Bà Hoàng và cô con gái Lệ Hạnh ở Nhà hát Lớn ra, tiến đến chiếc xe nhà đợi sẵn bên đường. Trời mưa tầm tã. Gió từ phía bờ sông thổi lại làm cho hơi lạnh đêm thu càng thêm lạnh. Mui xe che kín, chiếc đèn đất bắt ánh sáng vào những chiếc nan hoa bóng loáng và in xuống mặt đường ướt át loang lổ bóng cây một vạch trắng lung linh. Xe chạy mãi trong các phố Tây vắng ngắt. Trên xe, bà Hoàng và Hạnh thỉnh thoảng mới trao đổi một vài câu bình phẩm nhạt nhẽo về vở kịch “Chim trời” vừa diễn, về cuộc khiêu vũ mà nàng chỉ dự nửa chừng.Đến căn nhà lịch sự gần Đài Chiến sĩ trận vong thì xe đỗ. Vừa bước vào sân, con chó Nhật chạy ra ve vẩy, Hạnh bực mình hắt nó ra, vùng vằng bước lên bậc thang xi măng, lên gác.
– Mẹ đi ngủ nhé.
Chờ bà Hoàng cởi áo xong, Hạnh quay ra uể oải lướt xệt mũi giầy về phòng riêng. Nàng bật đèn nằm lăn xuống ghế divan. Rồi nàng lại ngồi lên, lột mạnh chiếc áo ném xuống mặt sàn và cau có thét mắng con bé giúp việc đang luống cuống cất dọn những hộp phấn sáp mà từ buổi tối nó mải hò hẹn với tình nhân nên còn để bừa bộn ở mặt bàn.
Nàng lim dim mắt nhìn chiếc abatjour lụa hồng treo lơ lửng dưới cánh quạt, trong khi duỗi thẳng hai chân cho con bé giúp việc cởi sandale, vuốt lại chiếc chemise-culotte và nhúng khăn bông vào chậu nước nóng vẩy nước hoa lau lưng, ngực, đùi, suốt đến những ngón chân.
– Thôi cho mày đi ra.
Quyển album để ở đầu giường. Nàng lật quãng giữa, một dẫy ảnh đàn ông; giở mấy tờ đầu và những tờ cuối đếu thấy ảnh đàn ông cả. Đó là những người vẫn lui tới nhà nàng, là những khách hoặc trung thành hoặc bạc bẽo của mẹ con nàng từ mấy năm nay. Họ chụp những bức ảnh ấy rất cầu kỳ. Gã này hớn hở như vừa hôn vụng được người yêu nhân lúc nàng mê ngủ; gã kia mơ màng tựa đang vòi vĩnh chút tình nhạt đêm tàn. Và có kẻ đeo bài ngà ngồi bàn giấy, oai nghiêm như lúc lên án đường xử kiện, tuy trước nàng kẻ ấy chỉ là một lão già ngoan ngoãn van nài một cuộc vui cuồng. Có kẻ tựa gốc cây chẳng khác một thi nhân đợi chờ người yêu chẳng tới mặt buồn như cầu ai thương hại.
Nàng gấp quyển album, vất mạnh xuống tấm thảm nhung dưới chân giường, bĩu môi khinh bỉ, nàng ví album đó là một cái sân khấu trưng bày nhân vật, mà bọn người gửi ảnh tặng nàng chỉ là một lũ hề si dại không ngờ phải chạm mặt nhau để đóng một tấn kịch câm.
Nhưng chợt nàng nhìn xuống, thấy rơi ra ngoài tấm chân dung Chương, một người mà nàng đã đem lòng yêu mến. Nàng cúi xuống, nhặt lên.
Nghĩ đến buổi tối nàng ngồi xem Chương sắm một vai trong vở “Chim trời”. Chương đã tả hết nỗi khổ lòng tuyệt vọng của một sinh viên bị đắm trong tình ái. Chương đã dùng tài nghệ để diễn tả tình yêu đó chiến thắng nhờ sức mạnh của trái tim.
Hơn một giờ ngồi coi đến lớp cuối cùng, nàng thấy dấy lên trong lòng một nỗi hân hoan và cảm phục đối với Chương. Nàng đã bị Chương cảm hóa bằng vở kịch mà chàng tự soạn để tối nay mời mẹ con nàng.
Màn hạ sau lớp cuối, Hạnh cố ý tìm Chương, tuy bà Hoàng giục giã nàng về.
Có tiếng nhạc nổi lên ở phòng bên, Hạnh kéo tay bà Hoàng. Người ta đã mở màn cuộc khiêu vũ, Hạnh khoác tay mẹ bước vào. Ông huyện Lục, ông tham Bính và một bọn người quen mừng rỡ mời mẹ con Hạnh ngồi cùng bàn cho vui.
– Một bài tango, cô cho phép?
Hạnh đưa mắt nhìn bà Hoàng, cười nụ rồi đứng lên. Trong lớp sóng nhạc, Hạnh nhận ra Chương. Tự nhiên, nàng khó chịu. Nàng không muốn Chương vui như thế, tuy nàng cũng đang ở phút yêu đời. Nàng chỉ muốn Chương cứ sắm mãi vai trên sân khấu: là một gã học trò rất đỗi chung tình, sống âm thầm mà hy vọng yêu nàng. Nếu được như nàng nghĩ, thì tự ngày mai, Hạnh sẽ không lãnh đạm với chàng như trước. Nhưng Chương có là người sắm kịch mãi đâu. Chàng đã để lộ nguyên hình một chàng trai đàng điếm mà ở chốn hoa lệ ấy, nàng nhận thấy rất nhiều thiếu nữ ân cần, vồn vã xúm quanh.
Hạnh tức tối kéo mẹ đi ra mặc lòng ông huyện Lục và ông tham Bính cùng những người quen khác nài ở lại.
– Thưa cô, bà con bảo cô tắt đèn ngủ để mai dậy sớm đi Sầm Sơn.
