Nhà báo Hàm Châu – người bạn thân thiết của các tên tuổi khoa học Việt Nam và thế giới – vừa qua đời ở tuổi 83 trong sự ngỡ ngàng và tiếc thương của nhiều người.

Chia tay người vẽ chân dung nhà khoa học bằng ngôn ngữ
Nhà báo Hàm Châu – Ảnh: internet

Ông Nguyễn Tử Uyên – con trai của nhà báo Hàm Châu – cho biết nhà báo Hàm Châu sống một mình ở Hà Nội để thuận tiện cho việc thực hiện cuốn sách Ánh sáng nhân văn trong thế giới các nhà vật lý (NXB Thế Giới, 2016). Dự định sau khi xuất bản sách xong sẽ chuyển vào TP.HCM để sống cùng con trai nhưng ông đã đột quỵ vào cuối tuần rồi mà không ai biết.

Nhà báo Hàm Châu (bìa phải) cùng vợ chồng GS Trần Thanh Vân – Ảnh tư liệu trong bài chụp từ sách “Ánh sáng nhân văn trong thế gới các nhà vật lý


Vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân – Lê Kim Ngọc, cũng là hai nhân vật trong các tác phẩm nổi tiếng của nhà báo Hàm Châu, xúc động chia sẻ với Tuổi Trẻ:

* GS Lê Kim Ngọc (chủ tịch Hội giúp đỡ trẻ em 
Việt Nam tại Pháp):

Bụi của ngôi sao 
đã tắt mãi còn trong vũ trụ

Chúng tôi ai cũng sững sờ khi nghe tin Hàm Châu qua đời, bởi cách đây 10 ngày chúng tôi vẫn còn gặp nhau ở Quy Nhơn, cùng chia sẻ về cuốn sáchÁnh sáng nhân văn trong thế giới các nhà vật lý và về chuyến đi phát học bổng Odon Vallet sắp tới. Cuốn sách vừa in xong là Hàm Châu mang ngay đến Quy Nhơn để kịp tặng bạn bè tham dự hội nghị. Chiếc vali đựng sách vẫn còn ở đây, không biết anh đau bệnh thế nào mà ra đi lẻ loi và buồn bã quá.

Chúng tôi phát hiện Hàm Châu mất do hai ngày liên tục liên lạc với anh không được. Quá lo lắng, Anh Đào – cháu bé ở làng SOS tại Huế đã được nhà báo Hàm Châu hướng dẫn viết luận án – gọi điện nhờ người quản lý tòa nhà anh Châu ở thì phát hiện Hàm Châu đã mất. Anh Đào yêu quý Hàm Châu lắm vì anh ấy đã dìu dắt, nâng đỡ và dạy dỗ cháu với tình cảm của một người thầy, một người cha. Hiện Anh Đào đã đi Hà Nội để phụ lo hậu sự cho Hàm Châu, còn chúng tôi gọi điện thông báo cho người thân, bạn bè để chia sẻ tin buồn này.


(GS Hàm Châu – người đứng thứ hai từ trái sang)

Không một lời nào đủ để diễn tả hết cảm xúc đau buồn của chúng tôi trước sự ra đi của anh. Anh Trần Thanh Vân (GS Trần Thanh Vân – chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, chồng của GS Lê Kim Ngọc – PV), tôi và anh Hàm Châu đã thân thiết với nhau 23 năm nay khi anh tìm đến với chúng tôi tại Hội nghị Gặp gỡ Việt Nam lần thứ nhất.

Chúng tôi trở thành tri kỷ, quý mến nhau bởi đam mê chung dành cho khoa học. Hàm Châu viết sách, viết báo bằng một trái tim trong sáng, tâm hồn thanh khiết, trí tuệ sâu sắc và ngòi bút tài hoa. Nhờ những bài báo về các hội nghị Gặp gỡ Việt Nam của các nhà báo, trong đó có Hàm Châu, mà những kiến thức, những thông tin về khoa học và người làm khoa học đã được chia sẻ và đến với công chúng. Bao nhiêu người nói rằng họ đã khóc mỗi khi đọcĐất Việt cuối trời xa và Trái tim trong tuyết trắng – hai cuốn sách Hàm Châu viết về câu chuyện vợ chồng tôi cùng với những người bạn dầm mình trong băng tuyết mùa đông bán thiệp lấy tiền xây làng trẻ em SOS tặng Việt Nam bằng văn phong nhẹ nhàng, đi thẳng vào trái tim con người.

Tháng 3 vừa rồi, Hàm Châu vừa trải qua ca mổ thông ruột, vừa ra viện là anh lại tiếp tục viết cuốn sách Ánh sáng nhân văn trong thế giới các nhà vật lý để kịp in trước ngày diễn ra Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12 vào tháng 7-2016.

