Minh Giám là gương sáng, ông mãi mãi là gương sáng về sự cần cù tận tụy vô vị lợi của một nhà văn làm việc như một người thợ chăm chỉ xây đắp nền văn chương học thuật nước nhà. Dù gương có lúc bị phủ bụi mờ, nhưng phủi bụi rồi thì gương vẫn sáng trong như cũ…
(Nhà văn Chu Thiên)
Tôi vốn thích môn Hán Nôm và lịch sử, nên từ nhỏ đã say mê đọc những tác phẩm của Chu Thiên như Bút nghiên, Nhà nho, Bà Quận Mỹ, Tuyết Giang Phu Tử, Cháy cung Chương Võ, Thoát cung vua Mạc… Đáng phục làm sao khối vốn sống đồ sộ của nhà văn về sinh hoạt Nho học thời xưa cũng như kiến thức lịch sử uyên thâm của ông. Tác phẩm có nhiều chi tiết phong phú đến nỗi thành ra dàn trải, lê thê. Hèn chi nhà phê bình Vũ Ngọc Phantrong Nhà văn hiện đại đã xếp Bút nghiên, Nhà nho vào loại “tiểu thuyết phóng sự”. Nhưng đối với tôi thì không hề chi vì ngoài hứng thú đọc tiểu thuyết tôi còn muốn tìm hiểu về lối sống Việt Nam qua những tư liệu dân tộc học, xã hội học la liệt trong sách. Ngoài ra, cái đáng quý nhất là nhà văn thông qua những tấm gương tôn sư trọng đạo, tiết tháo liêm khiết của người xưa đã truyền cho tôi những gì là tinh hoa trong tư tưởng, tình cảm, tâm lý của con người Việt Nam, đánh thức hồn dân tộc đã ngủ thiếp trong lòng một số đông người đang sống dưới ách thống trị của thực dân Pháp, cam tâm làm nô lệ cho chúng. Trước đây có người từng gán cho Bút Nghiên, Nhà Nho… cái khuynh hướng “phục cổ”, tôi nghĩ không đúng. “Phục cổ” là phục hồi những gì cổ hủ, lạc hậu của quá khứ đã từng bị luật tiến hóa đào thải nhằm phục vụ cho âm mưu của thực dân Pháp và phát xít Nhật lợi dụng những tư tưởng quan điểm phong kiến phản động lừa mị dân chống lại cách mạng; còn đây là giới thiệu lại những gì là tinh hoa cổ truyền của ông cha giúp cho con cháu sau này không đến nỗi mất gốc. Hiện nay chúng ta rất coi trọng việc giáo dục truyền thống, cho nên mặc dầu có những điểm hạn chế nhất định, những tác phẩm của Chu Thiên vẫn là những công trình mở đầu khai phá trên lĩnh vực này, một công việc mà nhà văn âm thầm tiến hành một mình, không được sự chỉ đạo và hỗ trợ nào.
Lúc đầu tôi còn ngạc nhiên về sự am hiểu tường tận của nhà văn về đời sống các nhà Nho, nhưng đến khi được nghe Chu Thiên kể chuyện tôi mới hiểu nhà văn đã tắm mình trong không khí cửa Khổng sân Trình từ nhỏ, môi trường Nho học đã tạo nên tư tưởng nhân cách và cả tài năng văn học của nhà văn. Chu Thiên sống trong một gia đình có truyền thống học vấn ở thôn Đô Hoàng, xã Phú Khê, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, một nhà mà – như người ta nói -chỉ cần nhặt những chữ rơi rụng ở ngạch cửa mà học cũng đủ giỏi rồi. Vùng này cũng là quê hương của những câu chuyện giai thoại về học hành, khoa cử và thơ văn, câu đối ứng đáp tài tình. Từ nhỏ tôi được nghe những mẩu chuyện như ông biện lý La Ngạn Đỗ Huy Uyển dạy con học, ông bắt gác hai thân cây chuối lên xà nhà để con ngồi học nếu ngủ gật một cái là lăn ngay xuống đất. Khi ông đi làm quan xa, bà vợ ở nhà cho con đến học một vị đại khoa trong vùng, ông về thấy vậy gắt ầm lên bảo gọi nó về ngay, cho nó học ở trường ấy, chỉ tổ dốt thêm mà thôi. Sau đó con ông thi đỗ hoàng giáp tức là Hoàng giáp Liêu. Hai cha con cùng hay chữ, mỗi khi có người đến xin câu đối thì ông lại đem ra bàn bạc với con, nhiều người đến xin câu đối nhưng tối đến lại nấp rình nghe xem hai cha con bàn định câu đối gì, sáng hôm sau cứ dùng câu ấy để quịt tiền “nhuận bút”. Chuyện hai chú cháu ông Hoàng Văn Tuấn và Hoàng Đăng Cẩn cùng đi thi, ông Cẩn điểm cao hơn nhưng quan trường thấy có chú cùng đi thi nên bắt cháu nhường cho chú đỗ giải nguyên. Chuyện ông Hoàng Kim Chung (thường gọi là cụ đốc Phú Khê) đi thi hội nhưng bài thi không được một phân nào, vua bắt mang tấm biển đề bốn chữ “bất cập nhất phân”về làng. Những giai thoại này không biết thực hay hư chỉ biết cụ Hoàng Văn Tuấn (1823-1892) ông của Chu Thiên đỗ giải nguyên khoa Bính Tý (1878). Cụ giữ chức tri huyện Nam Sang (tức Lý Nhân, Hà Nam), nhưng bất bình vì triều đình nhà Nguyễn mục nát nên cáo quan về làng