– Mày thưa với bà rằng tao sốt nhé!
o O o
Nắng sáng chiếu vào phòng, Hạnh vẫn thiêm thiếp ngủ. Nàng không biết rằng bà Hoàng dậy từ năm giờ sáng, loanh quanh mãi ở phòng nàng. Bà rón rén từng bước, khẽ đặt ngón tay lên trán con rồi có vẻ buồn.
Bà thương quý Hạnh vô cùng, vì Hạnh là một tia sáng trong cuộc đời tăm tối của bà, từ khi ông Chánh về Pháp rồi già yếu, chết luôn bên ấy. Đời bà là một tấn kịch buồn, vui pha lẫn. Một bạn gái giới thiệu bà với một người Pháp có tuổi, nhưng giầu. Từ đấy bà là bà Chánh. Được hơn một năm, ông Chánh về Pháp định nghỉ ít lâu nhưng ông mắc bệnh từ trần sau cuộc đi chơi tuyết tại một miền xa, để lại bên này cho bà một cô con gái. Cô con gái ấy càng lớn càng đẹp mặn mà, sắc sảo phảng phất cái đẹp của gái phương Tây.
Bà Chánh còn được chồng để lại cho một tòa nhà và món tiền lớn gửi nhà băng. Bà còn trẻ đẹp, khi phấn son vẫn gợi sự ước thèm cho các gã phong tình. Mầu da sẵn trắng, khuôn mặt giữ nguyên nét thanh tươi, mái tóc óng chuốt và trên mái tóc ấy thường quàng một tấm “voan” đen rất mỏng, nó tôn thêm vẻ đẹp mơ buồn của người quả phụ, nó bắt người ta kính cẩn cái xuân chưa bị cỗi cằn…
Nhiều khi bà bỡ ngỡ trước nhan sắc của mình và đỏ mặt trước những lời ca tụng thật thà của các bạn thân.
Tuy nhiên, bà vẫn không tin mình trẻ đẹp. Một ngày kia bà cùng Hạnh đi xem đua ngựa, bà thấy nhiều kẻ ngắm bà, rồi hôm sau, bà đang ngủ trong phòng, Hạnh hớn hở đánh thức bà dậy và đưa bà xem một tờ báo trong đó in bức ảnh bà đứng lẫn với một bầy thiếu nữ. Bà nghĩ có lẽ không phải bà trong ảnh, vì bà trẻ đẹp nhường kia – song cũng hôm ấy, mọi người đến chơi đều khen nhà báo chụp ảnh bà rất thực, nhiều gái tơ còn phải ghen.
Bạn cũ của bà hoặc của ông Chánh thường thường đi lại thăm bà tấp nập, Tòa nhà lịch sự gần Đài Chiến sĩ trận vong vì vậy trở nên một “hội quán” hay một “câu lạc bộ”, một nhà “xec” lớn.
Ở đấy, chiều nào ngoài cửa cũng có năm bảy chiếc xe hòm chen nhau đỗ. Trong nhà toàn những khách phong lưu. Ông huyện, ông tham, ông đốc, nhà giáo, nhà tư bản lớn ở Hà Nội là những khách thân được bà Hoàng quý trọng.
Chủ nhân ân cần đón ý để chiều lòng khách những đêm vui. Khách muốn chơi tổ tôm “ichxì”, “bơlốt”, “bia”? chủ nhân chẳng đợi khách ngỏ một lời cầu. Khách muốn khiêu vũ, nếu khách sẵn mang bạn gái cùng đến đó thì tự nhiên tiếng kèn sẽ nổi.
Khách có thể có hân hạnh mời cô con gái chủ nhân đi với khách một bài. Nàng tiếp khách như một vũ nữ nhà nghề tiếp khách đến chơi tiệm nhảy, bỏ tiền ra uống một chai bia. Nhưng ở “câu lạc bộ” này, ở cuộc “khiêu vũ gia đình” này, người ta muốn tranh nhau chiếm đóa hoa ấy, phải giắt trong mình tiền trăm để đổi lấy một bài khiêu vũ, để trả giá vài chai “sâm banh” thượng hạng, để vất vào canh bạc không cần đen, đỏ; để hãnh diện ném vào mặt bồi một hai tờ giấy cho được tiếng con người giầu sang.
Đừng bảo nó là sòng gá bạc, là tiệm hút, tiệm nhảy, tiệm uống, tiệm chơi… phải nhận nó là một “câu lạc bộ”, một “hội quán”, một nhà “xec” mà chỉ khách thượng lưu mới bước chân vào.
o O o
Hạnh vẫn thiêm thiếp ngủ.
Ngoài phòng khách có tiếng nói cười huyên náo khiến nàng bừng mắt. Nàng khoác kimono, hé cửa ngó ra thấy tham Bính tay ôm bó hoa đang giới thiệu mấy người khách lạ với bà Hoàng. Rồi bọn kia kéo lên trên gác, tham Bính bảo bồi mời nàng ra để tặng hoa.
Khó chịu, Hạnh đóng sập cửa, quay vào nhìn lịch, thì ra hôm nay là chủ nhật. Tên bồi gõ cửa, Hạnh thét nó lui ra vì nàng đang mệt.
Nằm trên divan, Hạnh uống tách cà phê đã nguội, đọc cuốn tiểu thuyết tình nàng bỏ dở tối qua. Bà Hoàng đem chai thuốc tây vào bảo Hạnh:
– Con hãy uống mấy thìa thuốc này, nếu từ giờ đến trưa không đỡ, mẹ sẽ cho thằng tài đi mời bác đốc Dương.
– Mẹ đừng mời bác sỹ thêm phiền phức. Đêm qua người con đã hơi choáng váng, sau lại nể anh tham mà nhảy bài valse. Anh ấy quay nhanh quá nên con chóng mặt.
Bà Hoàng gài lại chiếc lược đồi mồi trên vành tóc thoa dầu thơm nức:
– Anh tham vừa đến, đang nhắc mãi con. Hôm nay có mấy khách lạ: ông phủ Sinh, ông thú y Hiển, ông phán Kế, đều là mặt sang cả. Buổi đầu con nên ra tiếp lấy cảm tình, và họ chỉ ao ước biết mặt con…
– Mẹ tính con phờ phạc thế này, ra sao tiện. Hình như sáng nay con xấu lắm…
Bà Hoàng thấy Hạnh lại sắp giở tính bướng bỉnh ra thì dịu giọng dỗ dành:
– Con hay lẩn thẩn! Người ta chỉ mong một người xấu như con tiếp.
