Nhà văn Vũ Đảm vừa cho ra mắt tập truyện ngắn “Đổ tiếng chuông chùa” do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2013. Tập truyện gồm 10 truyện ngắn đề cập đến nhân tình thế thái trong thời cuộc đầy biến động hiện nay. Không chỉ riêng truyện ngắn “Đổ tiếng chuông chùa” được đặt tên cho cả tập mà trong mỗi truyện, đọc xong ta như thấy ngân lên một hồi chuông do ai đó thỉnh lên để ta lắng nghe, chiêm nghiệm, lại như chính ta muốn thỉnh lên một hồi chuông để thức tỉnh chính mình.


Bìa tập truyện ngắn Đổ tiếng chuông chùa

Ra ngõ gặp ba người, truyện khá ngắn nhưng tư tưởng và tính triết luận lại ngân cao. Hạ Văn là một trí thức, đọc cả một bồ sách và cho rằng ta đây hiểu cái đạo ở đời, muốn giúp đời những điều to tát nhưng đời lại không hiểu mình nên suốt ngày chỉ chúi đầu vào đọc sách giải khuây, bỏ cả việc làm, bỏ cả chuyện vợ con. Rồi một ngày Hạ Văn đi ra ngoài tìm thầy theo lời dạy của Khổng Tử, trong ba người gặp ngoài đường thế nào cũng có một người là thầy ta. Lúc đầu gặp một giáo sư, ông bảo có thể hướng dẫn Hạ Văn làm luận án tiến sĩ; làm bằng tài năng sẽ thành nhà khoa học nhưng nghèo; còn làm tiến sĩ bằng tiền có thể làm quan to nhưng dốt nát, lại phải quỵ lụy ươn hèn nên Hạ Văn bỏ đi, không theo. Tiếp đó Hạ Văn gặp một doanh nhân, bảo dạy cho Hạ Văn trở thành doanh nhân bằng nghệ thuật bán hàng, nói thách cao nhưng giảm giá lớn thì dân sẽ tham rẻ mà mua. Hạ Văn cho là lừa đảo nên bỏ đi. Rồi Hạ Văn về vùng quê, thấy cảnh sông nước yên bình lấy làm thích và nảy ra ý định về đây mua đất để thỉnh thoảng về về sống, câu cá sông, gối đầu lên cỏ mà đọc sách. Vừa lúc đó có đứa trẻ trâu đi qua, thấy Hạ Văn đeo nhiều vàng trên tay, trên cổ thì khuyên Hạ Văn hãy cất ngay đi kẻo lại thiệt thân. Hạ Văn cả cười bảo đến giáo sư, doanh nhân còn chả làm được thầy ta chứ sá gì cái thằng nhãi ranh này? Rồi cứ thế thiu thiu ngủ, được một lúc thì hoảng hồn thấy có hai tên cướp lăm lăm dao lột hết vàng, tiền bạc. Lúc hai tên cướp đi xa, hoàn hồn xong, Hạ Văn cắm đầu chạy vào làng, miệng lẩm bẩm: “Thầy ta, thầy ta!”

Nếu trong truyện Con chim lạ, ông quan tỉnh B bị ám ảnh bởi sự lạy lục của kẻ dưới thì trong truyện ngắn Tây Thi tỉnh lẻ, ông quan huyện Hứa Bình lại bị sự ám ảnh, hành hạ trong từng bữa ăn, giấc ngủ về cặp vú của vợ mình. Xuất thân từ một gia đình bần nông nghèo khổ, nghe theo lời bố, ông Hứa Bình cưới con ông cán bộ xã giàu có, quyền thế. Đêm tân hôn khi cô vợ cởi bỏ chiếc xu-chiêng cứng như mo nang ra để lộ cặp vú nhão nhoét… Từ đó cho đến khi ông bước vào chốn quan trường rồi trở thành cán bộ chủ chốt của huyện, ông luôn thèm khát được ngắm nhìn đôi gò bồng còn trinh nguyên căng cứng. Cơ hội đó đến khi huyện ông có cô Ái Linh đạt giải Á khôi một cuộc thi hoa hậu. Sau bao tháng chăm chút cô, đưa cô Ái Linh vào được khách sạn, ông Hứa Bình khóc nấc lên, quỳ xuống nói cho cô biết sự thật về nỗi ám ảnh cặp vú của vợ và nỗi thèm khát được một lần trong đời nhìn thấy cặp vú trinh trắng và xin cô cho ngắm đôi vú cô thì hỡi ôi hai vú cô đã thâm sì vì cô bị anh phó văn phòng Nguyễn Bâu lừa phỉnh làm cho cô có thai.

