Đoàn hộ nhẫn (The Fellowship Of The Ring), tập đầu tiên trong bộ truyện ba tập Chúa tể những chiếc nhẫn (The Lord Of The Rings), vừa hội ngộ bạn đọc Việt Nam, 10 năm sau khi bộ ba phim điện ảnh do Mỹ sản xuất gây tiếng vang toàn thế giới.

1. Bộ ba phim Chúa nhẫn ra rạp trong các năm 2001 đến 2003 nhưng chỉ được chiếu ở Việt Nam vài năm sau đó. Trong nhiều năm, một số dịch giả và công ty sách trong nước đã nhen nhóm ý tưởng dịch bộ truyện gốc của nhà văn Anh J.R.R. Tolkien ra tiếng Việt.

Cuối cùng, Nhã Nam là công ty mua được bản quyền từ NXB HarperCollins. Mất thêm vài năm để bản dịch ra mắt độc giả vào đầu năm 2013, đứng tên các dịch giả chính Nguyễn Thị Thu Yến, Đặng Trần Việt và dịch giả An Lý trong vai trò dịch thơ kiêm biên tập.



Tối 25/1, hai buổi ra mắt sách đồng thời được tổ chức tại cửa hàng sách Nhã Nam ở Hà Nội và TP.HCM. Độc giả của Chúa nhẫn hầu hết là các bạn trẻ đã biết tiếng và hâm mộ bộ truyện hoặc serie phim.

2. Ba phần phim The Lord Of The Rings cách đây hơn 10 năm đạt thành công lớn về danh tiếng và doanh thu, đặc biệt là phần ba Sự trở về của nhà vua (The Return Of The King) thu về hơn 1 tỷ USD vào thời điểm đó và đoạt 11 giải Oscar.

Đến lúc này, cơn sốt Chúa nhẫn trên thế giới đã qua. Nếu đã quen với serie phim do Mỹ sản xuất, độc giả sẽ thấy lạ mắt và lạ tai khi đọc những cái tên người nhưFrodo Bao Gai(tên gốc Frodo Baggin) hay địa danh Trung Địa (Middle Earth), Quận (Shire)… Cách dịch này gây ra tranh cãi trên Facebook, có nhiều người không đồng tình. Có độc giả trong buổi ra mắt ở Hà Nội đã hỏi các dịch giả vì sao không… trưng cầu ý kiến độc giả bằng cách lập bảng bầu chọn.

Đáp lại, hai dịch giả Thu Yến và An Lý đều khẳng định: Trong tác phẩm, tác giả Tolkien đã kỳ công tạo ra một thế giới với hệ thống địa danh, tên nhân vật đều liên quan đến nhau, và khi dịch ra tiếng Việt thì độc giả mới thấy được mối liên quan đó, còn nếu để nguyên tiếng Anh thì sẽ không chuyển tải được. Quan trọng hơn, các dịch giả cần có chính kiến của mình khi dịch, không thể “đẽo cày giữa đường”.

“Chúng tôi không nghĩ việc dịch hay không lại gây tranh cãi, vấn đề nằm ở chỗ làm sao để dịch cho hay mà thôi” – dịch giả An Lý nói.

Nguồn: TT&VH

Exit mobile version