Nàng nũng nịu, mắt nhìn vào cuốn sách.
– Được người ta khen nịnh để làm gì? Có phải mình làm nhục thân mình không, mẹ?
– Sao gọi là nhục được. Con nên biết đó là một hạnh phúc, gái tầm thường thèm ước mà không thể. Xưa kia, và cả hiện giờ, mẹ cũng chỉ như con mà nổi danh thiên hạ. Con giữ tiết trong giá sạch làm gì nữa. Miễn có tiền, mà đồng tiền ấy mình kiếm một cách vẻ vang. Hôm qua, bà án Xương ở Bắc Giang sang chơi, ngỏ ý muốn bán cho ta một tòa nhà và cái ấp ngàn mẫu. Mẹ định mua, nhưng còn thiếu ít nhiều. Con nên cùng mẹ cố kiếm món tiền thiếu đó. Năm ba năm nữa, mẹ sẽ cho con kén một người chồng theo ý muốn, rồi cả cơ nghiệp, mẹ sẽ cho vợ chồng con chứ còn vào tay ai nữa. Con nghe lời mẹ, kẻo mẹ buồn… Từ nay, con bỏ cái điệu thẫn thờ, chán nản ấy đi. Phải cười cợt, phải tàn ác con ạ…
Hạnh rời cuốn sách nhìn mẹ rồi nhếch miệng cười. Có tiếng xe hơi đỗ ngoài hè. Bà Hoàng đứng lên nhìn qua cửa sổ.
– Kìa, anh chàng! Thằng cha này đúng hẹn, không để mình hỏi tới hai câu. Con trang điểm rồi ra ngay nhé.
Bà vừa khép cửa vừa giơ năm ngón tay lên, khẽ nói:
– Năm nghìn! Món nợ đó, con chỉ cần trả bằng sắc đẹp của con.
o O o
– Bẩm ông, cô con bị mệt. Ông lên gác, bà chủ con tiếp thì hơn.
– Nhưng tôi muốn gặp cô trước khi gặp bà chủ.
– Bẩm, cô con dặn con gác cửa, không để ai đến gõ, làm mất giấc.
– Ồ, cái anh này!
Bỗng cánh cửa mở toang. Hạnh chạy ra quát mắng thằng giúp việc rồi giơ tay cho Chương bắt. Vào trong phòng, Hạnh chỉ có anh chiếc ghế. Nàng nằm nghiêng mình trên divan, chống tay lên tấm gối thêu, ngước mắt nhìn cánh quạt quay chậm chạp trên trần.
Chương nhìn xuống đất rồi lại nhìn Hạnh như đang tìm một câu nói giữa lúc chàng cần dò xét người yêu để xin nàng bỏ qua.
– Tối qua em ngồi xem đến lớp cuối cùng?
Hạnh đáp lạnh lùng:
– Không những xem diễn hết vở “Chim trời” mà còn xem người ta khiêu vũ. Hừ, ghê gớm, bạc bẽo thế thì thôi!
Chương nắm chặt thành ghế, nhìn thẳng vào mắt Hạnh:
– Em đừng quá lời, hãy nghe anh nói…
Hạnh cười gằn:
– Ồ, bao giờ em chả nghe anh nói. Em vẫn quý anh hơn hết mọi người. Còn những chuyện anh yêu đương, khiêu vũ với ai… có can hệ gì đâu!
– Anh tưởng em đã hiểu lòng anh trong vở kịch diễn tối qua!
Hạnh cười ngạo nghễ:
– À, đó là kịch, cố nhiên rồi. Mà đã là kịch thì một vai kép dù đau thương, dù sung sướng, dù chung tình, cùng là giả dối mà thôi.
Chương vùng đứng dậy, đến bên divan, quỳ gối xuống thảm nhung, nắm chặt bàn tay nóng hổi của Hạnh, ấp lên trên ngực:
– Sao mà em ác thế. Nghe anh một lời…
Hạnh hắt tay Chương ra, ngồi dậy:
– Anh nên cho em một cái vui cuối cùng, là anh về đi để em nghỉ. Anh cũng biết hôm nay chủ nhật, bao nhiêu khách đợi chờ trên gác, song em chẳng tiếp ai.
– Em hãy cho anh nói…
– Nói làm gì, anh đã hứa không bao giờ trái ý em…
– Bữa nay, anh phải trái lời hứa ấy.
Hạnh lặng yên, ngả người nằm xuống, ngoảnh mặt vào tường.
– Em đừng ghét anh, tội nghiệp. Đêm qua, ở Nhà hát Lớn, em thấy anh vận lễ phục nhảy với vài thiếu nữ thì giận dỗi ra về. Em có biết đâu rằng anh đã giữ danh diện cho em và cho anh. Từ khi được em để ý, anh đã mê mệt mà lỡ kỳ thi, cậy cục xin việc làm tại một sở tư để có tiền. Không có tiền, mẹ em chẳng muốn anh được vào đây. Lương tháng chẳng đủ một tối mua vui, một tối cầu gặp mặt em, còn tranh đoạt em với bao khách sẵn bạc ngàn, anh không dám ước. Không ngờ, anh đã tốt số được em yêu. Ba tháng vừa qua, anh không dám đến thăm em, bởi vì tiền anh kiếm phải chi vào số nợ; áo quần cũng cũ nát hết rồi. Em ơi, ba tháng xa em anh tưởng chừng ba mươi năm của kẻ bị đầy nơi hoang vắng. Nhiều đêm, anh lần mò qua cửa nghe tiếng nói cười huyên náo, nhìn ánh đèn rực rỡ bên trong, lại lủi thủi quay về.
Mãi tới đêm qua, bán cho hội một vở kịch kiếm tiền, anh định dùng tiến ấy để chủ nhật nào cũng mua tặng em một bó hoa tươi. Cũng đêm qua, lòng tự ái đã bắt anh mượn của người bạn thân bộ lễ phục, chủ ý anh muốn những khách tới nhà em trong cuộc khiêu vũ đó, sẽ tự thấy anh không tới thăm em, là lầm. Anh muốn chúng phải nhận rằng kẻ được em yêu hơn hết, chẳng đến nỗi nào.