Năm 1873, khi quân Pháp tiến đánh Bắc kỳ lần thứ nhất, cụ đã cùng một số văn thân trong huyện mộ quân đánh giặc. Nhưng triều đình Huế ký điều ước 1874, buộc cụ phải giải tán nghĩa quân. Thực dân Pháp đánh Bắc kỳ lần thứ hai, cụ lại tụ tập nhân dân đứng lên đánh giặc. Nghĩa quân của cụ đã đánh lấy lại được thành Phủ Lý và đánh úp được một đoàn thuyền của giặc Pháp ở trên sông Đáy, gần bến đò Khuốt. Về sau, cụ bị giặc lừa bắt và giam giữ ở tỉnh Ninh Bình. Cụ đợi ngày giặc đưa đi đày Côn Đảo thì được một người quen vận động Pháp thả về, nhưng bị quản thúc ở làng. Được ít lâu cụ mất
Khi bị triệu ra làm quan, cụ không ra, vì lúc ấy triều đình đã thỏa hiệp với Pháp, cụ làm bài thơ Không ra làm quan, nguyên văn như sau:
Chẳng thiêng cũng thể bụt chúa nhà,
Sao phải ra đường lạy Thích Ca.
Làm tốt cho người, người chẳng thiết,
Kể ơn với bợm, bợm không tha,
Tìm đường khôn khéo càng thêm bận,
Mượn bước công danh ngại chóng già.
Sự nghiệp chẳng qua ăn với ngủ,
Học thêm mấy chữ để ngâm nga.
Khi bị giặc bắt giam ở đền Quán Thánh, cụ làm bài thơ chữ Hán Ngục trung bất thụy (Trong nhà giam không ngủ), được Chu Thiên dịch nôm như sau:
Gió mưa buồn thảm kéo đêm dài,
Tiếng dế quanh nhà váng cả tai.
Sách nát khôn nhờ đưa ngủ tới.
Rượu nồng khó át rét ra oai.
Đường mê vị tất nay là đúng,
Lối mộng sao đành bảo trước sai.
Nghĩ lại trăm năm đều mộng cả,
Tiếng gà giục sáng rộn bên ngoài.
Ngụ ý bài này trả lời bọn nhà nho bạn cũ, nhưng đã là tay sai cho Pháp, gửi sách và rượu cho cụ và khuyên cụ đừng mơ mộng nữa, nên quay lại thỏa hiệp với Pháp. Cụ kết luận vẫn tin tưởng vào sức chiến đấu bên ngoài.
Khi Hoàng giáp Tam đăng Phạm Văn Nghị – người từng kéo quân nghĩa dũng vào Đà Nẵng đánh Pháp và sau đó lập căn cứ chống Pháp ở núi An Hòa, Nam Định – qua đời,Hoàng Văn Tuấn làm câu đối điếu như sau:
Văn vị táng thiên, sinh Phạm lão,
Vũ vô dụng địa, tử Nhan khanh.
(Trời chửa chôn văn, sinh cụ Phạm.
Đất không dùng võ, chết chàng Nhan)
Phạm là Phạm Trọng Yêm, một danh nho đời Tống. Nhan là Nhan Chân Khanhđời Đường, đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức hữu thừa tướng. Đời Đức Tông. Lý Hy Liệt làm phản, ông phải đi chiêu dụ bị Hy Liệt bắt hiếp, ông không theo, bị giết.
Khi Thiên hộ Giảng – người vùng Nho Quan, từng giúp nhiều công của vào việc đánh Pháp cứu dân – bị giặc bắt xử tử ở Ninh Bình khoảng năm 1868 (?), Hoàng Văn Tuấn làm câu đối điếu như sau:
Thúy sơn đồng ngã chẩm, nhật thuyết sự, dạ đàm tâm,
tâm sự bách niên do ký ức.
Vân thủy tống quân quy, địa minh lôi, thiên thùy vũ, vũ
lôi nhất trận bội thê lương.
(Núi Thúy cùng ta chung gối, ngày bàn việc, tối ngỏ lòng, tâm sự việc trăm năm ghi nhớ mãi,
Sông Vân đưa bác trở về, trời đổ mưa, đất dậy sấm, sấm mưa một trận xót thương thêm).
Ông Hoàng Hồ cũng người họ Hoàng ở Phú Khê, thuở nhỏ chơi đùa với trẻ hay hò reo, lớn lên thường tuyên truyền cách mạng và hô hào trường kỳ chống Pháp, lại vì thi đỗ tú tài rất sớm, nên người trong vùng quen gọi là cậu Tú Hò.
Thân sinh Hoàng Hồ là Hoàng Kim Chung, đỗ cử nhân, làm huấn đạo thời Tự Đức, thấy thời cục rối ren nên cáo bệnh bỏ quan về quê nhà mở trường dạy học. Sĩ tử đông, thành đạt nhiều. Chú ruột Hoàng Hồ là Hoàng Cán, đỗ hai khoa tú tài, thường gọi là Kép Cán, cũng theo chí anh, không ra làm quan.
