Thưa quý vị

Chuyên mục TRUYỆN HAY hôm nay, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu truyện ngắn Chiếc huy hiệu màu đỏ của tác giả Lê Đình Trung

Trong một bộc bạch về nghiệp viết, cây bút trẻ Lê Đình Trung tâm sự:

“Viết với tôi là cái duyên, một cái duyên tình cờ. Duyên viết của tôi tựa như thể một ngày đẹp trời bạn ra đường và bất ngờ gặp một người mà ngay giây phút hai ánh mắt chạm nhau bạn đã biết chắc rằng người đó là nửa còn thiếu của cuộc đời mình mà bấy lâu nay vẫn đi tìm kiếm vậy. Từ những dòng chữ ngô nghê mà bạn bè suốt ngày bảo “viết gì mà dài lê thê thế” trên facebook tôi cứ viết rồi đăng dù biết chắc chỉ một hai người đọc. Tôi viết chủ yếu để bản thân giải tỏa đi những mệt mỏi sau những giây phút công việc mệt mỏi, viết để hoài niệm về một tuổi thơ khốn khó nhưng đẹp và đầy những nuối tiếc. Tôi nhớ những cánh đồng xanh biếc rì rào hát trong gió chiều. Tôi nhớ những cánh diều giấy mà lũ trẻ trong xóm hì hục cả buổi cắt cắt, dán dán mấy miếng bìa sách để làm. Tôi nhớ dòng sông với những tháng ngày hì hụp cùng chúng bạn bắt cua, bắt ốc giữa trưa nắng hạ. Tôi nhớ cây cọ, cây cau, hoa hòe của ông bà tôi trồng trước sân nhà… Viết giúp tôi lưu giữ những khoảng trời kí ức đó nên việc viết với tôi đơn giản và tự nhiên lắm. Từ những trang viết Facebook may mắn tôi gặp những người anh, người thầy là những nhà văn đi trước chỉ bảo nên câu chữ theo thời gian cũng dần được cải thiện hơn và may mắn nhận được một vài giải văn chương nhỏ khi tham dự các cuộc thi do bạn bè giới thiệu. Giải nhất cuộc thi Hà Nội thành phố tôi yêu, Giải khuyến khích Trại sáng tác văn học về hình tượng người Cảnh sát nhân dân, giải nhì cuộc thi tản văn Mùa Xuân, Tổ Quốc và Mẹ… là động lực, là món quà tinh thần để tôi có thể tiếp tục niềm vui sau giờ làm việc của mình.

Mời quý vị nghe truyện ngắn Chiếc huy hiệu màu đỏ của Lê Đình Trung qua sự thể hiện của nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Chiếc huy hiệu màu đỏ

(Truyện đạt giải khuyến khích Trại sáng tác BCA)

          Tác giả: Lê Đình Trung

          Trong lúc mọi người đang làm việc thì thằng bé chín tuổi chạy hết chỗ này đến chỗ kia, cầm thứ này lên đặt thứ kia xuống, mồm liến thoáng hỏi đủ điều. Cái gì đây chú? Thứ kia để làm gì hả bác? Mùi của nó kinh kinh chú nhỉ? Đối với nó cái xưởng là cả thế giới kì diệu, dưới bàn tay tài hoa của các chú thợ những cây tre thẳng đuột, cứng rắn trở nên mềm mại và biến hóa tài tình thành những chiếc rổ, cái thúng, cái giành với những đường cong uốn lượn. Nó luôn thích thú ngắm nghía các chú làm việc, nhìn các sản phẩm làm ra chất đầy góc xưởng chờ người đến lấy nó cười tít. 

