1. Chị đứng ngay sát đường băng chuyền, cách chỗ tôi đứng không xa. Chỉ có hai người. Những khách đi cùng chuyến bay đã lấy đồ đạc và ra ngoài từ lâu. Chúng tôi cùng sốt ruột chờ va li của mình ở đâu đó chưa thấy trên băng chuyền. Bỗng chị cất tiếng:
– Hình như va li của mình và bạn ở phía bên băng chuyền kia.
Hóa ra đó là người Việt. Tôi chạy theo chị sang đường băng chuyền bên cạnh.
– Chị sang đây du lịch à?
– Không, vợ chồng mình sang đây làm ăn.
– Chị ở Seoul lâu chưa?
– Không, nhà máy của bọn mình ở Jeonju. Bọn mình ở bên này đã 7 năm rồi.
Lúc đó tôi chưa nhận ra đó chính là một trong những lao động Việt Nam lưu vong trên đất Hàn. Và chị đang lo lắng nhìn quanh, sợ bị cảnh sát Hàn phát hiện ra. Chúng tôi không kịp chào chia tay nhau. Cô gái Hàn đi đón đang giơ cao tấm bìa có ghi rõ tên tôi bằng tiếng Anh. Trước khi đi theo cô, tôi còn kịp nhìn thấy người đàn bà Việt vội vã nhảy lên một chiếc xe buýt hàng không, gương mặt nhao nhác nhìn ra tứ phía như kẻ tội phạm…
Tôi cũng còn kịp nhìn thấy một ông chủ người Hàn, tay cầm một máy di động, sải bước đến gần một chiếc ô tô 7 chỗ ngồi, đuôi xe dài như con vịt, phía sau là bốn người đàn ông trẻ bọc lót y như cảnh trên phim Hàn.
Tôi nhìn thấy và tôi quên.
Nhưng rồi Seoul đã cho tôi thấy sâu hơn bức tranh mà tôi đã thấy ở sân bay Incheon ngày đầu đặt chân đến…
2. Thuỷ người Cửa Lò. Tôi quen với cô ngay tại hành lang Khoa học tiếng Hàn dành cho người nước ngoài của trường Korean University. Thuỷ sang đây đã hơn sáu năm. Cô sang đây theo một hợp đồng ký kết, nghĩa là chỉ đi lao động 2 năm, và rồi cô trốn lại nhập vào số lao động Việt Nam lưu vong trên đất Hàn. Thuỷ lấy chồng cũng là lao động Việt Nam lưu vong, sinh con xong gửi con về nước. Hai vợ chồng cô may mắn gặp được một ông chủ người Hàn tốt bụng. Ông cấp tiền cho chồng Thuỷ về thành phố Hồ Chí Minh mở văn phòng phân phối phụ tùng xe ô tô; cấp tiền cho Thuỷ đi học tiếng Hàn để sau này làm phiên dịch cho công việc buôn bán của ông ở Việt Nam. Nhờ vậy Thuỷ được cấp một sổ đỏ để ở lại Hàn Quốc theo thời hạn. Cô đã học được sang học phần thứ ba trong năm học phần theo quy định. Mỗi tháng, cô được trả số tiền là 400.000 won, vừa đủ đóng học phí và chi trả các khoản khác phục vụ học tập. Ngoài giờ học, cô kiếm việc làm thêm ở các xưởng may như phụ cắt chỉ, là ủi áo quần…
Có rất nhiều xưởng may ở Seoul. Hầu như không nhìn thấy những cửa tiệm may quần áo ở bất cứ góc phố nào như ở Việt Nam. Rất nhiều nữ lao động Việt lưu vong làm tại các xưởng may. Chủ các xưởng may người Hàn rất biết cách sử dụng lao động. Họ khắc nghiệt từng phút. Họ có thể thưởng cho lao động người Hàn rất nhiều khoản ngoài lương và bảo hiểm xã hội; nhưng người Việt thì chỉ được hưởng một mức cố định từ 800.000 won đến 1500.000 won, tùy theo khả năng. Với số tiền này, người lao động lưu vong sẽ thuê nhà với giá 400.000 won (kể cả tiền điện nước), ăn hết 500.000 won nữa. Trừ chi phí các khoản đi lại… có thể tiết kiệm được mỗi tháng hơn 300.000 won (đổi được 300 usd) gửi về nhà bằng đường dây riêng của những người lao động lưu vong.
