Tại bàn tròn về Đối chiến (2011) do báo Văn nghệ tổ chức tháng 8 năm 2011, Khuất Quang Thụy nói: “Tôi nhập ngũ tháng 3-1967, đến nay đã gần 45 năm phục vụ trong quân đội, trong đó có trọn vẹn 9 năm tham gia chiến đấu tại các chiến trường, và đặc biệt, 9 năm đó tôi chỉ phục vụ tại sư đoàn 320, một trong những sư đoàn cơ động quan trọng nhất của quân đội ta. Nhà văn Nguyễn Minh Châu khi đọc những trang viết của tôi đã nói rằng: ‘Các cậu có cái may mắn lớn là được nhìn chiến tranh bằng ‘mắt thường’ chứ không phải qua cặp kính của nhà văn đi thực tế. Cậu sẽ còn viết được nhiều vì vừa đi đánh nhau, vừa biết xem người ta đánh nhau; chứ tớ với ông Khải là đi xem người ta đánh nhau, còn một số người lại chỉ biết đánh nhau chứ không biết xem, cũng khó viết hay’”.
Thật khó hình dung một đại tá nhà văn lại bảo một nhà văn về sau sẽ là đại tá cái nhìn không trong cuộc như thế. Ấy là người từng cầm súng đánh giặc đầu những năm 50 thế kỷ trước, và với chiến công, ông trở thành cán bộ tiểu đoàn vào cuối cuộc chiến tranh; khi cuộc chiến chống Mỹ bắt đầu, Nguyễn Minh Châu đã chỉ có thể phục vụ trên mặt trận tư tưởng, cổ vũ người ra trận và về mặt lý thuyết, ông đã trong vai một người “xem người ta đánh nhau” nhưng trên thực tiễn, với Cửa sông và Dấu chân người lính Nguyễn Minh Châu vẫn hơi nghiêng về phương diện người trong cuộc hay ít nhất, cũng là xem quân ta chiến đấu dũng cảm và chiến thắng như thế nào. Có lẽ không mấy tự tin về những cuốn sách của mình, Nguyễn Minh Châu đã cắt nghĩa được nguyên nhân khiến nó khó mà đọng lại với thời gian và ông muốn ký thác lại cho lớp đàn em như một người yêu nghề chân chính và Khuất Quang Thụy có may mắn được “thừa kế gia bảo mật truyền.” Nhưng từ lời khuyên phải khách quan hóa cái nhìn đến lý thuyết cái nhìn xã hội học là cả một nỗ lực bền bỉ của Khuất Quang Thụy. Nhà văn này ra khỏi cuộc chiến đã có ngay cuốn Trong cơn gió lốc được coi như tràng pháo mừng vinh quang chiến thắng của người lính trẻ, cửa giới nhà văn trẻ – ông mới 25 – 26 tuổi đời. Phải chờ đến sau đổi mới, ông mới có cuốn tiểu thuyết Không phải trò đùa (1999), mà một cách nhìn khách quan đã manh nha. Tiểu thuyết kể về thời điểm nghiệt ngã của dân tộc, chúng ta vừa ra khỏi cuộc chiến tranh, những thương đau mất mát và cả sự kiệt lực, nhiều người còn chưa về được đến nhà do phải làm nhiệm vụ quân quản hay chiến đấu với fulro, nhiều người còn đang trong trại điều dưỡng hoặc thậm chí vẫn đang ở viện tâm thần; những người còn tỉnh táo thì chưa kịp làm gì cho bố mẹ vợ con lại đã phải ra trận chống xâm lấn của bè lũ Ponpot để bảo vệ tổ quốc. Cũng thật lạ, Campuchia là một dân tộc vĩ đại, từng là đế quốc Phù Nam với kinh đô Angkor huyền diệu; cùng lịch đại nhà Trần chống quân Nguyên, vua Giayavacman đệ VII đã dùng châu báu và vũ nữ tiếp sứ thần nhà Nguyên để tránh cuộc chiến tranh, cố nhiên trên thực tế, nhà vua vĩ đại ấy tránh được là còn do quân Nguyên bại trận do một bậc minh quân vĩ đại khác là Trần Nhân Tôn của Đại Việt; nhưng điều ông cần tránh đã tránh được. Thế rồi bẩy trăm năm sau, cũng dân tộc ấy lại phải chịu nạn cai trị của bọn người “chưa trưởng thành”, manh động và hiếu chiến. Nhà văn muốn nói to lên cái điều vẫn lẩm nhẩm trong lòng, chiến tranh không phải là cơ may của bất cứ ai, không thể nhân danh những giá trị đẹp đẽ nào để phát động nó/ che lấp bộ mặt khốc liệt của nó rồi cùng nhau nghĩ tiếp: Làm thế nào để chống xuất / nhập khẩu chiến tranh, có thể tránh được những cuộc chiến tranh?
