Trong các tác giả trẻ, Trịnh Sơn thuộc top chịu khó sục sạo nhất vào tất cả các chiều kích ngóc ngách hồn mình để tìm cái khác biệt, ngay hai truyện dưới đây cũng là hai kiểu rất khác nhau. Viết về tình yêu, tình yêu từ câm nín bản năng như nham thạch sục sôi trong cô gái câm phun trào thành tiếng nói, thành bài ca đẹp và thánh thiện.

BÀI CA Ở THỊ TRẤN ĐỒI

Đáng lẽ, tôi dấn thêm một bước.

Thì, ông sẽ lùi một bước.

Đứng bóng. Mặt trời miền nhiệt đới cuối thu như cái rọ không đáy, chênh vênh nằm gối trên những đám mây trắng từng khối, từng khối. Trắng, nhưng không tan vào nhau thành một nền phẳng, mà cắt lớp chia tầng.

Đáng lẽ, tôi hít sâu, tập trung sức mạnh xuống bộ tấn.

Thì, ông sẽ khoan thai quay lưng đi. Như gió.

Thế nhưng chuyện đời không xảy ra như vậy. Mọi suy đoán, toan tính, chuẩn bị đã bốc hơi dưới ánh mặt trời. Ông cứ đứng và tôi cứ đứng. Phăng phắc. Tôi có thể nghe mồ hôi đang rịn ra trên trán, trên má rồi lăn thành từng giọt theo sớ thịt.

Cuộc chiến không phân thắng bại. Dường như thắng bại đã chia đều cho cả hai. Nhưng đấu sĩ chẳng còn đường thối lui. Cứ đăm đăm soi mắt mình vào đối thủ. Tôi nhìn thấy ông và chắc chắn ông nhìn thấy tôi, trong mắt của nhau.

***

Cho đến khi nắng xế nghiêng đồi Tây, con bìm bịp đi kiếm ăn về đứng trên ngọn cây sầu đâu, cánh vỗ phành phạch, ưỡn cổ phát ra một tràng dài tiếng hót lảnh lót. Ông Ngừ mỉm cười. Phơn phớt dưới ánh vàng chiều. Tôi duỗi hai tay, lắc hông nửa vòng từ trái qua phải kêu răng rắc, lại thêm nửa vòng ngược lại.

Chúng tôi về. Con bìm bịp đã quen hơi người, bay tíu tít phía trước. Có khi nó sà đậu một bên vai ông. Tôi vác bó củi khô. Xoay phía nào cũng thấy núi.

Ở túp chòi, khói đã vờn trên mái tranh. Thu chạy từ trong bếp ra, mắt sáng như ban mai. Cô đỡ bó củi xuống. Miệng “hơ hơ” theo một giai điệu quen.

Cả ngày có gì lạ không Thu? Tôi hỏi. Một câu hỏi thân hơn cả khuôn mặt mình.

Lắc đầu. Thu chỉ biết lắc đầu. Từ thảm nạn năm mười ba tuổi, cô chưa nói thêm một tiếng nào.

Trên bộ ván kê trước tấm vách nứa, ông Ngừ đã ngồi khoanh chân, loay hoay châm ấm trà mới. Thứ trà không tẩm không ướp, có thêm củ tranh, mấy loại lá và vỏ cây rừng, chan chát, đằm đằm, sâu sâu. Ông lại lôi cái ống điếu bằng thanh tre dài gần nửa thước ra, tiêm thuốc lào, rít sòng sọc một hơi dài, ém lâu lâu trong ngực rồi mới ngẩng mặt thả khói từng đợt. Mùi đất ẩm, lá khô, khói bếp, nước trà và thuốc lào làm cho buổi chiều đặc quánh. Tôi ghé mông lên bộ ván, phủi chân nhè nhẹ. Thứ đất đỏ hồng mịn như son, vẽ lên da những vệt quầng đậm nhạt như rồng như rắn.

Chừng nào cậu về dưới? Ông Ngừ lên tiếng. Khàn khàn. Cả tháng nay, hầu như ngày nào ông cũng hỏi câu này.

Quan trọng gì đâu! Bao giờ đi thì phải đi thôi.

Thu bê xoong cơm ra. Cái nồi nhôm đóng muội đen kịt dầy khắp vòng ngoài. Ông Ngừ mở nắp vung. Cơm gạo lức đo đỏ nghi ngút khói. Bên trong, một chén cá khô hấp. Lấy thêm măng ra ăn, con. Bữa rày chắc đã chua lắm rồi. Cha con lão thì đã quen mắm muối đơn sơ rồi, còn cậu không ngán sao?

