(Dân trí) – Xin nói ngay rằng, đọc tập truyện Giọt nước mắt màu đất của Đức Ban (NXB Hội Nhà văn 2014), với tôi Chốn xưa là một truyện ngắn hay.
Nội dung truyện có thể nói là đơn giản, gần như tình cờ. Các nhân vật không gắn gì với nhau, gặp nhau ngẫu nhiên trong một chuyến đò dọc ngược nguồn lên một vùng đất có tên là bến Sơn Lĩnh nào đấy, một địa danh có tên là Kẻ Xá nào đấy. Tác giả giữ được sự khách quan cũng không biết đấy là đâu!
Trong chuyến đò ngược này, sau khi những người làm ăn buôn bán đã xuống hết các bến, thuyền chỉ còn lại một “bà lão nhỏ bé, hai tay ôm chặt túi xách da đã nhàu. Bà mặc bộ quần áo màu nâu, ngang bụng thắt một dải lụa đỏ, múi thắt vẹn vẹo một cách cẩu thả. Cái mũ vải tùm hụp xuống tận đường lông mày khiến khuôn mặt trắng nhợt của bà toát ra vẻ nghiêm nhặt, khắc khổ.” và một người đàn ông trí thức tên là Võ My, đi biệt xứ đã lâu, từ năm lên mười khi mẹ Võ My mất. Khi ấy cha Võ My đang là một quan chức cỡ bự của tỉnh đã đưa Võ My ra thành phố ăn học. Rồi Võ My ra nước ngoài học đại học, rồi làm tiên sỹ. Học xong Võ My lại về tỉnh, nhưng chỉ quanh quẩn trong trung tâm giống cây trồng. Lần này Võ My về cái nơi có tên là Kẻ Xá. Về không phải là tìm lại kỷ niệm xưa, không thăm ai, mà để xem thửa đất 13 nào đấy ở Kẻ Xá người cha để lại. Cha Võ My vốn là kẻ có quyền và ham tiền với triết lý sống “có nghị lực, có tham vọng cần thứ gì có thứ ấy“. Ông từng đạy Võ My “Phải giành giật, giành giật với người sống và cả với người đã chết!” Và ông đã giành giật đất đai ở Kẻ Xá để triển khai một dự án kinh tế nào đấy, không phải để làm giàu cho quê hương, mà để thu được lợi lộc cho mình nhiều hơn nữa. Nhưng đang làm dở thì ông chết.
Võ My muốn về để nhìn lại mảnh đất ấy, nơi luôn luôn khiến mình có cảm giác bất an. Biết cũng chẳng để làm gì, vu vơ thế thôi! Nhưng đấy là tâm trạng của người lương thiện, cả nghĩ. Còn bà lão hàng năm về Sơn Lĩnh, về Hoà Xá có làng Hoàn Nghĩa để thăm lại chốn xưa, nơi ông nội của bà là người khai thiên lập địa thành làng ở đây. Khi cụ mất, làng đã lấy tên cụ làm tên làng. Cụ là thành hoàng làng. Rồi nhiều người trong họ mạc của bà cũng nằm lại ở đây. Bây giờ dân làng đã rời đi hết, để nhường đất cho một dự án kinh tế nào đấy. Bà lão nhìn chiếc giàn khoan chìm trong cỏ dại, nghe Võ My nói mũi khoan của nó khoan xuống 15, 20 mét, bà lão có cảm giác rờn rợn như mũi khoan đang xoáy vào da thịt người nào đó! Bởi nơi đây nhiều người trong họ mạc của bà đã nằm lại, hoà vào mảnh đất này. Bây giờ bà về thăm, là thăm một thế giới người âm ở đó, cũng vu vơ thế thôi! Mỗi lần về bà sắm lễ bày ra nơi Chốn Xưa, rồi thắp nến, đốt nhang, đọc bài khấn, thế là tất cả hiển hiện quanh bà, khiến Võ My là người ngoài họ mạc cũng “nhìn thấy rất nhiều bóng dáng trắng nhợt và méo mó, đang chuyển động trong một không gian loang loáng nắng và nồng nàn mùi đất, rồi họ bám vào nhau ríu rít quanh bà lão, từng vòng, từng vòng như vô cùng… Và Võ My lờ mờ thấy ra một cuộc gặp gỡ giữa bà lão và những vong hồn.
– Bà nói gì với các vong và các vong nói gì với bà vậy? – Võ My dè dặt hỏi, cảm giác bất an nhói lên trong lòng.
– Nhiều chuyện, xưa, nay – Bà lão nói – Nhưng anh không nghe được, chưa nghe để biết được đâu.”
Tập truyện “Giọt nước mắt màu đất”, tác phẩm thứ 16 của Nhà văn Đức Ban
Một không khí mờ mờ nhân ảnh của Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ với những yếu tố âm dương hoà quyện. Một không gian hiện thực huyền ảo của Á Đông, huyền thoại của tư duy đạo Phật. Đức Ban đã luyện cho mình có một giác quan, một giọng văn hư ảo để dẫn truyện. Chỉ viết theo lối kể chuyện mà không dựng, nhưng nhân vật vẫn hiện lên rất rõ. Truyện vẫn có sức ám ảnh khiến người đọc bâng khuâng như vừa chia tay với một vùng đất đã từng lưu giữ những kỷ niệm đẹp, những quá khứ giàu truyền thống nhưng đang bị xâm phạm bởi quyền lợi thực dụng của con người.
Văn trong Giọt nước mắt màu đất là văn dung dị, kiệm lời nhiều sức gợi. Viết bằng giọng kể là chính, nhưng quan trọng là đã chọn được đúng giọng cho nội dung ấy, cho câu chuyện ấy.
Hình như đến một tuổi nào đấy, người viết quay về với phương pháp kể chuyện, nhưng vẫn đảm bảo tính hiện đại cả trong hành văn và dẫn dắt câu chuyện. Xin dẫn nhà văn Nguyễn Khải là một thí dụ. Sau tập truyện Mùa lạc và một số truyện vừa viết về nông thôn, thể hiện bằng phương pháp dựng truyện, công phu và kỹ lưỡng, nhưng về sau, quãng mươi năm cuối đời, Nguyễn Khải viết một loạt truyện ngắn, lại viết bằng giọng kể là chính. Ông nói với tôi rằng viết bằng phương pháp dựng tốn rất nhiều chi tiết, và tự thấy không đủ lực như thời trai trẻ nữa, nên quay sang viết bằng giọng kể. Điều quan trọng là phải tìm được một giọng kể sao cho thích hợp nhất và ông tiết lộ rằng đã nghiên cứu qua giọng kể của nhà văn Trung Quốc Ngô Kính Tử tác giả bộ tiểu thuyết ngàn trang Chuyện Làng Nho mà chỉ kể chứ không dựng mà vẫn hấp dẫn, vẫn lôi cuốn từ đầu đến cuối. Điều cốt tử là phải tìm ra “bí kíp” cách kể chuyện ở đấy là thế nào.
Với Đức Ban, anh đã nghiền ngẫm ra sao để tìm ra một giọng kể hữu hiệu cho mình và cho tập Giọt nước mắt màu đất? Trong tập này, riêng hai truyện Thăm thẳm rừng xanh và Người đàn bà bên cầu Giằng có đầy đủ cơ sở để phát triển thành truyện vừa, thành tiểu thuyết. Nhưng có lẽ đến lúc ấy tác giả lại phải dùng một giọng văn khác.
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường – Dantri.com.vn