(Nhân dịp đoàn Nhà văn Mỹ thuộc Trung tâm viết văn Quốc tế đại học Tổng hợp Iowa đang ở thăm và trao đổi với Hội Nhà văn Việt Nam từ 4- 7/6/2012 )

Có thể nhiều người trong chúng ta không quá xa lạ với văn chương Mỹ, đặc biệt là dòng văn chương hiện thực chủ nghĩa bởi các tác phẩm nổi tiếng như: “Giã từ vũ khí” của Ernest Hemingway, “Chiếc lá cuối cùng” của O’Henry, “Cuốn theo chiều gió” của Margaret Mitchell,,… nhưng lại rất ít người có được cái nhìn tổng quan về dòng văn chương hiện thực Mỹ đương đại.

*

Loại hình văn chương tự sự từ sau cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II là sự khởi đầu đầy sức mạnh cho dòng văn học hiện thực chủ nghiã đương đại của Mỹ. Đây là dòng văn chương được sinh ra từ nhiều nguồn khác nhau nên nó khá phong phú và đa dạng từ đề tài đến nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện. Có thể nói chủ nghĩa hiện thực trong văn chương Mỹ đương đại đã tiếp thu được tinh hoa của nhiều trào lưu văn chương khác nhau trên thế giới. Ở đó, chúng ta hoàn toàn có thể dễ dàng nhận ra những yếu tố của chủ nghĩa hiện sinh Âu châu, chủ nghiã hiện thực huyền ảo của văn học Mỹ La tinh và văn chương bình dân của các tộc người Mỹ thiểu số Da đỏ, Da đen được biểu hiện bằng ngôn ngữ trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo viết, báo nói, báo hình, mạng internet,… và là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của dòng văn chương này. Chính sự tham gia của nhiều nguồn cội văn chương và ngôn ngữ khác nhau đã đưa dòng văn chương đương đại Mỹ tiếp cận ngày càng gần hơn đối với đời sống xã hội và công chúng văn chương. Đây có thể được coi là đặc trưng thứ nhất của văn chương hiện thực Mỹ đương đại

Đặc trưng nổi bật thứ hai là tinh thần tự đổi mới, tự nhận thức lại mình hay còn gọi là sự phản tỉnh trong tư duy sáng tạo. Theo truyền thống, dòng văn chương bác học Mỹ đã gây áp lực không nhỏ đến văn chương nói riêng và văn hóa bình dân nói chung rất lớn. Thế nhưng từ khi chủ nghĩa hiện thực ra đời thì văn chương và văn hóa bình dân đã gây áp lực không nhỏ trở lại đối với dòng văn chương quan phương Mỹ. Chẳng hạn những nhà văn có tên tuổi như: Thomas Pynchon, Joyce Carol Oates, Alice Walker,… đã từng tham gia bình luận các truyện tranh trên báo chí, những bộ phim, những ca khúc và cả những bộ sưu tập thời trang. Có lẽ đã đến lúc các nhà văn hiên thực thấy cách kể truyện truyền thống có vẻ kinh viện quá, khó được công chúng chấp nhận, nên họ đã tìm đến các chất liệu từ đời sống bình thường của con người để sáng tạo nên các tác phẩm văn chương của mình. Những khuôn vàng thước ngọc của văn chương Tây phương hiện đại giờ đây đã quá chật so với một thế giới đầy những đổi thay mau lẹ. Đấy chính là điều kiện tốt cho các quan điểm văn chương mới của Mỹ ra đời.

*

Nếu như dòng văn chương hiện thực chủ nghĩa được ra đời từ những năm cuối thập niên 40 của thế kỉ trước, thì phải đến thập niên 50 nó mới thực sự sung mãn, thậm chí đôi khi còn thái quá. Cái gọi là “chủ nghĩa hiện thực vô bờ bến” đã được các nhà văn Mỹ của thập niên 50 sử dụng như là một công cụ đắc dụng nhất để đưa tác phẩm của mình tới công chúng. Mọi chi tiết của đời sống hiện thực được các nhà văn đưa vào tác phẩm một cách ồ ạt, không cần chọn lọc gì cả và cái gọi là chủ nghĩa hiện thực ấy không khác xa là bao so với chủ nghĩa tự nhiên, theo kiểu thấy gì nói vậy, nghĩ sao viết thế.

Đến thập niên 60, sự thái quá của dòng văn chương hiện thực Mỹ đã làm cho diện mạo của nó ngày càng thêm rối ren, đến mức những đặc trưng vốn có của dòng văn chương này bị lu mờ đi, khiến cho nhiều người không còn có thể nhận ra đâu là văn chương hiện thực Mỹ. Tuy nhiên, sự thái quá ấy đã góp phần tạo đà cho những khám phá, sáng tạo mới trong tương quan với sự kiên quyết đoạn tuyện với những thứ văn chương mà công chúng không thể “tiêu hóa” được trong đời sống đương đại.

Có thể nói chỉ đến giữa thập niên 70 trở đi, văn chương hiện thực của Mỹ mới bắt đầu đi vào quá trình củng cố, và dần tửng bước đinh hình. Mặc dù chủ nghĩa hiện thực Mỹ không loại bỏ các trào lưu khác, nhưng ít ra chúng cũng làm cho sự thể nghiệm cá nhân đơn thuần giảm dần đi sức công phá của nó so với thập niên trước đó. Thay vào đó, từng bước ở đâu đó và với một nhà văn bào đó ý thức về sự sẻ chia giữa cái tôi cá nhân vị kỷ với cái ta mang tính cộng đồng hơn đã được các nhà văn quan tâm, phản ánh vào tác phẩm của mình.

*

Từ thập niên 70 cho đến đầu thế kỉ XXI, văn chương hiện thực Mỹ từng bước khẳng định sự khám phá và sáng tạo của giới trẻ. Các tác giả trẻ như: John Gardner, John Irving, Paul Theroux, William Kennedy, Alice Walker đã có hàng loạt các tiểu thuyết nổi tiếng như “The World According to Garp” (tạm dịch: Chuẩn thế giới), “The Mosquito Coast” (tạm dịch: Phía Tây vịnh Caribes), “Ironweed”( tạm dịch: Rỉ sắt) và “The Color Purple” (tạm dịch: Màu tím)… Có thể coi đây là những cuốn tiểu thuyết thành công nhất của dòng văn học này thông qua việc khắc họa những con người và cuộc sống đương đại hết sức cảm động.

Những tác giả và tác phẩm tiêu biểu nói trên của văn chương Mỹ đương đại đã quay trở lại chủ nghĩa hiện thực truyền thống, nhưng ở một tầm cao mới bằng việc hướng sự chú ý của nhà văn vào hoàn cảnh xã hội, tính cách nhân vật. Họ đã thực sự quan tâm tới những vấn đề của con người và thuộc về con người, chứ không phải đi tìm những đặc tính cá nhân dị biệt như trong thời kỳ thể nghiệm trước đó. Tuy nhiên cũng cần phải thấy rằng, các nhà văn Mỹ đương đại đã đạt đến chủ nghĩa hiện thực nhân văn hơn gấp bội lần so với thời kỳ sơ khai của nó, bởi lẽ các tác giả trẻ trong các tác phẩm của mình đã biết quan tâm đến những cái thuộc về con người hơn so với những cái chỉ thuộc về một cá nhân đơn lẻ nào đấy.

Mặt khác, phần lớn các nhà văn tiêu biểu thời kỳ này đã tìm ra được cấu trúc tác phẩm hoàn toàn mới mẻ, đủ sức cuốn hút công chúng, thay vì một khuôn mẫu chết cứng như trước đây. Có thể nói mỗi nhà văn là một phong cách riêng, độc đáo và đầy sáng tạo trong dòng chung của chủ nghĩa hiện thực Mỹ đương đại.

