Ông già ăn xin ngồi trước cửa chợ. Mở lời, ông rằng chỉ xin 2.000 đồng từ mỗi người. Có ai đó lỡ bỏ vào mũ của ông tờ mệnh giá lớn hơn 2.000 đồng lập tức ông trả lại. Nhiều người bảo ông gàn. Ông lão chỉ cười…
Tép và Cò
Cò phát hiện ra Tép đang run rẩy nép mình trong búi cỏ. Quậy mãi mà Tép vẫn không chịu ra, Cò nói: “Ta với ngươi ở cùng một ruộng lúa, nhưng so với ta thì sao ngươi lại hèn nhát đến vậy. Ngươi coi đây, ta đi lại, vỗ cánh thật oai phong, còn ngươi cứ rúc mãi trong bụi rậm chẳng dám ló mặt ra. Đúng là giống loài Tép nhỏ nhoi chết nhát”.
Tép nhìn lên Cò, chậm rãi: “Bác nói vậy là chưa phải phép ạ. Vì mỗi loài sinh ra đều có chức vị sống của mình. Nói khí không phải, chứ thân hình bác to xác thế em làm sao mà đối được, em không rúc bụi mới là…”.
Tép nói chưa hết câu đã thấy Cò vụt bay biến. Lấp ló bên bờ đất là người thợ săn.
2.000 từ mỗi người
Ông già ăn xin ngồi trước cửa chợ. Mở lời, ông rằng chỉ xin 2.000 đồng từ mỗi người. Có ai đó lỡ bỏ vào mũ của ông tờ mệnh giá lớn hơn 2.000 đồng lập tức ông trả lại. Nhiều người bảo ông gàn. Ông lão chỉ cười.
Chuyện ông lão gàn được người ta kháo nhau, khiến mọi người tò mò. Ai đi qua đều muốn ghé lại xem ông lão gàn như thế là gàn thế nào. Đến rồi thì ai cũng đặt vào mũ cho ông đúng tờ tiền 2.000 đồng. Cứ vậy mà lượng tiền 2.000 đồng chất chồng lên trong mũ ông lão mỗi ngày.
Bên cạnh ông có mấy người ăn xin nữa. Khác với ông là họ luôn nhặt những tờ tiền mệnh giá cao nhất có được bỏ lên trên cùng.
Một hôm người ta không còn thấy ông lão đâu nữa. Chỗ ông hay ngồi có một tấm bảng nhỏ. Bảng ghi: “Xin được cảm ơn”.
Mọi người lại được dịp kháo chuyện về ông. Có người bảo ông lão vậy mà khôn, xin ít dễ cho…
Vợ ốm
Anh tới chợ tha về đủ loại rau quả, mắm muối, thịt thà cất vào tủ lạnh. Được vợ “chỉ đạo” sát sao từ lúc vo gạo đến khi nêm nếm nên nồi cháo của anh cũng lá hành, thịt băm, váng mỡ… hấp dẫn như cháo chị vẫn nấu khi anh bị ốm.
Ăn hẳn một chén đầy, chị khen mãi là anh nấu khéo. Anh phấn khởi: “Biết mẹ cái bẹp ốm là nhạt mồm khó ăn khó uống nên ba nấu thật ngon cho dễ nuốt. Gắng mà ăn, sức khỏe là vàng đó”.
Chị nhìn vẻ xăng xái của anh, vợi bớt chín phần mệt nhọc.
Đến lượt mình, anh vừa đưa muỗng cháo vào miệng đã nhổ phì ra. Hình như là quá mặn. Anh thừ người ra, rồi se sẽ ngồi xuống bên chị. Chị cầm tay anh ấp lên môi mình. Tay anh âm ấm nước.
Đi bên phải
Đường một chiều. Anh vẫn cẩn thận cho xe máy chạy sát vào lề bên phải. Bỗng: “Đi đứng kiểu gì lạ vậy, mặt cứ vác lên trên trời!”. Anh giật mình đạp mạnh phanh, xe đứng phắt lại.
