Chiều ngày 31-10-2015 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trong khuôn khổ Hội sách Mùa Thu 2015 đã diễn ra buổi giao lưu giữa độc giả yêu văn chương và các nhà văn nữ đương đại Việt Nam, buổi giao lưu có chủ đề là “Sống và viết”. Nhà văn Y Ban, nhà văn Phong Điệp, nhà văn Nguyễn Bích Lan là khách mời của chương trình.
Trong thời gian gần đây khuynh hướng “thiên nữ” hay “âm hưởng nữ quyền” đang phát triển một cách mạnh mẽ trong đời sống văn học Việt Nam, lực lượng đông đảo các cây bút nữ tham gia vào đời sống văn học đã tạo ra nhiều lối viết, cách viết và mang lại nhiều giọng điệu làm phong phú nền văn chương nước nhà. Rất nhiều nữ nhà văn đã sớm thành danh bằng các giải thưởng văn học có uy tín và tạo dựng được đời sống cho tác phẩm trong lòng lòng độc giả. Tuy nhiên có một thực tế là các nhà văn nữ luôn thiệt thòi hơn những đồng nghiệp nam bởi ghánh nặng thiên chức làm vợ, làm mẹ trong gia đình. Buổi giao lưu giữa các nhà văn nữ đương đại Việt Nam “Sống và viết” đã chia sẻ cho độc giả phần nào cuộc sống của các nữ nhà văn đằng sau những trang viết.
Tại buổi giao lưu nữ nhà văn Phong Điệp chia sẻ thói quen luôn luôn nhìn đồng hồ bởi việc làm báo đã kéo chị vào guồng quay bận rộn, rồi chức trách của một người mẹ 2 con nhỏ cũng thu hẹp quỹ thời gian trong ngày của nữ nhà văn này. Phong Điệp chia sẻ chị không còn đủ năng lượng khi ngồi vào bàn viết hằng đêm. Do đó chị phải sắp xếp công việc một cách khoa học nhất để tận dụng tối đa dù chỉ là 5 hay 10 phút rảnh rỗi ban ngày cho việc viết văn chương. Nói về việc đông đảo các nhà văn nữ tham gia vào đời sống văn học đương đại nhà ăn Phong Điệp cho rằng đó là một tín hiệu đáng mừng bởi ngoài việc đem lại sự mềm mại và bí ẩn trong văn chương nữ quyền giống như bản chất của người phụ nữ, việc các nữ nhà văn tham gia đời sống văn học còn thể hiện sự bình đẳng về giới, khẳng định vai trò người phụ nữ trong xã hội ngày nay.
T
Trả lời câu hỏi của độc giả về sự khác biệt giữa vai trò của nữ nhà văn phương Đông và nữ nhà văn phương Tây Phong Điệp cho rằng phụ nữ phương Tây tham gia khá sớm vào đời sống văn học và họ đã sớm gặt hái được nhiều thành công. Còn ở phương Đông nhất là ở Việt Nam, tư tưởng trọng nam khinh nữ thời kì Phong Kiến khiến người phụ nữ thiệt thòi hơn. Chỉ đến sau thời kì Đổi mới người phụ nữ mới được bộc lộ những ẩn ức trong tâm hồn, và họ nhanh chóng thể hiện được sự thông minh nhạy bén của mình trên những trang viết. Việc nhiều tác giả nữ gặt hái thành công trên diễn đàn văn học từ năm 1986 trở lại đây là những cú hích, để các thế hệ 7x như chị và các thế hệ trẻ sau này học tập và tạo dựng đời sống tâm lí lành mạnh trong nền văn học nghệ thuật nước nhà. Phong Điệp tỏ ra rất hạnh phúc được đứng trong đội ngũ nữ nhà văn bởi chị đã có phương tiện, công cụ để nói lên tiếng nói của đời, cất lên tiếng nói của trái tim mà ngoài trang viết ra chị khó có thể nói ngoài thực tế đời sống.
Còn nhà văn Y Ban tại buổi giao lưu chia sẻ về ngôi nhà nhiều nắng ven sông Hồng với vô vàn những đàn đom đóm dập dờn bay quanh của mình. Chính ngôi nhà đó là nơi tạo ra rất nhiều cảm hứng, và là khung cảnh trong một số cuốn tiểu thuyết của chị. Là người có bề dày sáng tác theo Y Ban trong xã hội mới các nhà văn phải đối diện với 2 vấn đề. Một là họ tự mặc cho mìnhcái áo quá rộng, thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin một số người trẻ đã dễ dàng và nhanh chóng nổi tiếng với một vài sáng tác tác ngôn tình kiểu sexy, giật gân được đăng tải trên các trang mạng cá nhân. Nhưng khi vào thực tế đời sống văn học thì bị độc giả thờ ơ. Hai là nhà văn âm thầm lao động, văn chương không phải một sớm một chiều gây dựng được, nó được chưng cất theo thời gian, chỉ có những tác phẩm văn học đích thực mới đọng lại sức sống.
Về quan điểm đằng sau người đàn bà viết không phải chỉ có mình họ mà còn có cả gia đình, Y Ban cho rằng phụ nữ viết văn cũng là một cách vượt cạn tốn nhiều sinh lực. Chưa bao giờ văn chương có nhiều chất liệu viết như bây giờ, nhưng chưa bao giờ cuộc sống lại mang đến cho các nhà văn nhiều nỗi đau như thế. Tôi đã khóc rất nhiều theo những trang viết bởi chất liệu làm nên tác phẩm tôi đều lấy từ những nỗi đau thực tế. Mỗi tác phẩm ra đời cũng là mỗi lần sinh lực của tôi hao tổn, tôi không thể chọn viết những điều đẹp đẽ dễ dàng mà thờ ơ với những nỗi đau thời cuộc được. Để tác phẩm mang hơi thở cuộc sống tôi đã sống và hành sử theo nhân vật của mình, chính điều đó đã làm cho tâm hồn tôi khô cứng, lây nhiễm một số thói hư của chính các nhân vật của mình (cười).
Nguyễn Bích Lan tại buổi giao lưu tỏ ra khâm phục khả năng sắp xếp thời gian khoa học của nhà văn Phong Điệp, Bích Lan chia sẻ chị hoàn toàn chủ động trong việc sáng tác của mình bởi chị đã có cả một gia đình đứng đằng sau lo lắng và sắp xếp. Theo Bích Lan để có tác phẩm văn học chất lượng ngoài việc nhà văn có nhãn quan và khả năng trời phú còn phải có điều kiện sáng thuận lợi. Người cầm bút phải viết bằng một nghị lực và một khát khao vươn tới cái đẹp, những người có khả năng viết sẽ được sàng lọc theo thời gian chỉ có những tác phẩm văn học đích thực là còn ở lại. Bích Lan mong muốn mọi người không thiên vị mà hãy công bằng và coi trọng chị như những người viết văn bình thường khác khác vì chỉ có như vậy chị mới cố gắng phấn đấu vươn lên để có những tác phẩm có sức sống lâu bền với thời gian.
Theo Vũ Thành Duy – Văn nghệ quân đội