VASILE VOICULESCU


(NGUYỄN VĂN DÂN dịch từ nguyên bản tiếng Rumani)

Như thường lệ, cơn bão khủng khiếp đầu đông đã buộc tôi phải nằm trên giường mất vài ngày, bị dày vò bởi những cơn đau ghê gớm, chúng làm tôi mất thăng bằng cho đến khi tôi trở nên rệu rã.
Tình cảnh khốn đốn của tôi có thể giải thích được về mặt khoa học, nhưng điều đó cũng chẳng an ủi được tôi. Tôi biết rằng lỗi là do những khối không khí giận dữ chồng chất đến mức đóng băng ở địa cực, chúng sôi sục lên ở xích đạo, để rồi dồn dập hết đợt này đến đợt khác, chúng biến không trung thành một nhà máy năng lượng phi thường. Đến lúc đó thì các dòng cao áp điện từ khổng lồ chồng chất trong không gian sẽ làm cho cơ bắp của chúng ta vỡ nát, còn các dây thần kinh thì bị đứt tung ra.
Thế là tôi nằm dài mà không thể viết được gì, cũng chẳng đọc sách được, thậm chí cũng chẳng thể suy nghĩ. Điện thoại tắt, chuông được dùng để gọi gia nhân, quanh tôi không có một ai và chẳng có một cái gì động đậy. Thi thoảng tôi mới cố lật giở bản nháp mấy bài thơ bị bở quên hay xem mấy bức thư cũ.
Trong một ngày xấu như thế, bị xui khiến bởi một sự lôi cuốn tai hại, tôi đã mở chiếc tráp đựng các đồ kỷ niệm mẹ tôi để lại. Ở dưới đáy tráp có một mớ tem bưu điện bị bỏ quên nằm lộn xộn, đây là mớ tem do mẹ tôi cho tôi trong dịp tôi vừa qua khỏi một căn bệnh hiểm nghèo thời ấu thơ.
Có mấy con tem in hình vương công Cuza có chòm râu cằm thật dễ mến, mấy con tem in hình vương công Carol để râu quai nón, còn những con tem khác, phần lớn là những con tem của nước ngoài, thì tôi không rành. Tôi nhìn chúng với vẻ xúc động ngày càng tăng, rồi trong tôi bắt đầu trào dâng một đợt cảm xúc báo điểm gở. Tôi có cảm giác mình bị mất kiểm soát. Tôi thấy cơn hoảng loạn xuất hiện và gia tăng khiến tôi sợ hãi và không biết làm thế nào để thoát ra.
Chất độc của những kỷ niệm ngấm sâu vào tôi như một chất ăn mòn, rồi, quên mất mình là một người con trai cường tráng, tôi cất lên tiếng khóc đắng cay, ôm mớ tem thư vào ngực và dùng đôi má nóng bỏng của mình vuốt ve chúng.
Tội nhiệp mẹ tôi! Một nỗi u sầu uất nghẹn bao trùm lấy tôi. Những kỷ niệm đau buồn, hoà lẫn với những lời trách móc thầm kín, với sự hối hận và nỗi thất vọng, đang chế ngự mạnh mẽ con người tôi. Giờ đây, niềm xao động di chuyển sâu vào trong lòng tôi, nơi mà tôi không thể nào với tới được. Với tinh thần tỉnh táo, khi tôi đang thực sự sợ hãi thấy mình lại có thể có một quyết định ghê gớm như thế nào và nó có thể đẩy tôi đi đến đâu, thì, trái với mọi quy định, cánh cửa bật mở trong tiếng ồn ào khó chịu, rồi anh bạn tôi, kỹ sư G., giận dữ bước vào với cái miệng đang chửi rủa sùi bọt mép.
– Một ngày nào đó tôi sẽ bắn cái con chó của anh – anh ta gầm lên, lao đến chỗ tôi để tôi cứu thoát anh ta khỏi kẻ đeo đuổi.
Thế là tôi được giải thoát. Tôi bám lấy anh ta, giống như ta bám lấy một tấm ván cứu nguy khi sắp chết đuối. Anh ngạc nhiên và xúc động trước sự đón tiếp sốt sắng nồng nhiệt và vui mừng của tôi, khi mà anh đang tưởng tôi sẽ chống đối hoặc ít nhất là tỏ ra khó chịu.
Tất nhiên, tôi không hề thổ lộ cho anh biết một tí gì về nỗi bối rối khủng khiếp đang thật sự lộn trái con người tôi đây, tức là nó đang lật nhào tâm hồn tôi ra khỏi cõi niềm sâu kín mà tôi đã giam nó trong đó như giam một kẻ điên dữ tợn. Sau mấy câu trao đổi tầm phào bình thản nhất về thời tiết khủng khiếp ở bên ngoài, về chuyện thắt lưng của chúng tôi đang bị những chiếc răng của áp xuất khí quyển cắn xé, về căn bệnh “tự kỷ” thời thượng, hai mắt anh bạn tôi nhìn vào mấy thứ vặt vãnh vừa làm cho tôi lên cơn xáo động, đó là mấy con tem nằm vương vãi trên thảm nhà. Tôi chợt nhớ ngay rằng anh bạn G. không chỉ là một người sưu tầm tem ưu tú, mà còn là một người sành sỏi có một không hai, một người có uy tín lớn trong làng chơi tem.
– Chắc chắn là có một sự thần giao cách cảm – anh hứng khởi thốt lên. – Cậu đã nghĩ nhiều về tớ để tớ đến đây định giá cho mấy con tem kia. Ước nguyện của cậu đã kéo tớ đến đây vào lúc giông bão như thế này. – Rồi anh cúi người nhặt mấy mẩu giấy viền răng cưa.
Sau đó anh lặng lẽ ưu tư xem xét.
– Chẳng có gì đáng giá – một lát sau anh cất tiếng vẻ thất vọng. – Ai cho cậu mấy con tem này?
– Tớ không biết – tôi nói dối. – Một món quà từ thời bé!
– Tiếc quá! Tớ tưởng là một món thừa kế, và nếu thế thì cậu đã có thể có được một thứ tuyệt diệu: một chiếc đầu bò rừng chẳng hạn. Dù sao – anh nói thêm để an ủi tôi – những cái này cũng đáng giá vài chục nghìn franc (Franc: đơn vị tiền tệ Pháp [ND]).
Sau đó anh cao hứng thuyết lý về tín ngưỡng tem thư, thao thao bất tuyệt về những lợi ích tinh thần và vật chất, thậm chí cả lợi ích trí tuệ, của thú chơi tem, rằng nó đem đến cho chúng ta niềm say mê quý phái mà bên cạnh việc nó dạy cho chúng ta về lịch sử, địa lý, kinh tế học chính trị và nhiều cái khác, nó còn tích luỹ cho chúng ta một vốn liếng chắc chắn mà năm này sang năm khác cứ lớn dần lên thành một khoản tiền khổng lồ.
Tôi lơ đãng nghe anh nói, tuy nhiên đã thấy nỗi xáo động nội tâm dịu đi trước những lời vuốt ve gần như bâng quơ.
– Nhân tiện – anh hỏi tôi, kéo tôi về từ cõi suy tư xa xăm. – Cậu có biết một cái hình đầu bò rừng in giá 27 xu như thế này có giá trị thực là bao nhiêu không?
– Một chiếc đầu bò rừng ư? Như con tem 27 xu này ấy à? Tớ không biết – tôi đáp. – Tớ nghĩ nó có giá một triệu lây (Lei: đơn vị tiền tệ Rumani [ND]).
– Cậu vẫn là một thằng trẻ con trong làng chơi tem – anh trách tôi, vẻ xúc phạm vì một chiếc đầu bò rừng bị tôi đánh giá dễ dãi đến thế. – Một triệu lây hả?… Một tỷ đấy ông con ạ, một tỷ và còn hơn thế nữa! Nói thực ra – anh tự cải chính – con tem cuối cùng tớ nhìn thấy chỉ trị giá 50 nghìn mác Đức thôi, nhưng nó bị mua như cướp. Tớ đã kể chuyện đó cho cậu nghe chưa nhỉ? Chưa à? Vậy thì nghe đây. Tuyệt lắm.
Tôi ngồi ngả lưng thoải mái trên ghế, trong sự êm ái của gối tựa và của câu chuyện mà tôi đang chuẩn bị nghe không chỉ với đôi mắt nhắm nghiền, mà còn với sự thư giãn sinh tồn, với sự phó mặc như thể đang phục tùng một bàn tay bà già xoa bóp đơn giản nhưng có vẻ âu yếm đến mức mê hoặc.
Tôi mơ màng ngồi nghe. Nhưng, đang nhạy cảm bởi cơn chấn động vừa rồi, tôi đã không bỏ sót một chi tiết nào trong diễn biến câu chuyện mà bạn tôi kể ra, mà, trong quá trình câu chuyện được kể, tôi đã trải qua chính cái sự kiện đó, trong tính chính xác của không gian và thời gian diễn ra câu chuyện, giống như từ thời ấu thơ tôi đã từng nhập vai vào các câu chuyện cổ tích như thế nào.
– Khi ấy tớ đang tham gia cuộc chiến tranh thế giới vừa qua, ẩn náu cạnh một trong các bộ chỉ huy của quân Rumani, ngay gần mặt trận. Lúc bấy giờ chúng tớ đang ở trong một khu vực rất nguy hiểm, nơi mà, với một sự thờ ơ và một định mệnh bi kịch cổ xưa, chúng tớ chờ đợi cơn tai hoạ mà không hề có một biện pháp đề phòng nhỏ nhất nào. Ở đó chúng tớ có gần mười sĩ quan, đứng đầu là một vị tướng, trong một sự tê liệt mà có lẽ chỉ có chim muông bị rớt do mắt rắn thôi miên. Đội quân của chúng tớ, nằm rải rác trên thảo nguyên mênh mông, đang đánh hơi thấy tai hoạ, giống như những con thú khi chạm chân trực tiếp với mặt đất có thể dự cảm thấy những cơn tai biến lớn. Những người lính cắn răng nghe tiếng kêu bi thảm của những con vịt giời đang xé rách màn đêm. Họ dõi mắt đăm chiêu ngắm nhìn con đường tự do của dải Ngân hà đang hiện ra giống như một vết nứt trắng xé rách bầu trời đen tối, kéo dài về phía Moldova (Một trong ba miền của Rumani [ND]). Họ lo lắng quan sát sự di chuyển ngày càng ồ ạt của những con vật hoang dã vùng thảo nguyên đang rời bỏ xứ sở tràn qua chúng tớ và coi cuộc thiên di đó như là một điềm báo cho nỗi hiểm nguy sắp tới…
Tuy nhiên chúng tớ, các sĩ quan, lại đang trú ngụ không phải là trên mảnh đất bị rung chuyển bởi tiếng gầm của xe tăng và trọng pháo đang dồn đống chống lại chúng tớ ở đâu đó phía bên kia. mà chúng tớ đang cúi người trên những tấm bản đồ vẽ những vùng đất trừu tượng, với những đầm lầy được tô bằng những nét gạch ngang gạch dọc, nơi có những mũi tên ngắn chỉ các cuộc tấn công giả tạo và những cuộc chuyển quân ảo tưởng. Chúng tớ tỳ người lên những tờ giấy, xoay xở theo sự chỉ dẫn của các điều lệnh vô tư ban ra từ xa xôi, từ cõi hư vô ở phía sau lưng chúng tớ, chúng lách qua bên cạnh chúng tớ và biến vào cõi xa lạ đang vận động trước mặt chúng tớ.
Chúng tớ cảm thấy như bị mắc bẫy ở đó, ngay giữa vùng hoang mạc đầy ác cảm, giữa một bên là cuộc tấn công kiệt quệ đã qua của chúng tớ, với một bên là cuộc tấn công đang sắp sửa diễn ra chống lại chúng tớ, tớ không biết sẽ như thế nào, nhưng nó đang được chuẩn bị một cách khủng khiếp để thổi bay chúng tớ.
Anh bạn tôi thở dài, rùng mình lắc đầu mấy lần rồi tiếp:
– Thôi tớ sẽ không kể về cái cảnh im lìm bi thảm của thảo nguyên cho cậu nghe nữa, đó là những đêm giống như những cảnh vũ hội đen của cõi vĩnh hằng kéo dài đến tuyệt vọng; sức nặng đè nén khủng khiếp của không khí bắc cực kéo về, đem theo những cơn gió quật vào áo choàng làm phát ra âm thanh khô khốc như gõ vào cửa kính; đó là những đêm băng giá ập vào nơi trú ẩn, những căn nhà tạm bợ trông như những chái nhà của địa ngục. Chúng tớ ngồi nghe những tiếng rú điên dại xung quanh, nhìn những ảo ảnh từ xa phía chân trời sâu thẳm, trong đó có những búi gai to tròn lăn lóc trong gió trông giống như mấy con nhím đang điên loạn lộn nhào. Cậu đã nhìn thấy cảnh đó bao giờ chưa? Thật kỳ ảo. Trước những cơn cuồng phong như vậy, cả cánh đồng bắt đầu chuyển mình, trở nên sôi động, và hàng đoàn quân gai nhọn trắng xám trông như những bộ xương cốt sống lại bắt đầu chạy đua trên bề mặt choáng ngợp của thảo nguyên với một tiếng rít ma quái. Đó là cơn trở mình của thảo nguyên báo hiệu trận cuồng phong. Cậu chưa nhìn thấy điều gì như thế bao giờ à? – anh lại hỏi…
Tôi lắc đầu ra dấu rằng tôi chưa từng thấy…
– Thôi được – anh nói tiếp – tất cả, tất cả những cái đó nhập vào người chúng tớ với toàn bộ nỗi khủng khiếp!…
– Các cậu sợ đến thế ư? – tôi gần như bực mình ngắt lời.
– Không phải là sợ, không! Lạy Chúa ! – anh hét lên. – Trong chúng tớ có một lòng quả cảm có một không hai trên thế giới, một lòng quả cảm siêu nhân hay hạ nhân, cậu muốn hiểu thế nào cũng được! Chúng tớ sẽ không di chuyển khỏi chỗ đó nếu không được lệnh dù có biết rằng chúng tớ sẽ hy sinh đến người cuối cùng, vả lại đó là cái điều mà đối với mỗi chúng tớ nó là một sự chắc chắn như một cộng một bằng hai. Ồ, không hề có chuyện sợ hãi, tớ thề với cậu! Bằng chứng là chúng tớ không chỉ ở nguyên tại chỗ, mà chúng tớ còn sẵn sàng xông lên tấn công như điên dại… Đó là một chuyện khác. Một nỗi khiếp đảm xuất phát từ vũ trụ bên trong. Một sự áp chế mê tín, một định mệnh, nó giống cái thứ – như một người thợ lặn từng kể lại cho tớ nghe – mà ta cảm thấy khi ngồi sâu trong đáy biển dưới sức nặng không thể tránh được của hàng mấy chục mét nước với cái trần xanh đen úp bên trên ta.
Tôi đang định ngắt lời anh để hỏi giữa sự hồi tưởng đầy kích động về cái mặt trận hoang dại kia với câu chuyện về con tem đầu bò rừng hiền lành này thì có mối liên quan gì. Nhưng cái sức ì cùng những tình tiết ru ngủ như con thuyền đung đưa trên sóng nước qua những kỷ niệm của anh bạn đã ngăn tôi lại. Và nhất là tôi không muốn ngắt lời anh vì muốn thử hình dung tất cả những trải nghiệm lãng mạn với những con người lãng mạn đã phải vật lộn trong những hoàn cảnh ác nghiệt ở đó như thế nào, những cái mà tôi mơ hồ cảm thấy tiếc là mình không được sống qua.
Bạn tôi xin phép châm một điếu thuốc. Khói thuốc lập tức che mờ khuôn mặt anh, bỗng nhiên đưa anh về với cõi thảo nguyên u ám mà anh đang nhớ lại, nhờ đó nó giúp tôi dễ dàng tưởng tượng như được sống thật sự cái thảm cảnh của anh lúc đó.
– Cuối cùng, vào một ngày – anh kể tiếp – người ta thông báo có một vị khách cao cấp đến thăm, một vị tướng Đức (trong chiến tranh thế giới thứ hai, ban đầu chính quyền bảo hoàng Rumani đứng về phe Trục [ND]) đến từ tổng hành dinh của ông ta. Nỗi phấp phỏng của chúng tớ lên tới đỉnh điểm. Ông ta đến làm gì? Có chuyện gì đang sắp diễn ra?
Tuy nhiên, một sự hứng khởi nhẹ nhàng lờ mờ xuất hiện trong chúng tớ. Mối quan tâm đón khách, công việc chuẩn bị làm cơm tiếp đãi, việc dọn dẹp phòng ăn, quét dọn sân xướng vốn bị bỏ mặc từ trước đến giờ, lòng tự ái không để mình xuất hiện một cách luộm thuộm, việc cạo râu, trang điểm, tất cả đã được chúng tớ thực hiện một cách khẩn trương và nhiệt tình hàng mấy tiếng đồng hồ tràn đầy niềm thư giãn ảo tưởng. Thậm chí chúng tớ còn làm với một chút tự nguyện.
Từ lâu chúng tớ đã bắt đầu không còn niềm tin và thậm chí còn tính đến kết cục lạnh lùng của biến cố này. Tuy nhiên, đến thăm chúng tớ là một ông tướng, một phần của cái tổng hành dinh kia, cái mà cho đến lúc ấy nó nắm giữ trong tay tất cả những chiếc lưỡi tầm sét của cuộc chiến tranh. Và, có một nỗi tò mò ấm áp, lạy Chúa phù hộ, tớ không nói là một niềm hy vọng, đang nhẹ nhàng sưởi ấm tâm hồn chúng tớ. Chắc chắn là ông ta đến để sắp đặt một điều gì đó có tính quyết định ở đây. Cái bộ óc thép được làm bằng đại bác, xe tăng và máy bay bổ nhào kia đang ở đằng sau chúng tớ nghĩ cách giải thoát cho chúng tớ. Có thể là một điều kỳ diệu – tại sao không? Có một nghệ thuật, hay một xảo thuật, của chiến tranh, đến phút cuối cùng nó sẽ biết cách sử dụng một bước ngoặt bất ngờ làm đảo ngược tình thế, và, giống như trong chơi cờ, bằng một cú tấn công khôn khéo, nó sẽ biến nỗi nghi ngờ xám xịt thành chiến thắng hoàng kim.
Tuy nhiên chúng tớ không tự huyễn hoặc! Chúng tớ rất tỉnh táo. Nhưng, như những nhà biện chứng của sự tuyệt vọng, chúng tớ tự cho phép mình đưa ra những phán xét mà sự sinh tồn trong cơn khốn quẫn đã đem đến để chúng tớ chống đỡ mình.
Và, nói cho cùng, chúng tớ còn có gì nữa để mất?
Đến 10 giờ đúng, như đã thông báo, một chiếc xe con chở hai sĩ quan dừng bánh trên thảo nguyên, nơi có những căn nhà lán lụp xụp của chúng tớ.
Bước ra khỏi xe trước tiên là một ông tướng, một gã tóc vàng khổng lồ với khuôn mặt nhợt nhạt, sau đó là một viên thiếu tá trẻ hơn, ăn diện bảnh bao và mềm mại như một diễn viên điện ảnh. Sau màn giới thiệu ồn ào và những lời chào hỏi nhạt nhẽo, trong đó viên thiếu tá trẻ đóng vai trò thông ngôn, dịch ra tiếng Pháp mấy câu nói với giọng cãi vã của vị thượng khách, tất cả chúng tớ, thật ngạc nhiên, đều bước vào lán. Vậy là chẳng hề có một cuộc gặp kín với chỉ huy của chúng tớ, chẳng có một cuộc xem xét các kế hoạch, xem xét trình tự trận đánh, không hề có cuộc trao đổi quân lệnh, thậm chí cũng không hề có một thông tin về tình hình chiến sự! Không có gì cả! Khi ấy tớ liền hiểu rằng đó không phải là một chuyến công tác chiến sự, mà chỉ là một chuyến ghé thăm đơn giản, một cuộc nghỉ chân của một viên sĩ quan cấp cao Đức, đang mệt mỏi và đói bụng vì đi đường.
Vả lại, chúng tớ cũng bắt đầu bữa ăn luôn. Vị chỉ huy của chúng tớ – và điều này làm chúng tớ hài lòng như trẻ con – ngồi ngay ở đầu bàn, trong trang phục dã chiến đơn giản. Bên phải ông là vị tướng Đức. Bên trái ông là viên phó chỉ huy người Rumani. Và bên cạnh viên phó này là gã thiếu tá trẻ tuổi người Đức, người mà suốt bữa ăn sẽ phải phiên dịch cuộc nói chuyện của chúng tớ. Tuy nhiên anh ta đã không phải mất công làm điều đó, bởi vì chúng tớ ngồi ăn trong sự im lặng ảm đạm.
Tớ sẽ không kể dài dòng về thực đơn hôm ấy. Chỉ cần cho cậu biết rằng chúng tớ đã cố gắng hết sức để có được mấy món ăn tươi, ngoài những thứ đồ hộp mà chúng tớ phải tằn tiện lắm mới giữ lại được. Đó là mấy con thỏ săn được trong các khóm cây ngấy trên thảo nguyên, hai – ba con chim sâm cầm mò mẫm được trong một bụi cây xa xa, và mấy con cá tươi bắt được trong một nhánh suối nhỏ gần mặt trận. Tất cả được kiếm với cái giá nguy hiểm đến tính mạng. Chúng tớ có thể hoàn toàn tự hào về điều đó.
Thôi! Không cần thêm một lời nào dành cho lòng mẫn cán và nỗ lực của chúng tớ. Các vị khách ăn mọi thứ một cách vô tư, chẳng hề đoái hoài đến kho thực đơn quý giá mà chúng tớ đã dành cho họ. Điều này có lẽ là do ngay từ đầu vị tướng chỉ huy của chúng tớ đã xin lỗi là đồ uống của chúng tớ chỉ là nước lã, mà lại là nước lã thảo nguyên.
Thực tế, từ lâu chúng tớ đã không có rượu vang và cônhắc. Rượu rom thì sắp hết và chúng tớ phải giữ lại chỉ để dành uống với càphê. Thế là hai chiếc bình màu nước đục và nhạt thếch được phơi bày một cách giễu cợt trên bàn ăn, dưới con mắt liếc xéo của các vị khách.
Tất cả chúng tớ ngồi ăn với vẻ rầu rĩ, cúi người mài miệt trên những đĩa thức ăn giống như trước mặt là những kẻ địch mà chúng tớ cần phải kết liễu. Kết cục của bữa tiệc có nguy cơ thảm hại. Chẳng có bánh ngọt, chẳng có hoa quả, cả rượu mùi cũng không, càphê thì đến muộn. Khách yêu cầu tăm. Cả cái đó chúng tớ cũng không có!
Khi ấy viên thiếu tá trẻ người Đức liền đứng dậy bước tới chỗ thủ trưởng của anh ta nói nhỏ mấy câu. Ông này lặng lẽ gật đầu. Lập tức anh ta gọi viên lính hầu của họ, tên này sau một cái lệnh ngắn ngủi đã đi ra xe ôtô bê vào một chiếc hòm. Thật khó xử cho chúng tớ! Họ đem vào mười hai chai sâm banh hảo hạng của Pháp, và vị thượng khách hào phóng tặng chúng cho chỉ huy của chúng tớ.
Ông này lúc đầu đỏ mặt lên, nhíu mày và bặm môi vẻ tức giận. Nhưng khi đưa mắt nhìn quanh và thấy chúng tớ đứng ngây ra vì sợ ông từ chối, ông liền dịu mặt và lịch sự nhận món quà, với điều kiện là cả nhóm sẽ cùng tiêu thụ món quà đó.
Tất nhiên, với tất cả lòng thành kính, trước tiên chúng tớ bước đến chai sâm banh thứ nhất và bẽn lẽn mở nắp. Nhưng với một chai đó thì chỉ đủ tráng đáy cốc. Thế là chúng tớ chuyển sang chai thứ hai, thứ ba và thứ tư… Đến chai thứ tám thì chúng tớ đã trở nên hoàn toàn thân mật, gần như suồng sã và tếu táo như trong tiệc cưới.
Những cái lưỡi đã trở nên hoạt bát. Tình cảnh bi thảm bị lãng quên. Vị khách trẻ tuổi trở nên cao hứng bốc đồng toàn kể chuyện vui, còn tớ thì cũng có đủ bản lĩnh để đối đáp với anh ta, bằng cách nhớ lại mấy năm tháng tớ đã từng tiêu xài cả một gia tài tại Paris.
Đến một thời điểm thổ lộ tâm tình, thậm chí chúng tớ, tất cả những người lính Rumani, còn thấy mình có họ hàng với cả viên thiếu tá Đức, lúc này đã trở thành trung tâm của mọi sự chú ý. Thế là tớ được biết rằng anh ta là bá tước K., và anh ta tiết lộ rằng theo họ mẹ thì anh ta có gốc gác từ một bà hoàng xứ Moldova, bà lấy chống là một ông hoàng người Litva vào quãng thế kỷ XVII, mà con cháu của họ sau này đã thành người German hoàn toàn. Để làm bằng, anh ta đã cho chúng tớ xem chiếc gia huy, trên biểu hiệu của chiếc gia huy đó có hình một chiếc đầu bò rừng, nó hiện lên rất rõ khi ta ấn chiếc gia huy vào một mẩu bánh mỳ.
– Ai trong số các anh là người chơi tem? – đột nhiên anh ta hỏi, đôi mắt nâu lướt quanh chúng tớ vẻ ranh mãnh.
Tất cả chỉ tay vào tớ.
– Anh có biết tí gì về những con tem có hình đầu bò rừng không? – anh ta hỏi tôi… và cái nhìn của anh ta sáng lên lóng lánh với vẻ quyến rũ trẻ thơ.
– Rất ít – tớ đáp. – Tôi chưa bao giờ có vinh dự được nắm sừng một con bò rừng. Tất cả những gì tôi biết là qua sách vở và chuyện trò…
– Thật tiếc – anh ta nói. – Thế anh đã nghe thấy gì về một mẫu tem quý hiếm nhất chưa? Vì đó đúng là niềm vinh hạnh dành cho đất nước các anh…
– Tôi có nghe nói – tớ ấp úng đáp – rằng trong bộ sưu tập của một ông tỷ phú người Mỹ có một con tem đầu bò rừng 27 xu mà không ai có cái thứ hai. Tôi nghĩ đó chỉ là truyền thuyết…
– Không hề, không hề – anh chàng người Đức phản đối. – Đó là sự thật. Và có vẻ như đó là mẫu tem duy nhất trên thế giới… Hay – anh ta mỉm cười ý nhị nói thêm – nó là duy nhất cho đến bây giờ. Nó có màu hồng đào chứ không phải màu vàng da cam như những mẫu tem khác cùng loại.
– Nếu thế – tớ nhận xét – không thể không có những con tem khác nữa cùng loại. Vả lại, tôi nghĩ rằng người ta đã không lục kỹ các kho lưu trữ của các gia đình cổ xưa của người Rumani, và người ta cũng chưa xem xét ở những nước lân cận, nơi mà Moldova có quan hệ thư từ.
– Anh nói đúng – anh ta hào hứng ủng hộ ý kiến của tôi. – Đó chính là điều tôi đã làm. Và đây là kết quả.
Anh ta run rẩy lôi trong ví ra một chiếc phong bì nhỏ, mở phong bì rút ra một cái gói bé được bọc bằng một tờ giấy thấm. Anh ta lại mở tờ giấy thấm được gấp như một chiếc tã, rồi lôi ra một mẩu giấy lụa nhỏ, mở nó rồi mỉm cười đắc thắng đưa cho tôi xem.
Tôi háo hức nhìn: trên tờ giấy lấp lánh một con tem tuyệt đẹp có màu hồng đào kỳ diệu, với hình một chiếc đầu bò rừng lộng lẫy và đích thực có giá ghi 27 xu. Đó là một mẫu tem có đủ mọi đặc điểm mà một chuyên gia sành sỏi nhất yêu cầu.
Tớ run tay xúc động đến mức suýt nữa làm rớt mảnh giấy tẩm mùi hương quý xuống bàn trước mặt vị chỉ huy của chúng tớ, ông này liền đeo kính lên để nhìn.
Tớ chúc mừng chủ nhân may mắn của chiếc đầu bò rừng và đề nghị anh ta kể cho chúng tớ nghe câu chuyện về chiến tích của anh ta…
Khi biết mình có mấy giọt máu Moldova trong người và đồng thời với tư cách là nhà chơi tem sành sỏi, bá tước K., với chiếc đầu bò rừng trên gia huy, đã quyết tâm bằng bất cứ giá nào có được một chiếc đầu bò rừng quý hiếm cho bộ sưu tập của mình. Khi cuộc chiến tranh đưa anh đến xứ sở của chúng ta, nó đã đánh thức hơn nữa tham vọng của anh ta.
Đầu tiên anh ta tìm kiếm ở Bucuresti, nơi mà, sau nhiều cuộc mò mẫm, anh ta dò ra được đường đi của một con tem, và có vẻ như lúc đó nó đang có mặt ở Iasi. Thế là anh ta đến Iasi. Tại đây, những cuộc tìm kiếm không mệt mỏi và không ngừng nghỉ đã dẫn anh ta đến Bîrlad, tìm đến một dòng họ quý tộc cổ xưa, hình như có tên là Costăchesti. Từ đây, anh ta tìm ra dấu vết của con tem trong tài sản của một người Do Thái giàu có tại Cernăuti. Anh ta phi đến Cernăuti. Nhưng chiếc đầu bò rừng đã vượt biên sang Lvov. Anh ta bay đi Lvov, nhưng con tem lại trở lại Moldova và lại có mặt tại Iasi. Cuối cùng, sau rất nhiều và rất nhiều biến cố, khi thì đầy hy vọng, khi thì lại tuyệt vọng tột cùng, người hùng của những cuộc phiêu lưu này đã sở hữu được cái mẩu giấy bé nhỏ hình vuông đầy khát khao đó, cái mà, vượt lên trên cả mọi mong đợi, nó có màu hồng đào và huỷ bỏ vị thế duy nhất của con tem người Mỹ…
Nhưng anh ta đã phải trả giá 50.000 mác Đức, ngoài những chi phí dành cho bấy nhiêu chặng đường viễn du.
– Các anh nhìn xem – anh ta tự hào mời chúng tớ xem. – Chiếc đầu bò rừng ở Mỹ không còn là duy nhất nữa. Bây giờ thì trên thế giới có hai con tem giống nhau, nhưng chỉ có hai con. “Tertium non datur” (Thành ngữ Latin trong nguyên bản: “Không có cái thứ ba” [ND]), – anh ta vui vẻ cười vang. – Anh tin là nó trị giá bao nhiêu? – anh ta lại hỏi tôi.
– Tôi không nói được – tớ thận trọng đáp; – ít nhất cũng gấp hai hay gấp ba chi phí anh đã bỏ ra.
– Ồ! – anh ta cười. – Anh còn xa mới nói đúng giá nó. Ít nhất là một triệu hay một triệu rưởi mác Đức đó…
Khi anh ta kể chuyện, con tem cứ diễu qua từ bàn tay này đến bàn tay khác, hay, nói cho chính xác, mỗi người trong số những người ngắm nó không nhấc nó lên khỏi những tờ giấy bao bọc nó, mà, sau khi thoả mãn ngắm nhìn nó, họ chỉ đẩy nó cùng tờ giấy bọc đến trước mặt người bên cạnh, đến nỗi con tem, khi làm một vòng quanh bàn, đã không hề được dừng lại trên chặng đường chu du của mình. Đối với nhiều người, họ chỉ quan tâm đến cái giá khổng lồ mà nó được trả, và nhất là đến cái giá mà người ta gán cho nó bây giờ. Đặc biệt là họ cứ trố mắt tham lam nhìn mãi vào con tem.
Đúng lúc hai người lính phục vụ mặc đồ trắng thu dọn bát đĩa và người ta tiếp một chầu càphê thứ hai, thì bỗng ở bên ngoài vang lên tiếng gầm gừ của một chiếc môtô, rồi mấy tiếng còi xe rú lên chói tai làm chúng tớ nhảy dựng lên khỏi chỗ ngồi. Một viên cai đội mở cửa báo cáo rằng có một sĩ quan liên lạc khẩn cấp từ tuyến đầu trở về, nơi có một đại đội đang bị hao tổn quân số do bị mắc bẫy từ một tuần nay trong vùng thung lũng sình lầy. Một người lính bụi bặm lao vào sau viên cai đội, gõ gót giày ồn ào và thận trọng rút trong thắt lưng ra một phong thư trình lên vị chỉ huy.
Lũ chúng tớ đứng ngây ra vì sợ.
Vị chỉ huy bình tĩnh nhận phong thư, nhìn chúng tớ vẻ trách móc, ra hiệu cho chúng tớ ngồi xuống, ông xin phép vị thượng khách đang bình thản nhìn vào khoảng không, rồi ông mở phong thư. Lũ chúng tớ run như cầy sấy… Nhưng trên khuôn mặt vị chỉ huy không hề có một vẻ quan tâm nào, không một chút xúc động, không lộ ra một nét tình cảm sáng sủa hay u tối gì.
– Chẳng có gì quan trọng – ông trấn an chúng tớ bằng một giọng bình thản thông thường như khi ông nhận phong thư, rồi đọc bản báo cáo như đọc một bản thực đơn. “Các cuộc chuyển quân lớn của kẻ địch”… Chỉ thế thôi…
Rồi đột nhiên cuộc sống lại phai màu trong chúng tớ, giống như một tấm vải bị nắng gió dập vùi. Nó lại mất đi những sắc màu huyền ảo, mất đi những đường nét nổi bật đã làm nên cá tính của nó. Chỉ còn lại cái màu xám nguyên sơ của tấm vải, một màu xám xịt của cõi sinh tồn…
– Cậu là người theo chủ nghĩa hiện sinh đấy à? – tôi ngắt lời hỏi do bị kích thích bởi cái từ “sinh tồn” luôn trở đi trở lại và được phát ra đầy xúc động trên môi anh bạn tôi, và nó làm tôi quan tâm hơn nhiều so với câu chuyện luôn bị dừng lại về chiếc đầu bò rừng…
– Cái gì? – anh giận dữ quát lên.
– Cậu có chia sẻ lý thuyết của Kirkegaard không? Hay các lý thuyết của Heidegger? – tôi bẽn lẽn giải thích.
– Chuyện trẻ con… – anh dịu giọng đáp. – Mấy cái ông triết gia salông đó thì có thể biết gì về cõi sinh tồn thuần tuý? Anh phải có mặt ở đó cùng chúng tớ, trên mặt trận, thì anh mới có thể rũ bỏ được tất cả những thứ vặt vãnh của đầu óc cùng mọi thứ xa xỉ của sự thông tuệ… Cậu muốn tớ nói cho cậu biết không? Đây, cái xấu xa, sự cô đơn, sự hoang vắng, nỗi căng thẳng hư vô, cảnh chờ đợi, những cực hình vô nghĩa, sự bẩn thỉu, nỗi khiếp sợ, tai hoạ, tất cả những cái đó chính là sự sinh tồn thuần tuý, với toàn bộ sự trần trụi bi thảm và đáng xấu hổ của nó!
Tớ biết: có những thí nghiệm có chủ ý mà các vị thánh dám liều mạng thử nghiệm và những người hành đạo yoga không quản nguy hiểm thực hành, nhưng đó là những thí nghiệm tinh thần. Họ nói rằng ở đó, trong cái thời điểm bi kịch của sự sinh tồn, họ đã gặp được cõi Vĩnh hằng, gặp được Thượng Đế!
Nhưng đối với chúng tớ, một thực tế trần trụi và phũ phàng đã không thương tiếc lột trần chúng tớ khỏi mọi lớp vỏ bọc mà đằng sau chúng ẩn giấu sự sinh tồn khốn nạn đáng sợ của chúng tớ, và ở đó chúng tớ chỉ tìm thấy nỗi thất vọng và cõi hư vô!
Để lấy lại cuộc sống, đôi khi tớ đã phải đặt ngón tay lên mạch đập của mình và cứ giữ như thế vài phút… Nhưng thôi, hãy mặc kệ cái triết lý của những người khác để trở lại với câu chuyện của chúng mình…
Viên sĩ quan liên lạc đi giật lùi ra ngoài, lòng nặng trĩu vì sự thờ ơ, sự bất lực và tội ác của vị chỉ huy, người mà đang tỏ ra ngủ mê khi mọi hiểm nguy đang rình rập… Và tấm màn tê liệt nặng nề, đóng băng giữa chúng tớ và những gì diễn ra ở ngoài kia, trong một chốc vừa được viên sĩ quan liên lạc kéo lên, giờ lại hạ xuống. Một lần nữa chúng tớ lại bị treo cổ trong bóng tối âm u… Màn hơi mỏng của rượu sâm banh vừa bao bọc chúng tớ hiện đang tan loãng. Chúng tớ ngồi đó trần trụi, lại trở nên không là gì cả như trước đây, lòng đầy cảm nghĩ về sự vô nghĩa khổng lồ mà hai vị khách kia đang đại diện, những người mà, khốn nạn cho chúng tớ, lại là đại biểu của những kẻ đáng ra phải tìm thấy lối thoát cho chúng tớ. Bởi vì mặc dù chúng tớ không biết, nhưng trong thâm tâm, chúng tớ hoàn toàn không còn nghi ngờ gì là chúng tớ sẽ bị và đang bị bao vây không lối thoát.
Sau mấy phút trống rỗng hoàn toàn, khi mà chúng tớ cảm thấy mình giống như những mảnh đất bỏ không ngập đầy những đống đổ nát mà trên đó người ta quẳng tất cả những thứ rác rưởi của thế giới lên, thì chúng tớ chợt nhớ lại chiếc đầu bò rừng và quay sang nhìn nó… Tờ giấy bọc con tem đầu bò đang nằm ở góc trái bàn ăn, giữa hai khuỷu tay của hai viên trung uý đang giơ cốc chờ rót sâm banh. Nhưng chiếc đầu bò rừng đã không còn ở đó nữa!… Chiếc đầu bò rừng đã biến mất.
Ban đầu chúng tớ lặng lẽ tìm con tem trên khắp mặt bàn, rồi tìm dưới mặt bàn, trên ghế và dưới ghế, dưới đất, dưới đế giày của mọi người, trên khuỷu tay mà chúng tớ đã dùng để tỳ lên bàn, nhưng con tem vẫn không thấy đâu.
Một nỗi hoảng sợ – đối với tớ, tớ phải công nhận đó là một nỗi hoảng sợ làm cho người ta thật sự mê mẩn – bắt đầu bao trùm lên tất cả mọi người. Vị chỉ huy của chúng tớ, mặt tái nhợt như xác chết, với đôi môi héo quắt, đứng lên và ra lệnh cho hai người lính phục vụ chốt cửa lại. Với vẻ tò mò không mang tính khoái đau, mà là một sự tò mò sinh động và hoạt bát, điều làm tớ nhớ lại cuộc sống đích thực, tớ ngắm nhìn cảnh tượng bất ngờ đang diễn ra ngoài chương trình hoang mạc của chúng tớ. Tất cả sự đông cứng vừa đổ ập xuống chúng tớ giờ bỗng bay lên trần nhà và trú ngụ ở các góc trần. Ngực chúng tớ bắt đầu nóng lên và thở sâu, trái tim bắt đầu đập với sự xúc động, trí óc làm việc nhanh nhạy và đam mê…
Vị tướng Đức, nhăn mặt với vẻ khinh bỉ ghê tởm, bắt chéo hai cánh tay to và thở phì phì khói thuốc xìgà. Kẻ bị hại, trong cảnh bất hạnh do sự cố gây ra, đã buộc phải đưa ra một biện pháp quyết định, anh ta nhìn khắp lượt chúng tớ bằng đôi mắt mở to rồi cuối cùng nhìn thẳng vào mắt vị chỉ huy của chúng tớ và lặng lẽ chờ đợi. Ông này ra lệnh lục tìm lại một lần nữa tất cả căn phòng, nhưng lần này cuộc tìm kiếm cũng tỏ ra vô ích. Người ta lục soát thân thể hai viên lính hầu, hai người này, vẻ hiền lành, đã để cho người ta lột không còn mảnh vải che thân…
Lại vẫn không thấy gì. Vị chỉ huy của chúng tớ bắt đầu toát mồ hôi và thở hổn hển… Cuộc tìm kiếm đã làm cho ông bắt đầu thấy ớn lạnh… Nỗi tức giận bị kìm nén cùng với sự bực mình và lòng xấu hổ đã làm cho ông bị kích động. Lúc đó mặt ông đỏ lựng lên, hai con mắt nảy lửa, tỏ ra bồn chồn như chiếc roi ngựa, điều đó làm tôi thích thú và tôi mến ông.
