Đọc văn của Nam Ninh khiến cho người đọc cảm nhận được đầy đủ sự hoài cổ của một “tâm hồn say chữ”. Cái nét hoài cổ ấy điềm tĩnh, đĩnh đạc trong từng câu chữ. Bảy ngày mở hội; Đất tụ long là cách tiếp cận và viết về lịch sử vừa cũ lại vừa mới. Văn Nam Ninh không nệ sử mà đi theo hướng lấy cái cốt lịch sử để nhìn nhận bằng con mắt riêng đầy sáng tạo của mình. Còn viết về mảng đề tài xã hội lại mang một nỗi buồn thăm thẳm, day dứt khôn nguôi. tonvinhvanhoadoc.vn xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc chùm truyện ngắn của nhà văn Nam Ninh.

 

Nhà văn Nam Ninh


BẢY NGÀY MỞ HỘI

 

Đầu xuân Tân Hợi (1251), vua Trần Thái Tông tự viết bài minh để dạy cho các hoàng tử về điều hay lẽ phải ở đời. Vua ban rằng:

“Ta ngày đêm suy ngẫm, viết ra ngàn chữ mà chưa nói hết lòng, nghĩ đến chữ hiếu, chữ trung thấy còn hạn, phàm làm đấng quân vương, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, tâm thiên hạ là tâm của mình. Nghe bọn sứ thần kể rằng, ở tận vùng Hoa Bắc có nạn người Mông, chiếm thổ từ Đông sang Tây, ta chạnh nghĩ, rồi đây nhỡ Đại Việt lâm nạn, liệu có còn những danh tướng như Lý Thường Kiệt thuở nào, các hoàng tử đã nghĩ tới vận hạn này chưa?”

Các hoàng tử tâm sự đêm ngày, mộng ước làm người chính danh.

Chọn ngày lành, vua gả công chúa Thiên Thành cho Trung Thành Vương, chàng phò mã tương lai được Thái sư Trần Thủ Độ chọn dâng nằm trong số ba mươi người, đều là con các thân vương trong hoàng tộc. Chàng mỏng người, mặt sáng, kiến văn sâu rộng, khí chất tinh thông.

Vua ban mở hội suốt bảy ngày đêm, bày nhiều đồ vật quý báu về lễ kết tóc và nhiều trò chơi cho người trong triều, ngoài nội đến xem. Trước ngày cưới nhà vua ban cho công chúa sang ở nhà Nhân Đạo Vương, bố của Trung Thành Vương.

Vì sự kiện này mà quan chép sử Trần Phu, trầm ngâm, quệt bút tới ba lần rồi đành viết: Thái Tông nghe Thủ Độ xếp đặt đã rồi, nhưng lại làm chẳng đúng tôn ti, chưa cưới bệ hạ đã cho công chúa về nhà bố chồng, thì lệ xưa nay đâu có vậy?

*

Ngày đầu tiên trong tuần mở hội, là lễ rước công chúa về nhà bố chồng tương lai Nhân Đạo Vương. Công chúa thường ngày mặt sáng như trăng rằm, môi mọng như trái chín, dáng vóc thanh tao, bước đi nhẹ nhàng, vậy mà hôm nay mặt hoa ủ dột, chẳng nói chẳng rằng, mắt như ngân ngấn lệ. Công chúa không ngự trên kiệu mà đi xe loan, rèm buông bốn phía. Đôi ngựa trắng kéo xe phủ vải nhiễu điều hồng. Bọn nữ tì bưng tráp, quan thái giám ô lọng theo chân, hàng tùy tùng chỉnh tề mũ áo đứng hai bên cửa Tử Cấm Thành đưa tiễn. Những con chim cu sà xuống lối đi, nhởn nhơ tìm bạn, khi xe loan từ từ tiến ra cổng, đàn chim bay liệng thành vòng, dân hai bên đường cúi rạp đầu chào rồi tung hô lời chúc phúc. Bỗng dưng, ai cũng ngỡ ngàng, chẳng hiểu chuyện gì mà công chúa Thiên Thành thò hẳn mái đầu tết dây hoa ra khỏi rèm, nàng ngơ ngác nhìn trước nhìn sau như tìm kiếm ai đó, đến nỗi có đám thị dân bạo dạn còn nhìn rõ cả cái kim trâm bằng vàng cài trên mái tóc đen nhánh của nàng. Sau phút ngỡ ngàng, quan thái giám phục dịch nàng từ thuở nhỏ mới đến cạnh xe: “Thần khấu đầu xin công chúa giữ gìn gia phong, đừng để phiền lòng Hoàng thượng”. Nàng tiếc nuối ngó nghiêng tìm kiếm xung quanh một lần nữa, rồi mới chịu buông rèm.

Trống giong cờ mở, đám thảo dân tính chuyện đón đầu, lũ lượt theo nhau về trước cổng dinh Nhân Đạo Vương ở phía cửa Đông kinh thành để chiếm chỗ. Chưa bao giờ lòng người hoan hỉ như vậy, nam áo đen, nữ áo tứ thân sặc sỡ, ai cũng muốn được nhìn thấy mặt ngọc một lần. Bất ngờ, rèm trên xe lại bùng nhùng như muốn bung ra, nhưng quan thái giám túc trực bên cạnh đã kịp thời túm chặt lại.

Xe rẽ vào trong cổng tết đầy hoa thì bất ngờ có một kỵ sĩ phi ngựa tới, người đi xem hội tránh dạt ra hai bên đường, chàng gào lên một tiếng: “Công chúa, ta đây!”. Nhưng cái cổng lớn đã khép, con ngựa dậm chân một lúc rồi quay đi. Nhân Đạo Vương được cấp báo có kẻ càn quấy ở cổng, ông giận lắm, ra lệnh cho bọn giai nhân phải đuổi theo bắt về bằng được. Đám lính canh lập tức lên ngựa, theo tay người chỉ đường, đi không xa đã thấy người và ngựa của tên phá quấy thẫn thờ đứng ở bờ sông Cái. Chỉ nhìn phía sau, bọn lính đã biết đó là một chàng trai, chàng trầm tư nhìn dòng sông, mặt nước lững lờ, như vô tình, như bàng quan mọi chuyện. Chàng không quan tâm ai ở phía sau mình, chỉ khi nghe tiếng quát mới quay lại. Khi nhận ra chàng, đám lính canh giật mình, lùi lại khấu đầu. Chàng không nói không rằng, lên ngựa lững thững bỏ đi.

Chàng trai đó là Trần Quốc Tuấn, con nuôi của công chúa Thụy Bà, người đàn bà quyền uy, nổi tiếng bênh con nên cả kinh thành ai cũng e ngại.

Sử quan ghi chép tỉ mỉ về thủ tục đưa đón có một không hai này rồi buông dòng kết đúng như sự thật lịch sử: Ngày chạm ngõ, thiên hạ cùng vui hưởng lạc, nhưng vừa ra tới cổng Hoàng thành, công chúa lại còn mở rèm nghiêng ngó, cứ như triều chính trật tự bất yên, chẳng giữ gìn thể diện.

*

Trần Quốc Tuấn là con trai Yên Sinh Vương (Trần Liễu), nhưng từ nhỏ đã được công chúa Thụy Bà (chị của Trần Cảnh và Trần Liễu) nuôi dưỡng ở trong hoàng tộc. Quốc Tuấn chăm học từ nhỏ, lại có tư chất thông minh, học rộng, biết nhiều, năng khiếu võ nghệ bẩm sinh, thày dạy nào cũng khen sáng dạ.

Sự việc Quốc Tuấn phóng ngựa đến cổng nhà Nhân Đạo Vương đã đồn đến tai bà, vậy mà không những bà không quở trách mà còn lớn tiếng bênh vực. “Cùng là cô cháu trong hoàng tộc, thân tình thế, nay công chúa lấy chồng lẽ nào nó không xốn xang!”.

Bà nói không sai, tuy là cô cháu, nhưng từ nhỏ Quốc Tuấn đã sớm mang vẻ hiểu biết, hay dạy bảo cô đủ trò nghịch ngợm. Công chúa Thiên Thành ở trong cấm cung, nhưng hễ có cơ hội lại tót sang nhà bà chị Thụy Bà tìm Quốc Tuấn. Quốc Tuấn hay bày trò, thích mạo hiểm, trèo cây vặt quả, có một lần ở vườn thượng uyển, Quốc Tuấn dạy cô trèo cây bắt ve sầu, cô trèo lên trước, cháu trèo sau, vai cháu đỡ vào mông cô mà đẩy. Công chúa bấu vào cành cây khô, bất ngờ cành gẫy, thế là trượt qua vai cháu rơi xuống, công chúa chưa bao giờ bị đau đến thế, khóc lặng người. Quốc Tuấn sợ quá, bế cô đặt trên võng đào, vừa dỗ vừa đánh vào cái vai mình, tại ta, tại ta, ta thề đánh đến bao giờ cô nín. Trời tối, thấy vắng bóng công chúa, cả nhà tá hỏa đi tìm, ra đến vườn thượng uyển, thấy Thái Tông đứng đó, ngài ra hiệu bảo mọi người lặng yên, nào ngờ trước mặt vua, trên võng đào, hai cô cháu như hai thiên thần đang ôm nhau ngủ. Thái Tông bảo với Thụy Bà rằng, ta trông Quốc Tuấn mới năm tuổi mà đã ra dáng nam nhi, mặt đầy vượng khí.

Ngày thứ hai của lễ hội, Thụy Bà chỉ thấy Quốc Tuấn lầm lì ở trong thư phòng, thương con bà chỉ muốn nói lời khuyên nhủ, nhưng chàng có ý lánh mặt, đâm lo. Một lần, bà vào thư phòng quan sát, thấy quyển kinh thư để mở trên bàn, lại nghĩ, hẳn con ta đang dùi mài kinh sử đấy thôi!

Ngày hôm nay gia đình phò mã tương lai mới được phép đưa lễ vật chạm ngõ vào cung. Thụy Bà đại diện họ nhà gái, nhận lễ, bảo với Nhân Đạo Vương rằng: “Hôm lễ ăn hỏi, nhà người phải sắm cho đôi nhạn, tương truyền người Tống coi nhạn là đôi uyên ương tượng trưng cho lòng chung thủy, bởi vì chúng sống, chết luôn quấn quýt cùng nhau”.

Từ khi có chuyện Quốc Tuấn cưỡi ngựa nghênh ngang, phạm đạo, Nhân Đạo Vương lòng dạ không yên, tự thấy cần cảnh giác. Ông lệnh cho lính canh gươm giáo đầy mình, bố phòng cẩn mật, kẻ nào dám xâm phạm vùng cấm đều được phép tống giam. Ông còn cho điều tiếp gia nô từ nhà riêng con trai Trung Thành Vương sang để tăng cường phòng vệ.

Thụy Bà sợ Quốc Tuấn nhớ cô mà buồn, nên chẳng mang chuyện vui trong cung về kể. Thương con giấu ở trong lòng, nỗi niềm càng chất chứa thì càng bức xúc. Bà hỏi Quốc Tuấn, sao con không đi xem hội, Quốc Tuấn nhìn bà lơ ngơ một lúc lâu rồi mới mở miệng: “Vậy là Thiên Thành đã là vợ người ta rồi sao thân mẫu?”. Bà nhẹ nhàng giải thích, là chưa, mới là thủ tục chạm ngõ, ngày mốt mới ăn hỏi, đến ngày hội thứ bảy, nhà trai đón dâu về, lúc ấy cô con mới chính thức thành vợ Trung Thành Vương. Quốc Tuấn vừa đi vừa nhẩm tính, rồi bỗng thốt lên; “Chỉ còn có bốn ngày nữa thôi sao, thân mẫu?”.

Cuối ngày thứ hai, sử quan hạ bút: Thái Tông cứ làm điều nghịch lý, không ra tín mà cũng chẳng ra nghĩa, đưa em gái về nhà chồng rồi mới bày trò thủ tục cưới cheo. Thủ Độ có tiếng quán xuyến trong ngoài, không việc gì bỏ qua, vậy mà cũng làm ngơ?

Làm quan chép sử là thế, chẳng ai được phép tận tường, nên thỉnh thoảng ngài lại chua một lời nhận xét, chỉ cốt để răn đời sau.

*

Ngày hội thứ ba, vua ban mở hội đua thuyền lá trên sông Tô, chăng đèn kết hoa trên sông Cái. Kinh thành náo nhiệt, đâu đâu cũng kể chuyện công chúa Thiên Thành. Các nho sinh trong Quốc Tử Giám lấy thi hứng làm thơ, vẻ đẹp của công chúa được tô vẽ khiến chim phải sa xuống, cá phải dừng bơi, cặp uyên ương đẹp như sao sáng trên bầu trời Đại Việt. Vua Thái Tông mừng rỡ nghe hoàng tử đọc thơ, ngài khen là tài, nhưng lại ngẩn người nghĩ ngợi, sao cái bọn nho sĩ kinh thành lại khoa trương đến thế?

Hội thi thuyền lá ở sông Tô bước vào giai đoạn cuối, Quốc Tuấn, được xung vào đội đua, vốn nguồn gốc cha ông xưa là dân chài lưới, chàng chèo khỏe đến nỗi chẳng biết va vào đâu mà gãy cả mái chèo, khiến cho đội nhà đang thắng bỗng thành bại. Chàng thất thểu vác cái bơi chèo gãy phang tứ tung, giận cá chém thớt, lòng rối bời bời, không hiểu vì thất bại cuộc đua hay vì cô đi lấy chồng, có ai hiểu nỗi lòng công tử?

