Tiền Phong – Chất đương đại nằm ngay trong những dòng thơ không cầu kỳ cách tân của Phạm Khánh Sơn. Chuyện gia đình, không khí phường phố, và cả cảm thức về lịch sử dân tộc đều có trong thơ anh – một giọng thơ tưng tửng giấu đi dưới cái vẻ câu chữ hiền lành. Cũng hơi ngạc nhiên khi biết Phạm Khánh Sơn hiện là kỹ sư xây dựng. Anh sinh năm 1980 tại Nghệ An, làm việc tại Hà Nội.
RU CON
Đêm ta nằm ru con
À ơi, đoàn quân Việt Nam đi
À ơi, đêm chong đèn ngồi nhớ lại
À ơi, tạm biệt rồi còn đọng mãi
Những nụ hôn bên cửa sổ mùa xuân
Đêm ta nằm ru con
Chân con đập uỳnh uỳnh trên ngực
À ơi, lửa đã cháy ở phía trước
Bốn ngàn năm sao chưa dứt à ơi…
Đêm ta nằm ru con
Tay ta vòng tìm ngực vợ
À ơi những mối tình dang dở
Quay đều thương mãi vòng xe
Đêm ta nằm ru con
À ơi, một giàn thiên lý
À ơi, chân đồi khéo nhé
Kẻo nhầm rồi lại à ơi…
CHUYỆN ĐÃ CÓ GÌ ĐÂU
Thôi em đừng buồn nữa
Chuyện đã có gì đâu
Hết thương, thì giải tán
Vấn vương chi nhức đầu.
Em hãy về, bên đó
Lại con bế, con bồng
Và hãy cười, như thể
Ngày nao, bước theo chồng
Chuyện đời mà, đơn giản
Anh – cũng như bao thằng
Đàn ông, thời khốn nạn
Buồn gì, chút gió trăng!
Chiều nay anh về vội
Lòng nhẹ tênh, hẳn rồi
Nhớ gì đâu, tóc rối
Thương gì đâu, xa xôi…
CÓ NHỮNG CHIỀU VỀ NGANG CHỢ CÓC
Có những chiều về ngang chợ cóc
Bâng khuâng muốn tặng em, ví dụ, một đóa hồng
Nhưng cứ đứng bần thần rồi ngại
Chẳng biết vợ mình có chọc mình không?
Anh lặng nhìn những thanh niên trên phố
Chợt thấy lơ ngơ giữa lấp lánh đèn màu
Chúng ngúng nguẩy nào gấu bông, hoa đỏ
Bỗng chợt giật mình, ta có gì cho nhau?
Ôi thời buổi mở cửa ra là khốn khó
Là cơm áo sáng mai, là con cái đến trường
Là nghề nghiệp chông chênh thời khủng hoảng
Là nụ cười gượng gạo buổi nhiễu nhương
Nhẽ nào anh được đổ cho thời buổi?
Và được đổ cho cơm áo gạo tiền
Để mỗi lúc chạm vào vùng lãng đãng
Anh tự huyễn mình, cho phép được quên
Chiều nay, nếu về qua chợ cóc
Nhất định anh sẽ mua, ví dụ, một đóa hồng
Rồi cứ thế, mỉm cười, anh tặng
Mặc kệ em rằng, có chọc hay không…