Cái khía cạnh xã hội của chiến tranh mà Khuất Quang Thụy tìm được là đặc biệt quan trọng, nó là cơ may của hết thảy chúng ta. Khi chiến tranh chỉ được phản ánh từ góc nhìn chính trị, nó sẽ bầy ra những thiên kiến, nó đơn giản hóa chiến thắng cũng như cả cái ác cái thiện; nó cắt nghĩa tại sao văn học của ta thì ta tốt nó xấu, ta thắng địch thua; còn ở miền Nam trước 1975 thì có hình tượng nổi tiếng “người khổng lồ không tim”, “Việt cộng là cộng vợ cộng chồng” và rằng “Bẩy Việt cộng đu không gẫy cọng đu đủ”. Nhưng cái nhãn quan mới này trong Những bức tường lửa, nó mới chỉ chăm chú ở phía quân mình; bên phía đối phương, nó mới chỉ tránh được thói quen áp đặt, mô phỏng từ ý thức hệ, khiến nhân vật đã rõ hơn một chút, chỉ một chút thôi.
Những bức tường lửa (2004) bắt đầu bằng đám tang của một người Anh hùng quân đội, từng làm những chức vụ rất cao rồi tụt dần – Thiếu tướng Hùng Phong; thông qua nhân vật trung tâm là Chính ủy Lương Xuân Báo, nhà văn giáo sư Trương Đình Lân mà quá khứ oanh liệt của họ hiện lên như một dạng cái quan định luận. Họ là Trương Đình Lân, Nguyễn Danh Côn, Nguyễn Đình Hướng và Phạm Xuân Ban bí danh Hùng Phong vốn là bạn cùng học lớp 10 B. Cùng với họ là các nữ sinh Hà Nội sơ tán Thanh, Lý Hảo Hảo một người Việt gốc Hoa rồi Trần Hòa Bình, người Việt gốc Phi, Đào…với những mối tình đầu đầy thơ mộng. Nhưng chiến tranh đã tạo nên bức tường lửa ngăn cách họ hoặc khúc xạ để khi gặp lại nhau, những mối tình học trò trở nên éo le bi kịch. Bức tường lửa đã tôi luyện để những phẩm chất đẹp của Hùng Phong, Côn, Lân, Hướng trở nên chói sáng, nhưng cũng nó đã thiêu rụi những tố chất láu lỉnh, ươn hèn và cơ hội của Nguyễn Xuân Khoái, của Vững còn với Hùng Phong, coi như làm tàn lụn cả một số phận; rồi cũng bức tường lửa của chiến tranh đã từng lâm thời biến những người như Lương Xuân Báo, Trương Đình Lân vốn trung chính thông minh cũng có lúc sai lầm, với Báo là không nghiêm khắc với cái xấu cái sai của Hùng Phong – con người mà ông mang cảm thức thay mặt tổ chức xây dựng thành nhân tố điển hình của thời chiến, còn với Lân, ông đã xử tử hình đồng đội một cách oan ức, cũng như không dám công khai và dũng cảm bảo vệ cái đẹp.
