Hoa mận, hoa đào đã chuẩn bị bung cánh trong cái giá lạnh tột cùng của mùa đông. Những bản làng điện lưới còn chưa về, nhưng những buổi chợ phiên Cao Sơn, Cốc Ly (Mường Khương, Lào Cai) đã ấm không khí Tết…

Cao Sơn, Cốc Ly là những xã tâm điểm trong tuyến du lịch cộng đồng mới ở huyện Mường Khương – Lào Cai mới đưa vào khai thác. Cao hơn 1.400m so với mực nước biển, con đường đến xã Cao Sơn ngập trong sương khói, trong khí lạnh trong vắt của núi rừng.

Điện lưới vẫn chưa về đến những bản làng người Mông, người Dao hoa, Phù Lá, Hán đen… nằm lọt giữa những thung thũng, bám theo con sông Chảy phân cách giữa Mường Khương với Simacai, Bắc Hà. Bếp lửa cháy đỏ ngày đêm trong nhà là thứ duy nhất chống lại cái buốt lạnh tê tái giữa mùa đông.

Chợ phiên Cao Sơn, Cốc Ly trên là trời, dưới là… váy, những tấm váy thổ cẩm rực rỡ, xập xòe từ sáng sớm trên con đường dẫn tới chợ. Các cô gái Mông phải cặm cụi 3 năm mới làm xong được một chiếc váy; từ việc ươm trồng lanh, ủ sợi, dệt vải, nhuộm, thêu hoa. Gia tài của những đôi bàn tay khéo léo, cần cù nhất bản khi về nhà chồng cũng chỉ có được 3 chiếc váy làm kỳ công đến thế.

Những phiên chợ đậm sắc văn hóa vùng cao, chưa nhòe màu phố thị, thương mại hóa. Đoàn du lịch Adventure (do Công ty lữ hành Phương Bắc tổ chức) ngơ ngác dừng chân trước rừng sắc màu trong phiên chợ áp Tết rộn rã, ấm hơi bếp lửa nồi thắng cố.

Giữa rừng, trong sân nhà, những cây mận nở sớm, nụ đào bắt đầu bật nhú từ những dăm, cành khô bạc phếch ngay trong màn sương mù vây tỏa, trong hơi thở ẩm ướt mùi sương. Sức sống, sức xuân đang bất động chờ đợi những tia nắng đầu tiên để bung nảy.
Khoảng 80% dân số Mường Khương là người Mông. Những người phụ nữ Mông luôn là nhân vật trung tâm giữ cho
căn nhà gỗ hiếu khách ngày đêm đỏ lửa.
Chưa có điện, bếp lửa cháy đỏ ngày đêm là thứ duy nhất giúp người dân chống lại sương mù và cái lạnh cắt da cắt thịt giữa núi rừng.
Một căn nhà gỗ khá khang trang đang thành hình. Cả họ, cả bản cùng tới trợ giúp, chung vui bên khung nhà sắp hoàn thành.
Bà cụ người Mông này chỉ có một mong ước, được nhìn thấy ánh đèn từ guồng máy của thủy điện Cốc Ly trên sông Chảy.
Chợ phiên Cốc Ly họp vào thứ 3 hàng tuần, quy tụ dân 4 bản lớn nhất của Mường Khương.
Váy, khăn là mặt hàng đặc trưng nhất và thu hút các bà các chị nhiều nhất ở chợ. Một chiếc đai váy thổ cẩm giá trị bằng gần 2 con gà, còn cả chiếc váy làm tay hoàn toàn gần như vô giá với các cô gái.
Mảnh vải lanh, món đồ thêu thường trực trên tay người phụ nữ Mông những phút rảnh rỗi.
Ba mẹ con Lình Thị Si địu, bồng nhau đến chợ. Cô bé vòi mẹ mua một chiếc váy thêu màu xanh để diện Tết.
Cuộc mưu sinh trên dòng sông Chảy. Nhiều bản người Tày, Hán đen sống với những bè gỗ, nứa chặt từ rừng thả trôi theo dòng nước về đến tận ngã ba Đoan Hùng, Phú Thọ.
Trong sương mù và giá lạnh bao phủ, những cây mận đầu tiên trong vườn đã bung hoa gọi xuân về.
Nguồn: Dantri