Trước 1975, trong đội ngũ hùng mạnh nhà văn viết về chiến tranh thì các cây bút nữ chiếm số lượng không nhiều. Tuy vậy, lịch sử văn học nước nhà cũng kịp chứng kiến và ghi lại đậm nét dấu ấn của những nhà văn nữ viết văn và đánh giặc. Dẫu còn khiêm tốn nhưng tên tuổi của các tác giả nữ với những trang văn nóng bỏng hơi thở chiến trường vẫn lấp lánh sáng đến hôm nay. Chiến tranh qua cảm thức nữ giới không chỉ gắn liền với chiến công mà đằng sau những chiến tích hào hùng là sự hi sinh thầm lặng của bao lớp người – đặc biệt là những cô gái “Trường Sơn ngày ấy”, những cô gái khi ngã vào lòng đất vẫn là trinh nữ “mãi mãi tuổi hai mươi”, những cô gái có tên và không tên đã trở thành huyền thoại một thời. Nhật kí Dương Thị Xuân Quý, nhật kí Đặng Thùy Trâm còn lưu giữ những khoảnh khắc nhói lòng đầy nữ tính. Dương Thị Xuân Quý, trên những trang văn chưa kịp viết hết của mình, như hóa thân vào nhân vật – “những con người rất đỗi mảnh mai như một đóa hoa rừng nhưng chẳng có bão mưa nào vùi dập nổi” (Hoa rừng). Chúng ta gặp Nguyễn Thị Như Trang với những nhân vật bình dị mà cao cả (Màu tím hoa mua), gặp Lê Minh Khuê với thế giới nhân vật nữ lấp lánh vẻ đẹp đời thường (Những ngôi sao xa xôi). Trong tác phẩm của các nhà văn nữ có sự hủy diệt và sự tái sinh, có chiến trường bom gào đạn xé và những khoảng trời con gái. Đằng sau quyết tâm chiến đấu là nỗi niềm đau đáu của người mẹ, người vợ, người yêu. Vượt qua sự sàng lọc nghiệt ngã của thời gian, yếu tố để khẳng định sức bền của những tác phẩm đó không chỉ là những kì tích, chiến công mà chủ yếu là chiều sâu tâm hồn con người, là vẻ đẹp đời thường giữa trùng trùng bom đạn.
Đầu thế kỉ XXI, đề tài chiến tranh vẫn vẫy gọi, mời mọc không chỉ với nam giới mà còn với nữ giới, không chỉ với những nhà văn một thời mặc áo lính mà còn với cả những nhà văn sinh ra và trưởng thành sau chiến tranh. Có vẻ chiến tranh đã lùi xa, rất xa, nhưng viết về chiến tranh và những gì thuộc về nó vẫn không hề cũ. “Chừng nào chưa viết được một cái gì đó về người lính cho ra hồn, tôi sẽ vẫn còn day dứt” (Đỗ Bích Thuý). “Đề tài này luôn làm tôi phải đau đáu suy nghĩ về nó và nó quả thực vẫn còn có sức hấp dẫn đối với tôi. Đến với đề tài chiến tranh không phải cái gì to tát lắm, trước hết là tôi viết cho mình, khi mà những suy nghĩ về nó vẫn ngồn ngộn trong lòng và rằng mình cần phải viết” (Lê Minh Khuê). “Tôi không thôi ám ảnh về đề tài chiến tranh trên đất nước nhỏ bé này. Tôi đã viết về chiến tranh ở góc nhìn của một người lớn lên sau chiến tranh” (Võ Thị Xuân Hà)… Cứ tưởng “mảnh đất thiêng” này xa lạ với phụ nữ, bởi phụ nữ lỉnh kỉnh đời thường, phụ nữ loay hoay tình yêu, nhưng không ngờ chiến tranh được khúc xạ qua lăng kính của các nhà văn nữ lại đa dạng, nhiều chiều kích đến thế. Tác phẩm viết về chiến tranh và hậu chiến của các nhà văn nữ có sự mở rộng, chuyển hoá các phạm trù thẩm mĩ (cao cả và thấp hèn, bi và hài, cái đẹp và cái nghịch dị, kệch cỡm…). Chạm đến mảnh đất này, các nhà văn nữ gặp gỡ nhau ở một điểm chung: nỗi đau của những thân phận đàn bà trong và sau chiến tranh. Người sót lại của rừng cười (Võ Thị Hảo) là câu chuyện của cô gái Trường Sơn còn sót lại ở cõi chết nhưng lại chết ở cõi sống. Nhiệt đới gió mùa (Lê Minh Khuê) dẫu viết về bi kịch của sự chia cắt trong một gia đình ở hai chiến tuyến nhưng cái còn lại vẫn là nỗi đau của hai người mẹ. Trong Thế giới xô lệch (Bích Ngân), điểm nhìn gửi ở anh thương binh trở về từ chiến tranh, nhưng qua cái nhìn “xô lệch” đó, cái đọng lại sau cuối cũng là nỗi đau người mẹ. Bằng nhiều cách khác nhau, các nhà văn nữ đã nhân-danh-đàn-bà-tính để diễn ngôn sâu sắc và bạo liệt tiếng nói bên trong của người phụ nữ. Đấy chính là giá trị nhân bản lớn lao của vấn đề chiến tranh và phụ nữ.