Nhờ cái nhìn nhân vật trong chiến tranh dưới góc độ xã hội học, tiểu thuyết trở nên sống động, nhân vật hiện lên chân thực và đầy. Hùng Phong đã trở nên một hình tượng nghệ thuật trên cái nền ấy. Ông tiêu biểu cho lớp người mới, có học, có lương tri (cậu Ban đã thay mặt người cha đấu tố thầy trong cải cách hiện là phó chủ tịch huyện gửi vòng hoa đến viếng cụ cử Hạt, ông nội của Lân) có lý tưởng nên Ban đã không đi học nước ngoài như ý đồ xếp đặt của cha mà bằng một mẹo láu lỉnh của tuổi trẻ, cậu đã lặng lẽ khám sức khỏe đi bộ đội; nhưng hóa ra cậu vẫn không thể thoát hẳn người cha, ông đã nhân cơ hội bảo anh phóng viên viết về chính sự kiện ấy, gây cho cậu con trai một cái vốn chính trị; Ban nổi tiếng là Hùng Phong, tiêu biểu cho lý tưởng thanh niên cả nước của một thời. Nhân vật thật ở chỗ, tác giả không miêu tả Hùng Phong như một kẻ cơ hội thuần túy, ông ta thông minh, một tài năng tự đào tạo mà từ thực tiễn sinh động của trận mạc trở thành nhà lý luận quân sự xuất sắc, góp phần tổng kết cuộc chiến tranh. Do Nguyễn Xuân Khoát kiếm cớ viêm hoành tá tràng bị giả về địa phương, sau này leo lên chức phó chủ tịch tỉnh, Hùng Phong thế chỗ ngay khi còn là tân binh. Từ đề pa này, ông đã bằng năng lực thật sự được hỗ trợ với những cơ may mà lần lượt đi qua từng cấp lên đến sư trưởng rồi Tư lệnh quân đoàn trong một cuộc chiến khác. Hùng Phong cũng là con người của nghĩa hiệp, ông luôn gắn bó lo liệu cho bạn bè, khi ông lên đến Tư lệnh thì Nguyễn Danh Côn cũng lên Sư tưởng. Giữa họ có mối tình thù, Côn yêu Đào, Đào lại yêu Ban; mãi về sau, khi đã trở thành vợ chồng, Côn nằm trên bụng vợ nhưng lại nghe Đào rên rỉ ới anh Ban ơi em chết mất khiến Côn choáng váng. Thế rồi trong một tình huống sai lầm của Ban – Hùng Phong, Côn đã đấm thẳng vào mặt Ban, đã tung liên hoàn cước khiến Ban ngã dúi xuống suối; nhưng khi cậu cận vệ Tơn lên đạn khẩu AK rồi nhằm Côn định bắn thì Ban quát bỏ súng xuống, họ vội vã làm lành, đẩy cuộc ẩu đả vào vòng bí mật, mãi mãi bí mật.Ở chỗ này, cùng những trang Côn, Ban làm giỗ đầu cho Hướng giữa hai trận đánh ở rừng sâu, Côn cứ rủa sả Ban quên bạn bè là những trang văn lấp lánh, khiến thẩm mỹ bạn đọc vừa có khoái cảm về chủ nghĩa anh hùng vừa như được đọc về những anh hùng hào kiệt của sách dã sử xưa, sướng.