Tôi lua nhanh một đũa cơm lớn vào miệng, nhồm nhoàm thay cho câu trả lời. Thu chưa cầm chén, tay bận gắp măng ra cái rổ tre nhỏ, nhìn tôi cười cười.

Bữa nay bao nhiêu mà trăng lên sớm vậy ta?

Chắc mười hai mười ba. Dưới Cảng, nước đang lớn hả? Ngày xưa, nước lớn nước ròng gì đều có trong máu lão. Riết rồi quên hết.

Lão sắp xếp về dưới một lần chớ?

Ông Ngừ buông đũa. Tiếng thở dài thay món tráng miệng. Thu gom mấy cái chén bỏ luôn vào nồi, bưng ra phía suối. Chập choạng. Dáng Thu dịu dàng như bóng tối đang kẽo kẹt gặm bốn phía rừng. Khoanh váy nâu bó chật phần dưới người đàn bà, ngã màu, loang loáng yểu điệu theo ráng chiều hăn hắt.

Quay qua quay lại, thoáng cái, con Thu cũng hai mươi rồi. Ông Ngừ với ống cày. Mắt nhay nháy nhìn theo.

Lão tu thì tu mình lão, không lẽ bắt cô Thu tu theo?

Tu được là phúc. Chỉ sợ phần số chưa tới. Thấy nó mây mẩy như dây bí rợ tưng tức từng ngày, lão cũng xót mà đành chịu. Không một chữ nghĩa giắt lưng, câm câm nín nín từng ấy năm, làm sao mà chịu nổi với người ta?

Từ mai, tôi kèm cô Thu học chữ. Tôi quả quyết như đinh đóng cột. Không đợi ông đồng ý, tôi đứng dậy sải bước theo hướng thác Mơ.

O tròn như quả trứng gà. U là mẹ đẻ, Ê là tái tê hả? Ông Ngừ ngâm ngợi vòng vọng. Âm thanh nao não như ca cổ và mùi thuốc lào găn gắt đuổi theo tôi tận bìa rừng. Cho tới khi tiếng nước sàn sạt văn vắt nuốt chửng mọi thanh âm khác. Con suối Lồ từ phía bên kia núi Ngộ, vắt qua đồi Tây rồi về xuôi. Ở đoạn trên, người Châu Ro chặn dòng để tưới rẫy, nước quần quật giận dữ xoáy thành hố sâu, lúc nào cũng cuộn bọt bạc phếch trên đỉnh dốc nên gọi là hồ Bạc, tuôn thành con thác nhưng nhức suốt mùa mưa. Cha con ông sở hữu tuyệt đối con thác này, đặt tên là thác Mơ. Cả một vùng đồi núi thưa tiếng người.

Tôi lạc tới đây rằm tháng trước. Đi tìm thằng em họ. Nó bỏ biển sau cơn bão số 5. Trôi dạt biệt xứ. Nghe người ta nói thấy nó miệt này. Lơ ngơ ở thị trấn Đồi, may mà tôi gặp ông Ngừ thồ khoai xuống chợ đổi gạo. Lạ lạ quen quen lại nhận ra nhau. Nhà cậu ở Cảng phải không? Còn lão, là lão Ngừ bỏ chài bỏ lưới đi mất dạng sau khi đứa con gái bị hại?

Ừ, da đen tóc cháy do nắng biển hay nắng rừng cũng khác gì nhau đâu. Cái duyên cái số khó mà chối. Tôi theo chân ông Ngừ về đây. Tin từ làng Châu Ro thượng nguồn, rằng thằng em họ có ghé qua năm trước, sau mấy tháng tắm táp vẫy vùng đã đời dưới hồ Bạc, lấy một thiếu nữ Châu Ro rồi hai vợ chồng dắt díu nhau đi đâu không rõ. Có khi vượt biên giới theo tụi lâm tặc, buôn lậu cũng nên.

***

Trăng chếch phía đông. Những tảng đá, bụi cây thỏa sức khoe hình hài quái dị dưới rờ rỡ ánh vàng. Tôi đứng như trời trồng sau bụi tre gai kế bên suối. Thu đang khỏa nước. Tóc nâu ướt rười rượi bết xuống vai, xuống ngực. Con suối rùng rình ngang eo. Tiếng cô ư ử ừ ư thênh thang. Mọi bữa, cô rửa ráy chén bát, gánh 2 thùng nước về ngay chứ đâu hừng hực vội vàng như hôm nay. Tôi toan quay lưng nhưng nhánh tre gai mắc vào áo, đâm xước da đau điếng.

Anh Hải ơi! Nước mát quá.