Hoàng Hồ vốn thông minh, lại nhờ cha chú dạy bảo, mười hai mười ba tuổi, văn đã đủ lối, sở trường về Đường luật.
Một hôm, ông mền Lê Văn Sĩ (đỗ ba khoa tú tài) và ông tú Lê Trác Lập người xã Kim Lũ, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, đến thăm trường ông huấn thân sinh Hồ, gặp ngay lúc đang tập văn nhật khắc. Trong khi ba ông đang trò chuyện, bỗng thấy cậu học trò nhỏ đệ quyển sớm nhất trường, ông tú tay đỡ lấy quyển đưa trình ông mền, mắt liếc ra bóng nắng ngoài hiên nói:
– À cháu Hò, mới đầu giờ mùi, sao nộp quyển vội thế?
Rồi xoa đầu cậu và trỏ lên bức tranh tam đa treo trên tường, bảo:
– Cháu Hò hãy vịnh bức tranh tam đa này thử coi; dùng luật ngũ ngôn cho phóng vận.
Bé Hò khoanh tay đứng nghĩ một lúc rồi xin đọc:
Vô tâm đồ phú quý,
Hữu phúc khán nhi tôn.
Tuế nguyệt tràng như thử,
Đắc ý phục hà ngôn!
Vô tâm mưu phú quý (Phúc)
Có phúc, coi cháu con (Lộc)
Năm tháng dài như thế (Thọ)
Đắc ý nói gì hơn!
Ông mền nghe xong, đặt quyển xuống chiếu, nhìn thẳng vào bé Hò khen:
– Thơ cháu viết cũng thông: ba câu trên vẽ rõ được ba ông Phúc, Lộc, Thọ, đắc thể lắm! Câu kết khéo mượn ý ba câu trên tô điểm cho thành bài, dùng lối tiểu xảo để buộc quan trường phải khuyên: “đắc ý” kiếm một “khuyên”, “phục hà ngôn” ít nhất là ba “khuyên”, văn trường thế là thừa đỗ. Xem ra sức học cháu ngang với cháu Vị bên nhà: văn viết xuôi, chữ sáng sủa. Khoa thi tới này, nếu cháu đi thi, bác cũng bảo em Vị đi theo, có anh có em cho vui. Có điều cháu đáng phải khiển trách: mới đầu giờ mùi đã nộp quyển, sớm quá thế là khinh xuất, không nên. Phép vào trường lúc nào cũng phải cẩn trọng: sau khi biên đầu đề, hãy tìm xem có mẹo lừa gì không, soát lại từng chữ cho khỏi có sai suyển, trông ra thấy lác đác có người nộp quyển, mình vẫn điềm nhiên kiểm lại quyển mình. Chính bác mấy khoa trước cũng vì hấp tấp vào trường viết văn cho chóng xong, nộp quyển đầu tiên, nên mấy khoa phải ra bảng con. Mấy khoa sau cẩn thận hơn, mới đậu liền ba lần tú tài.
Quả nhiên ra thi hạch, Hồ đỗ tỉnh nguyên tỉnh Nam Định, Vị đỗ tỉnh nguyên tỉnh Hà Nam, và hai bên cùng nhau xuống thi hương ở trường Nam.
Thi xong, về nhà (quê Hồ và quê Vị tuy khác tỉnh nhưng chỉ cách nhau vài cánh đồng), một hôm chiều mát, hai cậu cùng lũ trẻ câu nhái ở bờ ao, bỗng có người học trò đi xem bảng về báo tin:
– Hai cậu đều đỗ tú tài, cậu Vị đỗ thứ hai, cậu Hồ đỗ thứ ba. Cánh sĩ tử trường Nam đồn: đáng lẽ hai cậu đỗ cử nhân kia đấy, song vì còn ít tuổi quá, nên quan trường đánh xuống tú tài để hạ bớt khí kiêu căng. Và họ lại ca tụng văn hai cậu đanh thép lắm!
Hồ mỉm cười, ngâm:
Phú Khê văn thép, Kim Lũ văn vàng
Hai tú, một tí Thiên hạ ai đương.
Sau Hồ và Vị nuôi chí đi Đông du cầu học hưởng ứng lời kêu gọi của Phan Bội Châu. Ngặt vì nhà nghèo quá nên chí không toại. Hai người phải ngầm lên châu Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, mưu với quan lang Quách Vị lập ra hội kín là “Hòa Bình Hiệp Hội” (nguyên trước là Hòa Đồng Hiệp Hội) tới khi Quách Vị lãnh chức chánh lang quan thăng tuần phủ Hòa Bình, hội khuyếch trương thanh thế. Vị có người cháu là hiệu trưởng trường Đông Lỗ, Vĩnh Yên, gặp Nguyễn Thái Học ở Giã Bàng (cầu Lác) nơi giáp giới phủ Vĩnh Tường và huyện Yên Lạc, đưa Nguyễn lên Hòa Bình giới thiệu với Quách, lập ra Việt Nam Quốc Dân Đảng để hoạt động ở miền trung châu, phối hợp với Hòa Bình Hiệp Hội trên thượng du.