Những ông chủ Hàn không thích nghe chuyện ốm đau bệnh tật của người lao động lưu vong. Nghỉ ngày nào trừ tiền ngày ấy. Đã có chuyện cộng đồng người Việt lưu vong đưa lên mạng kêu gọi ủng hộ một trường hợp bị tai nạn lao động cụt chân nhưng không được chủ đền bù một xu nào, thậm chí còn bị cắt nốt phần tháng lương còn lại. Anh cũng không còn đủ tiền để mua vé về Việt Nam.
Những ông bà chủ xưởng sản xuất hàng tiêu dùng người Hàn không chỉ khắc nghiệt với người lao động lưu vong. Họ còn khắc nghiệt với chính bản thân mình. Nhiều chủ xưởng có đến năm sáu xưởng may, làm giày, đồ trang sức, cặp…, ngày ngày vẫn đến một trong các xưởng cùng làm với người làm thuê. Làm cả ngày chỉ dám nghỉ nửa tiếng ăn trưa. Nếu xưởng đến mùa hết việc, lập tức đi tìm ngay việc cho chính mình và các công nhân của mình ở các xưởng khác. Họ lăn vào làm, tay chân nứt toác y như người làm thuê. Chứ hầu như không ngồi chỗm chệ bên bàn làm việc với máy điện thoại cầm tay, com lê cà vạt láng lẩy như các chủ tập đoàn. Mà các chủ xưởng ở Hàn lại chính là những người góp phần tạo ra nguồn hàng tiêu dùng vừa đẹp, vừa chất lượng lại có giá cả vừa túi tiền trên thị trường Hàn Quốc.
Có lẽ vì thế mà trong số họ có nhiều người đối xử với người lao động rất nghiệt ngã, nghiệt ngã như với chính họ. Nhưng cũng có người lại rất chân tình và tốt bụng, biết tính xa và biết nhằm đến thị trường còn đang đầy hứa hẹn như Việt Nam.
Và Thuỷ đã gặp được một ông chủ người Hàn như vậy trong bao nhiêu ông bà chủ mà cô đã từng gặp trên đất Seoul này.
3. Sự xa xỉ của những ông chủ tập đoàn kinh tế Hàn Quốc mà chúng ta xem trên phim ảnh chỉ là cá biệt. Phần lớn những sự xa xỉ ấy được tính toán rất chi tiết. Chẳng hạn, ở khách sạn Paradise tại Busan, khi đón đoàn cán bộ của thành phố Hồ Chí Minh do chủ tịch thành phố Lê Thanh Hải sang nhân kỷ niệm 10 năm ngày thiết lập mối quan hệ giữa hai thành phố Busan & TP HCM (năm 2005); nơi có phòng ở của ông, chủ khách sạn lệnh cho nhân viên phục vụ hoa quả thật hậu hĩnh: Cứ mỗi đoạn trên hành lang tầng tám lại có một đĩa hoa quả miễn phí. Khách ở các tầng khác biết cứ việc đi thang máy đến tầng này nhón vài thứ quả mang vào phòng…
Ông Tổng giám đốc chi nhánh tập đoàn Lotte World tại Hàn Quốc đã đón chúng tôi tại một trong những khách sạn Lotte sang trọng nhất. Ngoài cửa là một biểu tượng được khắc bằng nước đá chảy lóng lánh trên sàn đá hoa cương. Hàng chục thư ký cao to cổ cồn sáng bóng đi sau ông như minh chứng cho sự thành công của tập đoàn này trên đất Hàn. Đi bên cạnh ông là một cô gái Việt làm phiên dịch. Cô tên là Thanh Trang. Cô nói tiếng Hàn như một người Hàn có học vấn. Cô đang làm luận án tiến sĩ, và bằng cách nào đó cô đã lọt vào tầm ngắm của một tập đoàn lớn khi họ nhìn vào Việt Nam theo cách của mình. Mỗi đợt phiên dịch, cô sẽ có thu nhập chừng 300-500 usd. Mỗi tháng đi chừng vài ba bận, coi như bằng tháng lương chật vật mới kiếm được của những lao động lưu vong. Nếu cô không có khả năng diễn giải và biểu đạt cái biểu đồ kinh tế của tập đoàn, không khiến cho quan khách đất Việt sẵn lòng mở cửa, cô sẽ có thể bị loại.
Nhưng đất Hàn là thế. Những ông bà chủ người Hàn là thế. Họ thực tế đến mức lạnh lùng khi thuê nhân công. Họ tính từng giờ công lao động, tiếc từng xu và có thể vung vãi ra cả nắm tiền, nếu nắm tiền ấy mang về cho họ hình ảnh chắc chắn của ngày mai.