Những ngày này Thụy Bà bận việc, lại được hoàng thượng ủy thác nên bà thường ở suốt bên Cấm Thành, hôm nay cũng vậy, nhưng về đến nhà lại không thấy Quốc Tuấn đâu, vào thư phòng, quyển kinh thư vẫn mở đúng trang ngày hôm trước. Bà lo lắng hỏi bọn gia nhân thì không ai rõ, bà đâm hoảng, bắt gia nô đánh xe ngựa chở đi khắp kinh thành, hết lò đấu vật này lại đến chỗ đấu cờ kia, nơi nào có trò bà đều đến cả. Quốc Tuấn ở đâu? Sao con tránh mặt ta, sao con không nghĩ tới lòng mẹ? Trời tối dần, chiếc xe ngựa tha thẩn ra tới bờ sông Cái, trên bến, dưới thuyền, rực rỡ đèn hoa mà lòng bà sao trống vắng. Bà bắt gia nhân cứ đánh xe đi dọc đê sông Cái, càng đi xa, ánh sáng tối dần, bất ngờ thấy con ngựa của nhà mình đang thả rông gặm cỏ trong đêm, bên cạnh, Quốc Tuấn thẫn thờ như một võ quan thất trận, chàng ngồi như kẻ vô tình, vô tâm, cặp mi xếch nhíu lại như hai lưỡi mác. Thụy Bà đứng ngây người nhìn con xót xa, điều bà muốn gạt ra khỏi đầu, nhưng nó cứ dằn vặt mãi, hay là Quốc Tuấn phải lòng công chúa Thiên Thành. Trời ơi, nếu vậy thì ta biết làm sao đây! Bà đặt nhẹ bàn tay lên vai Quốc Tuấn nói: “Về đi con, trời tối lâu rồi!”

Nhưng trớ trêu thay, điều lởn vởn trong đầu bà lại là có thật.

Thụy Bà nuôi Quốc Tuấn từ khi còn nhỏ, chàng được gửi vào tay Thụy Bà từ khi Trần Liễu về trấn vùng Yên Sinh, nguyện vọng của Trần Liễu muốn con trai được giáo huấn từ trong hoàng tộc, cùng trang lứa, bên Hoàng cung có công chúa Thiên Thành, chúng lớn lên bên nhau, vô tư bên nhau, và người mẹ thì luôn coi con mình lúc nào cũng là trẻ nhỏ. Thời gian trôi mau, Quốc Tuấn thành chàng trai vạm vỡ, Thiên Thành đến thì thiếu nữ xinh tươi, bầu ngực chúm chím to dần, nàng e thẹn má ửng hồng mỗi khi đôi mắt thẳm sâu của Quốc Tuấn thẫn thờ chọc ghẹo. Thời gian này người ta sang chơi nhà nhau phải tìm cớ, cái cớ của Thiên Thành là để được chàng giảng về giải kinh sách. Bà giật mình nhớ lại, công chúa suốt ngày thích quẩn quanh bên bà, ngay cả những hôm Quốc Tuấn đi Giảng Võ Đường, nàng ngồi lì ở thư phòng chờ chàng cho bằng được, rồi mỗi lần chúng đang ríu rít bên nhau, thấy bà là nói lảng sang chuyện khác. Chừng ấy thôi cũng đủ để bà sang bên Hoàng cung thưa chuyện với Thái sư, lệ của nhà Trần được lấy người trong tộc kia mà, sao bà vô tình, vô tâm đến vậy? Nhưng đó cũng chỉ là hiện tượng bề ngoài, họ đã không còn xưng cô cháu với nhau từ trước đó. Chuyện bắt đầu từ hôm nàng mặc chiếc áo trắng thêu kim tuyến xanh, ngực nở vai bồng, rực rỡ như thiên nga, nàng quay trước quay sau rồi hỏi Quốc Tuấn:

– Công tử thấy áo ta có đẹp không?

Tình ý đã lâu, giờ lại được mớm lời, chàng nói:

– Nàng đẹp cả khi mặc áo của nơi thôn dã.

Công chúa lại bảo:

– Công tử có muốn đến với ta không?

Chàng ngẩn người, quỳ xuống nói thề:

– Thiên Thành ơi, đã lâu rồi, ta muốn cùng nàng đi đến cùng trời, cuối đất.

Họ cứ thế mà nắm tay nhau, lại còn cầm chung ngọn cỏ, kể cho nhau nghe về sự tích cây xấu hổ. Nàng bẽn lẽn nép bên chàng!

Sử quan hồ hởi chép rằng: tiết trời còn lạnh, bầu trời trong xanh, mây sáng báo hiệu điềm lành. Thông gia kết nốí thông tỏ, sính lễ đủ đầy, xem ra nhà Trần được nhờ ở cái vận hạn. Hội càng tới càng vui.

*

Ngày thứ tư, cũng là ngày khai trương đấu võ ở Giảng Võ đường. Các võ sinh cởi trần, vấn đai, hùng dũng từ các làng quanh đô náo nức kéo về. Thụy Bà biết, võ đường là nơi Quốc Tuấn đam mê, nhưng vì việc lớn nên bà khuyên Quốc Tuấn nên sang dự lễ ăn hỏi công chúa, Quốc Tuấn vâng lời ngay, bà mừng lắm.

Lễ vật ăn hỏi gồm trâu, lợn, mấy mâm trầu cau, mười lăm tấm lụa, mâm chất thỏi vàng, mâm xếp thỏi bạc, mâm đặt bông vàng, chuỗi ngọc, kim trâm, lại có thêm bảy vò rượu quí. Đôi nhạn, theo yêu cầu của Thụy Bà, đựng trong cái lồng nạm bạc, chúng nhảy tung tăng, làm ai nấy đều vui mắt. Thụy Bà giả bộ tươi cười nhận đồ sính lễ mà lòng cứ héo đi bởi lẽ thoắt cái đã không thấy Quốc Tuấn, lại được biết công chúa ở bên nhà Nhân Đạo Vương mấy hôm đầu nằng nặc đòi về, đến hôm phải về làm lễ ăn hỏi thì nàng đòi ở lại. Thay mặt hoàng tộc, Thụy Bà khuyên Nhân Đạo Vương bình tâm, làm nhiều trò vui cho công chúa vơi đi nỗi nhớ. Bà bảo, chuyện công chúa nhớ người thân nên tính nết nảy sinh là bình thường, bởi chưa bao giờ nàng phải xa nơi cung cấm. Bà bảo, thỉnh thoảng ngươi để Trung Thành Vương tiếp chuyện với nàng, lấy tài năng chữ nghĩa ra mà khuất phục, trai gái tuy chưa tỏ mặt, nhưng mưa dầm thấm lâu.

Trời đã xẩm tối, vậy mà Quốc Tuấn vẫn chưa về, giờ này cũng đã thôi trò thi thố ở võ đường, Thụy Bà lo lắng quáng quàng, bắt gia nhân đánh xe đi ngay lập tức. Tới Giảng Võ Đường, sân tập trống không, Thụy Bà hốt hoảng đi vào trong sân, miệng gọi, chân bước, đi tới, đi lui vẫn chẳng thấy, có người bảo ở tận trong hậu trường vẫn còn người tập đấy. Bà vội đến nơi, hóa ra chỉ còn mình Quốc Tuấn, bên bó đuốc cháy đùng đùng, cả người chàng cũng hồng lên như đuốc. Bà nhìn thấy con mà lòng đau xé ruột, chàng vẫn hăng say, nhưng không phải là tập, trời ơi, chàng đang hủy hoại thân mình, chàng đấm, đá vào bao cát, vào cột, đập đầu vào tường, cái gì chàng cũng muốn nó tan ra, chàng hành hạ tấm thân mình cứ như nó là kẻ gây nên tội vậy.

Người đàn bà cứng cỏi có tiếng trong triều ấy nhẫn nại bước đến bên công tử: “Về đi con, trời tối lâu rồi con ạ!”

Đêm ấy, khi chỉ có hai mẹ con, bà đến bên Quốc Tuấn nhẹ nhàng khuyên bảo, mẹ có thể vì con làm tất cả mọi điều, nhưng số trời thì mẹ làm sao tính được! Quốc Tuấn mủi lòng, chàng gục vào lòng mẹ: “Thân mẫu ơi, con có phải là thằng hèn không hả mẹ?”. Bà hoảng hồn, sao nó lại thốt ra điều gì lạ lùng vậy? Từ hôm ấy Thụy Bà thấy lo thật sự, cái điều lởn vởn trong đầu bà nay đã thành sự thật, Quốc Tuấn phải lòng Thiên Thành thật rồi, cái gì tiếp đến nữa đây?

Quốc Tuấn hận mình vì không giữ được lời hứa, bởi vì cũng tại vườn Thượng Uyển, họ đã ngầm tỏ lời cầu hôn, nàng đã hỏi chàng:

– Công tử có bảo vệ được ta không?

Quốc Tuấn bảo, công chúa có cả một thế lực, vòng trong vòng ngoài, con kiến chui vào khó lọt, cần gì đến ta bảo vệ? Công chúa giận dỗi mắng yêu:

– Sao công tử nông nổi thế, là ta nói bảo vệ trái tim này, ta chỉ muốn dành trọn cho công tử, chàng có hứa với ta không?

Quốc Tuấn cầm bàn tay nhung lụa của nàng và nói:

– Ta chỉ muốn sống cùng nàng, chết bên nàng, đời này, kiếp này không giữ được nàng thì ta không còn là Quốc Tuấn.

Sử quan ngẫm nghĩ hồi lâu rồi mới nâng bút viết: Xem ra anh chị em Hoàng Thượng có ngầm ý chống Thái sư, ngày vui sính lễ văn hoa thế mà Thiên Thành không chịu về bái tổ, nghịch lý vậy ru!

*

Sang ngày thứ năm rồi mà trong triều Thụy Bà vẫ còn chưa thấy yên tâm, bởi lẽ nhiều việc phải đến tay bà, ngày kia, nhà trai chính thức làm lễ đón dâu. Thụy Bà kỹ tính lại chu đáo nên việc nào cũng thấy bà chỉnh đốn, làm đi rồi sửa lại. Bộ binh phái đủ một trăm lính cầm cờ, nghi trượng ai cầm, vua ban giáo huấn ở đâu. Tuy bận trăm công nghìn việc, nhưng cái gì bà cũng muốn nhìn tận mắt, kiểm tận tay, lại muốn nó qua đi thật nhanh để Quốc Tuấn của bà không phải dằn vặt nữa, nội tâm con người mâu thuẫn là vậy. Từ khi nhận ra Quốc Tuấn nặng lòng với Thiên Thành, Thụy Bà lòng dạ bồn chồn, bà không muốn tin nhưng chứng cứ rõ dần, rõ nhất lộ ra lại là vẻ mặt Quốc Tuấn. Một lần Thủ Độ ngang qua, khen bà chuẩn bị chu đáo rồi ghé tai nói nhỏ: “Quốc Tuấn nó dễ làm liều, chị để mắt đến nó”. Bà thót tim, làm sao cái chuyện cỏn con lại đến được tai Thái sư?

Từ đấy bà cứ vấn vương. Ngày trước Trần Liễu làm phản, bị Thủ Độ rút gươm chém không thành, không lẽ đến con trai hắn Thái sư vẫn còn cảnh giác? Từ đấy bà tính chuyện phải canh chừng, phải giữ. Xem hội về, chàng vào ngay thư phòng, nhưng bà biết, quyển Kinh thư vẫn chưa thấy sang trang. Bà mang cốc nước cam để trên bàn, cốt kiếm cớ quan sát, “con uống đi cho đỡ mệt”. Chàng nhìn bà trân trân, lần đầu tiên chàng nhìn bà vẻ thách thức như thế, cứ như mẹ con đang xung khắc vậy. Bà càng tận tâm, chu đáo cho đám cưới Thiên Thành, như càng chọc sâu vào nỗi đau của Quốc Tuấn vậy. Lại nhớ hôm công chúa mặt mày ủ dột ra xe loan về nhà Nhân Đạo Vương, nhưng khi bước lên bậc xe, nàng ngoái đầu nhìn lại, ánh mắt trẻ thơ ngơ ngác, như muốn hỏi các người làm gì ta vậy, khi thấy bà, mắt nàng trân trân, như hờn, như trách, như đôi mắt Quốc Tuấn hôm nay vậy. Chả lẽ ta sai?

Thấy Quốc Tuấn lừng lững bỏ ra ngoài, không thưa gửi, bà ngạc nhiên hỏi:

– Quốc Tuấn, con không còn chút phép tắc gia phong sao?

Quốc Tuấn lầm rầm, hậm hực, nhưng rồi quay sang mẹ, chàng nói:

– Thân mẫu ơi con phải làm sao đây?

– Ngươi nói cái gì, quay lại đây, con nói cái gì vậy hả?

Người mẹ hoảng hồn, muốn níu con lại, nhưng chàng đã lầm lũi bỏ ra ngoài.

