Phan Trung Nghĩa
Gần hai mươi năm trước, ba tôi nhắn tôi về đi coi vợ cho thằng em út. Thế là một đoàn cha con, anh em, dâu rể… ngồi tàu đò ra chợ Bạc Liêu (hồi đó xe cộ, lộ xá khó khăn lắm). Rồi từ chợ Bạc Liêu ngồi xe lôi lên Cả Dày, từ Cả Dày lại ngồi xuồng chèo vào trong Xóm Lớn, xã Châu Hưng. Từ ấp Xóm Lớn lại phải ngồi xuồng qua một chòm nhà. Chòm nhà nằm như cái ốc đảo lẻ loi giữa ruộng ấy có khoảng mười căn nhà, trông nghèo nàn và ảm đạm, toàn nhà lá nhỏ xíu. Trước mỗi nhà trồng mấy cây dừa. Dân ở đó ngoài nghề làm ruộng ra, họ còn đi giăng lưới cắm câu kiếm sống.
Nhà bác sui tương lai của tôi bày trí giản tiện đến không thể giản tiện hơn. Chính giữa nhà, một cái bàn thờ cũ kĩ, bên phải là chiếc giường ngủ, bên trái là cái bàn dài có mấy ông già nông dân phục sức xuề xòa ngồi đợi sẵn. Bác trai khoảng bảy mươi tuổi, người gầy như que tăm và ít nói. Bác gái hơn sáu mươi, người đẫy đà, vẻ mặt phúc hậu, bà nói “tằng lăng tíu líu” mời người này uống nước, người kia ăn cơm, trông bà vui như hội. Người ta đến để dự tính cưới con gái út của bà đi mà như thể người ta đem vàng đến, kể cũng lạ!
Nhân vật trung tâm xuất hiện là một cô gái mười tám tuổi, không đẹp cũng không xấu, mặt cứ ngơ ngơ ngác ngác.
Trên đường về, hai bà chị dâu và cô em gái tôi bàn tán xôn xao: “Mỹ ơi! Mày chọn vợ gì mà “đò giang cách trở”, “khỉ ho cò gáy” như thế!”, nào là: “xứ gì mà nghèo quá, quê mùa quá”.
Còn tôi, sau khi qua sông, bước lên bờ nhìn lại cái chòm nhà ấy chợt nghĩ: Đây là một mảng đời sống quá xa xôi, khuất lấp của xã hội, ánh sáng văn minh khó lòng mà soi rọi tới. Người ở đó tất sẽ cũ kĩ lạc hậu, việc đối nhân xử thế sau này rồi sẽ gặp rắc rối, hơn nữa con bé ấy không có nghề ngỗng gì hết, sau này nếu thằng Mỹ khó khăn nó sẽ không biết cách xoay trở giúp.
Thế nhưng ba tôi bảo: “Nhà mình cũng nghèo, việc đạo đức xem trọng. Ba thấy gia đình người ta nền nếp”. Tôi ngạc nhiên trước con mắt nhìn đời của ba tôi nhưng làm thinh.
Đám cưới thằng Mỹ diễn ra, tôi lo đúng bổn phận anh trai nhưng không có thiện cảm với em dâu vì nó quá ít lời, không đãi bôi vui vẻ như dâu nhà hàng xóm.
Ba năm sau, ba tôi qua đời, má tôi mất trước đó mười ba năm. Từ ngày làm chủ căn nhà, tự chủ vận mệnh thì đời thằng Mỹ khốn nạn. Vợ thằng Mỹ đẻ soàn soạt ba đứa con, mà ruộng vườn cha mẹ để lại ít nên nó san bán, cầm cố hết, nợ nần tứ giăng, con nó ăn đói ăn khát nên suy dinh dưỡng hết, thân hình như con nhái. Buồn đời nó nhậu như hũ chìm và chỉ nhậu thôi, không làm gì cả mà nếu có làm thì thằng Mỹ làm việc nhà mà như làm việc của ai. Thế là bao nhiêu việc trong nhà, ngoài ruộng đều trút hết lên đầu vợ thằng Mỹ. Vợ nó lẹ lắm, sáng dậy thổi lửa nấu cơm, tắm táp cho con rồi cho con ăn, sau đó tất tả cắp nón đi mua cá về gánh theo xóm bán, có bữa thì đi lột đầu tôm ở nhà máy đông lạnh hoặc đi lặt cải thuê… việc gì nhọc nhằn vất vả đến mấy vợ thằng Mỹ cũng làm, bởi ba đứa con nó lúc nào cũng há miệng đòi ăn, đã thế thằng Mỹ nhậu về còn chửi bới om sòm. Nhìn vợ thằng Mỹ tôi lấy làm lạ hai việc: Một là, sao không thấy nó kêu than một tiếng; hai là, hình dáng của nó nhỏ nhắn, gầy còm như vậy, sức lực ở đâu ra mà nó chịu đựng cực khổ đến thế. Nếu là đàn bà khác tôi chắc chắn nó đã bỏ thằng Mỹ từ lâu rồi.
