Lòng tốt hồn nhiên nhảy xổ vào đời người khác, lo lắng sắp xếp cho họ khung sống tốt hơn một cách đầy thiện ý hoặc tự mình gánh vác sứ mệnh xử lý rác thải công nghiệp mà mình cho là hệ trọng…thế rồi không hiểu do đâu và từ bao giờ chợt mình nhận ra mặc cảm có lỗi vì đã tạo ra cái xấu hoặc ít nhất là làm cây chủ cho cái ác sống gửi. Đó là điều đó đây có người đã nói, nhưng ở ta, sớm sủa nhất là nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư.

Một tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư

Có lẽ? Bà lại kéo thành vệt và một tư tưởng thẩm mỹ ấy, do đó như là của riêng mình. Đáng kể hơn, nó được gói trong cốt chuyện gần với đời thực lổn nhổn những tai ương, những tai ương ghê gớm nhưng tư tưởng thẩm mỹ lại văng xa khỏi cái hiện thực trần trụi để nhanh chóng vươn lên tầm khái quát thân phận người. NV&TP trân trọng giới thiệu chùm truyện mới mẻ này…

A lê! Gâu! Gâu!

Cô mặc một chiếc quần sa tanh màu mận chín, áo sa tanh xanh hoa lý ở bên ngoài, áo sa tanh màu đỏ cờ bên trong. Dưới đôi chân đen đúa, nhem nhuốc bẩn thỉu của cô là đôi dép nhựa màu tím hoa cà có gắn những hạt đá giả.

Trên đầu cô chụp một chiếc khăn nhung đen kiểu mới đã được đóng khuôn sẵn. Chiếc khăn nông toẹt tựa một chiếc cạp rá có đính những hạt ngân sa, kim tuyến lấp lánh.

Đã đủ vẻ của một bà cốt chuẩn bị lên đồng!

Chưa hết, cô còn vừa nhá trầu bỏm bẻm vừa nhai những miếng bánh dứt từ ổ bánh mì kẹp ở nách.

Thế là trọn vẹn chân dung của một mụ điên!

Vậy mà một thiếu nữ Hà Nội moden: áo thun, quần ống vảy, giầy cao gót yểu điệu, thả tóc mượt lưng như Huyền; lại phải chở mụ ở đằng sau lưng.

Mụ ngồi trên chiếc poócbaga xe mini Nhật của Huyền dáng vắt vẻo, chân chĩa ra đu dưa. Hai tay mụ túm hông Huyền chặt cứng như người mới tập đi xe đạp túm chặt ghi đông xe; kẻo sợ ngã.

Mỗi lúc gặp xe trước mặt cần tránh, mụ lại tranh tránh trước bằng cách lái hông Huyền như người ta bẻ bánh lái tầu thủy.

Để hút thêm sự chú ý của người đi đường và chứng tỏ cho họ rằng hai ta đây chính là một cặp cô cháu ruột đầy hạnh phúc, vô tư, yêu nhau tha thiết; mụ luôn dướn người lên ghé vào tai Huyền leo lẻo nói thật to: “Thủ đô ơi! Cha già của con ơi! Con đã về rồi! Con về thăm Thủ đô, cha già của con đây! …”. “Ô, phố xá nhiều màu quá! Cột cờ đâu? …”. “Đứa con gái thân thiết của Thủ đô đã về! …”.

Rồi mụ lại còn hát vang đường một đoạn lên đồng: “Cô Bơ ơi! Cô đẹp, cô xinh, cô mĩ miều, cô cao quý. Cô hát hay, cô múa đẹp lắm …

***

Huyền cắm mặt xuống đất không dám nhìn sang hai bên đường, đạp xe vù vù.

Lạy Giời! Đừng có ai quen biết nhìn thấy Huyền lúc này.

Với dáng vẻ thân thiết ríu rít thế kia của mụ, Huyền không thể dối trá rằng vì tình người nhân hậu bao la, Huyền đã chở giúp một mụ điên ra ga Hàng Cỏ.

Cô lại còn phải chu đáo, tận tụy vào tận trong ga mua vé tàu; đưa mụ vào tận chỗ ngồi; lại còn đứng dưới sân ga ngóng lên chằm chằm nhìn mụ, chờ mụ vẫy tay lưu luyến khi đoàn tàu chuyển bánh rồi mới được về nhà.

Không thể cãi rằng mụ không phải là người nhà của cô!

Nếu Bảo Chính mà gặp Huyền lúc này nhỉ? Khéo mối tình lãng mạn tuyệt vời cô đang hy vọng được có với anh sẽ tan như bong bóng xà phòng.

Nhưng Huyền không thể không chở mụ ra ga nếu cô muốn “Alê hấp!” tống cổ mụ ra khỏi nhà mình càng sớm càng tốt. Càng để mụ nhởn nhơ nằm ngồi nhâng nháo, ca hát om sòm ở nhà cô, cô càng không thể che giấu Bảo Chính việc cô  có một bà cô điên; bởi chẳng biết anh sẽ bất chợt đến nhà cô vào lúc nào. Nếu mụ cứ ở nhà Huyền mãi thì chẳng thể tránh được việc anh sẽ gặp mụ.

Thật nguy hiểm! Phải tống cổ mụ về nhà mụ càng nhanh càng tốt. Huyền cứ chằm chặp nhìn vào lưng mụ mà thầm mong “Allez! Allez(1)!” “Go! To hell with you!(2)

Niềm mong mỏi cháy lòng đến nỗi giờ đây đối với Huyền mụ không còn tên gọi là Thúy Chuyển nữa mà tên là “ Allez! Go! Go…”; nói theo kiểu Việt hóa là “ A lê! Gâu! Gâu”.

Nhưng nhìn và ước suông chẳng ăn thua, mụ cứ ở lỳ nhà cô không chịu về nhà mụ. Thôi thì mụ không đi thì cô phải di chuyển mụ đi chứ biết làm sao bây giờ! Không nhẽ cô cứ bất lực đứng nhìn mối tình của mình tan vỡ?

Mối tình đang chớm hé nở của Huyền sẽ có nguy cơ chẳng bao giờ nở nữa nếu Bảo Chính cho rằng cô có máu điên trong người. Lẽ nào anh lại yêu một người mang gen điên để rồi có vợ có thể điên và có con có thể điên. Anh sẽ nhanh chóng tự cứu vợ con tương lai của mình bằng cách “bái bai”(1) cô. Mà cô lại chẳng thể trách móc gì anh vì ai mà chẳng sợ trong nhà có người bị điên.

Nhưng thực tế đâu phải vậy. Giữa Huyền với “Alê! Gâu! Gâu!” chẳng có tý máu mủ ruột rà gì.  Mụ chỉ là con nuôi của ông bà nội cô mà thôi. Một thứ con nuôi gượng ép.

***

Một sáng đông năm 1953 một đứa bé gái khoảng chín, mười tuổi gày gò, tím tái nằm ngất xỉu trước cửa nhà ông Phúc, ông nội của Huyền.

Ông Phúc vốn có trái tim nhân hậu nổi tiếng hàng phố liền bế nó vào nhà đổ sữa cho nó uống. Khi tỉnh lại nó liền quỳ sụp xuống ôm chân ông Phúc khóc ầm ĩ, năn nỉ ông cứu nó. Nó bảo: “ Nhà con ở xa lắm. Con chẳng biết nó ở đâu. Con chỉ nhớ con với mẹ con phải đi tàu suốt cả một ngày một đêm mới đến Hà Nội. Nhưng xuống ga thì con bị lạc mất mẹ. Đã sáu ngày nay con xin ăn ở ga để tìm mẹ con mà không thấy”.

Quay sang bà Phúc, nhìn thấy cái bụng đã lùm lùm sắp đến ngày sinh của bà và một đứa bé trai chừng hai ba tuổi đang thập thò nấp sau ống quần bà Phúc, nó cầu xin: “ Con đói lắm! Con chẳng biết đi đâu về đâu bây giờ! Con xin bà làm phúc cho con được ở lại nhà bà. Con sẽ bế em bé cho bà. Con xin bà ngày hai bữa cơm. Ở quê con vẫn đi ở bế em cho nhà ông lý Cựu mãi…”

Thấy nó khôn ngoan nói năng đâu ra đấy bà Phúc cũng mủi lòng. Nhớ lại đứa con gái thứ hai mới được năm tháng tuổi đã chết, bà chợt nghĩ hay Giời đang thử lòng bà qua đứa trẻ cầu bơ cầu bất kia. Hay đây chính là cơ hội để bà tạo phúc cho con cháu mình.

Bà Phúc còn đang đắn đo chưa kịp nói năng gì, ông Phúc đã nhỏ nhẹ bảo: “ Con bé yếu ớt thế kia mà phải lang thang giữa thành phố đang loạn lạc bom rơi đạn nổ, không sớm thì muộn cũng chết mất. Thôi vợ chồng mình bớt vài hạt cơm mỗi bữa mà cho nó một cuộc đời”.

Sợ vợ tiết kiệm, ngần ngại phải nuôi thêm một miệng ăn ông Phúc vẽ thêm: “Vả lại em sắp nằm ổ cũng mệt mỏi cần phải có một đứa nhỏ để sai vặt. Trước mắt thì mình cứ để nó quét tước nhà cửa, giặt rũ quần áo cho cậu cả Danh nhà mình”.

Bà Phúc liền cười rạng rỡ: “Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa bằng xây bảy tòa bảo tháp”.

Ông Phúc quay sang nó hỏi: “Thế  cháu tên là gì?”. Con bé sụt sùi đáp: “Cháu tên là Đĩ ạ!” Bà Phúc nhăn mặt: “Tên gì mà kỳ cục thế?”. Con bé sợ sệt thưa: “Cháu không biết ạ! Cháu thấy ở nhà cháu vẫn gọi cháu là cái Đĩ, gọi em cháu là cái Đợi ạ!”

Ông Phúc nhíu mày giây lát rồi à lên quay sang giải thích cho vợ: “Ở quê những nhà bạch đinh ít chữ, không mấy khi quan tâm đến khai sinh cho con gái. Họ cứ gọi cái tên xấu xí cho dễ nuôi. Sau này nó lấy chồng thì gọi theo tên chồng, có con thì gọi theo tên con trai trưởng”. Quay lại con bé đang run rẩy ông hỏi tiếp: “ Thế cháu có biết tên bố mẹ cháu là gì không ?” “Dạ cha mẹ cháu tên là Thực ạ”. “Thế cháu có biết họ của nhà cháu là  họ gì không?”. “Dạ cha cháu bảo: nhà ta tuy thuộc họ Đường là thiểu số trong làng nhưng lại ở chi có ông Tổ thiêng nhất vùng vì được Hà Bá mời xuống Thiên đình gọi lên ạ!” . Ông Phúc kinh ngạc: “Ai mời xuống? Ai gọi lên? Thế là thế nào?”. Con bé khúm núm: “Dạ đúng ạ! Cha cháu bảo ông Tổ nhà cháu bị chết đuối ở ao nhà. Sau, mả Tổ lại bị sét đánh nên chi họ nhà cháu có phúc lớn ạ!”

Ông Phúc nhăn mặt: “Nói nhăng nói quậy; như thế mà gọi là có phúc lớn à? Có mà vô phúc thì có. Nhưng thôi, nhớ được cái họ là tốt rồi. Sau này còn có thể tìm về quê cha đất Tổ cho khỏi vô ơn, bạc nghĩa với đấng sinh thành. Còn cái tên xấu quá. Ở Hà Nội  không ai gọi con cái mình như vậy. Ta đặt cho cháu cái tên là Chuyển để sau này người nhà cháu có đi tìm nếu tinh ý sẽ nhận ra tên “chuyển”, có nghĩa là đã đổi tên.

Từ đó con bé Đĩ có tên là Đường Thuý Chuyển được ở lại trong nhà ông bà Phúc.

Chuyển làm đứa nhỏ sai vặt được một năm thì giải phóng Thủ đô. Mấy năm sau, Nhà nước thi hành chính sách cải tạo công thương.

Ông Phúc là chủ của một chiếc xe khách chạy đường dài Hà Nội-Thái Nguyên. Tuy ông tự lái lấy xe của mình nhưng ông có thuê một anh phụ xe giúp ông bê vác hành lý cho khách hàng. Thêm nữa ở nhà ông lại có một chiếc xe Pho của ông chú ruột trước khi chạy vào Nam chẳng bán được ô tô cho ai liền cho không ông cháu.

Ông Phúc có hai xe ô tô, có thuê người làm, cũng ra dáng một ông chủ hãng xe. Tự nghĩ mình sẽ bị liệt vào giới chủ bóc lột tư bản, ông Phúc sợ quá hiến ngay cả hai xe ô tô cho Công ty hợp doanh. Ông chỉ xin một chân lái xe thường ăn lương tháng; xin được làm một người công nhân dưới chế độ mới như mọi người.