Con trai Hồ là nhà văn Hoàng Phạm Trân, bút hiệu Nhượng Tống, được hiệu trưởng trường Đông Lỗ giới thiệu với Nguyễn Thái Học. Sau khi khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Nhượng Tống bị Pháp bắt cùng với chú là Hoàng Trác và bị đày đi Côn Đảo hơn ba năm mới được tha về. Trong thời kỳ hoạt động văn học công khai, Nhượng Tống đã viết tiểu thuyết Lan Hữu và dịch những tác phẩm văn học cổ điển Trung Quốc như Nam Hoa Kinh của Trang Tử, Ly Tao của Khuất Nguyên,Sử Ký Tư Mã Thiên, Thơ Đỗ Phủ, Tây Sương Ký của Vương Thực Phủ, nổi tiếng là một cây bút dịch thuật tài hoa.
Sở dĩ tôi phải nói dài dòng về gia thế Chu Thiên chỉ cốt để chứng minh mấy điều: vốn sống và kiến thức mà Chu Thiên thu thập được để sáng tác, được thu thập trước hết ngay từ trong gia đình mình – từ những buổi hầu trà hầu rượu các bậc cha chú, nghe câu chuyện các vị kể với nhau, từ những cảnh, những việc quan sát được trong trường học do ông, cha mình dạy mà mình là một học sinh, từ những cuốn sách chép tay tìm thấy trong thư viện gia đình… Thứ hai nữa,Chu Thiên chính là một “cừu gia tử đệ”: ông, bác, cha, chú, anh… đều tham gia những phong trào yêu nước chống Pháp, như vậy hẳn ông viết văn nhằm mục đích cổ vũ cho tinh thần yêu nước chứ không làm công cụ mị dân của thực dân, phát xít chủ trương phong trào “phục cổ” để mê hoặc nhân dân ta.
Bút nghiên lúc đầu xuất hiện dưới dạng từng truyện ngắn trên báo Tri tân. Sau khi in thành sách, trên Tri tân lại đăng bài phê bình của Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng, trong có đoạn viết: “Có người bàn rằng lúc này là lúc vận hội khai thông, sao còn đem những chuyện cổ hủ ấy, những chuyện cũ rích ấy ra làm gì! Nhưng thiên kiến tôi chính lúc này lại cần có một quyển sách nói rõ về “nhà nho” để phân biệt thế nào là “chân nho” và “ngụy nho”.
Trong ngót 400 trang giấy, dưới ngòi bút chắc chắn và linh hoạt của ông Chu Thiên, ta thấy phơi ra những hoàn cảnh, những hành vi của nhà nho, nhắc lại những bổn phận mà ngày nay ít ai nghĩ đến: “phận sự học trò đối với thầy”.
Và, cái tình sư đệ ngày xưa cao lắm nên quý lắm, kẻ đệ tử một khi ở nhà thầy đào tạo mà theo được hết điều nghĩa lý của Thánh Hiền dạy bảo là yên trí sẽ thành người đủ tài để giúp vua giúp nước.
Hơn nữa các ông thầy khi xưa lại là những “nhà nho” biết “tu thân” mình trước rồi mới thiết trường dạy học, “năm nắm nơm nớp” bao giờ cũng lo làm sáng đạo Thánh Hiền và duy trì lễ giáo”.
Ý kiến của một người xuất thân từ Khổng sân Trình như Tiên Đàm rất xác đáng. Tôi nghĩ vấn đề “chân nho” và “ngụy nho” mà Chu Thiên đặt ra rất có ý nghĩa đối với đương thời. Cứ xem như có những nhà nho ban đầu yêu nước như Dương Bá Trạc mà lúc đó cũng bị mê hoặc bởi “chính sách Đại Đông Á” của phát xít Nhật, cùng Trần Trọng Kim (nhà học giả viết bộ sách Nho giáo dày cộp) được phát xít Nhật mua chuộc, đưa sang đảo Chiêu Nam, Dương Bá Trạc mất ở bên đó cònTrần Trọng Kim sau về nước làm thủ tướng chính phủ bù nhìn tay sai cho phát xít Nhật; thì đủ rõ. Ngay Chu Thiên và Nhượng Tống là hai anh em con chú bác, cũng mỗi người đi một đường, đủ thấy sự phân hóa trong tầng lớp nhà nho vào “đêm trước” của Cách mạng Tháng Tám là rất dữ dội.
Vũ Ngọc Phan viết trong Nhà văn hiện đại: “Về đường nghệ thuật, nếu xét về phương diện tiểu thuyết, Bút nghiên không bằng được quyển Lều chõng của Ngô Tất Tố, nhưng về mặt khảo cứu về những cách học hành của cha ông chúng ta thuở xưa thì Bút nghiên cũng khá đầy đủ”.
Vũ Ngọc Phan so sánh như vậy là chưa đầy đủ. Bút nghiên không chỉ không bằng Lều chõng về phương diện tiểu thuyết mà còn cả về phương diện tư tưởng của tác phẩm. Ngô Tất Tố lên án chế độ khoa cử, còn Chu Thiên vẫn có cảm tình với chế độ ấy, như chính Vũ Ngọc Phan đã nhận thấy “Một cậu học trò chăm học và thông minh lấy được vợ đẹp và đỗ sớm”.