Văn học viết về chiến tranh ngày càng đào sâu vào thế giới nội cảm. Ở mảnh đất sâu thẳm này, nữ giới đã bộc lộ được sở trường của mình. Chiến tranh và nữ tính, chiến tranh và nhân bản – đó là cốt lõi trong tư tưởng thẩm mĩ của các nhà văn nữ. Trong tác phẩm của họ, dẫu nhiều khi không có chiến hào, địa đạo, những vùng đất trắng, không bom đạn gầm gào, nhưng chiến tranh vẫn hiện ra trong nỗi đau của người ở lại, trong “mối tình năm cũ” thường trực kêu gào, vò xé (Mối tình năm cũ – Nguyễn Ngọc Tư). Chiến tranh hiện ra qua khuôn mặt phụ nữ với hận thù và yêu thương, mặc cảm và kiêu hãnh (Trong nước giá lạnh – Võ Thị Xuân Hà). Chiến tranh còn lại ở nếp nhăn khắc khổ trên khuôn mặt người mẹ nhiều lần tiễn con trai lên đường và có những đứa con không bao giờ trở về (Tiểu thuyết đàn bà – Lý Lan). Chiến tranh hiện ra qua những cuộc đời thanh tân chưa nếm mùi tình yêu đã vội vào cõi chết, qua ước mơ hạnh phúc đời thường, hoặc những khao khát cháy lòng về một tình yêu nhục thể (Người sót lại của rừng cười – Võ Thị Hảo, Xuân nữ – Dạ Ngân)…
Viết về chiến tranh, nhiều nhà văn nữ đã chạm đến những tầng sâu của bản năng giới. Linh cảm giới tính giúp họ thể hiện sâu sắc những ước vọng hạnh phúc lẫn nỗi đau nhân tình. Nhiều tác phẩm nhìn chiến tranh qua số phận tình dục của nữ giới, không phải bằng diễn ngôn đạo đức mà là bằng diễn ngôn phái tính và nữ quyền. Tính dục trở thành một phần quyền sống, tự do bản thể. Sắc thái nữ quyền đậm đặc với những nhân vật cồn cào khát vọng bản năng (Người sót lại của rừng cười – Võ Thị Hảo, Đàn sẻ ri bay ngang rừng – Võ Thị Xuân Hà). Điều gây ấn tượng là các nhà văn nữ đi sâu vào những khao khát phụ nữ không phải với cái nhìn của quan tòa mà là với giác độ tình yêu và sự nhân hậu, đồng cảm. Thế giới nghệ thuật của họ khởi nguồn từ những đồng cảm, trải nghiệm về số phận người phụ nữ trong và sau chiến tranh. Cảm hứng về cái đẹp, cái cao cả vẫn lấp lánh nhưng sâu hơn, day dứt hơn là nỗi cô đơn, khát vọng làm vợ, làm mẹ. Trong thế giới văn xuôi Võ Thị Xuân Hà, những đòi hỏi bản năng, tiếng nói của thân xác, vẻ đẹp nhục thể được ca ngợi: “Tôi thèm khát được nhìn thấy, sờ thấy từng tế bào máu li ti chảy rần rật trong từng mao mạch, tưới khắp cơ thể người đàn ông đang nằm cùng tôi. Tôi thèm khát nhìn thấy tận mắt sức mạnh bí ẩn lôi cuốn người đàn ông và người đàn bà ràng buộc với nhau” (Đàn sẻ ri bay ngang rừng), niềm kiêu hãnh giới được lên tiếng một cách chính đáng: “Tôi cố tình dâng hiến. Tôi muốn xoa dịu những cơn khát đàn ông trong anh. Để hằn thù, lo sợ, hoảng hốt, hoang mang trong anh tan như sương khói. Để những bức tường vô hình không còn ngăn cách” (Trong nước giá lạnh). Trong truyện ngắn của Dạ Ngân, giữa bộn bề khói lửa, cái đẹp phụ nữ khiến khoảnh khắc chiến tranh bị đẩy lùi. Cái đẹp của