mẹ. Thu nhanh tay hơn ôm trước. Hiền không chịu ôm vòng ngoài nũng nịu:
– Chị Thu ôm chồng cả ngày rồi phải nhường em ôm mẹ chứ.
Thu đanh đá không kém:
– Những tháng năm tới, em sẽ ôm chồng em còn nhiều hơn cả chị. Em thuộc về thế hệ tương lai mà. Bây giờ em phải theo luật mạnh ai nấy được, em mà tranh chị là phải đòn đấy.
Thấy hai con yêu mình, bà xúc động kéo hai con vào lòng:
– Mẹ yêu Thu và Hiền lắm. Mẹ cám ơn hai con ngoan của mẹ.
*
Cùng lúc đó, ông ngồi bàn với hai con trai. Ông nói có vi có vạt:
– Ngày mẹ hai con mất, mẹ nắm tay ba trăng trối: “Anh là đàn ông lại phải nuôi hai con nhỏ. Anh không thể ở vậy được. Chờ hết giỗ đầu của em, anh cưới ngay cô vợ mới. Nguyện vọng của em là người vợ mới phải yêu anh và yêu hai đứa con của anh. Anh hứa với em đi. Lúc đó ba đã hứa. Nhưng về sau nghĩ lại, ba làm sao tìm được người yêu hai con như con đẻ của mình được. Vì thế ba đã ở vậy dựa thêm sự giúp đỡ của ông bà nội, ngoại nuôi hai con nên người. Bây giờ hai con đều là tiến sỹ. Tuấn đã có vợ con. Toàn cũng đã có vợ. Trước ngày cưới của Toàn, ba bán ngôi nhà của mẹ do ông bà ngoại để lại. Ba đã mua cho hai con mỗi đứa một ngôi nhà trăm mét vuông bốn tầng mặt phố, đã sắm sanh đầy đủ nội thất bên trong, mua hai ô tô riêng cho các con đi làm và đã trao cho mỗi con một tỉ đồng làm vốn ban đầu. Ba nghĩ thế là ba đã làm tròn lời trăng trối của mẹ các con trước lúc mất. Còn vế thứ hai, bây giờ ba mới có điều kiện để thực hiện. Ba đã làm lễ xin phép mẹ các con rồi. Ba định tháng tới sẽ tổ chức đám cưới với bác Mai. Ý các con thế nào?
Có một điều ông không biết. Đó là khi nghe tin ông cưới vợ, hai con ông đã họp khẩn cấp bàn đối sách. Hai con ông thống nhất quan điểm để ông mang bất cứ người đàn bà nào mà ông thích về sống tại ngôi nhà nhưng không làm đám cưới. Lý do rất đơn giản, ngôi nhà ông đang sống được nhà nước cấp cho nằm ở khu phố cổ giá triệu đô. Chúng không muốn ngôi nhà đó rơi vào bất cứ ai ngoài ông và chúng. Vì thế người anh nói ngay sau khi ông dứt lời:
– Con ủng hộ việc ba lấy vợ. Nhưng con nghĩ, tuổi ba đã cao rồi, việc tổ chức đám cưới là không cần thiết. Ba thích ai, cứ đưa người đó về nhà. Khi không thích, ba lại tìm người mới. Như thế hay hơn ba ạ.
Cậu em đế thêm:
– Anh Tuấn nói đúng đấy ba ạ. Tuổi của ba bây giờ làm gì có chuyện yêu đương. Ba cứ chung sống với người ta như vợ chồng là được. Điều đó không vi phạm gì đến luật pháp cả.
Nghe hai con nói, ông hấp háy đôi mắt cay nồng vì nỗi buồn đắng chát. Ông thấy khó chịu vì chúng đã xúc phạm tình yêu giữa ông với Mai. Ông hiểu hai con ông ở tính ích kỷ, vụ lợi nhưng không nghĩ lại tồi tệ đến mức như thế. Ông kìm mình hỏi:
– Hai con không ủng hộ ba làm đám cưới vì căn nhà phải không?
Tuấn không trả lời mà nói:
– Ba có biết căn nhà này giá bao nhiêu tiền không? Hơn một triệu đô la Mỹ đấy ba ạ.
Toàn chen vào:
– Tính ra tiền Việt hơn hai mươi tỉ. Đó là khoản tiền rất lớn. Theo con ba nên giữ cho nhà ta.
