Truyện ngắn. TRẦN THỊ TÚ NGỌC

Tháng 6 năm 1959.

Một phát hiện mới tại Cổ Loa làm chấn động giới khảo cổ. Trong quá trình thi công đường số 3, tình cờ những người thợ phát hiện ra một hố sâu trong có chứa hàng vạn mũi tên đồng bên Cầu Vực. Những mũi tên đầu nhọn, trụ và chuôi có mặt cắt ngang hình ba cạnh được xếp ngay ngắn thành bó, có cái đã hoàn thành, có cái vừa ra khuôn chưa kịp tu chỉnh còn nguyên dấu vết kĩ thuật đúc. Do một biến cố đột ngột nào đó của lịch sử, tất cả được chôn giấu trong lòng đất.

Những cuộc khai quật kế tiếp sau đó làm phát lộ hàng loạt di chỉ chứa các mũi tên trùng khớp với những mũi tên Cổ Loa cuối thời đại đồng thau. Chắc chắn nơi đây từng tồn tại một công xưởng với tiềm lực to lớn có khả năng trang bị vũ khí cho một đội quân hùng mạnh. Bí ẩn về chiếc nỏ thần giúp An Dương Vương dựng nước dần dần được hé lộ.

Nhưng vẫn còn đó những nghi ngờ.

Nếu Âu Lạc sở hữu kĩ thuật quân sự phát triển cao như vậy, tại sao lại dễ dàng bị nhà Triệu đánh bại.

Phải chăng số vũ khí này được đưa từ nơi khác đến.

Truyền thuyết Cổ Loa, đâu là sự thật, đâu là huyền thoại?

***

Người đàn bà khẽ chạm tay mình vào thành giếng phủ đầy rêu, cái lạnh chìm sâu trong đá từ hàng nghìn năm trước vẫn còn giá buốt. Chiều Cổ Loa nổi gió. Mộc miên rụng tơi bời.

Đã hơn hai nghìn năm trôi qua, ngàn vạn người đặt chân đến nơi này và nhìn xuống đáy giếng lặng câm. Sóng nước giấu điều gì trong lòng khi soi bóng trời xanh thăm thẳm. Ngày xưa An Dương Vương cả tin gả con mình cho giặc. Mỵ Châu ngây thơ tiết lộ bí mật lẫy nỏ rùa thần. Giặc ở ngay sau lưng nhà vua, ngoảnh lại chỉ thấy người con gái đang rải lông ngỗng trắng. Một đường gươm oan nghiệt bên bờ biển, Trọng Thủy ôm xác vợ về rồi hối hận mà nhảy xuống giếng trẫm mình.

Tình yêu.

Phản bội.

Bài học về sự cảnh giác.

Tất cả đều là hư ảo.

Chẳng có lông ngỗng nào đủ rải đường từ Loa thành đến Mộ Dạ. Cũng như chẳng có người đàn ông nào chiếm được giang sơn rồi lại đi tự vẫn vì tình.

Sương khói phủ lên sự thật.

Chỉ còn ta mãi lang thang giữa chốn cô liêu này, nơi thành quách lâu đài ngập trong cỏ dại. Con đường nào ngày xưa dẫn đến hoàng cung, giờ là một cánh rừng mộc miên hoa nở đỏ rực lên như máu. Cũng vào tháng Ba này một mùa hoa đỏ năm mười sáu tuổi, ta đã gặp chàng trai ấy nơi bến sông Vối chảy qua làng Thao Bồi khi đang giặt lụa. Con ngựa bờm tía đột ngột tung vó làm nước bắn lên rực rỡ trong ánh cầu vồng khi đưa chàng tráng sĩ sang sông.

– Xin lỗi, tại hạ đã làm cô nương giật mình.

Chàng trai xuống ngựa tạ lỗi, nụ cười ấm áp trên gương mặt cương nghị khiến ta không còn thấy e sợ như những khi lần đầu gặp người lạ.