Nhà vẫn còn thằng nhỏ con sen nữa thì nguy quá; bà Phúc muốn cho cái Chuyển thôi việc. Nhưng nó, chẳng biết đi học lỏm ở đâu về, lên giọng dạy bà: “Con đã bị bà bóc lột mấy năm trời. Bây giờ bà đuổi con đi thì con chẳng biết đi đâu. Con cứ nằm chết ở cửa nhà bà như trước đây thôi. Cứ để cho đoàn thể Nhi đồng cứu quốc người ta biết: trước đây bà bóc lột trẻ con, bay giờ bà ngược đãi trẻ con. Bà sẽ bị ra tòa, rồi bà sẽ bị đi tù sớm”.

Bà Phúc nghe nó nói mà lòng run như dẽ. Nó lại bảo: “Bây giờ thời mới bình đẳng rồi chi bằng bà cứ để con ở lại nhà bà. Bà nhận con làm con nuôi; bà cho con làm em anh Danh, làm chị chú Dự, cô Hạnh;  bà sẽ được yên bình. Còn con, con sẽ đội ơn bà đời đời, kiếp kiếp”.

Bà nội Huyền thấy nó phân tích xác đáng quá, biết rằng đã có người bày vẽ cho nó. Bà sợ cái người mù mờ đứng sau lưng nó, liền răm rắp nghe theo lời nó. Từ đó Đường Thuý Chuyển hóa thành Nguyễn Thúy Chuyển, con nuôi của gia đình ông Phúc.

Từ lúc làm con nuôi thì cái Chuyển phát huy quyền bình đẳng. Nó không giặt quần áo cho ai nữa, không hầu hạ thằng Danh, thằng Dự; không bế ẵm con Hạnh  nữa. Nó đi họp đội Thiếu nhi, rồi đội Thanh niên, đi ca hát, đi đóng kịch, đi cổ động mọi người thực hiện tốt chính sách cải tạo công thương… suốt ngày.

Ông Phúc đi làm công nhân lái xe lĩnh lương tháng về nuôi gia đình, nuôi cả đứa con nuôi giả tạo. Bà Phúc biến thành người phục dịch cho cả nhà, cả cho nó – đứa ở hóa thân thành con nuôi.

Khi làm đứa ở cái Chuyển đã có tính ăn cắp vặt. Nó hay lần ví của ông Phúc. Nó móc nhiều đến nỗi một người vô tâm nổi tiếng như ông Phúc cũng nhận ra. Có lần không kìm được, ông đã phải dọa đuổi nó khỏi nhà. Nó liền lăn lộn gào khóc dưới đất xin ông tha thứ, xin ông đừng đuổi nó đi.

Nhưng bây giờ Chuyển làm con nuôi rồi, nó không thèm ba đồng vặt trong ví. Thỉnh thoảng nó lại bê một món đồ cổ của bố nuôi ra chợ Giời. Đôi lần nó lại thuổng vài món đồ trang sức của mẹ nuôi mang đi đâu đó. Ông Phúc bắt được tra hỏi thì nó bảo: “Con xin bố đừng to tiếng. Từng ấy thứ chưa trả hết tiền công bố mẹ đã bóc lột con bao năm đâu. Hay bố mẹ muốn cả thành phố biết: bao năm trước bố mẹ bắt con lao động quần quật, bóc lột con đến tận xương tuỷ, chỉ cho con ăn uống cầm hơi, không trả con một đồng tiền công nào? Mấy năm nay bố mẹ lại giả nhân nghĩa nhận con là con nuôi để che giấu tội lỗi bóc lột trẻ em trước đây?”. Ông Phúc sợ tiếng dữ lan đến Công ty sẽ mất việc, đành ngậm bồ hòn cho qua.

Thúy Chuyển cứ đi sinh hoạt, múa hát, diễn kịch tối ngày; đến năm mười bẩy tuổi thì phễng bụng. Cũng vì ai nó cũng đeo bám nên chẳng ai biết cái thai đó là của ai. Mà nó cũng chẳng khai nổi thai đó là của ai. Báo hại ông bà Phúc phải chạy ngược xuôi kiếm cho nó tấm chồng đắp mặt che xấu, bằng cách các cho người lấy nó cả cây vàng.

Thúy Chuyển theo chồng về Vinh. Nhưng vừa đẻ xong, chưa đầy tuần, ả đã trốn về Hà Nội, bỏ con đỏ lại miền đất chó nhá đá gà gặm sỏi, đầy gió Lào cát trắng quê chồng. Ả dương dương vênh váo: “Chuyển là người xinh đẹp, lại giỏi giang. Chuyển là người cao quý là tiểu thư con nhà tư sản nòi ở Hà Nội. Chuyển không thể ăn mắm mút nhút như lũ dân quê kia được”. Chuyển nằm lỳ ở nhà bố mẹ nuôi.

Anh chồng ôm con ra ăn vạ ở nhà ông bà Phúc. Vợ chồng Thúy Chuyển cứ cãi chửi, đánh lộn nhau om sòm cả ngày. Cực chẳng đã, bà Phúc lại phải dúi cho vợ chồng ả vài chỉ để chúng làm vốn, đem nhau về quê làm ăn cho nhẹ nợ.

Nhưng chỉ chưa đầy một năm, Thúy Chuyển lại có mang. Lần này thì ả điên. Ả đột ngột xuất hiện ở nhà ông bà Phúc vào đúng bữa ăn tối, trong bộ dạng tả tơi, rách rưới đến lõa lồ, tóc tai rũ rượi.

Ả nhào vào bàn ăn, gạt phắt tất cả bát đĩa cùng thức ăn xuống đất. Mắt ả trợn ngược trắng dã. Giọng ả thét lên lanh lảnh “ A! Các người giết ta! Các người đang ăn xương, uống máu ta! …”. Hai tay ả vơ váo, xô đẩy, đập phá mọi thứ trong nhà.

May mà có anh An trưởng xóm vốn là cán bộ miền Nam tập kết đã từng kinh qua chiến đấu, biết huy động sức dân, đứng ra hô hào láng giềng giúp sức; mọi người mới trói chặt được ả.

Anh An cậy miệng ả, đổ cho ả một liều thuốc an thần. Thúy Chuyển còn trợn trừng, trợn trạo đôi mắt trắng dã mãi mới chịu ngủ thiếp đi.

Sáng hôm sau, bà Phúc dỗ ngon dỗ ngọt Thúy Chuyển mãi, rồi bà nhét vào tay Thúy Chuyển hai chỉ vàng; ả mới lặng lẽ để bà Phúc thuê xích lô thân chinh đưa ả ra ga Hàng Cỏ.

Bà mua vé tàu, đưa ả lên tận chỗ ngồi; gửi gắm ả cho các hành khách cận kề. Khi tàu huýt còi, rung lên rùng rùng ken két, báo hiệu sắp chuyển bánh, bà Phúc mới xuống tàu vẫy tay lưu luyến.

Vốn tính tiết kiệm, bà Phúc cuốc bộ cần mẫn từ ga Hàng Cỏ về nhà ở phố Lê Thánh Tôn. Bà vừa bước chân vào nhà, chào ông, ngồi xuống ghế; chưa kịp nhấp ngụm nước trà ông vừa rót mời bà một cách xót xa thương cảm thì Thúy Chuyển đã đột ngột bước vào cửa như một hồn ma. Ả ngọt ngào cất tiếng: “Mẹ ra trả tiền xích lô cho con… Con nghĩ lại rồi, con chẳng về cái xó xỉnh quê mùa nghèo khổ ấy đâu. Con cứ ở đây làm con của bố mẹ thôi!”. Hóa ra ả đã xuống ngay ga kế tiếp rồi thuê xích lô để ngồi một cách ung dung, còn bà Phúc tiết kiệm cuốc bộ nên cũng chừng ấy thời gian cả hai cùng về tới nhà. Thúy Chuyển chỉ bước vào nhà sau bà Phúc có một bước chân mà thôi.

Thúy Chuyển lại bố bố, mẹ mẹ, con con ngon ngọt như chưa từng có cái đêm kinh dị vừa qua. Sau đó mấy hôm, Thúy Chuyển tuyên bố sẽ đi chợ chiêu đãi nhà một bữa. Lợi dụng lúc ả vắng nhà, hai vợ chồng ông bà Phúc vội thu vén quần áo, lương thực, tức tốc khóa cửa gửi nhà hàng xóm, đem các con đến nhà bạn bè ở nhờ.

Chiều hôm đó, Thúy Chuyển mới lò dò về nhà. Hai tay ả xách ba cái đầu chó đen thui, răng nhe ra trắng nhởn, và nửa quả mít vàng ối. Không vào được nhà, Thúy Chuyển mượn dao bổ đầu chó, kê gạch ngay ngoài sân nổi lửa. Ả mượn nồi, xin muối, xin gạo nấu cháo chó.

Bữa tối, cả xóm được một mẻ kinh hồn táng đởm: mỗi nhà đều được Thúy Chuyển thân mật biếu cho một bát cháo đầu chó lõng bõng nước, tanh lòm.

Thúy Chuyển ăn thịt chó rồi lại tráng miệng nửa quả mít, đêm ấy người rực lên nóng phát rồ. Tiện có phi nước đầy ắp anh An chứa sẵn trước cửa phòng, ả khỏa thân dội nước ào ào, kì cọ oàm oạp.

Dưới ánh trăng Thúy Chuyển thỗn thện trắng nhễ nhại. Tội nghiệp đồng chí trưởng xóm, trai chưa vợ, to cao, trắng trẻo, hào hoa phong nhã; xấu hổ không dám ho he một tiếng. Thủ tiêu hết ý chí đấu tranh, đồng chí An cài chặt cửa giả ngủ say không nghe, không nhìn, không biết.

Từ đó xóm nhỏ thỉnh thoảng lại nháo nhác như bị máy bay Mỹ oanh tạc. Tuy từ năm 1964 giặc Mỹ mới ném bom bắn phá miền Bắc, nhưng gia đình ông bà Phúc đã phải đi sơ tán, tan cửa nát nhà từ năm 1963.

Cũng từ đó chỉ có ông Phúc bám lại Hà Nội, ở nhờ Công ty đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Còn Danh với thành phần đã đẹp hơn nhờ hành động nghĩa hiệp của ông Phúc đối với Công ty hợp doanh, đã được đi bộ đội. Bà Phúc đưa đàn con nhỏ lít nhít đi sơ tán chạy bom đạn và trốn con điên khắp các tỉnh: Hà Bắc, Hà Tây … Cho đến cuối năm 1973, sau khi đã hết bom đạn, lại được láng giềng thông báo: “ Đã hai năm không thấy Thúy Chuyển trở về, chắc nó đã chết đói hoặc chết vì bom đạn ở đâu rồi”, bà Phúc mới dám đưa các con về lại nhà.

Rồi gần hai chục năm nữa trôi qua, các chú, cô của Huyền đã có gia đình ra ở riêng cả. Bố Huyền là một trung đoàn trưởng đã hy sinh ở biên giới Tây Nam. Chỉ có hai mẹ con Huyền ở lại nhà của ông bà Phúc. Nào ngờ mụ cô điên Thúy Chuyển vẫn còn sống lại mò về.

Ông Phúc đã mất, nên mỗi lần nhìn thấy Thúy Chuyển là bà Phúc lại nhớ đến tấm lòng nhân hậu vô bờ bến của chồng. Bà không muốn làm gì để ông mất đi tiếng thơm muôn thủơ. Bà đòi hỏi các con cháu cũng phải nhẫn nhục theo. Bà nói: “ Mình đã làm phúc thì làm cho trót các con ạ! Biết đâu chính nó lại phải gánh những bất hạnh thay cho nhà mình thì sao. Nhà nào chẳng có một đứa con khốn khổ. Thôi thương nó, nó điên chấp làm gì!”

Mụ Thúy Chuyển nay đã già, lúc điên lúc tỉnh đi đứng nhâng nháo, ca hát om sòm. Hễ mở miệng là mụ lại nói mình có căn cô Bơ: “Cô Bơ là người xinh đẹp, giỏi giang, hình dáng quý phái. Cô Bơ thích ăn diện ngất trời, thích chơi bời thỏa chí. Nhưng Cô Bơ cũng rất đỏng đảnh sớm nắng chiều mưa cho nên Cô Bơ thích ai thì Cô Bơ chiều hết nhẽ; Cô Bơ không thích ai thì sẽ phá cho tan tành mới thôi”. Mụ suốt ngày điên dại chẳng chịu làm gì.

Chồng con Thúy Chuyển cũng ngán mụ đến tận cổ. Họ mặc xác mụ. Mụ muốn mặc sa tanh gắn kim tuyến hay mụ muốn khỏa thân, mụ muốn ở nhà ca hát hay múa may giữa chợ, đối với họ: “ Xin cứ vô tư đi? Vô tư như người Hà Nội!”

Nhưng Huyền không vô tư như họ được. Cô cứ chằm chặp nhìn vào lưng mụ Thúy Chuyển mà lẩm bẩm “Alê! Gâu! Gâu!”

