(Đọc tập truyện ngắn Tìm chồng cho mẹ của Hoàng Dự, Nxb Quân đội nhân dân, 2012)
Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm. Số lượng tác giả, khối lượng tác phẩm viết về đề tài này hẳn không có thống kê nào đầy đủ hết được. Lý do ư? Bởi cuộc chiến lớn lao và ác liệt thuộc hàng đầu thế kỷ XX mà dân tộc ta đã đi qua bằng biết bao trí tuệ, xương máu dựng nên một chân dung vĩ đại.
Đọc tập truyện Tìm chồng cho mẹ của Hoàng Dự ta lại có thêm đóng góp lý giải nữa cho nhận xét trên. Lướt qua tên tập sách cứ ngỡ nhà văn nhẹ nhàng một góc cuộc sống lạ nào đó. Nhưng khi lật từng trang mới thấy sau đấy là những số phận với sâu thẳm nỗi đau chiến tranh không bao giờ được phép vô cảm. Hoàng Dự có những năm tháng trực tiếp chiến đấu ở các mặt trận ác liệt, đã được chứng kiến giây phút thắng lợi hoàn toàn rồi trở về thời bình làm báo, làm văn mấy thập niên nên có thế mạnh và độ lùi để ngòi bút thành quả.
9 truyện ngắn trong gần 200 trang sách, tuy mức đậm nhạt khác nhau nhưng đều xoay quanh chủ đề người lính. Cụ thể là những người lính trực tiếp chiến đấu và những người thân thiết xung quanh họ trong thời bình đang đối diện mưu sinh hiện hữu. Nỗi đau chiến tranh được Hoàng Dự chiều sâu lặng lẽ chọn lựa trong tác phẩm nên người đọc dễ thẩm thấu. Đó là hai người cha – lính Cụ Hồ thời chín năm – của vợ chồng Hoàng trong đó một đã hi sinh (cha Hoàng) và một thương binh nặng (cha Lan) trong Tìm chồng cho mẹ. Thế hệ bộ đội đánh Mỹ được tác giả dành nhiều trang do sự khốc liệt, dai dẳng cả không gian, thời gian và qui mô. Đó là các chiến sĩ Y Núi (trong Hai chồng), Đoàn (trong Chị tôi), Liên (trong Mùa thay lá, Huân (trong Thiếu phụ còn trinh), Hải (trong Mầm sống), Thắng (trong Giai điệu của rừng)… Trong số này, điển hình khiến người đọc đau đớn hơn là các nhân vật Y Núi và Huân. Họ bị chiến tranh cướp đi quyền làm đàn ông, làm chồng, làm cha khi từ mặt trận trở về. Tuổi thanh xuân đằng đẵng xa vợ trẻ để có đêm đoàn tụ thế này: “Hơ Rí vội chồm lên người Y Núi, người bừng bừng ham muốn. Nhưng Y Núi đã đẩy Hơ Rí ra. Có lẽ anh không đủ sức để chống đỡ sức mạnh từ cơ thể săn chắc và rực lửa của Hơ Rí. Anh nghẹn ngào: Xin lỗi Hơ Rí, ta không làm được cái việc của thằng đàn ông nữa rồi. Ta không xứng đáng làm chồng rồi!” (Hai chồng – trang 38). Với Huân trong Thiếu phụ còn trinh cũng tương tự. Hoàn cảnh đã xô đẩy họ tới những trớ trêu đầy nước mắt…
Ở truyện Mầm sống, Hải dịp nghỉ phép theo mỏi mong của mẹ già đã xây dựng gia đình với Hoa – một cô gái trẻ trung, xinh đẹp cùng quê. Hạnh phúc ngỡ suôn sẻ thì chất độc da cam trong anh đã hình hài nên một mầm sống mà sau đó chỉ mẹ con Hải chịu đựng nuôi nấng. Bởi: “Thằng bé có hình thù quái dị. Mặt nó già như người ngoài 40 tuổi. Một tay nó quặt ra phía sau như bị người ta bẻ ngược, tay còn lại thì chỉ có hai ngón. Mẹ nó do quá sợ hãi đã trốn khỏi làng, đi đâu chẳng rõ!” (trang 113). Với Giai điệu của rừng – Vân một nữ trinh sát, lần địch phục kích đọ súng quyết liệt đã bị một viên đạn lấy đi phần mềm của ngực con gái. Sau này là Giám đốc một doanh nghiệp rừng, nhiều niềm vui nhưng sao tránh khỏi tâm trạng: “Người ta có thể ngã xuống trong chiến tranh. Nhưng người ta sẽ bất hạnh hơn cả khi chết đi nếu còn sống mà phải mang những di chứng khủng khiếp hơn cả cái chết” (trang 170).
