ALAN D. SOKAL (Hà Hữu Nga dịch)

Vượt qua các Ranh giới: Hướng tới Chuyển đổi Tường giải về Lực hấp dẫn Lượng tử.Vượt qua các ranh giới liên bộ môn …[là] một việc làm có tính chất lật đổ vì nó chẳng khác nào việc vi phạm những nơi tôn nghiêm của những cách nhận thức đã được thừa nhận.

 

Một trong số những ranh giới kiên cố nhất là những ranh giới giữa khoa học tự nhiên và các khoa học nhân văn. Valerie Greenberg, Transgressive Readings (1990, 1).

Cuộc tranh đấu để chuyển đổi hệ tư tưởng thành khoa học mang tính phê phán …dựa trên nền tảng là nghệ thuật phê bình toàn bộ các tiền đề khoa học và hệ tư tưởng phải là nguyên tắc tuyệt đối duy nhất của khoa học.Stanley Aronowitz, Science as Power (1988b, 339).

Có nhiều nhà khoa học tự nhiên và đặc biệt là các nhà vật lý học vẫn liên tục phản đối quan niệm cho rằng các bộ môn liên quan đến sự phê bình văn hóa và xã hội có thể đóng góp được mọi thứ, có lẽ chỉ ngoại trừ đóng góp cho sự nghiên cứu của chính bản thân chúng. Người ta vẫn còn ít chịu thừa nhận tư tưởng cho rằng chính các nền tảng thế giới quan của họ cần phải được xem xét lại, hoặc xây dựng lại dưới ánh sáng của cách thức phê bình như vậy. Hơn nữa người ta vẫn bám chặt lấy cái giáo điều bá quyền thời hậu-Kỷ nguyên Ánh sáng đằng đẵng trong lối nhìn của trí thức phương Tây, là một lối nhìn có thể được tóm tắt như sau: việc tồn tại một thế giới ngoại tại với các thuộc tính của nó độc lập với cá nhân con người và thực tế là tính nhân bản như một tổng thể; việc những thuộc tính này được mã hóa thành các qui luật vật lý “vĩnh hằng”; và việc con người có thể đạt được một tri thức đáng tin cậy, mặc dù không hoàn hảo và mới mang tính thử nghiệm về các qui luật này bằng cách chặt khúc thành những thao tác “khách quan” và các phê phán nghiêm khắc về phương diện tri thức luận bị ước thúc bởi (cái gọi là) phương pháp khoa học.

Những biến đổi sâu sắc về quan niệm trong khoa học thế kỷ XX đã làm xói mòn bộ môn siêu hình học Descartes – Newton 1; người theo chủ nghĩa xét lại nghiên cứu về lịch sử và triết học khoa học lại càng thêm nghi ngờ về tính chất đáng tin cậy của nó 2; và ngay mới đây thôi, các nhà phê phán nữ quyền và hậu cấu trúc luận đã giải huyền thoại cái nội dung mang tính bản chất của thực tiễn khoa học dòng chính thống phương Tây, bằng cách vạch rõ hệ tư tưởng thống trị được bưng bít đằng sau cái mặt tiền của “tính khách quan” 3. Vì vậy ngày càng trở nên rõ ràng là “hiện thực” vật lý không thua gì “hiện thực” xã hội, suy cho cùng thì chính là một cấu trúc ngôn ngữ và xã hội; việc “tri thức” khoa học, không hề khách quan, phản ánh và mã hóa các hệ tư tưởng thống trị và các mối liên hệ quyền lực của văn hóa đã sản sinh ra nó; việc các xác quyết chân lý khoa học rõ ràng chở đầy lý thuyết và tự qui chiếu; và cuối cùng,  diễn ngôn của cộng đồng khoa học, nhất là giá trị không thể chối cãi của nó, không thể xác quyết một vị thế tri thức luận đặc ân liên quan đến các tự sự phản bá quyền bắt nguồn từ các cộng đồng bị gạt ra bên lề hoặc bị chống đối. Các chủ đề này có thể được vạch ra, mặc dù có một vài khác biệt để nhấn mạnh, trong phân tích của Aronowitz về cấu trúc văn hóa đã sản sinh ra các cơ chế lượng tử 4; trong lập luận của Ross về các diễn ngôn đối lập trong khoa học hậu lượng tử 5; trong các diễn giải linh thánh về giới được mã hóa bằng các cơ chế lỏng 6; và trong phê phán toàn diện của Harding về ý thức hệ giới có cơ sở từ các khoa học tự nhiên nói chung và vật lý nói riêng 7.

Trong bài viết này, mục đích của tôi là đưa các phân tích sâu sắc này tiến thêm một bước bằng cách giải thích các phát triển mới đây về lực hấp dẫn lượng tử: một ngành mới xuất hiện của vật lý mà trong đó cơ học lượng tử Heisenberg và thuyết tương đối tổng quát của Einstein ngay lập tức được tổng kết và bị bác bỏ. Trong lực hấp dẫn lượng tử, như chúng ta sẽ thấy, đa tạp không-thời gian không còn tồn tại như một hiện thực vật lý khách quan nữa; hình học trở thành hình học ngữ cảnh và hình học quan hệ; và các phạm trù khái niệm cơ bản của khoa học tiên thiên – trong đó có tồn tại tự thân – bắt đầu được đặt thành vấn đề và mang tính tương đối hóa. Cuộc cách mạng khái niệm này, tôi sẽ lập luận, là có những dính líu sâu sắc với nội dung của một khoa học tự do và hậu hiện đại trong tương lai.

 

Cách tiếp cận của tôi sẽ là như sau: Trước hết tôi sẽ xem xét một cách vắn tắt một vài vấn đề triết học và hệ tư tưởng nào đó xuất hiện bởi cơ học lượng tử và bởi lý thuyết tương đối tổng quát. Sau đó tôi sẽ xây dựng các phác thảo về lý thuyết hấp dẫn lượng tử đang xuất hiện và thảo luận về một số vấn đề mang tính khái niệm nảy sinh. Cuối cùng tôi sẽ bình luận về những dính líu chính trị và văn hóa của những phát triển khoa học này. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng bài viết này nhất thiết mang tính sơ bộ và thử nghiệm; tôi không có ý định trả lời tất cả các vấn đề mà tôi nêu ra. Hơn nữa mục đích của tôi là thu hút sự chú ý của người đọc vào những phát triển quan trọng này trong khoa học vật lý, và gắng sức phác thảo những liên quan về chính trị và triết học của chúng. Trong bài viết này, tôi cũng hết sức cố gắng làm cho toán học trở thành một cực tiểu trống; nhưng tôi cũng hết sức chú ý cung cấp những tham khảo mà trong đó người đọc có thể thấy được toàn bộ các chi tiết cần thiết.