Mới đầu Huyền còn lẩm bẩm khe khẽ, sau cô lẩm bẩm to dần. Bà Phúc nhíu mày nhìn cháu gái, tò mò hỏi: “Cháu lẩm bẩm cái gì đấy?”. “Cháu đang luyện nói tiếng Pháp, tiếng Anh!”. Bà Phúc mỉm cười gặng: “Biết rồi! Nhưng bà muốn hỏi cháu cái câu cháu nói: cái gì gâu gâu, nghĩa là gì cơ?”. “Allez! Allez! Go! To hell with you! Nghĩa là: Cô đi đi! Đi hẳn về nhà cô đi”. Bà phì cười “Cháu cứ lẩm bẩm thế có ngày cháu cũng điên như cô ấy đấy!”. Huyền phụng phịu: “Nhưng cứ như thế này thì rồi sẽ chẳng ai dám yêu cháu, lấy cháu. Vì họ nghĩ nhà mình có người điên, nhỡ sau này cháu cũng điên như cô ta thì sao!”

Bà Phúc giật mình, lặng người. Cháu bà nói có lý lắm. Mấy đứa con bà những năm qua hôn nhân xuôi xẻ có thể vì con Thúy Chuyển bặt bóng. Nay nó cứ chềnh ềnh ở nhà mình thế này, khéo cái Huyền đến ế oan mất. Nhưng đuổi nó đi thì bà không nỡ.

Ngẫm nghĩ mãi rồi bà mới bảo Huyền: “Thôi cháu ạ! Cứ đèo cô ấy ra ga rồi mua vé cho cô ấy. Cháu cứ kheo khéo vào. Mình có nhẫn nhịn một chút cho nó về nhà nó được thì nhà mình cũng mới ổn được. Tránh voi chẳng xấu mặt nào! Con này nó thích tiền lắm! Để bà lại dúi cho nó vài trăm bạc, nó sẽ yên ngay thôi!”.

Vậy là Huyền cứ thế, bao lần bấm bụng đèo mụ “ Alê ! Gâu! Gâu” sau lưng để rồi vài tuần, một tháng mụ “ Alê! Gâu! Gâu!” lại mò về.

Mụ như một nhân viên sở thuế mẫn cán đều đặn đi thu thuế làm người nhân đức của bà nội Huyền. Mụ như một bóng quỉ hắc ám luôn bay lượn trên bầu trời số phận tương lai của Huyền.

***

Nhưng những lần đó Huyền còn chưa quen biết Bảo Chính. Còn bây giờ Huyền đã nhận ra ánh mắt quyến rũ mời gọi của anh. Và Huyền cũng không sao điều khiển nổi ánh mắt mình đừng dắm đuối nhìn anh.

Tuần trước, trong bữa tiệc mừng sinh nhật của bạn bè, anh đã đến ngồi gần cô. Anh nhìn cô đầy ý nghĩa và nói: “Em thích ăn món gì thì em hãy lấy giùm anh món đó. Anh tin, theo gu ẩm thực tinh tế của em!” Rồi một cách rất cố ý, anh cầm cốc nước ngọt cô đã nhấp một ngụm và nhìn cô thật tình tứ, chúm miệng đặt môi vào chính nơi cô vừa đặt môi trên miệng cốc.

Huyền nóng bừng mặt, đầu cô lâng lâng như say. Chẳng phải anh tỏ cho cô biết: “Anh đang hôn em đó!” hay sao. Chẳng phải Bảo Chính có ý muốn tỏ cho Huyền biết: anh muốn được suốt đời ăn uống cùng cô sao! Lời nói ấy, cử chỉ ấy của anh làm bao đêm cô mất ngủ với những mơ ước ngọt ngào ngây ngất. Một cách tỏ tình qua ẩm thực thật tế nhị. Anh là người thật độc đáo. Độc đáo chưa từng thấy. Huyền mê anh như điếu đổ. Anh đã hẹn Huyền: sau chuyến đi công tác về anh sẽ đến nhà thăm mẹ em ngay.

Vậy mà Huyền vừa chở mụ “ Alê! Gâu! Gâu!” ra tàu về nhà mụ được bốn ngày, mụ lại đã tò tò về.

Nghe tiếng chuông reo ngoài cửa vào giờ chẳng hẹn ai, Huyền hồi hộp đến vỡ tim. Cô chạy vội ra cửa với nụ cười tươi rói nhất. Chắc Bảo Chính đã đi công tác về, anh đến nhà cô như đã hứa.

Cánh cửa vừa bật mở, “Alê! Gâu!Gâu” đã xộc vào nhà. Mụ vất xuống sàn gạch hoa bóng loáng Huyền đã chăm chút lau cọ bằng nước lau nhà có mùi hoa dạ lan thơm ngát, một bọc ni lon ốc mút bé li ti còn đầy bùn đất.

– Bà đâu rồi? – Mụ nhâng nháo hỏi.

– Bà đi vắng rồi – Huyền cố ghìm cơn tức đang dồn lên cổ. Mặc dù bà nội chỉ chạy sang nhà bác An xin bà mẹ vợ bác miếng vỏ để ăn trầu, nhưng Huyền cứ nói dối phứa đi.

– Thế thì cháu ra trả tiền xích lô cho cô!

– Lại xích lô! Cô thật dã man. Cô không thấy bà phải tiết kiệm từng đồng gom góp cho cô. Bà cho cô cả trăm nghìn vậy mà bà có bao giờ dám ngồi xích lô đâu. Đi đâu bà cũng toàn cuốc bộ cả. Vậy mà cô cứ một bước là ngồi xe. Đã rách rưới lại còn sĩ diện. – Huyền làu bàu lườm “Alê! Gâu! Gâu!” rồi cầm ví đi ra cửa hỏi gã xích lô đầu trọc lốc, mặt trông rất ngầu: – Hết bao nhiêu?

– Năm mươi nghìn. – Gã đáp giọng tỉnh bơ.

– Bao nhiêu cơ? … Năm mươi nghìn á? – Huyền muốn nhảy dựng lên – Có đi tắc xi cũng chưa tới một phần ba số tiền đó! Ông có điên không đấy?

– Không điên! Nhưng chở người điên! – Gã xích lô lạnh lùng nói – Năm mươi nghìn đồng chẵn!

– Lý lẽ tuyệt hảo! – Huyền tím ruột lục vét ví. Còn vừa đúng năm mươi ngàn. Thế là đi toi những đồng lương tập sự còm cõi cuối cùng. Cô quắc mắt ấn tiền vào tay gã xích lô – Chỉ trách ông đã lợi dụng người ta bệnh tật điên rồ để bắt chẹt lừa đảo.

– Không ai lừa đảo ai! Rất đàng hoàng! – Gã xích lô nhếch mép nhún vai – Có thỏa thuận hợp đồng hẳn hoi. Mađam bảo mađam con nhà quyền qúy. Mađam biết ăn chơi sành điệu. Mađam rất thoáng. Một giá ăn ngay không thèm cò kè mấy đồng bọ.

Gã vòng xe quay đầu một cách điệu nghệ. Trước khi đạp xe đi, gã còn ngoái cổ lại nói với Huyền:

– Mađam còn hứa puộc-boa cho đằng này một cách hậu hĩnh. Nhưng cô em đã túng tiền thì đằng này tặng cô em chỗ puộc-boa ấy đấy. Chào!

– Đồ điên! – Huyền dở mếu dở cười quát theo: – Hai kẻ điên gặp nhau vui đấy! – Chỉ tiếc người muốn khóc lại chính là Huyền, là gia đình Huyền.

Thế này thì quá lắm! Điên mà toàn ăn người thế này thì Huyền cũng muốn điên. Cô quay vào nhà, mắt long lên sòng sọc, tay chỉ vào mặt mụ Thúy Chuyển hét lớn:

– Cô nhặt lấy mớ ốc tanh tưởi ấy của cô rồi đi khỏi nhà tôi! Đi!

– Tại sao cháu lại đuổi cô? – Thấy bộ dạng dữ dằn của Huyền, Thúy Chuyển có vẻ choáng váng. Từ xưa đến nay mụ vốn chỉ thấy mình quát lác dọa dẫm người khác, đang ngồi vắt vẻo trên ghế xalon mụ vội đứng dậy khép nép – Cô có làm  gì đâu?

Bà Phúc đang ở bên hàng xóm, nghe tiếng quát tháo của Huyền với gã xích lô, liền chạy về nhà. Bác An cũng chạy theo. Vừa đến cửa thì cả hai người nghe tiếng đứa con nuôi điên dại của gia đình bà Phúc đang thanh minh với Huyền. Bà Phúc định bước vào, nhưng bác An ngăn lại: “ Từ từ, mình cứ ở bên ngoài tí chút đã để xem chúng nói gì với nhau”.

– Còn không làm gì à? – Huyền giận dữ gào to – Ai là người đã đổ sữa cứu cô khỏi chết đói? Ông bà tôi đã bóp mồm bóp miệng nuôi cô nên người, đã bỏ tiền ra mua danh dự cho cô để cô được đẹp mặt. Bao lần cô ăn cắp, ăn trộm trong nhà mà ông bà tôi đều lờ đi tha thứ cả. Thử hỏi cô đã đền đáp được cái gì nào? Cô đục khoét gia đình này chưa đủ hay sao, mà cô còn tạo điều kiện cho cả người ngoài tàn hại nó? Đồ dã man! Đồ bạc bẽo! Đi đi đừng vác mặt về đây nữa! Đồ điên khùng, rồ dại!

– Thế cháu cứ nhất quyết đuổi cô à? – Mụ Chuyển hỏi giọng đầy ngây thơ – Nhưng cô bị điên cơ mà?

– Bà mà điên à? – Huyền nhếch miệng cười khẩy – Điên kiểu gì mà toàn ăn người thế? Hãy nhìn lại mà xem có lần nào bà trổ tài điên mà bà không moi được tiền, được vàng của bà tôi không? – Huyền bỗng tỉnh ra sau câu nói bột phát của mình – Bà chỉ giả điên! Đúng thế ! Vì bà không muốn làm gì chỉ muốn ăn diện, hát hò. Bà cưỡi trên lưng gia đình tôi từng ấy năm là đủ lắm rồi. Ông bà tôi quá nhân đức nên mới bị bà lợi dụng như vậy. Còn tôi thì bà không lừa được đâu! Bà là một tên lừa đảo kinh tởm.

Mặt Thúy Chuyển từ từ đanh lại, mụ dằn giọng:

– Này bé con! Mày nói đúng đấy! Bao năm nay tao lừa ông bà già ấy đấy! Cái nhà này cứ tưởng đã đổ sữa cứu được tao khỏi chết đói ở trước cửa nhà. Còn lâu nhé! Đó là màn kịch do mẹ tao bày ra đấy. Mẹ tao đã tìm hiểu nên biết cái nhà này chuyên làm phúc kiểu ủy mị dở hơi. Bà ấy bảo tao giả chết luồn vào nhà này mà sống cho sung sướng. Giống kiểu con tu hú ở nhờ tổ sáo sậu ấy. Tiền nong tao lấy được ở đây là mẹ tao mang về quê mua vườn tậu ruộng đấy nhé!

– Đồ khốn nạn! – Huyền trợn mắt nghẹn lời trước sự thật khủng khiếp.

– Vậy từ nay đừng có kể công cứu mạng tao nữa nhé! Tao có sắp chết bao giờ đâu mà cứu mạng. Hé hé hé … – Mụ cười khanh khách – Mày đừng tưởng đuổi tao dễ thế. Hôm nay tao sẽ đi khắp xóm nói cho mọi người biết đứa con đầu lòng của tao chính là con của ông Phúc. Vì thế bà nội mày mới phải cho tiền tao, cho tiền chồng tao để bịt miệng. Rồi đây cái nhà này còn phải chia gia tài cho con tao nữa, vì nó cũng là con của ông Phúc. Tao cứ lu loa vậy đấy để xem cái nhà này có phải làm theo lời tao không? Nếu muốn tao ngậm miệng thì lại nôn tiền ra đây! Há, há, há! …

Nghe đứa con nuôi điên rồ đang kể với giọng lạnh lùng, tỉnh như sáo về những âm mưu sâu xa xưa kia, những ý đồ gần gụi nhơ bẩn sắp tới sẽ đổ vào gia đình bà, bà Phúc đau xé gan ruột. Chao ôi! Nó còn định vu cho ông tội loạn luân. Độc ác đến thế thì trời cao đất dày nào khoan dung cho được!

Bà Phúc bủn rủn, quờ quạng bíu tay vào mép cửa cho khỏi ngã. Ông An vội đỡ bà từ từ ngồi xuống bậc cửa. Trong nhà, Huyền cũng đứng như trời trồng, mặt tím tái, muốn gào hét lên một tiếng thật to mà không gào thét được.

8/11/2003

Tường Đông- ki-sốt

Cứ mỗi khi nghe tiếng “Pạch sịch! Pạch sịch! Pạch sịch!…” từ tít ngoài ngõ, xa đến cả trăm mét, cả nhà tôi dù đang làm bất cứ việc gì, dù không hề ngó nhìn ra cửa, nhưng ai cũng nhận ra ông Tường đang đến nhà mình.