– Tiểu nữ không sao. Hình như chàng từ phương xa tới?

– Đúng vậy. Ta là một người thợ rèn. Nghe nói làng Thao Bồi vùng Trực Định này có mỏ đá cứng nên ta đến đây tìm kiếm để làm khuôn đúc.

– Vậy là chàng đến đúng nơi rồi. Khắp trấn Sơn Nam Hạ này chỉ có ngọn núi phía sau làng tiểu nữ là nơi có loại đá tốt nhất. Nếu chàng muốn, tiểu nữ sẽ đưa chàng đến gặp các bô lão trong làng. Họ sẽ chỉ lối cho chàng lên núi Gấm.

Chàng trai chậm rãi dắt ngựa cùng ta trên lối đi vào làng giữa hai hàng mộc miên cổ thụ. Bóng chàng cao lớn lồng lộng trong nắng sớm. Mắt nhìn về chốn xa xăm. Gió thổi tung bờm ngựa. Trái tim thiếu nữ lần đầu tiên lỗi nhịp. Chiều hôm ấy ta tiễn chàng ra cuối bến sông. Trước khi lên ngựa, chàng quay lại nhìn ta lưu luyến:

– Ta sẽ sớm quay lại, xin đa tạ cô nương.

Chàng trai ấy chính là tướng quân Cao Lỗ.

Làng Thao Bồi trở thành nơi cung cấp đá làm khuôn cho các lò đúc tên đồng trong thành Cổ Loa. Bến sông bình lặng bỗng trở nên tấp nập. Nhà của cha ta là nơi dân phu và thợ thuyền thường ghé lại mỗi khi đợi thủy triều để chở hàng đi. Trong muôn vàn bước chân ta đợi bước chân chàng. Trong muôn vàn tiếng nói ta chờ được nghe giọng ấm áp của chàng. Nhưng chàng không một lần trở lại. Những người đến từ Cổ Loa nói tướng quân đang dốc hết tâm sức để đúc loại vũ khí bắn một phát đủ làm trăm nghìn quân giặc khiếp sợ. Việc quân cơ mật. Ai còn thời gian nhớ đến người con gái tình cờ gặp gỡ nơi thôn dã này.

Ngày tháng qua đi.

Quan binh qua lại Thao Bồi, tiếng đồn về dung nhan diễm lệ của người thôn nữ lọt đến tai vua.

Chiếu chỉ về làng, dân nữ Trần Thị Chân, con gái Trần Bính, người làng Thao Bồi, huyện Chân Định, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam Hạ được chọn tiến cung.

Ta sẽ đến Cổ Loa sao?

Ta sẽ gặp lại chàng sao?

Bước chân vào nơi lầu son gác tía mà lòng ta buồn rười rượi thế này. Là chàng kia rồi. Người cầm kiếm hộ vệ ngay sau lưng đức vua, ánh mắt trang nghiêm nhìn thẳng về phía trước. Người đứng dưới điện rồng, chúc mừng Nguyên phi đệ nhị vừa được tấn phong. Vẫn dáng dấp oai nghiêm hùng dũng ấy, vẫn gương mặt chữ điền cương nghị ấy, vẫn cái nhìn xa xăm ấy.

Chỉ mình ta vương vấn tơ duyên thôi, đó đâu phải một lời ước hẹn.

***

Chiến tranh.

Triệu Đà đưa quân tấn công Cổ Loa. Cao Lỗ vâng lệnh vua chỉ huy một vạn quân chống giặc. Nỏ liên châu bắn trăm phát trúng cả trăm. Quân Triệu dẫm đạp lên nhau tháo chạy.

Đất nước ca khúc khải hoàn.

Loa thành sừng sững được đắp cao thêm mấy trượng.

Các lò rèn ngày đêm đỏ lửa.

Vua tôi say sưa ngắm Âu Lạc huy hoàng.

