Trung tuần tháng 11 năm 2012, Viện Văn học có buổi tọa đàm về “Dịch thuật và tiếp cận tác phẩm Lolita”. Tất cả dịch giả và các nhà nghiên cứu có mặt đều đồng thuận rằng đây thực sự là một kho báu trong lịch sử văn chương của nhân loại. Đồng nghĩa với nó là “đường đi khó” với vô số những cái bẫy của “kiến trúc sư” Nabokov.

Một vài gợi ý có thể coi như chìa khóa để tiếp cận tác phẩm “khó vào bậc nhất nhưng cũng giá trị vào bậc nhất” mang tên Lolita.


 

Dịch Lolita như húc đầu vào đá

Là nhận định của dịch giả Dương Tường. Ông kể: với những trường đoạn khó (mà trong Lolita trường đoạn nào cũng có thể coi là khó) ông phải học thuộc lòng bản gốc. Sau đó, trong lúc đi dạo mới vừa nhẩm lại, vừa lần lần tìm mối gỡ.

Dịch giả Đào Tuấn Ảnh cũng công nhận, Nabokov khiến cho bà yêu nhưng cũng vô cùng sợ. Đã hơn bốn lần bà giở Lolita định dịch nhưng số trang chỉ dừng được đến con số 10.

Dịch giả Cao Việt Dũng cung cấp thêm: Nabokov xuất thân trong một gia đình quý tộc ở St.Petersburg. Bản thân ông thạo ba thứ tiếng: Nga, Anh và Pháp, có thể coi như một phù thủy về ngôn ngữ. Nabokov còn là một kỳ thủ ở vào đẳng cấp đỉnh cao, cũng là một nhà sưu tầm bướm kỳ cựu. Hai yếu tố này ảnh hưởng sâu sắc đến cấu trúc, sự chặt chẽ, phức tạp và cả những cái bẫy trong Lolita. Từ trước đến nay, Nabokov luôn là một nhà văn khó dịch nhất trong văn chương châu Âu.

 

Những lối vào tác phẩm

Lời khuyên của dịch giả Đào Tuấn Ảnh là độc giả hãy bám vào hơn 500 chú thích rất tỉ mỉ của dịch giả Dương Tường. Đây được coi như là những chìa khóa nhỏ có thể giúp ta “thoát hiểm” khỏi những cái bẫy mà Nabokov giăng khắp nơi.

Lý giải về chuyện Nabokov tình nguyện từ bỏ tiếng Nga (thứ tiếng mà ông có thể dễ dàng điều khiển) để dùng tiếng Anh viết Lolita chính là với đối tượng nào, đề tài gì thì sáng tác bằng thứ tiếng ấy. Trong Lolita chính là cuộc xung đột giữa các giá trị văn hóa hàn lâm mà đại diện là Humbert với nền văn hóa đại chúng mà biểu tượng là Lolita. Nói rộng ra, đây là cuộc chiến giữa hai tầng văn hóa, giữa hiện đại và hậu hiện đại.

Nói thêm của dịch giả Dương Tường: văn Nabokov không “dĩ tải đạo”. Văn chương đơn thuần chỉ là văn chương. Chữ là trước hết, Nabokov chỉ thờ “ngôi lời”. Chữ là nguyên liệu để vùng vẫy, để Nabokov nhảy cuồng trong đó, giống như con cá vùng vẫy trong nước. Nabokov không lớn ở tầm tư tưởng, ông lớn ở chữ. Cả tác phẩm Lolita là một cuộc chơi chữ không ngừng nghỉ. Đơn giản nhất là tên những nhân vật cũng đã là một sự đắn đo và quằn quại của Nabokov. Ông cũng khuyên những người muốn nghiên cứu kỹ về Lolita thì đọc bằng mắt thôi chưa đủ, phải nghe Lolita do chính Nabokov thu âm mới cảm được hết cái thú vị của trò chơi chữ.

Dịch giả Cao Việt Dũng cảnh báo những người đọc Lolita nếu lơ là thì hiểu được một tầng nghĩa đã là may.

 

Thông tin thêm về Lolita

Thạc sĩ Đỗ Thị Hường cho rằng, “tính Nga” trong Lolita chính là sự tiếp nối của tính nữ cứu rỗi thế giới trong văn học Nga. Ở đây là Lolita cứu rỗi linh hồn Humbert. Cô cung cấp thêm: trước khi Lolita của Nabokov xuất hiện, đã từng có một tác phẩm cùng tên của một nhà văn người Đức. Tuy nhiên, bản thân Nabokov chưa từng thừa nhận ông bị ảnh hưởng từ tác phẩm này.

Lolita được viết đầu tiên bằng tiếng Anh. Sau đó, chính tác giả tự dịch nó sang tiếng Nga. Đây được đánh giá là lần sáng tạo thứ hai của Nabokov khiến Lolita trở thành một Lolita khác.

Bàn về ảnh hưởng của Lolita đối với các nước phương Đông, mà ví dụ là Trung Quốc, nghiên cứu sinh Quách Thu Hiền thống kê: đa số người tiếp cận Lolita là nữ giới, từ 13 tuổi trở lên. Và họ không đọc Lolita để thưởng thức một bữa tiệc ngôn từ. Họ bị kích động bởi khoái cảm cấm kỵ trong câu chuyện tình loạn luân giữa Humbert và Lolita. Rất nhiều tác phẩm á văn học, phi chủ lưu ra đời sau này đã lấy cảm hứng từ câu chuyện của Humbert và Lolita.

Lolita mặc dù được coi là tuyệt phẩm nhưng đã có một mở đầu vô cùng khó khăn. Bốn nhà xuất bản ở Mỹ đã từ chối in cuốn này. Lần đầu tiên xuất hiện của Lolita là tại một nhà xuất bản chuyên in truyện khiêu dâm ở Pháp.

Nguồn: Toquoc