Sử quan ghi: Thủ Độ mắt như diều hâu, quét đến chỗ nào, quan quân co rúm lại, hôm nay Thái sư quán xuyến đến ngày cưới Thiên Thành. Thụy Bà được nghe lời nhỏ, mặt bỗng tái xanh.

*

Hội bước sang ngày thứ sáu, Thụy Bà thấy ruột nóng bời bời, cứ như có điềm gì ghê gớm sắp đến. Từ Cấm Thành về, việc đầu tiên bà vào thắp nén nhang, cầu trời đất, tổ tiên, hoàng tộc phù hộ độ trì để Quốc Tuấn được an bình.

Trong thư phòng đèn vẫn sáng, Quốc Tuấn ngồi vò võ, trước mặt là quyển kinh thư vẫn để mở như ngày hôm qua, mắt chàng đau đáu, đôi mày chau lại. vẻ mặt mung lung, quyết liệt. Chàng đang tự vấn trong tâm, thời gian công chúa lên xe hoa sắp đến, nàng sắp thành vợ người ta, khát khao được gặp nàng bùng lên thành lửa; lòng chàng như có tiếng con tim Thiên Thành đập rộn, nàng đang mong ta, đang gọi ta, bởi vì nàng đã trao nó cho ta, mất nó ta không còn là Quốc Tuấn!

Chàng ra khỏi thư phòng, khói hương còn phảng phất. Mẹ ơi, con đi lần này chắc lòng mẹ đau. Lúc ấy Thụy Bà đã đi dặn dò lính canh, bảo chúng khôn khéo rình Quốc Tuấn, khi chàng ra khỏi nhà, phải báo ngay để bà biết. Bà nằm trên võng đào ngoài hiên, vừa để thư giãn vừa có ý canh chừng, chỉ còn một đêm nay nữa thôi, cầu mong con ta không làm chuyện kinh thiên, lời Thủ Độ đến bây giờ vẫn còn lạnh gáy.

– Thân mẫu ơi! Quốc Tuấn quỳ bên võng mẹ và nói – Con hư mất rồi!

Bà thấy dội lên ở cổ, bà biết con bà đau, nhưng biết làm sao được:

– Quốc Tuấn ngoan của mẹ, lại đây.

Chàng gục vào lòng mẹ, bà lại thấy chàng bé bỏng như xưa, đôi tay bà lần từng sợi tóc:

– Vào ngủ đi con, mẹ thương!

Bà muốn nói lời sâu sắc lắm nhưng nó cứ nghẹn ở cổ, không chịu buông ra, khi Quốc Tuấn trở lại thư phòng, mắt bà ngấn lệ, nhưng lòng lại thấy vui vui, con bà sâu đậm hơn người, biết nhận lỗi lầm trước mẹ, bà thiu thiu trong giấc mộng êm đềm.

Đêm ấy tối trời, ngoài đường đèn hoa chăng khắp mọi nơi, ở chỗ tối hơn còn được thắp thêm đuốc. Dân chúng kéo giăng khắp các nẻo đường, ai cũng náo nức chờ ngày mai là ngày quan trọng. Quốc Tuấn đi trong đám đông, bỏ sau dư luận.

Lúc ấy mới khoảng canh ba, Thụy Bà giật mình tỉnh dậy, hóa ra là tên lính canh đã quỳ mọp trước võng bà, nó tâu rằng, Quốc Tuấn đã bỏ ra ngoài từ nãy.

– Nó đi đâu?

– Thiếu gia đi về hướng nhà Nhân Đạo Vương.

Thụy Bà hốt hoàng:

– Trời đất, tại sao các người không nói sớm?

Cùng lúc tên lính thứ hai hốt hoảng đến báo, Quốc Tuấn đã vào trong dinh thự của Nhân Đạo Vương, bà bật lên: “Con tôi bị chém chết rồi!”. Bà hỏi nó: “Rồi sao?”. Nó run rẩy thưa, cả dinh thự đèn đuốc sáng trưng. Thụy Bà kêu: “Thế thì sao còn cứu nổi mạng sống!”. Bà quáng quàng gọi xe, chiếc xe ngựa kéo phi ra khỏi Hoàng Thành hướng đến nhà Nhân Đạo Vương, nhưng bất ngờ bà lại bắt quay lại, phóng thẳng vào cửa Cấm Thành. Lúc ấy, bà mới chợt nhận ra, thảo nào tối nay nó quỳ xuống là để tạ tội với bà, là để đi vào chỗ chết!

Đến cửa Cấm Thành, Thụy Bà gõ cửa cấp báo, người coi cửa chạy vào cáo cấp với vua. Thái Tông ra tới nơi đã thấy chị mình quỳ trước điện, vái như tế sao, “Tâu bệ ha, không ngờ Quốc Tuấn ngông cuồng càn rỡ, đang đêm lẻn vào chỗ Thiên Thành, Nhân Đạo đã bắt giữ hắn rồi, e giờ không nhanh sẽ không còn mạng sống”. Thái Tông thấy bất ngờ, nhưng cũng thoáng hiểu ra, lập tức nhà vua lệnh người hầu cận đến ngay nhà Nhân Đao Vương can ngăn, rồi mới nâng chị mình đứng dậy.

– Sao hắn dám cả gan đến nhà người ta kia chứ?

– Tâu bệ hạ, chuyện này dài lắm, thần thấy chúng đã có tình ý với nhau.

Thái Tông lúc này mới giật mình, thảo nào trên đường về nhà Nhân Đạo Vương, công chúa dám vạch rèm trên xe loan, hóa ra đang tìm kiếm Quốc Tuấn.

– Sao không thấy chị nói chyện này với em?

Thấy Thái Tông xưng hô chị em, Thụy Bà đánh bạo thưa chuyện với nhà vua như nói với cậu em Trần Cảnh ngày xưa vậy:

– Nào chị có biết, mấy ngày mở hội, Quốc Tuấn không ăn không ngủ, lấy tấm thân đọa đầy, chị mới nhận ra thôi.

– May mà chị còn đến kịp, Nhân Đạo Vương có thể đánh chết hắn mà không có lỗi – Thái Tông chậm rãi nói – Quốc Tuấn là đứa chịu khó, học rộng, chí cao, em tin nó là người cần cho xã tắc sau này, sao mà nó lại ngông cuồng như vậy chứ.

Có tin cấp báo từ nhà Nhân Đạo Vương, chỉ thấy kiếm trần xung quanh Quốc Tuấn. Thụy Bà run lên, không còn hồn vía, vua lập tức sai quan thái úy mang chỉ dụ đến ngay nhà Nhân Đạo Vương rồi mới bảo Thụy Bà, “không có chuyện gì đâu, chị đừng ngại”. Nhưng thực tình lúc ấy mặt rồng cũng biến sắc, Thái Tông trầm tư một chút rồi chân tình cùng chị:

– Nếu quả tình chúng có thành ý với nhau, thì khó bề chia cắt, điều này thì em cũng đã trải qua. Hồi phải chia tay Lý Chiêu Hoàng, em một mình một ngựa bỏ về Yên Tử, chẳng thiết ngai vàng, chẳng thiết vinh hoa, chỉ cốt tâm hồn thanh thản nơi cửa Phật. Trên đường đến Yên Tử, vất vả trăm bề, khi qua rừng rậm, khi vượt suối sâu, uống nước lã, ăn quả rừng, thấy người sợ họ nhận ra thì che mặt, chỉ nghĩ làm sao xa được cái ngai vàng mà vì nó mình thành kẻ vô tình, thành kẻ vô tâm, thành ra độc ác…

Thụy Bà thấy Thái Tông nói vậy, bà lơ mơ hiểu ra rằng Quốc Tuấn còn có cơ may…

*

Tại dinh thự Nhân Đạo Vương, đúng như tên lính canh đã bẩm báo Thụy Bà, Quốc Tuấn đi thẳng vào cổng chính, có lính canh cúi chào (vì cả kinh thành ai thấy con trai Thụy Bà đều kính cẩn), rồi thẳng tới nơi công chúa ở, nơi ấy có tới sáu nữ tỳ phục dịch, thấy chàng, bọn nữ tỳ tá hỏa, đẩy cửa cấp báo cho công chúa. Trước đêm làm dâu, công chúa còn trằn trọc chưa khép nổi mày ngài, nàng chưa chải tóc, chưa kịp khoác áo ngoài, đã thấy chàng lừng lững che lấp cả khuôn cửa rộng.

– Công tử! Công chúa kêu lên, chàng trốn biệt ở nơi nào mà giờ mới tới, rồi nàng lao ra đấm thùm thụp vào ngực chàng – Chàng thề thốt, chàng hứa hẹn, rồi để ta bị giam cầm ngần nấy ngày trời mà không thấy xót xa ư? Nàng nói, nàng khóc, rồi nàng ngã vào vòng tay vạm vỡ của chàng.

Bọn nữ tỳ thấy cảnh ấy cũng chỉ biết chạy ra ngoài, khép nhanh cửa lại.

Lúc ấy không thấy Nhân Đạo Vương xuất hiện, nhưng cổng ngoài lập tức được lệnh khép chặt, một lúc sau lính vệ mới kéo tới vây chặt căn nhà nơi công chúa ở. Gươm sáng loáng, đuốc sáng bừng.

– Tên gian dâm kia, mau ra đền tội!

Chúng gọi tới, gọi lui, cửa vẫn đóng im ỉm, rồi đột nhiên Quốc Tuấn đẩy cửa bước ra, bọn gia nhân chỉ biết khép nhanh cửa giữ công chúa lại. Quốc Tuấn lừ lừ như con hổ dữ khiến bọn lính lùi lại. Sau phút bất ngờ, bọn chúng mới hò hét xông tới, kẻ đâm, người chém, tiếng gươm giáo choang choang. Chàng vung tay cướp được một cây kiếm, cây kiếm ấy loang loáng vòng xoáy trên đầu, tất cả bị bất ngờ dạt ra, quây thành vòng trước mặt chàng. Quốc Tuấn chống gươm nói:

– Ta dám làm dám chịu, chỉ muốn nói điều này. Công chúa Thiên Thành không có tội, tội là do ta, ta xin chịu cái chết này. Nói rồi, chàng ném gươm ra xa.

Đột nhiên cửa phòng công chúa lại bung ra, nàng lao nhanh tới, ôm lấy chàng, run rẩy, vuốt ve, “Cho ta chết cùng công tử!”. Bọn lính nhà Nhân Đạo Vương hoảng hồn, chưa biết xử lý ra sao, cứ để cho đôi trai gái tã tượi ôm nhau trong vòng gươm dáo tua tủa, ngọn đuốc đùng đùng, soi tỏ thánh nhân cùng vệ nữ. Trong đám lính canh, có kẻ đã cúi đầu, ai dám ném nhát gươm vào họ?

Khi có tiếng lính vệ triều đình hô hoán, Nhân Đạo Vương mới lệnh cho gia nhân mở cổng rồi qùy trước sân chờ nghe chỉ dụ vua ban. Chỉ dụ nói rằng: giải tán binh đao, không được ồn ào, không được phao tin, ai về nhà nấy. Lúc ấy Nhân Đạo Vương mới hỡi ôi, thưa với các quan trong triều, lời lẽ xem ra có phần chua xót: “Tưởng kẻ nào xằng bậy, ai ngờ lại là đứa con cưng của Thụy Bà, đáng tiếc! Đáng tiếc!”. Khi bọn lính canh dẫn Quốc Tuấn về triều rồi, ông mới cho người nhà giải tán.

*

Trời chưa sáng, trong cung cấm vẫn lặng yên, nhưng tại điện Diên Hiền, Thái Tông, Thủ Độ, Nhân Đạo Vương và Thụy Bà mỗi người một vẻ, căng thẳng lắm. Việc Quốc Tuấn làm càn, không thể dung tha, Thủ Độ đội mũ cánh chuồn, áo thụng tím, đi hia như trong buổi thiết triều, trịnh trong thưa rằng:

– Vua trị bề tôi bằng phép nước, phép nước không nghiêm thì loạn, thì mất lòng thiên hạ, con thuyền không có sức dân thì đắm – Người có công khai sinh ra triều Trần nói – Thần ngày đêm lo giữ phép nước, định tội đồ theo thứ bậc khác nhau, soạn ra Quốc triều thống chế, chỉ một lòng một dạ vì gia tộc này. Thần chỉ muốn thỉnh cầu bệ hạ một nhời này, trị nước thì phải làm từ trên xuống dưới mới lấy được lòng thiên hạ.

Nghe Thủ Độ quyết liệt thế, Thái Tông đau đáu, trầm tư, đi đi lại lại. Vua vận áo lụa, chít khăn, đi giày vải, ngài muốn bàn câu chuyện trong nhà, nhưng Thủ Độ thì ngược lại, coi là việc triều chính.

– Còn khanh? Thái Tông hỏi Nhân Đạo Vương – Ta thích khanh nói thẳng?

Nhân Đạo Vương nhìn sang Thủ Độ mặt đanh như sắt đá, lại nhìn sang Thụy Bà, đôi môi run lên, từ nãy bà đã cúi đầu nhờ Nhân Đạo Vương cất lời xin Hoàng Thượng tha mạng sống cho Quốc Tuấn. Ông đứng giữa đôi đường, một bên là Thủ Độ, người tác thành cho con trai ông và công chúa, một bên là người đàn bà quyền uy, làm sao đây, nghĩ trước nghĩ sau chọn lời, ông nói:

– Hạ thần trước sau chỉ kính cẩn tuân theo chỉ dụ của hoàng thượng mà thôi.