Triệu Đà cho con trai sang cầu hôn để kết tình hữu hảo. Cao Lỗ khuyên vua nên cảnh giác. Nhưng châu báu vàng bạc mở đường cho Trọng Thủy vào Cổ Loa. Người Triệu theo đó đến sinh sống khắp nơi trong Âu Lạc.

Tướng quân Cao Lỗ đã nói gì trong buổi chầu hôm ấy?

– Bệ hạ, xin người hãy nghĩ lại việc kết thông gia với Triệu Đà. Trọng Thủy mang theo quá nhiều người Triệu đến sống ở nước ta, e rằng việc này có gì khuất tất.

– Người Triệu giỏi làm ăn buôn bán, mở mang rất nhiều công xưởng đem lại nguồn lợi lớn cho triều đình. Hà cớ gì phải ngăn cản giao thương.

–  Nhưng thưa bệ hạ, thần ra đường thấy người dân dùng hàng nước Triệu, mặc đồ nước Triệu, bên sông Hoàng còn có trẻ con hát dân ca nước Triệu. Đó chẳng phải là mầm họa mất nước hay sao?

– Im ngay. Ngươi thân là tướng mà sao dám nói lời xằng bậy. Có còn thể thống gì nữa hay không.

Mây đen bao phủ điện rồng. Lời sàm tấu tới tấp bay đến tai vua. Cao Lỗ chẳng qua chỉ là một kẻ võ biền, hết chiến loạn không thể dùng vào việc triều chính. Cho hắn về làm Xưởng quan trông coi việc đúc tên đồng là phù hợp nhất. An Dương Vương gật đầu nghe theo. Không còn ai mở lời can gián, yến tiệc triền miên tiếp tục được mở trong Cổ Loa để mừng đất nước thái bình thịnh trị.

Tướng quân Cao Lỗ thức trắng đêm đêm nhìn bếp lò bập bùng ánh lửa, nghĩ về vận nước sắp suy vong. Bệ hạ ơi, người đã quên rồi sao những năm quần thần chúng ta sát cánh bên nhau chống quân Tần. Những lúc vua tôi lội hào vác đá đắp lũy Cổ Loa để xây lên tòa thành muôn đời đứng vững. Những ngày đứng trên Ngự xa đài chỉ huy vạn quân diễn tập bắn nỏ, những đêm thức trắng trong xưởng đúc nghĩ cách mài giũa mũi tên đồng.

Không. Cũng không thể chỉ trách người.

Bậc đế vương dẫu ngồi trên ngai cao con mắt đâu thể nhìn sáu cõi. Chỉ trách những kẻ kia ăn lộc nước mà quên báo ơn vua. Đất nước thái bình không nghĩ đến việc chấn hưng xã tắc mà chỉ nhăm nhăm lo thu vén cho riêng mình. Vàng bạc châu báu chất đầy rương từ việc bòn rút quốc khố. Đồng thau để đúc tên phòng vệ đất nước bị bớt xén chạy vào túi riêng. Tiền của để gia cố thành lũy đem đi xây dinh thự.  Đến lương ăn cho quân sĩ cũng bị rút bớt ba bữa còn hai, gạo cám lẫn lộn thóc mục. Không thể im lặng thêm được nữa. Cao Lỗ cắt tay lấy máu viết huyết thư hi vọng nhà vua tra xét rõ mọi chuyện.

Bản tấu không đến được tay vua. Các Lạc hầu Lạc tướng cấu kết với nhau liên tiếp đưa ra bằng chứng tố cáo Cao Lỗ vì bất mãn mà lơ là việc luyện tập quân sĩ, bị thất sủng nên sinh lòng ghét ghét dựng chuyện hãm hại cận thần trung thành của triều đình. Người chế nỏ liên châu không lường được lòng dạ tiểu nhân hiểm độc. Mũi tên đồng ngay thẳng không chống nổi mưu mô xảo quyệt chốn cung đình. Thành Cổ Loa đã mục ruỗng từ bên trong, không cần tiếng gáy của Kê tinh cũng dễ dàng sụp đổ.