Cơ học lượng tử: Tính bất định, Tính bổ sung, Tính gián đoạn và Tính liên kết

 

Tôi không có ý định tham gia vào cuộc tranh luận rộng lớn về các cơ sở khái niệm của cơ học lượng tử 8. Chỉ cần nói rằng bất cứ ai đã từng nghiên cứu một cách nghiêm túc các phương trình cơ học lượng tử của Heisenberg thì cũng đều đồng ý với cái tóm tắt thận trọng (pardon the pun – xin lỗi chơi chữ) của ông về nguyên tắc bất định trứ danh này:

Chúng ta có thể không còn nói về hành vi của hạt một cách độc lập với quá trình quan sát. Kết cục là các qui luật tự nhiên được công thức hóa bằng toán học trong lý thuyết lượng tử bản thân chúng không còn liên quan đến các hạt cơ bản nữa, nhưng lại liên quan đến tri thức của chúng ta về chúng. Người ta cũng không còn có thể hỏi liệu có phải các hạt này tồn tại hay không tồn tại một cách khách quan trong không gian và thời gian…

Khi chúng ta nói về bức tranh của tự nhiên bằng thứ khoa học chính xác trong thời đại của chúng ta, thì không có nghĩa là chúng ta nói về một bức tranh tự nhiên hệt như một bức tranh về mối quan hệ của chúng ta với tự nhiên… Khoa học không còn phải đối đầu với tự nhiên như là một kẻ quan sát khách quan nữa, mà là nhìn bản thân nó như một tác nhân trong sự tác động lẫn nhau giữa con người [sic] (nguyên văn thế đấy) và tự nhiên. Phương pháp khoa học trong phân tích, giải thích và phân loại đã bắt đầu ý thức về những hạn chế của nó, mà những hạn chế đó lại làm nảy sinh một sự thật là bằng sự can thiệp của nó, khoa học thay thế và tái tạo đối tượng nghiên cứu. Nói cách khác, phương pháp và đối tượng có thể không còn bị chia tách nữa 9, 10 .

Theo cung cách đó, Niels Bohr đã viết:

Một thực tại độc lập theo nghĩa vật lý thông thường có thể …. vừa không thuộc về các hiện tượng, vừa không thuộc về các trung gian quan sát 11.

Stanley Aronowitz đã vạch ra một cách hết sức thuyết phục quan điểm về sự khủng hoảng của bá quyền tự do ở Trung Âu trong những năm trước và sau Thế chiến I. 12, 13

Khía cạnh quan trọng thứ hai của cơ học lượng tử là nguyên lý bổ sunghoặc tính biện chứng của nó. Một sóng hoặc một hạt có nhẹ không? Tính bổ sung “là việc thừa nhận rằng hành vi của hạt và sóng là loại trừ nhau, nhưng cả hai lại cần cho một sự mô tả hoàn thiện về toàn bộ các hiện tượng” 14.

Heisenberg lưu ý một cách tổng quát hơn:

Những bức tranh trực giác khác nhau mà chúng ta sử dụng để mô tả các hệ thống nguyên tử mặc dù đầy đủ cho những thực nghiệm nhất định, tuy nhiên vẫn loại trừ nhau. Vì vậy chẳng hạn như nguyên tử Bohr có thể được mô tả như là một hệ thống vệ tinh qui mô nhỏ, có một hạt nhân nguyên tử trung tâm với các hạt điện tử quay xung quanh. Tuy nhiên đối với các thực nghiệm để cho tiện người ta hình dung là các hạt nhân nguyên tử được bao quanh bởi một hệ thống sóng tĩnh mà tần số của nó là đặc trưng của bức xạ sinh ra từ nguyên tử. Cuối cùng chúng ta có thể nghiên cứu nguyên tử bằng phương pháp hóa học…Mỗi bức tranh đều đích đáng khi đặt ở một vị trí tương xứng, nhưng những bức tranh khác nhau lại trở nên mâu thuẫn và vì vậy mà chúng ta gọi chúng là bổ sung cho nhau 15.

Thêm Bohr một lần nữa:

Việc làm sáng tỏ hoàn toàn một đối tượng và cùng một đối tượng có thể đòi hỏi những quan điểm khác nhau không tuân theo một mô tả duy nhất. Thực ra thì nói một cách chính xác, việc phân tích nhận thức bất kỳ một khái niệm nào cũng nằm trong mối liên hệ loại trừ việc ứng dụng nó một cách trực tiếp16. Điềm báo này của tri thức học hậu hiện đại luận không hề trùng khớp. Những liên kết sâu giữa tính bổ sung và giải cấu trúc mới được Froula 17  và Honner 18 làm rõ, còn Plotnitsky thì làm cho chúng trở nên đặc biệt sâu sắc19, 20. 21.

Khía cạnh thứ ba của vật lý lượng tử là tính gián đoạn hoặc đứt gẫy: như Bohr đã giải thích:

Bản chất của [lý thuyết lượng tử] có thể được lý giải bằng cái gọi là định đề lượng tử, là cái qui cho bất cứ quá trình nguyên tử nào một gián đoạn bản chất, hoặc đúng ra là một cá tính, hoàn toàn xa lạ với các lý thuyết kinh điển và được biểu tượng hóa bằng lượng tử hành động của Plank. Nửa thế kỷ sau, việc thể hiện “chuỗi lượng tử” đã được đưa vào vốn từ vựng hàng ngày của chúng ta quen thuộc đến mức là chúng ta sử dụng nó mà không hề ý thức gì về các cội nguồn của nó trong lý thuyết vật lý.

Cuối cùng định lý 23 của Bell và những khái quát hóa mới đây của nó 24 đã chỉ ra rằng một hành động quan sát ở đây, bây giờ không chỉ tác động đến đối tượng được quan sát – như Heisenberg đã bảo với chúng ta – mà nó còn tác động đến một đối tượng đâu đó rất xa (có thể là ở trên thiên hà Andromeda). Hiện tượng này Einstein gọi là “như ma quỉ” – áp đặt một tái định giá căn bản các khái niệm cơ học truyền thống về không gian, đối tượng và tính nhân quả 25, và cho thấy một thế giới quan mới trong đó vũ trụ được đặc trưng bởi tính kết nối và [t]oàn luận: cái mà nhà vật lý Davis Bohm gọi là “trật tự tất suy” 26. Những lý giải mang tính Kỷ nguyên Mới về các hiểu biết sâu sắc ấy về vật lý lượng tử thường rất nhiệt tình trong việc tìm kiếm tùy tiện, nhưng tính hợp lý chung của lập luận ấy là không thể chối cãi 27. Bohr nói: “Phát hiện của Plank về lượng tử hành động cơ bản… đã mở ra một đặc điểm về tính toàn thể cố hữu trong vật lý nguyên tử, vượt xa tư tưởng cổ đại về tính có thể phân chia hạn chế của vật chất” 28.

 

Phép tường giải Lý thuyết Tương đối Tổng quát Cổ điển

Trong thế giới quan cơ học Newton, không gian và thời gian là khác biệt và tuyệt đối 29. Trong lý thuyết tương đối đặc biệt của Einstein (1905) sự khác biệt giữa không gian và thời gian đã biến mất: chỉ có một sự thống nhất mới, không-thời gian bốn chiều, và tri giác của người quan sát về “không gian” và “thời gian” tùy thuộc vào trạng thái tình cảm của bà ta. 30 Dưới đây là những dòng nổi tiếng của Hermann Minkowski (1908):

Từ nay trở đi tự bản thân không gian và tự bản thân thời gian bị kết tội phải biến mất vào những cái bóng thuần túy, và chỉ duy nhất một loại thống nhất của cả hai mới bảo tồn được một hiện thực độc lập 31. Tuy nhiên trong hình học cơ bản của Minkowski thì không-thời gian vẫn là tuyệt đối 32.