người đàn bà “như một món quà giữa khung cảnh hoang tàn và bị dồn đuổi sau Tết Mậu Thân”. Cái đẹp của Xuân nữ khiến những người đàn ông “bất động như bị điểm huyệt trước một người đàn bà. Quá đẹp để nghẹn thở nghĩ về sự tàn khốc của chiến tranh đang có mặt ở quanh chị, khắp nơi” (Xuân nữ). Câu chuyện của Dạ Ngân là câu chuyện về đàn bà trong chiến tranh. Hạnh phúc khoảnh khắc và những tờ giấy báo tử, đam mê và cay đắng, chính chuyên và lầm lạc. Diễn ngôn đối thoại ít nhiều cho thấy cái nhìn thấm đượm nhân tình (“Chị tu đi, chị xuống tóc đi cho người ta nhờ”; “Tôi đã nói những gì vậy hở trời, xét cho cùng chị có lỗi gì đâu!”). Chị là Xuân nữ, là người đàn bà nguy hiểm, người đàn bà tai tiếng – người đàn bà đem lại những khoảnh khắc hoan lạc cho những người lính giữa khoảng trắng của chiến trường, để rồi chiến tranh cuốn hút tất cả vào cõi chết. Xuân nữ, chị là ai? Phải chăng là những số phận đàn bà “không thể yên ổn bởi nhan sắc của mình”, nhất là trong chiến tranh? Khi người lính thứ bảy ngã xuống thì Xuân nữ cũng không biết về đâu. Chỉ có điều, không còn Xuân nữ thì “cuộc sống đã lại đều đều, nhàm chán, thậm chí là tẻ nhạt quá rồi, chị ơi!”. Viết về chiến tranh lạ và hay, Dạ Ngân đã hóa thân vào nhân vật để phóng chiếu cái nhìn nhân bản: “Người ta trận mạc đừng có khắt khe”. Xuân nữ và bảy người đàn ông của chị đã làm cho chiến tranh trở nên nhân tình hơn. Trong Đàn sẻ ri bay ngang rừng, Võ Thị Xuân Hà sử dụng một số motif tưởng đã thành quen thuộc (giấc mơ tính dục, nỗi đau và khoái cảm sinh nở, cái vô nghĩa lí của chiến tranh…) nhưng từ góc nhìn giới, khoái lạc ân ái và khoái lạc sinh nở được nhà văn diễn ngôn bằng giọng điệu tự hào về thiên chức đàn bà: “Tôi đắm đuối với hình ảnh người đàn ông kia đang mân mê cái cuống nhau, như thể anh ta đã thò vào sờ nắm những mạch máu nhỏ li ti chảy trong cơ thể của tôi mà tình yêu của Thản chỉ chạm tới chứ không nắm được”. Giấc mơ là một cách giải tỏa sự dồn nén tính dục. Giấc mơ là sự ngụy trang, che chắn những ham muốn bản năng. Chính ở những khoảng mờ vô thức, khát vọng nữ được giãi bày, sâu và sắc nét. Trong những phức cảm tâm lí, cái siêu ngã (superego) lên tiếng, sự đấu tranh giữa ý thức và bản năng thật nghiệt ngã. Dưới ánh sáng của phân tâm học, đi vào ẩn ức tâm sinh lí của người nữ, tác phẩm viết về chiến tranh của các nhà văn nữ sáng bừng lên ngọn lửa nhân bản. Giữa bộn bề khói lửa, giữa lằn ranh mong manh sống chết, bản năng và ý thức, các chị chính là “vị phúc thần”. Thiên tính nữ là cội nguồn của những ham muốn, khát vọng bản năng và tiếng nói nữ quyền. Những gương mặt phụ nữ trong văn xuôi đề tài chiến tranh được soi chiếu từ nhiều chiều kích (hữu thức, vô thức, bản năng, cao cả, thấp hèn…) với nhiều dạng thức, mở rộng thêm cái nhìn đa chiều về con người.