Mùa Xuân năm 210 trước công nguyên, vua ban chiếu giáng Cao Lỗ xuống làm dân binh, đưa ra ngoài biên ải. Cả xưởng đúc đồng nghe tin dữ mà chết lặng. Trong hậu cung ta cũng rụng rời cả chân tay. Ta vội vã đến thỉnh cầu đức vua nghĩ lại nhưng người không cho gặp. Đã lâu rồi nhà vua mê đắm vẻ đẹp của những vũ nữ Triệu mắt một mí lung liếng đa tình do Trọng Thủy dâng lên mà không đoái hoài đến ta nữa. Cao Lỗ tướng quân, cuối cùng thì chúng ta chỉ là những kẻ lạc loài giữa chốn phù hoa này. Cổng Loa thành chiều hôm đó che khuất bóng một người thợ rèn áo vải.


Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

 

– Tướng quân xin dừng bước. Có Nguyên phi đến tiễn người.

Đám thị nữ lùi lại phía sau, chỉ còn ta đối diện với chàng giữa cánh rừng mộc miên hoa rơi như mưa máu.

Chàng nhìn ta. Vẫn cái nhìn xa xăm ấy, cái nhìn bình thản và thấu suốt.

– Tại hạ chỉ là một người thợ rèn, không dám làm nương nương bận lòng.

– Ta đến từ làng Thao Bồi, tướng quân còn nhớ không?

Một đốm lửa nhỏ khẽ sáng trong đôi mắt đen sâu thẳm của chàng. Rất nhanh thôi. Đôi mắt ấy trở lại điềm tĩnh.

– Tại hạ vẫn nhớ Thao Bồi, lối vào làng có rất nhiều cây mộc miên cổ thụ.

Ta bật khóc. Vậy là chàng vẫn không quên lời ước hẹn.

– Chàng đi rồi, ai sẽ giữ lửa Cổ Loa?

Câu hỏi như lưỡi dao cứa vào lòng đau xót. Cao Lỗ tướng quân ngoảnh lại nhìn Loa thành lần cuối:

– Nếu một ngày binh biến xảy ra, xin nương nương bảo vệ xưởng rèn, các mũi tên đồng và nỏ liên châu. Linh hồn Cổ Loa nằm ở đó.

***

Tháng Giêng năm 208 trước Công nguyên, Trọng Thủy nhận được tin vua cha ốm nặng, xin phép An Dương Vương cho về nước. Cuối năm đó Trọng Thủy trở lại dẫn theo đại quân tấn công các tiền đồn dọc biên ải. Âu Lạc trở tay không kịp. Chỉ trong một tháng Trọng Thủy đã áp sát kinh thành. Bên ngoài quân Triệu ra sức tấn công, bên trong có lực lượng do các thương nhân giả làm ăn buôn bán từ lâu làm nội ứng, Cổ Loa bị kẹp giữa hai gọng kìm. Lửa cháy nghi ngút trên mặt thành, xác chết la liệt bên ngoài hào phòng thủ.

Mấy vạn mũi tên đồng trong xưởng đúc chỉ có một phần tư dùng được. Còn lại ba phần mới ra khuôn dở dang vì không có người tu chỉnh.

Mấy nghìn tướng sĩ chỉ có vài trăm người sẵn sàng chiến đấu. Còn lại đã lâu mê mải tiệc tùng mà quên việc kiếm cung.

Đến lúc nhận ra điều này thì đã quá muộn. An Dương Vương nắm chặt đốc kiếm, ngửa mặt nhìn bầu trời tối sầm giông bão:

– Tai họa ngày hôm nay đã được báo trước rồi.

Tướng sĩ nuốt nước mắt nhìn đức vua quay cuồng trong tuyệt vọng. Còn đâu hình bóng vị vua oai hùng cưỡi voi ra trận đánh tan năm mươi vạn quân Tần xâm lược khiến Đồ Thư bỏ chạy không còn mảnh giáp. Giờ đây trong tiếng thét gầm của muôn vàn quân Triệu, Loa thành run rẩy như ngày xưa nghe tiếng gáy của Kê tinh.

Không thể cầm cự thêm được nữa.

Phải đưa quân chạy về phía Nam.

Ngày đó Nguyên phi không có mặt trong đoàn người rút khỏi Cổ Loa mịt mù khói lửa. Người ngồi sau lưng vua An Dương Vương là công chúa Mỵ Châu. Đến phút cuối cùng công chúa vẫn còn bám lấy hi vọng mong manh về một tình yêu không có thật. “Xin cha cho con đi theo. Có con ở bên, Trọng Thủy sẽ không nỡ đuổi cùng diệt tận”. Mỵ Châu cũng như nhà vua, như các Lạc hầu Lạc tướng trong triều đình này, tin vào những lời hứa ngọt ngào về mối giao hảo bền lâu, tin vào những món quà hậu hĩnh từ bên kia biên giới.

Trọng Thủy phát hiện An Dương Vương bí mật rút khỏi Cổ Loa, liền để lại một cánh quân nhỏ vây thành còn mình đích thân dẫn đại quân đuổi theo sát nút. Dọc đường đi Trọng Thủy cho đốt sạch giết sạch bất cứ làng mạc nào cản đường truy kích. Dân chúng khiếp sợ bỏ chạy toán loạn. Không ai dám giúp đỡ quân triều đình. Thực ra thì lòng người li tán đã lâu, từ khi vua quan ở trên ngôi cao an hưởng phú quý mà quên việc chăm lo xã tắc.

An Dương Vương dừng lại tại chân núi Mộ Dạ. Trời đã về chiều. Trước mặt là núi cao cản lối, sau lưng là quân giặc áp sát. Quân sĩ phần thì tử trận, phần thì đầu hàng hoặc bỏ chạy, giờ chẳng còn một ai. Mỵ Châu òa lên khóc:

– Cha ơi giờ biết làm sao đây.

– Mỵ Châu, cha con ta cùng đường rồi.

Bỗng từ rừng dương bên bờ biển xuất hiện một cánh quân Âu Lạc, người dẫn đầu cưỡi trên lưng con ngựa tía cao lớn, dáng dấp hùng dũng oai nghiêm. Đó chính là tướng quân Cao Lỗ. Mấy năm bị đày ra biên ải, người vẫn không quên việc rèn binh.

– Bệ hạ, xin hãy tha tội cho thần hộ giá chậm trễ.

– Tướng quân Cao Lỗ. Ta mừng vì có tướng quân bên cạnh trong phút cuối cuộc đời này. Nước đã mất trong tay ta trước khi Loa thành sụp đổ. Tất cả tội lỗi này do ta gây nên.

– Bệ hạ đừng nói vậy. Xin hãy đưa công chúa đi theo chúng thần, chúng ta sẽ tập hợp lực lượng phản kích. Những người khác đâu rồi?

An Dương Vương nhìn ra biển cả đang ầm ầm nổi sóng:

– Họ đã bỏ ta đi cả rồi. Chỉ có Nguyên phi ở lại Cổ Loa cùng các tướng sĩ trong xưởng đúc. Nếu có thể, xin tướng quân tìm cách cầm chân giặc để Loa thành có thêm thời gian sơ tán.

Quay sang công chúa Mỵ Châu, nhà vua khẽ nói :

– Mỵ Châu, quân Triệu sắp đuổi đến nơi rồi. Đừng để tướng quân Cao Lỗ vì bảo vệ cha con ta mà vướng bận.