Trong Mợ tú Tấn (Tam kỳ thư xã, 1944), ông đồ Bính nghèo, đi dạy học nuôi thân, nhưng cuối cùng vẫn đỗ được cử nhân, con gái ông là cô Thịnh, lấy chồng là một anh Khóa nghèo, cuối cùng cũng đỗ được tú tài. Cô Thịnh đã gánh vác gia đình giúp cha sau khi mẹ chết, đến khi lấy chồng lại thay chồng lo ma chay cho mẹ chồng. Chu Thiên viết trong lời tựa: “Ở lúc thường cũng như lúc biến, người đàn bà cổ đều tỏ ra có một tinh thần cương quyết và nhẫn nại, không bị ngoại cảnh lay chuyển được lòng, không vì nguy hiểm lùi chân, ngã chí. Như thế, phải chăng là do chế độ giáo dục của nhà Nho và hoàn cảnh xã hội đương thời?
… Ở đây, chúng tôi chỉ vẽ lại cái đời sống của người đàn bà cổ với mọi chi tiết của nó. Chúng tôi không có ý đem nó ra làm gương cho các bạn gái ngày nay. Mỗi thời một khác. Thời đại mới, nhu cầu mới, tất nhiên cách ăn ở, làm lụng cũng phải đổi mới theo. Ngày nay chúng ta đã mặc quần trắng, đi ô màu, thì cái nón thúng quai thao, đôi dép cong quai chéo, không còn một vẻ đẹp gì với ta nữa. Những thứ ấy cũng như công việc hàng ngày của ta, chỉ là những hình thức bề ngoài thôi. Những hình thức phải tùy thời, tùy hoàn cảnh mà luôn luôn thay đổi để thích hợp với cuộc tiến hóa bằng người.
Nhưng ít ra, cái tinh thần mãnh liệt của người xưa, cũng phải cho ta ít nhiều suy nghĩ… Mà cái tinh thần ấy, tuy nhất thời bị những lớp trào lưu ngoại lai tràn lấp đi, nhưng do nơi huyết thống di truyền, vẫn còn tiềm ẩn trong lớp người chúng ta bây giờ và sau này. Một khi sóng im nước lặng, nhờ được hoàn cảnh và nhân công rèn rũa, cái tinh thần ấy sẽ lại có ngày xuất hiện, mãnh liệt hơn và sáng suốt hơn.
Phải chăng ở phía chân trời đen nghịt kia đã có một ngấn chỉ hồng báo ngày mai tươi đẹp”.
Với câu cuối cùng, Chu Thiên đã dự báo cuộc cách mạng sắp sửa nổ ra. Như vậy, Chu Thiên vì muốn khêu gợi truyền thống dân tộc chống lại sự nô dịch và lừa bịp của thực dân Pháp và phát xít Nhật lúc bấy giờ và trung thành với chủ trương “văn dĩ tải đạo” của nhà nho, nên đã hy sinh về phương diện nghệ thuật của tiểu thuyết, điều đó Vũ Ngọc Phankhông nhận ra, hoặc không dám nói ra lúc bấy giờ.
Nói về mặt tiểu thuyết thì Nhà nho còn yếu hơn cả Bút nghiên, nên chỉ có thể coi là tiểu thuyết phóng sự. Về tiểu thuyết lịch sử, vì Chu Thiên nặng về biên khảo, không mạnh dạn hư cấu, nên cuốn Lê Thái Tổ vì đã có nhiều ghi chép trong chính sử nên khi ông đem viết thành tiểu thuyết, không mấy thành công. Bù lại, ông phải mượn những câu chuyện mà chính sử ghi chép sơ sài như Bà Quận Mỹ(vợ Bùi Văn Khuê đời Mạc), Thoát cung vua Mạc, về Mạc Mậu Hợp và Cháy cung Chương Võ (về Nguyễn Nộn tướng nhà Lý chống lại nhà Trần mới lên), để có thể thêm thắt tô vẽ ít nhiều vào câu chuyện. Do đó mà khi viết Bóng nước Hồ Gươm, cả bộ sách giống như một cuốn sưu tầm sử liệu giai thoại gắn kết vào với nhau mà thiếu nhân vật chính sự kiện chính chạy xuyên suốt để thể hiện chủ đề. Cũng vì vậy, cuốn Lê Thánh Tông, ông chỉ viết theo dạng biên khảo.
Bên dưới bút danh Chu Thiên, Vũ Ngọc Phan ghi tên thật nhà văn là Hoàng Minh Giámtrong hai ngoặc đơn. Ban đầu tôi cứ tưởng ông là Hoàng Minh Giám hiệu trưởng Trường trung học Thăng Long được ghi trong danh sách giáo viên nhà trường đăng báo Ngày nay. Tôi hỏi cha tôi, cha tôi bảo ông Hoàng Minh Giámdạy trường Thăng Long là ông Hoàng Minh Giám khác, người làng Đông Ngạc huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông, con cụ Phó bảng Hoàng Tăng Bí. Còn ông Chu Thiên là người Phú Khê, huyện Ý Yên, Nam Định, ông tên Giám lấy hiệu Chu Thiên, do chữ “Giám chi chu thiên” nghĩa là “xem xét khắp cả vòng trời”.