Chương thấy bàn tay Hạnh khẽ vuốt ve rồi nhấc cằm chàng lên để chàng nhận thấy làn môi thắm của nàng đang cười một cách tin yêu.
Trên gác tiếng gắt gỏng, tiếng cười nói huyên hoa của những người trong cuộc bạc đưa xuống tận dưới nhà.
Hạnh bỗng đẩy Chương đứng dậy, xỏ chân vào đôi giầy da xanh, lắng tai nghe, rồi nhìn Chương thúc giục:
– Hình như mẹ em đứng ở đầu thang gác. Anh về cho em nghỉ, kẻo thấy em cáo ốm bỏ hết khách để tiếp riêng anh mẹ em chẳng bằng lòng. Anh về nhé…
II. Bàn tiệc dọn sẵn bên hồ sen, trong trại.
Nắng chiều đã tắt. Khí nóng oi ả tan dần trong làn gió mát. Những bồn hoa héo rũ vừa được lão làm vườn tưới nước lại tươi. Mấy ngọn xoan tây về cuối hạ điểm lên nền trời trong sáng những đóa hoa sắp tàn. Trên rặng nhãn, thỉnh thoảng vài con dơi săn muỗi bay sột sạt trong cành lá rậm che kín những chùm quả chín. Mặt hồ sen úa, cuống khô vương ngang váng nước bùn. Lũ chuồn chuồn đậu trên lá sen chập chờn theo gợn sóng xô đi…
Bà Hoàng vẻ mặt tươi vui, tóc búi, vận y phục màu trắng, đứng sai bảo thằng bếp bày cốc cùng các món ăn.
Bà vừa vạch tay áo xem giờ thì ông tham béo tốt, sơ mi vén lên tận nách, quần và giầy dính đầy bùn, từ cầu ao chạy lên, tay xách giỏ, tay cầm chiếc cần câu có con lươn ngoằn ngoèo dưới đầu dây. Ông mỉm miệng cười đi trên cỏ, bước đến sau lưng bà Hoàng. Bà quay lại trông thấy con lươn thì mặt tái mét, thét lên rồi chạy giật lùi. Ông tham vất cần câu ra xa, cười khanh khách, xin lỗi bà Hoàng.
Cùng lúc đó, chiếc mô tô kêu vang động chạy vào vườn, tiến thẳng đến chỗ ông tham và bà Hoàng đứng, rồi nghị Trà tháo súng dựa vào thân cây nhãn, treo một chuỗi mòng két đẫm máu vào lưng ghế, lau cái mặt bé choắt nhẫy mồ hôi, phanh cái áo “tit-so” đầy bụi bậm, đoạn gọi thằng bếp, sai nó lập tức đem vào xáo xào những “kẻ tử trận” trước đầu súng của ông.
Trời sẩm tối. Ông tham và ông nghị kêu đói mà vẫn thiếu hai người nữa. Bà Hoàng nóng ruột bắt đầy tớ đi tìm kiếm.
Trời tối hẳn. Trăng bị mây che, cây đèn “măng sông” đặt trên chiếc đôn bên bàn ăn soi rực rỡ cả khu vườn. Đàn đom đóm chập choạng bay dạt vào khoảng tối. Xung quanh tiếng lá lao xao. Chợt từ ngoài vườn có hai vật màu đen lừ lừ tiến thẳng vào. Dưới ánh trăng, hai cái hình ấy nối nhau, in hai cái bóng xuống mặt đường lát gạch, nom chẳng khác nào bóng ma.
Bà Hoàng trông thấy trước, vùng thét lên, níu chặt áo ông tham và ông Nghị. Ông này toan chạy lên nhà lấy súng, nhưng lại đứng lại cùng ông tham tóm sẵn chiếc ghế, miệng quát ra oai. Lúc đó, mấy tên đầy tớ đều ở cả trong nhà.
Hai cái bóng ấy tới gần thành ra hai khối thịt hai người.
Ông tham miệng vừa quát, tay vừa giơ ghế thì người đi đầu cởi chiếc áo tơi lá dài lượt thượt và bỏ chiếc nón quai thao rách mướp ra. Bà Hoàng bật cười, tru tréo:
– Rõ con ranh, sao tinh nghịch thế?
Đồng thời người đi sau cũng vất bỏ chiếc áo tơi, cái gậy dài bằng nửa cây sào và chiếc mũ rách, thì mọi người vỗ tay reo:
– Gớm cái ông này! Thật là hai quỷ sứ xứng đôi.
Bà Hoàng hỏi:
– Lũ khỉ lấy đâu được những của nợ này mà đeo lên người thế?
– Đánh cắp của mấy người bù nhìn trong vườn dưa sau nhà lão Xã ở làng bên, nhân lão mời vào chơi xem người ta tát nước ao, hôi cá.
Dứt lời, Hạnh đưa mắt nhìn Chương cười ranh mãnh. Rồi mọi người vào bàn ăn vui vẻ.
Hôm sau ông tham và ông nghị ra Hà Nội, vì ngày nghỉ lễ đã qua. Trong trại vắng tiếng cười như tràng pháo nổ của ông tham Bích, vắng giọng khôi hài ngọng nghịu của nghị Trà làm gợi lòng buồn nhớ của bà Hoàng. Từ tháng trước, bà Hoàng thấy tinh thần mỏi mệt, bác sĩ bảo bà bị bệnh đau màng óc, phải tránh thức đêm, không nên dùng rượu mạnh và nhất là tạm xa nhục dục ít lâu.
Vì vậy, đã một tuần lễ bà về trại ở, vừa trị bệnh vừa nhân tiện trông nom hoa lợi mùa màng.
– Bếp! Cô Hạnh chơi đâu từ sáng?
– Bẩm bà, chúng con thấy cô mang bàn cờ và thức ăn, rủ ông Chương lên núi Điệp. Cô con dặn con xin phép bà, vì lúc cô đi bà đang ngủ.