Dứt lời, An Dương Vương trao kiếm vào tay Mị Châu. Nàng rút kiếm tự vẫn còn nhà vua nhảy xuống biển. Vừa lúc đó quân Triệu ập tới. Hai bên đánh nhau dữ dội. Cao Lỗ lực lượng quá mỏng nên vừa chiến đấu vừa rút vào rừng. Một tên lính Triệu cướp được xác Mỵ Châu, cắt lấy đầu nàng đem về báo công lĩnh thưởng.

Đêm ập xuống lặng câm như đá.

Cao Lỗ tướng quân nhìn về hướng Loa thành.

Âu Lạc sụp đổ rồi. Đến thi hài của công chúa ta cũng không giữ được. Lịch sử sẽ được viết khác đi bởi kẻ thắng trận. Hậu thế làm sao biết được huy hoàng và mất mát ở Cổ Loa.

Nguyên phi, ta gửi lại hi vọng duy nhất ở nàng.

***

Ta ở lại Cổ Loa.

Thành mất. Nước mất. Nhưng linh hồn Cổ Loa không thể nào để mất. Mấy vạn mũi tên còn nằm trong xưởng. Những mũi tên đã chuốt ba góc sắc lạnh ngay ngắn trong kho, những mũi tên vừa mới ra lò còn nóng bỏng. Những mũi tên chuẩn bị cho một trận đánh sẽ không bao giờ còn diễn ra được nữa.

Ta ở lại Cổ Loa không đơn độc. Công xưởng nơi Tây Nam nội thành vẫn còn đó hình bóng của chàng. Những người lính thợ cuối cùng không rời vị trí.

– Nguyên phi, triều đình đã rút cả rồi, sao người còn chưa đi?

– Ta ở đây vì lời hứa với tướng quân Cao Lỗ năm xưa. Kho vũ khí này là linh hồn của Cổ Loa, quyết không thể để rơi vào tay giặc.

Những người thợ nhìn ta, trong mắt họ bập bùng ánh lửa:

– Chúng tôi xin nguyện tử thủ cùng Nguyên phi.

Máu quân sĩ đổ xuống thấm đẫm các vòng thành, máu chảy trên đường vận chuyển vũ khí. Mỗi bó tên được cất giữ có khi phải đổi bằng một mạng người. Cầu Vực, Bãi Mèn, Đồng Vông, Đường Thụt. Rồi Xóm Nhồi, Xóm Hương, Xóm Gà, Xóm Mít. Trong ba ngày đêm thức trắng, hàng vạn mũi tên đồng đã lặng im trong lòng đất Cổ Loa.

Chỉ còn lại một việc cuối cùng. Các khuôn đúc và hệ thống ống bễ lò rèn nặng nề không có cách nào di chuyển. Nếu quân Triệu nắm được bí mật đúc tên đồng, Âu Lạc sẽ không còn cơ hội để phục quốc. Những người thợ quyết định rút vào trong xưởng đúc. Họ đào khoét phía dưới chân tường để lượng đất đá khổng lồ từ bên trên tường bao sập xuống che lấp hoàn toàn công xưởng. Khi thiết kế xưởng đúc người ta đã dự liệu đến tình huống bất trắc cần tiêu hủy dấu vết nên đã đặt xưởng thấp hơn chân thành Nội. Nhưng như thế có nghĩa là tất cả những người bên trong chấp nhận bị vùi lấp.

Họ là những người thợ thủ công tài hoa nhất của Âu Lạc.

Giờ phút cuối họ ở bên những chiếc khuôn đúc tên đồng.

Đây là những chiếc khuôn đúc được làm từ đá cứng làng Thao Bồi quê hương ta. Vì nó mà ta có cơ duyên được gặp gỡ chàng. Cũng vì nó mà lời hẹn ước với chàng mãi không thành sự thật.

– Hãy cho ta đi cùng. Ta muốn được chết ở đây.

