Đối với đồng bào Cơ tu ở vùng cao Quảng Nam, chiếc gùi trở thành vật dụng không thể thiếu trong đời sống, được xem như nét văn hóa đặc trưng trong sinh hoạt cộng đồng.
Có dịp đến các bản làng hay dừng chân trên cánh đồng bậc thang dọc con đường Trường Sơn huyền thoại từ huyện Tây Giang đến Đông Giang và Nam Giang của tỉnh Quảng Nam, chúng ta sẽ bắt gặp nhịp gùi đong đưa của những phụ nữ Cơtu bên sườn đồi, dưới suối hay trên đường sau những buổi lên nương, rẫy.
Thông thường, buổi sáng đồng bào thường bỏ các vật dụng như rìu, liềm… vào gùi để lên rừng lấy măng hay lên rẫy thu hoạch lúa, sắn. Buổi chiều về là chiếc gùi đầy ắp nào là măng rừng, lúa rẫy, củi đốt… Những chiếc gùi nghiêng nghiêng trên lưng nặng trĩu.
Đồng bào Cơtu có trên 10 loại gùi với nhiều mẫu mã khác nhau như h’dool, pr’eng, p’rôm, adong kiêr, adong mặt, achuy, arê, tà-léc… và đều được đan bằng chất liệu mây rừng. Ở mỗi loại gùi, người Cơ Tu dùng với từng công việc, mục đích khác nhau như h’dool dùng để đựng thóc lúa; pr’eng dùng đựng thuốc lá, cau trầu; hay p’rôm dùng đựng thổ cẩm may mặc… Do vậy, việc đan chiếc gùi to hay nhỏ, vành kín hay hở đều phụ thuộc vào mục đích sử dụng.
Chiếc gùi của đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Cơtu nói riêng không chỉ là vật dụng trong sinh hoạt đời thường mà còn là nét văn hóa độc đáo.
Chùm ảnh chiếc gùi của đồng bào Cơtu ở vùng cao Quảng Nam.