Mắt Thụy Bà rực lên như có lửa, vậy là không thể trông cậy ở người này, Thái Tông nhìn sang người chị đáng thương khích lệ:

– Hoàng tỉ, chị nói đi.

– Muôn tâu bệ hạ, con thần ngày đêm đèn sách, xưa nay chưa mắc tội với một người, nay chúng ưa nhau thì đâu phải là tội. Tội là kẻ nuôi dưỡng này, kẻ ngu đần dốt nát này, có tai như điếc, có mắt như mù, việc ngay trước mắt mà không tỏ, biết lại không ngăn, không còng tay cùm chân nó lại, nay xin bệ hạ mở lòng, xử hạ thần này thay cho Quốc Tuấn.

Thái Tông nói:

– Việc này ta đã bàn cùng Thái sư từ nãy rồi.

Thủ Độ tức giận đùng đùng, ngài hiểu ngay ra ý của Thái Tông với Thụy Bà, chị em họ lại phe cánh, ngày trước là vụ Trần Liễu làm phản, nay là vụ Quốc Tuấn làm loạn, cha con nó thế này, chị em nó thế kia, thì còn đâu là kỷ cương phép nước. Thái sư đứng dậy, vẻ mặt bừng bừng:

– Ta chỉ là con chó, cốt giữ nhà cho anh, chị, em các ngươi mà cũng không xong, cho ta cáo lui vậy!

Thái Tông nghiêm mặt, nhưng lời lẽ nhẹ nhàng, mời Thái sư cùng nán lại.

– Ngày xưa ta từ nơi cửa Phật trên núi Yên Tử về với ngai vàng là nhờ công của Thái sư, nhưng từ đấy Phật vẫn ở trong ta. Phật cho ta nghe được lòng thiên hạ, thấy được lòng con dân – Vua nói – Lần trước ta che nhát kiếm Thủ Độ chém Trần Liễu, vì anh trai ta mất vợ, mất con mà tạo phản. Các ngươi có bao giờ mang tâm trạng của kẻ cướp đoạt vợ con của anh trai mình? Nhân thì có quả, nhân nào quả nấy. Nhờ trời giờ huynh trưởng đã bình tâm giữ cho hoàng tộc vùng đất Yên Sinh, nơi gốc tích của nhà Trần. Nếu huynh ấy tử nạn, thì hỏi ta có sống nổi không nào? Nay đến việc Quốc Tuấn, tội là phải lòng Thiên Thành mà làm điều nghịch lý. Hai việc khác nhau mà giống nhau là vậy. Ngày trước là việc của anh em ta, bây giờ là việc của chị em ta, trời cứ đưa đến cho ta cái trò thách đố! Ta nghĩ thế này, nếu lòng chúng đã đến với nhau mà coi thường cả mạng sống thì đấy là cái chỗ đáng khen hay đáng chê? Chê là ta đưa ra phép nước có chỗ chưa thuận tình, đó lại là tội của ta đấy chứ. Ta hiểu, Thái sư làm tất cả cũng vì phép nước, còn ta thì tìm đến cái tình, cái gốc rễ sâu xa này mà lòng ta đau đáu!

Hoàng thượng dừng lời, như để vơi đi xúc động, rồi mới nói tiếp:

– Có điều này ta muốn tỏ lòng, Đại Việt còn thì các khanh thỏa sức lập công, kẻ được tôn vinh, người được sủng ái, nhưng mất nước thì mất tất cả. Ai chịu trách nhiệm về sự mất còn này? Là ta! Hoàng thượng đi đi lại lại, mặt đau đáu – Đại Việt còn thì hoàng tộc ta còn, thiên hạ còn, phe cánh cũng còn, nhưng mất nước thì mất tất cả.

Thủ Độ thấy rưng rưng, cái điều Thái sư lo lắng nhất xưa nay lại được bệ hạ giãi bày, nào ngờ cậu bé Trần Cảnh ngày xưa được ông xếp đặt thành vua, dám bỏ cả ngai vàng trốn về Yên Tử, nay đã có ý nghĩ sâu sắc khôn lường. Thái sư lại từ từ yên tọa.

– Có đêm ta trằn trọc không chợp mắt, cứ nghĩ xa xôi, nhà Trần ta mới được  lập mấy chục năm nay, thái bình thịnh vượng vì chưa phải chống trả cuộc ngoại xâm nào, nhưng hiểm họa phương Bắc còn đó, nhà Tống đang lo chống trả nhà Nguyên nên chưa có thời gian nhòm ngó đến nước ta. Các khanh thử đặt ra hai giả dụ này, nếu Tống thắng Nguyên, thì có thôn tính đến ta không? Nếu Nguyên thắng Tống thì có tràn xuống ta không? Vậy nên ta trộm nghĩ tới người tài, hoàng tử cũng chỉ được mấy người, hoàng tộc cũng một vài người, nhưng người ta tin nhất lại là Quốc Tuấn, vài bận nhân chuyện nô đùa ta kiểm nghiệm, nó mẫn tiệp hơn người, mặt vượng, mắt sáng, có chí kiên trung, ta tin nó sẽ là tướng giỏi. Các khanh thử nghĩ xem, sao ta giám cả gan mà phí phạm?

Trời đã tảng sáng, Hoàng thượng bỏ ra ngoài, không thấy kết luận việc Quốc Tuấn. Thủ Độ còn nán lại vẻ đăm chiêu, rồi ngài chậm rãi đến bên Thụy Bà, nói nhỏ: “Chị lo bồi hoàn cho người ta, còn việc hôm nay, đã chuẩn bị thì cứ thế mà làm cho… Quốc Tuấn!”

*

Hội sang ngày thứ bảy, dân chúng kinh thành nô nức chen đặc ở cổng Hoàng Thành, đời người mấy ai được xem đám cưới công chúa em vua. Đến giờ đã định, phò mã lễ phục chỉnh tề vào lạy vua xin được đón công chúa. Thiên Thành đội mũ phượng, mặc áo bào đính hoa tươi, đi hài màu đỏ theo nữ quan dẫn đến hầu vua để nghe những lời giáo huấn. Giờ rước dâu đã điểm, kiệu hoa dừng trước cửa Tả Đoạn, xung quanh che rèm. Nhạc nổi tưng bừng, dìu dặt, công chúa bước ra đã có phò mã chờ sẵn bên kiệu, chàng trai sung mãn mang chiến thắng đầu đời, tự tay vén màn mời công chúa bước lên kiệu. Ra khỏi Hoàng Thành, phò mã mới lên ngựa, lính hầu bê tráp đi trước dẫn đường, rồi đến một trăm binh sĩ cầm cờ quạt, nghi trượng và phường nhạc theo sau… Đoàn rước dâu đi vòng ra Cửa Đông cho dân chúng thỏa sức ngắm nhìn, nhưng không thấy về tư dinh Nhân Đạo Vương mà quay về tư dinh Thụy Bà, gia tộc cả trăm người đứng sẵn ở cửa Hoàng Thành đón đợi. Người hiểu biết thì kháo nhau có chuyện nực cười, còn đa số thì chẳng mấy quan tâm, chỉ mong được đi xem là sướng.

Ở trong nội điện, vua ban yến tiệc linh đình. Thái Tông lòng thấy thư thái vì giữ được cái tình, Ngài cùng các triều thần nâng li chúc phúc, rượu say, mọi người đứng cả dậy dang tay hát. Quan chép sử Trần Phu cũng nắm tay mọi người, bụng lại nghĩ, trớ trêu thay, trớ trêu thay! Nhưng đến khi Hoàng thượng bảo, khanh lại không biết ca sao? Trần Phu lập cập, miệng cũng há ra mà nói: “sử quan ca rằng, sử quan ca rằng… trớ trêu thay!”

Sử quan cứ để cho đời sau ngẫm ngợi ./.

Trại sáng tác Tạp chí Văn nghệ Quân Đội

Phú Yên, tháng 4 năm 2012

NN


ĐẤT TỤ LONG

 


Tụ Long thuộc Châu Vị Xuyên, trấn Tuyên Quang xưa, sau thuộc tỉnh Hà Giang, giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Đất Tụ Long phong phú về khoáng sản, đặc biệt là đồng đỏ, là “kho của” trong cương vực Việt Nam. Thế kỷ XVII đất Tụ Long bị mất về tay nhà Thanh cho đến năm 1728, triều đình Lê – Trịnh mới đòi lại được. Trong vòng 150 năm, khoáng sản từ các mỏ Tụ Long đã góp phần không nhỏ cho nền tài chính của các triều đại Việt Nam. Đến Hiệp ước biên giới Pháp – Thanh 1887, vì mưu đồ lợi ích riêng, người Pháp lại bán trở lại cho nhà Thanh. Việc làm vô lối này đã bị chính một số sĩ quan Pháp phản ứng về tận Paris, nhưng Tụ Long lại mất về tay nhà Thanh từ đấy.

(theo sử sách cũ)

Khi ta tỉnh lại, trời đã sáng, lũ chim rừng cãi nhau lóe chóe đâu đó quanh đây, một tia nắng đục nhỏ xíu xiên qua trước mặt, ta ngỡ ngàng, sao lại là chăn bông, lại là giường đệm ấm êm thế này? Ta nhìn khắp lượt, một căn phòng không rộng, nhưng gọn gàng, ta kịp nhận ra sự bài trí vương giả, cái bàn gỗ chạm khắc cầu kỳ, trên đó bộ đèn nến bằng bạc, trời đất, là sao đây? Ta định ngồi hẳn dậy, nhưng thấy choáng, không sao nhấc nổi đầu, ta đành ú ớ gọi: “Ngài… ngài ơi!”. Là ta nghĩ đến Tế tửu Quốc Tử Giám, thày ta…

Bỗng một lão già lạ hoắc xuất hiện, lão mừng rỡ kêu lên, công tử đã tỉnh rồi… Ta định hỏi đầu đuôi, nhưng lão đã biến mất. Chuyện gì mà lạ vậy? Ta nắm lấy bàn tay trái bấm huyệt để bình tâm. Ta nhớ…

Đấy là một vạt núi thoai thoải, đá gan gà trơn lắm, không một cọng cây bấu víu, mù sương giăng đầy. Trước ta, Tế tửu Quốc Tử Giám khom người túm vào mẩu đá nhô lên như những cái răng nhọn, tay ngài đã tứa máu, vạt áo rách tả tơi, ta thương lắm, chỉ sợ ngài trượt chân. Phía sau ta hàng chục người, hun hút là vực thẳm, phía trước cũng hàng chục người, người thì cõng đồ, ngựa thì cõng lương thực… Võ tướng Tả thị lang Bộ binh Nguyễn Huy Nhuận dẫn đầu tìm đường, mỗi khi kiếm được mô đá làm điểm tựa, ngài lại đứng hẳn dậy hùng dũng phất cờ, đoàn quân cứ thế mà tiến …

Ta nhớ cái suối ấy phải bơi mới sang được bờ bên kia, nước xanh leo lẻo, quân báo nói rằng nước suối độc lắm, dân không dám qua. Một số lính quân báo của ta bỏ mạng khi qua đây, một số thì ốm lắt lẻo phải gửi trở về binh trạm. Ta kinh ngạc thấy khí độc bốc lên từ mặt nước suối như màn sương, có mùi hăng hắc! Vì thế Võ tướng Tả thị lang đành tính đi đường vòng, vượt qua quả núi sang phía bên kia là đầu nguồn con suối, có thể lội qua được. Chúng ta đang đi trên đất Vân Nam, lành ít dữ nhiều. Hôm qua người ở cuối đoàn bị hổ vồ xé xác. Bọn cướp thì thoắt ẩn, thoắt hiện, không ai dám tách khỏi đoàn. Ta thấy người nóng hầm hập, miệng khấn lầm rầm, cầu đất, cầu trời, cho ta không ốm, ta không được ốm! Đến trưa thì lên đến đỉnh, tuyết bám đầy mình, nhìn người, ngựa đều trắng xóa. Xa tít, một vệt khói lờ mờ, thày ta bảo đấy là đất Tụ Long.

Xuống dốc ta vượt trước thày, mặc cho phía trước lởm chởm đá chông, ai cũng hồ hởi khi phát hiện ra con đường mòn bé như sợi chỉ vắt qua quả đồi trước mặt. Bất ngờ có tiếng hét to, ta giật mình ngoái lại, thày ta ngã bổ nhoài rồi cắm đầu lao xuống, ta nhanh chóng dang tay ôm trọn, và cứ thế ta và thày lăn đi …

Nghĩ đến đây ta lại lịm vào giấc mộng bồng bềnh, ở chốn thiên nhiên thuyền mây nhẹ xốp, xa xa tiên nữ hiện dần. Ta căng mắt, hút hồn bởi vẻ mềm mại đến hoàn mĩ, tất thảy cứ phô bày lồ lộ, hương thơm đâu đó của da thịt nàng gần gũi như cầm nắm được, khiến ta ngất ngây.

– Công tử đã tỉnh rồi ư?

Ta giật mình, trước mặt là một cô nương dáng vẻ quyền quý! Ta lúng túng chực cất đầu dậy, giờ mới kịp nhận ra chân tay cồm cộm, hóa ra đều được băng bó, ta đã bị chấn thương!