Bà Hoàng yên lặng, một nét buồn thoáng qua.
Bỗng nắng đã ngập tràn ngoài sân gạch. Xung quanh, cái tĩnh mịch nặng nề thỉnh thoảng vỡ ra bởi mấy tiếng cọt kẹt của những thân cây tre cọ xát vào nhau, bởi những tiếng hát buồn rầu đứt quãng của cô thôn nữ đang kéo gầu sòng tát nước bên sông.
Tự nhiên bà Hoàng nhớ cảnh Hà Thành tấp nập, nhớ những cuộc vui trong tòa nhà lộng lẫy của bà. Bà ước ao được tất cả những quan khách về thăm bà ở nơi thôn dã này để làm cảnh đìu hiu đỡ tẻ, để bày ra cuộc đánh bài, để nghe người ta thi nhau kể những chuyện ly kỳ trên thế giới, những câu bông lơn thô bỉ mà người nói chẳng biết ngượng mồm.
Gió mát đem vào phòng làn hương thơm dịu của giàn hoa sói. Bà Hoàng lim dim nhìn hình ảnh Dục thần xuất hiện lờ mờ… Bà thấy người bà bừng nóng, cổ bà khô rát, vừa lúc ấy thằng bếp bưng vào một cốc bia. Bà uống cạn một hơi, rồi bà quằn quại, nhét chiếc mùi xoa lụa vào hai hàm răng nghiền nát, ép ngực vào lưng ghế divan.
– Thưa mẹ…
-…
– Mẹ ngủ à?
Hạnh ghé tai vào sát đầu mẹ, đoạn ngửng lên, mỉm cười, cắp cánh tay Chương, rón rén ra ngoài…
Bà Hoàng từ từ ngoảnh lại, nhìn tấm màn ren rung động, bà thở một hơi thở nhọc nhằn rồi lại nằm yên như say ngủ.
o O o
Hạnh ngồi lẩn mẩn bứt từng cánh hoa bày trên mặt khăn bàn.
Từ sáng, nàng ít cười ít nói, hình như trốn tránh bà Hoàng và lánh mặt Chương nữa. Nàng đã ngờ… đã thấy… nhưng có thể thế được sao?
Nàng không ngờ Chương có tâm địa ấy, mà mẹ nàng lại quá điên rồ!
Bà Hoàng bước vào vừa thoa lại phấn, vừa cười bảo Hạnh:
– Sư cụ chùa Tuệ Linh ban nãy cho tiểu sang mời mẹ con mình đến chùa lễ Phật, vì có cuộc làm chay. Con mặc áo đi kẻo sắp chiều rồi, nhân thể rủ cả ông Chương đi cho vui.
– Mẹ đi với ông Chương cũng được. Con hơi sốt, mẹ cho phép con ở nhà.
Bà Hoàng chép miệng:
– Còn là con gái mà cứ ốm luôn, về sau lấy chồng, sinh năm, đẻ bảy thì ốm đến đâu.
Hạnh cau có:
– Con chẳng lấy ai. Đời này, chỉ toàn những giống đàn ông tệ bạc, có mặt mình thì họ nghiêm trang thề thốt, sau lưng mình họ yêu kẻ khác dù kẻ ấy là chị vợ, em vợ, hay… mẹ vợ!
Bà Hoàng biến sắc mặt, nhưng lại thản nhiên nhìn gương, gài khuy áo.
– Lẩn thẩn lắm, con này dễ sắp phát điên. Có đi thì mặc áo nhanh lên.
– Mời mẹ đi, con không thể…
– Thì ở nhà mà nằm nghỉ. Sẩm tối, nếu có đỡ mệt thì sang chùa đón mẹ về, kẻo lại phải phiền cô tiểu…
– Vâng, con nhớ rồi. Nếu con không đi được thì con sẽ phái ông Chương thay con.
Hạnh bằng lòng bởi nàng đã mỉa mai, đay nghiến được bà Hoàng. Nhưng bà Hoàng đi khỏi, nàng lại âm thầm đau đớn. Nàng oán trách Chương nỡ phụ tình nàng. Nàng tiếc tình yêu chân thật nàng dành riêng cho Chương mà Chương không biết gìn giữ. Có bao giờ nàng thực dạ yêu ai dù là những kẻ giầu sang đem dâng hiến mẹ con nàng tiền trăm, bạc chục, thế mà, không hiểu vì sao, nàng trọng đãi Chương một cách khác thường. Sự trọng đãi ấy khiến nhiều kẻ ghen tuông tức tối. Vậy mà, một buổi kia, Chương đã khiến nàng chua cay, chán ngán. Song nàng vẫn dằn lòng nhịn nhục, không ta thán một lời.
Sắp tối, mây đen kéo kín trời, gió lạnh thổi từng cơn.
Hạnh nhớ lời bà Hoàng dặn phải sang chùa đón bà về. Nhưng nàng không muốn đi bởi đã nghĩ ra một kế…
Nàng ra cửa chờ thì vừa lúc Chương xách máy ảnh về tới cửa. Chàng vui vẻ khoe chụp được nhiều ảnh đẹp và đưa Hạnh bó hoa đồng. Hạnh nhìn mây cuồn cuộn tối đen, vội nhờ Chương sang chùa Tuệ Linh đón bà Hoàng kẻo gặp cơn mưa lớn.
Chương ngần ngại:
– Anh không muốn đi không có em.
– Đây, anh sờ trán em, sốt thế này, đi sao được.
– Em sai đầy tớ.
– Mẹ dặn chúng ta đón. Sai đầy tớ, còn nói chuyện gì. Mẹ em khó tính lắm, trái lời, mẹ giận. Anh đứng chờ một phút, em vào lấy cái này…
– Hạnh chạy lên nhà, cầm chiếc ô ra đưa Chương.
Nhìn chiếc ô Nhật Bản xinh xắn, Chương bật cười:
– Hai người chui dưới chiếc ô bằng cái bàn tay này thì ướt hết.
– Thế mới nên thơ. Em sẽ mang máy ảnh đi chụp làm kỷ niệm.