Nhưng Hùng Phong còn phức hợp hơn thế. Hồi cùng học 10 B, Ban thầm yêu Thanh, chàng trai quê nào chả thich gái Hà Nội, nhưng Ban biết nàng yêu Lân nên lánh ra, cậu cũng cho là họ xứng đôi vừa lứa. Thế rồi, trong lần Ban về dự Đại hội Thi đua toàn quốc ở Hà Nội, gặp lại nhau, Ban trở thành Anh hùng Hùng Phong – hình ảnh người yêu lý tưởng của các cô gái cả một thời đại, Thanh đã lao vào quầng lửa vinh quang ấy như con thiêu thân. Cuộc tình trong bức tường lửa này đã để lại cho họ một đứa con trai và, hình như Thanh đã thỏa niềm khát khao đầy tính lãng mạn, nên đã không những không thù hận Ban, vẫn đến sự đám cưới Ban lấy con gái một ông tướng với trang phục lộng lấy nhất có thể, ngay cả những năm tháng một mình nuôi dạy đứa con trai bên Pháp nên người, Thanh cũng không hề nhắn nhủ về dẫu chỉ một lời trách móc. Lạ kỳ thay là cái đẹp một thời! Vẫn chưa hết sự phức hợp, Ban chẳng những đã cướp Thanh của Lân, ông ta còn nhân danh bảo vệ uy tín quá khứ để giã cho cuốn sách Lân viết trung thực về một trận đánh của họ, giã cho tơi bời. Vậy rồi, vào lúc cay nghiệt nhất của đời mình, Hùng Phong gọi công an gô cổ thằng con nghiện đi cai, bà vợ con ông tướng bỏ đi, ông lại đưa cho Lân cuốn nhật ký của Chính ủy Lương Xuân Báo ghi khá nhiều chuyện xấu về mình. Đây cũng là nét đáng quý ở ông, có vẻ như ông dám sống, dám chịu trách nhiệm về mình, đã “làm xấu một cách trung thực.”
Hình tượng nghệ thuật này chủ yếu qua hồi tưởng của Trương Đình Lân, một phần qua cuốn nhật ký của Chính ủy Lương Xuân Báo. Cả hai đều cảm thấy lỗi của chính mình, có thể do nể nang bạn bè, có thể do thực tế chiến tranh với rất nhiều việc cần kíp trước mắt nên đã không có ý chấn chỉnh, tranh đấu để trắng đen rõ ràng, nếu vậy, hẳn là cuộc đời Hùng Phong đã khác hay ít nhất, nó cũng không bi đát đến thế. Nếu đúng như thế, hóa ra cũng lại bức tường lửa chiến tranh đã lấy mất của con người phần cứng cỏi nhất để giúp nhau hoàn thiện người, cũng cướp mất những cơ may sống hạnh phúc, sống cao cả trên bình diện phẩm hạnh cao cả của cộng đồng?
Nhân vật thứ hai cũng trở thành một hình tượng nghệ thuật là Lương Xuân Báo. Ông là chính trị viên con nhà nòi, bố là liệt sỹ chống Pháp, lại là người cẩn thận, chăm chút với sự nghiệp chung – đây là dạng nhân vật dễ cứng nhắc, có nhiều trong văn học ta, gộp chung là kiểu người Maois. Nhưng ở Những bức tường lửa, Báo sống động nhờ ở sự chí tình, nhờ sức lan tỏa của tuổi trẻ từ những Ban, Lân, Côn…rồi qua họ mà gặp và lấy Lý Hảo Hảo. Vậy rồi cũng lại bức tường lửa khác, ở đây là cuộc chiến tranh vắng mặt, đã khiến vợ con ông bồng bế nhau ra nước ngoài, để lại mình ông trong bệnh tật và cô đơn. Con người này chân thực đến mức, nếu cho ông sống lại, Lương Xuân Báo vẫn sống và cư xử như trong Những bức tường lửa, chăm chút và chí tình, kể cả những nhầm lẫn và thiên kiến.
Ngoài cái nhìn khách quan mà thực chất là cái nhìn xã hội học, độ lùi của thời gian đã giúp nhà văn hiểu rõ hơn những gì đã xảy ra trong chiến tranh, trong đó có cả nhận thức về hình thái cuộc chiến mà làm nên thành công cho tiểu thuyết. Khuất Quang Thụy nói: “Cùng với độ lùi thời gian, tôi còn có những mảng kí ức lạ lùng trong chiến tranh, mà có lẽ chỉ có trong cuộc chiến ở Việt Nam. Đó là năm 1973, khi Hiệp định Paris về chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam có hiệu lực, trên chiến trường Tây Nguyên những người chỉ huy quân đội từ hai bên đối chiến đã nghĩ ra cách lập ra tại những khu giáp ranh một “Nhà hòa hợp”, là nơi để binh lính, sĩ quan hai bên hàng ngày gặp gỡ nhau, tiếp xúc với nhau, cùng trao đổi, trò chuyện để xây dựng niềm tin, tạo nền tảng cho một quá trình “hòa hợp dân tộc” mà tôi được cử ra trực nhà hòa hợp gần thị xã Pleyku. Đó là những ngày tôi có cơ may được trò chuyện, được quan sát những binh lính, sĩ quan phía bên kia khi họ vẫn còn đầy đủ danh dự sĩ quan, danh dự người lính của một quân đội đối địch.” Đây sẽ là mảng ký ức được tái hiện trong Đối chiến, cuốn tiểu thuyết đã được viết dứt khoát dưới cái nhìn xã hội học về cuộc chiến. Và cái nhìn của nhà văn chăm chú hơn về phía bên kia, nơi những người lính hiện ra có hậu phương của nó; có gia đình, người yêu hay thậm chí có cả những màn kịch đàn “em gái nhỏ hậu phương”kỳ thực là gái điếm được trực thăng Mỹ đổ xuống nơi đóng quân. Hiệu quả là các nhân vật bên kia hiện ra là gần với chính họ hơn. Có thể ví dụ mối tình không thể nói là không đẹp của Út Cúc với đại úy Huỳnh Xuân Thời được báo chí Sài Gòn phong thành “Anh hùng Mũ Đỏ.” Cúc yêu Thời bất vụ lợi dù biết anh đã có vợ con, là dân ruộng còn cô là nữ sinh Huế con nhà giầu; cô cũng bất chấp ý anh trai không tiếc lời miệt thị Thời, giữ bằng được cái thai nhi dù tương lai của nó là khá mịt mờ. Trong mối tình có cả thách đấu với ít nhiều phim cao bồi miền Tây này, đối sánh với mối tình của Nhài – Đông khá thú vị: Nhài cũng yêu Đông dù biết anh đã có vợ con, cô cũng khư khư giữ cái thai như Cúc; chỉ khác ở chỗ Nhài không dám công khai vì sợ “ảnh hướng” đến bước đường tiến bộ của Đông và đó là khác về mặt xã hội học. Cái chết của Đông và Thời về sau cũng để lại nhiều ẩn dụ. Đông muốn bảo vệ tù binh – thương binh của đối phương nên bị một tù binh sát hại còn Thời, lẽ ra ông ta sẽ trở thành tù binh và thoát chết, nhưng Thời đã chọn cái chết như một người lính tại trận. Xét về kiểu chết, Đông cũng thua Thời như Đông đã thua ông ta trong ứng xử với tình yêu và để lại một hệ lụy xót xa: Đứa con của Đống có với Nhài, chẳng nói thì ai cũng rõ, nó sẽ chịu quá nhiều thiệt thòi, bị ghẻ lạnh dẫu là con liệt sỹ đích thực. Về điểm này, nếu Đông quả có sợ nếu khai thực sẽ bị loại khỏi vòng chiến chứ không “bỏ của chạy lấy người” thì cần gộp cả vào cái giá để chiến thắng.