 

Còn trong lý thuyết tương đối tổng quát của Einstein (1915) thì đã diễn ra bước đột phá quyết định về khái niệm: hình học không-thời gian đã trở thành động, không chắc chắn và được mã hóa bằng lực trọng trường. Về phương diện toán học, Einstein đã tuyệt giao với truyền thống bằng cách định niên đại lùi về thời Euclid (và vì thế mà sinh viên cao học phải chịu đựng cho đến tận bây giờ!), nhưng thay vào đó lại khai thác cái hình học Euclid do Riemann phát triển. Các phương trình của Einstein hoàn toàn phi tuyến, đó chính là lý do tại sao mà các nhà toán học được đào tạo theo truyền thống lại cảm thấy quá khó giải 33. Lý thuyết hấp dẫn Newton phù hợp với phương pháp chặt cụt thô sơ (và lầm lẫn khái niệm) các phương trình của Einstein, trong đó tính phi tuyến đã đơn giản bị bỏ qua. Vì vậy lý thuyết tương đối tổng quát của Einstein bao gồm cả toàn bộ những gì được cho là thành tựu trong lý thuyết của Newton, trong khi lại vượt Newton để tiên đoán về các hiện tượng tuyệt đối mới xuất hiện trực tiếp từ tính phi tuyến: độ cong của ánh sáng các ngôi sao do mặt trời, sự tiến động của điểm cận nhiệt của hành tinh Mercury, và tình trạng sụp đổ trọng lực của các ngôi sao vào các lỗ đen.

 

Lý thuyết tương đối tổng quát huyền bí đến mức là một số hệ quả của nó – được suy diễn bởi toán học hoàn hảo và ngày càng được khẳng định bởi quan sát thiên văn đọc cứ như là tiểu thuyết viễn tưởng khoa học vậy. Giờ đây chúng ta đã biết về các lỗ đen và các lỗ giun [giải pháp vận động trong không-thời gian bốn chiều Schwarzschild -ND*] đang bắt đầu tạo ra các biểu đồ. Có lẽ một vấn đề ít quen thuộc là cấu trúc của Godel về không thời gian Einstein chấp nhận những đường cong đóng giống-thời gian: có nghĩa là một vũ trụ mà trong đó ta có thể dạo chơi cả về quá khứ của riêng mình 34. [Năm 1949, Kurt Godel đã đưa ra một giải pháp hoàn toàn mới cho các phương trình của Einstein bằng cách xây dựng một mô hình vũ trụ quay, lần đầu tiên giải thích cho việc “nguyên lý Mach” không được đưa vào lý thuyết tương đối tổng quát, trong khi nguyên lý March là một trong những nhân tố đóng vai trò là động cơ thúc đẩy Einstein xây dựng lý thuyết tương đối tổng quát. Ngoài ra giải pháp Godel còn cho phép tồn tại các đường cong kín, giống-thời gian, đi qua được bất cứ điểm nào trong không-thời gian của chúng ta. Chính vì vậy mà một người quan sát có thể dạo chơi về quá khứ của riêng mình. Xem: Kurt Godel 1949. An example of a new type of cosmological solutions of einstein’s field equations of gravitation, Collected work Clarendon Press ; New York : Oxford University Press, c1986-, 1949. Kurt Godel 1952. Rotating universes in general relativity theory, Collected works Clarendon Press ; New York : Oxford University Press, c1986-, 1949. – ND*]

Vì vậy lý thuyết tương đối tổng quát buộc chúng ta phải chấp nhận một cách vô điều kiện các quan niệm mới và phản trực giác về không gian, thời gian và quan hệ nhân quả 35, 36, 37, 38; vì vậy mà không có gì đáng ngạc nhiên là nó đã tác động ảnh hưởng sâu sắc không chỉ đối với các khoa học tự nhiên mà còn cả với triết học, phê bình văn học và các khoa học nhân văn nữa. Chẳng hạn trong một hội nghị chuyên đề lừng danh ba thập kỷ trước về Les Langages Critiques et les Sciences de l’Homme, Ngôn ngữ  Phê phán và Khoa học Nhân văn, Jean Hyppolite đã đề xuất một câu hỏi sắc sảo liên quan đến lý thuyết Jacques Derrida về cấu trúc và ký hiệu trong diễn ngôn khoa học:

Khi tôi thực hiện, chẳng hạn, cấu trúc của những công trình đại số bất kỳ nào đó [các tập hợp] thì đâu là trung tâm? Có phải trung tâm là những qui luật tổng quát tạm cho phép ta hiểu về các tác động lẫn nhau của các yếu tố? Hay trung tâm là bất kỳ yếu tố nào có được đặc quyền trong tập hợp đó?…Với Einstein chẳng hạn, chúng ta thấy cái kết cục của một loại đặc ân của bằng chứng kinh nghiệm. Và trong mối liên kết đó chúng ta thấy một hằng số xuất hiện, một hằng số là sự kết hợp của không-thời gian, không thuộc về bất cứ cái gì của người thực nghiệm là kẻ trải nghiệm, nhưng theo cách nào đó nó lại thống trị toàn bộ cấu trúc; và phải chăng cái quan niệm hằng số này là trung tâm 39?

Câu trả lời mẫn tiệp của Derrida đã đi thẳng vào trung tâm của thuyết tương đối tổng quát cổ điển:

Hằng số Einstein không phải là một hằng số, không phải là một trung tâm. Nó thực sự là một khái niệm về tính có thể biến đổi – cuối cùng nó là khái niệm trò chơi. Nói cách khác, nó không phải là khái niệm về một cái gì đó – về một trung tâm bắt đầu từ đó một người quan sát có thể kiểm soát được lĩnh vực ấy – mà đó chính là khái niệm về trò chơi…40.

Bằng các thuật ngữ toán học, quan sát của Derrida liên quan đến lượng bất biến của phương trình trường Einstein  trong các vi đồng phôi không-thời gian phi tuyến (các tự ánh xạ của đa tạp không-thời gian là những đa tạp khả vi vô hạn nhưng không nhất thiết mang tính phân tích).

Vấn đề chủ chốt là ở chỗ nhóm lượng bất biến này “tác động theo cách bắc cầu”: điều đó có nghĩa là bất cứ một điểm không-thời gian nào nếu nó tồn tại, đều có thể được chuyển thành một điểm bất kỳ khác. Bằng cách này, nhóm lượng bất biến thứ nguyên vô hạn làm sói mòn sự khác biệt giữa người quan sát và đối tượng quan sát; số  của Euclid và G của Newton, trước đây vẫn được coi là hằng số và phổ dụng giờ đây được tri giác trong tính lịch sử không thể tránh khỏi của chúng; và người quan sát giả định bắt đầu được giải trung tâm hóa một cách chí tử, bị phân cách khỏi bất cứ mối liên hệ tri thức nào với một điểm không-thời gian có thể không còn được xác định chỉ bởi riêng môn hình học nữa.

 

Lực hấp dẫn Lượng tử: Chuỗi, Sóng hoặc Trường Phát triển Hình thái?

Tuy nhiên lý giải này, trong khi đầy đủ đối với lý thuyết tương đối tổng quát cổ điển, thì lại trở nên không hoàn thiện trong quan điểm hậu hiện đại mới xuất hiện về lực hấp dẫn lượng tử. Trong khi ngay cả trường hấp dẫn –  hiện thân của hình học – trở thành một toán tử không giao hoán (vì vậy mà phi tuyến), thì việc lý giải cổ điển về một thực thể hình học có thể được duy trì như thế nào? Vậy là không chỉ người quan sát mà chính khái niệm hình học cũng trở nên có tính chất quan hệ và mang tính ngữ cảnh.