Hiện thực chiến tranh khúc xạ qua cái nhìn phụ nữ, từ cảm thức giới mang những nét riêng. Cảm hứng bi kịch chi phối ngòi bút của nhiều tác giả. Ở giai đoạn trước, do ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh, văn học không có điều kiện đi quá sâu vào những nỗi buồn, những mất mát hi sinh hoặc số phận riêng tư. Bi kịch cá nhân, số phận cá nhân có lúc lùi vào “điểm mù’’ của nhà văn. Nỗi-đau-con-người, đặc biệt là nỗi-đau-đàn-bà có được đề cập rồi cũng nén lại. Tất cả cũng vì mục đích chung, tinh thần chung của cộng đồng, dân tộc trong giai đoạn đất nước nghìn cân treo sợi tóc. Thời hậu chiến, văn học có một khoảng lùi cần thiết để nhìn lại cuộc chiến đấu khốc liệt của dân tộc. “Chiến tranh không phải trò đùa” – có vinh quang, hào hùng, chiến thắng nhưng cũng không ít buồn đau, mất mát, thương tổn. Con đường đi của dân tộc Việt Nam ba mươi năm đằng đẵng đầy “máu và hoa”. Tái hiện cuộc chiến đấu của dân tộc thế nào để những người hôm nay ý thức được nỗi đau và vinh quang quá khứ? Từ câu hỏi nhức nhối đó, biết bao tác phẩm ra đời, với một cách tiếp cận đa chiều về chiến tranh. Chiến tranh và chiến tuyến, bạn và thù, bên này – bên kia… Chiến tranh và tình yêu – một bên là sự hủy diệt, một bên là sự thăng hoa… Tất cả song hành, đan xen trong mối tương quan biện chứng. Giữa bề bộn những mảnh vỡ, bằng sự nhạy cảm giới tính, các nhà văn nữ đã chọn một góc nhìn chiến tranh qua mặt đau thương đầy nhân bản ấy. Chiến tranh từng bước lùi xa nhưng những vết thương vật chất và những chấn thương tinh thần vẫn khó lòng liền miệng. Một thời đất nước ngăn đôi, một thời hai nửa Bắc – Nam vời vợi, nhưng oái oăm hơn, thời hậu chiến, cái giới tuyến Bắc – Nam lại ở ngay trong lòng người, trong mỗi gia đình. Từ khung cửa gia đình, nơi chốn đi về quen thuộc trong cảm thức sáng tạo của các nhà văn nữ, phóng chiếu cái nhìn về chiến tranh, nhiều tác phẩm đào sâu vào nỗi đau khó có thể gọi tên, với những khoảng trống âm thầm còn để lại. Chiến tranh là li tán, đợi mong… Chiến tranh làm người thất lạc người trong mọi miền đất nước. Nhưng bi kịch hơn, chiến tranh làm cho con người thất lạc nhau dưới một mái nhà: “Tôi lờ mờ nhận ra, trước mặt, rồi sau lưng của mỗi người là khoảng trống và giữa các thành viên của đại gia đình, cũng là khoảng trống” (Thế giới xô lệch). Trong những khuôn mặt nữ viết về chiến tranh, Bích Ngân tạo được điểm nhấn. Dư vị đắng đót của chiến tranh hiện ra qua hồi ức của người lính, chưa từng cầm súng đã trở thành thương binh. Ưu thế của Bích Ngân là cách kể dòng ý thức, cách chọn điểm nhìn. Nghệ thuật gián cách khiến những mảnh vỡ chiến tranh hiện ra tròn vẹn. Cảm thức về chiến tranh vụn vỡ, chắp nối qua trường nhìn của một nhân vật bị chấn thương với đôi chân để lại ở chiến trường, với trái tim đau vì mặc cảm tàn phế. Từ trường nhìn đó, cuộc sống, con người được nhìn từ lăng kính “lệch”. Thế giới không chỉ “xô lệch” ở không gian rỗng, ở khoảng trống tâm trạng, ở những con người thất lạc nhau dẫu ngay trong một gia đình như đã nói (“Má tôi, anh tôi và tôi nữa, cũng chênh vênh và cô độc cho dù đang ngồi sát bên nhau”) mà còn “xô lệch” ở cách tổ chức không gian đồ vật, cái gì cũng vỡ bể, không nguyên vẹn, không lành lặn, “kể cả chiếc nôi trẻ con làm bằng mây bỏ lại ở góc khuất của tầng trên cũng chỉ còn có ba chân”. Thế giới bị “xô lệch” khiến ngay cả những con chữ cũng chênh chao, lặp đi lặp lại: “…dù còn có đôi chân nguyên vẹn để bước đi, cũng là những bước chân chênh vênh. Chênh vênh và đơn độc”.
