+ Xin chào Chu Thanh Hương, trên đường đi làm mỗi sáng ở Hà Nội, gần đây, tôi chợt nhìn thấy các nữ cảnh sát giao thông với công việc điều khiển dòng người theo các hướng thật mềm mại và đẹp mắt, dường như những khó chịu về vấn nạn tắc đường đã được giảm xuống một tông vậy, đang học tập tại Hà Nội chắc hẳn chị cũng nhận thấy điều đó, chị có bình luận gì về những nữ đồng nghiệp của mình trên đường phố Thủ đô?

– Thực sự bản thân tôi cũng rất ấn tượng về hình ảnh của các chị, các bạn, các nữ đồng chí của mình khi tham gia điều khiển giao thông trên đường. Có thể dễ dàng nhận thấy là các nữ cảnh sát đã rất nghiêm túc, tích cực, nhiệt tình trong khi thực hiện nhiệm vụ, dù là giữa thời tiết đang trong đợt lạnh nhất, hay không khí ngột ngạt, nóng bỏng của phút cao điểm về giao thông trước cái nhìn tò mò, lạ lẫm và cả ngưỡng mộ của nhiều người. Các nữ cảnh sát giao thông đã bình tĩnh, tự tin, thực hiện đúng nhiệm vụ của mình, không thua gì các đồng nghiệp nam.

Tôi thực sự rất khâm phục và muốn gửi đến các chị, các bạn ấy những lời động viên chân thành. Chúc các chị phát huy hơn nữa bản lĩnh của mình, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

+ Bây giờ thì mọi người đều biết Chu Thanh Hương là một nữ chiến sĩ công an viết văn và từng đoạt nhiều giải thưởng, những điều đó có làm thay đổi tâm thế sống của chị không?

– Thực sự các giải thưởng đã mang đến cho tôi rất nhiều thứ, từ sự động viên khích lệ, cho đến việc được gặp gỡ quen biết nhiều cây bút nổi tiếng và nhất là sự quan tâm của độc giả. Qua đó tôi đã được học hỏi và mở mang rất nhiều. Nhưng tôi biết rất rõ giới hạn của bản thân mình, tôi vẫn chỉ là một người cầm bút vì đam mê và sở thích đã ăn sâu vào máu chứ không dám mơ mộng nhiều hơn đối với văn đàn. Vậy nên, sau tất cả, tôi nghĩ mình vẫn là mình, hoặc ít ra đó là lời nhận xét của anh Khổng Văn Chiến, biên tập viên của Nhà xuất bản Công an nhân dân, người đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong quá trình sáng tác tiểu thuyết “Hoa bay”. Sau khi đọc bản thảo một số tác phẩm mới của tôi, anh đã thẳng thắn chia sẻ như vậy.

– Sinh năm 1986 tại Tú Mịch – Lộc Bình – Lạng Sơn, là người dân tộc Tày.
– Năm 2006, tốt nghiệp Trường Trung học An ninh nhân dân 1, chị về công tác tại Công an tỉnh Lạng Sơn và làm việc tại đó cho đến nay.
– Giải A cuộc thi tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn phối hợp tổ chức với tiểu thuyết “Hoa bay”.
– Giải nhì cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi do NXB Kim Đồng và Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức.
– Tác giả kịch bản phim truyền hình nhiều tập “Sinh viên cảnh sát”.

+ Sau khi tiểu thuyết “Hoa bay” của chị giành giải A cuộc thi của Bộ Công an và Hội Nhà văn, nhiều người thắc mắc, không hiểu Chu Thanh Hương làm gì, ở đâu, chị có thể giúp họ giải tỏa thắc mắc này?

– Tôi vẫn là một trung úy Công an công tác tại phòng PX15 Công an tỉnh Lạng Sơn. Bên cạnh công việc chuyên môn, tôi vẫn cần mẫn sáng tác và đến nay cơ bản đã hoàn thành được một số tác phẩm, hi vọng sẽ sớm được ra mắt độc giả.