Tuyến nhân vật thứ hai trong Tìm chồng cho mẹ chủ yếu là những bà mẹ, những người vợ, người yêu và người thân đã tiễn đưa lớp thanh niên ưu tú ra mặt trận. Mong mỏi đợi chờ, hy vọng bao nhiêu để rồi khắc khoải, vô vọng với nhiều trường hợp khi chiến tranh kết thúc. Những lớp phụ nữ như Thanh (Chị tôi), Chung (Căn nhà lửa ấm), người vợ thương binh (trong Không có lần thứ ba)… và thế hệ sinh ra họ người nào thoát được vòng quay hệ lụy? Mong mỏi cả đời chỉ cần có một đứa cháu lành lặn mà tạo hoá còn nhẫn tâm cướp đi như bà Tâm trong Thiếu phụ còn trinh và bà mẹ Hải ở Mầm sống nào có hi hữu?…
*
Có thể khẳng định: Ngôn ngữ chính của truyện ngắn, tiểu thuyết là nhân vật. Trong văn xuôi tình thế tạo thành các mâu thuẫn, tạo thành các chi tiết của cốt truyện. Ở Tìm chồng cho mẹ Hoàng Dự đã rất chú ý đặc trưng này nên dẫu không dàn xếp, biến ảo ngòi bút mà người đọc vẫn ý thức được tầng lớp điều anh muốn kể. Thái độ của nhà văn được thông qua bản ngã nhân vật mà họ xây dựng. Điều này khiến có những tình tiết trong truyện không mới như báo tử nhầm (Hai chồng), cảm hoá nhân vật “bất hảo” thành người tốt một cách đơn giản (Mùa thay lá)… người đọc vẫn không thấy nhàm chán. Nếu chi tiết được sàng lựa kỹ, khéo léo thì ngòi bút sẽ không đứng ngoài cuộc. Này đây, nghe Hoàng Dự kể người lính thương binh trở về đêm đầu tiên đau đớn nằm bên vợ: “Chị cảm nhận được điều đó khi anh cố gắng nghiêng người vòng tay ôm chị vào lòng. Chị giật mình phản xạ bằng cách lấy tay nắm chặt tay anh, không hẳn là để ngăn anh mà cũng chẳng phải để ôm anh” (Thiếu phụ còn trinh – trang 91). Nhưng họ vẫn giữ trách nhiệm làm vợ: “Đúng là em có những tâm sự, có nỗi khổ riêng… Chồng em tuy không đáp ứng được nhu cầu bản năng của vợ, nhưng anh ấy là người chồng không thể nào chê được!” (Không có lần thứ ba – trang 177).
Người lính ra khỏi cuộc chiến và tiếp tục hành trình với cuộc đời cũng đa chiều cung bậc. Ở Căn nhà lửa ấm, khi Phương trở về với mái nhà mình thì thay vì người cha đã mất là mẹ con cô giáo Chung. Hoàn cảnh Chung có con với người yêu chưa kịp cưới hi sinh ngoài mặt trận nên đã tự nguyện chăm sóc cha Phương bệnh tật mấy năm trời, tự dối con, Phương là cha đẻ của bé, khiến anh đâu thể dửng dưng được? “Phương vẫn ngồi sững lặng đi. Ra là cô Chung ấy như thế. Khi chăm nom, nâng giấc bố mình chỉ là chăm một người bố liệt sĩ, một người bố bộ đội. Chính cô ấy đã nói ra miệng với chị Thoan rằng cô ấy làm nghĩa vụ hậu phương…” (trang 147). Và ngọn lửa này đã thắp cho người lính chưa một lần yêu trở lại đơn vị với ý nghĩ: “Biết đâu đấy… chuyện gì sẽ xảy ra khi sang năm anh lại về thăm quê?” (trang 151).
Còn câu chuyện Tìm chồng cho mẹ ngọn lửa lung linh ở một phía khác. Anh lính Hoàng nguyên vẹn gặp lại quê, tiếp tục học hành, công tác rồi kết hôn với cô gái trường làng xinh đẹp, khoẻ mạnh hệt qui luật nhân quả. Chuyện được cuốn hút hơn ở các tình tiết ngỡ như không thể mà lại có thể. Không thể bởi con dâu sao lại làm cái việc ngược đời tìm chồng cho mẹ chồng? Đương nhiên ban đầu bà phản đối dữ dội do quan niệm và cuộc sống đã an bài với tuổi tác, con cháu. Cuối cùng thì bà mẹ ấy cũng thuận buồm với một thầy giáo cùng hoàn cảnh, ý hợp tâm đầu theo sự mai mối của con dâu. Có được thế bởi bà hiểu được tấm lòng của các con: “Chúng con thương mẹ ở quê phải thui thủi một mình. Thầy Ban là người tốt… Bố con hi sinh đã lâu, mẹ cũng cần phải có nơi nương tựa, có người trò chuyện cho vui tuổi già” (trang 131). Sự “có thể” còn được bắt nguồn, bồi đắp bằng những đêm chồng còn trong quân ngũ, Lan thường sang giường nằm ngủ với mẹ chồng nhỏ to tâm sự riêng tư không rào cản như thể bè bạn. “Con hỏi thật mẹ, chẳng nhẽ mẹ sống bấy nhiêu năm không ai để ý đến mẹ? Mà con thấy là mẹ rất đẹp!… / – Chị không phải nịnh tôi! Mà thôi ngủ đi. Con dâu gì mà tra hỏi mẹ chồng những chuyện vớ vẩn ấy?…/ – Ai lại con dâu cứ đòi ngủ với mẹ chồng, lại còn tọc mạch chuyện đời tư nữa chứ!” (trang 127)…
Người viết truyện ngắn, tiểu thuyết cũng như các thể loại văn học nghệ thuật khác, mỗi ngòi bút một cách riêng miễn sao hiệu quả. Tôi trân trọng tập truyện Tìm chồng cho mẹ ở bút pháp trước hết là giọng điệu kể bình tĩnh, có duyên, hóa giải hợp lý vấn đề đã và đang đặt ra với người đọc. “Đao to, búa lớn” và cầu kỳ có lẽ không hợp với cây bút Hoàng Dự?
Hà Nội, tháng 01-2013
Nguồn: tapchinhavan.vn