Một chiếc xe máy vụt qua anh theo chiều ngược lại. Sững người ra một lát, rồi anh thấy ngượng, cảm giác như mình có lỗi… Đã cách xa anh một đoạn, cậu choai choai còn ngoái đầu nhìn lại anh hắm hứ.
Anh kể lại chuyện ấy với vợ, xuýt xoa: “May là hắn đi vào phần đường của mình chứ không phải mình đi vào phần đường của hắn! Tránh voi chẳng xấu mặt nào, em nhỉ”.
Nói rồi anh đắc ý, thở đánh phào.
Bóng đêm
Chạng vạng tối. Chú bé nhìn lên bầu trời đầy sao rực rỡ, nói với mẹ: “Bầu trời sáng lung linh và đẹp đẽ như vậy là nhờ có các vì sao phải không mẹ?”.
Mẹ chú trả lời: “Cũng đúng, nhưng chỉ đúng một phần thôi con ạ! Con biết không, để có một bầu trời đầy sao cho con ngắm nhìn, tất cả là nhờ có bóng đêm đấy con ạ. Sáng mai con sẽ biết ngay thôi”.
Trời sáng. Chú bé ra sân ngước lên bầu trời. Không còn ngôi sao nào nữa, cả ngôi sao Hôm to và sáng nhất đêm qua cũng biến mất.
Hoa Hồng và Cỏ Hôi
Trong mảnh vườn nhỏ bên triền đê, đám hoa cỏ đua nhau khoe sắc. Bông Hồng lả lướt theo từng đợt gió, nói với Cỏ Hôi: “Cậu suốt đời chỉ là nhúm cỏ, chẳng ai biết đến cậu là gì. Cậu nhìn nhé, đám trẻ đang đi kia sẽ tới ngắm nghía tớ cho mà xem”.
Cỏ Hôi ngưỡng mộ nhìn Bông Hồng: “Chị xinh đẹp vậy thì ai mà chẳng thích. Nhưng mà chúng ta mỗi thứ một vẻ đấy chị ạ”.
Lũ trẻ đến, tụm nhau bên những Bông Hồng, xoa xuýt không thôi. Bỗng một đứa thảng thốt: “Tớ bị gai đâm chảy máu rồi!”. Cả đám nháo nhác.
Rồi một đứa mừng rỡ kêu lên: “Có thuốc cầm máu đây rồi”. Một nhánh Cỏ Hôi được nhai nát đắp vào vết gai đâm. Kỳ lạ thay, máu không chảy nữa.
Khi đám trẻ đã bỏ đi, Cỏ Hôi nói với Bông Hồng: “Loài Cỏ Hôi chúng em cầm được máu ở vết thương chị ạ”.
Chó lạc
Nhà có con chó chạy lạc vào. Mình nó bê bết bùn đất, còm cõi, bốc mùi lờm lợm thật khó ngửi. Chắc nó đi lạc và nhịn đói đã nhiều ngày rồi. Chị tắm táp, cho nó ăn uống tử tế.
“Chậc! Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu”. Chị nói với cậu con trai nhỏ như vậy khi cậu cứ bảo con chó xấu xí quá.
Ở được mươi hôm thì con chó chết. Chị dọn chỗ chó đã nằm, ca cẩm: “Chưa biết sang giàu được gì không chớ công sức thì mất trước mắt rồi!”.
Sau hôm con chó chết, có bà cụ ghé nhà chị, giọng bà mệt mỏi: “Già độ đường, xin chút nước uống”.
Chị bảo con trai vào nhà rót nước cho bà cụ. Bà cụ uống xong thì lụi cụi đi ra. Con trai hỏi chị: “Người đi lạc đến nhà thì không giàu được hả mẹ?”.
Chị ngớ người nhìn ra. Bà cụ liêu xiêu qua đoạn khuất cuối đường.
Theo Hoàng Lam Giang – Tuổi trẻ