Cuốn sách thứ 16 của nhà văn Đỗ Bích Thúy đã xuất bản từ cuối tháng 11/2015, và đến ngày 13/1, buổi ra mắt sách mới diễn ra ấm cúng tại bar +84, 23 Ngô Văn Sở, Hà Nội. Đông đảo những bạn văn, những người yêu sách, hâm mộ văn của Đỗ Bích Thúy đã có mặt khiến cho không gian tổ chức trở nên chật chội.

 

dbt
Nhà văn Đỗ Bích Thúy (áo vàng) trả lời phỏng vấn

Tiểu thuyết Chúa đất như một sự trở lại của “Người đàn bà miền núi” trong mảng văn học mà Đỗ Bích Thúy đã khẳng định tên tuổi từ “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”, “Ngải đắng ở trên núi”,… Rất nhiều độc giả thắc mắc về sự bền bỉ viết lách của tác giả khi mỗi năm chị đều cho ra mắt một cuốn sách. Để trả lời cho thắc mắc này, nhà văn đã trả lời: “Tôi viết đều đặn như những công việc hàng ngày, như ăn cơm uống nước vậy”.

Cùng với nhà thơ Hữu Việt dẫn chương trình, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã đưa người đọc trở lại một vùng dân tộc Mông với câu chuyện trong truyền thuyết cách đây 200 năm.

Cuốn tiểu thuyết viết trong 17 ngày

 


Mở đầu buổi ra mắt, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã chia sẻ rằng đây là cuốn tiểu thuyết viết nhanh nhất của chị. Và khi viết xong, chị cảm giác như mình đã bị hút hết sinh lực. Có thể thấy rằng, sự trở lại với đề tài miền núi như là khi nhà văn được trở lại với mảnh đất của mình để có thể “
vẫy vùng” viết nhanh đến như vậy.

Chúa đất – nhân vật chính trong tiểu thuyết dường như bị quên mất tên thật của mình và sống trong bi kịch khi nắm trong tay quyền lực mà không thể làm một người đàn ông. Để rồi những bế tắc không thể giải tỏa trở thành tội ác, bộc phát thành những hành xử có phần quái đản. Bên cạnh đó là hình ảnh đối lập của bà Cả và Vàng Chở. Nếu như Vàng Chở sống bản năng, coi thường cả mạng sống của mình chỉ để được thỏa mãn cái tôi của mình thì bà Cả âm thầm bên cạnh, là chỗ dựa tinh thần cho chúa đất.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh đã chia sẻ: Nhân vật của Đỗ Bích Thúy vừa đơn giản, vừa bồng bột. Trong đó, Vàng Chở, bà vợ tư là nhân vật chói sáng với tuổi trẻ và tính ngang ngược, kiêu ngạo. Không được nhắc đến nhiều nhưng tính cách của Vàng Chở lại nổi bật trong cuốn tiểu thuyết. Cùng với nhân vật chúa đất và bà cả, ba nhân vật trong cuốn sách đã làm nên một tiểu thuyết thành công.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý cho rằng mỗi nhân vật trong tác phẩm đều có những mảnh đời riêng và có giá trị, mang tính thời sự. Nhà thơ cũng thích thú với hai nhân vật là con chim Sùng cắt và con chó Vàng  của bà Cả. Những nhân vật phụ được đẩy lên qua cách miêu tả thậm xưng để có sự gần gũi, chia sẻ với con người. Theo nhà thơ, mỗi nhân vật được nén trong những hoàn cảnh, tình huống khác nhau để rồi neo lại cho người đọc những gì cần cho cuộc sống.

Nhà thơ Hữu Việt cho rằng cuốn sách có nhiều chi tiết miêu tả nếu dựng thành phim thì có nhiều lợi thế bởi “chất” Mông, cảnh sắc thiên nhiên, con người dân tộc đậm chất. Ý kiến này cũng được đạo diễn trẻ Đỗ Thanh Sơn rất đồng tình.


 


“Sống như mình muốn mới khó”

Nổi bật trong tác phẩm này có lẽ là Vàng Chở, người dám đương đầu với cái chết để sống cho bản năng của đàn bà – điều mà những phụ nữ Mông như bà Cả, bà hai, bà ba của chúa đất sống cả đời cũng không làm được. Tinh thần này có lẽ chính là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đến độc giả: “Sống như mình muốn mới khó chứ chết thì có khó gì”.

Nói về điều này, một độc giả đã rất thích thú chia sẻ bởi chị mới chỉ đọc được phần đầu tác phẩm ngay trong buổi ra mắt và rất muốn đọc ngay tác phẩm.

Nhà văn, nhà nghiên cứu Ngô Tự Lập đã chia sẻ rằng: Khi mới đọc những trang đầu tôi đánh giá đây là cuốn sách hấp dẫn , đọc tiếp thì tôi cho là một kiệt tác, còn khi đọc xong, tôi cho rằng đây là cuốn sách hay. Bởi chi tiết kết truyện có phần hơi “kịch”. Có lẽ cuốn tiểu thuyết xuất phát từ một câu truyện cổ tích nên cái kết có hậu là điều dễ giải thích. Tôi cho rằng một cuốn sách hấp dẫn thì tác giả phải viết như sống và sống như viết. Chính sự nghiêm túc, thật lòng của Đỗ Bích Thúy đã tạo nên tác phẩm”.

Chúa đất có đoạn: “Trong gió có tiếng của những đám mây bồng bềnh nhẹ bỗng, quệt khẽ vào nhau. Trong gió có tiếng những cánh hoa tách khỏi nụ, bừng lên màu sắc rực rỡ, tỏa ra hương thơm làm hồn người lâng lâng như say… Nếu mà cuộc sống lúc nào cũng đầy hoa cúc, đầy tiếng họa mi thì vui biết mấy…” – đây là đoạn văn được chị Khúc Thị Hoa Phượng, đại diện Nhà xuất bản Phụ nữ trích dẫn để thấy được cái đẹp trong văn của nhà văn nữ sống thật và viết thật này.

Nhiều ý kiến khác trong cuộc toạ đàm đều ghi nhận nỗ lực của nhà văn Đỗ Bích Thuý cũng như đánh giá vai trò của chị trong mảng văn học về miền núi và dân tộc thiểu số.


Theo Thu Oanh – Văn nghệ quân đội

Exit mobile version