Không thể chịu đựng nổi cách suy nghĩ sặc mùi tiền của hai con, ông nói rõ ý định nung nấu bây lâu của ông:
– Các con biết không, căn nhà bán đi là của ông bà ngoại được nhà nước phân theo tiêu chuẩn dành cho cán bộ cao cấp. Ba đã bán và đã phân chia đầy đủ cho các con. Căn nhà này của ba cũng được nhà nước phân cho. Ba thấy nhà mình quá may mắn. So với mặt bằng chung của xã hội, phần các con được hưởng lộc nhà nước là rất cao. Ba sẽ viết di chúc để lại ngôi nhà này cho phường làm nhà trẻ sau khi ba và bác Mai mất. Vì thế ngôi nhà này về tương lai thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Các con đừng nghĩ về ngôi nhà này nữa.
Tuấn nói giọng có phần gay gắt:
– Con thấy trên ngực ba đã đeo đầy huân chương từ thời chống Pháp, chống Mỹ đến thời đổi mới. Bây giờ ba cần thêm huân chương làm gì nữa cho nặng người.
Toàn tiếp lời:
– Ba định đặt tên ba cho nhà trẻ đó để lưu danh sử sách chứ gì? Theo con cách làm đó xưa lắm rồi chẳng hay ho gì đâu ba ạ.
Không thể chịu nổi sự xúc phạm hỗn láo của hai đứa con tiến sỹ, ông quát:
– Thôi im đi. Hãy về suy nghĩ rồi sớm cho ba biết ý kiến của hai con về đám cưới vào tháng sau của ba.
Vừa nói ông vừa đi vào buồng đóng cửa lại. Đợi cho chúng nó đi xa, ông mở cửa đi ra phố cho khuây khỏa. Ông đi vô định. Ông lê bước thế nào lại đến trước cửa nhà bà. Ông ấn chuông. Bà chạy ra mở cửa. Thấy nét mặt ông buồn, bà nắm tay ông an ủi rồi chạy vào bếp đưa ra cho ông cốc nước cam mát lạnh. Ông kể lại cho bà nghe câu chuyện giữa ông với hai con trai. Bà giục ông uống nước rồi nhẹ nhàng:
– Anh ạ. Con dại cái mang. Cứ từ từ phân giải rồi chúng nó sẽ hiểu thôi.
Khi ông đến, Hiền ở trong nhà định ra chào nhưng thấy ông và mẹ đang trò chuyện nên thôi. Hiền đã nghe được câu chuyện của ông nên bí mật gọi điện cho chị. Hai chị em thì thầm to nhỏ rồi quyết định sẽ gặp ông. Khoảng mười phút sau, Thu đến. Hai chị em ra phòng khách chào ông rồi xin được có ý kiến. Thu nói:
– Bác Tuệ ạ. Cuộc đời của bác và mẹ cháu vất vả vì chúng cháu quá nhiều rồi. Bây giờ bác và mẹ cháu mới nghĩ được cho mình. Chúng cháu mừng lắm. Chúng cháu xin kiến nghị thế này. Sau lễ cưới, chúng cháu mời bác về ở ngôi nhà mẹ cháu. Chúng cháu sẽ nhập hộ khẩu và đưa tên bác vào sổ đỏ căn nhà này. Còn ngôi nhà trên đó, bác quyết thế nào chúng cháu đều ủng hộ. Chúng cháu hoàn toàn tin bác. Bác đồng ý bác nhé?
Bà nhìn ông động viên:
– Cháu Thu có nhà riêng rồi. Căn nhà một trăm bốn mưới mét vuông này có hai cửa đi riêng. Hiền lấy chồng có thể ở đây với chúng ta nếu hai cháu muốn. Anh đừng băn khoăn gì nữa. Anh nhanh chóng thu xếp chuyện nhà trên đó rồi xuống đây với em anh nhé?
Biết giải thích như thế nào được đây. Cùng cảnh ngộ nhưng có hai cách xử lý trái ngược nhau. Hai con trai ông học vấn cao nhưng tầng văn hoá thấp. Hai con bà học vấn bình thường nhưng tầng văn hoá hơn bội phần. Ông quyết định về gọi hai con đến cho chúng sáng mắt ra.
Vừa pha ấm trà thật ngon vừa kể lại cho hai con nghe ý kiến của bên nhà bà, ông không ngờ cậu trưởng đã hoan hỷ vồ lấy tán thưởng ngay:
– Hay quá ba ạ. Ta bán căn nhà này được khoảng trên hai mươi tỷ. Ba cầm bảy tỉ xuống đó gửi tiết kiệm chắc chắn sẽ sống rất thoải mái.