Thằng thanh niên ba mươi tuổi quen ăn đằng sóng nói đằng gió cứ để nguyên quần áo chầm chậm nhúng chân xuống suối. Như kẻ mộng du. Như bị thôi miên. Cô Thu gọi tôi hả? Nước lành lạnh thấm vào mọi giác quan, sau phút nổi da gà thì tâm trí tưởng chừng bị niêm phong bỗng xới tung lên. Cô Thu nói được hả? Trời ơi. Cô Thu nói được rồi. Tôi hét lên trong tiếng gầm gừ của con thác.

Tôi vẫn nói ấy chớ. Chỉ tại không ai nghe.

Lửa tình cũng như con nước. Cứ cháy lên cháy lên và chảy xuống chảy xuống cho đến khi nào cạn kiệt mới thôi. Tôi vật lộn với con thác, cơ thể càng gồng lên thì càng nhẹ tênh, cho tới lúc buông xuôi tất cả. Khuôn mặt ông Ngừ nhăn nhúm ẩn hiện theo một phiến lá vàng thả trôi trên suối. Bập bềnh bập bềnh chao đảo rồi chìm lỉm mất hút. Trên phiến đá xám đen bằng phẳng nước tràn mặt giữa dòng, Thu như con mèo rừng mùa sục sôi động dục. Như con cá chình hoa giãy dụa cong mình siết bạn tình.  Căng cứng. Ngây dại. Sóng, sóng, sóng. Lâu rồi, em quên mất sóng là gì. Thủy triều là gì. Biển là gì.

Đàn ông là sóng. Đàn ông là thủy triều. Đàn ông là biển.

Vậy, đàn bà là phao à? Không. Là trăng nhé? Thu nấc ngọt. Đôi bàn tay thon nhỏ mà chằn chặt mạnh mẽ kỳ cọ khắp người tôi.

Trăng còn trinh? Tôi hổn hển ngu si, bật ra lưỡi dao cứa vào vết thương năm mười ba tuổi của Thu. Nhưng Thu không đếm xỉa đến nỗi đau cũ. Một áng mây đen vừa lấy đi ánh sáng vàng óng dịu dàng, trời tối hẳn. Thu vùi mặt trên ngực tôi. Trăng khuyết rồi lại tròn. Tròn rồi lại khuyết. Trăng còn trinh không, ai mà biết…

Nửa đêm, tôi len lén vào nằm kế bên ông Ngừ. Cái radio cũ mốc rèng rẹc đang phát chương trình kể chuyện đêm khuya. Giọng cô phát thanh viên ấm áp, đều đặn đọc chương cuối cùng cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Chúng ta đều là biển. Ông Ngừ chưa ngủ, đằng hắng về phía bếp. Con Thu không ngủ đi, mà nấu nước sôi rưng rức sớm vậy?

***

Đáng lẽ, tôi dấn thêm một bước.

Thì, ông sẽ lùi một bước.

Đáng lẽ, tôi hít sâu, tập trung sức mạnh xuống bộ tấn.

Thì, ông sẽ khoan thai quay lưng đi. Như gió.

Tối, tôi kèm Thu đánh vần. Ngày, tôi theo ông Ngừ phát rẫy. Dưới biển thì bơi lội vẫy vùng, lên rừng chỉ có vài thế vật làm trò giải trí. Bất chợt, ông Ngừ hỏi: Cậu có biết cái truyện Chúng ta đều là biển của ai không?

Chắc là của một nhà văn thuyền chài. Việt Nam trải dài theo biển. Chỉ có ngư dân nòi mới viết về biển hay như thế.

Sai rồi. Của một người Châu Ro chưa bao giờ đến biển.

Tôi không tin, nhưng Thu xen vào: Thật vậy đó! Sau đêm ấy, Thu không còn giấu tiếng nói của mình nữa. Của ông Kang Lì trên bản. Cha kể chuyện đánh cá, dạy chữ cho ổng. Ổng dạy cha võ gia truyền và nghề rừng rẫy. Năm ngoái, Kang Lì chết. Gia tài để lại chỉ có câu chuyện chép tay đó. Mấy nhà báo lên đây công tác, lấy đem về xuôi.

Không thể tin được! Tôi ngồi phịch xuống nền đất. Chống hai tay ngã ngửa ra phía sau rồi nằm duỗi thẳng người như cây đổ sau bão. Ông Ngừ cũng nghỉ tay, hớp một ngụm trà Thu vừa rót.

Đêm qua mới mưa nên đất mới thơm vậy. Sao, chừng nào cậu về dưới? Con Thu cũng phải về biển một lần, thăm quê cha đất mẹ cho đỡ nhớ.