Nhìn chiến tranh qua tấn bi kịch gia đình, một lần nữa, người phụ nữ lại là nạn nhân. Nhân vật của các nhà văn nữ viết về chiến tranh mỗi người một cuộc đời, một số phận riêng nhưng họ gặp nhau ở một điểm là làm đàn bà trong một đất nước chiến tranh. Tiểu thuyết đàn bà là câu chuyện về bốn thế hệ phụ nữ trong một gia đình. Lý Lan xoáy sâu vào nỗi ám ảnh thất lạc, sự thất lạc của cả một dòng họ, với nỗi-đau-đàn-bà-di-truyền. Trong nước giá lạnh là cuộc chiến âm thầm dai dẳng, đeo bám vào số phận của Niệm, đứa con gái của hai phe, đứa con gái được hoài thai trong tội lỗi với niềm căm phẫn tột cùng lẫn dục tình mãnh liệt. Bằng những dòng độc thoại, Võ Thị Xuân Hà đã giải mã những phức cảm trong tâm hồn của những con người trong một gia đình nhưng bước ra từ hai chiến tuyến, mang những chấn thương thể xác lẫn tinh thần, đau đớn hơn là cái cõi tinh thần còn hằn đậm những dư chấn nặng nề. Suốt tiểu thuyết là hai mảnh đời phụ nữ nối tiếp nhau, những bất hạnh đặt kề những bất hạnh; để rồi nước tẩy rửa tất cả, oán thù, định kiến, mặc cảm, phản bội hay trung thành. Tư Nam đã về với nước, chỉ có nước mới giải oan cho người phụ nữ trung trinh, trung trinh với chồng con, với đồng đội và Tổ quốc. Và cái số-phận-hai-dòng-máu ấy khiến Niệm phải tìm đến nước giá lạnh để rũ bỏ quá khứ đau đớn và tội lỗi, dẫu cô kiêu hãnh về sự trong sáng của xác thân mình.
Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, mọi bi kịch do chiến tranh để lại, mọi vết thương dẫu lở lói, nhức nhối vẫn được hàn gắn bằng bàn tay, tấm lòng phụ nữ – những người gánh số phận mình đã lệch vai, nhưng họ lại mang vác hết những đau thương của cõi thế này để tất cả trở lại an nhiên. Thiên tính nữ cứ ngời lên trên những trang văn viết về chiến tranh và hậu chiến. Bên cạnh thân xác của người lính trẻ vừa ngã xuống, đôi mắt chưa kịp khép lại vẫn “nhìn lên bầu trời cao thăm thẳm”, cô gái vẫn mơ màng về một màu cỏ xanh (Cỏ hát – Lý Lan). Với Thoa (Tiểu thuyết đàn bà – Lý Lan) trong những khoảnh khắc dao động giữa sống và chết thì bên kia của bức tường giam lại vang lên câu hát: “Giữ lấy đức tin đời sống em ơi! Giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời!”. Nhiệt đới gió mùa (Lê Minh Khuê) là câu chuyện khủng khiếp về chiến tranh, về những cuộc đời còn lại phía sau cuộc chiến, là nỗi hận thù dai dẳng nhưng vẫn có một điều gì đó âm thầm nhen lên từ sâu thẳm hận thù. Ở đây, mẫu tính đã hóa giải hận thù: “Mẹ, sự dịu dàng sau chót, tình yêu còn lại qua cả chiến cuộc làm một gã giết người hi vọng còn được sống lại một cuộc đời khác”. Sau cuối, “cái thế giới xô lệch chợt ngả nghiêng chao đảo, bất ngờ được kéo lại, được vực dậy và được giữ thăng bằng bởi sức mạnh của sự sẻ chia” (Thế giới xô lệch – Bích Ngân)
Nguồn: vannghequandoi