Khi vợ thằng Mỹ sinh con hoặc lúc khó khăn quá không ai giữ con cho đi làm thì bác Sui gái của tôi, tức bà già vợ thằng Mỹ qua ở, có khi bà ở giúp việc cho cả tháng. Mỗi lần qua bà xách gạo, nuớc mắm, mỡ… cho rồi ở giặt đồ dơ cho con gái, tã lót cho cháu ngoại. Đời nào mà thằng Mỹ đụng vô mấy chuyện này. Bà cứ lụm cụm làm suốt ngày. Khi thì nấu cơm, cho gà ăn, lúc lại tắm rửa, đút cơm cho con thằng Mỹ. Có bữa thấy Mỹ nhậu về đánh vợ nó trước mặt bà, bà khóc mếu máo mà rầy: “Mỹ ơi mày không thương vợ mày thì mày cũng phải nể mặt má chớ”. Có lần vợ thằng Mỹ tức quá cuốn đồ về cha mẹ ruột thì bác gái dẫn nó qua trả cho thằng Mỹ.
Lần nọ bà đứng lui cui phơi đồ cho con thằng Mỹ thì trợt chân té gãy xương đùi. Hay tin, tôi bảo thằng Kiên chở bà đi khám, đăng bột rồi tái khám đến lành mới thôi. Thằng Kiên là cháu gọi tôi bằng chú ruột nhưng nó ở với tôi từ hồi mười mấy tuổi. Qua trận đó, bác sui thương thằng Kiên lắm, bà bảo với nó: “Để bà kiếm đứa cháu gả cho mày thì bà mới yên bụng”.
Hai năm trước anh Ba Lê, rể thứ ba của bác sui, cột chèo với thằng Mỹ qua xóm tôi cầm vịt chạy đồng. Nghĩ tình nghĩa thông gia tôi gọi anh về nhà tôi ở. Tánh anh hiền lành siêng năng lắm, chỉ phải chuyện là làm suốt ngày đến chiều ngồi vào mâm cơm phải có xị mốt, xị hai. Một bữa tôi ngồi lai rai với anh, nhậu cườm cườm anh nói với tôi: “Thấy thằng Kiên nó hiền quá, tôi còn đứa gái út, cao như người mẫu, nếu chú muốn thì tôi gả nó cho thằng Kiên”. Tôi cũng cườm cườm nên “hứa rượu”: “Nếu hai đứa nó chịu tôi sẽ làm sui với anh”. Một tuần sau, anh nhắn tôi qua chơi, tôi hiểu là anh nhắn qua xem mắt con gái anh. Tôi giật mình, nhưng kẹt lời hứa bữa nhậu nên tôi bất đắc dĩ phải gọi anh em cả chục người đi qua cái chòm nhà gần hai chục năm trước để coi vợ cho thằng Kiên.
Đời có những sắp đặt rất lạ, gần hai mươi năm sau tôi lại đi làm cái việc giống ba tôi hai mươi năm trước. Ấp Xóm Lớn vẫn xa xôi, chòm nhà xưa vẫn đò giang cách trở như một ốc đảo. Tuy nhiên đời sống ở đây có khá lên một chút. Nhà bác sui tôi đã là nhà tường. Còn nhà anh Ba Lê thì ở liền kề. Vợ anh Ba Lê là con gái thứ ba của bác.
Khác hơn lần trước, lần này cả chục mạng đi xem mắt dâu thoáng nhìn là vừa ý liền. Con gái út anh Ba Lê mười tám tuổi, người cao ráo, vẻ mặt rất hiền mà lại đẹp. Tôi đâm lo, sợ nó không chịu thằng Kiên.
Có lẽ đọc được ý nghĩ của tôi, khi tiễn ra về, Ba Lê nói nhỏ: “Chú yên tâm, nhà tôi mấy đời chỉ nói một lời”. Mười ngày sau nhà gái bắn tin cho nhà trai “bước tới”.
