Chuyên mục TRUYỆN HAY đầu năm mới 2023, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu tiếp truyện ngắn CHÚ VÀ ANH của nhà văn TRẦN THÙY MAI

Theo wikipedia:

Trần Thùy Mai sinh tại Hội AnQuảng Nam. Quê quán: làng An Ninh Thượng, xã Hương Long, huyện Hương Trà, (nay là phường Hương Long, Thành phố Huế), tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trần Thùy Mai bắt đầu được các bạn trẻ yêu thích văn chương ở Huế biết đến khi đang học ở trường Đồng Khánh những năm trước giải phóng. Tốt nghiệp Tú tài 2 từ 1972, chị thi đậu thủ khoa môn văn Đại học Sư phạm Huế. Sau 1975, chị học tiếp Đại học Sư phạm. Năm 1977, sau khi tốt nghiệp, Trần Thùy Mai được giữ lại trường, làm công tác giảng dạy và nghiên cứu môn Văn học dân gian. Năm 1987, chị quyết định chuyển sang làm biên tập viên ở Nhà xuất bản Thuận Hóa. Với lối rẽ này, Trần Thùy Mai đã chọn nghiệp viết làm con đường đi cho riêng mình.

Một số truyện ngắn nổi tiếng như: Gió thiên đường, Thập tự hoa, Quỷ trong trăng, Thương nhớ Hoàng Lan, Mưa đời sau, Người bán linh hồn, Trăng nơi đáy giếng, Thị trấn hoa quỳ vàng… Các truyện ngắn của chị đã được dịch sang tiếng Anhtiếng Pháp và tiếng Nhật

Trần Thùy Mai là một trong những nhà văn nữ viết khỏe và khá đều tay hiện nay. “Những truyện ngắn của chị rất đa dạng, phảng phất không khí đất trời xứ Huế, quan tâm đến mọi mặt của cuộc sống, nhất là lớp trẻ và nhìn họ với một con mắt đầy yêu thương và hy vọng”. Trong khoảng những thập niên trở lại đây, Trần Thùy Mai viết nhiều về những đề tài và nhân vật lịch sử, đặc biệt là những nhân vật nữ in bóng trong lịch sử triều Nguyễn, gắn liền với Kinh thành Huế.

Là một phụ nữ Huế nhẹ nhàng, tinh tế và sâu sắc, Trần Thùy Mai thấm thía nỗi đau, sự tổn thương và mất mát trong tình yêu. Một điều dễ dàng nhận thấy, Trần Thùy Mai dành tình cảm ưu ái rất riêng cho các nhân vật nữ của mình. “Cuộc sống vốn đa chiều và phức tạp. Tình yêu cũng không nằm ngoài quy luật khắc nghiệt ấy. Thế nhưng, tình yêu dẫu mất mát, phụ bạc và đớn đau đến nhường nào thì con người cũng chỉ thật sự tìm thấy hạnh phúc khi có nó. Chính vì thế, tình yêu trong truyện ngắn Trần Thùy Mai không đơn thuần là một câu chuyện lãng mạn, thấm đẫm nước mắt để “câu khách” mà đó là cái cớ để chị nói về cuộc sống với những con người đang ngày ngày sống, yêu và ruồng bỏ tình yêu của chính mình. Mỗi câu chuyện đau đáu một nỗi niềm.

Tác phẩm:

13 tập truyện ngắn

1 tập truyện cho thiếu nhi

3 tập nghiên cứu

1 tập truyện Nhật Bản dịch từ tiếng Anh

2 bộ tiểu thuyết  là Từ Dụ Thái hậu, Công chúa Đồng Xuân

Nhiều truyện ngắn của Trần Thùy Mai đã được chuyển thể kịch bản sân khấu hoặc dựng thành phim như: “Hãy khóc đi em” (2005) “Gió thiên đường”“Thập tự hoa” (2005), “Trăng nơi đáy giếng” (2009)