Cuốn sách này được anh viết trong hơn một năm nay, và cứ xong từng đoạn anh lại gửi cho chúng tôi đọc, góp ý. Hàm Châu đã viết, viết không mệt mỏi không chỉ bằng kiến thức uyên thâm anh có mà còn bằng con tim với tình yêu dành cho khoa học. Chúng tôi rất quý trọng những người có tâm hồn như vậy và mong lắm cuốn sách của anh sẽ được độc giả, đặc biệt là các bạn trẻ tìm đọc, để khỏi uổng phí công sức một đời tâm huyết của Hàm Châu.

Anh đã ra đi, như một ngôi sao đã tắt, nhưng bụi của ngôi sao ấy mãi vẫn còn tồn tại trong vũ trụ và anh, mãi vẫn còn trong tim chúng tôi.

Theo Hồng Nhung – TTO

Tiếc thương anh Hàm Châu

Nhà báo Hàm Châu gặp GS Trịnh Xuân Thuận cuối xuân 1998 tại Gặp gỡ Blois về vật lý thiên văn do GS Trần Thanh Vân tổ chức ở miền Trung nước Pháp

NGUYỄN KHẮC PHÊ

Tôi vừa trò chuyện qua điện thoại với anh Hàm Châu cách đây mấy hôm, hẹn sẽ gửi ra cho anh “lưu niệm” tờ báo Đà Nẵng Cuối Tuần có đăng bài tôi giới thiệu tác phẩm lớn cuối đời của anh (ký sự văn học Ánh sáng nhân văn trong thế giới các nhà vật lý).

Vậy mà chiều nay, dán phong bì xong, chưa kịp đi bưu điện thì tin như sét đánh: anh Hàm Châu vừa đột tử tại nhà riêng! Bài tôi viết có nhan đề Cái vô hạn trong một cuốn sách là dựa theo tác phẩm nổi tiếng của nhà thiên văn Trịnh Xuân Thuận (Cái vô hạn trong lòng bàn tay). 

Nay thì chỉ còn biết kêu lên: Tiếc thương vô hạn một nhà báo – nhà văn, người bạn thân thiết của các tên tuổi khoa học Việt Nam và thế giới.

Tôi mới quen anh mươi năm trở lại đây, khi anh vào Huế cùng tôi đi tìm lại ngôi nhà anh từng sống những năm thơ ấu trong Đại nội bên cạnh nhà thân phụ tôi.

“Trải qua một cuộc bể dâu”, dấu vết căn nhà, giếng nước gần một thế kỷ trước nay chẳng còn gì, nhưng nền nếp gia phong mà anh hấp thu từ một “Nho gia” có truyền thống vẫn là hành trang suốt cuộc đời anh, “định hướng” cho cả cuộc đời làm báo của anh: viết về những trí thức, những nhà khoa học.

Không phải nhà báo nào cũng có thể “thâm canh” vào đề tài mà anh đã theo đuổi hơn nửa thế kỷ cầm bút. Dễ gì “anh” làm quen, trò chuyện được với các nhân vật trí thức như Tạ Quang Bửu, Hồ Đắc Di, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Thúc Hào, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Văn Huyên, Đặng Vũ Hỷ, Nguyễn Lân, Đỗ Tất Lợi, Đặng Thai Mai, Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Trần Đức Thảo, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Nguyễn Xiển, Nguyễn Tài Cẩn, Phan Đức Chính, Đặng Văn Chung… và các trí thức người Việt Nam ở nước ngoài như Ngô Bảo Châu, Nguyễn Trọng Hiền, Phạm Quang Hưng, Bùi Trọng Liễu, Lê Kim Ngọc, Đặng Thái Sơn, Đàm Thanh Sơn, Trịnh Xuân Thuận, Vũ Hà Văn, Trần Thanh Vân…

Không phải là những tên tuổi lớn ấy “cao đạo”, mà vấn đề là “anh” phải có những hiểu biết và tầm văn hóa ở mức nào mới có thể đối thoại, khai thác cuộc đời và sự nghiệp của họ. Hàm Châu, bằng nỗ lực học tập không mệt mỏi, đã tự trang bị cho mình vốn kiến thức và bản lĩnh để không “choáng ngợp” trước những tên tuổi lớn, tự tin trò chuyện với họ như với người bạn tâm tình.

Trong làng báo Việt Nam, Hàm Châu thuộc lớp “lão làng”. Anh viết báo từ năm 22 tuổi, từng là phóng viên báo Hà Nội Mới, rồi được cử làm tổng biên tập tạp chí Tổ Quốc…

Anh đã viết hơn 2.600 bài báo bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Pháp và xuất bản hơn 10 cuốn sách, trong đó hai tác phẩm cuối đời của anh là hai cuốn sách đồ sộ có thể nói là hai tập đại thành của nhà báo vừa qua tuổi bát tuần: Tinh hoa trí thức Việt Nam đương đại (NXB Trẻ – 2014) dày 1.220 trang và Ánh sáng nhân văn trong thế giới các nhà vt lý.

Thật là tiếc thương vô hạn. Vì còn ai có thể điền vào chỗ trống mà anh Hàm Châu vừa để lại bên các nhà khoa học suốt đời cống hiến cho dân tộc và nhân loại dưới “ánh sáng nhân văn”.

(Nguồn: Tạp chí Sông Hương)