          Dạo ấy vào giữa hè, ánh nắng chói chang, mấy cơn gió rủ nhau đi trốn để lại hàng cây khô héo đứng im lìm giữa trời nóng như đổ lửa. Trong xưởng ai nấy mồ hôi, mồ kê đầm đìa, chảy xối xả như dội nước tắm dù cho khắp bốn phía mấy chiếc quạt hoạt động hết công suất. Người chẻ, người đục, người đẽo tre, người thì tay thoăn thoắt đan mấy chiếc nan vào nhau một cách đều đặn tạo thành các sản phẩm đẹp mắt. Dù nóng nhưng mọi người đều rất chăm chú, thi thoảng mới ngẩng mặt lên vơ lấy chiếc khăn lau vội mồ hôi đang vã ra rồi lại cúi đầu làm tiếp.

          Lần nào cũng vậy, mỗi lần bố đưa đến xưởng là nó lại lăng xăng khắp nơi. Thấy con trai chạy nhảy lung tung ông Tuấn quát: “Con, để yên cho các chú làm việc, bỏ cái cưa xuống nó cứa đứt tay bây giờ”. Chú Trường thấy bố quát nó thì phì cười trêu: “Chết chưa, cái tội nghịch ngợm.” Nó lè lưỡi trêu lại rồi chạy nấp phía sau bố. Chú Trường dứ dứ nắm đấm, làm mặt giận, trợn mắt lên ra dấu dọa rồi lại cười khì khì.

          Xưởng mây tre đan Mặt Trời chuyên sản xuất thủ công các mặt hàng từ gia dụng đến trang trí bằng nguyên liệu mây tre này có từ thời ông nội của nó. Ông nội già không làm được nữa thì để lại cho bố. Bố nhiều lần cũng tính dẹp cái xưởng vì bây giờ mọi người đã chuyển sang sử dụng các sản phẩm từ nhựa vừa nhanh, tiện, giá thành rẻ mà mẫu mã lại đa dạng. Mấy ai dùng các sản phẩm từ mây tre nữa, cạnh tranh khó khăn, lời lãi chẳng được mấy mà lỉnh kỉnh bao nhiêu thứ phải lo. Nấn ná nhiều lần rồi lại thôi, phần vì để ông nội nó yên lòng ở thế giới bên kia, trước lúc giã từ cuộc đời vẫn trăn trối đứa con trai duy nhất phải gắng giữ lấy cơ ngơi bao nhiêu năm gây dựng.

Tính ra, cũng chẳng thể trách ông nội, một mình ông cùng bà bôn ba từ mạn trong ra đây, hai vợ chồng vất vả làm lụng nuôi chín đứa con. Trong một lần tình cờ lang bạt đi thu mua sắt vụn thì đi qua làng nghề truyền thống mây tre đan, ông phải năn nỉ vừa học vừa làm không công cả năm trời mãi người ta mới nhận dạy cho. Học được nghề xong, bao nhiêu vốn liếng tích góp được từ việc buôn bán ve chai ông bà dồn hết mua tre về làm. Ông làm, bà đi bán, trên đôi quang gánh của bà lúc nào cũng trĩu trịt những rổ giá, thúng mủng. Bàn chân và lời rao hàng của bà luồn lách đến mọi ngóc ngách của thành phố này. Những ngày tháng ế ẩm đến củ sắn, củ khoai cũng chẳng có mà ăn, ông nhường bà, bà nhường các con, cả nhà nhìn nhau mà nước mắt ngắn dài tủi hổ. Cái xưởng là công sức cả đời ông bà nên sao có thể nói thôi là thôi.

Phần nữa cũng là vì bố nó muốn tạo công ăn việc làm cho mấy anh em dưới quê. Cả xưởng chỉ có bốn người làm, toàn họ hàng với nhau, mọi người vừa làm vừa ăn ở sinh hoạt luôn trong xưởng rộng gần hai trăm mét vuông. Cuộc sống của họ trông mong hết vào xưởng Mặt Trời này nên chẳng đành lòng giải tán xưởng.

Phải kể, trong số bốn người công nhân đó có chú Trường, em họ của bố. Gia cảnh chú khó khăn, vì nghèo nên học hết cấp hai là nghỉ, tính chú chịu thương chịu khó lại nhanh nhẹn nên chỉ mất hơn tháng là đã thành thạo hết công việc trong xưởng. Có chú Trường bố nó cũng yên tâm giao xưởng để đi tìm thêm mối bán hàng.

