“Lá thư hè” của Alphonse Daudet như những chuyến hành trình dài trong tâm tưởng của chính ông khi trở về với những kỷ niệm khó quên thuở hoa niên một thời.

Dẫu không phải trước tác nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của Alphonse Daudet, tập truyện ngắn Lá thư hè (Nguyễn Xuân Hiếu, Trần Mộng Du dịch) – hay chính xác hơn: Những lá thư từ cối xay gió của tôi (Lettres de mon moulin) vẫn là chỉ dấu quan trọng khi đóng vai trò tiền thân cho những tác phẩm “nặng ký” khác sau này (Những chuyến phiêu lưu kỳ thú của Tartarin xứ Tarascon, Fromont và Risler…) của nhà văn, nhất là khi nó mang một “phong vị” hoàn toàn khác hẳn: hoài niệm về những giờ khắc tươi linh, êm đềm và vô lo nhất của kiếp người.
Cuốn sách “Lá thư hè.”

Xuất bản lần đầu tiên vào năm 1869, nhiều truyện trong Lá thư hè thật ra đã được đăng trước đó trên những tờ báo và tạp chí mà Daudet làm việc hoặc cộng tác, như Le Figaro và L’Événement. Đọc Lá thư hè, ta có thể thấy Flaubert quyến luyến vùng Normandie khi viết Madame Bovary (Bà Bovary) ra sao, thì những cánh đồng oải hương của “bầy thỏ ngơ ngác” và “bác cú trầm tư mặc tưởng”, nơi cảnh đẹp “sống bằng ánh sáng” tại vùng Provence, thế kỷ 19, cũng giằng xé Daudet như thế.

Mượn giọng kể của ngôi thứ nhất, Daudet có lẽ đã tưởng tượng ra toàn bộ câu chuyện về việc ông đã mua một cối xay gió cũ kỹ bỏ đi tại Provence ra làm sao (“bỏ hoang từ hai mươi năm nay, không còn xay được nữa, bằng chứng là các giàn nho dại, rêu, hương thảo và các cây tầm gửi khác đã leo lên tận đầu cánh quạt…”)  chỉ để được thỏa sức viết lách mà không phải bận lòng về một Paris “ồn ào và tăm tối” – hình ảnh đối nghịch với hoàn cảnh “dễ chịu vô cùng” của Daudet khi ngồi trong cối xay, nơi “thơm tho, ấm áp, cách xa các nhật báo, xe cộ và sương mù đến hàng trăm dặm” – như nội dung những lá thư ông gửi cho một người bạn tên Pierre Gringoire, vốn đang bám trụ tại thủ đô nước Pháp.


Mượn chuyện nọ để kể chuyện kia, 20 câu chuyện nhẹ nhàng, dung dị mang phong vị thôn dã về cảnh sắc thiên nhiên và con người Provence, dẫu đôi lúc mang những “bi kịch” rất đa dạng như tự sát (Cô gái thành Arles), trả thù (Con la của Giáo hoàng), cái chết của những nỗi niềm kiêu hãnh bất phùng thời (Bí mật của lão Cornille; chẳng hạn như, “Mọi vật trên đời đều có lúc cáo chung, thời cối xay gió đã qua rồi, cũng như thời của những xà lan ngựa kéo trên sông Rhône, thời của các hội nghị chư hầu và của những chiếc áo dài đuôi có thêu hoa lớn…”), cuộc chiến sinh tử một mất một còn với sói rừng (Con dê của ông Seguin) hay vị thầy tu háu đói đến nỗi bán linh hồn cho quỷ dữ (Chuyện kể đêm Giáng Sinh)… vẫn ngập tràn ánh sáng tích cực của của một miền thôn dã tươi đẹp thuộc về những con người – bằng cách nào đó – vẫn chưa bị vẩn đục bởi thứ bụi bặm tàn nhẫn từ chốn thủ đô, nơi ông không chịu đổi “cảnh đàn gia súc trở về nhà dưới chân đồi” lấy “tất cả những buổi diễn mở màn ở các rạp hát thành Paris” hay cay đắng hơn, nơi mà trong ví của mỗi người Paris đều có “những lọn tóc của Celine, cắt ngày 13 tháng 5…” (Chiếc ví của lão Bixiou).


Sau tất cả, Lá thư hè là cuốn sách có khả năng đưa bạn về miền Đông Nam nước Pháp thế kỷ 19. Qua ngòi bút của Daudet, cảnh vật và người của vùng Provence trở nên sống động hơn bao giờ hết, chẳng hạn như thế giới về đêm qua lời kể của chú mục đồng: “Nếu đã từng qua đêm ở ngoài trời, bạn hẳn biết rằng trong lúc chúng ta ngủ, cả một thế giới bí mật hiện ra trong yên lặng và cô tịch. Lúc đó suối hát nghe thanh hơn, hồ ao lóng lánh lửa nhỏ. Các thần núi đi lại tự do; trong không khí có những tiếng sột soạt, những tiếng động rất nhỏ, tưởng chừng như người ta nhìn thấy cành dây dài ra, cỏ mọc cao lên. Ban ngày là đời sống của các sinh vật, nhưng ban đêm là của tĩnh vật…” (Những vì sao), hay đơn giản chỉ là “thửa vườn nhỏ, xung quanh trồng hoa hồng bạch” như khu vườn nhà ông Seguin.


Điều đáng tiếc duy nhất, là bản dịch Lá thư hè mới được xuất bản thiếu mất 5 chương so với bản gốc, đặc biệt là truyện Những quả cam, trong đó Daudet đã miêu tả hết sức duyên dáng thời gian ông sống tại Algeria, nơi mà “môi trường tự nhiên của quả cam, dưới bầu trời thanh ngát của biển Địa Trung Hải ấm nóng…” là thứ bạn phải nhìn tận mắt để biết “trân trọng những quả cam”. Dẫu sao, chiếc cối xay của Daudet, nơi trung tâm của câu chuyện, đã xuất hiện đủ trong 20 câu chuyện còn lại, ít nhất cũng đủ để truyền cảm hứng cho bức tranh Le Moulin d’Alphonse của danh họa Van Gogh.

Theo Đỗ Trí Vương – Zing.vn