Bìa cuốn tiểu thuyết “Đối chiến” của nhà văn Khuất Quang Thụy
Đọc Đối chiến tự nhiên cứ thấy một so sánh: Các nhân vật Huỳnh Xuân Thời, Ngô Thanh Vân, đại tá Sơn Đường cứ nổi trội hơn Đông, Dân, Thịnh, Tiên…mặc dù, xét về lý thuyết bốn nhân vật này gần gũi với tác giả hơn ba nhân vật kia. Nếu đó là thật, thì nó cho thấy yếu tố lạ trong nghệ thuật quan trọng nhường nào. Quan sát văn học đề tài chiến tranh, thấy như đã chững lại sau thời kỳ nở rộ sau 1975 nhưng tôi thấy thêm thế này: Có lúc chúng ta phê phán tiểu thuyết tả trận mà không có sức khái quát phát hiện, tôi thì tôi hiểu rằng chúng ta đã tả trận chưa hay; chứ văn chương tả trận trong Tam quốc diễn nghĩa, trận Xích Bích chả cuốn hút chúng ta suốt tập 7 và nửa đầu tập 8 đấy ư? Trận Waterloo, trận Borodino trong Chiến tranh và hòa bình, mỗi trận chả trên dưới 200 trang đấy thôi, ta đã đọc không sót một chữ nào. Ý này tôi nghe được từ nhà văn Bùi Bình Thi – một nhà văn nói không hề dễ nghe. Riêng tôi thì tôi nghĩ, chính từ diễn biến cụ thể của một trận đánh, các tính cách, trình độ trận mạc của lính tráng và cả trí lự của các nhân vật bộc lộ ra thật đầy đủ, một khái quát riêng biệt. Ví dụ, đọc xong trận Xích Bích, ta có thể thấy, không phải chờ hơn một ngàn năm sau, ngay từ đầu thiên kỷ thứ nhất, Khổng Minh quân sư nước Thục đã định đánh Ngụy Tào Tháo đến người Đông Ngô cuối cùng. Quả nhiên chỉ Chu Du phẫn nộ thổ huyết ra mà chết vì thua trí Gia Cát dầu Đông Ngô thắng trận, còn Tào Tháo lại thoát chết trên đường hẻm Hoa Dung nhờ Quan Vũ nhớ cái ân nghĩa cũ tha cho, khiến cái chiến lược mượn gió Đông thổi bạt gió Tây của Gia Cát Lượng không thể nhân thế thắng mà thôn tính nốt Đông Ngô, khởi phục nhà Đại Hán.
Đọc Đối chiến, với những trang thật và đau đớn; chỉ có là do thói quen “uốn lưỡi ba lần mới nói” đã thấm vào máu của nhà văn “bên ta”nên cái thật không sặc sỡ, đập ngay vào thị giác. Chẳng hạn đoạn về đơn xin đi bộ đội viết bằng máu…vịt rồi nhân thể cùng nhau đánh chén, đoạn trung đội trưởng khung trên Hòa Bình gỡ rối cho cậu tân binh lăng nhăng với cô gái nơi đóng quân thoát khỏi bà vợ chính danh tuy nó êm ái, không phim như cảnh Út Nhỏ định đi đánh ghen nhưng do hoàn cảnh chồng đang bị tù và nhất là do sự khôn ngoan của người đàn bà Việt, rốt cục lại là đi hỏi Út Cúc làm vợ nhỏ cho chồng. Đoạn bà mẹ Nhài lập kế cột Dân vào con gái bà đến không thể thoát nổi nếu anh ta có ý muốn thoát như Hải Đông, đọc rất sướng. Lại cái mưu trí Tam quốc cũng đầy trong Đối chiến, chỉ có điều nó không thành hình tượng cụ thể như Khổng Minh, Cutudov. Nhà văn đã ẩn giấu nó ở các đoạn rút quân ra, nói to lên là để chống trả Mỹ Ngụy đổ quân từ biển vào Quảng Bình, nhưng lại ngoặt sang giấu quân sẵn ở nam Lào. Hay ở đoạn mày đổ quân ông cứ đánh cầm chừng, chỉ duy nhất giữ một chỗ trên điểm cao, nhưng khi mày rút thì ông mới nện tơi bời cho trực thăng không dám hạ cánh để hót quân, hàng vạn quân vón cục lại trong thế mã hồi và bị đánh cho tan tác. Có lẽ tác giả sợ nếu đem cái trí mưu ấy gán cho tướng X thì tướng Y giận chăng? Nếu quả như vậy, thì đây lại là hạn chế của của thói quen xã hội học quy chiếu. Dù sao thì những Gia Cát Lượng, những Cutudov, Napoleon…của cuộc chiến tranh vừa qua cũng còn chờ đợi và giao khoán cho những Khuất Quang Thụy, chứ ai vào đây nữa?
Mặc dù còn điểm nuối tiếc thế, nhưng Đối chiến là một tác phẩm thành công cả về tư tưởng nghệ thuật, cả về nhân vật lẫn sức hấp dẫn để phải đọc “không chán” (chữ của nhà phê bình trẻ Cao Việt Dũng) thẳng một mạch hơn 600 trang.