Chú Trường quý nó lắm, mỗi lần đến xưởng là chú tìm mọi cách chọc cho nó cười. Nhưng chú phải cái số khổ, em bé đẻ hồi đầu năm cứ ốm yếu, quặt quẹo suốt. Nằm trạm xá dưới quê mãi không khỏi, chú phải đưa hai mẹ con thím Lan lên bệnh viện thành phố khám. Nó nghe kể mai bác sĩ hẹn em Tí khám lại, nhưng ở dưới quê xa nên mẹ con thím đã lên từ hôm trước.

Bình thường mấy anh em thợ toàn tranh thủ mua cơm hàng ăn cho nhanh rồi về nghỉ ngơi dù nồi niêu, bát đũa bố nó sắm đủ cả. Nhưng nay có vợ con chú Trường lên nên mọi người tổ chức mua đồ ăn về nấu nướng một bữa coi như đón khách. Bố nó cũng đang có mặt ở xưởng nên tiện thể ở lại làm vài chén với anh em. Uống được nửa cuộc bố con nó xin phép về trước. Bố bảo hai mẹ con thím Lan về nhà mình ngủ cho mát, nhưng thím từ chối bảo ở lại xưởng với chú để sáng mai đi khám luôn.

          Tan cuộc ai nấy cũng ngà ngà say nên nhanh chóng chìm vào giấc ngủ, tiếng ngáy đều đều vang lên khắp xưởng. Ở góc xa, chiếc quạt dính đầy bụi bặm bám đen kịt chẳng ai buồn lau, sau nhiều ngày hoạt động liên tục đã quá tải, những cánh quạt oằn mình quay những vòng quay nặng nề. Ban đầu chỉ là một làn khói mỏng, nhẹ nhàng từ phía trục quay bay lên rồi nhanh chóng bị hòa lẫn biến mất trong không khí. Sau đó khói nhiều lên, đậm đặc hơn và bắt đầu có ánh lửa be bé. Mọi người vẫn đang chìm trong giấc ngủ với hơi men nồng nặc, ngọn lửa như chiếc lưỡi của ác quỷ đang thè ra, nó liếm nhanh sang đống đồ mây tre chất đống. Cháy lan rộng thành một đám lớn, cả xưởng khói đen mù mịt.

Thím Lan ngửi thấy mùi khói bật dậy, ho sặc sụa, mắt cay xè, thấy ẩn sau một lớp khói dày đặc là những ngon lửa lập lòe, ẩn hiện như đang nhảy múa vũ điệu của thần chết. Thím hô hoán mọi người, những người đàn ông đã bị rượu làm cho chuếnh choáng lật đật bò dậy nửa tỉnh nửa mê còn chưa biết chuyện gì xảy ra. Thím Lan men theo tường chạy về phía cửa tính chạy ra ngoài gọi người đến cứu. Thím quờ quạng trong bóng tối tìm chiếc chìa khóa để mở cánh cửa xếp là lối ra vào duy nhất của xưởng, nhưng ai đó đã cất đâu mất không thấy. Thím gào khóc, bấn loạn chạy vào trong gọi mọi người rồi ôm con chạy ra đập cửa. Hàng xóm thấy khói bốc lên nghi ngút liền bấm gọi 114 cho cảnh sát phòng cháy đến cứu người, đồng thời báo cho bố biết. Xong lợi dụng lúc lửa chưa bén đến ngoài họ dấp quần áo ướt luồn vào bảo hai mẹ con che mũi, cúi thấp xuống nền nhà để tránh hít phải khói độc. Thím Lan thấy người cuống cuồng kêu cứu, cuống cuồng kể lể, cuối cùng ôm con chạy vào trong tìm chồng…