***

Tìm không ra thằng em họ, lại lấy được vợ. Vợ xinh đẹp, duyên dáng  mặn mòi hẳn hoi. Bầu ba tháng. Đem về bái lạy ông bà tổ tiên rồi làm một bữa cơm ra mắt bà con xóm giềng, còn muốn gì hơn nữa?

Chiếc xe đò cũ kỹ từ thế kỷ trước ọc ạch rời thị trấn Đồi. Chật ních hành khách. Mùi mồ hôi và hơi người ngàn ngạt. Cũng may mấy ô cửa sổ không kính, gió thốc vào ràn rạt. Con đường đất đỏ mùa mưa ổ gà ổ voi chằng chịt cùng những vườn điều và cỏ dại lem xanh hai bên lùi dần. Thu tựa đầu vào vai tôi ngủ ngon lành, trong khi tay vẫn nắm chặt tay tôi ấp trên tấm bụng phập phồng mầm sống. Thỉnh thoảng, Thu nói mớ. Âm thanh ậm à như tiếng lá khô vỡ.

Qua bao nhiêu phố bao nhiêu đường rồi cũng về đến biển. Muối xộc lên. Cá xộc lên. Tới rồi hả anh?

Ừ, một đoạn nữa thôi. Nghe mùi quen không? Ở đây, khi không có mùi cá tanh nồng thế này là chết đói. Người ta nhớ biển phần nhiều là thế.

Thị trấn Cảng nhỏ như bàn tay, nhà san sát co cụm san sát, nhường chỗ cho những đống muối phủ rơm vàng cao ngất. Bến xe chung với bến ghe. Nước đang lên, vàng đục ngầu ngầu. Những bà những chị gánh cá từ ghe thuyền lên, kĩu kịt tiếng rao.

A, gã kia! Thu bấu lấy tay tôi. Run rẩy. Chính gã đó đã hại em ngày xưa.

Tôi phóng vụt theo gương mặt Thu chỉ. Một thân hình đen bóng, tóc xoăn vao váo, là kiểu mẫu đàn ông xứ biển. Khi tôi tưởng như đã bắt kịp, thì người quay lại không phải là tên yêu râu xanh hại đời Thu. Gã cứ lẩn khuất đâu đó, xa xa gần gần. Rồi mất dạng. Tôi hỏi. Chẳng ai biết, chẳng ai thấy. Sóng vỗ oàm oạp vào thuyền, vào bến không thôi. Đến lúc tôi quay lại chỗ xe đậu thì Thu đã không còn ở đó nữa. Chiếc xe cũng lăn bánh, quay ngược hành trình tự bao giờ.

***

Thác Mơ rền rĩ. Hồ Bạc cuồng nộ. Rừng nhang nhác vệt cây đổ. Một công trình thủy điện tầm cỡ đang tiến hành ở đây. Những chiếc lá chưa thoát kiếp, còn tươi đã phải lìa cuống, màu xanh úng úa lên men âm ỉ. Không hề có dấu tích gì của túp chòi tranh quen thuộc. Tôi hỏi thăm khắp thị trấn Đồi, chẳng ai biết về ông Ngừ và cô con gái tên Thu cả. Tôi lên bản Châu Ro, cũng chẳng có ai tên Kang Lì, là tác giả Chúng ta đều là biển.

Nhưng, làng trên xóm dưới đều thuộc bài hát truyền miệng:

Đáng lẽ, tôi dấn thêm một bước

Thì, ông sẽ lùi một bước

Đáng lẽ, tôi hít sâu, tập trung sức mạnh xuống bộ tấn

Thì, ông sẽ khoan thai quay lưng đi

Như gió

Núi Dinh, tháng 7/2013

THUỐC CHO NGÀY MAI

Bệnh viện X.

Chẳng ai muốn đến bệnh viện, trừ khi phải đến. Có trăm ngàn lý do. Không kể ra. Kể ra, có khi chính người kể đang cố ghi tên mình vào danh sách một chỗ nằm nào đó trong chốn thương tật và đau đớn ấy.

Nhưng, rồi ai cũng phải đến. Không đến, xem như không phải người. Khó làm người.