– Công tử cố mà nằm yên, ít cử động càng tốt.

– Ta có bị gãy chân không?

– Không, nhưng vết thương hơi nặng đấy.

Ta hỏi bao nhiêu điều, đây là đâu, tại sao ta lại ở nơi này, mọi người đâu cả, thày ta sao rồi? Cô nương là ai kia?

– Công tử còn mệt, cố mà tĩnh tâm, mà chàng vừa nhắc đến ai kia?

– Thày ta?

Nàng ngồi xuống cạnh giường, ta cảm nhận được từng ngón tay thon nhỏ của nàng ngập ngừng trượt nhẹ trên trán.

– Công tử đã thiếp đi ba ngày, ba đêm, cha em đã cho mời thày thuốc tốt nhất cắt thuốc cho chàng, nay được tin này cả nhà em mừng lắm.

Ta hỏi, có phải ông già ban nãy là thày thuốc chăm ta? Nàng gật đầu, nàng bảo, ông ấy tận tụy ngày đêm chăm sóc ta.

Nàng bảo, em thấy họ qua đây đông lắm, hàng trăm người. Em quan sát có lẽ có hai người chỉ huy đoàn quân, ăn vận cũng khác thường, một người cao to, hùng dũng, mắt xếch, râu hùm, ta bảo đấy là Tả thị lang Bộ binh Nguyễn Huy Nhuận; còn người kia, nàng nói trông nho nhã, kiệm lời, ta bảo đấy là thày ta, Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Công Thái.

– Họ bảo chàng là người quân tử đã không quên mạng sống cứu thày, rồi gửi lại công tử cho cha em.

Ta mừng, vậy là kế của ta đã thuận, lên dốc ta đi sau thày, xuống dốc ta đi trước thày, mấy chục dặm trường, thày ngã chiều nào ta cũng chặn được.

– Thưa cô nương, đây đã phải là đất Tụ Long chưa?

– Công tử đang nằm giữa đất Tụ Long, đây chính là làng Triều Cảng.

Ta lại hỏi có phải nơi đây có con suối, nước độc lắm? Nàng bảo đấy là suối Sâm Mộc, không ai dám đi qua.

Vậy là ta đã hình dung ra mọi sự, nhưng người thấy nóng ran, cái đầu nặng chĩu, ta lại thiếp đi dưới bàn tay êm dịu của nàng.

*

Khi ta tỉnh lại thì người thày thuốc già bê cho ta bát thuốc, ta thấy nước thuốc sánh đen, uống vào có vị đắng. Nhìn vẻ mặt hiền hậu của của cụ, ta cất lời chịu ơn, lại muốn thăm dò đôi chuyện. Cụ nói:

– Lão già này chỉ biết làm thuốc, ai có bệnh cũng không từ, có chăng phải cảm ơn ông chủ và cô nương đây. Ngài đã cho người lặn lội đêm ngày, vượt qua cả ba rặng núi đến tận làng Na Thậm tìm lão, cô nương thì cả ngày lẫn đêm ở cạnh công tử. Lòng người tận tâm, công tử thành người hưởng phúc đấy.

– Mạn phép cho tôi hỏi, chủ nhân đây là ai vậy?

– Ngài là thương gia Trần Lấp, nổi tiếng ở Tụ Long, cô nương là Trần Thu Thảo, con gái út của ngài, cũng tài danh hương sắc, quan trấn Vân Nam khắp vùng để mắt qua lại, nhưng chưa thấy ưa ai.

Vừa lúc cha con nàng tới thăm, ta lúng túng tìm cách ngồi dậy mà không xoay xỏa được, khiến nàng không quản, cúi xuống cạnh ta loay hoay giúp đỡ, ta ngượng chín người.

– Đây là thân sinh ra em, thấy công tử tỉnh lại nên cha mừng lắm.

Ta thành thực cất lời cảm ơn. Người đàn ông trạc tuổi thày ta, mặt vương, tai chảy, đôi mắt thẳm sâu, nhưng nói năng kín kẽ:

– Sao công tử lại cám ơn – Cha nàng nói – Công tử cũng vì việc nước mà phải ở lại đây, chúng tôi được chăm sóc công tử cũng là hạnh ngộ lớn. Tôi còn muốn một ngày đẹp trời, cùng công tử ngắm đất Tụ Long và đàm đạo dăm ba câu chuyện.

Ta lại cám ơn, thực tình ta cũng chỉ biết cất lời cảm ơn trong phép xã giao cần thiết của kẻ ngoại bang lúc này. Cha nàng nói với ta về đất Tụ Long lắm núi nhiều sông, mù sương giăng dầy, đất trời hòa quyện, chẳng biết trần gian hay tiên cảnh. Giọng điệu ngài khôi hài, nhưng ta vẫn thấy bao điều còn xã giao bí ẩn.

Khi còn lại một mình nàng, ta cũng nói cảm ơn Thu Thảo, ta nói tên ta Chánh Thi khi nàng giới thiệu tên mình. Ta thấy có lỗi khi để nàng phải bận tâm suốt cả đêm trường. Nàng bảo là vì tiểu nữ đây chỉ muốn ngắm người quân tử. Ta bảo, nàng quá khen. Nàng lại đùa, nhưng mà ngắm mãi không chán! Ta thấy vui vui, cứ như chính nàng là liều thuốc chữa cho ta vậy.

Nàng giục ta nằm xuống cho đỡ mệt, ta còn do dự vì thấy chừng như thất lễ, nhưng cánh tay mềm mại của nàng đã đặt ở vai ta, người ta theo cánh tay nàng ngả nhẹ. Nàng khẽ khàng kéo chăn phủ cho ta, lần này mặt giáp mặt, ta ngắm kỹ. Ẩn sau vẻ quyền quý kia là thiếu nữ xinh đẹp, đôi mắt tròn to, đôi môi mọng đỏ, run run, mùi thơm êm dịu toát ra từ bên trong con người nàng khiến ta thảng thốt… Nàng khẽ khàng nâng tay ta đang tìm kiếm bâng quơ, đặt lại dưới chăn, ta nắm lấy nó, nhỏ nhắn, mịn màng, nhịp thở trong ta cũng rộn ràng theo bàn tay nàng đang run rẩy. Cho tới khi lão thày thuốc bưng bát thuốc sánh đen bước vào ta mới kịp tĩnh tâm.

Nàng bảo, Tụ Long có làm chàng ấn tượng không? Ta bảo Tụ Long là mục đích của thày trò ta trong chuyến đi này. Nàng khéo chiên cho ta từng thìa thuốc, ta không cảm thấy đắng nữa.

Khi lão thày thuốc ra khỏi, ta mới nói, để đến được Tụ Long, đoàn của ta đã có năm người bỏ mạng, người ốm, người bị tai nạn thì nhiều, có người gửi được về binh trạm, có người phải gửi lại nhà dân như ta.

Ta thấy mắt nàng đã rớm lệ, nàng nhớ hôm đầu nhìn thấy ta bê bết máu vắt trên lưng ngựa, nàng đã hình dung ra cuộc trường chinh vất vả khôn lường, nay thấy ta nói mất nhiều người thế thì nàng không sao mà tưởng tượng được. Ta nói chính ta cũng không sao mà tưởng tượng được. Nàng bảo, chàng học cao biết rộng mà không hình dung nổi, thì sao em lại có thể nghĩ ra. Ta bảo, làm sao nàng biết ta học cao, biết rộng? Nàng bảo nhìn vượng khí ở mặt ta là cảm nhận thấy. Nàng kể, hôm đưa ta về đây cha nàng đã mời đến năm thày thuốc quanh vùng, nhưng ai cũng lắc đầu, cuối cùng cha quyết phải tìm bằng được cụ Bâu, ở cách đây đến hàng chục dặm. Cụ Bâu nghe đồn có nhiều bài thuốc bí truyền, chữa được cả người tưởng đã chết.

Ta cứ thích nắm lấy tay nàng mà hầu chuyện mãi.

*

Thêm ba ngày nữa nằm liệt giường, nghĩ miên nam, nhớ đoàn sứ bộ, nhớ người thày giáo già tận tụy tranh biện ngày đêm, giành giật với Vân Nam từng mét đất. Đến khi tỉnh hẳn, ta được tháo băng, vết thương lành lặn. Ta bảo cụ Bâu, ai ngờ nơi sơn cùng thủy tận này lại có thần dược, ơn này ta không quên được đâu. Lão vui mừng khoe:

– Kể từ nay tôi chính thức được ở lại đây làm bạn với thương gia. Công này, cũng có phần của công tử đấy, cũng là vì tôi đã chữa được cho công tử đấy.

Ngày đêm ta hăm hở họa lại miền đất Tụ Long, thậm chí qua nàng ta còn ghi được cả giá thu mua khoáng vật. Công việc tạo nên thói quen, gặp gì ta cũng thích ghi lại.

Hôm ấy, ta được thương gia Trần Lấp mời cơm, ta biết đây là bữa cơm trọng đại, bởi lẽ, theo lão Bâu, việc gì ta nói với nàng đều đến tai thương gia, cha con họ như bóng với hình. Bữa cơm hôm ấy chỉ có hai cha con nàng tiếp thì ta lại càng tin đó là việc trọng đại. Nhìn vẻ mặt hứng khởi nhiệt thành của thương gia ta thấy yên tâm, nhưng đôi mắt sâu thẳm chứa chất nhiều điều thì ta thấy ngại. Câu chuyện dẫn dần đến chỗ trọng tâm khi ngài hỏi ta có lý lẽ gì mà Đại Việt đòi được vùng đất Tụ Long này?

– Thưa ngài thương gia, Tụ Long, theo tôi hiểu, từ cái tên miền của nó đã là tên của Đại Việt. Ngài thử hình dung xem, Thăng Long là con rồng bay lên, còn Tụ Long đây là nơi rồng thiêng quần tụ.

Thương gia gật đầu tỏ chút hài lòng, rồi lại hỏi, việc trả lại đất cho Đại Việt, tưởng đã xong, làm sao mà còn nan giải vậy? Ta thấy ngờ ngợ, ngài hỏi ta nhiều vậy là lẽ gì? Hóa ra trước mặt ta không đơn thuần là một thương gia chỉ biết cân đong khoáng sản. Lại nghĩ, vì ngài đã có công chữa chạy cho ta nên cũng muốn ngài tường sự thật. Ta nói:

– Có lẽ ngài đây còn nhớ, từ khi vùng đất ba động là Ngưu Dương, Hồ Điệp, Phổ Yên bị tên Vũ Công Tuấn nước tôi làm phản dâng cho Vân Nam, tổng cộng 120 dặm. Nhà Lê đã nhiều lần đưa thư sang đòi lại, nhưng Thổ ty Vân Nam không chịu trả. Đành phải tính đường đến tận Yên Kinh.

– Tôi có nghe chuyện này, thương gia nói.

Câu chuyện xem ra có phần ăn nhập rồi đây. Ta tiếp:

– Năm 1690, sứ bộ nước tôi là Nguyễn Danh Nho sau đấy Nguyễn Đăng Đạo đem quốc thư sang nhà Thanh xin trả lại đất ba động, nhưng quan triều quý quốc là Vương Văn Khế, soát xét đất Vân Nam, vẫn khảng định với Thiên triều đất ấy là của Đại Thanh – Ta vừa nói vừa quan sát, thấy thương gia trầm tư, đôi mắt lim dim, ra chiều nghĩ ngợi – Ngài thử hình dung xem, đường đi vạn dặm, vậy mà năm nào sứ bộ nước tôi cũng rong ruổi trên đường đến Yên Kinh, đoàn này về đoàn khác sang, đường trường không mỏi, chỉ vì cái tấc đất giang sơn không để mất. Đến thời vua Ung Chính nối ngôi Khang Hy, ngoại giao đòi lại đất vẫn thế, vẫn giằng co, nhưng lẽ phải đã dần tỏ rạng.

Ngài thương gia mở to mắt nhìn ta, rồi dường như muốn giấu đi nỗi bối rối, ngài bảo con gái chiên rượu. Ta nói:

– Khi lý lẽ đã thuộc Đại Việt rồi thì ngài Cao Kỳ Trác, Tổng đốc Vân Nam lại tâu với Thiên triều là cương giới An Nam có chỗ xâm lấn vào biên cảnh cũ của nội địa, vì vậy lại phải tra xét cho rõ ràng. Đó cũng là cách để phía họ có thời gian, tìm ra mưu lược khác. Ta nhấp rượu từ tay nàng chiên rồi nói tiếp – Khi ấy Đại Việt tôi lại cử Hồ Phi Tích và Vũ Công Tể cùng với quan phái nhà Thanh là Phan Doãn Mẫn đi thực địa kiểm tra. Có chứng cứ rõ ràng từ thực địa thì nhà Thanh không còn lý do từ chối. Sang năm 1726, vua Ung Chính chấp nhận trả lại cho Đại Việt 80 dặm trong số 120 dặm chiếm ở hai châu Vị Xuyên và Thuỷ Vĩ, còn còn 40 dặm chỗ có xưởng đồng Tụ Long này cho đến tận hôm nay vẫn thuộc đất Vân Nam.

– Là đất này đây, thưa công tử?