          Bố nghe điện thoại bật dậy trong đêm, mặt thất thần, mặc nguyên quần đùi áo ba lỗ chạy đến xưởng, nó theo mẹ tất tả chạy theo. Cả nhà nó rụng rời tay chân nhìn ngọn lửa đang ngùn ngụt cháy, khói đen bao trùm khắp xưởng, lửa bắt đầu lan sang cả những nhà bên cạnh. Cả một góc trời đêm sáng rực. Dù đứng cách xa nhưng nó vẫn cảm nhận thấy sức nóng của đám cháy, nó bám chặt vào mẹ mồ hôi túa ra như tắm. Xe chữa cháy đã đến nhưng xưởng nằm tít trong ngõ nên chỉ có thể đậu bên ngoài triển khai đường vòi vào trong. Đã thế lại không có các trụ tiếp nước, hay ao hồ gì ở gần nên mỗi xe chỉ có vài mét khối nước ít ỏi để phun vào đám cháy. Bốn tiếng sau người ta mới dập tắt được đám cháy. Dù đã được khống chế nhưng sau cơn thịnh nộ của bà hỏa nhiệt độ của xưởng vẫn còn cao. Mấy người lính cứu hỏa phải mặc quần áo bảo hộ mới có thể vào trong lật tung đống đổ nát, dùng cả xà beng, cuốc để tìm người bị nạn.

          Một, hai, ba người lần lượt được mang ra, thân thể cháy đen không nhận ra hình dạng. Nó vẫn nuôi một tia hi vọng nhỏ nhoi. Đến người thứ tư được đưa ra thì nó vỡ òa, ngã khụy xuống khóc. Trong màn nước nhòe đi nó vẫn kịp nhìn thấy thi thể thứ năm và thứ sáu, hai thi thể đang ôm nhau một lớn một bé dính liền lại thành một, thân hình người lớn gắng nép đứa bé vào người mình để che chở. Một vụ cháy làm sáu người, cả một gia đình ra đi trong đau đớn do khói lửa. Giá như tìm thấy chìa khóa mở được cửa, giá như xe chữa cháy vào đến nơi, giá như… Vô vàn câu hỏi giá như cùng hình ảnh những xác chết cháy, hình ảnh thím Lan ôm con trong đám cháy ám ảnh, theo nó cả vào trong những giấc mơ chập chờn mùi khói lửa…

*

**

          Thằng bé tụt xuống khỏi chiếc xe máy khi mẹ dừng lại, chạy như bay về phía Bắc, nhoẻn miệng cười, tay cầm bài kiểm tra môn toán với kết quả được mười điểm giơ lên khoe:

          – Bố hứa rồi đó nhé, nhất định phải đưa con đi ngắm siêu xe đấy.

          Bắc cười tít mắt, nhấc bổng, hôn lấy hôn để, rụi cả bộ râu mấy ngày bận bịu quá chưa kịp cạo vào mặt thằng bé, làm nó rụt cổ cười khúc khích:

          – Rồi, bố hứa, cuối tuần dẫn con đi, đến lớp tha hồ khoe với các bạn nhé.

          Vợ Bắc nhìn hai bố con ôm nhau khẽ cau mày, mỉm cười

Nay Bắc dẫn vợ con đến cơ quan của mình, thằng bé nhìn thấy mấy chiếc xe chữa cháy đỏ au đang để trong gara mắt bỗng sáng quắc lên, dù không phải lần đầu tiên nó được thấy những chiếc xe này. Nó quay ra hỏi bố, có phải những chiếc xe này có giá vài chục tỉ đồng nên là những chiếc xe đắt đỏ nhất, hơn nhiều so với những chiếc siêu xe mà người ta vẫn nói. Bắc gật, anh biết thằng bé thích nhất đến cơ quan bố để xem mấy chú mấy luyện tập chữa cháy. Thi thoảng các chú sẽ cho nó được thử dùng bình chữa cháy để xịt vào một khay xăng đã được châm lửa cháy ngùn ngụt. Lần đầu tiên nó sợ, nhưng mấy lần sau quen đâm nghiện, mỗi lần làm khay xăng tắt lụi sau khi dính chệt lớp bụi trắng phun ra từ bình nó thấy mình dũng cảm như một người lính chữa cháy thực thụ vậy.