Việc tổng hợp lý thuyết lượng tử và lý thuyết tương đối tổng quát vì vậy trở thành vấn đề trung tâm chưa được giải quyết của vật lý lý thuyết 41; ngày nay không ai có thể tiên đoán với một niềm xác tín rằng cái gì sẽ là ngôn ngữ và hữu thể luận, ít nhiều là nội dung của tổng kết này, khi nào và liệu nó có xuất hiện không. Tuy nhiên cũng rất cần thiết phải xem xét các ẩn dụ về phương diện lịch sử và cái hình tượng mà các nhà vật lý lý thuyết đã khai thác bằng mọi cố gắng của họ để tìm hiểu về lực hấp dẫn lượng tử.

Những cố gắng đầu tiên – vào khoảng đầu những năm 1960 – nhằm hiển thị hình học dựa trên thang đo Planck (khoảng  cm) đã tạc nên chân dung của nó là “bọt không-thời gian”: đám bọt của độ cong không-thời gian có chung một topo học liên tục của các mối tương liên phức tạp, vĩnh viễn biến đổi của hình học và lý thuyết tập hợp 42. Nhưng các nhà vật lý không thể đưa cách tiếp cận này đi xa hơn có lẽ vì sự phát triển không đầy đủ của topo học và lý thuyết đa tạp trong thời gian đó (xem ở dưới).

Vào những năm 1970, các nhà vật lý đã cố thử lại cách tiếp cận thậm chí còn thông lệ hơn: họ đơn giản hóa các phương trình Einstein bằng cách bịa ra rằng chúng hầu như là tuyến tính, và sau đó áp dụng các phương pháp chuẩn của lý thuyết trường lượng tử vào các phương trình bị quá đơn giản hóa ấy. Nhưng phương pháp này cũng thất bại: hóa ra là lý thuyết tương đối tổng quát của Einstein, nói theo ngôn ngữ chuyên môn là “phi tái tiêu chuẩn hóa một cách lộn xộn” 43. Điều đó có nghĩa là những tính chất phi tuyến mạnh trong lý thuyết tương đối tổng quát của Einstein là thực chất của lý thuyết đó; bất cứ cố gắng nào nhằm bịa ra rằng các tính chất phi tuyến là yếu thì chỉ đều đơn giản là tự mâu thuẫn. (Điều này không có gì đáng ngạc nhiên: cách tiếp cận hầu như tuyến tính đã phá hủy những điểm đặc trưng nhất của lý thuyết tương đối tổng quát, như các lỗ đen chẳng hạn).

Vào những năm 1980 xuất hiện một cách tiếp cận thực sự khác biệt được biết với tên gọi lý thuyết chuỗi, và đã trở nên rất nổi tiếng: ở đây những cấu thành của vật chất không phải là các hạt giống-điểm mà là những chuỗi mở và đóng nhỏ xíu (thang đo Planck) 44. Trong lý thuyết này, đa tạp không-thời gian không tồn tại như một thực tại vật lý khách quan; khác thế, không thời gian là một khái niệm dẫn xuất, một xấp xỉ chỉ có hiệu lực ở những thang đo có độ dài lớn (trong đó “lớn” có nghĩa là lớn hơn nhiều so với centimeters”!). Vì khi nhiều người nhiệt tâm đối với lý thuyết chuỗi nghĩ rằng họ đang tiến sát tới một Lý thuyết Mọi thứ  – thì đức tính khiêm tốn lại không phải là một trong những đức hạnh của họ – và một số người vẫn còn nghĩ như vậy. Nhưng những khó khăn về phương diện toán học trong lý thuyết chuỗi là cực kỳ kinh khủng và có lẽ còn lâu người ta mới dám đoan chắc rằng chúng sẽ được giải quyết.

Mới đây một nhóm nhỏ các nhà vật lý đã quay trở lại với những tính chất phi tuyến đầy đủ của lý thuyết tương đối tổng quát của Einstein, và bằng cách sử dụng một biểu tượng toán học mới do Abhay Ashtekar sáng tạo – họ đã thử hiển thị cấu trúc của lý thuyết lượng tử đồng vị 45. Bức tranh mà họ đạt được thì rất hấp dẫn: như trong lý thuyết chuỗi, đa tạp không-thời gian chỉ là một xấp xỉ và chỉ có hiệu lực ở những khoảng cách lớn, chứ không phải là một thực tại khách quan. Trong những khoảng cách nhỏ (thang đo Planck) thì hình học không-thời gian là một sóng: một dạng kết nối phức tạp của các sợi.

Cuối cùng một đề xuất rất lý thú đang được hình thành trong một số năm qua trong tầm tay của sự hợp tác liên bộ môn của các nhà toán học, vật lý thiên văn và sinh học: đây là lý thuyết về một trường phát triển hình thái 46. Vì bằng chứng từ giữa những năm 1980 vẫn được tích lũy nên trường này trước hết được khái niệm hóa bởi các nhà sinh học phát triển 47, sự thật thì gắn rất chặt với trường hấp dẫn lượng tử 48: (a) nó tràn ngập toàn bộ không gian; (b) nó tương tác với tất cả vật chất và năng lượng, bất chấp việc vật chất/năng lượng có được nạp từ hay không; và có ý nghĩa nhất, (c) về phương diện toán học đó là một “ tenxơ cân xứng hạng hai”. Tất cả ba thuộc tính đều được đặc trưng bởi lực hấp dẫn; và một vài năm trước nó được chứng minh là lý thuyết phi tuyến duy nhất nhất quán với bản thân mình, chí ít cũng ở trường hợp các năng lượng thấp, chính xác là lý thuyết tương đối tổng quát của Einstein 49. Vì vậy nếu bằng chứng cho (a), (b), và (c) đứng vững thì chúng ta có thể suy ra rằng trường phát triển hình thái là đối tác lượng tử của trường hấp dẫn Einstein. Cho đến gần đây lý thuyết này vẫn bị lờ đi hoặc thậm chí còn bị khinh thường; sự xuất hiện ngành vật lý-năng lượng-cao là ngành luôn bực tức một cách truyền thống với cái hố ngăn cách của các nhà sinh học (không kể các nhà nhân bản học) về “lớp đất mặt” của họ 50. Tuy nhiên một số nhà vật lý lý thuyết mới đưa ra cho lý thuyết này một cái nhìn thứ hai, và có những triển vọng tốt cho sự tiến bộ trong tương lai gần 51. Vẫn còn quá sớm để nói rằng có phải lý thuyết chuỗi, sóng không-thời gian hoặc trường phát triển hình thái sẽ được khẳng định trong phòng thí nghiệm: không dễ để thực hiện các thí nghiệm. Nhưng thật hấp dẫn là tất cả ba lý thuyết này đều có đặc trưng khái niệm tương tự: phi tuyến mạnh, không thời gian chủ thể tính, thông lượng bất biến, và một ứng xuất lên topo học liên kết.

 

Topo học Vi phân và Phép đồng điều

Hầu hết những người ngoài ngành vẫn chưa biết rằng vật lý lý thuyết đã thực hiện một cuộc lột xác lớn lao – mặc dù vẫn chưa phải là một chuyển đổi theo biến hệ Kuhn – trong những năm 1970 và 1980: các công cụ truyền thống của vật lý toán (phân tích thực và phức tạp), liên quan đến đa tạp không-thời gian chỉ mang tính cục bộ đã được bổ sung bởi các cách tiếp cận topo học (nói một cách chính xác hơn thì các phương pháp từ topo học vi phân 52) là phương pháp lý giải toàn cấu về vũ trụ. Khuynh hướng này được thấy trong việc phân tích các dị thường trong các lý thuyết áp kế 53; trong lý thuyết các chuyển tiếp pha xoáy trung gian 54; và trong các lý thuyết chuỗi và siêu chuỗi 55.  Nhiều cuốn sách và công trình điểm sách về “topo học cho các nhà vật lý” đã được xuất bản trong những năm này 56.