Đến kháng chiến chống Pháp, bẵng đi một thời gian dài tôi không nghe nói gì vềChu Thiên. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, giặc Pháp rút chạy khỏi thị xã Phủ Lý, bộ đội chúng tôi lên đường vào tiếp quản thị xã. Một hôm dừng chân trên một quán ven đường, tôi gặp một đoàn cán bộ ngành giáo dục cũng về tiếp quản thị xã, trong số đó có một người gầy gò, mặc quần áo nâu nhưng vẫn toát ra phong thái nho nhã pha trộn hài hòa giữa chất nhà giáo và chất cán bộ kháng chiến. Một thành viên trong đoàn là giáo sư Phùng Văn Cốc – người từng dạy tôi học trung học ở Bình Lục trước đó – cho tôi biết người gầy gò nho nhã đó là nhà văn Chu Thiên, hiện là trưởng ty giáo dục Hà Nam. Tôi sửng sốt không ngờ lại được gặp nhà văn mà mình yêu mến bấy lâu trong hoàn cảnh đặc biệt như thế này. Tôi lắng nghe từng lời điềm đạm của ông nói về triển vọng của tình hình chiến sự như nghe một thầy giáo giảng bài. Ông tin rằng sớm muộn ta cũng sẽ về tiếp quản thành phố Nam Định – quê hương thân yêu của ông, đó cũng là nơi tôi đã để lại nhiều kỷ niệm thời thơ ấu. Lúc đó mới là tháng 6 năm 1954, còn chờ tin tức về Hội Nghị Trung Giã và Hội Nghị Giơnevơ nên chúng tôi chưa dám nói gì nhiều về triển vọng giải phóng thủ đô Hà Nội nhưng trong thâm tâm chúng tôi đã linh cảm thấy trước Ngày về bát ngát cờ sao…
Sau buổi gặp gỡ thoáng chốc ở quán ven đường, mãi đến năm 1960, tôi mới được gặp Chu Thiên ở cơ quan Sở Văn hóa Hà Nội. Hồi đó nhà thơ Chu Hà (tức là Lã Xuân Choát, cháu nội cụ phó bảng Lã Xuân Oai, cùng quê hương Ý Yên vớiChu Thiên) có mời Chu Thiên viết cuốn Hùng khí Thăng Long kể về những sự tích anh hùng của thủ đô Hà Nội cho phòng Văn Nghệ Sở Văn hóa xuất bản. Đọc những mẩu chuyện trong tập sách mỏng ấy tôi hết sức cảm động vì thấy nhà văn lại trở về với cái nghiệp sáng tác của mình. Lúc ấy tôi đâu ngờ từ những mẩu chuyện ghi chép ban đầu ấy, nhà văn đã ấp ủ một công trình dài hơi hàng nghìn trang, đó là bộ tiểu thuyết lịch sử Bóng Nước Hồ Gươm.
Cũng trong thời gian ấy, nhà văn Chu Thiên đã góp phần biên soạn và dịch thơ trong cuốn hợp tuyển Thơ Văn Yêu Nước nửa sau thế kỷ XIX (1858-1900). Tôi nghĩ rằng nếu không có sự cộng tác của Chu Thiên thì trong hợp tuyển này khó lòng có thơ văn của những tác giả quê Nam Định như Lã Xuân Oai, Đỗ Huy Liêu, Hoàng Văn Tuấn, Trần Bích San, Vũ Công Tự… Ngoài ra ông còn sưu tầm và dịch thơ của nhiều tác gia quê các địa phương khác. Có thể nói Chu Thiên là linh hồn của nhóm biên soạn Thơ Văn Yêu Nước nửa sau thế kỷ XIX.
Mấy năm sau, tôi chịu trách nhiệm biên tập bộ sách Danh Nhân Hà Nội, người đầu tiên tôi mời viết bài là Chu Thiên. Nhưng hỡi ôi, khi tôi đến nhà riêng tìm ông thì thấy ông mắc bệnh, đã mất trí nhớ rồi. Tôi thầm tiếc giá như mình đến sớm hơn một năm thì biết đâu Chu Thiên chẳng đóng góp được nhiều bài viết hay, độc đáo về một số danh nhân Hà Nội mà ông đã có công phu sưu tầm, nghiên cứu. Tôi nhớ lại trước đây nhà nghiên cứu Sở Bảo Doãn Kế Thiện cũng đã từng gợi ý mời anh em ở Sở Văn hóa Hà Nội đến, cụ sẽ đọc cho ghi chép một số tài liệu liên quan đến Hà Nội vì cụ đã yếu lắm rồi không ngồi viết được nữa. Chúng tôi cứ lần lữa mãi không đến, tới khi tìm đến thì cụ đã ra người thiên cổ. Cũng may mà trước khi qua đời, cụ còn để lại tác phẩm Cổ Tích và Thắng Cảnh Thủ Đô.