Bắc còn biết nó tự hào về anh lắm, đi đến đâu nó cũng khoe với mọi người có bố là lính cứu hỏa. Mà chẳng cần đến nó phải khoe thì người ta cũng biết ông bố của nó nghề gì. Ông bố mắc bệnh nghề nghiệp nên đi đâu cũng nhắc mọi người về công tác phòng cháy. Chưa kể, hết giờ làm anh không về nhà ngay mà tranh thủ đi tuyên truyền về cháy, về nổ, các biện pháp phòng cháy, rồi mối nguy hiểm của điện. Ngày chuyển đến nơi ở mới, món quà ra mắt hàng xóm của anh cũng đặc trưng “cháy nổ”. Anh mang tặng mỗi nhà một chiếc bình chữa cháy và hướng dẫn cặn kẽ cách sử dụng. Anh nói về phòng cháy nhiều đến mức hàng xóm đặt luôn cho anh biệt danh anh “Cháy”.

Ban đầu, mọi người cũng thấy hơi phiền khi vẫn nghĩ nhà mình chẳng kinh doanh buôn bán hay sản xuất gì thì làm sao mà cháy được. Cho đến buổi chiều lộng gió, người ta đốt bãi rác trong khu dân cư làm lửa bốc lên cao vút, đẩy các tàn tro bay tứ tung, tàn tro cháy dở bén vào tấm rèm cửa bên ngoài của một nhà ngay sát đó gây cháy. Mọi người hoảng loạn, hô hoán kéo nhau đến, cũng may nhờ chiếc bình chữa cháy và những kiến thức anh Cháy cứ nhắc đi nhắc lại nên mọi người mới nhanh chóng dập tắt được lửa, không thì hậu quả khôn lường. Được phen hú vía, từ đó mọi người mới chú trọng hơn đến công tác phòng cháy và để tâm hơn đến những lời anh nói.

Anh Cháy có cô vợ là giáo viên tiểu học làm cách nhà khoảng ba cây số, cơ quan anh cũng ngay gần đó. Thế nhưng ngôi nhà chủ yếu chỉ có hai mẹ con, anh vắng nhà suốt, khi trực, khi đi công tác. Thậm chí cả những ngày lễ tết hay mưa bão cũng chỉ có hai mẹ con ở nhà. Hàng xóm nhiều lần bàn ra tán vào bảo anh chồng lăng nhăng bên ngoài nên lạnh nhạt với vợ con. Lạ gì mấy ông phòng cháy suốt ngày chỉ có gái gú với rượu chè. Có cô hàng xóm còn tốt tính gọi vợ anh lại thủ thỉ “nói thật” về anh, chị nghe xong đi thẳng chẳng nói gì. Anh biết, chị hiểu và tin tưởng chồng mình hơn ai hết, mấy câu nói vu vơ như vậy chị đã quá quen rồi…

*

**

Trong cơn mê man Ân liên tục gọi tên Bắc, khi tỉnh dậy sau cơn nguy kịch câu đầu tiên anh hỏi mọi người cũng là:

– Anh Bắc đâu? Anh ấy có sao không?

Khoảng một sáng hai ngày trước, mấy anh em đang trong ca trực thì nhận được tin báo có một vụ cháy tòa nhà chung cư hai mươi tầng. Một cư dân nào đó từ tầng mười ba sau khi sử dụng than tổ ong để đun nấu không đợi cho đến khi nguội hẳn đã mang đi vứt theo đường ống thu rác của chung cư xuống khu vực đổ rác dưới tầng hầm. Hòn than âm ỉ gặp các loại túi ni lông, giấy vụn thì bén lửa rồi nhanh chóng lan rộng, khói cuồn cuộn đen mù mịt vây kín tầng hầm. Khói ngược theo đường ống rác trở về các tầng phía trên. Hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động của tòa nhà không biết vì lí do gì không hoạt động. Mọi người đang trong giấc ngủ nên chẳng ai hay biết thần chết đang mang lưỡi hái gõ cửa từng nhà. Đến khi khói mang theo lửa hừng hực nuốt trọn tòa nhà mới có người biết mà hô hoán. Khói tràn hành lang, khói chắn lối đi, khói chiếm luôn không khí hít thở. Người ta la hét, tiếng trẻ con người lớn thất thanh, ai cũng tìm cách tháo chạy, vơ được tài sản gì thì vơ, mãi sau mới có người nhớ ra gọi điện cho cảnh sát phòng cháy.