Còn những người lao động Việt trên đất Hàn thì lê những tháng ngày của mình trên xứ người, chạy trốn cảnh sát hàng ngày, không dám xuất hiện ở sân bay, những nơi công cộng, không dám cho bạn bè biết nơi ở thuê của mình, sợ có ai đó thu hằn mà báo cảnh sát, sợ và lẩn tránh mọi thứ được gọi là “chính quyền” – “công sở” – “đám đông”. Tất cả để đổi lấy những đồng đô la mà nếu ở nhà cả đời họ có thể không bao giờ kiếm nổi.
Hình như tôi mới chỉ phác thảo một bức tranh sơ sài, mà một bên là những chủ người Hàn ở mọi thứ bậc, và một bên là những người lao động Việt Nam – dù là sinh viên, nghiên cứu sinh hay lưu vong! Một bên là sự nghiêm khắc trong lao động đáng học hỏi của người Hàn. Và một bên là sự khắc nghiệt đến lạnh lùng của một nền kinh tế nổi!
4. Lại là sân bay quốc tế Incheon.
Ngày về của tôi sau ba tháng gắn bó với xứ Hàn được in đậm bởi họ, những lao động lưu vong.
Khi đó chiếc va li của tôi không hiểu sao lại bị giữ lại ở cửa đầu của băng chuyền gửi đồ. Những nhân viên Hàn hớt hải chạy tìm tôi. Tôi đang ngồi một mình trên chiếc ghế chờ, lạc lõng giữa bao nhiêu người từ các phương trời đổ về Hàn Quốc hay chỉ đi qua. Có ai đó gọi bằng thứ tiếng Việt của vùng Kinh Bắc:
– Chị ơi, hình như họ đi tìm chị kìa?
Tôi nhìn lên. Cậu thanh niên chừng hai bảy tuổi chỉ tay về phía cửa phòng kiểm tra. Cô gái Hàn vừa chếch vé cho tôi đang vẫy. Cậu thanh niên lại nói:
– Có chuyện gì ở trong cái va li gửi đồ của chị rồi.
– Sao bạn biết?
– Em đi ra sân bay này đưa bạn bè về nước thường xuyên. Chắc va li của chị có đồ gì đó không được gửi qua cửa gửi hàng.
Tôi chạy vào đó. Cả mấy cô nhân viên Hàn chỉ tay vào cái va li nói hàng tràng thứ tiếng của vương quốc Cao Ly. Tôi chẳng hiểu cái quái gì đang xảy ra cả. Ba tháng học tiếng Hàn và giành được cái bằng khá đỏ chói cũng không đủ cho tôi phân biệt được các ngữ âm phát ra nhanh như gió kia. May quá, cậu thanh niên chạy vào:
– Có chuyện gì vậy chị?
Tôi lắc đầu:
– Em hỏi giúp chị với.
Cậu hỏi mấy cô bằng thứ tiếng Hàn mà theo như kinh nghiệm của mấy tháng học tiếng bên này, tôi biết là cậu đã rất giỏi. Rồi cậu quay ra bảo tôi:
– Trong va li của chị có cái gì đó phát nổ không?
Tôi thấy lạ quá. Mọi người nói gì đó với nhau rồi quay ra bảo cậu thanh niên. Cậu lại quay qua bảo tôi:
– Chị ký vào biên bản kiểm tra hàng đi.
Tôi ký, trong lòng vẫn còn chưa hiểu ra sao. Mình có cái thứ gì thuộc hàng quốc cấm đâu cơ chứ.
Hóa ra là cái lọ xịt thơm phòng. Một loại xịt thơm dùng bằng máy chạy pin mà cho đến bây giờ ở Hà Nội, tôi không làm sao tìm được những cái máy và những cái lọ như thế để dùng cho các phòng trong nhà. Hóa ra họ không cho gửi hàng những vật sợ có chất kích nổ hay kích cháy. Họ bảo tôi có thể mang theo hàng xách tay loại này, mà mỗi người cũng chỉ được mang một lọ. Tôi có những hai lọ. Bỏ lại thì tiếc quá. Đông, tên cậu thanh niên, bảo:
– Chị để em nhờ thằng em cho. Em đưa nó ra mà.
Thế là tôi lại có thêm một đồng hành nữa. Đông bảo Minh, tên cậu em sẽ bay cùng chuyến với tôi:
– Mang giúp chị ấy cả cái ba lô nữa nhé.