Gần tương tự như vậy trong các khoa học tâm lý và xã hội Jacques Lacan đã chỉ ra rằng trò chơi chủ chốt của topo học vi phân là:

Biểu đồ dải Mobius này [là một bề mặt với chỉ một mặt và chỉ một cấu tử biên, dải này có thuộc tính toán học là không thể định hướng, được tạo ra bằng phép bán-cuộn một dải băng giấy, rồi gắn hai đầu dải băng lại với nhau để được một vòng cuộn. Trong không gian Euclid có hai loại dải Mobius phụ thuộc vào hướng bán-cuộn: theo chiều hoặc ngược chiều kim đồng hồ. Vì vậy dải Mobius có tính chiral, một hiện tượng không thể chồng trập lên ảnh gương của nó. Mô hình cuộn giấy là một bề mặt có thể phát triển, có độ cong Gaussien bằng 0 – ND*] có thể được coi là cơ sở của một loại bộ ghi thiết yếu từ nguồn gốc, trong nút tạo ra chủ thể. Điều đó vượt xa hơn nhiều so với cái mà bạn có thể nghĩ ngay từ đầu, vì bạn có thể soát xét loại bề mặt có thể nhận được những bộ ghi như vậy. Có lẽ bạn có thể thấy rằng quyển, một biểu tượng cũ để mô tả tính tổng thể, là không thích hợp. Một không gian xuyến, một hình chai Klein, một bề mặt tiết diện, đều có thể có được một mặt cắt như vậy. Và tính đa dạng này rất quan trọng vì nó giải thích nhiều thứ về cấu trúc của bệnh tâm thần. Nếu một người có thể biểu trưng hóa chủ thể bằng nhát cắt cơ bản này thì cũng bằng cách ấy người ta có thể chỉ ra rằng một lát cắt trên một không gian xuyến hoàn toàn tương hợp với chủ thể loạn thần kinh chức năng, và trên một bề mặt giao điểm với loại bệnh thần kinh khác 57, 58.

Đúng như Althusser đã bình luận, “Lacan cuối cùng đã đem lại cho tư tưởng của Freud những khái niệm khoa học mà nó đòi hỏi” 59. Mới đây topo học chủ thể của Lacan (topologie du sujet) đã được ứng dụng một cách thành công vào phê bình điện ảnh 60 và vào phân tâm học của các bệnh nhân AIDs 61. Bằng các thuật ngữ toán học, ở đây, Lacan đã chỉ ra rằng các nhóm đồng điều đầu tiên 62 của quyển này 62  là vô giá trị, trong khi các nhóm bề mặt khác lại sâu sắc; và phép đồng điều này gắn liền với tính chất kết nối hoặc đứt đoạn của bề mặt sau một hoặc nhiều lát cắt 63. Hơn nữa như Lacan đã nghi ngờ, có một sự kết nối chặt chẽ giữa cấu trúc ngoại tại của thế giới vật chất và sự biểu hiện tâm lý chiều sâu của nó qua (với tư cách là) lý thuyết nút: giả định đề này mới đây đã được khẳng định bởi dẫn xuất Witten về các lượng bất biến (đặc biệt là đa thức Jones 64) từ lý thuyết trường lượng tử ba chiều Chern-Simons 65.

Các cấu trúc topo học ngoại suy xuất hiện trong lực hấp dẫn lượng tử cũng nhiều chẳng kém gì các đa tạp có liên quan đều có tính đa chiều chứ không phải là hai chiều, mà các nhóm thấu xạ cao hơn cũng có vai trò của nó. Những đa tạp nhiều chiều này không còn có thể sửa đổi để hiển thị hóa trong không gian Descartes ba chiều truyền thống: chẳng hạn không gian xạ ảnh , xuất hiện từ 3-quyển thông thường bằng cách xác định các đối xứng xuyên tâm, sẽ đòi hỏi một không gian lồng Euclid của ít nhất là 5 chiều 66. Tuy nhiên các nhóm thấu xạ cao hơn có thể hiểu được chí ít là cũng tương đối nhờ một logic (phi tuyến) đa chiều 67, 68.

 

Lý thuyết Đa tạp: các Toàn thể và các Ranh giới

Luce Irigaray trong bài viết nổi tiếng của bà “Chủ thể của khoa học có phải xác định giới tính?” đã chỉ ra rằng các khoa học toán học, trong lý thuyết về các tập hợp đã liên hệ chúng với các không gian đóng và mở…Bản thân chúng liên quan rất ít đến vấn đề mở bộ phận, với các tập hợp không được mô tả một cách rõ ràng [ensembles flous] với bất kỳ phân tích nào về vấn đề các giới hạn [bords] …69.

 

Vào năm 1982 khi lần đầu tiên luận văn của Irigaray xuất hiện, đó đã là một sự phê phán sắc bén: topo học vi phân đã ban phát đặc ân truyền thống cho công việc nghiên cứu về cái được gọi về phương diện kỹ thuật là “các đa tạp không có ranh giới”. Tuy nhiên trong thập kỷ vừa qua, dưới lực đẩy của sự phê phán nữ quyền luận, một số nhà toán học đã bày tỏ mối quan tâm mới đối với lý thuyết về “các đa tạp có giới hạn” [variétés à bord70. Có lẽ không phải trùng hợp ngẫu nhiên, đó chính xác là những đa tạp đã xuất hiện trong vật lý mới về lý thuyết trường bảo giác, lý thuyết siêu chuỗi, và lực hấp dẫn lượng tử.

Trong lý thuyết chuỗi, biên độ cơ – lượng tử cho sự tương tác của n chuỗi đóng hoặc chuỗi mở đều được thể hiện bởi một tích phân hàm (về cơ bản là một tổng) đối với các trường tồn tại trên một đa tạp hai chiều có giới hạn 71. Trong lý thuyết hấp dẫn lượng tử, chúng ta có thể hy vọng rằng sẽ có một sự thể hiện tương tự, ngoại trừ đa tạp hai chiều có giới hạn kia sẽ được thay thế bằng một đa tạp nhiều chiều. Rất không may là tính chất nhiều chiều lại đi ngược lại với khuynh hướng tư tưởng toán học tuyến tính truyền thống, và mặc dù mới đây đã có sự mở rộng các biên độ (đặc biệt gắn liền với việc nghiên cứu các hiện tượng phi tuyến đa chiều trong lý thuyết hỗn độn), nhưng lý thuyết đa tạp đa chiều hữu hạn vẫn là một cái gì đó chưa được phát triển. Tuy nhiên công trình của các nhà vật lý về cách tiếp cận tích phân hàm số đối với lý thuyết hấp dẫn lượng tử vẫn tiếp diễn mau lẹ 72, và công trình này có vẻ kích thích sự chú ý của các nhà toán học 73.