          Lãnh đạo nhận định đây là một vụ cháy lớn nên đã huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện đến hiện trường. Bắc là tiểu đội trưởng phụ trách xe chữa cháy số một. Anh không thể nhớ kể từ khi vào ngành đây là vụ cháy thứ bao nhiêu mình đi chữa. Vụ cháy nào anh cũng có cảm giác hồi hộp xen lẫn lo lắng. Anh sợ chiếc xe chữa cháy không đến kịp để cứu người bị nạn, cứu tài sản người dân đang bị bà hỏa ngùn ngụt thiêu rụi. Riêng với vụ cháy này ngoài lo lắng ra anh còn có một cảm giác gì đó khang khác, một linh cảm là lạ. Rút điện thoại ra, nhìn đồng hồ đã hơn một giờ sáng. Anh tính gọi điện cho vợ nhưng lại thôi vì thấy cũng đã muộn. Đút điện thoại vào túi quần xong…, suy nghĩ thế nào anh lại lôi ra soạn nhanh mấy dòng nhắn cho vợ: “Mai cuối tuần anh về dẫn hai mẹ con đi ăn thịt nướng nhé, có quà cho hai mẹ con đấy”.

          Nhắn xong tin vừa lúc xe đến hiện trường. Khói đen mù mịt, chỉ huy nhanh chóng triển khai các hướng tấn công. Nhóm phụ trách phun nước dập tắt đám cháy lúc này đã lan lên các tầng trên. Nhóm phun nước làm mát các tòa nhà bên cạnh ngăn chặn cháy lan. Nhóm tiếp cận đưa các nạn nhân ra ngoài. Nhóm phụ trách công tác hậu cần đảm bảo ánh sáng để chữa cháy khi toàn bộ điện của khu vực đã bị cắt. Bạt cứu người nhanh chóng được căng ra ở bên dưới, xe thang được dựng lên tiếp cận các tầng phía trên. Ống tụt cứu người, thang dây cũng được đồng thời triển khai.

Lửa vẫn cháy, khói vẫn bủa vây đen đặc, từ các tầng cao điện thoại bật đèn flash của nạn nhân cùng tiếng la hét kêu cứu khắp nơi.

Bắc cùng hai đồng đội là Ân và Lộc mặc quần áo bảo hộ đeo mặt nạ phòng độc nhận nhiệm vụ theo xe thang tiếp cận tầng tám của tòa nhà.