Quả thật, đồ đạc của tôi quá lỉnh kỉnh. May có Minh đeo giúp cái ba lô. Minh chẳng cầm cái gì gọi là xách tay cả. Tôi ngạc nhiên:
– Sao em không có hàng hóa gì thế?
Minh thản nhiên:
– Đi Hàn thì có gì mà mang về hả chị? Có mỗi cái ba lô thì em gửi qua băng chuyền rồi.
Tôi không hiểu cậu ta. Sao lại không nhỉ? Bao nhiêu là thứ. Chẳng đi chợ hay đi siêu thị thì thôi, chứ cứ mỗi lần quyết định đi dạo ở những chỗ ấy là tôi không làm sao kìm chế nổi cơn thích mua hàng của Hàn. Cái gì cũng xinh xẻo và tinh tế. Đặc biệt là quần áo thời trang nữ và những thứ trang sức cho phái chị em. Rồi những thứ hàng dùng tiện lợi trong gia đình. Thuốc bổ, sâm, linh chi. Thế mà lại bảo không có gì.
Đông bảo nhỏ với tôi:
– Anh chị em lao động lưu vong bên này không phải ai cũng kiếm được tiền mang về đâu chị ạ. Có người bị cảnh sát quét bắt được đuổi về nước tay trắng ngay. Có người thì bị ốm đau kéo dài, chủ đuổi việc không có bảo hiểm hay phúc lợi gì cả. Lao động lưu vong mà. Họ không báo cảnh sát còn là may. Có người thì đánh bạc hết tiền. Chẳng có ai quản lý cả. Tự bản thân mình quản lý mình thôi. Có người chơi bời quá còn mang bệnh mà không có tiền chữa ấy chứ.
Tôi hỏi:
– Thế em làm gì bên này?
– Em buôn bán lăng quăng thôi. Em chuyển tiền và hàng về cho mọi người, em kiếm được thẻ đỏ ở đây theo hạn định. Em đưa người đi qua đi về, đảm bảo cho họ không bị cảnh sát tóm ở sân bay. Với cả xin đưa hàng quá cân cho bạn bè nữa. Như lúc nãy đấy. Chị mà đến sớm, em xin giúp cho.
“Xin” kiểu của Đông là bạn bè bồi dưỡng cho chừng một vài trăm đô, tuỳ theo số cân. Nhưng còn tôi, chắc cậu sẽ chiêu đãi một lần.
Một người cùng đoàn mà Đông đưa ra sân bay có vẻ cứng tuổi nhất, quay ra bắt chuyện:
– Chị sang đây lâu chưa?
– Ba tháng! Còn anh?
– Tôi ở đây đã bảy năm.
– Trời, tôi không thể hiểu được sao lại có thể ở được lâu như vậy?
– Tôi đi sang đây theo đường du lịch rồi trốn ở lại. Lang thang xứ này bảy năm, giờ thì về thôi. Con gái đã gần bảy tuổi rồi mà chỉ biết mặt qua email.
Chúng tôi chia tay Đông với lời hẹn của cậu:
“Thi thoảng liên lạc với em nhé. Ở bên này buồn lắm. Chị là nhà văn à? Khi ở chỗ cân hàng chếch vé, em thấy mấy nhân viên Hàn tươi cười đón chị lắm. Có cái tờ báo ở Seoul in ảnh chị, em biết rồi”.
Tôi cùng mấy người lao động Việt Nam lưu vong bước qua cái cửa kiểm soát để vào sân bay. Ngồi chờ thêm ít thời gian nữa để lên máy bay.
Rồi cũng đến lúc lên máy bay.
Đến đúng chỗ để chui lên khoang máy bay, chỗ vẫn còn nhìn thấy toàn cảnh sân bay, và xa hơn là nơi thấp thoáng hình bóng Seoul, mấy người lao động lưu vong dừng lại.
Tôi hỏi:
– Sao không đi nhanh lên?
Họ trả lời:
– Chị đi trước đi. Chúng tôi muốn chào xứ Hàn lần cuối. Sau này không biết còn có cơ hội quay lại nơi này nữa không?
Họ lặng lẽ nhìn ra phía trước, xa thẳm. Cả một thời tuổi trẻ và sức lực tràn trề đã gửi cho xứ này.
Rồi cũng đến lúc máy bay cất cánh. Đường bay hướng về Hà Nội.
Incheon – Hà Nội
Ghi chép của Cầm Kỳ
Nguồn: Tạp chí Nhà văn.