Người đời hay nói rằng làng quê càng xa xôi, càng lạc hậu thì càng thủ cựu trong việc cưới xin. Thế nhưng từ khi xem mắt đến dạm hỏi, đám cưới… tôi không gặp bất cứ một trở ngại nào. Bác trai hiền lắm, ông ngồi làm thinh ở bàn giữa, thỉnh thoảng có ý kiến “cho qua” những thủ tục rườm rà. Còn bác gái, năm nay đã hơn tám mươi nhưng trông vẫn còn khỏe. Tuy có chậm chạp hơn, vẫn vẻ mặt phúc hậu và vẫn nói “tằng lăng tíu líu”, cả ba lần chúng tôi qua làm thủ tục cưới xin thì cả ba lần bác gái vui như hội. Bà bảo, xem như bà đã “đắc thành sở nguyện” là trả được cái ơn cho thằng Kiên “hồi nẫm”.
Vợ thằng Kiên về làm dâu cho tôi, nếp sống của gia đình tôi và gia đình nó rất khác nhau nên vợ thằng Kiên lúng túng, có những việc nó không biết làm. Làm cá ngon mà bỏ hết ruột, vợ tôi phật ý, nó cười rất tươi rồi bảo: “Con không biết để mai mốt con làm lại”. Thế là hết lí do để rầy nó. Hai năm làm dâu nhà tôi, tôi chưa từng thấy nó bực dọc, trả treo… mà nụ cười luôn thường trực trên môi, lúc nào cũng lễ phép dạ thưa. Việc làm, cách ứng xử, nó buộc mình phải thương nó như con gái chứ không thể làm khác được.
Tôi và anh Ba Lê là hai sui gia có hai giai tầng xã hội khác nhau. Ba Lê còi cọc ốm o, là một nông dân nghèo, thân phận nhỏ nhoi “chữ nghĩa không đầy lá mít”. Còn tôi là một trí thức, có chút tiếng tăm trong xã hội, đời sống lại khá giả hơn rất nhiều. Thế nhưng sự cách biệt ấy không làm cho mối quan hệ sui gia gặp phải những bất ổn. Ba Lê năm nay gần sáu mươi tuổi, do lao động quá nhiều nên cái chân anh đi đứng rất khó khăn. Có lần qua chơi tôi bảo: “Nếu không trị để lâu nặng thêm mang tật chết luôn. Thứ ba tới anh sắp xếp ra nhà tôi, tôi chở anh đi khám, để tôi lo cho anh” – Anh ậm ừ. Đến ngày hẹn, tôi gọi điện thoại sang, anh cười ha hả: “Tôi đi khám ở Cả Dày hổm rày đỡ lắm rồi anh sui ơi”. Tôi hiểu đây là cách từ chối khéo của Ba Lê, anh từ chối do lòng tự trọng, không muốn để sui gia xem “nhẹ” mình.
Mối quan hệ gia đình chúng tôi lấy lễ đãi nhau. Giỗ chạp tết nhất chúng tôi đều sang nhà thăm nhau, biết anh nghèo, đám giỗ, tôi mang sang biếu mười kilôgam cá biển để anh làm mồi đãi khách. Khi đám giỗ ba tôi, vợ chồng Ba Lê thức khuya làm bánh bò rồi xách sang “cúng bác trai”. Lạ lắm khi xuất hiện ở nhà tôi với tư thế một người nghèo, trên tay cầm bọc bánh nhỏ mà Ba Lê không có một mảy may lúng túng thiếu tự tin, anh vẫn hồn nhiên cười rổn rảng. Thấy gia đình lu bu nhiều việc, Ba Lê nhảy vào giúp, mà làm chí tình. Đối với Ba Lê không có sự so đo tính toán về vật chất, lấy “cái bụng ở đời” mà đãi với nhau, người nghèo có tư cách của người nghèo. Tôi thấy anh thật trong veo và thấy mình thật lúng túng, nông dân có những “bí hiểm” như thế.
Mỗi lần sang nhà Ba Lê, việc đầu tiên là tôi tạt qua thăm hai bác sui. Gặp tôi bác gái mừng lắm, có lần bà gọi cháu leo lên bẻ trái mít xuống “xẻ cho thằng Tư ăn, còn nửa trái gởi về cho vợ con nó”. Bà lụm cụm xẻ mít, chẳng may trái mít bị sâu đục trong ruột, không ăn được, thế là bà ngồi thừ ra rất lâu, mắt buồn hiu như thể bà có lỗi với tôi vậy. Bác gái ăn chay trường, bà bảo cũng không có tu đạo nào, chỉ thờ cúng Trời Phật, thỉnh thoảng rỗi việc thì đi chùa làm công quả. Bà thương yêu con cháu, sẵn sàng hi sinh cho nó theo cách của bà. Sau này tôi mới phát hiện một chuyện rụng rời rằng vợ thằng Mỹ, con gái út của bà không phải là con ruột, mà bà xin nó về nuôi từ nhỏ, vậy mà bà chịu khổ sở cay đắng với vợ chồng thằng Mỹ không biết bao nhiêu mà kể.