          Khói đặc quánh, ngột ngạt, dù cho đã đeo mặt nạ phòng độc và mặc quần áo cách nhiệt thế nhưng Bắc vẫn cảm thấy sức nóng hầm hập của ngọn lửa. Khói che mất tầm nhìn, trong đám cháy chẳng nhìn thấy gì ngoài khoảng tối mênh mông, đèn pin chẳng thể rọi xuyên qua lớp khói ấy, hai người cách nhau chưa đến một mét mà cũng không nhìn thấy nhau. Bắc ra lệnh cho anh em triển khai đội hình tìm kiếm người bị nạn. Mọi thao tác phải chính xác và nhanh chóng, chỉ một sai lầm nhỏ trong đám cháy đều phải trả giá bằng sinh mạng. Sinh mạng của nạn nhân đang thoi thóp chờ cứu, sinh mạng của chính bản thân mình và đồng đội. Ba người nhanh chóng buộc dây vào nhau để làm tín hiệu liên lạc, giật một lần là tiến, giật hai lần là lùi, giật ba lần là tìm thấy nạn nhân. Những quy ước đã được quy định cứ như vậy mà triển khai. Đội hình dàn hàng ngang men theo tường của hành lang đến từng phòng tìm kiếm từng người. Bắc tiếp cận được hai mẹ con nạn nhân, nhóm nhanh chóng cứu, đưa về phía xe thang đang chờ bên ngoài để đưa xuống. Xong đội hình tiếp tục quay trở lại tìm kiếm. Thời gian của bình khí có hạn, nên phải tranh thủ trước khi còi báo hiệu báo hết nhiên liệu phải nhanh chóng cứu được càng nhiều người càng tốt. Khi đến căn hộ cuối cùng phía hành lang, Bắc tìm thấy một bà cụ đang nằm bất tỉnh ở góc tường. Chuẩn bị cho anh em vào cứu đưa cụ ra thì anh phát hiện chiếc tủ gỗ phía sau có dấu hiệu sụp đổ do ảnh hưởng của nhiệt.

          Việc tiếp cận cụ lúc này vô cùng nguy hiểm vì khi lên trên đây nhóm đã không mang theo kích thủy lực để chống đỡ. Nếu báo về phía chỉ huy chờ cho người tiếp ứng mang dụng cụ lên sợ rằng bà cụ sẽ khó lòng qua khỏi. Bắc đắn đo suy nghĩ, trong đám cháy mệnh lệnh của người đứng đầu là thiết quân lệnh, tình huống này cứu hay không phụ thuộc hết ở anh. Một đoạn kí ức như thước phim quay chậm trong quá khứ lại hiện về. Hình ảnh chú Trường, thím Lan bế em bé nô đùa, ánh mắt em như hòn than đen láy, cái má phúng phính với lúm đáng yêu xuất hiện mỗi khi cười. Đột ngột chuyển qua những cái xác cháy đen, khét lẹt, hình ảnh xác thím Lan ôm con vào lòng để tránh cơn thịnh nộ của lửa. Chúng cứ chầm chậm, đan xen nhau trong đầu, Bắc nhớ lí do mình chọn nghề, vào ngành, chọn trở thành người lính chữa cháy.

          Anh dứt khoát, quyết định tháo dây tín hiệu, ra lệnh qua bộ đàm:

          – Thời gian không còn nhiều, anh sẽ đứng đỡ phía tủ phòng khi nó sập, hai em nhanh chóng đưa bà cụ ra bên ngoài xe thang. Anh sẽ nhanh chóng theo sau.

          Ân và Lộc chừng lưỡng lự vì lo cho Bắc, cái tủ đang chông chênh có thể sập xuống lúc bất cứ lúc nào. Lỡ như nó sập xuống thì Bắc phải làm sao, sức mình anh sao đỡ nổi trọng lượng của cái tủ gỗ lớn như thế.

Bắc hét lên:

          – Đây là mệnh lệnh chỉ huy. Các đồng chí có thực hiện không?

          Không còn lựa chọn nào khác hai người đành chấp hành. Bắc tiến về phía tủ giơ tay lên, tư thế sẵn sàng đỡ cái tủ đang nghiêng nghiêng về hướng bà cụ. Ân cùng Lộc tiếp cận nạn nhân. Do trời tối và khói nên Bắc không biết Ân cũng đã tháo sợi dây liên lạc khỏi người Lộc. Nhận được tin báo cụ bà đã được đưa ra khỏi khu vực nguy hiểm, Bắc thở phào định quay người rời đi, thì bất ngờ chiếc tủ đổ sập xuống. Lúc này Bắc mới biết Ân ở bên kia tủ đang cùng mình chống đỡ.

          – Sao em lại ở đây?

          – Em lo anh không đỡ nổi khi lỡ nó sập nên ở lại giúp.