Ông Tường là con trai thứ của cụ trưởng đằng ngoại nhà tôi, là dân Hà Nội có cội rễ gốc gác ở ngay làng Ngọc Hà. Gia đình ông đã từng sở hữu cả một khu đất rộng tới bốn ngàn rưỡi mét vuông, và có một tòa nhà thờ họ rất rộng toàn bằng gỗ lim do chính ông nội ông Tường xây.Tất cả các cột cái, các dầm xà của tòa nhà đều to tròn thẳng tắp, được lựa chọn rất công phu và được chạm trổ tinh vi, lộng lẫy. Mái lợp là ngói Bát Tràng được thửa riêng, từng viên đều có chữ “Đỗ” là tên của dòng họ.Tòa nhà thờ này lại ngự trên một cái sân rộng đến vài trăm mét vuông và được lát gạch bát đỏ au.

Ông Tường lại đã từng là kỹ sư từ những năm đầu 1970, tốt nghiệp Bách khoa đàng hoàng. Ấy vậy mà ông lại dùng một chiếc xe gắn máy cổ lỗ sĩ có tên là SACHS.

Chiếc xe trông tã đến nỗi, nếu có đem biếu không mấy anh dân quê nghèo rớt ôm mộng đi xe máy, thì họ cũng chẳng dám nhận vì sợ chẳng bõ rước họa vào thân.

SACHS là một loại xe của Đức. Con “nghẽo” này hình như thuộc loại sêri đã thịnh hành từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai thì phải. Hay là nó được sản xuất từ thời Chiến tranh lạnh, khoảng những năm 1960? Tôi cũng không biết rõ lắm. Chỉ biết chỗ của nó đáng ra là phải nằm ở trong Viện khảo cổ về xe cộ từ lâu lắm rồi.

Loại xe này có hình dáng rất nực cười – y hệt một con cào cào màu xanh lá cây già. Sau nhiều lần sửa sang, ông Tường đã cho nó một bộ cánh mới.

Ông sơn con xe yêu quý của mình từng nhát một bằng chổi sơn thường như người ta sơn chấn song gỗ của cửa sổ, lại còn sơn bằng mầu đỏ của xe cứu hỏa nữa.

Sau vụ này ở nhà tôi, phe người già thì bảo: “Có lẽ nó là con của con máy cày Bông sen thời khoán 10”. Phe trẻ con lại bảo: “Giống hệt con ngựa gỗ trẻ con vẫn phi trong nhà trẻ”. Còn ông anh tay chơi FX125 của tôi thì hóm hỉnh bảo: “Chủ tớ ấy trông rất giống Đôngkisốt với chiến mã nghẽo còm”.

Khi con SACHS nổ máy, các bộ phận của nó đều rên lên run rẩy như ông lão 80 bị bệnh Parkinson.

Lần trước, khi ông cưỡi nó phóng vào sân nhà tôi một cách điệu đàng, rồi phanh kít lại, thì cái yên của nó đã bốc cả ông phi lên bình xăng. Còn lúc ra về, để mồi cho máy nổ, ông bôi xăng rồi xòe bật lửa ga hơ nóng bugi khiến cả nhà tôi há hốc miệng không dám thở, sợ muốn đứng tim.

Bố tôi đã từng kể có lần ông đã chứng kiến một chiếc xe máy Suzuki bắt lửa vì bị rò xăng cháy thành than chưa đầy mười phút.

Con “nghẽo” này vốn sắp bị bác thợ sửa xe đem phanh thây, xé xác, lọc nạc, vạc xương rồi bán cân cho mấy bà thu gom sắt vụn. Ông Tường hôm ấy đi ngang qua thấy thế xót xa liền chuộc nó ra khỏi tay bọn họ với giá năm hào một ký lô.

Ông Tường bảo: “Con xe SACHS có đặc biệt là vòng bi hình củ tỏi, bi hình đũa. Khi bi trục trặc là các bác thợ vớ vẩn nhà ta khóc thét luôn. Nhưng nó cực khỏe, thậm chí có thể chạy bằng dầu hỏa, chỉ cần bôi tí xăng lên bugi là chạy vô tư. Cực tiết kiệm!”. Sau một năm được ông Tường nhiệt tình kiên trì vá víu bồi bổ, nào thay cả cụm vòng bi, nào lắp lốp Honda90… nó gượng dậy được, và cõng ông chủ còm nhom cao lêu đêu đi đây đó, để ông chủ quảng bá chủ kiến và hiệu quả chủ kiến của mình.

Con xe mầu đỏ lửa, mỗi lần chạy ngoài phố nó nổ pành pạch rất ầm ĩ, rặn ra từng đám khói dầu hỏa đen mù mịt, ai ai cũng phải ngoái cổ nhìn theo.

Thật ra ông Tường không nghèo đến nỗi không thể sắm một con xe tàm tạm để đi. Xe Tầu gần đây người ta bán mớ. Hơn chục triệu được hẳn ba cái. Gia đình ông cũng không đến nỗi không bao bọc tương trợ giúp nhau để ông phải đi chiếc xe như bôi bác thể diện của cả nhà. Ông Tường làm ra cái xe gắn máy như thế, ông đi nó như thế, chẳng qua là vì ông thích thế. Người ngoài cho rằng ông hâm mặc xác ông không gàn đã đành; mà cả người trong nhà cũng không ai dám gàn.

Bởi lẽ, nhìn vào ông Tường bây giờ: còm nhom ốm yếu, râu ria tua tủa không thèm cạo, áo quần thì xốc xếch nhem nhếch, ít ai ngoài người trong nhà nhớ rằng vào những năm 1979, 1980 ông Tường là một trong những người giầu nhất Hà Nội. Mà lại giầu nhờ rác!

***

Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, khi mọi người đổ xô vào Sài Gòn cố đi lùng những Tivi, Honda còn tốt để khuân ra Hà Nội, thì ông Tường lúc đó mới khoảng 44, 45 tuổi trẻ trung, sung sức hăng say lần mò vào các kho bãi phế thải của chiến trường xưa.

Ông Tường lùng mua những cỗ xe máy làm lạnh, những chiếc xe máy nổ phát điện có công suất cực lớn to như cả một chiếc xe buýt để phục vụ cho các công sở, doanh trại của Mỹ sau này là của quân đội Sài Gòn cũ, đã bị bỏ hoang trong bãi phế liệu do hỏng hóc không có nguyên vật liệu để thay thế, do rơi vãi mất mấy con ốc điều chỉnh, hoặc đơn giản hơn, do hết khí ga; nhưng những người có trách nhiệm bảo quản chúng lại có trình độ quá kém nên không hiểu hết được giá trị thực sự của chúng.

Ông Tường nhờ vậy đã mua được vô khối máy với giá sắt vụn. Ông bỏ việc Nhà nước. Ông xin lấy trước phần tài sản được chia của gia đình là một nghìn mét vuông đất, bán đi để lấy tiền thuê chuyển những đống sắt vụn ấy ra Hà Nội.

Không có kho bãi, tài sản của ông Tường để rải rác khắp các vỉa hè, đường phố, vườn hoa thời ấy. Chỉ khi cần sửa chữa chiếc nào, ông mới lôi chiếc đó về sân nhà thờ nhà ông để mổ xẻ.

Dưới đôi tay vàng tài nghệ của ông, ông xử lý từng chiếc một: tháo dỡ lau chùi; thiếu chi tiết nào bổ sung chi tiết ấy tháo từ một chiếc máy cũ sang; nạp đầy khí ga vào… thế là lại ngon lành – máy đang chạy tốt nhé! Máy Made in Japan nhé! Hay lấy máy Made in USA? Loại nào cũng có.

Những chiếc máy tưởng đã thành mớ sắt gỉ yên nghỉ ngàn thu, nhờ tài năng của ông bỗng thức cả dậy như các nàng công chúa ngủ trong rừng. Và đương nhiên ông Tường cũng bán chúng với giá bán những công chúa cho những bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh ở ngoài Bắc – những kẻ đang đói khát điện, lạnh – sắc đẹp và sức mạnh của tiện nghi văn minh hiện đại.

Không thể nói một vốn bốn lời; mà phải nói là một vốn nghìn lời. Chỉ cần bán được một, hai cái máy phát điện, hoặc làm lạnh cho một cơ quan nào đấy với giá vài trăm nghìn đồng một chiếc lúc đó, nhà ông đã thu bộn tiền. Đằng này ông có tới cả trăm cái xe máy như thế để khắp nơi trên đường phố Hà Nội.

Tiền của dồn dập đổ vào nhà ông như thác lũ. Vợ ông đong các chỉ vàng vào ống bơ rồi cân lên đổ vào thùng sắt khóa lại. Khi chúng tôi được Nhà nước bán cho một lạng mỡ mỗi tháng để bôi quanh chảo cho trơn thì nhà ông thừa tiền mua một lúc cả mười căn nhà quãng ngã tư Bạch Mai – Đại Cồ Việt.

Nhưng rồi tiền bạc không mang lại được cho ông hạnh phúc. Mặc dù giầu có vô biên nhưng ông Tường không hề thay đổi. Người ông lúc nào cũng lấm lem dầu mỡ, áo quần nhếch nhác lôi thôi. Ông không có hứng thú tiêu pha chơi bời. Ông chỉ có hứng thú khi được ở bên máy móc, và khoái cảm khi được sửa chữa chúng.

Vợ ông Tường chán chồng lại thừa tiền liền rửng mỡ đi đánh bạc. Trên chiếu bạc, bà đã quen và dính phải một tay đào mỏ trẻ trung galăng đẹp trai. Y vốn là nhạc công chơi pianô. Tay nghệ sĩ này chơi bà và moi tiền của bà để đánh bạc còn thiện nghệ hơn chơi ngón đàn hắn đã luyện bao năm trên cây đàn.

Thế là của nả của ông Tường như bị hút xuống đáy sông ngầm. Lần lượt từng căn nhà lại đội nón ra đi mà ông Tường chẳng hề hay biết. Ông vẫn miệt mài ngày tháng vào Nam ra Bắc lùng sục mua thêm máy về. Ông vẫn một mình hì hụi thâu canh suốt sáng nghiên cứu sửa chữa máy móc trên cái sân nhà thờ rộng thênh thang của dòng họ nhà ông.

Rồi cũng đến ngày bà vợ ông bán nốt căn nhà cuối cùng trong đó có ông cùng hai con gái nhỏ – đứa thì lớp mười, đứa thì lớp tám đang ở. Ẵm hết số tiền cuối cùng bà biến vào Sài Gòn đi tìm gã nhân tình. Y đã bỏ rơi bà chạy theo đánh bài với một cô chủ sạp vải ở trong Chợ Lớn.

Rồi để có thể ở lâu trong Sài Gòn mong thu phục lại người yêu, bà lừa hai đứa con vào cùng với mình. Cũng chẳng phải bà yêu thương chúng nên không thể xa rời, mà vì bà đã hết sạch tiền. Bà nghĩ rằng có hai đứa trẻ bên mình, ông sẽ phải gửi tiền cho bà.

Bà đâu biết rằng: ngày đầu tiên ông biết là mình trắng tay khi chủ mới của căn nhà cuối cùng của ông vứt đồ đạc của ông ra ngoài đường, cũng là ngày chiếc máy phát điện lớn đầu tiên ông bán được bị đem trả lại. Nó vẫn đang trong thời hạn được ông bảo hành, nhưng đã bị hỏng hóc, gỉ gẫy lung tung.

Họa vô đơn chí. Máy móc của ông lần lượt rủ nhau về: chiếc xe máy lạnh thứ hai, chiếc xe máy lạnh thứ ba, rồi chiếc máy nổ phát điện thứ tư… Khắp nơi người ta gọi về bắt ông phải chạy chữa bảo hành, đền bù xe máy khác hoặc trả lại đòi bồi hoàn tiền cho họ.

Đi đến những nơi vỉa hè, vườn hoa hôm trước vẫn đặt những chiếc xe máy nổ của mình ở đấy thì nay cái đã không cánh mà bay, cái lại thấy khóa của mình đã được thay bằng một ổ khóa khác to đoàng, lại còn gắn niêm phong cẩn thận. Hỏi ai khóa? Ai niêm phong? Chẳng ai biết!

– Những chiếc máy to vĩ đại thế này chắc không của Sở Điện lực thì cũng của quân đội. Có thể họ đang di chuyển nó đến kho bãi nhưng chưa có người chuyển kịp nên để tạm đây. Của chính quyền mà. Chính quyền để đâu mà chẳng được!

– Đúng rồi! Ở các nơi khác trong thành phố, tôi cũng thấy họ để đầy máy móc ra đấy. Mấy hôm lại có dăm ba người tới chuyển đi.

– Mà ơ hay ông này tò mò nhỉ?

– Của ông ấy à? Cái máy to tướng như toa xe thế này mà là rác thải ấy à? Ông có bị điên không đấy?

– Giấy tờ sở hữu máy của ông đâu?… Không có à?

– Ông ở đơn vị nào? Cơ quan nào?… Không ở cơ quan nào à? Giấy tờ tùy thân đâu?… Không mang à? Dớ dẩn nhỉ!