– Đúng vậy – Ta khẳng định, giọng điệu ta sục sôi, giống như thày ta ở nơi hội khám – Ngạc Nhĩ Thái, Tổng đốc mới của Vân Nam, lấy lý lẽ xằng bậy tâu với Thiên triều, nước An Nam còn chiếm đất của phủ Khai Hóa?

– Lại thế nữa kia?

– Chưa hết, bên tôi cho chạy thư kháng nghị đến địa đầu biên giới Tuyên Quang, gặp thổ mục giữ quan ải là Hoàng Văn Phác, Văn Phác không chịu tiếp nhận tờ thư, có nghĩa là không cùng bên tôi đi điều tra khám xét tiếp.

– Làm sao mà ra mặt vậy được?

– Căng thẳng như dây đàn sắp đứt – Ta giận dữ nói – Đã thế Tổng đốc Nhĩ Thái lại bày mưu khác, bảo rằng An Nam đang động binh, đem việc này tâu về Thiên triều và xin điều động binh mã ba tỉnh để phòng bị biên giới. Lúc ấy trong kinh, ngoài trấn Thăng Long không khí hoang mang, cứ như sắp có nạn binh đao.

Thấy ngài thương gia nhổm hẳn người, chừng như muốn tranh biện, nhưng ta khoát tay:

– Làm gì có chuyện động binh, khi mà chính nước tôi đang còn chia cắt, Đàng ngoài là chúa Trịnh, Đàng trong là chúa Nguyễn phân tranh. Thiên triều thấy việc bất ngờ, đâm hoài nghi, chưa vội chấp nhận thỉnh cầu điều binh mã cho Thống đốc Vân Nam, mà sai triều thần là Hàng Dịch Lộc và Nhậm Lan Chi đi thẳng sang Đại Việt hiển dụ chiếu chỉ, nhân đấy xem xét động tĩnh, thì thấy chúng tôi đâu có ý định gây hấn gì. Lúc ấy, quốc thư của Đại Việt cũng vừa kịp tới Yên Kinh, lời thư đã cố nhún nhường. Ung Chính xem quốc thư, rất hài lòng, lập tức cho viết sắc văn khác, trả nốt đất xưởng đồng 40 dặm, lấy lại biên giới là sông Đỗ Chú: “40 dặm đất ấy nếu thuộc vào Vân Nam thì là nội địa của trẫm, nếu thuộc về An Nam thì vẫn là ngoại phiên của trẫm”. Tuy giọng điệu còn cao ngạo, nhưng Ung Chính đã phải chấp nhận trả lại Đại Việt vùng đất Tụ Long này.

Đến đây ta thấy đã bình tâm nên tỏ lời phân giải:

– Thưa ngài thương gia Trần Lấp và tiểu thư Thu Thủy, ngài thứ lỗi cho, sở dĩ tôi nói dài dòng vậy cũng là để ngài tường tận có đầu, có đuôi câu chuyện.

– Không có gì – Thương gia xua tay nói – Cảm ơn công tử đã kể cho tôi một chương sử dài lịch sử.

Ta nói, xem ra ngài có biết sự việc? Thương gia nói có biết nhưng là quan điểm từ Vân Nam. Vẻ mặt ngài suy tư, trán hơi cau lại, do dự một lúc lâu ngài lại hỏi:

– Tôi nghe tin hai bên đã hội khám xong ở Mộc Chảy, đã định xong biên ải, vậy thì các ngài còn cất công đi tiếp đến vùng lam chướng này làm gì?

Câu hỏi có chút sỗ sàng, ta thấy tím tái, nhưng vì chuyện ngoại giao mà cố kiềm chế lại. Ta nói, hội khám chưa xong, bởi vì thày ta và người cộng sự là Tả thị lang Nguyễn Công Thuận còn nghi vấn về dòng sông biên Đỗ Chú, nói thẳng ra, thày ta nghi ngờ Vân Nam cố giữ lại khu mỏ đồng quí này.

Khi kể cho thương gia ý đó, ta thấy ngài ra chiều ngẫm ngợi. Ta còn nói thêm, cuộc hội khám diễn ra gay gắt lắm, cuối cùng đoàn bồi thẩm Vân Nam vẫn khẳng định sông Đỗ Chú họ chỉ cho ta là đúng, họ thách ta tìm ra sông Đỗ Chú nào khác trên đất Vân Nam!

Thấy thương gia không đưa ra lý sự nào, lại hỏi ta có ý định đi theo đoàn sứ bộ? Ta bảo, thân xác ta được ngài cứa chữa, ơn này ta không quên, nhưng lòng ta thì luôn ở bên thày, nếu không được sống chết cùng thày thì ta đâu còn là người quân tử.

*

Một hôm nàng dẫn ta cưỡi ngựa đi thăm toàn cảnh vùng đất Tụ Long. Tầm mắt ta mở rộng. Tụ Long núi non nhấp nhô như rồng lượn, rừng hoang sơ bạt ngàn, những cây tùng xù xì có đến ngàn năm tuổi. Chúng ta lãng mạn đứng trên núi cao ở nơi bồng bềnh mây phủ mà ngắm sơn thủy hữu tình. Lời đồn nơi đây là mỏ đồng lớn nhất nước ta quả cũng không ngoa. Ta thấy người khai mỏ ở đây có đến hàng ngàn, hàng vạn, cứ từng tốp, từng tốp, trông xa nhỏ xíu như lũ kiến, họ chui vào chui ra từ những cái lỗ chi chít dưới chân núi, tha ra từng thúng, từng bao tải đồng nguyên khai đổ thành đống cao như đống rạ, đỏ quạch một góc trời. Trên đường đi ta gặp từng tốp thợ lam lũ, lầm lì, đầu chít khăn có vành sắt gắn nến phía trước, vai vác búa, đục, đi về phía có những hang sâu.

Trở về khu dinh thự thương gia, nàng chỉ cho ta từ ngôi nhà chính to như ngôi đình làng vùng xuôi, bên phải là các tòa của các bà vợ thương gia Trần Lấp, từ nhà vợ cả đến vợ tư, nhà nào cũng phô kiểu cách lạ, đài các. Giữa sân bày cả một tảng đồng nguyên chất, ban đầu ta lại tưởng hòn non bộ, bởi nó đã được phủ một lớp rêu xanh do phong sương lâu ngày. Theo nàng kể, ở Tụ Long phần đa là đồng nguyên chất, có nhiều tảng to lắm, khách buôn chở đi không nổi phải xẻ đôi, xẻ ba. Ta được biết nàng có nhiều anh chị, người thì buôn chuyến đến tận Vân Nam, người thì thu gom từ mỏ nhỏ, rồi qua tay các thương gia phân phối đi khắp miền. Bà tư chỉ sinh được một mình nàng, nàng lại được cha cưng chiều cho cai quản phần tài chính.

Nàng mời ta thăm gian chính của thương gia, thấy toàn gỗ quí, cột nhà bằng gỗ lim, ôm một vòng tay không xuể, Ta để ý tới bức hoanh phi: Tưởng nhớ ơn xưa và bức Giữ mãi ơn  phúc, rồi hỏi nàng ai đang là ân nhân của nhà ta? Nàng ngơ ngác nhìn ta, sao chàng hỏi vậy? Ta lại đọc to cùng nàng câu đối: Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc, vế bên kia: Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn. Ta khen đối chuẩn, và nói, cha nàng là một nhà nho, nhưng gốc chính ông ở nơi nào? Nàng lại lơ ngơ, có lẽ điều này nàng chưa bao giờ để tâm. Ta bảo, nàng sinh ra ở đất này, nhìn cách bài trí kia ta nghĩ có lẽ đến cả cha nàng cũng sinh ra ở đất này, nhưng nội dung bức hoành phi, câu đối lại thấy đậm chất Việt?

– Những điều chàng nói làm em lại nghĩ về cha, quả thực nhiều lúc em thấy cha tư lự, không lẽ là chuyện kinh doanh, không lẽ là mấy người Vân Nam bắt chẹt. Từ hồi em nắm phần tài chính, các quan trấn qua lại thăm nom, việc khó khăn giảm bớt, nhưng cha vẫn buồn, nỗi buồn sâu thẳm. Cha con em không giấu nhau điều gì, nhưng nỗi buồn này cha giấu em chăng?

Nàng khen ta có kiến văn sâu rộng, lại không quản khó khăn, ham hiểu biết, thật đáng nam nhi. Ta bảo, ta là nho sinh ở đất Thăng Long được đích thân Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Công Thái chọn hầu ngài trong việc đi “hội khám” với nhà Thanh đòi đất. Công việc chính của ta là ghi chép lại. Việc này không những chỉ có ta cảm kích, mà cả gia đình, họ tộc ta lấy làm vinh hạnh. Hôm tiễn ta lên đường, cả họ nhà ta cờ giong trống mở, lòng ta nao nao, ta tự hứa với lòng mình quyết phụng mệnh đến cùng vì quốc gia đại sự.

Nàng hỏi ta vì sao mà ta được chọn đi theo đoàn sứ bộ? Ta đành kể cho nàng sự thật này. Năm kia, bấy giờ, giữa triều đình nhà Lê và Đại Thanh đang quyết liệt về vấn đề đất Tụ Long, vì vùng này có mỏ quý nên Vân Nam tìm trăm phương nghìn kế giữ lại. Trong khoa thi Hoàng tử năm ấy, chúa Trịnh Cương đã trực tiếp ra bài thi cho Quốc Tử Giám, ngài bắt nho sinh phải thảo một bức thư trả lời Thống đốc Vân Nam, trình bày các lý lẽ rằng: “Đất Tụ Long nguồn gốc thuộc bờ cõi Đại Việt, mãi mãi thuộc về Đại Việt,…”. Lý lẽ bài văn của ta được Hội đồng trình đến tận tay thày Nguyễn Công Thái, phụ trách Quốc Tử Giám, được thày khen.

– Đến giờ em mới hiểu vì sao cha em quý chàng, cha không ngăn cản khi em thích chàng, thậm chí cha biết cả những đêm em ở cạnh giường chàng đến sáng.

Ra trước ban công nhà lớn, nàng ngước đôi mắt đẹp âu yếm nhìn ta rồi hỏi:

– Công tử có đến thăm nơi ở của em không?

Ta gật đầu ưng thuận. Khuê phòng nhỏ nhắn xinh đẹp, bài trí gọn gàng, ngăn nắp, không thấy có vẻ phô bày của kẻ giàu sang, mà ngược lại có phần giản dị, một vài đồ sứ mỹ nghệ Giang Tây, cái lư hương nhỏ xíu, chiếc hộp gỗ đựng đồ trang sức xinh xinh… ta thầm khen thẩm mỹ của nàng.

– Chàng!

Ta quay lại, thấy mắt nàng đờ đẫn:

– Công tử biết không, chàng là người đầu tiên bước qua ngưỡng cửa này.

Ta thấy run run, một cái gì đó hình như đang chờ đợi.

– Chàng cũng là người đầu tiên nắm trọn bàn tay em.

Ta nhớ bàn tay nàng trong chăn hôm ấy, ấm áp lạ lùng.

– Chàng ưa em những đã biết gì về em?

Môi ta run run, hình như ta nói thành lời, ta có biết!

– Em chưa một chút vấn vương ai như chàng đâu.

Ta nói, nàng ơi, ta đã tin là vậy.

– Điều chàng nghi ngờ trong bức hoành phi câu đối kia là thật, em không phải người Hoa, cha con em cũng là con dân nước Việt.

Ta ngỡ ngàng, cho dù dọc đường đi ta đã gặp không ít dân nước Việt, (vì đây là vùng vốn của người Việt ta) họ nói cả tiếng Việt lẫn tiếng Vân Nam nên khó đoán, nhưng với thương gia giàu có như Trần Lấp thì ta khó tin! Ta ngắm kỹ lại nàng, vẻ bối rối khiến đôi má nàng ửng đỏ, ta nhìn xoáy sâu vào đôi mắt kia, nó đã dại đờ. Và. Thật bất ngờ, chiếc áo nhiễu xanh phủ ngoài bỗng tụt xuống. Khi ấy… ở giữa căn phòng ấy, nàng cứ buông dần, từ ngoài vào trong, từng thứ một, tròn trịa, trắng ngần, ta cứ ngây ra. Khi cái yếm đào cuối cùng định buông rơi thì cổ ta khát cháy…

– Nàng ơi! Ta sụp xuống – Không… là không phải lúc này, ta là người quân tử!

*

Vì thế hôm sau ta phải kể tiếp với nàng về câu chuyện đi tìm dòng sông Đỗ Chú:

Ta nhớ đêm ấy, khi tỉnh giấc, thấy thày ta vẫn đi đi lại lại trong cái lán trại nhỏ nhoi, chắc cả đêm thày không ngủ, ánh lửa từ đống than hồng hắt lên vẻ mặt thầy đau đáu. Từ đấy ta cũng không sao ngủ được nữa. Thày bảo, con có thấy dòng sông Đỗ Chú họ chỉ cho ta còn nhiều nghi vấn không? Ta ngạc nhiên bởi trong cuộc “hội khám” ban chiều, hai bên đã tay bắt mặt mừng, ra vẻ đồng thuận. Thày ta bảo, không, thày không tin, đất tổ tiên phải vào sâu nữa, lập xong đường biên mà không có Tụ Long thì chẳng có nghĩa lý gì. Phải tìm ra đất Tụ Long, mạn Bắc Tụ Long mới là sông Đỗ Chú. Lúc ấy ta mường tượng, phía trước là mênh mông, núi cao, rừng rậm, phương tiện đi lại chỉ có đôi chân. Thày thân mỏng, vai gầy, sức đâu mà đi!