Về văn chương của Trần Thùy Mai, PGS.Tiến sĩ Văn học Hồ Thế Hà từng nhận định: “…Những nhân vật của Trần Thùy Mai thường không bình lặng. Họ cô đơn, hẫng hụt, tiếc nuối nhưng không bao giờ từ bỏ khát vọng sống của mình bằng cách bơi ngược dòng sông ký ức để làm sống lại những điều tốt đẹp… Đọc Trần Thùy Mai, tôi bị cuốn hút bởi chất nhân ái và triết lý này. Con người dù giận hờn, hằn học nhưng trong tận cùng sâu thẳm của ý thức cộng đồng, họ âm thầm sẻ chia và nhận nỗi đau về mình để được kéo dài ra trong niềm vui của người khác, để được yêu trong trắc ẩn dù có khi không tránh khỏi sự đối xử thờ ơ, nguội lạnh của tha nhân…”

Nhà văn Trần Thùy Mai đã nhận được khá nhiều giải thưởng. Trong đó có thể kể:

Giải B, giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ hai, (1998) cho Tập truyện ngắn “Thị trấn hoa quỳ vàng”.

Giải C, Giải thưởng Văn học thiếu nhi “Vì tương lai đất nước” của Nhà xuất bản Trẻ (2002) cho truyện dài thiếu nhi “Người khổng lồ núi Bạc”

Giải B, Hội Nhà văn Việt Nam (2002, không có giải A) và Giải A, giải thưởng Văn học Cố đô lần thứ ba (2005), cho tập truyện ngắn “Quỷ trong trăng”.

Giải thưởng Ủy ban Toàn quốc Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (2003) và Giải A, giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ tư (2008) cho tập truyện ngắn “Thập tự hoa”.

Giải thưởng của Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế (2008), cho tập truyện ngắn “Một mình ở Tokyo”[7].

Giải cống hiến vì cộng đồng năm 2011 do Ủy ban kết nghĩa thành phố San Francisco – TP. Hồ Chí Minh trao tặng.

Đoạt Giải Nhất cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn VN lần thứ 5, tiểu thuyết TỪ DỤ THÁI HẬU

Mời quý vị lắng nghe truyện ngắn CHÚ VÀ ANH của nhà văn Trần Thùy Mai, một truyện ngắn có đôi phần bộc bạch về nghiệp viết, như nhà văn tâm sự:

“Cứ mỗi lần trèo qua một con dốc thì lập tức xuất hiện trước mắt mình một con dốc khác cao hơn. Thế là lại đi và đi mãi như thế trong gió ngược… Nhiều khi mỏi mà không muốn dừng bởi hai bên đường nhiều hoa thơm cỏ lạ quá. Cứ muốn hái và ôm đầy tay…”

Truyện được thể hiện qua giọng đọc của nhà văn Võ Thị Xuân Hà.

Chú và anh

Truyện ngắn của Trần Thùy Mai

Năm ấy tôi hai mươi lăm tuổi, lần đầu tham dự một trại viết dành cho những cây bút trẻ. Đến trại, tôi mang theo trong ba lô mười lăm bài thơ, một cái truyện ngắn dở dang, và rất nhiều mong đợi về sự nghiệp văn chương sau này. Chỉ có một điều tôi không mong, mà đã tới…

Nhật vào làng viết lách trước tôi. Đọc thơ tôi, Nhật không khen, không chê, chỉ nói lừng khừng: “Thơ con gái, đọc nghe cũng dễ thương”. Cách khen ấy làm tôi tự ái. Nhật lại đọc truyện ngắn của tôi, rồi phán: “Cũng được. Nhân vật nam của em sao mà đa cảm vậy? Ngoài đời không có đâu. Chưa biết gì về đàn ông”. Tôi sừng sừng nét mặt: “Xin lỗi nghe, không dám nói là không biết đâu”. Nhật cười ngạo nghễ: “Nhìn mặt biết ngay chưa có mảnh tình nào vắt vai”. Tôi hỉnh mũi: “Lẽ nào phải nhảy vào chảo dầu mới mô tả được cảm giác của con cá rán?”.

