Dường như giữa văn chương và văn sĩ đang ngự trị hai vùng tư tưởng. Một kẻ “trói gà không chặt”, “bạch diện thư sinh” nhưng khi độc hành với cây bút trên lãnh địa chữ nghĩa, dưới ánh sáng của ngọn đèn tinh thần thời đại thì lại mạnh mẽ, quả cảm giành giật lấy cái thiện, tôn vinh cái và độc tôn cái chân biết chừng nào. Chẳng thế mà văn sĩ có đôi mắt mù lòa Nguyễn Đình Chiểu vẫn sáng tỏ một quan niệm sống, một nhân cách cầm bút cao khiết:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.

(Đạo thán)

Bút ấy, phải là đao bút mới đúng, người am tường về chữ nghĩa thường kiến giải như vậy trước sự đối kháng giữa bậc chính đạo và tà đạo, giữa đạo nghĩa và bất nghĩa. Nhưng, suy xét đến cùng cực để có được sức mạnh xem hướng tới mục tiêu nào thì còn cần đến sự quyết liệt của chữ nghĩa, một cuộc chiến không khoan nhượng để làm mới cho chữ nghĩa của mình. Để lí giải chính thiên chức của người viết, mục đích sống của con người.

Quyết liệt từ mục đích cao cả…

Sự quyết liệt, không khoan nhượng bắt đầu từ một mục đích cao cả mà nhà văn có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong giới cầm bút của Việt Nam gần đây đã từng nói: “Thiên chức của nhà văn là suốt đời đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người” (Nguyễn Minh Châu). Thoạt nghe, sẽ chẳng có gì là to tát khi nhà văn (người nghệ sĩ nói chung) đi tìm cái đẹp suốt cuộc đời vì đó là lòng đam mê, hứng thú của họ. Nhưng, đi tìm hạt ngọc ẩn giấu thì đâu phải chuyện thường, đâu có phải cứ bỏ công, bỏ sức để đào xới, lặn lội và kiếm được. Nó đòi hỏi sự tỉnh táo trong nhận thức. Một sự tỉnh táo không đơn thuần chỉ là sự phát huy năng lực chủ quan mà cần nhận rõ ra xu thế đối nghịch, cản trở, vùi lấp những “hạt ngọc ấy” mà điều thật đáng tiếc, trong xã hội ngày nay đó lại là phần còn lại của tâm hồn mình. Ví như “màn bi kịch”ngắn ngủi khi người chồng đánh vợ bằng dây lưng, đứa con cầm dao lao thẳng vào bố đẻ như kẻ thù hòng giải thoát cho mẹ trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của ông là một ví dụ tiêu biểu nhất.

Câu chuyện khép lại bằng sự thỏa mãn của tất cả các nhân vật, hài lòng tất cả các đòi hỏi của mọi ý kiến, trả lời gần như đầy đủ mọi thắc mắc của các nhân vật. Nhưng thực tình đó là thứ hài lòng giả tạo, đánh lừa tất cả bằng những ngụy biện theo những lối khác nhau. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng đem nộp bức ảnh chiếc thuyền mĩ lệ đi về trong nắng mai để chấp nhận cho người đời tôn vinh trong phòng khách sang trọng. Đẩu bất lực ngụy biện cho quyền lực bằng chứng cớ là lời ngụy biện của người đàn bà làng chài. Cứ thế, các tầng bậc quyết che dấu vĩnh viễn một nhân cách nếu như không có sự can thiệp của một đôi mắt thứ hai, đôi mắt lương tâm của người viết quyết đào bới cho được một số phận đang bị vùi lấp trong phần kết độc đáo của tác phẩm:

“Quái lạ, tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kỹ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ tôi nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân dậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông”.

Để có được những dòng ấy là cả một cuộc “vật lộn”thực sự với nội tâm để “lấm lưng trắng bụng”chính những quan niệm cũ mà mình từng tin chắc như đinh đóng cột. Tác phẩm có tính bản lề này đã mở ra một cuộc đào xới cứu rỗi những thân phận bằng cái nhìn nhân văn.

Lại một trường hợp có nét tương đồng là khi Nam Cao kì công xây dựng một nhân vật Chí Phèo cho đến khi anh chết gục trong vũng máu cùng với Bá Kiến. Thử hỏi, trước Nam Cao đã mấy ai cho nhân vật được phản kháng chính xác và trực diện với thủ phạm; được cất lên câu nói đầy triết lí dù nấp trong lớp vỏ lưu manh, du côn của hiển ngôn như thế: “Ai cho tao lương thiện?”