Tất nhiên, trừ trường hợp đặc biệt, họ là bác sĩ, ý tá, điều dưỡng… Con chiên bất khả kháng của những bức tường dường như từng trắng toát trước khi ngã màu xỉn vàng. Các dãy hành lang, ôi thôi, cảm giác như chẳng có hành lang bất kỳ nơi đâu được tận dụng triệt để như ở bệnh viện. Làm nơi ăn, chốn nghỉ cho bất cứ ai. Làm sân phơi trọn vẹn từ sự trần trụi cỏn con nhất cho đến kín đáo dày cộm nhất mà ai đã đi qua các khu phố Tàu đều thấy: đủ sắc màu cầu vồng, kiểu dáng thô thon, chất liệu tạm bợ hoặc bền bỉ… Làm chốn hẹn hò công và tư: như cái bùng binh xoay vòng ba trục đường thân nhân, bệnh nhân và lực lượng canh giữ hay mời mọc thần chết. Làm chiếc giường cọt kẹt hững hờ và quay quắt từng giấc mơ giữa ban ngày. Cáng đáng tất tần tật vai trò của một không gian chịu đựng. Dài ngoằn. Ươn ướt. Lành lạnh. Mồ hôi. Mùi.

Mùi bệnh viện. Ít nhất một lần trong đời, bạn phải thưởng thức mùi bệnh viện.

Tôi chỉ đi ngang qua thành phố này. Khỏe mạnh. Rủng rỉnh tiền. Bỗng, sau một buổi ăn, thấy mình đang nằm trên chiếc giường bé xíu. Dây nhợ rối tung đang nối vào cơ thể mình. Ống thở này. Ống chuyền này. Ống đo tim mạch này.

Sao thế này? Tôi chỉ có thể hé cái miệng mệt nhọc gừ gừ.

Anh đau nặng lắm. Người đàn ông ngồi ghé mông ở chiếc giường bên cạnh trả lời. Mắt anh ta hướng về cơ thể đang nằm sát mé. Vợ tôi cũng đau nặng lắm.

À, thân nhân. Một người nuôi bệnh. Tôi mới để ý, người đàn bà nằm bên hông anh ta đang khò khè phập phồng dưới tấm áo xanh xám. Giống màu áo tôi đang mặc trên người.

Sao lại đau? Tôi cố tìm hiểu.

Bác sĩ bảo vậy. Anh có muốn tôi gọi bác sĩ giúp không? Nói rồi, người đàn ông láng giềng dợm đứng dậy, bước ra ngoài. Tưởng như, anh ta đang chờ một lý do để bước ra ngoài. Không hẳn vì muốn gọi bác sĩ dùm tôi.

Một vị áo trắng bước vào. Trước người đàn ông. Bác sĩ luôn hưởng đặc quyền đi trước người khác, dù rằng họ bước rất chậm.

Tôi đau à? Tôi ậm ừ khi vị bác sĩ nhấn hai tay trên ngực rồi lần xuống bụng mình. Không vội vàng gì mở miệng, ông nhìn máy đo đang ngoằn nghoèo zíc zắc kêu bim bíp nối với thân thể tôi. Khẽ chỉnh lại ống chuyền.

Anh không đau à? Bất ngờ, ông chiếu thẳng vào tôi. Mắt tôi.

Không. Tôi có đau gì đâu.

Không đau sao vào đây? Bác sĩ khẽ nhướng mày. Không đau sao vào đây?

Ừ nhỉ. Tôi ậm ừ. Nghèn nghẹt khi bắt đầu cảm thấy dường như mọi ánh mắt trong phòng đều hướng về mình. Giống nhau. Giống bác sĩ. Nhướng mày. Không đau sao vào đây? Biết chết liền chứ còn có sức mà hỏi à? Tôi cáu. Cái cáu của con cá đang dung dăng dung dẻ trong hồ nước sâu bỗng dưng thấy mình nằm trong tủ kính. Nước trong hơn. Thức ăn sẵn. Không có chỗ giấu mình. Máy lọc oxy thổi bọt khì khì. Chờ.

Không đau sao vào đây? Bác sĩ lặp lại. Ông ta xắn tay áo. Ai vào chốn này cũng bảo rằng mình bình thường. Mình khỏe như vâm. Mình chẳng bệnh hoạn gì. Bệnh viện để làm gì chứ? Vào bệnh viện chứ có phải lên thớt đâu mà sợ?

Người đàn bà giường bên ho khục khặc. Vẫn nhìn tôi, bác sĩ hỏi. Bà sao rồi?

Còn đau lắm ạ. Suốt đêm không ngủ được. Người đàn ông trả lời thay vợ.

Bác sĩ quay hẳn sang giường kế bên. Không ngủ được thì làm gì? Chẳng đợi nghe câu trả lời, ông ta đi lần lượt từng giường. Chỗ nắn, chỗ kề ống nghe, chỗ ngó nghiêng máy đo điện tâm đồ. Tôi đếm, có cả thảy năm giường.