Nhà văn Vũ Đảm thường có những kết của truyện rất ấn tượng và để lại trong tâm trí bạn đọc một sự khắc khoải, suy ngẫm nối tiếp cái tư tưởng của nhà văn. Truyện ngắn Cõi người đã được đẩy đến đỉnh điểm về sự mưu mô, ham hố danh vọng, mê tín đến mù quáng của những kẻ lắm tiền; và cả bi kịch của những người nghèo. Kẻ phú muốn có danh với đời đã thi nhau xây mộ người thân thật to, thật đẹp; việc nhờ thầy tìm đất đặt mộ để phát quan phát lộc đang là cái mốt thời thượng. Người nông dân nghèo đã buộc phải bán chỗ đất với giá cao như đất mặt phố đang là nơi an nghỉ của vợ để chuyển mộ vợ ra chỗ khác, lấy tiền cho con trai ở Hà Nội mua nhà. Và để che mắt được dân làng, ông đã giả điên vì mồ mả bị động. Cả họ ông sợ đàn ông trong họ bị điên như ông đã hô hào con cháu trong họ di dời mộ ông ra chỗ trũng gần bờ sông. Thật đau lòng, xót xa trước những cảnh huống của cõi người.

Đổ tiếng chuông chùa, truyện ngắn lấy tên cho cả tập là một truyện rất hiện thực trong đời sống hiện nay. Cục trưởng Hộ là người có quyền lực, luôn được các đối tác săn đón để chia chác các dự án làm ăn béo bở. Trong một lần, cục trưởng được một đối tác dâng cho người đẹp gạo trắng nước trong miền sông nước còn trinh tiết với mục đích cái “ngàn vàng” của người đẹp sẽ đổi lấy mảnh đất ngàn vàng ở tỉnh nọ để làm khu du lịch cao cấp. Bị nhan sắc hút hồn, cục trưởng viết mấy chữ cam đoan nếu có con sẽ bỏ vợ để cưới người đẹp. Người đẹp có thai, đã bay ra tận phòng làm việc của cục trưởng, bắt ông bỏ vợ ngay để cưới cô nếu không cô sẽ mở cửa phòng làm việc, vạch váy cho thiên hạ biết tác giả của cái thai trong bụng. Cục trưởng Hộ đã thỏa hiệp. Ngay sau đó ông đã quỳ gối van xin vợ cho ly hôn. Bà vợ đồng ý ly hôn và bỏ vào một ngôi chùa hoang ở ngoại thành để lánh đời. Cục trưởng sau đó lên được chức thứ trưởng nhưng cô vợ trẻ đã cuỗm hết tiền bỏ đi với nhân tình, bỏ lại hai đứa con trai sinh đôi cùng căn bệnh thế kỷ HIV cho ông. Thứ trưởng đã đến chùa, van xin vợ quay về nuôi hai đứa con riêng của ông, may mà chúng không bị HIV. Ông quỳ gối cầu Phật trong tiếng chuông chùa mà vợ ông vừa thỉnh. Tiếng chuông chùa ngân vang, thức tỉnh trong ông sự ăn năn, hối cải muộn màng. Tiếng chuông chùa cũng cảnh tỉnh nhân gian về sự tha hóa của đạo đức, sự xuống cấp của văn hóa trong cuộc sống chốn quan trường hôm nay.


Nguồn: vanvn.net