– Xin Nguyên phi nương nương nghĩ đến đại cục. Nếu một ngày Cao Lỗ tướng quân đưa binh quay lại, ai sẽ dẫn đường cho người đến các kho vũ khí được chúng ta chôn dấu. Nguyên phi cần phải sống.

Trăng lạnh chiếu xuống Loa thành.

Mộc miên trút lá.

Thành quách lâu đài chìm trong cát bụi.

Liệu có ai còn quay lại để đặt những mũi tên đồng này lên lẫy nỏ nhằm thẳng vào quân giặc?

Trong ngục thất, ta vẫn đợi một tiếng ngựa hí, tiếng gươm khua, tiếng bay vút của mũi tên rời nỏ. Nhưng chỉ có tin dữ đưa về. Đức vua đã tự trầm bên bờ biển. Công chúa chết không được toàn thây. Cao Lỗ tướng quân tử trận trên bến Bình Than sau những nỗ lực cuối cùng trong tuyệt vọng.

Trọng Thủy điên cuồng cho quân đào xới tìm kiếm khắp nơi. Nhưng giống như một phép màu, Loa thành đã lặng im giấu trong đó mọi điều bí mật.

– Hãy nói cho ta biết hàng vạn mũi tên đồng được chôn giấu ở đâu? – Kẻ chiến thắng rít lên giận dữ.

– Những thứ không phải của ngươi sẽ mãi mãi không thuộc về ngươi.

– Nếu không tìm thấy tên đồng, ta sẽ bắt người Âu Lạc đúc chúng cho ta.

– Tất cả những người đúc tên đồng đã chọn cho mình cái chết.

Không chiếm được kho vũ khí của Cổ Loa, Trọng Thủy bị thất sủng. Năm 206 trước Công Nguyên, Triệu Đà cho người khác sang thay Trọng Thủy cai quản Âu Lạc. Có người nói Trọng Thủy vì uất ức mà nhảy xuống giếng trong Loa thành tự tử. Cũng có người nói Trọng Thủy chấp nhận trở về nước Triệu sống lủi thủi trong cung như một cái bóng không được ai nhắc tới.

Năm tháng trôi đi.

Các triều đại ngoại bang tìm mọi cách xóa sạch tàn tích của Âu Lạc.

Sự thật âm thầm và nhẫn nại nằm im trong đất.

Linh hồn ta ở lại Cổ Loa.

***
Tháng 2 năm 2005.

Cuộc khai quật ở Tây Nam Cổ Loa, gần chân thành Nội đã để lộ một xưởng đúc rộng lớn. Các lò được phát hiện còn xác định được cả nơi đặt ống dẫn gió, than tro, vô vàn những mang khuôn bằng đá, cho thấy vật đúc là mũi tên đồng giống với mũi tên đã phát hiện được ở Cầu Vực và nhiều nơi khác.

Đây chính là dấu tích một công xưởng cực lớn. Nơi đã đúc hàng vạn mũi tên được tìm thấy khắp nơi trong Cổ Loa.

Bằng chứng cho một thời kì huy hoàng và mất mát của Âu Lạc. Khi đất nước đã phát triển tới trình độ kĩ thuật cực thịnh, xây dựng nên tòa thành đồ sộ và chế tác ra những vũ khí tinh xảo nhất. Nhưng nước vẫn mất vì không giữ được lòng người.

Mũi tên đúc dở dang trong lòng đất xin gửi lại cho hậu thế.

Cao Lỗ tướng quân. Hơn hai nghìn năm qua rồi, mây mù phủ lên Cổ Loa được vén màn huyền thoại. Đã đến lúc ta rời khỏi nơi đây. Ta trở về làng Thao Bồi quê ta, nơi dòng sông Vối uốn mình qua những cánh rừng mộc miên nở hoa rực rỡ. Từ bến Bình Than về đó cách mấy chục dặm đường, tướng quân có trở lại như lời ước hẹn?

 T.T.T.N

Văn nghệ quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài