Những tài liệu Hán Nôm quý và bản đồ lịch sử được Viện Hàn lâm Khoa học và
Xã hội Việt Nam công bố vừa qua càng trở thành những bằng chứng cụ thể hơn,
khẳng định mạnh mẽ thêm cho địa phận chủ quyền của Việt Nam đối với vùng biển
hợp pháp theo quy định quốc tế.
Một ghi chép về Bãi Cát Vàng – tức Hoàng Sa nằm trong các tư liệu
Hán Nôm được công bố
Để các tư liệu được phổ cập rộng rãi tới người dân trong nước, giúp họ hiểu rõ về vấn đề chủ quyền hiện tại, để có hướng đấu tranh một cách đúng đắn là một việc làm cấp thiết. Đặc biệt, với những tư liệu Hán Nôm quý, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam sẽ không chỉ có nhiệm vụ truyền bá bằng tiếng Việt trong nước, mà còn cả bằng ngôn ngữ nước ngoài.
Đề cập về nhiệm vụ này, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ: “Nói về ghi chép địa lý của đất nước, từ thời Lê Sơ, chúng ta đã có tác phẩm Việt Nam dư địa chí của Nguyễn Trãi. Thời Mạc Cảnh có tác phẩm Ô châu cận lục. Thời Lê Trung Hưng thì có Phủ biên tạp lục do Lê Quý Đôn biên soạn. Sau đó, đến thời nhà Nguyễn, các tư liệu được thể hiện một cách chi tiết, cụ thể hơn.
Chứng tỏ ngay từ thời Lý, thời Nguyễn, Nhà nước đã quan tâm đến cương giới lãnh thổ ở cả đất liền và hải đảo. Vì thế, chúng tôi dự kiến trước hết sẽ dịch các tài liệu này sang tiếng Anh, là ngôn ngữ chung được sử dụng rộng rãi để truyền bá trên thế giới. Tiếp theo mới dịch sang nhiều thứ tiếng khác”.
Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam cũng dự kiến sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đưa dần những tư liệu này vào chương trình giảng dạy trong SGK hiện nay. Đây là việc làm có tầm quan trọng, không chỉ giáo dục cho các học sinh cũng như thế hệ trẻ nói chung về vấn đề chủ quyền quốc gia mà còn khơi gợi lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý thức về tinh thần, trách nhiệm của các em với các vấn đề chính trị – xã hội ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.
(ANTV)