Sau khi đến mời Chu Thiên, tôi còn đến mời các cụ Hoàng Ngọc Phách, Phùng Bảo Thạch… nhưng tới nhà thì các cụ cũng vừa từ trần. May mắn còn gặp được các cụ Lê Thước, Trần Văn Giáp, Hoa Bằng, Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng… nhưng khi giao xong bài, sách chưa in xong, các cụ đều lần lượt qua đời. Khi sách in ra, tôi chỉ còn cách đặt sách lên bàn thờ, thắp hương vái lạy khấn các cụ về chứng giám mà thôi!
Không lấy được bài mới của Chu Thiên, tôi chỉ còn cách lấy ra bài viết về Lê Đình Diêntrong cuốn Hùng Khí Thăng Long, đưa vào cuốn Danh Nhân Hà Nộiđể vẫn có mặt Chu Thiên trong bộ sách này.
Mấy hôm sau, tôi gặp nhà thơ Quang Dũng, khi ấy đang là cán bộ biên tập văn xuôi Nhà xuất bản Văn Học. Anh kể cho tôi nghe anh đang biên tập bản thảoBóng Nước Hồ Gươmcủa Chu Thiên, có nhiều điểm cần trao đổi thêm với tác giả, nhưng vì Chu Thiên đã mất trí nhớ không thể tự mình sửa chữa bản thảo, nên anh đành phải đảm nhiệm công việc ấy. Quang Dũng đã sửa chữa bản thảo thật kỹ lưỡng, anh còn viết lại đoạn kết dùm cho Chu Thiên, nhưng đến khi tác phẩm in ra, anh trả toàn bộ tiền bản quyền tác giả cho Chu Thiên mà không nhận một đồng thù lao nào. Sở dĩ anh làm như vậy vì anh không muốn tác phẩm chứa đựng tâm huyết một đời của nhà văn Chu Thiên bị mai một đi.
Khi sách in ra, tôi cùng bác Chu Hà đến thăm Chu Thiên. Nhà văn vẫn nhận ra chúng tôi và lấy sách ký tặng chúng tôi nhưng vì đã quên mất mặt chữ quốc ngữ nên ông bảo con trai viết dùm mấy dòng chữ Thân tặng… ra một tờ giấy, ông bắt chước dòng chữ viết trên tờ giấy mà viết vào quyển sách. Nhìn một nhà trí thức Nho Pháp kiêm thông mà bây giờ phải chép từng chữ như đứa trẻ học vỡ lòng, trong tôi bỗng dấy lên một niềm đau xót! Nếu bộ sách Bóng nước Hồ Gươm không ra đời được thì niềm ân hận còn to lớn biết bao nhiêu!
Ấy thế mà vẫn chưa xong! Nhân trong bộ sách có chi tiết ông phó bảng Dương Danh Lậpngười làng Khắc Niệm (Bắc Ninh), khi làm Án sát đã sợ hãi vái lạy bọn Pháp lúc quân đội chúng kéo tới đánh thành, con cháu ông Lập đã làm đơn kiệnChu Thiên về tội vu khống cho ông cha họ, theo họ thì ông Dương Danh Lậpkhông hề khiếp nhược trước bọn Pháp. Trong số con cháu ông Lập có một nữ cán bộ Nhà xuất bản Văn Học, chồng là một nhà thơ lão thành nổi tiếng, nhà thơ lại là người rất thân với anh Quang Dũng và tôi. Chúng tôi đành ra sức dàn xếp vụ này cho êm xuôi, lấy cớ rằng nếu Chu Thiên chưa mất trí nhớ thì có lẽ ông sẽ sửa lại chi tiết này, nhưng nay đã trót lỡ rồi cũng đừng làm to chuyện ra nữa. Trong bài nói về quá trình sáng tác vở kịch Khuất Nguyên, Quách Mạt Nhượccũng từng thanh minh là: Tống Ngọc không hề phản bội Khuất Nguyên là thầy mình nhưng vì muốn đề cao Khuất Nguyên nên tác giả buộc lòng phải mượn Tống Ngọc làm vật hiến tế lên bàn thờ Khuất Nguyên. Chu Thiên sở dĩ phải hạ thấp các nhân vật Dương Danh Lập, Nguyễn Đức Đạt… xuống một chút cũng chỉ là để đề cao những anh hùng nghĩa sĩ quyết tâm chống Pháp mà thôi. Cuối cùng vụ ấy cũng được bỏ qua, không ai nhắc đến nữa!