Trại viết đóng trong một khu biệt thự lớn ven biển, nằm trong khuôn viên hơn ba nghìn mét vuông. Ban tổ chức trại ở tòa nhà hai tầng chính giữa, tầng dưới có hội trường và một phòng ăn dài. Mỗi bàn ăn có bốn ghế. Ban tổ chức trại có ba người, trong khi có đến năm nữ. Thành thử, đến bữa ăn thế nào cũng có một cô bị xếp sang bàn của “lãnh đạo”. Ngồi ở mâm này khó đùa giỡn, lại phải vừa ăn vừa trả lời các câu hỏi về ý định sáng tác, quan niệm về chủ nghĩa hiện thực v.v… và v.v… nên kết quả là thường bị đói, nếu no thì cũng rất khó tiêu. Cho nên cứ đến gần giờ ăn là cả mấy chị em không ai bảo ai đều quẳng bút, lo thay sẵn quần áo, hễ nghe kẻng đánh một tiếng là ù té chạy, ai chậm chân thì… ráng ngồi mâm chung với các VIP.

Một lần mải viết nên tôi chậm chân, lúc cắm đầu chạy thục mạng tôi đâm sầm vào chú. Thật nhục. Mình đang tuổi thanh niên mà ngã quay lơ xuống sàn, còn “ông già” thì xuống tấn đứng tỉnh queo. Chú lôi tôi dậy, ấn xuống ghế trước mặt. “Có việc gì mà các cô chạy đua ghê quá vậy?”. Tôi lúng túng. Trả lời sao đây? Các bàn bên cạnh bắt đầu ran lên tiếng cười rúc rích, tôi nhìn thấy cặp mắt ngạo mạn của Nhật như muốn chọc quê tôi. Tức ơi là tức. Trước mặt tôi, ba vị chức sắc bắt đầu gắp một cách rất nghiêm trang. Cả ba vị đều là người của Trung ương Hội cử vào. Trung ương Hội là những đâu, đối với tôi lúc ấy nghe có vẻ cao xa vòi vọi, nên trong mắt của cây bút trẻ như tôi thời đó, tôi vẫn nhìn các vị với cái nhìn e dè kính nể như học sinh cấp ba đối với ông thầy. Chú là trại trưởng. “Sao, cô bé, truyện ngắn viết đến đâu rồi?”. Chú hỏi, giọng nghiêm nghị. Thường thì dù đang ăn tôi cũng lễ phép trả lời, nhưng hôm ấy trong tâm trạng bực bội tôi cứ ỳ ra, mặt mày quạu cọ. Thật ngạc nhiên, chú không trách, cũng không hỏi nữa, mà lặng lẽ gắp thức ăn bỏ vào bát tôi.

Sau này trong những lần chú góp ý bản thảo, tôi nghe chú kể đời mình. Tập kết năm năm tư, chú để lại miền Nam một vợ hai con. Hai mươi năm trời ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân. Ngày hòa bình, quay về thì vợ đã lấy chồng, người chồng vừa đi cải tạo. Hai con đều đã di tản sang Mỹ. Chú đến trại cải tạo xin bảo lãnh cho ông chồng của vợ cũ, rồi mang ba lô quay về Bắc. Lại ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân, bắt tay vào viết tiểu thuyết bộ ba, lấy đó làm lẽ sống.

Thời ấy, tiểu thuyết dài ba tập kiểu Liên Xô đang là thời thượng, nhà văn nào có một bộ ba như thế là được xem ngay là nhà văn lớn. Chú có đến hai bộ. Một bộ nói về chiến tranh, một bộ nói về cải tạo công thương nghiệp thời hậu chiến. Bộ tiểu thuyết về cải tạo công thương nghiệp, chú mới cho ra đời được có hai tập, tập thứ ba hơn ba năm nay vẫn chưa viết xong. Đó là khoảng thời gian chú vào ban chấp hành hội, họp hành liên tục và đảm đương nhiều việc, ví dụ phải đi tổ chức trại viết cho các cây bút trẻ như tôi chẳng hạn.