Không riêng ở Mỹ mà hầu như tất cả các nước trên thế giới đều có một vùng văn hóa, chính trị trung tâm và cũng là vùng trung tâm sản sinh ra các tài năng văn chương. Đó là trường hợp Jane Smiley, nguyên là một Giáo sư giảng dạy ở trường viết văn thuộc Đại học bang Iowa, mà lần này Trung tâm viết văn quốc tế của trường Đại học Iowa, Hoa Kỳ đang có chuyến thăm, làm việc và trao đổi kinh nghiệm với Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Nội từ ngày 4/6/2012 đến ngày 7/6/2012. Jane Smiley đã đoạt giải thưởng văn chương báo chí Pulitzer vào năm 1992 về cuốn tiểu thuyết A “Thousand Acres” (tạm dịch: Một nghìn dặm). Đây là cuốn tiểu thuyết có nội dung tương tự như vở kịch “Vua Lia” (King Lear) của Shakespeare chỉ khác ở bối cảnh một bên là nước Anh thế kỉ XVI và một bên là miền Trung Tây nước Mỹ cuối thế kỉ XX.

Nói đến văn chương hiện thực Mỹ đương đại, chúng ta không thể không nhắc đến Cormac McCarthy một cây đại thụ văn chương chuyên viết về các cuộc chinh phục sa mạc ở vùng Tây Nam nước Mỹ với cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như: “Blood Meridian” (tạm dich: Tọa độ máu). Cormac McCarthy là người được coi là ông thầy phù thủy trong việc miêu tả tính chất hoang sơ của vùng đất này. Chính vùng đất Tây Nam nước Mỹ đã mê hoặc ông bởi sự man rợ của con người và những điều bất trắc, khiến người ta lúc nào cũng phải sống trong trạng thái lo âu và thấp thỏm.

Đại diện cho giới trẻ của dòng văn học này là McCorkle. Cô sinh năm 1958, nên rất thích khám phá những bí ẩn của tuổi vị thành niên ở những thị trấn nhỏ của vùng bắc bang Carolina qua cuốn “The Cheer Leader”, các mối ràng buộc giữa các thế hệ trong cuốn “Tending to Virginia” (tạm dịch: Hướng tới Virginia), sự nhạy cảm của phụ nữ miền Nam nước Mỹ hiện đại qua cuốn “Crash Diet” (Sự sụp đổ của chế độ ăn uống).

Ở một đất nước mà sự kì thị và phân biệt chủng tộc lớn như Mỹ, nhưng văn chương của các tộc người thiểu số Da đen, Da đỏ vẫn có đất để tồn tại và phát triển là một điều hết sức ngạc nhiên. Không những thế nó còn là nguồn lực quí báu bổ sung vào sự phong phú đa dạng vốn có của dòng văn học hiện thực Mỹ đương đại.

“Nghi lễ” (Ceremony) là cuốn tiểu thuyết viết về người Mỹ Da đỏ của nữ nhà văn Da đỏ Leslie Marmon Silko đã được giới phê bình đánh giá rất cao và đã được dịch ra tiếng Việt. Hay là các cuốn “The Way to Rainy Mountain” (tạm dịch: Con đường trên núi mưa), của Scott Momaday,… là cuốn tiểu thuyết được cấu trúc trên nền âm hưởng của các nghi thức chữa bệnh của người Da đỏ,…

*

Tóm lại, văn chương hiện thực Mỹ đương đại đã trải qua một chặng đường phát triển quanh co, nhiều biến động, nhưng cũng đầy sáng tạo. Tất cả các yếu tố lịch sử, xã hội, sự tiến bộ của khoa học công nghệ, yếu tố sắc tộc, văn hóa bình dân,… đều ít nhiều đã có ảnh hưởng đến nó. Dù thế, cuối cùng chủ nghĩa hiện thực trong văn chương Mỹ đương đại vẫn lấy con người làm mục tiêu phản ánh và coi con người là trung tâm của sự chú ý của các nhà văn. Con người với tất cả vẻ đẹp tự nhiên vốn có cũng như các biến thể về văn hóa của mỗi cộng đồng cư dân, đều được văn chương hiện thực Mỹ đương đại mô tả một cách hết sức thành công. Vì thế, nó trở thành một dòng văn chương không thể trộn lẫn với các dòng văn chương khác cũng như với chủ nghiã hiện thực ngoài nước Mỹ.

Nguồn: vannghequandoi.com.vn