Cậu em vui vẻ không kém:
– Gửi tiết kiệm bảy tỉ bây giờ mỗi tháng ba thu lời gần bảy mươi triệu đồng. Với số tiền đó, hai ông bà tha hồ đi du lịch thế giới.
Đến lúc này, ông mới thực sự hiếu rõ tấm lòng của hai đứa con ông. Khi trong đầu chúng, căn nhà triệu đô đã án ngữ thì mọi giá trị khác không tồn tại. Vì căn nhà triệu đô, chúng nó chỉ ủng hộ ông cưới vợ khi ông rời ngôi nhà xuống ở nhà vợ. Thật không thể nào chấp nhận được. Ông bỏ vội ấm trà xuống bàn nhìn hai con trai như nhìn một vật thể từ trên trời rơi xuống. Ông bình tĩnh một cách lạ lùng:
-Tôi nói lại với hai anh lần cuối. Căn nhà này sẽ không thuộc về tôi, về bác Mai và về hai anh mà sẽ thuộc về Uỷ ban nhân dân phường Hoàn Kiếm. Nếu tôi đồng ý phương án xuống ở nhà bác Mai thì căn nhà này sẽ thuộc UBND phường Hoàn Kiếm sớm hơn. Tôi chỉ cần hai anh trả lời ủng hộ hay không ủng hộ đám cưới giữa tôi với bác Mai. Nếu ủng hộ, hai anh tham gia với tư cách là thành viên gia đình. Nếu không ủng hộ, tôi cấm hai anh làm bất cứ điều gì có hại cho đám cưới của tôi.
Mặt hai đứa con ông biến sắc, tái nhợt. Cậu trưởng giọng cay nghiệt như kim châm:
– Ba ơi, không ai vất đi khoản tiền hàng chục tỉ đồng qua cửa sổ như thế. Ba phải vì các con và các cháu của ba nữa chứ.
Cậu hai tưng tửng:
– Ba cho con nói thật lòng được không?
Ông khoanh tay, ngả người lên thành ghế nhắm mắt:
– Anh nói đi.
– Nhưng trước khi nói cho con xin lỗi ba ngàn vạn lần.
Căn phòng thoáng rộng nhà ông bỗng trùng xuống. Bầu không khí như nghẹt thở. Cậu hai tiếp tục:
– Con cho rằng việc làm của ba là cực kỳ ngu xuẩn không thể chấp nhận được trong thời buổi hiện nay.
Nghe sự kết tội kinh hoàng của hai đứa con, ông đau đến buốt tim nhưng bỗng thấy đầu óc sáng choang. Như vậy, ông có đủ lý do để kết luận hai đứa con ông chỉ vì tiền chứ không hề vì ông một chút nào. Chúng dễ dàng phủ nhận thực tế ông đã bỏ gần nửa đời tuổi xuân của ông vì chúng và sẵn sàng tung ra những ngôn từ bụi đời chửi ông như chửi một tên vô lại. Ông đứng dậy, lặng lẽ bước đến bàn thờ thắp nén nhang cho vợ rồi khấn:
– Bà đã chứng giám tất cả rồi đấy. Bà thứ lỗi cho tôi là đã nuôi dạy hai con không đến nơi đến chốn. Cha mẹ sinh con trời sinh tính. Biết làm thế nào được hả bà. Bây giờ hai con đã trưởng thành, tôi đành để hai con tự đứng trên đôi chân của mình. Tôi xin lỗi bà và mong bà tha thứ. Hôm nay tôi báo bà biết là tôi và Mai, bạn tri kỷ của bà sẽ tổ chức cưới vào tuần đầu tháng tới. Nếu đồng ý bà hãy cho tôi biết nhé.
Bỗng bát hương thờ bà cháy bùng thành ngọn lửa làm hai đứa con bà phát hoảng lùi lại. Ông chắp tay cúi lạy:
– Tôi cám ơn bà.
Quay về phía hai con, ông nói:
– Các anh về đi.
Tôi đi dọc theo triền cát sát mép biển.