Thày Công Thái bảo ta phải qua lán Tả thị lang mời ngài sang để bàn lại. Con phải chịu khó giúp thày, đây là việc hệ trọng quốc gia phải bàn kỹ. Ta mở cửa lán, luồng gió lạnh thốc vào, những sợi tuyết thi nhau táp vào mặt, thày lấy chiếc chăn đưa cho ta bảo, con cứ khoác thêm vào người.

Ta không muốn kể cho nàng cả quãng đường đi, bởi nàng là nữ nhi, bởi trên đường đi cũng có nhiều chuyện lạ. Nhưng vì chuyện hôm qua, ta đành nói lại. Đêm ấy trời tối đen, ta cố đi sát vào các lán sĩ quan, để phòng có chuyện thì được ứng cứu kịp thời, cũng là để nhờ ánh lửa sưởi ở các lán mà nhận biết đường đi. Càng về đêm, không gian càng tĩnh lặng, nhưng thỉnh thoảng, đâu đó có tiếng khúc khích, nỉ non, ta nghe cả tiếng nữ nhi cười bả lả. Tính tò mò, ta ghé mắt nhìn qua khe lán. Trời đất! Cứ trắng phớ! Bọn chúng chẳng cần ý tứ, chẳng sợ rét, cứ bên đống củi cháy đùng đùng mà ôm ấp mân mê. Trên đường đi, mỗi khi có tiếng rú lên, ta lại nghĩ ngay, đồ lính tráng đang tầm bậy! Vì thế khi quay về, ta phải tính đi lối khác, nhất định không để võ quan biết chuyện.

Ta đến lán của Tả thị lang, ngài đang ngồi thiền bên đống lửa, khuôn mặt võ quan đau đáu, hóa ra cũng như thày ta, ngài không ngủ. Khi nghe ta cất lời, mặt ngài rạng hẳn.

Đêm đó hai ngài bàn công chuyện với nhau đến sáng, ta ghi đầy đủ trong quyển lộ trình. Hóa ra cả hai đều nhận định, dòng sông định cắm mốc phía họ chỉ cho ta nhất định không phải là dòng sông biên Đỗ Chú!

Sáng hôm sau, trước khi vào hội khám, thày hỏi ta, đêm qua đi qua các lán con thấy anh em mình ngủ tốt không? Ta lúng túng đỏ bừng mặt, thày nghi vấn hỏi dồn, ta đành thú thật. Thày thở phào như đã tìm ra giải đáp, thày nói, ngày thì tiệc đón linh đình, đêm về thì gái gú, thế thì con suối này không phải là sông Đỗ Chú đâu.

Ta kể ra để mong nàng hiểu cho cái chuyện hôm qua. Nàng nghe xong thì trầm tư, tay vân vê món tóc, một lúc lâu mới ngước nhìn ta, tâm sự:

– Em cũng kể cho cha về chuyện ở phòng em hôm trước, mặt cha thất thần, cha nói, họ có việc lớn phải làm con ạ.

Ta không còn tin ở tai mình, sao chuyện riêng như thế mà nàng còn kể lại, có phải cha con nàng định thử ta chăng?

*

Ngày lên đường đã định, thương gia hứa cho một chuyến xe và chở ta đúng đến nơi đang hội khám. Làm sao mà ngài biết được nơi hội khám thì ta không nghĩ ra.

Tối ấy nàng tiễn ta về đến cửa phòng, rồi tặng ta một kỷ vật nhỏ: “Em biết, không thể giữ nổi chân chàng, nhưng có kỷ vật này nhất định công tử nhớ đường mà quay lại”. Ta lại tiễn nàng trở lại, cứ thế mà tiễn nhau, tuyết bám đầy cả áo. Câu chuyện của nàng hôm ấy khiến ta xúc động. Nàng bảo từ hôm ta kể câu chuyện tranh biện vùng biên, cha nàng có phần tư lự nhiều hơn, có lúc thẫn thờ cả tiếng. Thấy vậy nàng đành bảo, cha ơi, có điều gì cha còn giấu con sao? Cha không ngoái lại, người vẫn trầm tư, nàng qùy xuống bên cha khẩn cầu, con không được làm người quân tử như chàng, nhưng sẵn sàng vì cha mà không màng mạng sống. Cha bảo nàng đứng dậy đi theo cha. Cha dẫn nàng vào phòng riêng, ở tận trong buồng nơi cha ngủ, có một cái tủ lớn, cha mở tủ, lấy ra một cái hòm con, trong cái hòm con, lật mấy thứ giấy tờ văn tự thì thấy một cái hộp con nữa. Cha đưa cho nàng và nói: “Con ơi, giàu có làm chi khi cả đời ta phải găm lại thứ này”.

Ta giật mình:

– Nàng đang tặng ta kỷ vật của cha nàng?

– Chàng nhanh trí hơn em tưởng.

Từ đấy tim ta nện thình thịch, không còn nghĩ được gì hơn ngoài cái kỷ vật đang ở sâu trong áo ngực.

Khi còn lại một mình ở trong phòng, ta tò mò muốn xem kỷ vật nàng đã tặng. Ta cẩn thận lột từng nếp vải mỏng, thì ra chỉ là một tờ giấy, tờ giấy màu sậm, lại giở nó ra, bỗng ta run bắn người. Đó là bản đồ Tụ Long, bản đồ gốc, nhìn niên đại ta biết nó có từ khi Vũ Công Tuấn dâng đất cho Vân Nam. Ta hăm hở lần tìm, dòng sông có tên là Đỗ Chú ở ngay trước mặt. Tim ta nện thình thịch, ta ngồi nín lặng hồi lâu rồi lại gấp nó lại như cũ, cất sâu vào trong áo ngực. Trời ơi, nếu có nó từ đầu, đã đỡ tốn bao nhiêu là xương máu. Ta biết, làm việc lộ cơ mật này, nàng đã quá liều, không nói là quá ư mạo hiểm. Ta thẫn thờ cả người, báu vật là đây, nhưng cha con nàng thì làm sao mà tránh nổi hậu họa. Ta day dứt lương tâm, không muốn để nàng phải chịu đựng một mình, nếu việc này lộ cơ. Ta quyết định trải chiếc bản đồ trên bàn chép lại. việc đó với ta không khó, gần sáng thì chép xong.

*

Hôm sau ta được chính bố con nàng đưa tiễn, thương gia nhìn ta đăm đăm, cứ như muốn moi móc ruột gan ta ra vậy, rồi lại nhìn con gái, ta hiểu ý ngài và đã nói ra điều cốt tử:

– Thưa ngài thương gia, thày tôi không quản phơi thây vì nghĩa lớn, vì vậy tôi phải đến với thày tôi để tìm ra dòng sông Đỗ Chú. Còn việc riêng, tôi đã trải lòng, nhất định phải quay lại nơi này để cùng ngài và tiểu thư đoàn viên.

Ta bước lên chiếc xe ngựa kéo ngoái lại nhìn cha con nàng hứa một ngày trở lại. Cảm ơn nàng, đã cho ta thấy cả tấm lòng trọn vẹn, cả niềm tin và cả cái phì nhiêu diệu kỳ của tạo hóa. Ta thề quay lại tìm nàng với lời ước hẹn sắt son. Ngồi trên xe ngựa cùng với người thày thuốc già lòng thấy nao nao. Chúng ta nói về vùng đất biên cương lam chướng mà giàu có đến khó tin này. Thỉnh thoảng ta lại nói về thương gia tốt bụng, ngài đã chỉ cho ta biết đường đi, lại cho xe ngựa kéo. Trên quãng đường gập ghềnh sỏi đá, rợp tán cây rừng, thỉnh thoảng lại lộ ra một cái mỏ nhỏ, một xưởng nấu quặng, tinh lọc thành đồng, thành bạc. Tốp thợ mặc áo nhồi bông, cần mẫn, thấy ta vẫy tay chào, mặt họ cứ lơ ngơ, các ngươi đâu biết rằng, ngày mai, nơi đây đã trở về với con dân nước Việt.

Đưa ta đến đúng bờ nam sông Đỗ Chú, khi đã nhìn thấy lá cờ Đại Việt trên đỉnh đồi, xe ngựa dừng lại. Ta đưa cho người thày thuốc một chiếc phong bao, dặn rằng, cụ hãy vì ta, vì nàng, phong thư này chỉ được đến tay một mình nàng, nhất định không để một người thứ hai biết chuyện. Đó chính là tấm bản đồ Tụ Long gốc ta muốn hoàn lại cho nàng, bởi lẽ ta không muốn mất nàng khi quay lại đất Tụ Long.

*

Thày Công Thái thấy ta trở về thì mừng khôn tả, lại thấy ta đưa ra tấm bản đồ Tụ Long với đầy đủ núi non sông ngòi thì thày kinh ngạc. Ta nói, đây là tấm lòng Thu Thảo, mà con chỉ là người chép lại. Thày hỏi nhiều điều, ta kể không sót, riêng chuyện với Thu Thảo ở phòng nàng hôm ấy thì ta giữ lại, nhưng chắc cũng không qua nổi mắt thày. Thày nói, khi trở về, nhất định phải rẽ qua Triều Cảng, để thày cảm ơn thương gia, cảm ơn cô nương, thày nhắc khéo ta, người quân tử thì không được phản bội lời hứa đâu con ạ. Lòng ta hân hoan!

Cuộc hội khám ngày hôm sau diễn ra suôn sẻ ngay trên bờ sông Đỗ Chú thật sau cả một chuỗi ngày quyết liệt giằng co. Ta còn nhớ thày ta run run nâng tấm bản đồ trên hai bàn tay mà trịnh trong tuyên bố rằng, thưa các ngài, các ngài khỏi lo, đây là chứng cớ sẽ được khấu kiến đến Thiên triều. Họ nhìn nhau lơ ngơ!

Tình thế khiến người bồi thẩm đưa ra một tấm bản đồ Tụ Long mà họ Vũ đã dâng cho Thống đốc Vân Nam, trải cả hai lên bàn. Họ chụm vào nhau soát xét, khi thấy bản đồ ấy và bản đồ ta chép không sai nhau nét nào, ngài Tri phủ Khai Hóa cầm chén nước trên tay bỗng rơi xuống đất vỡ tan.

Thế rồi hai bên thống nhất dựng bia đá hai bên bờ sông Đỗ Chú. Bia phía bờ Bắc do Ngô Sĩ Côn, giữ chức Tri phủ Khai Hoá và Vương Vô Đảng giữ chức Du kích trung doanh trấn Khai Hoá dựng. Văn bia dẫn giải thêm:

“Khai Dương ở xa tận góc trời, tiếp giáp với đất Giao Chỉ. Tra trong sách vở ghi chép lại, thì giới mốc chỗ đất này phải ở vào sông Đỗ Chú cách phủ trị Khai Hoá 240 dặm về phía Nam”.

Bia của bờ Nam ghi rằng:

“Lấy mốc sông Đỗ Chú làm căn cứ, ngày 18 tháng Chín năm Ung Chính thứ 6 (1728) chúng ta là: Nguyễn Huy Nhuận, Tả thị lang Bộ binh và Nguyễn Công Thái, Tế tửu Quốc Tử Giám, được triều đình ủy sai, vâng theo chỉ dụ, lập bia đá này”.

Ta thấy mắt mình rưng rưng, thày ôm ta vào lòng: “Thế là thày có thể thảnh thơi nhắm mắt được rồi con ạ!”

*

Đúng như lời hứa, hôm đoàn quân chiến thắng trở về, thày trò ta rẽ qua làng Triều Cảng, nơi có tư dinh thương gia. Ta hồi hộp đến ngộp thở, nhưng đến nơi, chỉ thấy trống không, chỉ còn mỗi lão thày thuốc già, người quắt queo, cụ nhìn ta sắc mặt thẫn thờ:

– Đi hết rồi, tiểu thư khóc mãi, nhờ lão ở lại nói lời vĩnh biệt cùng công tử!

Người ta như ngây như dại, đứng như trời trồng, miếng vải gói tấm bản đồ Tụ Long mà nàng đã tặng ta ở trong túi ngực như bốc cháy. Đến khi thày vỗ vai giục đi, ta mới sực tỉnh. Chúng ta lặng lẽ đi bên nhau một đoạn đường khá xa thày mới nói: “Thương gia Trần Lấp là người họ Vũ, vì hổ thẹn nên chuyển sang họ Trần đấy thôi. Các đời họ Vũ đều được gọi là chúa Bầu, cai quản mấy châu vùng biên. Bắt đầu từ Vũ Văn Uyên, tới em Uyên là Vũ Văn Mật, con Mật là Vũ Công Kỷ, con Kỷ là Vũ Đức Cung, con Cung là Vũ Công Đức, con Đức là Vũ Công Tuấn, tất cả được sáu đời, đến đời thứ sáu thì dâng đất cho Vân Nam để làm phản”. Ta nghĩ sao mà thày nhớ dai đến thế, nhưng lịch sử vốn dĩ công bằng. Đi một đoạn nữa thày nói tiếp: “Nhưng con cháu họ biết hổ thẹn với tiền nhân cũng là phải đạo”.