Trong căn phòng nhỏ có cửa sổ mở ra phía núi, tôi cặm cụi viết tác phẩm đầu tiên ở trại. Đó là một câu chuyện đã chứng kiến tại trường học mà tôi vừa đến dạy. Hôm ấy vào dịp cuối năm, công đoàn cơ quan có mua được khoảng một chục chiếc chén sứ Hải Dương. Có chục chiếc chén mà đến bốn mươi cán bộ, nên phải bình bầu xem ai xứng đáng hơn, bắt đầu từ hoàn cảnh rồi đến năng lực đến phẩm chất… Kết quả là có hai cô giáo giận nhau đến nỗi không nhìn nhau được và cuối cùng có một người phải xin chuyển đi…

Câu chuyện tôi viết chắc có bút pháp rất non nớt. Vì vậy sau khi kiếm vài ưu điểm râu ria để khen cho tôi đỡ mất tinh thần, chú chê ngay. Em còn trẻ, sao nhìn đời đen tối vậy? Phải tin ở cuộc đời. Tôi ngạc nhiên: “Thưa chú, cháu hầu như viết y chang sự thật mà”. “Thế mới sai lầm. Y chang sự thực, đấy là tự nhiên chủ nghĩa. Cháu phải nhìn sự thực trong xu thế phát triển của nó”. “Nghĩa là vừa có chuyện hai cô giáo giận nhau, vừa có chuyện hai cô giáo làm lành phải không chú?”. Chú nhìn tôi, vẻ mặt như đang nuốt thứ gì đắng, chắc chú nghĩ sao lại có một “cây bút” ngớ ngẩn như thế này.

Tôi về thức cả đêm để “rờ tút” lại tác phẩm, nhưng rồi chỉ hôm sau những tờ giấy đáng thương bị thả tung trước gió để lả tả bay đi. Chiều lại, đến giờ cơm, tôi lại bị ngồi vào mâm chức sắc. Chú hỏi tôi truyện viết đến đâu rồi? Tôi định không nói, nhưng cuối cùng đành để lộ lý do: Nhật đã đọc câu chuyện tôi kể với cái đoạn kết về hai cô giáo làm lành, anh ta lăn ra cười và chế nhạo tôi: Đột ngột thế. Chủ nghĩa hiện thực của Lý là chủ nghĩa “đùng một cái”.

Tôi tự ái tràn hông, vò nát bản thảo cho nó bay tung tả. Sau này nghĩ lại, tôi tiếc đã không giữ lại những dòng chữ vụng về của mình. Nhật chế giễu tôi: “Lúc nào cũng xù lông như con nhím”. Chú thì có vẻ bực, có ý xem Nhật là tay phá bĩnh… Tôi thì rối ren giữa hai người, bắt đầu cảm thấy việc sáng tác sao mà khó khăn, không dễ dàng như lâu nay tôi tưởng. Chao ôi có mấy trang truyện ngắn mà đã nhiêu khê như thế, vậy chú đã phải vượt qua bao nhiêu trăn trở mới viết ra được những bộ ba dày tập đồ sộ như vậy? Nói với Nhật, Nhật chỉ cười…

Gần nửa tháng sau đó tôi giận Nhật, những bữa nhanh chân không phải ngồi bên mâm VIP, tôi cũng tránh ngồi chung mâm với anh. Giận dai vậy là vì chị Tố Hoa ở phòng bên cạnh có hôm bảo tôi, thằng Nhật láo, hôm nay tao đi qua chỗ mấy ông ngồi uống cà phê, thấy họ đang bàn tán về chị em mình. Thằng Nhật nói: “Loài người cũng có điểm giống với các sinh vật sống thành bầy, những con cái luôn hướng về con đầu đàn, còn con đầu đàn thì luôn chọn những con cái trẻ nhất”. Tao chắc là nó nói mày. Tôi điếng người. Ừ, tôi hay ngồi mâm VIP nhất, lại còn tỏ ra khâm phục chú nữa…

Chiều chiều, chúng tôi thường xuống biển tắm. Tòa nhà của trại viết nằm ở bãi sau, rất yên tĩnh, vắng lặng. Tôi tránh Nhật, ngồi ở một chỗ xa xa. Chợt có bóng người ngồi xuống bên tôi. Tôi ngạc nhiên: chú.

Chú nói rất nhiều, như thói quen. Nhà văn hay nói, lãnh đạo cũng hay nói, mà chú là cả hai. Bỗng nhiên, chú nắm lấy bàn tay tôi đang chống trên cát. “Lý có bàn tay đẹp quá”. Chú bảo, giọng khàn lại. Tôi ngạc nhiên quá. Đang nói chuyện văn chương, chuyện thời cuộc, sao chú chuyển đề tài đột ngột thế này. Ngỡ ngàng quá nên tôi bật lên cười: Ha ha ha…

Chú ngượng, rụt ngay tay lại. Lại tiếp tục chuyện văn chương, thời cuộc.