– Định táy máy tài sản Xã hội chủ nghĩa đấy! Ái dà giả ngô giả ngọng đợi mọi người không để ý là làm một mẻ đấy. Lôi hắn ra đồn công an!…

Thế là cả đám người xúm lại lôi ông Tường ra đồn công an.

Để cổ vũ tinh thần bảo vệ trị an của những người dân khối phố, anh công an phụ trách khu vực đó đã lập biên bản tạm giữ ông Tường lại đồn rồi bắt tay cảm ơn nồng nhiệt các bác dân phố đã có tinh thần cảnh giác cao. Khi tiễn các bác ra về, anh còn hứa sẽ cảnh cáo cái đơn vị nào có máy kia tội buông lỏng quản lý tài sản của Nhà nước.

Sau bao ngày đêm vất vả vì quá chú tâm sửa chữa máy móc, rồi gia đình tan nát, rồi các nơi truy đòi tiền nong, bảo hành máy móc, ông Tường lại càng không còn thời gian nào để nhìn lại hình thức của mình: tóc râu xơ xác cứ tự nhiên mọc tua tủa, áo sơ mi bẩn thỉu chỉ còn hai khuy. Quần toạc ống đến bẩy xăngtimet. Dép nhựa Tiền phong cáu bẩn một bên bung quai sau cũng không buồn xỏ vào, cứ thế lê lẹt quẹt.

Anh công an đã nhìn ông Tường như nhìn một gã trí thức lang thang điên khùng vì ngộ chữ. Suốt hai giờ đồng hồ gã lảm nhảm giảng cho anh nghe những điều to tát và kì cục – khuynh hướng tâm thần phân lập, tưởng mình là vĩ nhân: “Tất cả máy móc lớn ở các nơi trong thành phố này đều là của tôi cả. Tôi muốn biến rác thải thành những thứ có ích. Phải tận dụng của cải còn có ích cho con người. Phải biết tận dụng những tiềm năng trong rác thải. Máy móc được con người tạo ra là để tạo ra năng lượng quay lại phục vụ con người. Con người chưa sử dụng hết tiềm năng tàng ẩn trong máy móc đã vứt bỏ là có tội với những người sản xuất ra nó…”

Ai thừa hơi bắt bớ giam cầm một tên tâm thần hoang tưởng, anh công an thả ông Tường ra với lời dọa: “Cấm không được lớ xớ ở khu vực này nữa. Lần sau ông còn quay lại đây nói năng lăng nhăng chúng tôi sẽ cho xe đưa ông sang trại điên Trâu Quỳ”.

Đã đến nước ấy thì ông Tường chỉ còn biết tay trắng ra về. Tôi nghi rằng những ngày này ông Tường chắc cũng đau đớn như vua Ngô Phù Sai khi bất lực đứng nhìn thành quách đền đài quý giá của mình bị thiêu hủy.

***

Trước đây, khi chưa dính vào vụ sửa chữa máy phát điện, máy làm lạnh, ông Tường có tặng bố tôi một cái đài Hồng Mao hay Xiêng Mao gì đó của Trung Quốc. Một cái rađiô cũ kỹ được ông đại tu lung tung ở bên trong đến mức ông dặn bố tôi khi muốn mở rađiô thì phải triệt để tuân theo các bước sau: cắm điện vào rồi, vặn núm nghe rồi thì phải gõ trên đầu hai cái, tát nhẹ má phải một cái thì nó mới kêu.

Lâu nay cái rađiô hỏng hóc rơi rụng lỏng lẻo thế nào mà bố tôi gõ đầu bạt tai hết bên phải sang cả bên trái, đánh đập mỏi tay mà tên nô lệ ấy cứ câm tịt chẳng hát hò nói năng gì cả. Mà đến cả năm rồi không thấy ông Tường đến chơi để chỉnh sửa như mọi khi rađiô bị trục trặc.Bố tôi cho chiếc rađiô Trung Quốc vào túi và đến nhà ông Tường. Nghe nói ông đã thoát nạn bị đòi nợ, bị truy đuổi nhưng trắng tay sạch bách không còn cả cái mái nhà che đầu.

Ông Tường về cái sân nhà thờ của ông nội gác một cây tre từ đầu một chái hiên nhà thờ sang một gốc cây hồng xiêm lâu năm, trùm một tấm bạt xe tải lên thân cây tre, rồi kéo căng dây bốn đầu bạt, đóng xuống đất làm một túp lều như túp lều của trẻ con đi cắm trại để trú ngụ.

Từ nhà ông Tường về, bố tôi kể: “Cái ông Tường Đông-ki-sốt ấy gàn bát sách. Trông cái túp lều của ông ấy chềnh ềnh trên sân nhà thờ thật chướng mắt vậy mà ông trưởng với các bà em năn nỉ thế nào ông cũng không chịu về nhà họ ở. Ông ấy bảo cái giai đoạn này chỉ là tạm thời. Ông ấy lại sắp giầu rồi. Ông đã có hướng làm ăn mới. Ông lại sắp có tiền tỉ rồi. Ông ta phải ở riêng như thế thì mới tiện tận tâm cho nghiên cứu…”

Ông Tường lại ngồi vẽ, kẻ, hí hoáy thiết kế máy phân loại rác và lò thiêu hủy rác cho các bệnh viện. Cùng với nó ông cải tử hoàn sinh cho con SACHS, rồi cưỡi con SACHS, ông đi khắp nơi rao giảng cho Dự án tầm cỡ quốc gia của ông – việc làm có tầm tư tưởng lớn có tính chiến lược toàn cầu, phù hợp với xu thế của thế giới của thời đại – làm xanh sạch cho môi trường.

Mấy tháng trước, chúng tôi đọc báo thấy có vụ án về việc một bệnh viện tỉnh T. mua phải lò thiêu hủy rác rởm. Các quan chức ở bệnh viện và ở tỉnh, huyện đó đã lợi dụng việc mua lò thiêu hủy rác cũ đưa giá mua là lò mới để tham nhũng.

Không biết cái lò ấy có phải do ông Tường thiết kế và xây dựng không nhưng không thấy tên ông bị bêu lên trên báo.

***

Hôm nay ông Tường đến chơi nhà, chúng tôi xúm đến tò mò hỏi ông về vụ lò thiêu hủy rác ở tỉnh T.

Ông Tường cười rất ỏn ẻn: “Cái vụ đó họ đã ăn cắp bản quyền phát huy sáng kiến của tôi. Họ đã lừa tôi. Nhưng không sao. Sáng kiến thì lúc nào tôi cũng sẵn, chỉ sợ không đủ sức để thực hiện thôi. Chẳng hạn như gần đây tôi được biết sau năm 1975 đường ống cáp liên lạc thông tin có đường kính to tới cả mét nối từ khu quân sự của Mỹ ở cảng Cam Ranh sang Mỹ đã bị đứt và chìm dưới biển Nha Trang. Những đường cáp ấy đều được bọc vàng để bảo vệ đường dây thông tin khỏi bị sự ăn mòn của nước biển mặn, chỉ cần ta mò được những đoạn cáp bị bỏ hoang đó lên là sẽ giàu to – mắt ông Tường sáng rực lên đầy hứng khởi, mặt ông rạng rỡ vẻ hoan lạc – hiện nay tôi đang thiết kế làm những bộ đồ lặn sao cho người lặn có thể ở thật lâu dưới đáy biển để làm việc…”

Ừ có thể có những đoạn cáp truyền dẫn thông tin được bọc vàng lắm chứ. Đồ lặn sâu dưới biển thì thế giới người ta đã làm ra rồi, chỉ có đắt thôi. Mà ông kỹ sư Tường của chúng tôi lại hoàn toàn có thể làm ra được những máy móc có giá cực rẻ chỉ cần ông cẩn thận hơn, chỉ cần có ai đó tài trợ cho ông những nguyên vật liệu còn tốt…

Chúng tôi há miệng nghe như nuốt những hoạch định cho Dự án chẳng biết có chút hoang đường không của ông và ngờ ngợ biết đâu  sắp đến ngày ông Tường lại trở thành người giầu nhất Hà Nội.

Học phí làm người

-Này! Nga ơi! Anh Trần chết rồi đấy! Cháu biết chưa? – Bà tạp vụ hối hả chạy ra tuyên bố một câu xanh rờn, quét ngang mặt Nga một tia  mắt sắc như dao, nhếch mép đầy ẩn ý rồi te tái chạy vào sân công ty.

– Cái gì cơ ạ? – Ngồi sau quầy bán hàng Nga sững sờ. Cuốn sách đang đọc dở trên tay cô tuột rơi xuống đất. Rồi như bừng tỉnh cô bật dậy hỏi với như quát theo – Bác bảo ai chết?

– Anh Trần chết! – Bà Phó phòng Kỹ thuật máy đủng đỉnh đi ra trả lời thay – Hàng xóm của anh ấy vừa đến báo cơ quan rằng sáng nay họ vớt được anh Trần từ dưới hồ nước gần nhà anh ấy lên. Bây giờ cơ quan phải cử người đi ngay đến nhà anh Trần.

Tin này như sét đánh ngang tai, khiến Nga chao đảo. Đôi chân cô bủn rủn. Cô bám vào mép bàn và ngồi phịch xuống ghế.

Nga không thể tin nổi điều mình vừa nghe là sự thật. Mới cách đây bốn ngày anh còn hẹn gặp cô vào ngày hôm sau. Nhưng hôm sau con cô sốt nên cô đã lỡ hẹn với anh Trần.

Sáng nay, Nga vừa bước vào phòng Hành chính, mọi người còn xúm lại trêu cô: “Hôm đầu tiên mày nghỉ, anh Trần đến cơ quan cứ chờ mày mãi!”, “Có lẽ anh Trần mê cái Nga vì hôm thứ ba tuần trước lúc đi đường tao bắt gặp anh ấy cứ đi theo nó mãi. Trông điệu bộ anh ấy bần thần lắm!”.

– Này! Anh Trần chết sáng nay! – Tiếp theo chân bà Phó phòng Kỹ thuật là bà kế toán viên chuyên buôn chuyện, kẻ hay thích thông tin chi tiết hơn bằng cách thêm thắt vào những gì bà tưởng tượng ra – Cô hàng xóm bảo: từ hồi mẹ anh Trần mất, anh Trần thường uống rượu say rồi ra ghế đá bên hồ ngồi nhìn xuống nước. Đêm qua mất điện, trăng mờ chắc anh ấy bị trượt chân rơi xuống hồ. Chắc chán đời, anh ấy không lên nữa… – Đoạn bà nhìn Nga chằm chằm, có vẻ như bà muốn khám phá cái gì trên mặt cô.

Rồi hình như mọi người trong công ty đang xếp hàng lần lượt thay nhau ra “Quầy giới thiệu sản phẩm” của công ty để báo cho Nga biết tin dữ.

– Này! Chú Trần chết rồi đấy!…

– Này! Cậu Trần chết rồi đấy! Có lẽ nào…

– Này!… Người ta nghi anh ấy tự…

Cái Công ty trách nhiệm hữu hạn chủ yếu buôn bán máy móc chuyên ngành in ấn, kiêm in thuê các loại: bao bì, tờ rơi quảng cáo, sách báo các loại… bé xíu này quanh quanh có vài bước chân với hơn hai chục mống nhân viên; vậy mà chỉ có bộ ba Ban giám đốc và một vài người đàn ông nữa là chưa theo chân họ đến dò xét những sắc thái tình cảm trên mặt Nga.

Hình như mọi người đang muốn ám chỉ: anh Trần mất không bình thường. Và thủ phạm nghi án không ai khác ngoài Nga!

Nga cảm thấy một cách rõ ràng rằng: mọi người tới gặp cô không chỉ một mục đích thông tin.

Cô như thấy đằng sau những hành vi, tiếng nói của họ là những câu rủa xả không ra lời: “Đồ ác độc! Vì mày mà anh Trần chết đấy!”. “Mày đừng tưởng mày hay lon ton đi giúp người là mày tốt nhé! Mày đã giết người đấy! Mày đã giết người…”. “Nhìn xem! Anh ấy vì nó mà chết. Vậy mà nó cứ trơ như sắt lạnh như đồng, không rỏ một giọt nước mắt. Đồ lòng lim dạ đá!”…

Nga biết, họ muốn thấy những giọt nước mắt đau đớn, ân hận trên mặt cô.

Nhưng mắt Nga cứ khô khốc. Người cô cứ ngây ra, đờ đẫn, bủn rủn. Các thớ thịt trên mặt cô trơ lỳ, bị căng cứng như đóng băng.

Chỉ có cô tự biết trái tim mình đang thắt lại quặn buốt; và những ý nghĩ đang gào thét trong óc cô sắc như gươm dao làm cô đau xé cả đầu:

Mình đã làm gì nhỉ? Mình đã gây lên nông nỗi gì thế này? Anh Trần và cả mẹ anh ấy nữa đã rất quý mình, đã hy vọng ở mình biết bao! Vậy mà khi mình muốn sửa cái tội đã quá vô tâm với hy vọng của mẹ anh ấy thì lại gây nên cái tội giết anh. Có phải mình đã giết anh ấy không?