Ta ngửa mặt lên trời mà đựng dòng nước mắt.

Đại Thanh bao la, nàng ở nơi nào? Ta cứ ao ước có một ngày đi khắp cùng trời cuối đất để tìm gặp được nàng, dù một khắc, một giây thôi cũng được.

NN

BỨC ẢNH XƯA

Hoàng bóp trán suy nghĩ mãi, không sao nghĩ ra món quà gì có ý nghĩa nhất để trả được cái công lao trời biển của bạn. Hứa với vợ con rồi, sinh nhật này nhất định Hoàng đến nhà Đoàn Công Bính chúc mừng, cũng là dịp để trả cái ơn ấy của bạn, nhưng không lẽ dùng “văn hoá phong bì”, không lẽ chai rượu tây, tính kiểu gì cũng không ổn, bạn bè với nhau nó có cái khó là thế. Thế rồi bỗng chợt lóe lên, anh chạy lên gác lửng, bới tung đồ đạc, moi ra cái hòm gỗ nhỏ bảo bối, trong ấy là những tấm hình mà cuộc đời làm ảnh của bố anh để lại. Biết đâu còn có cả tấm hình chụp hỏng của gia đình Chánh Thông, gọi là chụp hỏng vì tự dưng có thằng Bĩnh oắt con ló mặt vào. Anh còn nhớ hồi đó khi rửa ảnh xong, bố anh thẫn thờ gọi anh vào buồng nói nhỏ: Thằng Bĩnh nó hại bố rồi, thế này quá bằng ỉa vào mặt Chánh Thông. Cả tấm hình nhà người ta, ăn mặc sang trọng là thế, tự dưng tòi ra cái thằng Bĩnh cởi truồng, nhếch nhác lấp ló phía sau. Ông cấm Hoàng không được lộ chuyện với ai. Thế rồi ông phải tìm cách xin lỗi Chánh Thông, nói tránh do sơ  xuất nên chụp bị thiếu sáng để xin được chụp lại. Ông cũng không dám nói trong ảnh có thằng Bĩnh, nếu nói thì Chánh Thông nó tống cổ bố con thằng Bĩnh ra khỏi nhà, chứ đâu còn được là con ở dọn dẹp hố xí cho nhà nó.

Bĩnh là tên chính thức thức của Đoàn Công Bính bấy giờ. Hồi xưa, nhà bố con Bĩnh là túp lều xiêu vẹo, dựng nhờ ở vườn nhà Hoàng, trời nắng thì nhà cũng là vườn, trời mưa thì có thêm mấy tầu lá chuối khô, nên thằng Bĩnh lúc nào cũng bê bết bùn đất. Nó như củ sắn, củ khoai, lăn lê, bò toài chẳng ốm đau gì sất. Hồi đó hai thằng thân nhau. Mỗi lần Hoàng bị con nhà có máu mặt trong làng bắt nạt, Bĩnh đều ra tay, bù lại Hoàng thường xúc trộm gạo của nhà mang cho Bĩnh, hai thằng nấu cơm ăn chung. Hoàng thích chơi với Bĩnh còn vì nó hội đủ cái láu cá của lũ trẻ con, ỉa thì ra gốc chuối hoặc ra bờ sông, sau đó lăn tùm xuống nước. Bĩnh bày đủ trò nghịch ngợm, cái gì cũng biến thành món ăn, nướng cua đồng, nướng ốc, nướng châu chấu, nghĩa là bắt được con gì hai thằng cũng nướng.

Gia đình Bĩnh từ đâu xa lắm, nghe nói, khi mẹ chết đói, bố con mới lang bạt đến Tổng Thanh, ở đợ cho nhà Chánh Thông kiếm bữa qua ngày. Thế rồi từ anh cố nông bỗng dưng được đổi đời nhờ cuộc cách mạng long trời lở đất. Sau khi bố con Bĩnh được chia ruộng, chia nhà, mới ngơ ngác làm quen với lớp học thì bố Bĩnh mất vì bệnh lao, Bĩnh được cách mạng đưa đi đào tạo. Từ đấy hai thằng không có dịp gặp nhau. Hoàng tốt nghiệp đại học, làm anh cán bộ Lâm nghiệp ở tận vùng rừng núi Đông Bắc, tình cờ hai đứa nhận ra nhau trong một cuộc hội thảo do Thứ trưởng Đoàn Công Bính chủ trì. Thương bạn ở mãi vùng sâu vùng xa, ít lâu sau Đoàn Công Bính đã tìm cách điều động Hoàng về cơ quan Bộ.

Vì thế lúc nào Hoàng cũng canh cánh trong lòng về cái ơn lớn này, và trong cái phút lóe sáng ấy Hoàng đã nghĩ đến tấm ảnh. Anh cố bới moi, lật giở hàng trăm tấm ảnh đã vàng ố, mốc meo của bố anh để lại, và trời đã không phụ công anh, tấm ảnh Chánh Thông vẫn còn nguyên vẹn. Cảm ơn bố, cảm ơn ông trời, món quà này còn quý hơn vàng bạc. Một lần tâm sự với nhau, ôn lại cái hồi hai đứa còn để chỏm, để chỏm là cách gọi thông thường, gọi là để chim thì đúng hơn. Hoàng nói lại cái kỷ niệm xưa mà anh vẫn nhớ như in, nhưng thấy Bính vẫn thẫn thờ như người mất của: Mình không có tuổi thơ, Bính nói, không còn một chút kỷ niệm tuổi thơ, không một tấm hình, không một kỷ vật, ngoài cậu đấy Hoàng ạ. Bính ơi! Hoàng run lên: Cậu đây này, tuổi thơ của cậu đây này! Hãy giữ lấy, hãy khắc lấy cái thằng Bĩnh khốn khổ ngày xưa của cậu!

Hoàng ngồi trước máy tính, tách hình của Bính riêng ra rồi phóng to gần bằng màn hình. Từ đấy ngày ngày anh lại lôi tỉa tót tỉ mỉ, làm rõ từ mảnh vá nham nhở trên chiếc áo cũ, rõ từng xơ vải lơ phơ, rõ cả lớp da mốc thếch. Hồi ấy Bính chừng mười tuổi, những cũng chỉ có chiếc áo rách không còn cúc mặc trên người, phơi ra cái bụng ỏng, cái rốn lồi, tồng ngồng là cái chim héo quắt. Người nó lấm toàn đất cát, tèm nhem, mũi dãi thì nhoe nhoét. Hoàng dùng kỹ xảo thuần thục của mình, mô tả sự thật trần trụi tới mức nghệ thuật. Đó là sự thật của một thời cay đắng, không thể nào quên.

Hoàng mong từng ngày, rồi cái ngày mong đợi cũng đến. Bính tổ chức sinh nhật trong gia đình vào ngày chủ nhật trước đó hai hôm, còn ngày chính thức thì cơ quan tổ chức. Hoàng muốn mình là người đầu tiên đến mừng. Nhà Bính cực sang, camera quét từ ngoài cổng. Bên trong, chắc qua màn hình Bính đã nhìn thấy Hoàng nhăn nhở, tay xách, nách mang, không khác gì người ta đến cầu cạnh. Có tiếng động cơ điện kêu ro ro, cánh cổng từ từ hé mở. Câu đầu tiên Bính đã choảng vào mặt bạn: Cậu mang cái của nợ gì thế này? Cư xử với bạn mà cứ như người dưng? Hoàng cười khà khà, cầm cái túi nilon đỏ nhẹ bẫng, dơ cao: Cậu đừng có tưởng bở, còn lâu mới kiếm được của tớ chai rượu tây, nhưng mà đây là của quý hiếm, quý hiếm đến bất ngờ, bất ngờ đến mức cậu không bao giờ nghĩ tới.

Vào trong phòng khách rộng, trông như gian chính của đinh làng Tổng Thanh hồi trước, mặc dù đã đến đôi ba lần nhưng Hoàng vẫn không khỏi ngạc nhiên bởi cách bài trí mới lạ, phô ra toàn đồ mỹ nghệ trang trọng đắt tiền, trong khi Bính thì cứ săm soi vào cái túi đỏ, có gì mà ngạc nhiên tới mức không bao giờ nghĩ tới?

– Chưa có khách tới chứ?

– Thằng hâm, mấy giờ rồi mà bảo người ta đến.

– Khỉ thật, mới là qua trưa – Thấy Bính vẫn săm soi vào cái túi đỏ, Hoàng lại cố tỏ ra thư thả, thư thả cho đã cái công anh tỉ mẩn đến hàng tháng nay để biến cái bức ảnh vàng ố trở nên như một tác phẩm nghệ thuật. Khà xong một chén nước trà, hỏi han mấy chậu bon sai khác lạ, làm ra vẻ ta đây cũng là một tay chơi sành điệu, biết chơi sang. Khi đã thấy bạn sốt ruột đến nôn nao, Hoàng mới lấy từ trong túi áo ngực đưa cho Bính xem tấm ảnh cỡ 6×9 đã ố vàng, đây mới là màn một.

– Có nhớ ai đây không?

Thấy tay Bính run run, đưa tấm ảnh soi ra chỗ sáng rồi à lên một tiếng:

– Lão Chánh Thông, Bính kêu khẽ, cả gia đình Chánh Thông!

– Có thấy thằng nào lấp ló phía sau đấy không?

– Nhớ ra rồi, Bính à lên một tiếng, nhưng làm sao mà cậu có cái ảnh này?

– Khá! Hoàng nói, đã tưởng cậu quên, đây là gia bảo ông già mình để lại.

– Quên sao được, Bính trầm tư lại, tớ còn bị thằng trương tuần nó tát cho một cái nảy lửa lúc nhảy vào trong sân. Bố tớ bảo may mà trong ảnh không có hình của tớ. Bố tớ lại cứ tưởng không có hình của tớ thật. Bính thần ra một lúc rồi thành thực nói. Cảm ơn cụ nhà, hồi ấy cụ mà đưa cái ảnh này ra thì bố con tớ không còn đường sống ở Tổng Thanh nữa.

Mặt Bính chùng hẳn xuống, đôi mắt mờ đục, dường như có đám mây đen của một quá khứ nặng nề bao phủ, một quá khứ không dễ quên. Lúc ấy Hoàng mới trân trọng đặt cái túi đỏ trước mặt Bính, màn hai bắt đầu:

– Còn đây là thành quả công nghệ kỹ thuật số, là kỹ năng gia truyền, cậu xem đi.

Bính run run rút từ trong túi nhựa ra một cái hộp dẹt, món quà sinh nhật được gắn một bông hoa vải tết khá cầu kỳ, bóc đi lần giấy hoa bọc ngoài, mở hộp cacton, một tấm hình cỡ lớn nổi bật lên đến nỗi Bính giật thót mình. Một thằng bé con bẩn thỉu nhưng sống động đến kinh ngạc, đôi bàn chân lấm lem của nó in thành dấu trên cái nền gạch bát sạch bong. Bính bàng hoàng nâng tấm ảnh trên tay, dán mắt như soi lấy từng chi tiết, má Bính rung rung, khuôn mặt đỏ lên rồi từ từ tái sẫm. Và thật bất ngờ, Bính đập cái ảnh xuống bàn đánh chát:

– Cậu làm trò gì thế này, thằng khốn!

Hoàng còn chưa hiểu bạn nói thật hay đùa, lúc ấy bỗng có tiếng loẹt quẹt của cô vợ Bính đi xuống cầu thang, Bính hốt hoảng ném tấm ảnh vào trong ngăn kéo, vội vàng đóng sập lại. Vợ Bính có tiếng là kiêu sa, thấy Hoàng cũng chỉ nhếch nửa khóe miệng, vợ các sếp ít khi hồ hởi. Bính bảo cô ấy đang ca cẩm công việc ở Viện. Câu chuyện của ba người bỗng chuyển sang việc ở cơ quan. Anh chồng năng động là thế cũng chỉ biết lắng nghe cô vợ dề môi chì chiết mấy thằng cha cơ hội, đã tham lam lại còn thích tranh quyền. Không thấy Bính nhắc đến món quà bạn vừa mới tặng.

*

Hoàng cứ băn khoăn mãi, không hiểu bạn nghĩ gì về tấm ảnh mình vừa mới tặng, cả khi bạn hữu đến đông đủ, thế là mất công toi cả tháng trời kỳ cạch, tỉa tót. Trên đường về anh cứ vẩn vơ, không hiểu lòng thành của mình có cái lỗi gì trong đó, có cái gì ngu đần trong đó? Bỗng anh lại chợt lóe lên, đời hơn người ở cái chút lóe lên như thế. Hoàng vụt nhớ ra năm kia Đoàn Công Bính có ứng cử vào Quốc Hội, vì thế người ta phải giới thiệu cái lý lịch bản thân. Về đến nhà, công việc đầu tiên của anh là mở ngay máy tính, tìm Đoàn Công Bính từ trang Google, và kia, bức chân dung của bạn anh lồ lộ, sang trọng như một triết gia. Xuất thân trong một gia đình nho nghèo, hiếu học, từ nhỏ đã biết vượt lên mọi hoàn cảnh khó khăn… Hoàng ngả người trên thành ghế, thở dài: Mẹ khỉ, thằng khốn! Những gón tay thuôn dài cứ gõ hoài lên trán như gõ vào cái bàn phím đáng yêu.

Exit mobile version