Đọc Khuất Quang Thụy, tôi nhận thấy một điều nhất quán xuyên suốt các cuốn sách của ông sau đổi mới. Đó là sự chuyển dịch điểm nhìn từ trong cuộc ra ngoài cuộc, từ chủ quan sang khách quan. Khi trao đổi điều này với Khuất Quang Thụy, ông cũng thừa nhận và còn nói thêm, độ lùi thời gian chính là một cách/ kiểu chuyển dịch đó. Sự chuyển dịch điểm nhìn giúp Khuất Quang Thụy viết hay về thời hậu chiến mà Góc tăm tối cuối cùng (1989) là tiểu thuyết ngắn nhưng xứng đáng nhất lấy làm ví dụ. Và, suy cho cùng, mọi cuộc chiến đều có điểm dừng, chỉ hậu chiến, cái đuôi sao chổi của nó mới lê thê lấp lánh đầy mặt đất những mảnh vỡ, những mảnh văng ra như ông Dần, nhân vật chính của tiểu thuyết. Thời chống Pháp, Dần được người cha gửi nhà thầy học để lang thang làm phó cối, sau bị Tây càn bắn chết. Dần được thầy thương bạn mến, có nhã ý gả con gái là Nụ cho vì xem ý đôi trẻ đã phải lòng nhau. Thế rồi đôi trẻ đã để dành trinh tiết cho nhau, nén nhịn tình yêu để cùng ra mặt trận. Số phận chia họ thành đôi ngả khi, trong một lần Nụ đến thăm Dần nơi đóng quân, gặp tay đại đội trưởng máu gái, máu một cách đểu giả là cưỡng hiếp Nụ khiến Nụ có mang. Hòa bình trở lại, Dần đi tìm Nụ, gần như tìm cả đời rồi khi đã mịt mù tăm cá, Dần trở thành người đi dọn rác cho cái bệnh viện ở rìa một thị xã; vào cái thời mà người ta nạo thai như như vứt bã kẹo cao su đầy đường; đôi lúc ông ta ngủ ngay cạnh nhà xác, cho tiện. Số phận trớ trêu, ông gặp lại Nụ vào một ngày bà đến đưa tang cặp vợ chồng trẻ xấu số một cách ngu xuẩn. Bà đã trở thành một mệnh phụ phu nhân, chồng bà, chính là người đã cưỡng bức bà năm xưa đã thành ông tướng rồi còn lên to đã chết, các con cháu bà đã yên bề gia thất; bà định cứ thế dọn về ở với ông. Nhưng nhân phẩm của ông, với nền tảng là dăm chữ thánh hiền cộng với sự ngẫm ngợi thấu đáo về cõi nhân sinh, ông đã bỏ đi biệt khỏi túp lều rách nát. Nền tảng văn hóa của nhà văn đã giúp tác giả đẩy cái kết tiểu thuyết lên cao trào như một làn sầu thảm của chèo được hát bởi nghệ sỹ bậc thầy, xót xa mà không sến, hết nhưng cứ mãi còn ngân. Chỗ này, tiểu thuyết đạt đến bi kịch cổ điển.
Cũng cái kết của Góc tăm tối cuối cùng khiến tôi vẩn vơ nghĩ, có nhẽ có cơn cớ gì đó khiến ngòi bút Khuất Quang Thụy mỗi khi đụng đến sự phản phúc lại ánh lên sắc sảo tràn ắp? Phải chăng, đó mới chính là góc tăm tối nhất của mỗi cuộc chiến tranh? Nhưng rồi, hẳn là với bản lĩnh từng rèn qua lửa và với cái nhìn nhân bản, ông, cũng giống như các nhân vật Lương Xuân Báo, Trương Đình Lân của mình, vẫn chỉ muốn nói về những mặt tử tế của con người; trong niềm hy vọng chính những ánh xạ của nó, những ẩn dụ của nó sẽ xua cái tăm tối kia đi, ít nhất đó cũng là kinh nghiệm của một nhà văn từng trải.
Long Biên ngày 23 tháng Năm năm 2012
Nguồn: Vanvan.net