Tại sao mọi tội lỗi lại đổ lên đầu mình cả thế này? Tại sao mình lại cứ hay thương vay khóc mướn rước việc vào thân; quá tận tụy đem thân đi gánh vác giải quyết những công việc của người khác để rồi lại nên nông nỗi này?

Tại sao mình không biết sống cho “đúng mực” như mọi người lại cứ hồn nhiên yêu ghét một cách phân minh?

Bây giờ thì ai cũng đúng cả! Ai cũng yêu quý và cư xử tốt với anh Trần cả. Chỉ có mình là xấu xa, ngu xuẩn, là độc ác mà thôi…

Trớ trêu thay, từ lúc nước mắt Nga giàn giụa, mũi cô đỏ ửng, môi cô sưng vêu lên thì trong công ty chẳng còn ai ra báo tin dữ, để lại đi báo ngược vào công ty rằng: “Con Nga đang khóc!”.

Từ lúc nào không biết Nga đã quên cả thương Trần. Cô đã quay ra giận mình, căm thù mình, nguyền rủa mình. Và cô không chỉ nguyền rủa mình một lần. Cô nguyền rủa tất cả những lần cô đã trót cởi lòng cởi dạ mình đi yêu thương, đi thù ghét, đi gánh vác không công những nỗi đau của thiên hạ, những nỗi cô đơn của thiên hạ.

***

Lần đầu chính là lần ở công ty này Nga đơn thương độc mã dưới cái mác nữ công của công ty đứng lên bảo vệ công ăn việc làm cho một cô bạn đồng nghiệp, khi cô ta bị mụ Trưởng phòng thâm hiểm trù úm muốn hất cổ khỏi công ty, để rồi Nga chuốc lấy nỗi thù ghét âm thầm của sếp cô ta, vì đã phá hỏng mưu đồ dọn chỗ cho con dâu trước khi về hưu của mụ.

Rồi khi ở lại làm việc phải chịu sự hành hạ ti tiện của mụ trưởng phòng hàng ngày hàng giờ chẳng khác tên tù khổ sai thì cô bạn lại đâm oán thán Nga vì Nga đã nhiệt tình bảo vệ cô ta. “Giá lúc ấy Nga đừng bảo vệ tớ, đừng nài tớ ở lại thì tớ đã có thể đến cơ quan khác. Giờ thì muộn mất rồi. Chỗ tớ quen, người ta đã nhận người khác”.

***

Lần thì Nga xông vào đời Thúy Đi. Thúy Đi là cô bạn gái già cùng học cấp hai ở quê với Nga từ xưa. Thực ra khi còn ở quê, Thuý Đi tên là Thị Đi. Con một ông bố trọng nam khinh nữ, nên con chị tên Vứt, con em tên Đi. Con gái thì chỉ có vứt đi không đáng đồng kẽm. Ra Hà Nội, Thị Đi đổi là Thúy Đi cho đỡ quê mùa. Khi tình cờ gặp lại Nga, Thúy Đi đã ba mươi tuổi. Đi hành nghề Trung cấp Thương nghiệp, chuyên mua bán rau dưa, hoa quả cho một cửa hàng của mậu dịch xưa kia.

Vào những năm 1990 đói khổ, suốt ngày Thuý Đi phơi mặt ở ngoài đường đi tìm mua nông sản. Nòi giống xuất thân miền gió Lào cát trắng lại thêm nắng gió đường trường năm này qua năm khác, đã khiến Thúy Đi ganh đua nhan sắc với con mực khô: mốc xỉn và gày quắt. Đã thế xương cốt Thúy Đi lại dài nghêu ngao, chân tay thẳng ngẵng như con gọng vó. Ế đã cầm chắc! Chỉ muốn cho mà chẳng thấy ai muốn nhận! Nơi trinh tiết hẳn sẽ ngàn đời bí hiểm!

Nhìn thấy Thúy Đi le te luýnh quýnh trước bất kỳ gã nào miễn là đàn ông, Nga lại liên tưởng đến con mèo cái tơ mới tới kỳ động đực ở nhà. Ả chuyên lăn lê ngay nơi ngưỡng cửa ra vào. Hễ có bóng người bước tới là ả tưởng ngay gã bạn tình đã đến. Ả liền bò rạp lết bụng xuống đất, đuôi vểnh lên, chìa chiếc phao câu ướt rượt lên trời rưng rưng chờ đợi. Miệng ả rỉ rên những tiếng kêu thê thiết.

Tội nghiệp Thúy Đi! Nga liền lục soát ngược xuôi mọi tầm quen biết, lôi ra được một anh bạn giáo viên cấp hai dạy sử, phong nhã, đẹp trai, nhà cửa đàng hoàng, nhưng cũng lại đang bơ vơ không nơi truyền giống vì bằng cấp thấp và đồng lương quá bèo.

Thúy Đi nghe chuyện mừng rỡ tâm sự: “Nghèo thì với Thúy Đi đâu thành vấn đề, Thúy Đi khổ mãi quen rồi! Cái Thúy Đi cần lúc này là hơi ấm của người đàn ông. Còn bằng cấp thì so sánh Trung cấp Thương nghiệp với giáo viên cấp Hai là quá đẹp!”.

Cưới xong, suốt một năm sau đó Thúy Đi như bay bổng trong hạnh phúc. Mọi người quen biết đều vui vẻ gọi Nga là “chị Thanh Tâm” hoặc “chị Vêra” ý nói bà mối mát tay, khiến Nga cứ ngây ngất như chính mình cũng đang hưởng tuần trăng mật.

Sự thỏa mãn làm cho người Thúy Đi nảy nở xinh tươi. Con gọng vó năm xưa bỗng trở nên tròn trịa cao ráo; đi đứng háng mông đung đưa khêu gợi.

Chẳng biết Thúy Đi đung đưa đùi háng thế nào mà tay Giám đốc Công ty Thương nghiệp mới, đã hai đời vợ năm sáu mặt con liếc mắt đưa tình ngay những phút đầu tiên gặp gỡ tiệc tùng hát Karaôkê cùng nhau. Lão mê Thúy Đi tít mắt.

Những tưởng “nghèo thì với Thúy Đi không thành vấn đề. Thúy Đi đã khổ mãi quen rồi!”. Ai ngờ Thúy Đi lại sẽ đến ngày không chịu quen rồi với cái khổ mãi.

Cuộc gặp gỡ với Giám đốc mới trong đêm hát Karaôkê đã lóe lên trong óc Thúy Đi khát vọng đổi đời. Thúy Đi liền kết hợp ngực mông có vẻ hoang dại khát tình rừng rực của ả mèo cái năm xưa với sự hồi hộp bí ẩn của một kẻ cắp ái tình, trơ tráo đánh gục lão già dê ngay tắp lự. Ngay trong đêm ấy Thúy Đi có tờ quyết định điều động do chính Giám đốc ký: nhấc Thúy Đi lên chức thủ quỹ trên Công ty. Ông ta còn tạo điều kiện cho Thúy Đi đi học tại chức trong giờ hành chính.

Chẳng mấy chốc Thúy Đi có bằng kế toán viên, rồi có bằng kế toán trưởng trong chớp mắt. Từ đó, Thúy Đi đêm ngày công khai kề cận bên sếp lớn, Thúy Đi tháp tùng sếp đi khắp nơi. Thúy Đi giàu lên như thổi. Là “bà” kế toán trưởng của Công ty với khát vọng nay mai sẽ thay chức Phó giám đốc tài chính của một ông mắc bệnh tim độ bốn, Thúy Đi đã hóa ra đỉnh cao rồi. Còn anh chàng bảnh trai nhút nhát giáo viên dạy sử lớp sáu đã hóa thành vực sâu.

Thúy Đi tìm đến Nga tuyên bố: “Mình rất cám ơn những gì Nga đã làm cho mình trước đây. Nhưng đời mình không thể gắn bó mãi với kẻ hãm tài, suốt ngày chỉ biết bán cháo phổi lấy dăm đồng lương chết đói, chẳng dám mơ “chơi sang” mua thêm lấy một lọ nước lau nhà hay lọ cọ rửa toa lét…” Thúy Đi vội vã ly dị nhanh chóng như kẻ trộm đang chạy trốn. Cả nhà trai quay ra lên án Nga làm dang dở đời người con trai nhà họ.

Leo lên chức kế toán trưởng quá nhanh, lại cậy có ô dù che đỡ, Thúy Đi mờ mắt vì oai quyền to lớn, ra sức lộng hành trên đầu nhân viên cũ của Công ty Thương nghiệp. Các nhân viên ở đó lòng tràn oán hận quyết tâm vạch lá bắt sâu. Cuối cùng họ đã moi ra được một bí mật: Thúy Đi chưa tốt nghiệp phổ thông. Cô ta dùng bằng giả đi học Trung cấp Thương nghiệp.

Ông Giám đốc cho Thúy Đi đi học kế toán trong giờ hành chính để tiện hợp pháp hóa thời gian với mọi người ở cơ quan và gia đình chứ đâu có đi học. Họ trốn đi thuê nhà nghỉ. Thúy Đi học ít chơi nhiều, đương nhiên là trượt vỏ chuối. Ả lại giở chiêu cũ bắt tình nhân mua bằng rởm về trình cơ quan.

Ông Giám đốc đàng hoàng nhấc Thúy Đi lên chức kế toán viên. Được đằng chân lân đằng đầu, Thúy Đi lại đòi người tình cho đi học lớp kế toán trưởng. Cứ bài ấy trình diễn, ông Giám đốc già xấu máu trượt dài trong vũng bùn Thúy Đi rải ra.

Nhưng vụ xì căng đan này mới chỉ là phần ngòi nổ, cảnh sát kinh tế đã lần ra quả mìn tham ô tàn bạo: biến hóa đất đai của công ty thành của tư nhân bán lấy tiền để hai kẻ ăn chơi trác táng.

Hậu quả là ông Giám đốc được nể quá khứ huy hoàng có công với nước, cho hạ cánh an toàn bằng cách về hưu sớm hai năm. Còn bao nhiêu tội lỗi Thúy Đi được gánh cả vì ả có lịch sử thâm niên chơi của giả. Cả Công ty vỗ tay khen “Giời có mắt”. Ngồi buồn rỗi việc trong lúc vụ kiện đã đến hồi kết chỉ còn đợi đi tù, Thúy Đi đến tâm sự với Nga: “… Giá hồi đó chồng mình đàn ông hơn, đáp ứng được đòi hỏi của mình thì mình đâu có ngả vào tay lão già P, thì đâu lại phải rơi xuống đáy vực như thế này. Tại Nga đã làm mối cho mình một lão lẻo khoẻo, cứ vừa trèo lên mình vừa run, lại còn mắc bệnh nghề nghiệp năm phút lại hỏi “Em có ý kiến gì không? Tại Nga! Tại Nga tất mà cuộc đời của mình nên nông nỗi này!…”

Thế mới hiểu tại sao từ ngàn xưa các cụ đã răn dạy “làm mai” là một trong bốn đại ngu: “làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”. Mà cái ngu này lại còn được xếp lên hàng đầu. Lúc hay, lúc được việc cho người khác thì tài đức, giỏi giang, phúc lộc là ở người đang hưởng. Lúc xấu xa, bất lương, thất đức là tội ở kẻ “làm hộ, lãnh hộ, gác hộ, cầm hộ”. Đáng đời! Đã ngu lại ráng mà chịu. Nhớ rút kinh nghiệm lần sau.

Nhưng đường đời muôn nẻo ngàn lối, tránh vỏ dưa lại gặp vỏ chuối. Có giống nhau đâu mà áp dụng bài học lịch sử. Người ta đôi khi ngu một giây đã tiêu đời, vậy mà mới ba chục tuổi đầu, Nga thấy mình đã nhiều lần ngu dại.

Cũng nhiều lần tự ngồi rút kinh nghiệm vậy mà chẳng bớt ngu. Mỗi lần mỗi khác chẳng cái ngu nào giống cái ngu nào.

Lần tiếp đến chính là Nga phải gánh lấy hậu quả: phải ra làm việc ở cái nơi cô đang ngồi đây. Cái nơi tiếng là “Quầy giới thiệu sản phẩm mới” thực tế chỉ là một cái bàn bày dăm tờ bướm in lòe loẹt, vài quyển sách báo, tạp chí, các loại catalogue quảng cáo máy móc mới của công ty; và trên đầu có một cái ô che nắng mưa dựng ngay trên vỉa hè sát cửa ra vào của Công ty. Một thứ công việc hầu như bị cô lập hoàn toàn với mọi người trong Công ty. Ngồi ngẫm lại tất cả mọi sự việc từ xưa đến nay, Nga hiểu ra từ đâu nên nỗi này.