Giường này ai nằm nhỉ? Bác sĩ lại hỏi trống không, hếch mặt về chiếc giường cạnh cửa sổ.

Chẳng ai cả. Ai đó trả lời.

Sao có gối chăn ở đây? Dường như, bác sĩ chỉ biết hỏi.

Người đàn ông có vợ nằm giường kề bên tôi bẽn lẽn, gãi đầu. Đêm qua, mệt quá, nhà cháu ngả lưng tạm đấy, bác ạ.

Tạm thôi à? Bác sĩ lại hỏi.

Không đau, tôi sẽ dí vào tai ông ta câu trả lời ngay. Chỉ có các vị mới xem bệnh viện là nhà, là tổ, là nơi thường trú. Chứ ai mà muốn ở vĩnh viễn trong cái nhà ngục nồng nặc hơi hướm bệnh hoạn thế này. Chứ ai mà tình nguyện kề cổ vào lưỡi hái thần chết – kể cả thần chết du nhập từ nước ngoài, mang những cái tên rất Tây, rất oách, rất hống hách trêu ngươi. Cá nào chẳng sợ thớt.

Tôi không mở miệng nổi. Nghĩa là tôi đang đau. Không đau sao vào đây.

Người đàn ông vơ vội gối chăn về giường vợ trước khi bác sĩ bước ra khỏi cửa. Phòng Y. Ba cũ cộng một mới là bốn. Còn thiếu một. Tấm áo blouse trắng quá mông trước khi khuất dạng còn bỏ lại mấy lời lẩm nhẩm. Ai nữa nhỉ? Bao giờ đủ nhỉ?

Người đàn ông trở về giường vợ. Anh ta chắc như đinh đóng cột, cái giường ấy, anh thấy không, cái giường kề bên cửa sổ kia, chẳng bao giờ có người. Bệnh viện này có căng cứng bệnh nhân, nó vẫn không có ai nằm. Trừ thân nhân.

Sao vậy?

Phong thủy. Nắng hắt suốt buổi sáng. Trưa chiều lành lạnh. Góc khuất. Chẳng ma nào muốn ở đó huống chi người ốm.

Người bệnh được lựa chọn chỗ nằm à?

Giá mà được chọn. Nhập khoa, điều dưỡng sẽ đưa ngay bệnh nhân vào giường đấy, nhưng không hiểu sao chỉ chốc lát là bệnh nhân lại đổi. Lạ, phòng này luôn chỉ có nhiều nhất bốn người bệnh. Chăm vợ gần tháng nay rồi, tôi thấy thế.

Tôi có đổi đâu?

Chẳng phải ban nãy anh vừa nhờ tôi dìu qua giường này á? Đau quá nên quên à?

Bất chợt, rùng mình. Hóa ra, tôi đau thật. Đau đến nỗi chẳng nhớ mình có đổi chỗ nằm cơ đấy. Thế, ông ấy trực phòng này à?

Bác sĩ Hỏi? Người đàn ông cười. Ở đây, chúng tôi quen gọi ông ấy là bác Hỏi. Cả y tá, điều dưỡng, hộ lý cũng gọi thế. Anh mới vào nên chưa biết. Ông ấy luôn hỏi và chỉ hỏi thôi. Đừng mong cạy miệng ông ấy một câu trả lời. Thế nhưng, giỏi lắm. Mát tay lắm.

Chữa bệnh à? Đến lượt tôi thắc mắc.

Người đàn ông sừng sực. Thì, chữa bệnh chứ chẳng lẽ gieo bệnh hoặc giết người? Anh hỏi lạ nhỉ?

Ái chà. Ông bác sĩ được quyền hỏi vô vàn chán chê, không cần biết duyên cớ. Người bệnh thì không được hỏi à? Người bệnh chỉ có thể rụt rè trả lời hoặc im ỉm cắn răng? Tôi kéo chăn đắp ngang mặt, cắt ngang cuộc chuyện trò bắt đầu nhen nhóm hình ảnh vị bác sĩ khả kính có nickname Hỏi ngay khi có thể. Người đàn ông lấy cái bô dưới gầm giường lên, dựng vợ ngồi ngửa dậy, lấy tấm chăn quây một vòng quanh người chị. Ai cũng biết những chuyện ấy. Chẳng cần hỏi.

Tôi xoay mặt sang hướng khác. Lởn vởn. Mê mê tỉnh tỉnh. Làm sao bạn nhớ hết từng viên thuốc đã uống trong đời? Từng cơn sốt nóng lạnh đã diễn ra trên cơ thể? Con người, khác gì cái lồng chim. Thượng đế nhón tay treo cái lồng ấy lên một cành cây vừa phải. Bỏ vào một chú chim vừa phải. Hai lọ nước và thức ăn vừa phải. Thế là, thế gian sẽ có thêm một cuộc loay hoay tìm kiếm lối thoát vừa phải. Ngọt nhạt vừa phải. Xoay hướng này, mổ song kia. Thi thoảng nhảy toáng loạn. Thi thoảng hò hét đến khản giọng. Thi thoảng giả vờ tin tưởng và phục tùng số mệnh. Cuối cùng, nhận được một cái chết rất vừa phải. Vừa phải bằng tất cả những cái vừa phải trước đó cộng lại.

Tôi không ưa hỏi. Tôi là cái lồng chim đan bằng tre trúc nhân tạo qua đôi tay người thợ lành nghề. Chẳng cần cửa nẻo gì, chú chim trong tôi cứ đứng yên đấy, ngày qua ngày, ăn rồi hót ba bốn lượt. Sau rất nhiều lần vỗ cánh bay đi, chú chim nhận ra rằng chẳng có nơi nào dung thứ mình như cái lồng kia. Bầu trời là ảo tưởng. Tự do là phù phiếm. Bản năng là địa ngục. Tôi, kiêu hãnh chấp nhận cái kiểu mẫu đã nuôi nấng, che mưa che nắng cho mình.

Cành cây của tôi, có lẽ, đã già yếu trong chuyến du ngoạn dài ngày này. Ông bác sĩ Hỏi đang làm công việc tìm kiếm một cành cây khác, trong khi băng bó, cứu chữa, thậm chí thay nốt cành cây cũ đã mục rỗng vì thời gian, thời tiết hoặc sâu bọ.

Chú chim đã ngủ. Chiếc lồng im ắng trên nền đất, không còn treo lắc lư trên cành cây theo gió. Cho tới khi có tiếng ồn ào đánh thức nó dậy. Tôi nhỏm người, gượng ngồi tựa lưng vào thành giường.

Dãy ba giường đối diện, ở giữa là một sư già. Đầu trọc bóng. Áo vàng. Đang ngồi như Phật. Bên phải, cạnh cửa sổ, giường trống. Bên trái ông, là giường của một thanh niên gầy đét. Có mấy người đứng túm tụm, khoanh tay, xì xào, thút thít. Tôi nhận ra, trong đám đứng lô nhô ấy, có một vị linh mục hoặc thầy dòng, áo dài đen cổ viền trắng. Một tay cầm cây thập giá nhỏ, một tay nhúng vào lọ nước vẫy vẫy lên người thanh niên. Họ đọc kinh. Rì rầm. Lạy cha chúng con ở trên trời

Vợ nằm thiêm thiếp. Người đàn ông giường bên thấy tôi thức, sang ghé mông ngồi ké. Thì thào. Lễ xức dầu. Anh ta chắc không qua nổi. Muốn xưng tội lần cuối cùng.

Sao phải xưng tội? Tôi không ngăn được câu hỏi.

Thủ tục ấy mà. Kiểu như, để báo cáo với Chúa rằng con đã hoàn tất đời này, xin mở cửa bước vào đời sau.

Nhỡ, không có tội tình gì thì xưng làm sao?

Ớ. Anh hỏi gớm nhỉ. Không tội cũng phải moi ra tội mà xưng. Không moi ra tội cũng là một cái tội. Không sống nổi cũng là tội.

Thì ra vậy. Ông cha xứ và vài người làm xong công việc, về ngay. Chỉ còn thanh niên nằm lại. Thoi thóp. Nhưng, có vẻ mãn nguyện. Một chiếc lồng hết đát, một chú chim mãn hạn. Anh ta ra đi vài giờ sau đó. Hộ lý thoăn thoắt lột tấm ga cũ, tròng tấm mới vào. Gối chăn, có lẽ phải đem đi giặt.

Sư vẫn ngồi. Tôi không biết ông đã ngồi bao lâu.

Ông sư bệnh gì? Tôi lại hỏi.

Người đàn ông láng giềng ra vẻ hiểu biết. Nghe đâu, thầy ấy tắt thở trước khi nhập viện. Lại thở, lại ăn uống bình thường. Đệ tử thay phiên nhau chăm nom. Kỳ lạ. Bác Hỏi khám đi khám lại vẫn chưa ra bệnh. Bệnh gì mà chẳng nghe than vãn đau đớn. Cứ ngồi. Có khi ngồi suốt đêm. Chẳng nói chẳng rằng với ai. Chỉ có thầy ấy là bác Hỏi không hỏi han được gì.

Mà này, anh không có người thân à? Người đàn ông quan tâm. Rồi ăn uống thế nào? Cần gì cứ bảo tôi nhé. Cùng hoàn cảnh bệnh hoạn, chia sẻ với nhau. Vô tư. Đừng lo. Tôi không lấy tiền công đâu.

Bây giờ, tôi mới nghe bụng mình réo như cơm sôi quá lửa. Đèn đã sáng trưng tự lúc nào. Mấy giờ rồi? Tôi buông cái khay cháo đã sạch trơn xuống. Người đàn ông đã sớt phần cháo của vợ cho tôi. Ngại tôi áy náy, anh bảo: Đằng nào, nhà tôi cũng ăn không hết. Chăm vợ tháng trời mà tôi béo quay lên, anh thấy không?

Mấy giờ rồi?

Đã vào đây còn giờ giấc làm chi cho mệt óc. Cứ đếm ngày ba bữa cháo kèm ba liều thuốc là xong. Thời gian chẳng ích gì với người bệnh cả. Nhắm mắt ngủ thì ngày cũng như đêm. Thôi, tôi nằm nghỉ chốc đây.

Người đàn ông lại ôm gối chăn sang chiếc giường cạnh cửa sổ. Nhưng, chưa kịp nằm cho ấm chỗ, cửa phòng lại mở toang, áo trắng áo xanh đẩy một người mới vào. Người đàn ông bật dậy như lò xo. Vẫn không thoát khỏi sự bắt gặp của bác sĩ.

Lại ngủ nhờ ở giường ấy à? Sao không nằm ở cái giường mới được làm phép ban chiều kia? Tiếng bác sĩ Hỏi.

Người mới được đưa vào thế chỗ thanh niên con chiên Thiên Chúa. Cũng là một thanh niên. Cũng gầy xọp. Khó lòng nhận ra những con người khoác cùng màu áo bệnh nhân ra ra vào vào chốn này. Tưởng chừng, con chiên Thiên Chúa vừa quay trở lại. Ống oxy, ống truyền dịch, ống đo tim mạch lại gắn vào. Nằm duỗi chân, thở khó nhọc. Một người thân ngồi ké mông bên cạnh.

Sư vẫn ngồi. Im lặng. Ai đó tắt bớt đèn. Người đàn ông lại lấy bô dưới gầm giường lên, dựng vợ ngồi ngửa dậy, quây tấm chăn xung quanh. Tôi kéo chăn ngang mặt, xoay người nằm nghiêng một bên.

Mở mắt là ngày. Nhắm mắt là đêm. Người đàn ông có lý. Thời gian chẳng nghĩa lý gì ở cửa ngõ sống chết này.

Tôi chỉ dạo qua thành phố này. Bệnh viện này. Chiếc giường này. Có ngắn ngủi hoặc lâu dài như những liều thuốc đang đi dạo trong thân thể tôi, tan ra và ngấm vào, chữa trị bệnh tật hoặc vô dụng, lôi kéo tôi xa xôi hơn hay bỏ mặc tôi đến gần nhà xác?

Thanh niên ban chiều đã đi đâu? Thanh niên thế chỗ từ đâu đến?

Cái chết. Có phải cái chết là câu hỏi lớn nhất, ám ảnh nhất, bế tắc nhất mà con người ta không thể nào tránh khỏi?

Tại sao vị sư già kia đã tắt thở rồi lại hồi sinh? Tại sao ông ấy chỉ ngồi mà không nằm? Chỉ im lặng mà không lên tiếng? Chẳng có gì đáng hỏi và trả lời nữa ư?

Chú chim nằm yên. Thuốc an thần xâm lấn tâm trí nó. Lâu lâu. Chợt ngưa ngứa hai tai bởi tiếng xì xào rất nhỏ ở giường bên cạnh. Nó he hé mắt nhìn qua.

Tấm chăn bên ấy đắp tràn kín giường. Hơi nhô lên. Rung rung nhè nhẹ. Chiếc giường nhịp nhàng đều theo, thi thoảng cót két lành lạnh. Ai rên ư ử. Ai thở khò khè.

Ông sư cũng có lúc nằm. Chiếc giường bên phải ông, cạnh cửa sổ, trống huơ.

Không chỉ người đàn bà giường kế bên tôi, mà người đàn ông chồng chị ta cũng thế. Họ đang đau.

Không đau sao vào đây? Giờ này, có lẽ bác sĩ Hỏi đang bận rộn với những toa thuốc cho ngày mai.

(Nguồn: Nhà văn& Tác phẩm)

(Trịnh Sơn)

– Đăng lại từ Vanvn.net –

Exit mobile version