Ví thử truyện không được xây dựng như thế thì tất thảy chúng ta vẫn chịu đựng một quan niệm nhìn người nông dân trong xu thế bị bần cùng hóa, bị lưu manh hóa và mất khả năng phản kháng. Quan niệm ấy không sai nhưng chưa đủ. Đôi khi, một dữ kiện bị thiếu tạo nên một lí giải chưa đủ hằn sâu trong ý thức lại tạo nên một cái sai thực sự. Cái đói có thể bị xua đuổi, áp bức có thể được giải phóng nhưng không thể giúp người nông dân của một đất nước hàng ngàn năm bị đô hộ tự giải cứu mình, tạo ra một nội lực thức tỉnh nếu như không nhận thức được bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người. Cái chết đầy bi thương ấy không phải là cái giá phải trả mà chính là dấu hiệu chỉ định một hướng đi đúng đắn trong cuộc xung đột này. Vô tình hay hữu ý cũng truyền tải một tinh thần không khoan nhượng trong sự tìm tòi, cứu vớt nhân cách người nông dân nước Việt của Nam Cao đầu thế kỉ.

…đến đổi mới cái nhìn

Đổi mới ý thức hay cái nhìn của mình đôi lúc phải cần đến cả sự tham dự của người đọc. Sự tham dự đó vừa như một trợ lực, vừa tạo ra sự khách quan cần thiết. Lâu nay lí luận văn học thường cho rằng người đọc là người làm sống dậy “khách thể thẩm mĩ” để quyết định đến thân phận tác phẩm. Họ dùng sự suy cảm để liên tưởng, lí giải, gắn kết các dải tần mờ tao nên sự “đồng sáng tạo”. Nhưng, từ lí thuyết chung chung đó đến thực tế sáng tạo của nhà văn lại có một khoảng cách rất lớn. Điển hình như khi Lê Lựu xây dựng một Giang Minh Sài trong tiểu thuyết Thời xa vắng. Ở vào vị trí nào Sài cũng là người lập được kì tích. Từ thuở bé là đội viên anh được khen, ra chiến trường anh lập chiến công, trở về làm khoa học anh tài năng; ở nhà anh không dám cãi lại ý cha mẹ, ở đơn vị không kháng cự ý kiến chỉ huy… Thử hỏi người như thế có đáng được hành phục hay chí ít là được là một người bình thường không?

Nhưng Lê Lựu không thể, ông quyết bảo vệ con người ấy đến cùng bởi ông hiểu khi đã lựa chọn một nhân vật đưa vào trang viết của mình thì số phận nhân vật đó trong mắt người đọc cũng là sinh mệnh văn chương của mình. Sài đa tài là thế nhưng ở đâu anh cũng gặp bi kịch bởi cái nhìn lệch pha, dẫn tới những đòi hỏi vô lí của người đời dẫn tới một kết quả nhận diện “khúc xạ” về nhân vật. Khi còn ở tuổi đi học Sài lại bị gia đình gò ép vào vào cuộc sống gia đình để rồi chứng minh anh vô trách nhiệm, không yêu thương vợ. Đến khi được khen thưởng lũ bạn “tố” anh là “đội viên tháng Tám” nhưng lại có vợ. Khi thực sự biết yêu và bảo vệ tình yêu anh lại bị đơn vị lên án bằng sự thắc mắc của chỉ huy gọi tên bệnh tương tư là “thần kinh”… cứ như thế sự lệch pha tạo nên hình hài méo mó về một giá trị thực hoàn hảo và vùi lấp anh bằng sự khó lí giải. Lê Lựu không bất lực nhưng ông khéo bày ra những bất cập lên mặt trước của tấm huân chương, “trạm”, “khảm” sự mỉa mai lên đầu lưỡi của những câu nói tưởng như là nghiêm túc quyết để người đọc thay mình quyết liệt thầm lên án bảo vệ một số phận. Cách làm ấy đâu phải là sự yếu đuối mà tạp ra một dư trấn, âm vang mạnh mẽ đem lại sự đổi mới thực sự cho văn học giai đoạn cần phải đổi mới theo đất nước.

Nhà văn không khoan nhượng có nghĩa là phải thật sự thông minh và tỉnh táo. Vì chỉ khi tỉnh táo mới tạo nên một tuyên ngôn quyết liệt bằng những lý lẽ giàu sức thuyết phục như thế.

Nguồn: Vanhocquenha