Hồi đó Nga làm ở bộ phận Can bản thiết kế, chẳng dính dáng gì đến bộ phận Tiếp thị khách hàng của Ngô Tiếp. Nhưng một hôm bỗng nhiên Nga được bà Ngô Tiếp năn nỉ mời sang quán cà phê trước cửa “Có việc muốn trăm sự nhờ cháu”. Nga không hiểu một nhân viên quèn như mình sao lại được bà Ngô Tiếp – một trưởng phòng – trọng thị đến như vậy. Nhưng bản tính nhẹ dạ hễ thấy ai gặp khó khăn là không sao cầm lòng nổi; cứ như kẻ bị mộng du, Nga đi theo bà Ngô Tiếp sang quán cà phê bên đường.

Sau khi cung kính mời nước một đứa trẻ chỉ đáng tuổi con cháu mình, làm nó cảm động đến rớt nước mắt, bà Ngô Tiếp mới bùi ngùi, sụt sùi kể: “Thằng con trai đầu của cô dại dột a dua theo một đám bạn đi ăn cắp xe máy của người ta. Chuyện vỡ lở, nó và đồng bọn đều bị bắt hôm kia. Cô đã nghĩ nát óc mới nhớ ra cháu là con một bà rất nổi tiếng làm ở đoàn chèo. Bà quen biết rất nhiều vị quan chức cao cấp có liên quan đến việc xét xử. Vậy cô nhờ cậy cháu về nói giúp với mẹ cho cô được van xin bà giúp thằng nhỏ nhà cô. Em nó chỉ dại dột đi theo đám bạn xấu thôi, chứ nó có hư hỏng gì đâu. Cháu không chịu giúp em nó thì đời em nó rơi xuống đáy vực, tan nát luôn từ hôm nay. Cô cũng coi như nó đã bị chết dưới tay cháu ngày hôm nay…”

Đấy! Làm sao thấy người sắp chết, mà lại chết oan ức, chết dưới tay mình mà không cứu chứ.

Nga le te về năn nỉ mẹ cứu giúp con bà đồng nghiệp ở Công ty mình.

Sau đó là những ngày tháng hối hả Nga phải đèo mẹ cùng bà Ngô Tiếp đi đêm về hôm đến gõ cửa các nhà người quen từ thuở còn trong chiến trường Trường Sơn của mẹ.

Hóa ra em nó cũng chẳng trong trắng là mấy. Nó đã có tiền án tham gia vào một vụ hiếp dâm tập thể, nhưng mới bị án treo, vì hồi đó nó mới ở tuổi vị thành niên.

Nể, thương bà nghệ sĩ chèo, các ông, các bà bạn của mẹ Nga chia nhau mò mẫm moi ra một vị luật sư có tài múa mép gian hùng, đổi trắng thay đen biện hộ cho con của Ngô Tiếp.

Thằng nhỏ lại được kêu án treo mười hai tháng, chỉ phải quản thúc ở địa phương. Mức án nhẹ nhất trong phiên tòa ngày hôm đó. Lúc ấy Ngô Tiếp đã vui mừng khôn xiết, cám ơn đứt lưỡi chỉ còn thiếu quỳ sụp dưới chân mẹ con Nga ngay tại phòng xử.

Nhưng chưa đầy năm sau, Nga đã phải cay đắng, ngậm ngùi vì cứu phải rắn độc. Ngô Tiếp được đề bạt lên chức Phó giám đốc phụ trách chuyên môn của Công ty.

Lấy lý do sắp xếp lại cơ cấu nhân sự cho phù hợp với khả năng của từng cán bộ, công nhân viên để thúc đẩy Công ty phát triển, cứu vãn thua lỗ hàng ngày, Ngô Tiếp đã bày ra “Quầy giới thiệu sản phẩm” và đẩy Nga ra đó với một lý do thật hoa mỹ: “Cô Nga là người rất tháo vát, sắc sảo, có năng lực, có tâm huyết với nghề. Chúng ta cần phải tạo điều kiện để cô Nga phát triển. Chúng ta cũng cần những thanh niên như vậy đi đầu mở cửa đột phá cho Công ty tiến lên. Cô Nga sẽ là nguồn sáng, nguồn vững vàng, cán bộ cốt cán nay mai của Công ty…”

Thế là cả Công ty vỗ tay hoan hô rào rào. Nào ai biết Ngô Tiếp làm vậy để đẩy cô khuất mắt bà. Cứ hàng ngày phải chường mặt ra trước “đấng ơn huệ” to lù lù đã che đậy sự xấu xa đồi bại của con mình thật chẳng thú vị gì.

Ngồi đơn độc một mình ngoài đường, bị ly gián với bạn bè, đồng nghiệp cho đỡ có cơ hội rò rỉ thông tin, Nga mới tỉnh ra nhiều điều về nhân tình thế thái, về câu “Cứu vật, vật đền ân. Cứu nhân, nhân đền oán”.

Ai bảo ngu nữa thì lại gắng mà chịu. Thôi thì “Đành lòng vậy! Cầm lòng vậy!”. Hát câu Quan họ cho tiêu hận. Đền đài, chùa miếu gì thì cũng không bằng lòng thành ngày giờ trình Giời khấn Phật mọi lời ân oán, đợi Giời ra tay, đợi Phật mở mắt mà thôi!

***

Đến việc của anh Trần, Nga lại “dở hơi” theo kiểu khác.

Thuở mới tốt nghiệp Trung cấp kỹ thuật của cục Đồ bản, Nga được nhận vào công ty là do bạn của mẹ Nga đứng ra giới thiệu. Lúc đầu, nga được phân vào làm ở bộ phận Can bản thiết kế. Vì còn trẻ nên cô kiêm thêm chân lon ton sai vặt.

Hễ chuẩn bị họp hành hoặc liên hoan là Giám đốc lại sai Nga đến nhà anh Trần để thông báo ngày giờ tập trung. Vì có khi cả tuần, có lần cả tháng chẳng thấy anh Trần lai vãng đến Công ty. Mỗi lần như vậy, Nga lại có dịp đi bát phố trong giờ hành chính.

Đường tới nhà anh Trần khá xa. Cô cứ đủng đỉnh đạp chiếc xe mini Nhật con con lượn qua các phố ngoằn ngoèo để lên tới lăng Bác rồi xuyên suốt đường Hoàng Hoa Thám rợp mát âm u dưới bóng cây đại thụ lên đến gần Bưởi, vào làng Vĩnh Phúc rộng lớn.

Dáng hình bé nhỏ trắng trẻo, hai bím tóc buộc ngoe nguẩy hai bên và chiếc mũ nan trên đầu, Nga giống một cô bé học sinh phổ thông trốn học đi chơi hơn một cán bộ công ty đi công cán.

Chẳng bao giờ Nga gặp được anh Trần ở nhà. Bao lần như một đón tiếp Nga một mực ân cần trân trọng là mẹ anh. Bà khoảng gần bảy mươi tuổi, bé nhỏ và hiền hậu.

Bà dẫn Nga đi thăm vườn táo sum suê, hồng xiêm chín mọng. Hai bác cháu cùng tíu tít hái những trái táo chín vàng thơm phức bỏ đầy vào mũ nan của Nga.

Khi vào nhà ngồi nói chuyện uống nước, bà vừa nhai trầu vừa âu yếm nhìn Nga ăn táo, rồi kể lể nỗi lo lắng của bà về anh Trần – người con trai duy nhất của mình.

Tình bà mẹ âu yếm, xót xa bồn chồn như thể anh Trần mới mười hai, mười ba tuổi chứ không phải đã bốn mấy. “Hồi bé nó học giỏi lắm, rất chăm làm giúp đỡ mẹ vì bố nó đi công tác xa. Nó thương mẹ còn có em gái nhỏ mới sinh nên cứ gắng sức như một người đàn ông thực thụ trong nhà. Đến tận lúc học đại học, nó vẫn còn trốn về cuốc vườn ươm cây, xây bếp sửa hàng rào cho mẹ. Chỉ từ khi từ chiến trường về, nó luôn bị ốm đau, bệnh tật nên mới sinh ra trễ nải như vậy. Cháu xem táo trĩu cành, hồng xiêm mọng trái thế mà nó cứ đi đâu suốt. Bác chỉ mong nó đưa cô nào về để bác có cháu bế cho đỡ hưu quạnh. Vậy mà mỗi lần bác giục là nó lại nổi quạu lên rồi bỏ nhà đi cả tháng. Cháu xem có thể nói với nó đôi lời giúp bác được không?…”. Nga vâng dạ một hồi rồi từ biệt bà ra về.

Chẳng lần nào sau đó anh Trần có mặt ở các cuộc họp theo lệnh triệu tập của Công ty. Ai mà nhắc tới anh lúc đó là Giám đốc lại vừa gật vừa lắc: “Ờ, à! Chắc là cậu ấy sắp tới bây giờ đấy!” Nhưng rồi hầu như cuối giờ họp nào cũng chẳng thấy anh đâu.

Hóa ra Giám đốc cho thông báo cẩn thận như thế chỉ là để đánh tiếng nhẹ với mẹ anh rằng Công ty vẫn coi anh là cán bộ, bà đừng lo lắng. Chứ có mỗi một lần anh Trần đến đúng trước cuộc họp thì lại say rượu. Anh vừa đi nhậu nhẹt tuý lúy ở đâu đó gần Công ty. Xỉn quá, may tiện gần cơ quan anh tạt vào nghỉ tạm.

Anh vào phòng làm việc của mình kê ba chiếc ghê ra giữa phòng ngả lưng ngủ luôn. Lần lượt Trưởng phòng, rồi Thư ký công đoàn, Phó giám đốc sang gọi khẽ anh ra họp. Nhưng anh chỉ trở mình làu bàu rồi lại ngủ tiếp. Giám đốc thấy vậy liền bảo mọi người: “Chắc cậu ấy đang mệt quá. Thôi cứ khép cửa lại cho Trần nó ngủ kẻo ồn”.

Cũng có người phàn nàn về tính vô tổ chức của anh Trần. Song Giám đốc liền nghiêm khắc nhắc nhở anh ta: “Đối với Công ty này thì kỷ luật tối thượng là hiệu suất công việc!” Người kia liền cụp mắt lỉnh mất. Vì nói về hiệu quả công việc thì anh ta còn quá kém, còn anh Trần tài nhất công ty.

Năm thì mười họa anh mới về Công ty để lĩnh lương, nhưng kèm theo đó anh lại mang về Công ty những hợp đồng béo bở.

Nhưng rồi cách đây ba năm anh Trần rất ốm, các kẽ ngón tay của anh bị lở ra rất đau đớn. Có hôm bạn bè thả anh xuống cổng Công ty, anh vừa đi vừa run mãi mới vào được đến phòng làm việc. Lại có tin đồn rằng: anh Trần có đủ triệu chứng bị nhiễm cả hai loại chất độc Invêrít và Lơvêrít. Một loại hủy hoại thần kinh trung ương làm chân tay run rẩy. Một loại làm lở loét da thịt. Cả hai loại đều không có thuốc nào chữa khỏi. Điều này Nga cho rằng có kẻ ghen ghét anh đã bịa đặt.

Sau khi mẹ mất đột ngột thì anh Trần như quỵ hẳn. Quãng thời gian đó cũng chính là thời Nga bị đẩy khỏi phòng Can in thiết kế ra ngồi vớ vẩn ở vỉa hè. Cô không còn được ngao du đến nhà anh Trần nữa. Rồi cô vớ được một anh chồng một cách rất đắc ý. Rồi chửa đẻ. Rồi con mọn, Nga chẳng còn thời gian đâu mà quan tâm đến anh Trần nữa.

Anh Trần gần như biến mất sau khi ốm nặng vừa khỏi. Có khi hai tháng cả Công ty chẳng ai biết anh đang ở đâu. Mẹ anh đã mất, em gái anh lấy chồng ở tỉnh xa, giờ đây chẳng còn ai để Công ty cho người đến nhắn tin cho anh về các cuộc họp hành.

Rồi có tin anh Trần tự sát bằng thuốc ngủ nhưng không thành. Rồi lại có người bác bỏ tin xấu, khẳng định rằng: anh Trần đang làm một chuyến xuyên Việt, trở lại tất cả các nơi anh đã từng đi qua, đã từng tham gia chiến đấu. Và hiện tại anh đang thăm chiến trường xưa, nơi anh từng chiến đấu cùng nhân dân địa phương rất lâu dài, có nhiều kỷ niệm nhất đời anh. Nơi ấy đã được anh đưa vào trang lịch sử văn học giai đoạn hào hùng của dân tộc bằng một bản trường ca rất nổi tiếng Trường ca ở làng Minh Phúc. Một trường tiểu học ở đó đã được mang tên anh.

Sau ba tháng biền biệt khỏi Công ty, anh Trần đột ngột trở về. Anh đến bên “Quầy giới thiệu sản phẩm” dáng vui vẻ, ân cần. Trông anh có vẻ khỏe khoắn hơn một chút; nhưng quần áo vẫn lụng thụng, râu ria tua tủa. Anh cầm hết sản phẩm này đến sản phẩm khác bày trên bàn lên xem xét rồi lắc đầu thả xuống chỗ cũ.