Như Irigaray đã tiên đoán, một câu hỏi quan trọng trong tất cả các lý thuyết này là: Có thể vượt qua ranh giới được không, và nếu được thì sau đó điều gì sẽ xảy ra? Về phương diện kỹ thuật, điều này có nghĩa là vấn đề về “các điều kiện giới hạn”. Đối với một cấp độ toán học thuần túy thì hầu hết cái khía cạnh nổi bật nhất của các điều kiện giới hạn là tính chất rất đa dạng của các khả năng: chẳng hạn, “b.c tự do” (không có trở ngại nào để vượt qua), “phản ánh b.c” (phản chiếu gương), “chu kỳ b.c” (điểm tái nhập vào phần khác của đa tạp), và “phản chu kỳ b.c” (điểm tái nhập với độ xoắn là 180o). Câu hỏi được các nhà vật lý học đề xuất là “Liệu tất cả những điều kiện giới hạn thực sự xuất hiện trong sự thể hiện của lý thuyết hấp dẫn lượng tử này có thể hiểu được không? Hoặc có thể tất cả các điều kiện đó đều xuất hiện đồng thời và dựa trên một nền đơn ngang nhau, như đã được gợi ý bởi nguyên lý bổ sung 74?

Về vấn đề này tóm tắt của tôi về những phát triển trong vật lý phải dừng lại, vì một lý do đơn giản là các câu trả lời cho những câu hỏi này – nếu thực sự chúng là những câu trả lời đơn nghĩa – thì lại vẫn chưa được biết. Trong phần còn lại của bài viết này, tôi sẽ đề xuất lấy các đặc điểm đó của lý thuyết lực hấp dẫn lượng tử làm xuất phát điểm của tôi. Trong khi đó các đặc điểm này lại được xác lập tương đối tốt (chí ít là bằng các tiêu chuẩn của khoa học truyền thống), và cố gắng rút ra những dính líu về triết học và chính trị của chúng.

 

Vượt qua các ranh giới: Hướng tới một Khoa học Tự do

Trên hai thập kỷ vừa qua đã có những cuộc thảo luận rộng rãi giữa các lý thuyết gia phê phán liên quan đến đặc trưng của văn hóa hiện đại so với văn hóa hậu hiện đại; và trong những năm vừa rồi các cuộc đối thoại này đã bắt đầu giành sự chú ý tường tận đến các vấn đề riêng do các khoa học tự nhiên đưa ra 75. Đặc biệt Madsen và Madsen mới đây đã đưa ra một tóm tắt rõ ràng về các đặc trưng của khoa học hiện đại so với khoa học hậu hiện đại. Họ đã xác lập hai tiêu chuẩn cho khoa học hậu hiện đại:

Một tiêu chuẩn đơn giản cho khoa học nhằm đảm bảo tiêu chuẩn hậu hiện đại là: nó phải tự do, không phụ thuộc vào bất kỳ khái niệm chân lý khách quan nào. Bằng tiêu chuẩn này, chẳng hạn việc lý giải bổ sung vật lý lượng tử theo Niels Bohr và trường phái Copenhagen thì được coi là hậu hiện đại76. Rõ ràng là lý thuyết hấp dẫn lượng tử về phương diện này là một khoa học hậu hiện đại nguyên mẫu. Thứ hai, khái niệm khác có thể được coi là cơ bản cho khoa học hậu hiện đại là khoa học về thực tính. Các lý thuyết khoa học hậu hiện đại được cấu trúc từ những thành tố lý thuyết thực tính đối với tính nhất quán và tiện ích của lý thuyết đó 77. Vì vậy những số lượng hoặc đối tượng về nguyên tắc là không thể quan sát được – chẳng hạn như các điểm không-thời gian, các vị trí chính xác của hạt, hoặc các hạt quarks, hạt gluons – phải không được đưa vào lý thuyết này 78. Trong khi hầu hết vật lý hiện đại bị loại trừ bởi tiêu chuẩn này thì lý thuyết hấp dẫn lượng tử lại đảm bảo: trong bước chuyển từ lý thuyết tương đối tổng quát cổ điển sang lý thuyết lượng tử hóa, các điểm không – thời gian (và trong thực tế cả chính bản thân đa tạp không – thời gian) đều đã biến mất khỏi lý thuyết.

 

Tuy nhiên các tiêu chuẩn này được thừa nhận như là các tiêu chuẩn thì lại không đủ cho một khoa học hậu hiện đại tự do: chúng giải phóng con người khỏi sự chuyên chế của “chân lý tuyệt đối” và “tương đối tính khách quan”, nhưng không nhất thiết khỏi sự chuyên chế của những kẻ khác. Theo cách nói của Andrew Ross thì chúng ta cần một khoa học “sẽ có thể trả lời một cách công khai và sẽ thuộc về một loạt dịch vụ nào đó cho các lợi ích tiến bộ” 79. Từ một quan điểm nữ quyền luận, Kelly Oliver đã lập luận tương tự rằng:

Để trở thành cách mạng, lý thuyết nữ quyền không thể xác quyết để mô tả cái vẫn tồn tại, hoặc “các sự thật hiển nhiên”. Hơn nữa các lý thuyết nữ quyền cần phải là những công cụ chính trị, các chiến lược để vượt qua ách áp bức trong những tình huống cụ thể riêng. Vậy là mục đích của lý thuyết nữ quyền cần phải phát triển các lý thuyết chiến lược – chứ không phải là những lý thuyết chân, cũng không phải là các lý thuyết giả, mà là các lý thuyết chiến lược 80. Vậy thì điều đó phải được thực hiện như thế nào?

Bằng vấn đề tiếp theo, tôi muốn thảo luận về các phác thảo cho một khoa học hậu hiện đại giải phóng ở hai cấp độ: trước hết, liên quan đến các đề tài và các thái độ chung; và sau đó liên quan đến các mục đích chính trị và chiến lược.

Một đặc trưng của khoa học hậu hiện đại đang xuất hiện là sự nhấn mạnh của nó đối với tính gián đoạn và tính phi tuyến: điều đó thật hiển nhiên, chẳng hạn như trong lý thuyết hỗn độn và lý thuyết các pha chuyển tiếp cũng như trong lý thuyết hấp dẫn lượng tử 81. Đồng thời các nhà tư tưởng nữ quyền đã chỉ ra việc cần thiết phải có một phân tích đầy đủ về độ chảy, đặc biệt là tính độ chảy hỗn độn 82. Hai đề tài này không hề mâu thuẫn như nó có thể thể hiện ngay từ đầu: tính hỗn độn gắn liền với tính phi tuyến mạnh, và độ nhẵn/độ chảy đôi khi gắn liền với tính gián đọan (chẳng hạn như trong lý thuyết tai biến 83); vì vậy việc tổng hợp không thể nào đi ra ngoài vấn đề đó được.

Thứ hai, các khoa học hậu hiện đại giải kết cấu và siêu vượt các phân biệt siêu hình kiểu Descartes giữa con người và tự nhiên, người quan sát và đối tượng quan sát, chủ thể và khách thể. Ngay từ đầu thế kỷ này, cơ học lượng tử đã đập tan tành niềm tin kiểu Newton ngây thơ về một thế giới khách quan tiền ngôn ngữ của các đối tượng vật chất “ở ngoài vấn đề đó”; chúng ta không còn có thể hỏi như Heisenberg xem liệu “các  hạt có tồn tại một cách khách quan trong không thời gian không”. Nhưng công thức của Heisenberg vẫn phỏng đoán sự tồn tại khách quan của không gian và thời gian như là một vũ đài trung gian chắc chắn mà ở đó các sóng-hạt lượng tử hóa tương tác (mặc dù không có tính quyết định luận); và chính xác thì nó sẽ là cái vũ đài mà lý thuyết hấp dẫn lượng tử bị đặt thành vấn đề. Đúng như cơ học lượng tử thông tin cho chúng ta rằng vị trí và mômen của một hạt được quyết định chỉ duy nhất bởi hành động của người quan sát, vì vậy lực hấp dẫn lượng tử thông tin cho chúng ta rằng bản thân không gian và thời gian là có tính ngữ cảnh, ý nghĩa của chúng chỉ được xác định một cách tương đối theo phương thức quan sát 84.