Những con sóng nhỏ từng đợt nối nhau mơn man lên đôi bàn chân trần êm êm, mườn mượt như bộ lông xù của chú chó nhỏ đùa nghịch mỗi lần tôi trở về nhà. Gió vẫn miên man thổi mang cái mặn mòi, ươn ướt ướp lên mặt, lên tóc. Thỉnh thoảng tôi lại ngỡ ngàng phát hiện ra trước mũi chân mình dăm ba vỏ sò, vỏ ốc xinh xinh như những món quà của thần biển dâng tặng con người. Trước mặt tôi là rừng phi lao đang vi vu ca hát điệu buồn muôn thuở của sự trống vắng, cô đơn trước cái mênh mang của trời, của nước. Nắng cũng vừa lên, tôi nẩy sinh ý nghĩ sẽ đi vào rừng phi lao, tìm một bãi bằng, quơ lá phi lao lại lót thành cái nệm và nằm xuống.
Khi từ mép sóng đi lên, tôi bỗng thấy thấp thoáng trong rừng phi lao một người con gái. Tôi nhìn quanh không thấy bóng một người nào nữa để chứng tỏ nàng có đôi? “Thế thì hay quá, biết đâu tôi lại tìm được người bạn khác giới cũng cô đơn như tôi để hàn huyên”. Vừa nghĩ tôi vừa bước lại gần. Người đàn bà khoảng ngoài ba mươi tuổi, da trắng, xinh đẹp, trông có nét gì đó hoang dại đang ngồi mê mải nghịch cát. Những ngón tay thon thon của nàng đang vun cát xây lâu đài cổ tích trông ngồ ngộ. Những trò này hầu như ai đến với biển cũng đều làm, nhưng thường thì họ đi đông người, cùng thi nhau ai làm được lâu đài cao hơn, đẹp hơn. Còn đây chỉ có một mình người đàn bà mải mê, chắm chú… Tôi vô tình giậm phải một cành phi lao gây ra tiếng động làm người đàn bà giật mình quay ngoắt lại. Khi phát hiện ra tôi, người đàn bà đứng dậy không phải để trốn mà phóng vào tôi ánh nhìn như có lửa. Tôi đứng im chưa kịp lên tiếng thì bị ngay một nắm cát từ tay người đàn bà tung thẳng vào mặt, may tôi nhắm mắt kịp. Vừa ném, cô ta vừa chửi:
– Mày là thằng khốn nạn! Mày là thằng giết người…
Tôi trố mắt ngạc nhiên như để phân bua và cũng tính bài “chuồn” vì chợt nhận ra rằng trước mặt mình là người không bình thường về thần kinh. Tôi thối lui thì cô ta tiếp tục đuổi theo, vừa ném cát vào người tôi vừa chửi: “Mày, mày là thằng khốn nạn, khốn nạn… Tao căm thù mày, tao sẽ giết mày”. Tôi đang cố gắng thoát khỏi tầm “truy kích” của cô ta thì chợt thấy một người đàn ông từ phía biển lao tới. Chột dạ nghĩ: “Gặp họa rồi, lỡ người ta tưởng mình trêu ghẹo gì cô ấy thì biết ăn nói thế nào”. Tôi đang tính dừng lại thanh minh thì người đàn ông đã quát lớn: “Trà Mi! Không được làm vậy…”. Quát xong, ông ấy quay sang tôi nói: “Thành thật xin lỗi và mong ông bỏ quá cho… đừng chấp, cháu nó bị tâm thần ấy mà…”
Biết tôi băn khoăn, người đàn ông từ tốn giải thích:
– Cháu bị tâm thần sau một sang chấn tâm lý. Tôi đã đưa cháu nằm viện hai năm. Gần một năm nay, theo lời khuyên của bác sĩ, tôi cho cháu đi nghỉ ở biển. Đúng là ở biển cháu có đỡ hơn rồi đấy. Trước đây hễ cứ gặp người đàn ông nào cháu đều đến để chửi bới, thậm chí còn lao vào đánh đập họ nữa. Hôm nay vì anh ăn mặc quần áo tắm nên cháu lại lên cơn. Có gì anh thông cảm. Tôi là cha của cháu đây mà.
Vừa nói, tôi và người đàn ông vừa đi ra phía biển. Thâm tâm tôi thấy có điều gì đó như là nuối tiếc. Một người con gái đẹp, một đôi mắt thông minh, sang chấn tâm lý đến mức nào mà ra nông nỗi? Nghĩ vậy nên tôi nói:
– Tôi cũng biết một chút về tâm lý học thần kinh, nếu… không có gì bất tiện, ông cho tôi biết nguyên nhân dẫn đến bệnh tật của cô ấy không?!
– Anh có thời gian không? – ông già không trả lời mà hỏi lại.