          Đúng thật, nếu không có Ân chắc chắn cái tủ gỗ đổ bất ngờ đã đè bẹp Bắc. Thế nhưng có thêm Ân thì cả hai cũng chẳng thể chịu được lâu nữa. Cái tủ gỗ chắc nịch, ngày một nặng, chiếc bộ đàm nóng ran bên hông liên tục vang lên tiếng của chỉ huy bên dưới yêu cầu Bắc cập nhập tình hình.

          – Báo cáo, toàn bộ nạn nhân đã được đưa ra ngoài an toàn. Nhưng tôi và đồng chí Ân đang bị kẹt bởi một chiếc tủ gỗ, đề nghị chi viện.

          Đúng lúc này tiếng còi từ bình khí vang lên báo hiệu lượng khí trong bình sắp hết, xung quanh vẫn đen khịt màu khói. Dù đã báo cáo là vậy nhưng Bắc biết sẽ không kịp. Đồng đội bên ngoài để lên đến vị trí này ít nhất phải vài phút trong điều kiện bình thường. Huống hồ trong mịt mù khói lửa thế này. Thời gian đó là quá dài để anh có thể chống đỡ. Tay Bắc rung lên, từng bó cơ gồng hết sức, hai hàm răng nghiến chặt với nhau để chống đỡ cái tủ gỗ. Phía bên này tường Ân cũng đang cố hết sức mình.

          – Chết có gì đáng sợ anh Bắc nhỉ?

Ân cất tiếng nói khó khăn.

– Không được nói vậy, cố hết sức không từ bỏ, mọi người đang lên.

          Bầu không khí bỗng trở nên im lặng lạ thường, cả hai đang chìm vào những suy nghĩ riêng của mình:

          – Ân này, nếu anh có mệnh hệ gì nhờ em mở hộc tủ bàn làm việc chuyển giúp vợ anh thứ trong đó. Nói với cô ấy còn trẻ hãy đi tiếp bước nữa nếu gặp được người thật lòng yêu thương.

          – Vâng…

          Câu “vâng” chưa dứt Bắc đã lao đến đẩy mạnh Ân ra xa khỏi chiếc tủ trước lúc nó đổ sụp xuống. Trong giây phút ấy, Bắc chợt nhớ đến cái ôm của thím Lan…

*

**

Từ trên cao nhìn xuống Bắc thấy vợ đứng bên ngôi mộ mới xây của mình. Trên tay cô là ba tấm vé du lịch Phú Quốc anh đặt cho gia đình đi vào tháng tới, lúc cắt hết phép năm. Vợ anh không khóc, chỉ đứng lặng một chỗ, ánh mắt của người đàn bà góa phụ như phủ một lớp sương mù dày đặc, mênh mông mà sâu thẳm. Bao nhiêu nước mắt đã rơi cạn cả khi cô nhận thi thể anh từ đồng đội. Nhìn chiếc quan tài tiễn anh về thế giới bên kia phủ lá cờ tổ quốc, cô gào thét, cố bấu víu như muốn níu anh ở lại, nhưng anh đã đi thật xa.

          Đứa con trai bảy tuổi cũng không khóc, nó nắm chặt tay mẹ, giờ nó phải thay bố là chỗ dựa cho mẹ. Nó còn phải dũng cảm, mạnh mẽ như bố vẫn dặn để xứng đáng với tấm huy hiệu cảnh sát phòng cháy chữa cháy đỏ như màu lửa đang đeo trên ngực trái – món quà anh tặng con mấy hôm trước. Anh tin, những gì anh chưa dạy nó sẽ tự học được vì giờ nó cũng lớn rồi…

Thấy mẹ bần thần, thằng bé lay tay:

          – Có con đây rồi.

          Vợ anh nhìn nó gật đầu, hai mẹ con nắm tay nhau quay người bước đi. Dưới đất những đồng tiền ma vương vãi nhàu nát, phía sau con đường vào nghĩa trang liệt sĩ thành phố hoàng hôn buông đỏ ối màu lửa…