Tháng Ba, khi những cây mận má đào rung rinh quả chín và những thân măng vầu trên núi to bằng bắp chân nhú lên khỏi mặt đất cũng là lúc bà con dân tộc Mông ở huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) tạm gác lại công việc trên nương rẫy, háo hức đợi chờ để hòa mình vào phiên chợ truyền thống, diễn ra vào ngày 25 tháng Ba âm lịch.


Người Mông ở nơi đây cho rằng, ngày 26 tháng Ba là chợ tình Khau Vai-Hà Giang, vì khoảng cách địa lý xa xôi, họ không thể đến tham dự được nên đúng ngày 25, tất cả mọi người sẽ tụ họp tại chợ Nà Phặc để gặp gỡ và coi đó như một Khau Vai, một Khau Vai của Bắc Kạn.

Giữa lòng thị trấn yên ả, chợ Nà Phặc bắt đầu hiện lên như bức tranh sinh động, từng tốp người xuất hiện từ khi sương mờ còn vấn vít trên những mái nhà của thị trấn miền núi cao. Chúng tôi mang theo niềm háo hức, tò mò, cảm giác ngóng đợi xen lẫn chút hồi hộp khi lần đầu tham dự phiên chợ giữa miền đất lạ. Và ai cũng biết rằng, khắp các nẻo đường dẫn đến đây là những cảm xúc gấp nhiều lần hơn thế của đồng bào dân tộc Mông sống ở nơi này. Như thường lệ, không ai bảo ai, vào ngày 25 tháng Ba âm lịch hằng năm, từ sáng sớm, đồng bào Mông từ Lủng Lầu, Phja Chang, Phja Đắng, Mảy Van, Bản Mạch, Cốc Xả của thị trấn Nà Phặc và những xã khác như Thuần Mang, Lãng Ngâm… lại háo hức theo con đường mòn từ khắp các bản trên núi cao nối chân nhau đến chợ Nà Phặc. Trước đây, khi cuộc sống người dân còn chưa được dư dả, mọi người phải nắm cơm, đi bộ từ ngày hôm trước, ở nhờ nhà đồng bào Tày tại thị trấn để sớm hôm sau kịp có mặt ở chợ. Nay đời sống khá hơn, họ đến chợ nhanh và thuận tiện hơn bằng xe đạp, xe gắn máy. Bất kể là nam hay nữ, già hay trẻ, họ đều diện bộ trang phục đẹp nhất của dân tộc mình. Đàn bà, con gái mặc váy, chân cuốn xà cạp, đầu đội mũ…, đàn ông, con trai thì mặc áo tà pủ, tất cả mang theo những câu chuyện thú vị góp vào ngày chợ đông vui. Ngày chợ truyền thống-đó là nỗi khát khao mong chờ của đồng bào dân tộc Mông thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn.

Minh họa: Lê Hải.

Sự ồn ào, nhộn nhịp của ngày chợ phiên thì hầu như nơi nào cũng vậy, song, ở đây chúng tôi cảm nhận được một vẻ đẹp khác lạ, có phần thánh thiện toát lên từ tụ cười và cả sự hồn nhiên trong đôi mắt của những chàng trai, cô gái khoác trên mình bộ trang phục Mông trắng. Những cô gái chưa chồng e thẹn kéo tay nhau đi quanh chợ, xem quần áo, vải vóc và sắm cho mình chiếc váy đẹp. Và từ góc kia nữa, tốp con gái mới lớn đứng tụm vào nhau, thi thoảng che miệng cười, giấu đi khuôn mặt đỏ lựng vì e dè, xấu hổ trước cái nhìn của các chàng trai đi qua, buông lời tán tỉnh. Trong cái tấp nập của phiên chợ vùng cao vốn không phải chợ tình, nhưng vì họ đã “cài cắm” và coi là chợ tình nên không khí bán mua, cái tấp nập của ngày chợ khiến họ đỏ mắt tìm nhau.

Dừng chân bên hàng bán nông cụ, bắt gặp hai thanh niên khoác trên mình bộ quần áo tà pủ đang chọn cho mình con dao tốt, lân la hỏi thì biết được cả hai anh đều chưa có người yêu. “Năm nào cũng đi chợ tình nhưng chưa tìm được ai thương mình cả, nên mua dao về đi làm nương, người ta thấy sẽ tự thích mình thôi”-một anh quay sang nói với chúng tôi đầy tự tin. Cách suy nghĩ vô tư ấy khiến chúng tôi cảm thấy thú vị. Chị Vương Diễm Phương, 17 tuổi, mặc dù đã lấy chồng nhưng trên gương mặt chị vẫn còn chút ngượng ngùng khi bám tay chị gái đi giữa dòng người nhộn nhịp. Nhà ở trên núi cao nên chị phải dậy từ rất sớm để sửa soạn trang phục, vấn khăn đội đầu. Chị bảo, chỉ những dịp như Tết, đám cưới hay dự phiên chợ truyền thống của dân tộc, chị mới có dịp mặc bộ trang phục đẹp nhất của mình, nên dù ở nhà có bao nhiêu việc thì cũng gác lại để đến chợ, ngày hôm nay chồng chị cũng đến chợ nhưng đi ngả khác rồi, trưa hai vợ chồng sẽ lại gặp nhau thôi. Không khí chợ phiên vốn đã nhộn nhịp, nay càng đông vui. Vài ba đôi bạn trẻ đứng gần nhau, cầm điện thoại bấm tí tách xin số liên lạc. Ngày thường, xã trên, xã dưới cách nhau mấy quả đồi, đi lại khó khăn, nay được gặp và làm quen, niềm vui trong họ hiện rõ trên má như trái mận đào tháng Ba.

Chợ truyền thống của đồng bào dân tộc Mông huyện Ngân Sơn có tự bao giờ? Tại sao lại được gọi là chợ tình và chỉ diễn ra trong vòng một buổi sáng? Bấy nhiêu câu hỏi hiện lên trong tâm trí nhưng lại bị xao nhãng mỗi khi gặp những ánh mắt hướng về phía mình. Cho đến khi chúng tôi bắt chuyện với một cụ bà chạc 80 tuổi, cụ lắc đầu không biết chợ này có từ khi nào, chỉ nhớ rằng mới lớn lên đã được theo chân các anh, các chị xuống chợ và quen được cụ ông. Lần này, bà theo hai đứa cháu xuống chợ từ sáng sớm nhưng bọn trẻ đã mỗi đứa một hướng tìm bạn, còn bà đi quanh chợ tìm gặp người quen để hàn huyên, không thì tìm mua cái vòng tay. Vừa nói, bà vừa nheo mắt cười thân thiện, chúng tôi nói chuyện được với bà qua phiên dịch của người đàn ông bán lợn con cạnh đó.

Còn phụ nữ đã có gia đình, niềm hạnh phúc với họ là dẫn con đi mua quần áo, vật dụng hằng ngày, những người đàn ông gặp gỡ, ngồi uống rượu với nhau nơi góc chợ, nói chuyện mùa màng, chuyện làm ăn… Đối với đồng bào dân tộc Mông huyện Ngân Sơn, đây chính là dịp để vui chơi thỏa thích sau những ngày làm lụng vất vả. Cùng với những gian hàng hóa, thực phẩm, đồ khô, vải vóc của đồng bào Tày nơi đây thì hàng hóa, nông sản của đồng bào dân tộc Mông càng góp nên sự phong phú cho phiên chợ.

Đồng bào dân tộc Mông của huyện Ngân Sơn đến đây không chỉ để kiếm bạn đời, để gặp gỡ, giao lưu với mọi người mà còn là dịp để tôn vinh vẻ đẹp của sắc phục dân tộc mình. Chợ truyền thống của họ diễn ra tự nhiên, quy mô không lớn nhưng đã phần nào thể hiện nét đẹp văn hóa, tinh thần đoàn kết, tinh thần yêu đời, lạc quan của họ trong cuộc sống. Sự xuất hiện của những bộ trang phục dân tộc khiến cho chợ Nà Phặc trở nên rực rỡ và chiếm được nhiều tình cảm, ấn tượng của nhân dân các dân tộc trong huyện đến dự phiên chợ.

Chợ tan, mỗi người lại trở về trên con đường quen thuộc của mình, dù chỉ gặp nhau trong một buổi sáng ít ỏi nhưng trong tâm trí, họ đã đi lạc trong nhau. Và chúng tôi-những người khách lạ lại có thêm một điều để nhớ và hẹn dịp trở lại, một Khau Vai bé nhỏ giữa lòng thị trấn Nà Phặc.

 

Nguồn QĐND

Exit mobile version