+ Được biết chị đang theo đuổi dự án viết kịch bản phim truyền hình, chị có thể chia sẻ về công việc mới này?

– Vâng, đó có lẽ là một duyên phận mới rất thú vị khác của tôi. Sau khi “Hoa bay” đạt giải trong cuộc thi tiểu thuyết, truyện và ký do Bộ Công an phối hợp với Hội nhà văn tổ chức, tác phẩm của tôi đã nhận được nhiều sự quan tâm, trong đó có đạo diễn Vũ Hồng Sơn của hãng phim truyền hình Việt Nam. Tuy nhiên, khi đó tôi đã ký hợp đồng với Cục điện ảnh Công an nhân dân về việc chuyển nhượng bản quyền viết kịch bản phim truyền hình. Nhưng có lẽ vì hai chú cháu có nhiều điểm chung và tôi từng rất hâm mộ các phim của chú như “Đội đặc nhiệm nhà C21”, “Chạy án”… nên khi được đạo diễn Vũ Hồng Sơn động viên, khích lệ, tôi đã thử mon men tập viết kịch bản phim truyền hình. Hiện nay bộ phim “Sinh viên cảnh sát” do tôi viết kịch bản đã bấm máy xong, đang chuẩn bị dựng hậu kỳ.

+ Chị có thể tiết lộ đôi điều về kịch bản phim “Sinh viên cảnh sát”?

– Nhắc đến cảnh sát, người ta thường nghĩ ngay đến lực lượng tiên phong đi đầu trong phòng chống tối phạm, luôn mưu trí và đầy lý tưởng. Song không có ai sinh ra đã trở thành cảnh sát, trước đó, họ cũng là những người bình thường, những học sinh, sinh viên như bao người khác. Vậy thì vì sao họ có thể trở thành những con người bản lĩnh, nghiêm túc, luôn “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”? Theo tôi, môi trường đầu tiên nuôi dưỡng tinh thần ấy chính là các học viện vũ trang, vì vậy, tôi đã nảy sinh ý tưởng phản ánh một khía cạnh khác của lực lượng cảnh sát hình sự nói riêng và lực lượng Công an nhân dân nói chung. Đó là kể về quá trình học tập, phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành của các chiến sỹ cảnh sát nhân dân kể từ khi vừa mới bước chân vào trường. Đa số họ thi vào học viện là vì tình yêu ngành yêu nghề nghiêm túc, điển hình là Hà “Canpô”, nhưng cũng có những cậu ấm ỷ thế cậy quyền bất kham như Quân “cậu”, những người thi vào vì mục đích cá nhân như “Tài đơ”, “Anh thư- bà chúa tuyết”… Trải qua nhiều biến cố, thử thách, dần dần,  họ đã hiểu ra được lẽ phải, thấm thía tình đồng đội, tình yêu dành cho học viện, cho ngành và hiểu con đường mình đang đi chính là ước mơ, lý tưởng mình đang tìm kiếm. Những nhiệt huyết và tình cảm chân thành ấy còn giúp cho Nhật Minh, một thầy giáo trẻ vốn là chiến sỹ cảnh sát ưu tú nhận ra những sai lầm trong quá khứ. Và từ việc đối đầu, Nhật Minh  và các học sinh của  mình đã chung tay vạch trần bộ mặt tên trùm tội phạm ma túy âm mưu ám hại họ.

Nhà văn Lê Minh Khuê nhận xét về “Hoa bay”, tiểu thuyết đầu tay của Chu Thanh Hương:
Chu Thanh Hương, tác giả nữ trẻ tuổi lần đầu tiên viết tiểu thuyết đã hấp dẫn độc giả suốt 576 trang sách. Tiểu thuyết “Hoa bay” kể theo trình tự thời gian – tính đơn tuyến là bố cục chính, hành động tiểu thuyết triển khai trên một tuyến nhưng không đơn điệu vì tình tiết được cài đặt chặt chẽ, giọng kể say sưa nồng nhiệt, nhiều cảm xúc chân thực. Tiểu thuyết mở cho ta hiện thực phong phú về một vùng đất trong đó con người, cả tốt và xấu đang phải tranh đấu gay gắt để tồn tại.
Tiểu thuyết cũng ca ngợi nghị lực sống của con người đơn lẻ trong hoàn cảnh ngặt nghèo.

+Viết kịch bản phim truyền hình dài tập ngoài vốn sống, kiến thức chuyên ngành còn tốn rất nhiều thời gian, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chuyên môn chị còn phải học tập và gia đình nữa, chị đã giải quyết bài toán thời gian như thế nào?

– Quả thực, viết tiểu thuyết đã khó, viết kịch bản phim càng đòi hỏi tôi phải nỗ lực hơn nhiều về mọi mặt, trong đó có thời gian. Song may mắn là tôi vẫn luôn nhận được sự động viên, ủng hộ của người thân và bạn bè đồng nghiệp. Hơn thế, việc viết lách dường như đã ngấm vào máu rồi nên hễ khi có thời gian rảnh rỗi là tôi lại viết, chủ yếu là vào buổi tối và các ngày nghỉ nhưng thực sự là cũng khá vất vả, nhiều hôm tôi viết đến ba, bốn giờ sáng. Kỷ lục kinh điển nhất là tập cuối của kịch bản “Sinh viên cảnh sát”, hơn sáu mươi trang mà tôi hoàn thành chỉ trong một ngày chủ nhật. Mà không phải viết ẩu đâu nhé, chú Sơn và hãng phim đều rất hài lòng về kết thúc này. Có lẽ là do cảm xúc mãnh liệt quá, dừng lại thì tiếc nên tôi cố luôn. Giờ phim dang chờ lên sóng vào khoảng tháng 6 năm 2013, tôi đang rất hồi hộp chờ phản hồi từ kịch bản đầu tay này

+ Tiểu thuyết “Hoa bay” cũng đã được chuyển thể kịch bản và sản xuất thành phim truyền hình, chị có kỳ vọng gì khi tác phẩm của mình được hình ảnh hóa?

– “Hoa bay” đúng là đứa con tinh thần của tôi, nhưng khi được chuyển thể thành phim thì đã trở thành công sức và trí tuệ của biên kịch, đạo diễn và nhiều người khác. Vậy nên, chỉ cần có thêm cơ hội để bạn đọc biết đến “Hoa bay” thì tôi đã rất vui và hạnh phúc. Mong rằng phim sẽ sớm lên sóng và nhận được nhiều quan tâm, ủng hộ.

+ Trước giờ phim được phát sóng, chị có thể chia sẻ thêm về tác phẩm này?

– Do tính chất công việc nên tôi đã được gặp gỡ, tiếp xúc với những phụ nữ là nạn nhân của tệ nạn buôn người, được lắng nghe họ chia sẻ về những đau đớn, tủi nhục và hoàn cảnh éo le của mình. Những nỗi đau ấy có lẽ tôi không thể thấu hiểu hết, nhưng tôi có thể nhận ra sự khốc liệt, tàn nhẫn của tệ nạn buôn bán phụ nữ. Đó là động lực chính thúc đẩy tôi viết tác phẩm “Hoa bay” với hy vọng phản ánh đến độc giả nhiều hơn nữa về tội ác này. Để chúng ta cùng chung tay ngăn chặn, đấu tranh, không để những người phụ nữ khác phải chịu đau khổ, bi kịch vì nó.

+ Khi đọc “Hoa bay” tôi cảm nhận hình ảnh những người phụ nữ dân tộc ít người dường như quá sắc sảo, chị có thể chia sẻ thêm về điều này?

– Tôi cho rằng mỗi người viết văn đều phản ánh những gì họ nhìn thấy và cảm nhận. Trong mắt nhiều người, người phụ nữ dân tộc gắn với những hình ảnh chân chất thật thà, cam chịu trước hủ tục phong kiến hoặc sống phụ thuộc vào người chồng. Tại nơi tôi sinh sống, ở đâu đó cũng vẫn có những người phụ nữ như vậy, nhưng bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của xã hội, ngày nay, nhiều người phụ nữ dân tộc đã thoát khỏi cái bóng của những định kiến cũ, mạnh mẽ, làm chủ mình, tự tin bước vào cuộc sống như bất kỳ người phụ nữ hiện đại nào khác. Trong tác phẩm tôi đã nhiều lần nhấn mạnh mảnh đất và con người nơi Hoa sinh sống đã có nhiều đổi thay, chuyển mình trong cuộc sống mới. Họ thích nghi nhiều hơn với cuộc sống thị thành và nhân vật Hoa cũng vậy. Tất nhiên, đây chỉ là góc nhìn của riêng tôi và tôi muốn tác phẩm của mình phản ánh điều đó thông qua nhân vật Vương Thị Hoa – một nhân vật có lẽ khá xa lạ với hình ảnh của một người phụ nữ dân tộc thường thấy trong văn học.

Có một loài hoa dại khi trưởng thành luôn gửi mình vào gió để bay khắp muôn nơi, khi tìm được mảnh đất mới, những cánh hoa ấy sẽ bình yên đâm chồi. Song cũng có những cánh hoa lạc lối, cứ bay, bay mãi mà không biết đến bao giờ mới tìm ra mảnh đất hạnh phúc của riêng mình.
Thân phận của người phụ nữ có khi nào cũng giống như những cánh hoa ấy? Có người giàu sang phú quý, có người cả đời hiền lành, an phận, và cũng có những người lạc lối mãi chẳng thể tìm được một chốn bình yên cho mình…
Trích tiểu thuyết “Hoa bay” của Chu Thanh Hương

+ Có nguyên mẫu nào đó để chị xây dựng nhân vật Vương Thị Hoa?

– Như tôi từng chia sẻ, năm 2008, trong khi đi công tác tôi đã vô tình gặp gỡ cả nạn nhân và thủ phạm của một vụ buôn bán người. Có thể nói, cả nạn nhân và thủ phạm của vụ án đó đều để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Nạn nhân đã trải qua rất nhiều nỗi đau, rất nhiều thăng trầm, nhưng cô ấy vẫn toát lên sự nhân hậu và vị tha, ngược lại, thủ phạm khóc lóc thảm thiết nhưng không ai nhận ra sự hối lỗi thực lòng trong đó. Càng bất ngờ hơn khi tôi biết chị ta trước đây cũng từng là nạn nhân của bọn buôn người. Sau khi được giải cứu, thay vì làm lại cuộc đời, chị ta lại trở thành tú bà nhẫn tâm đẩy bao người khác vào hoàn cảnh như mình. Hai người phụ nữ, hai số phận, nhưng lại gặp nhau ở một hoàn cảnh thật éo le và tàn nhẫn. Có thể nói, họ chính là nguyên mẫu để tôi xây dựng nên nhân vật Hoa, một là nguyên mẫu cho tuổi trẻ, ngây thơ, trong sáng, một là nguyên mẫu khi Hoa đắm chìm trong thù hận, quyết định bán mình cho tên trùm tội phạm Văn Minh để trở thành một tú bà.

+ Chị cũng từng chia sẻ ngày bé đọc truyện thường thích những cái kết có hậu, thế còn bây giờ, khi viết văn chị có thấy khó khăn khi lựa chọn cái kết cho mỗi tác phẩm?

– Cho đến bây giờ tôi vẫn thích những cái kết có hậu, nhất là dành cho các nhân vật của mình. Tuy nhiên, khi đặt vào bối cảnh cụ thể thì đôi khi ta phải ưu tiên sự hợp lý và mạch truyện hơn là cảm xúc của bản thân. Song, từ trước đến giờ, ý tưởng các tác phẩm của tôi đều xuất phát từ đoạn kết, tức là tôi sẽ phác ra một vài nhận vật chính, rồi quyết định luôn cái kết của họ như thế nào. Sau khi có cái kết ưng ý, tôi mới phát triển tuyến truyện và tuyến nhân vật. Ví dụ như khi viết “Hoa bay”, trước tiên tôi nghĩ à, mình sẽ viết về buôn bán phụ nữ. Sau đó tôi nghĩ luôn tới việc cô ấy sẽ phải vào tù và trả giá cho tội ác của mình. Nhưng làm thế nào để đi đến cái kết đó? Làm sao để độc giả biết đây là một tú bà nhưng vẫn cảm thông, thương xót cô ấy? Cho những nạn nhân của tệ nạn này? Cứ thế, cứ thế, tôi tự hỏi mình rồi tự đặt ra các tình huống, nhân vật cho đến khi cảm thấy đã có thể trả lời thỏa đáng những câu hỏi đó.

Hình như đó là một cách viết hơi kì cục nhỉ? Nhưng bản thân tôi thấy rất thú vị và ít khi phải khó khăn lựa chọn cái kết cho tác phẩm.

+ Chị cũng là một cây bút viết cho thiếu nhi và từng đoạt giải thưởng của Quỹ hỗ trợ văn học Việt Nam – Đan Mạch, chị có kế hoạch gì dài hơi với mảng sáng tác dành cho các bạn đọc nhí này?

– Nhà xuất bản Kim đồng và truyện thiếu nhi là cái nôi nuôi dưỡng đam mê viết của tôi. Anh không biết đó thôi, lần đầu tiên được in sách tại đó, tôi đã vui đến mức suốt mấy ngày liền đi ngủ vẫn còn cười tủm tỉm. Và sau đó tôi đã viết liền một hơi 6 tác phẩm gửi cho Nhà xuất bản, đến mức hồi đó các cô chú phải kêu lên rằng: Từ từ đã, đăng không kịp Hương ơi.

Thú thực, cái gì có thể ngăn chứ cảm xúc thì khó lắm, thành ra tôi vẫn hăng hái viết và hiện giờ vẫn còn kha khá bản thảo chưa trình làng. Đầu năm 2013 này tôi vừa xuất bản một trong số đó, là tác phẩm 2 tập, dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên với rất nhiều tình tiết lý thú, thần thoại và hơn hết là ca ngợi tình bạn, niềm tin yêu giữa con người với con người. Bên cạnh đó, còn một bản thảo nữa là truyện vừa “Thị trấn vùng cao bé nhỏ” cũng đang được xem xét, duyệt in. Đây là tác phẩm viết về cuộc sống của các bạn thiếu nhi miền núi gắn liền với tuổi thơ của chính bản thân tôi nên tôi rất hi vọng nó sẽ được nhiệt tình đón đọc.

Ngoài ra tôi còn rất nhiều ý tưởng nên nếu có thời gian và cơ hội, tôi sẽ tiếp tục gắn bó với mảng đề tài rất hay và thú vị này.

+ Cuộc thi tiểu thuyết “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” của Bộ Công an lại đang sắp khởi động, đoạt giải cao nhất rồi chị có tiếp tục tham gia?

– Tôi đang ấp ủ một số đề tài liên quan đến lực lượng Công an, vậy nên nếu có thể tôi cũng rất muốn tham gia. Trước hết là để cọ sát học hỏi, xem mình có thể vượt qua được cái bóng của “Hoa bay” không, hai là được tiếp tục ước mơ viết và viết nhiều hơn nữa về lực lượng Công an, về những người đồng đội mà tôi yêu mến, kính phục. Nói chung, với văn chương tôi còn nhiều dự định…

+ Cám ơn chị đã dành thời gian trò chuyện với bạn đọc Văn nghệ Quận đội và chúc chị một năm mới với nhiều thành công!

Nguồn: Vannghequandoi

 

Exit mobile version