Tôi chẳng hiểu gì cả. Lúc ấy tôi chỉ mong chú đi qua nơi khác cho nhanh, kẻo lọt vào mắt Nhật, chắc chắn tôi lại trở thành đề tài mổ xẻ cho quý nhà văn trong trại.

*

Một buổi sáng, khi thức dậy như lệ thường tôi chạy xuống biển. Không phải bãi biển vắng hoang sơ như mọi ngày. Trên bãi lố nhố người. Tôi hét lên kinh sợ: nhiều xác người nằm im lìm trên cát. Lúc đó tôi hai mươi lăm tuổi, lần đầu tiên nhìn thấy người chết, mà nhiều người chết như thế. Bưng mặt, tôi hoảng loạn chạy ngược lại, không dám nhìn. Tôi chạy tấp vào mái hiên gần nhất. Một cánh tay quàng lấy tôi: “Đừng sợ”. Cánh tay giữ chặt cho tôi đứng vững. Tôi vẫn nhắm mắt, run rẩy. Lát sau, mở mắt, tôi thấy Nhật. Mắt anh đỏ, gương mặt không còn chút gì vẻ tếu táo thường ngày.

Đêm qua biển động, một thuyền chài chìm ngoài khơi, thuyền quá cũ không chịu được sóng biển.

Nhật kéo tôi xuống bãi. “Đi, chạy vào xóm chài, chắc chắn mình phải giúp họ được việc gì đó”. Tôi khuỵu chân, vừa khóc vừa bưng mắt: “Không, không, Lý sợ lắm!”. Nhưng Nhật dựng thẳng tôi lên, quay mặt tôi ra phía có những xác người: “Nhìn đi! Đã làm nhà văn thì đừng sợ gió!”

Tôi mở mắt. Sau này, cả đời tôi, thỉnh thoảng tôi lại nghe lời nói của Nhật. “Đừng sợ gió!”

Sau những đám tang, tôi và Nhật thường xuống xóm chài. Có lần theo bọn trẻ con đi thuyền câu mực cả đêm. Những con mực thật đáng thương, chúng thường chết đói. Chúng là những sinh vật yêu thích đồ chơi, bọn trẻ câu chúng không cần phải mua mồi, chỉ nhặt những mẩu giấy bạc trong các vỏ thuốc vứt đi, cắt nhỏ rồi gắn vào lưỡi câu. Những con mực thấy lấp lánh xán đến chơi, rồi mắc câu. Nhật thường hăng hái câu giúp bọn trẻ, nhưng tôi thì thấy thương lũ mực. Thế là cãi nhau.

Trên đường về, Nhật bảo: “Em đúng là Nhím con. Ai có thể yêu em mà không bị thương?”

Tôi khuỳnh khuỳnh: “Dù là ai thì cũng không đến phần anh mà”.

Tôi nhớ hôm đó khi về trại, thật bất ngờ, chú đứng ngay trước cổng, thấy chúng tôi chú run lên giận dữ. “Các đồng chí đã vắng mặt hai ngày không có lý do. Vậy là vi phạm nội quy của trại…”. Giọng chú hôm nay nghe như gầm thét, tôi thực sự ngỡ ngàng. Chị Tố Hoa bảo: “Chú Thông đứng ngóng ngoài cổng từ sáng đến giờ, cứ lo là hai đứa bây bị kẻ xấu bắt cóc rồi. Mà đi đâu dữ vậy?”. Tôi thật thà: “Đi câu mực”. “Cha, sướng chưa, mà câu mực thiệt không?”.

Thế là họp, kiểm điểm, phê bình. Sau cuộc phê, Nhật cuốn hết áo quần bản thảo, bỏ về thành phố.