– Đa số là những thứ vớ vẩn! Tôi thấy nhục khi phải cho ra đời những sản phẩm thiếu tính trí tuệ như vậy. Tại sao họ không chịu hiểu sản phẩm của họ chính là bộ mặt tinh thần, là thước đo giá trị tri thức văn hóa của chính họ nhỉ. Đã làm thì phải làm cho ra hồn, không thì đừng làm nữa. Chứ đừng có gian dối, bôi bác, coi thường khách hàng. Tôi coi việc làm ẩu, làm dối là một hành vi sỉ nhục xã hội.

– Vâng! Em cũng nghĩ như anh vậy. Ngồi đây, em phải nghe quá nhiều lời chê bai, dè bỉu sản phẩm của Công ty mình. Chỉ tiếc rằng em chẳng có gì khác để bày lên, đem ra giới thiệu cho họ. Đến nỗi em nghĩ rằng mình làm còn tốt hơn những thứ đang bày kia. Em cho rằng em đã nghĩ ra một cái rồi. – Nga hào hứng khoe.

– Thế à? – Anh Trần tò mò háo hức nhìn Nga – Cô cũng có ý định sáng tạo sản phẩm mới à? Xong chưa, đưa tôi xem nào?

– Cũng sắp xong rồi, chắc chỉ khoảng một tuần nữa thôi – Nga bỗng ngần ngại – Nhưng em cũng không biết có đạt được như ý mình không.

– Sống thì phải có niềm tin chứ – Anh Trần xua tay một cách cương quyết. – Ai cũng biết: sống thật là khó. Nhưng hễ có niềm tin thì ai cũng sống được hết. Ngẫm lại đời mình từng này tuổi tôi đã rút ra được điều này: nếu số phận chỉ cho ta một quả chanh, thì hãy lấy tấm lòng thành của ta mà làm đường, gắng pha cho đời một cốc nước chanh tuyệt diệu. Có vậy khi kết thúc cuộc đời ta mới không thấy đời mình vô vị, nhẹ hều như khói tản mây trôi. Cô hãy tin: đối với tôi, được sống thêm một ngày trên mặt đất này cũng đã là một niềm hạnh phúc. Hãy gắng mà sống cho hết mình Nga ạ. Tôi tin rằng cô sẽ làm được việc… – Anh Trần bỗng ngập ngừng giây lát rồi nói tiếp – À… mà mẹ tôi cũng rất tin tưởng ở cô đấy!

– Mẹ anh á? – Nga ngỡ ngàng không hiểu anh Trần đang nói gì – Sao mẹ anh lại tin tưởng ở em? Mà tin tưởng điều gì ạ?

– Mẹ tôi bảo cô là một cô gái tốt. Cô có tâm hồn trong sáng, mộc mạc. Cô rất hồn nhiên và giản dị, có trách nhiệm với mọi người. Cụ rất quý mến cô. Thấy cô đến nhà mấy lần, cụ đã hy vọng vào cô nhiều lắm, cụ nghĩ rằng cô đến với tôi. Trước lúc mất, cụ còn luyến tiếc rằng tôi đã không tin nghe theo lời cụ.

Nga sững sờ. Cô thấy tim mình nhói buốt một cảm giác đau đớn, ân hận. Bà cụ hiền hậu ấy đã yêu mến, tin cậy vào cô biết bao, vậy mà cô thật vô tâm trước tình cảm chân thành của bà. Cô đã quên bẵng chẳng nhớ một chút gì tới bà cho đến tận giờ phút này. Cô bỗng cảm thấy mình đã mắc tội với bà, không đáng được nhận lòng tốt của bà.

– Vâng mẹ anh thật hiền. Em cũng quý bác lắm. Mỗi lần em đến nhà là hai bác cháu lại ngồi nói chuyện với nhau mãi. Cụ rất thương và lo lắng cho anh… Ờ mà, – Nga bỗng rụt rè – sao anh không lấy vợ đi để người ta săn sóc cho anh? Em thấy sức khỏe của anh kém lắm. Mà đàn ông về già sống một mình khổ lắm đấy. Có người vợ hàng ngày họ cơm nước cho thì anh ăn uống mới điều độ, sức khỏe mới tốt lên được.

– Cô buồn cười nhỉ? Sao mà cô giống bà cụ nhà tôi thế! Lúc nào cũng chỉ mong tôi đi lấy vợ để được người ta chăm sóc. Sao không nghĩ rằng ai là người điên mới muốn rước tôi về hầu hạ cho nó mệt thân?

– Sao anh thiếu niềm tin thế? Anh vừa khuyên em sống phải có niềm tin cơ mà!

– Nhưng mà cô bảo tôi lấy ai bây giờ? Tôi chẳng thấy cô nào có thể lấy tôi được. Lấy tôi, họ vẫn phải tự lo lấy đời họ, sức khỏe của tôi rất kém tôi chẳng giúp gì được cho họ đâu. Mà đàn bà lấy chồng là để được nương tựa, che chở.

Nga ngớ ra trước lý lẽ của anh. Đúng vậy lấy một người như anh thì người đàn bà chắc phải thông cảm với anh nhiều lắm, lại phải vất vả có công ăn việc làm đàng hoàng để tự mình sống được.

– À em nhớ ra một người rồi! – Nga reo lên – Hàng xóm nhà em có một chị là thanh niên xung phong ngày xưa. Chưa hề cùng ai. Hiện nay chị ấy làm nhân viên đánh máy chữ ở một nhà xuất bản. Chị ấy vẫn than thở mãi là chẳng có ai. Để em giới thiệu cho. Chị ấy có công ăn việc làm đàng hoàng, có sức khỏe tốt lại đã từng đi chiến trường xưa kia. Như vậy chắc sẽ dễ thông cảm với hoàn cảnh của anh.

– Thôi được. Tôi cũng nghe lời cô một lần xem sao! – Anh Trần cười nhún vai ra điều dễ dãi.

Bắt đầu từ hôm ấy, như một cô em gái chân thành và thương xót hết mình ông anh ruột, Nga đòi anh Trần phải cạo râu, cắt tóc, tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng.

Anh Trần nghe theo lời Nga răm rắp. Mỗi ngày trông anh Trần một sáng sủa trẻ trung ra.

Anh Trần đến Công ty thường xuyên hơn. Đúng hơn là anh đến “Quầy giới thiệu sản phẩm mới” ngồi chuyện gẫu với Nga hàng ngày. Chuyện về cuộc đời với mọi nỗi hỉ, nộ, bi ai, về lẽ sống ở đời và về sáng kiến mà Nga đã ấp ủ trong lòng. Nga đã nhìn thấy ánh mắt khác lạ của đám phụ nữ trong Công ty nhìn cô và anh Trần ngồi nói chuyện với nhau. Nhưng nghĩ mình hoàn toàn trong sáng, Nga thây kệ họ. Chỉ tiếc rằng mưu cầu một cuộc sống đỡ cô đơn vất vả hơn cho anh Trần của cô đã không thành. Chị hàng xóm lẻ bóng, lỡ thì ra sức nhờ vả cô giúp đỡ tìm cho một tấm chồng, đã không lẻ bóng thật sự như lời chị ta quả quyết với Nga.

Chính vào buổi tối mà Nga và anh Trần bước vào nhà chị ta theo lời hẹn thì bỗng nhiên như mọc ra một gã trung niên mặt choắt như mỏ chim. Gã đang ngồi xoãi cẳng trước một đĩa cam ăn đã gần hết giữa chiếc giường rải nệm không được phẳng phiu cho lắm của chị.

Trông gã vô cùng thỏa mãn. Không hiểu trước đó chị ta nói gì với ông bạn già kia của mình về người khách sắp tới mà ông ta như thể một thủ môn già đang cố sống cố chết bảo vệ vị trí danh dự của mình là chiếc khung thành, cứ ngồi lì trên giường dứt khoát không ra bàn ngồi uống nước cùng Nga và anh Trần.

Anh Trần đưa ánh mắt trách móc Nga. Nga điên tiết quắc mắt nhìn chị hàng xóm.

Dưới cái nhìn chằm chằm của người tình già, chị ta đang nhũn ra như con chuột dưới cái nhìn thôi miên của con rắn. Nga chỉ muốn bạt cho cái mặt gian dối kia một cái tát thẳng cánh.

Chuyện của chủ với khách nhạt nhẽo vô duyên như cơm nguội chan nước lã. Chưa đầy năm phút, Nga và anh Trần đã cáo lui.

Ra đến cổng, vừa khuất bóng chủ nhà, anh Trần liền trút một hơi thở dài như hất đá ra khỏi ngực. “Cô đùa tôi đấy à?” Nga xị mặt, bối rối: “Em đâu dám đùa. Em không ngờ chị ta lại lừa dối em… Chính chị ta nhờ vả em hết lời… Em đâu dám đùa giỡn một chuyện hệ trọng đến thế…”

Tưởng rằng anh Trần sẽ giận Nga vô cùng, sẽ không thèm nhìn mặt Nga nữa. Nhưng hôm sau anh lại đến “Quầy giới thiệu sản phẩm mới” của Nga.

– Em thật có lỗi! – Nga lại ấp úng – Em đã cả tin quá…

– Thôi đi! – Anh Trần nhăn mặt xua tay – Cho qua đi! Lúc đầu tôi cũng nghĩ cô bày chuyện đùa tôi. Sau tôi mới thấy đó là trò đùa của số phận. Cô chỉ muốn làm điều tốt. Làm không được là do ông Trời muốn vậy. Đừng băn khoăn nữa làm gì cho chóng già.

Hôm ấy, anh Trần còn ngồi nói chuyện với Nga đến hết giờ làm việc. Cô còn hẹn anh hôm sau cô sẽ mang bản sáng kiến của mình đến cho anh xem. “Nếu cô thể hiện được ý tưởng của mình lên mặt giấy như cô đã diễn tả nó bấy lâu nay cho tôi nghe thì tôi sẽ có cách biến nó thành sự thực để mọi người phải công nhận nó…”. Anh Trần khẳng định với Nga như vậy. Và hôm sau anh đã đến Công ty để chờ cô.

Giờ đây nhớ lại anh đã vì cô mà cạo râu, vì cô mà cắt tóc, vì cô mà sang sửa lại trang phục; cô chỉ muốn òa khóc thật to vì ân hận.

Cô đã xây lên trong anh một niềm tin để rồi thản nhiên buông thả cho nó đổ vỡ hoàn toàn. Cô cũng như ai đó như một chiếc đồng hồ cát cũng chỉ trôi tuột đi chẳng  giữ lại gì.

Về một mặt nào đó có thể nói sự tin tưởng tuyệt đối của anh đối với cô không khác sự nồng nhiệt chân tình thái quá của cô đối với những kẻ cô đã tận tuỵ giúp đỡ; và sự thất hứa của cô làm tan nát niềm tin của anh cũng chẳng khác cái giá cay đắng mà cô đã phải hứng chịu vì đã không biết sống cho “đúng mực”.

Chắc việc làm mối bị đổ vỡ, cùng sự thất hứa thản nhiên của cô đối với một công việc mà anh đã tưởng rằng cô cũng vô cùng tâm huyết coi trọng thiêng liêng như anh, đã là giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước bất hạnh của đời anh.

Và đúng cô là tên sát thủ cuối cùng hạ nhát dao chí tử xuống đời anh, khiến “chán đời, anh ấy không lên nữa…” giống như bà kế toán viên đã tưởng tượng ra.

Nếu Nga cứ sống lặng lẽ như mọi người thì hẳn cô bạn đồng nghiệp của Nga sẽ bị sa thải khỏi Công ty, mà mụ Trưởng phòng  hẳn sẽ vô cùng đắc ý vì dã tâm đã được thực hiện. Nếu Nga đừng xúc động trước nỗi đau đớn vì tương lai cô quả của Thúy Đi, đừng tận tâm giúp cô ta lấy chồng thì cô ta vẫn nghều ngoào như con gọng vó, mốc xỉn như con mực khô quằn quại trong vũng lầy cô quạnh của đời mình mà chẳng thể trách móc được Nga.

Nếu Nga đừng mềm lòng trước số phận một đứa trẻ mới lớn sẽ tan nát trong ngục tù thì con rắc độc Ngô Tiếp còn đang chìm đắm trong nỗi ô nhục vì vụ án ghê tởm của con mình.

Nếu Nga đừng ân hận vì đã sống vô tâm trước ý nghĩ tốt đẹp của mẹ anh Trần về cô; nếu Nga đừng muốn anh Trần đỡ khổ để rồi tìm cách giúp anh thì đâu có bi kịch ngày hôm nay.

Nga ngồi chết lặng trong mớ suy nghĩ hỗn loạn của mình. Nước mắt cô cứ lặng lẽ tuôn tràn, trong khi đầu óc cô mỗi lúc một hoang mang hơn. Không biết từ nay cô nên sống như thế nào, cho đúng mà không phải bất hòa với chính lương tâm của mình.

Ôi, sống sao mà khó!

Nguyễn Thị Anh Thư (nguồn: Tạp chí NV&TP)