Kiều Bích Hậu

Chín vía gọi về” – tập truyện ngắn của tác giả Phan Mai Hương (NXB Hội Nhà văn) gồm 11 truyện ngắn, trong đó nổi bật lên là các truyện mang âm hưởng núi rừng Tây Bắc, đậm đặc phong vị sống người xứ Mường. Và những điều chúng ta tò mò về bùa ngải xứ Mường, tập tục nhà quan Lang, chuyện yêu đương trai gái cùng những huyền thoại cũ hoặc mới của người Mường, đều có thể tìm thấy thấp thoáng trong những truyện ngắn của Phan Mai Hương.

Bìa sách “Chín vía gọi về”

Tôi đã từng ngạc nhiên là tại sao Phan Mai Hương hiểu con người, cũng như văn hóa Mường đến thế khi cùng chị tham quan một số địa danh ở Hòa Bình (thủ phủ của người Mường), có liên quan đến di tích người Mường và được chị giải thích cặn kẽ từng nơi chốn, từng chứng tích và phong tục, triết lý sống người Mường. Cho đến khi đọc tập truyện ngắn “Chín vía gọi về” thì tôi hiểu ra, không chỉ việc tác giả là người Mường, mà còn bởi chị đã “phù phép” tất cả những kinh nghiệm sống nơi xứ Mường thành những truyện ngắn hấp dẫn. Có cảm giác rằng người viết này đang vừa sống hết mình nơi rừng rậm núi cao, vừa tự tách mình ra quan sát, tận dụng kỳ hết những chất liệu sống đặc biệt ấy để sáng tạo nên những tác phẩm mang mùi vị rất riêng.

Chính trong truyện ngắn đầu tiên trong tập sách này – truyện “Chín vía gọi về”, tác giả đã dựng lên cả một không gian văn hóa Mường vừa chân thực sinh động, vừa huyền ảo hấp dẫn. Sau khi dựng chân dung một nàng Ả Cắng con nhà Lang thật hấp dẫn, thì tác giả lại kỳ công xây dựng tình huống đưa đẩy, dẫn đến sự éo le của số phận hồng nhan, và một cái kết đẹp khi nàng Ả chỉ cần “ngả mình nằm xuống một tảng đá mát lịm” và đơn giản là tạo nên một huyền thoại. Huyền thoại ấy vừa lãng mạn ảo diệu, lại vừa rất thực tế đời sống như thế này: “Chỗ mái tóc nàng Ả huyền thoại mọc lên một bụi cây lá xanh thắm, dài mượt mà như áng tóc mây thiếu nữ, bốn mùa tươi tốt. Tương truyền có lời nguyền để lại. Nếu ai lên tới đỉnh núi này, hái một cọng lá, mang về nấu nước gội đầu tóc sẽ dài mượt và thơm đủ một trăm ngày. Nếu để trong phòng ngủ cho tỏa ra hương thơm thì tình cảm vợ chồng sẽ luôn luôn nồng ấm…”

Nhưng ngòi bút Phan Mai Hương không chỉ dừng lại ở những câu chuyện của người Mường, ở xứ Mường đơn thuần, mà chị đưa vào không gian ấy, môi trường sống ấy những rắc rối mới của người Kinh, và từ những va đập của văn hóa và lối sống, làm bật lên triết lý người Mường, thế giới quan của người Mường. Đâu đó trong từng trang sách, ta sẽ thấy đôi mắt quan sát vừa tinh tường, vừa an nhiên của một bà Mế, để rồi sửng sốt trước kết luận của bà: “Tình yêu vốn là thứ mong manh nhất, nhưng người ta lại cứ lầm tưởng nó bền chắc nhất.” Và trước những biến cố của đời sống, trước cả những cái chết oan khuất, theo thói thường sẽ để lại dư chấn tinh thần, sẽ là day dứt khôn nguôi cho người còn lại, nhưng với cái nhìn của người Mường, mà một đại diện là bà Mế, thì “mỗi sáng mỗi chiều cứ thong dong sải bước, vẻ mặt an nhiên như chưa từng có những oan nghiệt cuộc đời hiện hữu.” Đọc tới đây, tôi lại nhớ tác phẩm “Đời nhẹ khôn kham” của tác giả người Czech – Milan Kundera. Vâng, cuộc đời vẫn cứ thế, cho dù ta gào thét tung lồng ngực, cho dù khóc cạn nước mắt, thì đâu có thể thay đổi chi được! Có chăng, chỉ là như bà Mế, sống đủ lâu, đủ sâu, đủ đau đớn và đủ trải đời, để thêu dệt lên cho chính mình một cái vỏ an nhiên như vậy mà ở lại trên ngôi nhà vắt ngang lưng núi, nhìn xuống thế gian.

Trong tập truyện ngắn này, tác giả Phan Mai Hương cũng dành phần đáng kể để thể hiện thân phận của những giáo viên người Kinh đi “làm nhiệm vụ” tại các trường học vùng cao Tây Bắc. Có trường hợp nhân vật ép buộc phải đi, có trường hợp tự nguyện, nhưng tất cả họ đều bị đẩy vào hoàn cảnh sống, làm việc không chỉ quá khó khăn, mà còn đầy rẫy bon chen, thủ đoạn với những trò tanh tưởi trong chính môi trường giáo dục. Những thách thức ấy, có người vượt qua để sống sót, nhưng cũng có người chấp nhận lụi tàn. Thậm chí, nếu họ có vùng lên nổi loạn, sẵn sàng chấp nhận rủi ro để hy vọng có được chút ánh sáng le lói của tình yêu và hạnh phúc rọi tới thân phận mình nơi “khỉ ho cò gáy”, thì rồi cuối cùng phải chấp nhận cái chết với chút son phấn còn ương bướng vương trên mặt, như nhân vật chính trong truyện “Gió lùa qua vườn”.

Có những cái chết, và những kết truyện chấp chới, dường như nhẹ hều, thản nhiên như thách đố người đọc trong tập sách “Chín vía gọi về”. Tác giả có vẻ đã bài binh bố trận công phu, để rồi lật nhào những suy đoán của độc giả ở cái kết truyện. Sự không thỏa mãn này khiến độc giả lại một lần nữa phải trăn trở về cái nhìn của bà Mế, về triết lý sống của người Mường. Âu đó cũng là cái cách riêng của Phan Mai Hương trong thể loại truyện ngắn.

Theo petrotimes.vn

Hồng Nhung đưa bài