Thứ ba, các khoa học hậu hiện đại cũng đã đập tan các phạm trù hữu thể luận tĩnh và các phân cấp đặc trưng cho khoa học hiện đại. Thay cho nguyên tử luận và qui giản luận, các khoa học mới nhấn mạnh vào mạng các quan hệ động giữa cái toàn thể và cái bộ phận; thay cho các thực tính cá thể (chẳng hạn các hạt Newton), chúng khái niệm hóa các tương tác và các dòng (chẳng hạn các trường lượng tử). Thật đáng ngạc nhiên là những đặc điểm đồng điều này lại xuất hiện trong rất nhiều lĩnh vực dường như là riêng rẽ của khoa học, từ lý thuyết hấp dẫn lượng tử đến lý thuyết hỗn độn đến lý sinh các hệ thống tự tổ chức. Theo cách đó, các khoa học hiện đại có vẻ như hội tụ vào một hình mẫu nhận thức luận mới, có thể được gọi là một viễn cảnh sinh thái học, được nhận thức một cách rộng rãi là “thừa nhậ[n] tính độc lập cơ bản của toàn bộ các hiện tượng và tính bao quát của các cá nhân và các xã hội trong các hình mẫu tuần hoàn của tự nhiên” 85.

Một khía cạnh thứ tư của khoa học hậu hiện đại nhấn mạnh một cách tự ý thức của nó đối với tượng trưng luận và sự biểu hiện. Như Robert Markley đã chỉ rõ, các khoa học hậu hiện đại ngày càng vượt khỏi các ranh giới bộ môn, đảm nhận các đặc trưng mà trước đây vẫn thuộc lĩnh vực các khoa học nhân văn:

Vật lý lượng tử, lý thuyết khởi động hadron, lý thuyết số phức, và lý thuyết hỗn độn đều có chung một giả định đề cơ bản là hiện thực không thể được mô tả bằng các thuật ngữ tuyến tính, các thuật ngữ phi tuyến và các phương trình bất khả giải mới là phương tiện duy nhất có thể mô tả một thực tại phức tạp, hỗn độn và phi quyết định luận. Các lý thuyết hậu hiện đại này – phần lớn đều là những lý thuyết siêu phê phán, theo nghĩa chúng chứng tỏ bản thân mình như là những ẩn dụ chứ không phải là các mô tả “chính xác” về thực tại. Trong khuôn khổ thân thuộc đối với các lý thuyết gia văn học hơn so với các nhà vật lý học, chúng ta có thể nói rằng những cố gắng của các nhà khoa học trong việc phát triển các chiến lược mô tả mới đã thể hiện những chủ ý hướng tới một lý thuyết của các lý thuyết, một lý thuyết mà việc biểu hiện thế nào về phương diện toán học, thực nghiệm, và diễn ngôn – rõ ràng là phức tạp và có vấn đề, không phải là một giải pháp mà là một phần của môn ngữ nghĩa học thăm dò vũ trụ 86, 87. Từ một xuất phát điểm khác, Aronowitz cũng đã gợi ý rằng một khoa học giải phóng có thể xuất hiện từ kết quả liên môn có chung các loại nhận thức luận:

 

Các đối tượng tự nhiên chỉ là thứ được kết cấu về phương diện xã hội. Vì vậy không có chuyện phải đặt câu hỏi liệu các đối tượng tự nhiên này, hoặc chính xác hơn, các đối tượng của tri thức khoa học tự nhiên này, có tồn tại độc lập với hành động nhận thức không. Câu hỏi này đã được trả lời bằng giả định đề về thời gian “thực” đối lập với tiền giả định rất quen thuộc đối với các môn đồ Kant mới rằng thời gian luôn luôn có một điểm qui chiếu, vì vậy mà thời gian tính là một phạm trù tương đối, chứ không phải là một phạm trù vô điều kiện. Chắc chắn là quả đất vẫn tiến hóa từ rất lâu trước khi có cuộc sống xuất hiện. Vấn đề là liệu các đối tượng của tri thức khoa học tự nhiên có phải được tạo ra bên ngoài lĩnh vực xã hội hay không mà thôi. Nếu điều này là có thể, thì chúng ta cũng có thể giả định rằng khoa học hay nghệ thuật có thể phát triển các thao tác trung tính hóa một cách hiệu quả các tác động sinh ra từ thứ phương tiện vẫn được sử dụng để sản xuất ra tri thức/nghệ thuật. Nghệ thuật trình diễn có thể là một cố gắng như vậy 88.

Cuối cùng, khoa học hậu hiện đại đang mạnh mẽ bác bẻ chủ nghĩa độc đoán và chủ nghĩa tinh hoa cố hữu trong các khoa học truyền thống, cũng như một cơ sở kinh nghiệm cho một cách tiếp cận dân chủ đối với công trình khoa học. Vì, như Bohr đã lưu ý “sự rọi sáng hoàn toàn vào một và chỉ một đối tượng có thể đòi hỏi những quan điểm đa dạng không tuân theo một sự mô tả duy nhất” – đây hoàn toàn là một sự thật giản đơn về thế giới, chẳng khác nào các nhà kinh nghiệm chủ nghĩa tự phong của khoa học hậu hiện đại có thể thích phủ nhận nó. Trong một trạng huống như vậy làm thế nào mà giới tăng lữ thế tục tự vĩnh tồn của các nhà “khoa học” đáng tin cậy lại dường như có ý định duy trì một sự độc quyền đối với việc sản xuất tri thức khoa học? (Hãy cho phép tôi nhấn mạnh rằng tôi không hề đối lập với việc đào tạo khoa học chuyên biệt; tôi chỉ phản đối khi một đẳng cấp tinh hoa tìm cách để áp đặt tiêu chuẩn “khoa học cao” của nó, với mục đích loại trừ các hình thức thay thế tiên thiên của việc sản xuất khoa học bởi những người không phải là các thành viên của nó 89).

Vì vậy nội dung và phương pháp luận của khoa học hậu hiện đại đã đem đến một sự ủng hộ trí thức mạnh mẽ cho các dự án chính trị tiến bộ, được hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ: sự vượt qua các giới hạn, sự đột phá các rào cản, quá trình dân chủ hóa cơ bản của tất cả các khía cạnh đời sống văn hóa, chính trị, kinh tế và xã hội 90. Ngược lại, một phần của cái dự án này cần phải can dự vào việc kết cấu một khoa học thực sự tiến bộ và mới mẻ, một khoa học có thể phục vụ các nhu cầu của một xã hội – tồn tại đã dân chủ hóa. Như Markley đã nhận thấy, dường như có hai lựa chọn loại biệt ít nhiều chung nhau đã có trong cái cộng đồng tiến bộ đó:

Một mặt các nhà khoa học tiến bộ về phương diện chính trị thì có thể thử khôi phục lại các hoạt động hiện tồn đối với các giá trị đạo đức mà họ ủng hộ bằng cách lập luận rằng các kẻ thù cánh hữu của họ đang làm xấu đi bộ mặt của tự nhiên, và họ, cái phản trào lưu ấy đã tiếp cận được với chân lý. [Nhưng] hiện trạng sinh quyển – ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, sự biến mất của các cánh rừng mưa nhiệt đới, hàng nghìn loài đang đứng trước bờ vực diệt vong, những vùng đất mênh mông đã bị quá tải vượt xa sức mang của chúng, các nhà máy năng lượng hạt nhân, các loại vũ khí nguyên tử, đã trở thành hoang mạc những vùng đất đã từng là những cánh rừng mênh mông, nạn đói, suy dinh dưỡng, các đầm lầy biến mất, những cánh đồng cỏ không còn tồn tại trên đời này nữa, và sự lan tỏa của bệnh tật do khủng khoảng môi sinh – đã chỉ ra rằng giấc mơ hiện thực chủ nghĩa của tiến bộ khoa học, của việc tái nắm bắt chứ không phải là cách mạng hóa các phương pháp luận và các công nghệ hiện tồn, ở mức xấu nhất cũng không tương hợp với một cuộc đấu tranh chính trị, là thứ nhằm vào việc tìm kiếm một cái gì đó hơn là tái ban hành các đạo luật về chủ nghĩa xã hội nhà nước91. Giải pháp thay thế là một tái quan niệm sâu sắc về khoa học cũng như về chính trị:

[C]uộc vận động đối thoại hướng tới việc tái xác định hệ thống nhìn nhận thế giới không chỉ như một tổng thể sinh thái, mà như một tập hệ thống cạnh tranh – một thế giới gắn bó với nhau bằng những căng thẳng giữa các lợi ích con người và tự nhiên đa dạng – xuất trình khả năng tái xác định khoa học là gì và khoa học làm gì; xuất trình khả năng tái cấu trúc các lược đồ quyết định luận về giáo dục khoa học thiên về các đối thoại đang diễn ra về việc con người can thiệp như thế nào vào môi trường của chúng ta 92.

Mọi việc vẫn tiến triển mà không cần phải nói rằng khoa học hậu hiện đại rõ ràng thiên về vấn đề vừa nêu ở trên, bằng cách tiếp cận sâu hơn. Bổ sung vào việc xác định nội dung của khoa học, đó chính là mệnh lệnh nhằm tái cấu trúc và tái xác định các quĩ tích thể chế trong đó lao động khoa học diễn ra – các đại học, các phòng thí nghiệm của chính phủ, các công ty – và tái cơ cấu hệ thống thưởng công thúc đẩy các nhà khoa học thường dựa vào các bản năng hoàn thiện hơn của mình, những khẩu súng được che đậy của các nhà tư bản và giới quân phiệt. Như Aronowitz đã lưu ý, “Một phần ba trong số 11.000 sinh viên vật lý đã tốt nghiệp ở Mỹ nằm trong tiểu lĩnh vực duy nhất của ngành vật lý học thuần nhất nhà nước, và tất cả số đó đều có thể kiếm được việc làm trong cái tiểu lĩnh vực đó” 93. Ngược lại chỉ có ít việc làm cả trong lĩnh vực hấp dẫn lượng tử cũng như trong vật lý môi trường.

Nhưng tất cả những cái đó chỉ là bước đi đầu tiên: mục đích cơ bản của bất kỳ phong trào mang tính giải phóng nào cũng phải giải huyền thoại hóa và dân chủ hóa việc sản xuất tri thức khoa học, phải đột phá vào các rào cản nhân tạo chia tách các “nhà khoa học” khỏi “công chúng”. Về phương diện duy thực chủ nghĩa, nhiệm vụ này phải được bắt đầu với thế hệ trẻ hơn, thông qua cuộc cải cách sâu sắc của hệ thống giáo dục 94. Việc giảng dạy khoa học và toán học phải gột rửa các đặc trưng chủ nghĩa tinh hoa, chủ nghĩa độc đoán 95, và nội dung của các chủ đề này được làm phong phú bằng việc kết hợp các tri thức sâu sắc của các phê phán nữ quyền luận 96, người đồng tính 97, chủ nghĩa đa văn hóa 98, và phê phán sinh thái.

Cuối cùng, nội dung của bất kỳ khoa học nào cũng đều chịu câu thúc một cách sâu xa bởi thứ ngôn ngữ mà các diễn ngôn của nó được tạo nên bởi chính nó; và khoa học tự nhiên chính thống phương Tây từ thời Galileo đã được tạo dựng bằng ngôn ngữ toán học 100, 101. Nhưng toán học của ai? Đây là một vấn đề cơ bản, vì như Aronowitz đã nhận thấy “không phải logic, cũng không phải toán học thoát khỏi “sự ô uế” của cái xã hội 102. Và như các nhà tư tưởng nữ quyền đã chỉ đi chỉ lại rằng trong nền văn hóa hiện thời, sự ô uế này tràn ngập tính tư bản chủ nghĩa, gia trưởng chủ nghĩa và quân phiệt chủ nghĩa: “toán học được khắc họa chân dung như một phụ nữ mà bản chất của bà ta khát khao trở thành Người khác bị chinh phục” 103, 104. Vì vậy một khoa học giải phóng không thể là một khoa học hoàn hảo mà lại không có việc xem xét lại một cách sâu sắc theo tiêu chuẩn toán học 105. Nhưng lại không tồn tại một toán học giải phóng như vậy và chúng ta chỉ có thể nghiên cứu nội dung cuối cùng của nó. Chúng ta có thể thấy những dấu vết của nó trong logic đa chiều và phi tuyến của lý thuyết các hệ thống mờ106; nhưng cách tiếp cận này vẫn ghi dấu nặng nề bởi các nguồn gốc của nó trong sự khủng hoảng của các mối quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa 107. Lý thuyết tai biến 108, với việc nhấn mạnh một cách biện chứng đối với tính nhẵn/tính gián đọan và sự đổi dạng/bộc lộ rõ ràng sẽ đóng vai trò cơ bản trong toán học tương lai; nhưng hầu hết công trình lý thuyết vẫn còn được thực hiện trước khi cách tiếp cận này có thể trở nên một công cụ cụ thể của thực tiễn chính trị tiến bộ 109. Cuối cùng lý thuyết hỗn độn đưa đến một hiểu biết sâu sắc nhất về hiện tượng phi tuyến tràn lan, nhưng lại bí hiểm – sẽ là trung tâm của môn toán học tương lai. Vả lại, chính các hình ảnh này của toán học tương lai cần phải được duy trì, chứ không phải là cái vệt sáng quá lơ mơ kia: vì, cùng với ba cành mới mẻ này trong cái cây khoa học kia sẽ tạo ra những thân cây và các cành nhánh mới – các khung lý thuyết hoàn toàn mới – mà chúng ta, cùng với những kẻ mù lòa ý thức hệ, thậm chí còn không thể lĩnh hội được.

___________________________________________

 

Nguồn: Sokal Alan, 1996. Transgressing the Boundaries: Toward a Transformative Hermeneutics of Quantum Gravity. In Social Text 46/47(46/47): 217–252.

 

Tác giả: Alan Sokal là một giáo sư vật lý tại Đại học New York. Ông đã giảng dạy tại nhiều nơi ở Châu Âu và Châu Mỹ Latin, trong đó có các đại học Universita di Roma “La Sapienza”, và trong thời kỳ chính phủ Sandinista, tại đại học Universidad Nacional Autónoma de Nicaragua. Ông là đồng tác giả với Roberto Fernández và Jürg Fröhlich của cuốn sách Random Walks, Critical Phenomena, and Triviality in Quantum Field Theory (Springer, 1992).

Nguồn: Văn hóa Nghệ An

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version