– Có chứ, tôi nghỉ ở đây những một tuần.
– Cũng không có gì bí mật, nhưng… đây là một câu chuyện tình buồn, thôi thì tôi cứ kể ra, còn như thế nào thì tùy anh và người đời phán xét…
*
Cháu tên là Trà My. Ba mươi mốt tuổi, đã có chồng và hai con đẹp như thiên thần…
Do hoàn cảnh gia đình, cháu phải bỏ học để đi làm. Dạo đó, cháu còn bé dại. Lợi dụng điểm yếu này, tên đội trưởng phụ trách đã dồn cháu vào bước đường cùng. Khi việc đã rồi, chúng tôi đành phải chấp nhận cho nó làm chồng con bé, dù biết trước rằng con mình sẽ khổ. Nhưng đâu ngờ nó lại khổ đến mức này… – Ông già kể trong tiếng nấc…
Lấy cháu về, nói đúng hơn là cướp cháu về, hắn chỉ có biết phá mà không biết xây. Hắn thô lỗ, nghiện ngập, ăn nói văng mạng, vô trách nhiệm. Trong khi đó, cháu cam chịu, tần tảo. Cháu nghĩ rằng, bằng tình thương trao gửi hết lòng cho hắn, cháu sẽ cải tạo được hắn. Nhưng cháu đã vỡ mộng. Suốt mười năm trời chung sống với hắn, cháu phải dằn lòng trong nỗi ghê sợ. Cứ mỗi lần nhìn hắn cầm bát ăn hùng hục, uống nước ừng ực, nhăn nhở cười là cháu thấy rùng mình. Nhất là những lúc ân ái, hắn như một con vật lao theo sở thích riêng, thô bạo đã khiến cho cháu hoảng loạn, đau đớn. Nhưng rồi cháu cũng đành phải nhắm mắt cam chịu. Kết quả hai đứa con đã ra đời. Có lẽ số phận của cháu sẽ tiếp tục buông trôi nếu không có cái đêm hôm ấy. Cái đêm khủng khiếp. Hắn trong tư thế say khướt, nôn ọe đầy người đã được một thanh niên bảnh trai, lịch sự vác từ quán bia về nhà cháu. Anh thanh niên đó đã hết lòng chăm sóc hắn, rồi nhẹ nhàng hướng dẫn cho cháu cách dùng vôi bôi vào gan bàn chân để chống say. Trước khi ra về, thấy áo anh thanh niên bị dính nhiều vết bẩn, cháu đã giúp anh tẩy sạch những vết bẩn đó. Sau lần ấy, cháu cảm thấy mến anh thanh niên. Qua vài ba lần tiếp xúc về sau, cháu yêu thật và cũng được anh thanh niên đáp lại. Như một sự mất mát quá nhiều nay được đền bù, cháu yêu đến si mê. Thỉnh thoảng hắn đi làm ca đêm, cháu đã chủ động gọi người thanh niên đến. Mối tình vụng trộm này kéo dài được một năm thì rồi “cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”. Gã chồng lơ mơ cảm nhận mình bị cắm sừng. Một hôm hắn đột ngột bỏ ca đêm trở về, hắn đã tận mắt chứng kiến cảnh vợ hắn đắm say với người tình mà trong đời chưa một lần hắn được hưởng. Máu sôi sùng sục trong đầu, hắn lao xuống bếp lấy con dao bổ củi đến sát giường vợ hắn và anh thanh niên đang mê man không biết gì. Hắn đưa cao con dao nhằm hai mái đầu như dính chặt vào nhau bổ xuống. Nhưng hắn bỗng dừng tay lại. Mặt hắn tía lên những ý nghĩ ma quái: “Không thể để cho chúng chết ngon lành thế này được, phải cho chúng chết cách khác xứng đáng hơn”. Nghĩ thế hắn lặng lẽ nhặt quần áo vợ và người thanh niên giấu xuống gầm giường rồi đặt con dao ngay trên cổ hai người. Xong đâu đấy hắn ho lên một tiếng. Thấy động cả hai người mở bừng mắt định choàng dậy nhưng bị con dao của hắn ấn xuống. Chưa kịp hoàn hồn, mặt hai người tái dại vì câu nói ghê rợn của hắn:
– Chúng mày muốn chết hay muốn sống?
Không ai trả lời. Hắn vung con dao lên. Cả hai nhắm nghiền mắt lại. Thấy thế hắn hầm hừ như lão phù thủy trong phim thần thoại:
– Muốn sống đứng lên ra bàn kia ngồi. Đứng lên!