Đường từ bãi sau lên bến xe cũng không gần. Tôi mượn xe đạp đuổi theo. Nhật quay lại, vứt cái túi xách xuống đất. Tôi vứt chiếc xe bên đường. Những vách núi làm nhân chứng cho cái ôm hôn đầu tiên trong đời tôi. Có hương vị của nắng, của gió biển, của tiếng phi lao rì rào ngoài kia. Da thịt của trai và gái khi áp vào nhau sao mà êm ái, có muôn ngàn nốt nhạc đang từ Nhật bay sang tôi, có muôn ngàn nốt nhạc bay từ tôi sang Nhật. Khi lấy lại được hơi thở, tôi ngượng ngùng, hí hửng: “Vậy là từ nay có thể mô tả cảnh hôn nhau được rồi”. Nhật bật cười, âu yếm gãi gãi vào mũi tôi: “Muốn trải nghiệm cảm giác của cá rán thì cứ nhảy vào chảo dầu đi, hóa thành cá lóc chiên xù đừng trách à nghen!”.

Anh xoay người cho tôi nhìn ra biển. Biển rộng quá. Anh không thể biết tôi đã nghĩ gì khi cùng anh ngồi thuyền trên mặt biển. Biển mênh mông và không hề gò bó, biển chứa đựng nguồn sống và ẩn tàng cả cái chết, biển gợi nên bao ý tưởng về cuộc đời này, những điều ấy tôi đã cảm nhận khi ở bên anh. Tôi không cần giải thích với chú hay bất cứ ai điều đó. Cả với anh cũng vậy, như anh nói, cuộc đời này là để sống chứ không phải để loay hoay giải thích. Quay lại, tôi choàng ôm lấy anh lần nữa. Anh dịu dàng: “Nhím con, ai có thể yêu em mà không bị thương? Tất nhiên là anh rồi!”.

Hai mươi năm sau tôi mới lấy chồng. Cứ nghĩ sẽ sống một mình với trang viết trọn đời, nhưng năm bốn mươi lăm tuổi tôi gặp nhân duyên trong một lần đi dự hội thảo ở nước ngoài. Không còn nhiều thời gian nên mọi chuyện xảy ra chóng vánh. Trước ngày cưới, tôi vào Sài Gòn làm thủ tục. Có người rủ đi Vũng Tàu chơi. Tôi từ chối. Tối hôm ấy bỗng nhiên trong tôi tái hiện biết bao nhiêu hình ảnh đã quên. Tôi chợt muốn gặp lại anh, gặp lại chú, những người đầu tiên mà tôi gặp trên đường cầm bút.

Chú bây giờ ở Sài Gòn, trong một ngôi nhà tại quận Bình Thạnh, cùng với gia đình đứa con gái từ Mỹ nay đã về định cư ở Việt Nam. Tôi ngồi chờ ở phòng khách. Cô con gái dẫn bố ra, chú nhìn tôi, mắt mở to nhìn rất lâu: “Cô là ai?”.

Tôi lặng người, thầm nghĩ: “Không lẽ mình đã đổi thay nhiều đến thế?”.

Nhưng cô con gái đã giải thích: “Ba em bị chứng Alzheimer ba năm nay rồi, không nhớ gì cả!”.

Trên đường về, tôi vào một quán cà phê, ngồi một góc nghe tiếng dương cầm. Cuộc gặp chú làm tôi thầm cân nhắc, có nên gặp Nhật không?

Nhiều năm qua, Nhật đã thành một nhà văn rất nổi tiếng. Chúng tôi thỉnh thoảng đọc nhau qua sách báo, thỉnh thoảng cũng trao đổi thư từ. Tình yêu đã sôi nổi một thời rồi lắng xuống, nhưng suốt hai mươi năm, tôi không thể phủ nhận rằng rất nhiều khi tôi viết chỉ vì muốn Nhật nhìn thấy tên mình trên mặt báo.

Nhạc rất mềm thấm vào tim tôi. Serenade (See-zơ-niet)rồi Plaisir d’Amour (plaay sơ da mơ) rồi Kỷ niệm… Tôi nghĩ: Không phải tìm gặp Nhật nữa. Phần cuộc sống ngoài đời, chúng tôi không thuộc về nhau. Nhưng anh luôn ở đây với tôi, trong tâm thức về biển cả. 

Ngay cả khi tôi tưởng đã quên rồi.

Exit mobile version