Không hiểu lời chua chát của Hạnh, Chương cười rồi rảo bước trên con đường nhỏ hẹp chạy thẳng ra quãng đồng bát ngát…
Lát sau, cơn giông bão nổi lên. Mưa lác đác rồi trút nước. Vài thân cây mềm yếu đứng chơ vơ trên đường vắng, oằn èo như sắp bị nhổ tung gốc rễ. Đồng cỏ dưới mưa lờ mờ một màu trắng vẩn.
Chùa Tuệ Linh trên ngọn núi thấp, bốn bề cây che hầu khuất, reo xào xạc như rùng mình trong hồi chuông ngân dài giọng thảm giữa cơn mưa gió chuyển trời.
Xa chùa một quãng, hai bóng người chụm sát vào nhau, giơ chiếc ô con che kín cả đầu bước chậm chạp theo con đường đất trơn lầy lội. Họ có vẻ an nhàn bình tĩnh hình như đang mải vui câu chuyện, mặc gió mưa quanh mình.
Qua một ngôi đền hoang bên mấy cây đa lớn, hai người kia vào trong đó. Bà Hoàng, quần áo lụa trắng dán chặt vào da thịt, rút mùi xoa lau tóc ướt rồi bà lau mặt cho Chương. Chương lùi lại, bà Hoàng cũng lùi theo, ngoái tay khép hai cánh cửa. Bà kéo Chương ngồi phệt xuống tấm ổ rơm của ai làm sẵn…
Ngoài cây đa tiếng gió rít từng hồi. Trong đền, bốn bức tường rêu mốc, một chiếc bệ gạch gần đổ nát và một bát hương sành sứt mẻ, cảnh vốn hoang tàn lại thêm ô uế, bẩn nhơ!
Trời tối hẳn, hai người lại hé cánh cửa, lần ra. Trên đường lầy lội, họ chụm vào nhau thành một chấm đen giữa khoảng đồng không lạnh vắng.
Theo sau họ, cách một quãng xa, một người nữa cũng che ô lần từng bước, người đó là một thiếu nữ đang nghiến răng nuốt nỗi hờn.
o O o
Hạnh vì gặp cơn mưa hôm ấy mà ốm nặng, ngày đêm nóng sốt mê man. Bà Hoàng lo ngại, cuống cuồng. Chương luôn luôn săn sóc, ép nàng uống thuốc, nhưng thuốc Tây không khỏi, thuốc ta cũng chẳng làm giảm bệnh chút nào.
Mỗi khi tỉnh dậy, Hạnh lại nhìn bà Hoàng và Chương, cười nhạt, rồi kéo kín chăn, ngoảnh mặt vào tường. Nàng không ngờ mẹ nàng là người đàn bà khốn nạn dâm cuồng như thế được. Nàng khinh mẹ bao nhiêu thì lại ghét kẻ nàng yêu từng nấy.
Nàng hối hận sao phải tìm đến ngôi đền kia để nhìn nhận cái cảnh ghê bẩn ấy.
Bây giờ cố nhiên là nàng không thể viện một sự thanh cao, một mối tình kính mến, một tấm dạ thương yêu nào để khoan hồng dung thứ được nữa.
Bởi sự ngờ vực kia đã hiển nhiên.
Chiều ấy, trong khi Chương sang chùa đón bà Hoàng, nàng nằm trong phòng, cơn sốt lại nổi lên. Nhưng tưởng tượng một cảnh có thể xảy ra, nàng vùng ngồi dậy, khoác áo, che ô ra khỏi trại, đi thẳng đến chùa Tuệ Linh. Nửa đường nàng nghe trong mình choáng váng, đầu gối run lẩy bẩy cơ hồ ngã khụy thì ngay lúc đó ở đằng xa, nàng thấy bà Hoàng và Chương đang che chung ô đi tới, nên nàng vội lánh vào ngôi đền ở bên đường.
Không ngờ bà Hoàng và Chương cũng vào đền, nàng trốn lẩn phía trong, ngồi núp dưới gậm thờ, nín thở một lúc lâu để nghe rõ những lời ân ái của hai người.
Nàng tức uất, muốn nhảy xổ ra, song nàng không nỡ bởi vì kẻ nàng khinh kia là người đẻ ra nàng. Bắt quả tang người mẹ ấy chỉ càng gây nên một cảnh nhơ nhuốc, thảm thương.
Nàng nghĩ đến câu nàng đã đáp bà Hoàng khi bà thấy áo quần nàng lướt mướt lúc về tới cửa:
– Con đi chơi dưới trời mưa cho mát!
o O o
Hạnh đã thấy sức khỏe dần dần trở lại. Nàng cố ngồi lên, đi lại cho tỉnh táo. Bà Hoàng và Chương đều mừng rỡ.
Ban chiều ra vườn lấy gió và ngồi trên bờ ao câu cá một lúc lâu nên mới chập tối nàng thấy mỏi mệt, phải lên gác đóng cửa phòng nghỉ sớm.
Nàng nhìn lên đình màn, óc nghĩ miên man… Rồi nàng lại ngồi lên, ra mở toang cửa sổ. Nàng chợt ngoảnh đầu nhìn vào gương: mặt nàng tiều tụy, xanh xao, song sắc đẹp vẫn mặn mà.
Sắc đẹp ấy, hỏi rằng nó dùng được việc gì tốt đẹp trong cuộc đời nhơ bẩn của nàng? Có phải chỉ để quyến rũ người ta, để thu cơ nghiệp người ta làm cơ nghiệp mẹ nàng; để bắt nàng trọn kiếp làm thân con bợm đĩ rồi đến lúc sắc kia đã tàn đời còn có gì đâu!
Nàng chán nản nước mắt trào ra. Một ý tưởng quyên sinh khiến nàng run sợ.