Anh Tư Vững, năm nay năm sáu tuổi, là con trai bác sui, có lần kể với tôi, năm anh mười lăm tuổi, lúc đó nhà nghèo lắm, đói rách triền miên, một bữa đang giữ trâu mướn, thấy bầy vịt chạy đồng của ông Năm Long Xuyên đang ăn trước mặt mà không có người giữ. Nhìn con vịt mập ú, rồi mơ màng đến món thịt vịt luộc chấm nước mắm gừng, thế là nước dãi chảy ra, cái bụng lép xẹp sôi réo đòi ăn, không cầm lòng được, Tư Vững bắt một con mang về nhà làm thịt. Luộc vịt xong rồi Tư Vững không dám ăn vì anh thừa biết tính tình của má anh, đang suy nghĩ cách đối phó thì bác sui đi chợ về tới. Bà hỏi con vịt này ở đâu ra, Vững ú ớ thế là bà ra hè chặt một cây trúc rồi bảo Vững lên giường nằm. Bà bảo: “Má đánh con năm roi vì tội gian dối với cha mẹ”, chịu được hai roi, Vững khai tuốt tuột, bác gái lại bảo: “Vậy là tội con nặng hơn là làm nhục cha mẹ, má đánh con mười roi”. Đánh xong bà sai Vững đi lấy cái mâm, cho con vịt vào rồi bưng theo bà sang nhà ông Năm Long Xuyên, bà cung kính chắp tay: “Thưa anh Năm, tôi không biết dạy con nên anh cho tôi xin lỗi. Còn thằng này, tội ăn cắp vịt của nó tôi đã đánh nó mười roi, mong anh tha lỗi cho mẹ con tôi mà nhận lại con vịt”.
Kể từ đó, Tư Vững “bỏ tật”, năm nay anh đã có ba đứa cháu ngoại, hết mùa ruộng thì Tư Vững đi vác lúa mướn ở nhà máy xay xát. Mấy ông già ở ấp Xóm Lớn nói với tôi rằng: “Tư Vững hiền lắm, chí thú làm ăn, từ nhỏ đến giờ không nghe có tật xấu”. Mà Tư Vững hiền thật, hiền tới cỡ ngồi nhậu anh chỉ cười, đã uống xong rồi, ai đưa nữa anh cũng uống, không thèm cãi.
Hai năm làm sui với Ba Lê tôi suy nghĩ rất nhiều về nông thôn, nông dân. Bác gái, Ba Lê, Tư Vững, vợ thằng Mỹ, vợ thằng Kiên… từ trong cái chòm nhà nghèo khó tăm tối ấy bước ra cuộc đời rồi hiện diện trước mặt tôi sáng rỡ như những người lương thiện, tử tế. Bác gái là một người mù chữ nhưng lại hiện thân là một người cầm cương hướng cho con cháu đi đúng những chuẩn mực đạo đức của cuộc đời. Tôi ngạc nhiên rồi bật thốt: Ôi nông thôn sâu thẳm đến khôn lường!
Điều này lí giải như thế nào nhỉ? Chỉ có thể lí giải rằng đó là cội nguồn sức mạnh của văn hóa truyền thống Việt, từ xa xưa đã tiêm nhiễm vào máu huyết của người Việt và cứ thế người ta chuyển giao từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Tại cái chòm nhà xa xôi khuất lấp của đời sống ấy ít bị các văn hóa khác xâm lấn cho nên nó chính là môi trường trong lành để văn hóa truyền thống sinh sôi phát triển. Người ta nói: Nông thôn là thành lũy cuối cùng để bảo vệ văn hóa truyền thống là như thế.
Tôi viết bài kí này trong lúc chúng ta đang tiến hành quyết liệt công cuộc xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn. Và tôi nhận thấy các tiêu chí xây dựng ở đâu cũng giống như ở đâu và nó nhiều thứ quá; chúng ta bao ví, phong tỏa mọi thứ nhưng cái cần xem trọng thì chưa được xem trọng thỏa đáng. Cái cần xem trọng cho những khu vực như chòm nhà giữa ruộng ấy, theo tôi là giữ gìn phát huy những trị đạo đức đã có sẳn. Nó chính là cái gốc rễ của mọi vấn đề. Xin hãy xem đây là một lời kiến nghị với Đảng.
P.T.N
Văn nghệ Quân đội
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài