1.VHDCNG, dòng chảy mới
Theo định nghĩa của Bách khoa toàn thư Oxford thì “Chick” là một từ lóng chỉ một cô gái trẻ, “lit” là từ viết tắt của literature, nghĩa là văn học. Từ “chick lit” được sử dụng lần đầu trong bài viết của nhà phê bình James Wolcott vào năm 1996 trên tờ báo The New Yorker, trong đó, ông mô tả đây là một dòng văn học mang tính nữ – girlishness. Dù chưa có một định nghĩa chính thức và hoàn chỉnh về VHDCNG, tuy nhiên, người ta có thể hiểu một cách khái quát, đây là loại hình văn chương viết về những vấn đề của phụ nữ thường là người trẻ tuổi trong một không gian văn hóa hiện đại, được thể hiện với một giọng văn nhẹ hàng, hài hước pha trộn những tình huống lãng mạn mang tính giải trí cao.
Như vậy, VHDCNG khá gần với văn học lãng mạn. Nhiều người thậm chí còn xếp nó vào thành một nhánh con của văn học lãng mạn. Tuy nhiên, VHDCNG đã tự mở rộng biên độ về đề tài, mở rộng đối tượng độc giả để trở thành một trong những xu hướng mạnh mẽ của văn học thế giới trong thời gian hơn một thập kỷ trở lại đây. Theo Giáo sư Suzanne Ferris thì: “VHDCNG thường nói về những chủ đề nam nữ lãng mạn nhưng cũng có thể chỉ đề cập đến những vấn đề về gia đình, người thân, bạn bè phát sinh trong cuộc sống của phụ nữ hiện đại. Những mối quan hệ này không kém phần quan trọng so với quan hệ tình yêu. Đó là điểm khác biệt giữa VNDCNG và văn học lãng mạn. Chính vì thế, có thể coi VHDCNG là một dòng văn học độc lập”. Tác giả Amy Sohn trong bài viết trên Publishers Weekly đề cập đến một yếu tố quan trọng nữa của VHDCNG, đó chính là tính tự lập, khẳng định bản thân, thể hiện những nét cá tính mạnh mẽ của người phụ nữ trong thời đại mới.
2.Khẳng định nữ quyền trong văn học
Một điểm sáng đáng ghi nhận ở dòng VHDCNG, đó chính là nó đã sản sinh ra một số lượng tác phẩm lớn với hàng loạt tên tuổi nhà văn mới mẻ được giới thiệu trên văn đàn thế giới.
Cơn sốt VHDCNG đã tạo nên rất nhiều tác phẩm nằm trong danh sách best seller, được dịch ra nhiều thứ tiếng và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo độc giả. Sự thành công của VHDCNG không thể không kể đến sự hậu thuẫn khá mạnh mẽ từ ngành công nghiệp xuất bản khi ngành công nghiệp này tìm ra được một thị trường ngách tiềm năng. Đúng như như nhà văn chick lit Nicola Kraus nhận định: “VHDCNG là sản phẩm của ngành công nghiệp xuất bản bởi nó đã tạo ra một số lượng độc giả và tác giả rất khá chuyên biệt. Đó là sáng tác của các tác giả nữ, viết về giới nữ và dành cho phụ nữ”
Tác phẩm được coi là dấu mốc đầu tiên của VHDCNG chính là tiểu thuyết Dưa – Watermelon (1995) của Marian Keyes. Câu chuyện kể về một người phụ nữ trẻ, bị chồng bỏ rơi, phải nuôi con, tự tranh đấu trong công việc và đời sống, vượt qua những mặc cảm tự ti và trở nên độc lập và tràn đầy sức sống. Với bút pháp nhẹ nhàng, hài hước và đầy nữ tính của Keyes, Dưa đạt được những thành công to lớn. Kể từ đó, hàng loạt tác phẩm với motif tương tự đã giúp Marian Keyes trở thành một trong những tác giả nổi tiếng nhất Ireland với khoảng 22 triệu bản in được bán trên toàn thế giới.
Cơn sốt VHDCNG từ Ireland đã lan sang Anh. Ở đây, một tác phẩm đã giúp dòng VHDCNG thực sự vươn lên quy mô toàn cầu. Đó chính là Nhật ký Tiểu thư Jones – Bridget Jones’s Diary của nữ nhà văn Helen Fielding. Câu chuyện kể về một cô gái ở lứa tuổi “băm”, sống giữa thành phố London, thích sống cuộc sống độc thân nhưng lại không muốn … chết đơn côi. Những trang nhật ký kể về những mối quan hệ của cô với hai người đàn ông với cá tính hoàn toàn khác biệt là Daniel Cleaver phóng đãng lãng tử và Mark Darcy nghiêm cẩn chỉn chu. Điều gây thích thú đối với độc giả là nhân vật chính trong truyện có những cám dỗ rất phụ nữ như thích ăn ngon nhưng lại sợ tăng cân, thích uống rượu và hút thuốc lá nhưng lại sợ ảnh hưởng tới sự nghiệp v.v… Ngay sau khi ra đời, cuốn tiểu thuyết đã thành công vang dội, dành giải Cuốn sách của năm – British Book of the Year của Anh. Cuốn truyện còn được dựng thành bộ phim cùng tên với doanh thu lên tới gần 300 triệu USD, gây ra một cơn sốt về VHDCNG và tạo thành hiện tượng Điện ảnh dành cho nữ giới (chickflicks) với quy mô toàn cầu.
Ngay sau thành công của Nhật ký tiểu thư Jones, hàng loạt nhà xuất bản danh tiếng trên thế giới đã nhìn thấy tiềm năng từ VHDCNG. Dòng văn học mới mẻ này ngày càng định hình, càng có nhiều người thích đọc và những tác phẩm VHDCNG cũng được các NXB chào đón nồng nhiệt. VHDCNG cũng vượt qua bờ biển Đại Tây Dương, đến Mỹ. Cũng từ đó, văn học có thêm tên tuổi của những nhà văn mới, chuyên viết VHDCNG.
Hướng dẫn các cô gái Săn mồi và Thả câu – The Girls’ Guide to Hunting and Fishing của tác giả Melissa Bank là một trong những tác phẩm VHDCNG đầu tiên ở Mỹ gặt hái được những thành công đáng kể. Bối cảnh câu truyện đơn giản, chỉ là vấn đề của một cô gái mới lớn Jane Rosenal với một văn phong tươi trẻ đã bất ngờ đưa cuốn tiểu thuyết này liên tiếp đứng 16 tuần trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất của tờ The New York Times. Tờ Newsweek bình luận: “Tác phẩm của Bank vẽ nên những tâm trạng khác nhau của những cô gái trong thời đại mới”. Cô nàng buôn chuyện – Gossip Girl là seri tiểu thuyết được tác giả trẻ Cecily von Ziegesar viết vào năm 2002. Tiếp sau đó, 11 cuốn tiểu thuyết trong seri này liên tục ra đời cho đến tận bây giờ. Tác giả Ziegesar vẫn chưa có ý định dừng lại với những tác phẩm tiếp theo kể về Cô nàng buôn chuyện. Nhiều tác phẩm VHDCNG cũng cố chuyển tải những vấn đề đặc trưng của nữ giới vào tác phẩm của mình. Tiểu thuyết Những điều vay mượn – Something Borrowed của nhà văn Emily Giffin kể về những cô gái đơn độc ở tuổi 30, dưới áp lực của xã hội, gia đình và bạn bè khiến họ cảm thấy họ cần phải lấy chồng trong khi trên thực tế, cuộc sống độc thân có rất nhiều điều thú vị. Cuốn sách đã nằm trong danh sách 150 cuốn sách bán chạy nhất của tờ báo USA Today.
Trong quá trình phát triển và đạt được đỉnh cao của VHDCNG, không thể không kể đến Seri tiểu thuyết Kẻ nghiện mua sắm – Shopaholic của tác giả Sophie Kinsella và Nữ quỷ mặc đồ Prada – The Devil Wears Prada của tác giả Lauren Weisberger. Kẻ nghiện mua sắm bao gồm seri 6 tiểu thuyết kể về cô gái Becky Bloomwood, là một phụ nữ hiện đại, xinh đẹp, trẻ trung, tài năng và khao khát thành công và cũng rất thích mua sắm. Trong khi đó, Nữ quỷ mặc đồ Prada kể về cô gái giàu cá tính và nhiều tham vọng Andrea Sachs nỗ lực hoàn thiện mình trong thế giới xa hoa của ngành thời trang và truyền thông, từ những ganh ghét trong công việc, những vấp váp trong tình cảm, Sachs đã dần nhận ra con người thực của mình, biết quý trọng những tình cảm chân thành và tự lập hơn trong cuộc sống. Cả hai cuốn sách đều nằm nhiều tháng trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất ở cả Mỹ và Anh, được dựng thành phim với những thành công khổng lồ về mặt thương mại.
Nhưng những bước phát triển vũ bão của VHDCNG cũng đã khiến nhiều nhà phê bình nghi ngại khi đánh giá về hiện tượng văn học này.
3.VHDCNG sẽ chết?
Đó là lời nhận định của nhà phê bình văn học Sarah Bilston trong bài viết Cái chết của VHDCNG – The Death of Chick lit với nhận định: “VHDCNG ngày càng ngập sâu vào những màn thời trang thời thượng, những trò tình cảm rẻ tiền, những tình huống truyện khiên cưỡng. Đọc một cuốn VHDCNG bây giờ không khác gì xem một cuốn tạp chí quảng cáo thời trang và những mục tâm sự trên các tờ báo lá cải”. Những NXB cũng đã bắt đầu dè chừng với những tác phẩm VHDCNG và cũng hiểu rằng sau cơn sốt thời thượng, đầu tư vào những tác phẩm chick lit ở thời điểm này khá rủi ro. Tác giả bài báo trên cũng cho rằng: “Một tác phẩm VHDCNG có thể thành công lâu dài chỉ khi nó tạo được cốt truyện – plot tốt, đào sâu và thế giới nội tâm, tình cảm của nhật chứ không phải là những thứ hào nhoáng bề ngoài”.
Sự nhàm chán của VHDCNG là một sự thật. Sự thật này có thể được nhìn thấy ở một loạt những cuốn sách hướng dẫn viết về chủ đề này của chính những tác giả đã thành danh. Tràn ngập những lời khuyên, những kỹ thuật xây dựng cốt truyện kiểu như: 5 mẹo viết cho phụ nữ, Làm cách nào để viết VHDCNG cho phụ nữ, Để viết VHDCNG thành công v.v… đã được nhiều người viết trẻ thu nhận và viết ra những tác phẩm từa tựa giống nhau khiến cho độc giả không khỏi cảm thấy sức sáng tạo của dòng văn học này đã cạn kiệt.
Nhưng đánh giá một cách khách quan, tương lai dành cho VHDCNG không có gì là bi đát. Dòng văn học này có những thế mạnh mà không dòng văn học nào có thể cạnh tranh. Những độc giả phụ nữ cần những người bạn và VHDCPN làm rất tốt vai trò này. Nó là những lời tâm sự tạo nên cảm giác gần gụi và đồng cảm ở mức cao. Đồng thời, VHDCNG cũng tạo cho người đọc nữ cảm giác giải phóng vượt ra khỏi những bề bộn thường ngày, cảm thấy tự chủ và độc lập hơn trong cuộc sống. Vậy nên, tương lai của VHDCNG vẫn còn rất sáng lạn. Pam Spencer Holley, chủ tịch của Hiệp hội Thư viện Mỹ cho rằng: “VHDCNG có thể không đụng đến những vấn đề lớn lao nhưng nó chuyển tải được những khát vọng, tâm tư của tuổi trẻ mà phải đọc một cách không định kiến, bạn mới có thể nhận ra được”. Có điều, người đọc vẫn đang chờ đợi những tác phẩm có chiều sâu hơn của dòng văn học này.
Ở nước ta, một số tác phẩm VHDCNG cũng đã xuất hiện. Đáng kể nhất phải kể đến “Phải lấy người như anh” của Trần Thu Trang hay “Oxford thương yêu” của Dương Thụy. Bên cạnh đó, hàng loạt NXB trong nước đã cho dịch những tác phẩm VHDCNG nổi tiếng để giới thiệu đến người đọc. Thực tế đó cho thấy nhu cầu đọc dành cho thể loại này là không nhỏ. Có điều, hình như chưa có nhiều nhà văn Việt Nam thực sự chú ý đến thể tài này? Hay VHDCNG của Việt Nam vẫn còn thiếu sự hậu thuẫn của những NXB và còn yếu kém trong cách làm truyền thông?
Hoàng Tùng
Theo: Chick Lit: The New Woman’s Fiction của Suzanne Ferriss, Chick lit, for better or worse, is here to stay của Carol Memmott và mục từ Chick lit trên Bách khoa toàn thư Wikipedia
Nguồn: Văn nghệ Trẻ.