Hạnh đưa hai tay lên ôm mặt, gục vào gương. Thốt nhiên nàng ngoảnh mặt lại nhìn chiếc giường tây, nệm gối mới được là phẳng phiu, nàng đau đớn:
“Lát nữa, chỉ mười lăm phút nữa, ừ, ta hẹn cho ta đúng mười lăm phút nữa ta sẽ quằn quại rồi nằm cứng đờ co quắp trên mặt nệm kia… Ta sẽ chết, khốn nạn thân Lệ Hạnh! Cái tin này hẳn phải lan ra, các tòa báo ở Hà thành sẽ điều tra để đăng lên báo, in ảnh ta lên báo… Khi ấy, những kẻ đã được hưởng nhan sắc của ta chẳng hay có cảm động chút nào chăng?”.
Gió lùa vào phòng mùi hương thơm mát của hoa lan tây, rủ cành lá vào khung cửa sổ. Hạnh hít một hơi dài cho khoan khoái; nàng muốn mùi hương ấy chạy vào cơ thể trong khi cảm giác nàng đã mất hết rồi. Hạnh nhìn đồng hồ tay: hẹn mười lăm phút đã qua. Phải chết! Rồi ghê rợn, Hạnh từ từ dè dặt đếm từng bước tới giường. Nàng tin một bước nàng đi, là một bước gần cõi chết. Nhưng thốt nhiên, Hạnh nghĩ ra rằng chưa có thuốc độc thì tự sát bằng gì! Bật cười, Hạnh nhảy tót lên giường cho lò xo tung nàng lên mấy cái. Nàng hớn hở, có cái cảm tưởng của người đang ngắc ngoải mà được ai cứu cho sống lại, cái cảm tưởng của người bị nạn đắm tầu, hay chẹt xe hơi mà còn được trông ánh sáng mặt trời. Hạnh nằm xuống, kéo chiếc chăn dạ trắng đắp kín đầu. Nàng lại tự hẹn chắc chắn sáng mai sẽ dậy sớm để ra chợ mua thuốc phiện, giấm thanh.
Đêm đã khuya, Hạnh vừa thiu thiu ngủ thì đột nhiên có tiếng sấm vang trên lớp mây nặng. Từng cơn gió lớn thổi thốc vào giường làm rơi mấy chiếc khung ảnh treo lỏng lẻo và dập mạnh cánh cửa vào tường, một miếng kính rơi xuống mặt sàn, vỡ nát.
Cây đèn con phụt tắt cả gian buồng tối mịt mù. Hạnh đứng lên ra ban công, mấy tia chớp chạy ngoằn ngoèo khiến nàng quáng mắt. Hạnh nhìn sang phòng bên thấy còn ánh sáng. Nàng đoán bà Hoàng vừa dậy kéo màn kính hay xem lại các cửa kẻo nước mưa theo chỗ hở hắt vào.
Nhưng Hạnh chợt trông thấy trên khuôn kính có hai bóng đầu người. Hạnh ra hẳn ban công mở to mắt nhìn cho rõ… Nàng sực nghĩ ra… Tim đập mạnh, nàng chạy vào đẩy cửa sang phòng bên, song cửa đã bị ai khóa trái mặt ngoài, nàng rít lên một tiếng lại quay ra ban công.
Hai bóng người vẫn in trên tấm kính.
Hạnh điên cuồng, chẳng còn suy nghĩ gì nữa nàng can đảm trèo qua ban công, vịn vào ống máng, bấm đầu ngón tay vào gờ tường, men đến gần khung kính có hai bóng người đó.
Mưa đã bắt đầu nặng hột, gió rung chuyển những ngọn cây. Hai cái đầu ghé sát vào nhau và hình như hai miệng đồng thời chạm nhau… Hạnh nghiến răng định với tay đập tan khung kính, song không thể được. Nàng rít lên mấy tiếng não nùng:
– Mẹ ơi… anh ơi… đồ khốn…
Nước ào ào dội xuống người nàng, mấy cành lan theo gió vút mạnh vào lưng, nàng không biết mình bị đau, bị ướt.
Hai cái đầu kia dần dần thụt xuống, Hạnh không trông thấy nữa.
– Trời ơi, tôi tức chết mất…
Cánh cửa có mở ra đâu, có ai đáp lại nàng đâu. Nàng đành bấm gờ tường men về ban công. Hai tay vẫn nắm được cái sắt ngang nhưng chưa kịp đu mình lên thì nàng mệt lả.
Mưa càng dội xuống đầu nàng. Chớp vẫn lòe trên mây, và một tiếng sét bật lên chói lòa, tưởng chừng đánh xuống người nàng. Choáng váng, Hạnh một tay tuột hẳn ra, một tay cố sức ghì bám lấy thanh sắt ngang, còn mình bị treo lơ lửng. Quanh nàng chỉ có tiếng kêu gào của gió, dưới chân nàng chỉ là một cái trống không. Tuột tay ra, xương sẽ gãy, máu sẽ chảy, nàng sẽ chết một cách thảm thương.
Cứ thế trong một lúc lâu, đã định thần và đã lấy lại hơi Hạnh mới đu chân trèo được lên ban công, run lẩy bẩy.
Nàng loạng choạng vào buồng, ngồi nghỉ một lát rồi châm đèn, thay quần áo.
Lòng giận nổi bừng bừng, nàng nằm lăn ra giường nghĩ ngợi. Sau, cân nhắc kỹ càng những điều đã nghĩ, nàng quả quyết thi hành.
Gần về sáng, mưa tạnh hẳn, gió dịu, mặt trăng vàng lạt buồn rầu lơ lửng phía tây nam.
Hạnh tháo mấy tấm ảnh con trên tường, gấp quần áo, nhặt các thức dùng vặt vãnh xếp vào vali, đoạn xé mảnh giấy trong cuốn sổ tay, ngồi viết bức thư để lại.
Con xin phép mẹ cho con ra đi tìm kiếm một nghề trong sạch hơn cái nghề này. Từ năm mười tám tuổi phải bắt đầu tiếp khách, cho tới bây giờ con tưởng đã đủ đáp lại công sinh dưỡng của mẹ. Dày dạn nhiều rồi, cười cợt nhiều rồi, bạc ác nhiều rồi. Trong cái thời chán chường ong bướm ấy, con rắp tâm kén Chương làm kẻ chung sống sau này (điều ấy mẹ đã tán thành) – vậy mà ngày nay kẻ kia tệ bạc, mà mẹ, mẹ đã chiếm đoạt tình yêu của con!