Sau khi vào công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, một lần tôi đọc báo Tuổi Trẻthấy có một bài chào mừng cuộc bầu cử Quốc hội khóa IV nói trong số đại biểu vừa được bầu có những văn nghệ sĩ như Tô Hoài, Chế Lan Viên, Chu Thiên… Lúc đầu tôi hơi sửng sốt nhưng sau vỡ lẽ ra, chẳng là tác giả bài báo đọc danh sách đại biểu thấy có tên Hoàng Minh Giámnên đinh ninh đó là Chu Thiên. Thì ra cái lầm lịch sử từ thời Nhà Văn Hiện Đại còn tồn tại dai dẳng đến bây giờ! Tôi gọi điện cho anh bạn Chánh Trinh, tác giả bài báo, nói về việc này, thoạt nghe anh Chánh Trinh vẫn còn bán tin bán nghi. Qua đó tôi rút ra một điều: Chu Thiêncó độc giả của mình, nhiều người quý mến ông đến nỗi nhớ cả tên thật của ông được ghi chú sơ sài trong một cuốn sách phê bình văn học và mỗi khi đọc đến tên nhà hoạt động chính trị xã hội Hoàng Minh Giám, được xuất hiện liên tục trong báo chí mấy chục năm qua, vẫn yên trí đó là Chu Thiên. Xưa nay chỉ có cái họa trùng bút hiệu, như hiện nay ở miền Nam có hai Thanh Giang, hai Nguyễn Thái Sơn…, nhưng đến cái họa trùng tên thì thật là quả hiếm có. Điều đó nhắc nhở chúng ta nên quan tâm giới thiệu tiểu sử các nhà văn chính xác và kỹ càng hơn nữa để tránh tình trạng đem râu ông nọ, cắm cằm bà kia, lẫn lộn người này với người kia, mặc dù những người ấy đang còn sống sờ sờ. Chớ nên để con cháu hàng trăm năm sau còn tốn giấy mực tranh luận về những vấn đề tương tự như hôm nay chúng ta đang bàn cãi: dịch giả bản Chinh Phụ Ngâm đang lưu hành là Đoàn Thị Điểmhay Phan Huy Ích, Hồ Xuân Hương là người thời cuối Lê hay thời Tự Đức, bà là nhà thơ chữ Hán hay chữ Nôm.v.v…
Khi ra Hà Nội họp Đại hội Nhà Văn Việt Nam lần thứ IV, tôi đã để ý tìm Chu Thiên nhưng không thấy, sau hỏi ra mới biết ông không nằm trong số đại biểu chính thức được bầu đi dự Đại Hội (lần đó bầu theo tỷ lệ 1/3). Nhưng đến khi bế mạc thì Ban tổ chức có mời một số nhà văn lão thành đi dự tiệc chiêu đãi của Trung ương Đảng ở một khách sạn ngoại ô. Lúc chúng tôi leo lên xe buýt đi đến khách sạn thì thấy trên xe có Chu Thiên. Ngồi bên tôi là nhà văn Sao Mai, người cùng quê Ý Yên, trước đây đã từng làm thư ký tòa soạn báoCông Dân ở Nam Định, tờ báo này có sự tham gia của Chu Thiên, Chu Hà, Trúc Đường(anh ruột của Nguyễn Bính), Trần Lê Văn, Bùi Hạnh Cẩn… Sao Mai gặp Chu Thiên vô cùng cảm động, nhớ lại những ngày sát cánh làm báo hồi kháng chiến chống Pháp ở Liên khu Ba nhưng lúc này Chu Thiên tinh thần cứ để ở đâu, lại có vẻ ngu ngơ hồn nhiên như trẻ thơ. Đến lúc về lại thấy Chu Thiên ở trên xe. Xe chỉ đưa khách từ các địa phương về họp đến chỗ nghỉ tại nhà khách Quốc hội thôi. Thấy Chu Thiên còn ở trên xe lúc mọi người đã xuống cả, tôi lo lắng không biết làm cách nào đưa được Chu Thiên về nhà riêng. Tôi bèn giới thiệu Chu Thiên với các đại biểu ở Hà Nội, có một nhà văn trẻ chưa biết mặt Chu Thiên mà chỉ nghe tên, xung phong chở nhà văn trên xe gắn máy về khu phố Mã Mây, nơi có nhà riêng của ông.
Từ đó tôi không gặp lại Chu Thiên nữa, sau được nghe tin ông đã qua đời ở Hà Nội ngày 1-6-1992. Tôi xúc động nghĩ không biết môn sinh của ông ở trường Đại học sư phạm Văn khoa và khoa Sử trường Đại học Tổng hợp có đến đông đủ dự lễ tang của thầy như môn sinh của ông Nghè Tâm trong Nhà nho không? Nhưng tôi vẫn tin rằng “Văn nhi vị táng dã quan thiên” (chưa mất tư văn đã có trời -Nguyễn Trãi, Trúc Khê dịch). Biết đâu chẳng có bạn trẻ dùng cỗ xe trí tuệ của mình chở tư tưởng tâm huyết của nhà văn đến những chân trời mới, xa hơn nữa.Minh Giám là gương sáng, ông mãi mãi là gương sáng về sự cần cù tận tụy vô vị lợi của một nhà văn làm việc như một người thợ chăm chỉ xây đắp nền văn chương học thuật nước nhà. Dù gương có lúc bị phủ bụi mờ, nhưng phủi bụi rồi thì gương vẫn sáng trong như cũ. Việc tái bản một số tác phẩm của Chu Thiênnhư Bút nghiên, Bà Quận Mỹ, Cháy cung Chương Võ, Thoát cung vua Mạc…càng chứng tỏ sức sống dai dẳng của ngòi bút ông bất chấp bệnh tật cũng như sự thiên lệch của người đời. Ông là hậu duệ xứng đáng của Nguyễn Bỉnh Khiêm- người mà ông đã trân trọng ghi chép về văn chương sự nghiệp trong cuốn sách Tuyết Giang Phu Tử.
Hoài Anh – Hội NV TP Hồ Chí Minh