– Thưa các vị – ông nghiến răng nói – không thể chấp nhận là không tìm thấy con tem, dù nó ở bất cứ chỗ nào. Danh dự của tất cả chúng ta đang gặp nguy. Tôi thà muốn thấy, nếu có thể, chỉ một người trong số chúng ta mất danh dự mà thôi. Vì thế, với tất cả sự hổ thẹn mà tôi sẽ phải trải qua, tôi yêu cầu các vị, ra lệnh cho các vị hãy tuân thủ một cuộc khám người nghiêm khắc do đích thân tôi thực hiện đối với từng người và tôi sẽ bắt đầu với chính tôi.
Rồi ngay lập tức vị chỉ huy của chúng tớ tự lục quần áo mình, ông lột ví, lật cổ áo, lộn túi áo túi quần, cởi áo choàng, rũ áo vét, tháo ủng… Đó là một cảnh tượng khôi hài thê thảm, hạ cấp đến mức ghê tởm, tuy nhiên, tớ xin nói rằng tớ lại thấy nó rất phấn khích.
Thế là, lần lượt, dưới con mắt dửng dưng của viên tướng Đức, nhưng, tớ phải nói thật là trong khi đó kẻ bị hại lại tỏ ra có những cử chỉ phản đối khó chịu và như bị sỉ nhục, vị chỉ huy của chúng tớ không thương xót khám xét hết viên sĩ quan này đến viên sĩ quan khác, và những người này rất sẵn lòng phục tùng sự đòi hỏi nghiệt ngã đó mà thủ trưởng của chúng tớ đã tưởng tượng ra, không phải nhằm mục đích là để tìm ra con tem, mà là để cứu vớt danh dự của chúng tớ. Khi đến lượt đại uý Tomut bị khám xét, anh này rút khẩu súng lục từ phía sau lưng ra rồi bình tĩnh nói:
– Thưa tướng quân, nếu ngài đụng đến tôi, tôi sẽ bắn vỡ sọ mình.
Sự việc lên tới đỉnh điểm… Sự căng thẳng làm cả bọn chúng tớ run bắn người, giống như những chiếc cột điện rung lên khi dây điện bị quá tải…
– Đại uý, tôi ra lệnh! – vị tướng của chúng tớ rít lên.
– Tôi không cho phép bất cứ ai! Không bao giờ! bằng bất cứ giá nào… Tôi xin thề danh dự là tôi không lấy con tem và tôi yêu cầu chỉ cần có lời thề của tôi là đủ – anh ta đáp, giương súng lên và bật chốt an toàn.
– Giữ lấy tay anh ta… Các anh giữ lấy anh ta! – vị chỉ huy gần như thét lên và giơ tay ra chạy đến chỗ viên sĩ quan bất trị.
Nhưng anh này nhảy lùi một bước tránh vào góc phòng đằng sau mình, rồi anh ta đứng thế thủ, chĩa súng đe doạ bất cứ ai dám đến gần… Phòng ăn chất chứa một không khí giữ dội và sôi động làm chúng tớ phấn khích.
Phát điên lên vì giận, vị chỉ huy cũng rút khẩu súng lục browning của mình ra khỏi vỏ…
– Tôi xin nhận phát súng của ngài, nhưng xin bắn thẳng vào tim cho.
Và anh ta chậm rãi hạ súng xuống, trong khi viên tướng từ từ đưa cánh tay run run giương súng của mình lên…
Bên ngoài có tiếng xì xào trầm đục ngày một rõ, rồi cảnh kích động trong căn nhà lán giống như một căn bệnh lây truyền xâm nhập vào đám lính khi họ biết được về sự việc xảy ra và họ liền bu lại bên cửa sổ nhìn vào bên trong…
Đúng vào thời điểm điên khùng khi vị chỉ huy giương khẩu súng lục lên ngang mắt, thì, sau mấy cú rung chuyển, cánh cửa bị chốt bật tung ra, và một nguời lính vừa lao vào vừa gào lên như một kẻ mất trí:
– Thấy rồi, thấy rồi… nó đây rồi! – và anh ta chìa cái hình đầu bò rừng ra trên bàn tay ẩm ướt vì xúc động.
Sự việc được giải thích thật đơn giản. Trong cảnh náo động do viên sĩ quan liên lạc đem đến, con tem đã bị bỏ rơi và quên lãng trên bàn ăn. Một người lính đã đặt một chiếc đĩa rếch lên đó, thế là chiếc đầu bò rừng nổi tiếng dính chặt vào đáy đĩa và cứ vô tư nằm yên ở đó. Thiếu chút nữa thì nó đã bị luộc chín bằng nước sôi trong nồi nước rửa bát.
Sự giải toả diễn ra thật bất ngờ và đột ngột, đến nỗi vị tướng của chúng tớ bật lên tiếng khóc hu hu, rồi, ngồi phịch xuống ghế, ông đưa súng lên thái dương. Đại uý Tomut, người duy nhất trong phòng còn làm chủ được mình, lao đến giật tay ông ra, thế là khẩu súng phát nổ, nhưng viên đạn bay lên trần.
Các vị khách, kinh ngạc và tiu nghỉu, cả hai làm ra vẻ ngượng ngùng. Họ đã mong thấy một điều khác và bây giờ lại phải chứng kiến một cảnh tượng uy nghiêm ngoài khả năng tưởng tượng của họ… Một viên sĩ quan không chịu phục tùng chỉ để bảo vệ danh dự lời hứa, bảo vệ sự bất khả xâm phạm thân thể bất chấp mạng sống… ngay cả khi chỉ huy ra lệnh! Thật không thể tưởng tượng nổi…
Viên tướng Đức tỏ ra sốt ruột và muốn lên đường. Vị chỉ huy của chúng tớ trấn tĩnh lại. Ông ôm hôn Tomut, xin lỗi tất cả các sĩ quan và hai vị khách về những gì đã xảy ra rồi lại mời chúng tớ ngồi xuống để chúng tớ bình tĩnh lại và chia tay khách một cách long trọng. Mấy chai sâmbanh cuối cùng lại sủi bọt trong cốc, tuy nhiên sự bình tĩnh đã không xảy ra. Tất cả chúng tớ xấu hổ và kính trọng nhìn đại uý Tomut, người đã giương cao danh dự sĩ quan và coi nó hơn cả mạng sống. Anh trở thành tấm gương bằng xương bằng thịt của cái được gọi là “danh dự”, là “lời thề”. Vậy mà: có một bí mật khác đang le lói đằng sau sự lý giải chói lọi nhưng đơn giản về hành vi đầy kịch tính đang làm chúng tớ mê muội kia.
Đại uý Tomut ngồi trầm ngâm nhìn ra xa. Khẩu súng của anh vẫn nằm trên bàn, nơi anh đã vứt nó xuống khi chạy tới cứu vị chỉ huy của mình, bên cạnh cốc sâmbanh vẫn chưa hề được anh đụng tới.
– Cảm ơn đại uý: anh đã cho chúng tôi một bài học cao thượng mà sẽ không có ai ở đây quên được – vị tướng của chúng tớ vừa nói với anh vừa giơ cốc cùng với tất cả chúng tớ chạm cốc với người hùng.
Anh chỉ nhấp môi và lại tiếp tục im lặng, chìm đắm trong suy tư.
Cuối cùng các vị khách cũng đứng lên. Họ phải lên đường. Sắp tới trời sẽ tối trên thảo nguyên, một thảo nguyên rình rập đầy những nỗi hiểm nguy. Sau khi chúng tớ tiễn họ ra ôtô và chia tay họ, lần này chúng tớ gõ gót giày lạnh lùng hơn và kêu to hơn, chúng tớ quay về và ngồi bên chiếc bàn trống. Vị chỉ huy kéo đại uý Tomut lại gần mình và ông lại ôm hôn anh rất lâu.
– Thưa tướng quân – anh chống đỡ – tôi không xứng đáng được hưởng vinh dự này…
– Thôi nào chàng trai, không phải khiêm tốn nữa… Cái điều ta đã làm vấy bẩn vì một mẩu giấy khốn nạn, chính là danh dự sĩ quan, thì anh bạn đã nhặt nó từ dưới đất lên với cái giá bằng mạng sống của mình.
– Đó không phải là sự thật, thưa tướng quân, và tôi không muốn lừa ngài thêm một phút nào nữa. Có một nguyên do khác khiến tôi chống lại lệnh khám người.
– Đừng có tìm cách tự huyễn hoặc mình – vị chỉ huy quở trách với giọng người cha. – Hãy giữ lấy cái nguyên do đó và cứ để cho chúng ta nhớ mãi cái kỷ niệm nguyên vẹn về hành động này của anh bạn, có lẽ là hành động duy nhất xứng đáng trong số những hành động mà bọn ta làm được ở đây.
– Không được, thưa tướng quân. Chính danh dự là cái buộc tôi phải tiết lộ… Trước khi đưa ra lời giải thích đích thực cho ngài, tôi đã đợi cho các vị khách nước ngoài rời khỏi đây đã. Tốt hơn là để cho họ có một ấn tượng không phai mờ về lòng tự tôn của chúng ta, cái điều mà giờ đây không còn tồn tại nữa. Giờ thì việc gì mà tôi phải nói dối? Sự thật là cả tôi chắc là cũng đã có thể chịu để cho mình bị khám xét như tất cả các bạn đồng ngũ khác, những người mà tôi không muốn hạ nhục họ thêm nữa, nếu như cái vật cản trở khủng khiếp này không phản đối…
Và đại uý Tomut, với bàn tay lần này tỏ ra run rẩy, rút ví ra khỏi túi ngực rồi mở ra – giống y như thiếu tá bá tước K. đã làm – anh bóc một tờ giấy thấm và rút ra một con tem, một chiếc đầu bò rừng tuyệt vời giá 27 xu, cũng có màu hồng đào và hoàn toàn giống con tem mà viên thiếu tá Đức đã cho chúng tớ xem… Thế là cả đến tớ, người nhiều khi thường dám đùa với cả thần chết, cũng tái mặt đi vì sợ.
– Sao? – viên tướng sợ hãi nhảy dựng lên… – sao? Mi cũng có một con tem giống y như vậy ư?
– Như ngài nhìn thấy đấy!… Tôi được mẹ tôi cho, bà là một quý tộc cũ người Moldova. Bà cho tôi để làm chiếc bùa đem lại vận may khi ra trận… Và ngài thấy nó đã đem lại vận may cho tôi như thế nào! Ngài có tưởng tượng nếu tôi để mình bị khám xét dù chỉ sơ qua thôi!
– Tại sao mi không nói rằng cả mi cũng có một con tem khi ta đề nghị khám người mi? – vị tướng la lên.
– Lúc đó quá muộn rồi… Ai có thể tin tôi nếu không tìm thấy con tem bị mất?
– Thế thì tại sao mi không cho mọi người thấy nó ngay từ đầu khi viên thiếu tá đưa chiếc đầu bò rừng của hắn ra?…
– Như thế khác nào một hành động trẻ con – Tomut bình thản nói. – Đối với tôi, cái đầu bò rừng của tôi không phải là một con tem để tôi huyênh hoang về giá trị của nó và đem nó ra thi thố. Cái của tôi đã là – bây giờ thì nó không thế nữa – một chiếc bùa hộ mệnh với một ý nghĩa vô giá khác… Nếu có thể, tôi đã cất giấu kỹ nó trong tim. Việc phơi bày nó đã làm cho tôi đau đớn như bị phá trinh… Vả lại, khi kiên quyết giữ kín ngay từ đầu chiếc đầu bò rừng của mình chính là tôi muốn tránh không để xảy ra cuộc gặp gỡ kinh ngạc của hai chiếc đầu bò rừng giữa chốn hoang vu này như tránh một định mệnh. Vậy mà không được: số mệnh đã buộc chúng phải chạm trán nhau!
Trong lúc chúng tớ đang chìm trong nỗi im lặng nặng nề, thì Tomut quả quyết lên tiếng.
– Và bây giờ, xin lỗi tướng quân vì tôi đã làm ngài thất vọng, và xin phép ngài cho tôi rút lui. Tôi cảm thấy có nhu cầu được tiếp xúc với hoang mạc. Nó cao thượng hơn chúng ta.
Và, vừa đứng dậy để bước ra cửa, đại uý Tomut vừa điềm tĩnh rẽ ngang qua lò sưởi, rồi, vừa quẳng chiếc đầu bò rừng mà anh vẫn nắm trong tay vào đống than hồng đang cháy rực, anh vừa nói: “Tertium non datur”.
Chẳng có ai trong số chúng tớ tỏ ra ngạc nhiên.
Và anh bạn tôi kết thúc câu chuyện bằng việc châm một điếu thuốc…
(Bucuresti, 20-25 tháng 12 năm 1946)
(Đã đăng tạp chí “Văn học nước ngoài”, số 1-2013)

New layer…
Exit mobile version