Con còn trông mong vào ai nữa, con còn kính yêu ai nữa. Mẹ đã lừa con, chồng đã phụ tình. Còn đợi gì mà chẳng bỏ ra đi cho mẹ và chồng khỏi bận lòng, chướng mắt.
Rồi đây, ở nơi nào con cũng cố trở nên một người đàn bà lương thiện. Con sẽ lấy chồng, con sẽ yêu chồng với dạ thủy chung như con đã yêu Chương.
Mẹ tha thứ cho con.
Chương tha thứ cho em.
LỆ HẠNH
Trời hửng sáng, Hạnh đẩy cửa đã thấy người ta mở khóa. Có lẽ trong khi nàng viết xong thư rồi chợp ngủ đi nên không nghe tiếng động.
Hạnh xách vali rón rén xuống dưới nhà, khẽ mở cửa sau ra vườn, không ai biết, vì tiết trời mát mẻ đám gia nhân đều ngủ say sưa.
Bên đường cỏ cây ướt át, rã rời sau cơn giông tố, Hạnh thấy tâm trạng của mình cũng như sự vật, rã rời tan nát sau trận bão lòng.
Đằng đông, mặt trời tráng lên nền mây xám tựa sắc chì một màu vàng tươi lóng lánh.
Đồng ruộng, nước ngập lan như mặt biển, quạnh hiu chưa có một ai.
Hạnh rảo bước đi thẳng về nhà ga. Nàng ngửa mặt cho ánh sáng mặt trời rực rỡ giọi vào cặp mắt vừa ráo lệ, rồi ưỡn ngực hít luồng không khí nhẹ nhàng trong mát lúc ban mai.
o O o
Bà Hoàng và Chương thức dậy khi tên bếp bẩm đã tới giờ ăn.
Qua buồng bên, bà thấy buồng Hạnh im phăng phắc. Bà đẩy cửa bước vào không thấy Hạnh mà sàn gỗ cùng các đồ đạc đều ướt đầm. Trên mắc, một bộ quần áo ngủ như vừa nhúng nước, rỏ xuống từng giọt một, đọng ở sàn một vũng, chảy loang ra. Bà Hoàng ngờ vực, ngoảnh lại bàn giấy thấy phong thư. Bà đọc. Lúc đó Chương bước tới sau lưng mà bà không biết. Đọc hết, bà tái mặt ngồi xuống ghế, bưng mặt khóc. Chương tê tái, ra ngoài ban công đứng tần ngần nhìn phía đường xa.
Chân trời, những bụi cây thu nhỏ và nối liền nhau, chia đôi lớp mây mù với cánh đồng xa xanh rộng. Ở đấy, bỗng một lớp khói trắng cuồn cuộn tỏa lên cao, tiếp có tiếng còi xe lửa vang bay trong gió.
Chương điên dại chạy qua mặt bà Hoàng, nhảy xổ xuống bậc thang, ra khỏi trại, rồi trên khoảng đồng không chàng cắm cổ chạy mau tựa đuổi bắt cái bóng đã bị thương đau làm tan tác.
Bà Hoàng tựa cửa nhìn theo…
o O o
Hỡi khách bộ hành, người hãy ngả nón, vào túp quán tranh lụp xụp này mà ngồi lau vết bụi bám đầy trên da mặt, hãy nắn bóp đôi bàn chân lấm láp sau khi người đã dạo khắp đó đây để thưởng thức biết bao cảnh đẹp của đất trời. Rồi người hãy ngửa chiếc bát sành cho bà lão già nua nghiêng nồi cố múc nửa gáo nước chè tươi nguội nhạt, người tạm uống cho qua cơn khát đường dài. Rồi người đưa mắt nhìn quanh bốn phía sẽ thấy những quán lều cột xiêu mái thủng, mấy tầu lá chuối thay phên. Người sẽ thấy những đống rác rơm bẩn thỉu; những viên gạch dùng làm bếp đều bị rêu phong vì đã lâu ngày không được sưởi trong than hồng nóng ấm; những chiếc chõng hàng cáu bẩn, hoàn toàn hư nát, tưởng chừng là chỗ ăn ngồi của bọn người hành khất đến họp ở đây.
Trước cảnh tiêu sơ ấy, hỏi người có cảm tưởng gì không?
Nếu người ghé vào tai bà lão mà hỏi cảnh điêu tàn kia thì bà sẽ kể người hay: Đó là một chốn chợ người, nhưng là chốn chợ người hoang tạ từ lâu. Xưa kia chợ ấy phiên nào cũng đông người mua bán, trai gái các làng đua nhau đến tìm duyên trong sự bán mua. Chợ đông chỉ nhờ các cô gái đẹp, song dần dần những cô gái ấy lần lượt lấy chồng, vì vậy chợ cũng dần dần vắng vẻ, khách kéo nhau đi chợ khác, ở đây chỉ còn thưa thớt ít người quê kệch; lâu ngày chợ bị bỏ hoang…
Bà lão đó sẽ còn lau nước mắt kể người nghe nốt chuyện buồn riêng: cô con gái ngoan, xinh đẹp của bà trước kia đã kiếm được nuôi bà no ấm, chẳng ngờ chán cảnh nghèo nàn, cô đi theo một người lính tập ra ngoài tỉnh, cho nên hàng bà không ai đến nữa. Tháng cùng năm, bà đành ngồi lại một mình trên mảnh đất chợ tàn không ai họp, ngóng đợi khách qua đường nghỉ chân mua cho bát nước chè tươi để bà sống nốt những ngày hiu quạnh.
Người ơi! Hãy ví cảnh chợ kia là cảnh chợ đời.
Hãy tưởng tượng bà lão già cô độc ấy là cái tượng hình thê thảm của bà Hoàng trong khi Hạnh bỏ bà ở lại với tuổi già nua tiều tụy mà khách làng chơi đều chán chường ghê tởm, lánh xa.
Hỡi gái giang hồ! Có nên thử dừng chân trước cảnh chợ chiều hôm?
In trong Một đêm vui, tập truyện ngắn, NXB Tân Dân, 1937. – Ngọc Giao