Cả hai nghe theo lời hắn, khép nép ra bàn ngồi.
Lúc đó, hắn như tên đao phủ. Hắn đưa cặp mắt long sòng sọc lướt trên cơ thể trần truồng của hai người rồi hất hàm hỏi anh thanh niên:
– Mày có tiền không?
– Có – Anh thanh niên lắp bắp.
– Có nhiều không? – Hắn đập tay xuống bàn nói như gào lên.
– Có nhiều ạ.
– Tốt – Hắn lạnh lùng – Thế này nhé, cứ mỗi tháng mày phải nộp cho tao đủ số tiền bằng sáu mươi bát phở. Chừng nào tao bảo thôi mới được thôi nghe chưa?
– Vâng!
– Bây giờ với mày coi như xong, tao tha cho về. Nhớ ngày mai đến nộp khoản tiền đầu tiên. Nhớ chưa, nếu trái lời tao sẽ giết mày ngay lập tức. Nhớ lấy!
Còn đối với vợ hắn thì đêm đó là một cực hình. Hắn làm đủ trò để chứng minh vợ hắn là một con vật.
Ngày hôm sau, người thanh niên đưa tiền đến. Hắn lôi vợ như một xác chết trên giường ngồi dậy, rồi gọi hai con đến và nói:
– Bố cho hai con tiền đi ăn phở. Đây là tiền mẹ con làm thêm.
Hai đứa con không hay biết gì reo toáng lên hoan hô trong khi đó người mẹ gục xuống ngất đi.
Ngày hôm sau, cảnh đó lại diễn ra. Có điều lần này hai đứa con được mẹ dặn dò không dám đi nhưng đã bị hắn cho mỗi đứa một cái bạt tai trời giáng nên phải khóc cầm tiền ra đi.
Hình phạt tra tấn này kéo dài khoảng hai tháng. Trong suốt thời gian đó cháu đã van xin hắn nhiều lần mong hắn tha cho hoặc nếu không tha thì giết đi chứ đừng làm như thế, không chịu được. Nhưng hắn nào có nghe. Mặt hắn vẫn lạnh như tiền. Cuối cùng không chịu nổi, cháu đã trở thành điên dại. Đến khi đó chúng tôi mới biết và đưa cháu về trị bệnh. Thôi thì biết sao được, âu cũng là số kiếp một đời người, chúng tôi đành chấp nhận vậy thôi…
– Sang chấn nào thì phải dùng đến phản lực của sang chấn đó.
– Ý anh là…?
– Tôi muốn biết thái độ người tình của cô ấy hiện giờ…?
– Chúng nó vẫn còn yêu nhau, tôi tin đó là tình yêu đích thực, nhưng con tôi không có… phúc…
– Đòn thù thì chắc nó đã trả xong, tốt nhất là ông hãy bàn với nó cho ly hôn, biết đâu…
– Tôi cũng có nghĩ đến… nhưng thương hai cháu nhỏ nên thôi.
Tôi động viên:
– Sống tách khỏi người bố độc ác như thế mới là cách thương hai cháu và đó còn là giải pháp tốt để may ra chữa lành bệnh cho con gái ông.
*
Câu chuyện về người đàn bà điên vì đòn tình luôn ám ảnh tôi. Và hình như chỉ có quỷ mới nghĩ ra được trò trả thù thâm độc đến như vậy, mỗi lần cứ nghĩ đến chuyện ấy tôi lại không thôi rùng mình kinh hãi. Rồi cuộc sống của người đàn bà và hai cháu nhỏ sẽ ra sao khi họ cứ mãi sống chung một mái nhà với con quỷ đội lốt người.
Và rồi cuối cùng tôi đã có câu trả lời. Mùa hè qua, tôi lại trở về với biển xưa và thấy lon ton trên bãi cát vắng là ba đứa trẻ đang nô đùa. Tôi gặp lại người đàn bà điên năm xưa đang ngồi nghịch cát cùng người đàn ông trẻ khoẻ mạnh. Cả hai thi nhau xây những lâu đài cát. Điều kỳ lạ là lâu đài cát của người đàn bà điên được xây nhanh, cao to và rất đẹp. Thấp thoáng phía xa, dưới rặng phi lao, ông già năm nào đang ngồi vuốt râu nhìn ra biển cả bao la với nụ cười viên mãn.