Nhà văn Võ Thị Xuân Hà
1. Cũng như bao nhà văn nước Việt khác, tôi luôn tin rằng một ngày không xa sách Việt, tác phẩm văn học Việt sẽ không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.
Tuy nhiên, để đến được viễn cảnh ngập tràn hạnh phúc ấy, chúng tôi biết mình phải hành động.
Nhưng hành động như thế nào?
Tôi trong số ít nhà văn chủ động mở công ty xuất bản sách. Công ty Truyền thông Hà Thế (nay đã phải chuyển đổi thành Công ty Văn hóa và Dịch vụ Thiên Đức) một thời ghi dấu ấn, in toàn sách văn học có giá trị của các nhà văn trong nước như Y Ban, Thùy Dương, Tạ Duy Anh, Lê Minh, Nguyễn Khoa Đăng, Nam Ninh, Tô Đức Chiêu, Cao Tiến Lê… Các nhà văn hải ngoại biết đến công ty tôi đã gửi tác phẩm về in trong nước cũng khá nhiều. Trong số đó phải kể đến tiểu thuyết Người trăm năm cũ của Hoàng Khởi Phong, Nàng Công nữ Ngọc Vạn của Ngô Viết Trọng… Có những tác phẩm được giải như tập truyện ngắn Dị hương của Sương Nguyệt Minh. Nhiều tác giả trẻ được tôi chọn in, người thành tên tuổi trong làng văn, được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Người được giải, người có sách bán chạy trên thị trường. Như bộ sách sáu cuốn của tác giả Hồng Sakura, mà nổi nhất là cuốn Xu Xu đừng khóc.
Tôi mở trang web http://tonvinhvanhoadoc.vn, âm thầm bỏ tiền túi nuôi trang, giữ trang hàng chục năm nay để phát triển và Tôn vinh Văn hóa Đọc, trong đó chủ yếu là văn học Việt Nam được giới thiệu đậm đặc, trang trọng. Qua trang web, tôi biết rất đông bạn đọc vẫn theo dõi và dành tình cảm yêu mến với văn học nước nhà.
Nhưng sách văn học Việt thì, đáng buồn thay, đã dần dần mất vị thế trên thị trường sách Việt.
Việc mở cửa giao thương đã thúc đẩy nhiều nhà sách lao vào cuộc chạy đua trong việc mua hoặc xin bản quyền sách dịch. Những ý tưởng mới. Những cách suy nghĩ khác biệt ùa đến, hòa nhập rất nhanh vào con tim khối óc những tâm hồn Việt trẻ. Dường như họ được giải phóng khỏi những quan niệm, những đường biên mang đậm hình bóng lũy tre xanh của làng quê Việt hay hình ảnh mái ngói nhấp nhô đô thị phố Phái… Các công ty mua bản quyền sách dịch tổ chức nhóm dịch thô, rồi nhanh chóng chuyển bản dịch thô đó cho một nhóm biên tập nào đó vừa mới rời ghế đại học. Dịch giả vô danh nhiều nhan nhản. Không còn khái niệm dịch giả là người sáng tạo thứ hai nữa. Nhưng chính lối hành văn dịch xuôi ảnh hưởng lối văn nói, văn mạng của thời công nghệ @ đó đã khiến cho giới trẻ ào đi tìm mua các cuốn sách dịch được truyền thông khá bài bản, khá rầm rộ.
Việc bán giấy phép dễ dàng tràn lan của các nhà xuất bản cũng là một nguyên nhân góp phần khiến uy tín tác phẩm Việt giảm dần. Nhiều người cứ có tiền là tự in, tự xin giấy phép. Chỉ cần bỏ ra khoản tiền không lớn, từ một đến ba triệu đồng là có được một giấy phép xuất bản. Rồi toàn bộ quy trình, từ dàn trang, làm bìa đến in ấn đã có rất nhiều công ty xuất bản tư nhân sẵn sàng hỗ trợ. Cùng với việc truyền thông ồ ạt bằng mọi phương tiện, nhiều tác giả nổi tiếng trên thị trường sách là do được quảng bá bằng nhiều chiêu trò, trong khi tác phẩm của họ chưa đủ độ sâu sắc, không có hành văn độc đáo mới lạ, lổn nhổn câu chữ học mót bên ngoài.
Độc giả bị lạc hướng, không biết đâu là tác phẩm văn học hay, chất lượng. Bởi nhiều khi họ vớ phải những cuốn sách mà sau khi đọc xong liền tự nhủ: viết như thế này thì mình cũng làm được!
Số phận sách văn học trong nước trở nên hiu hắt, dần bị bỏ rơi. Các tập tiểu thuyết, truyện ngắn còn nhúc nhắc bán được; các nhà thơ in thơ hầu như chỉ để tặng bạn bè.
Công nghệ thông tin phát triển, như một hiệu ứng cộng hưởng, người ta có thể tìm đọc rất nhiều sách điện tử trên mạng. Rồi cả thập niên qua, kinh tế đất nước gặp lúc khó khăn. Các cơ quan công sở, nhà nhà tiết kiệm chi tiêu, mà tiết kiệm đầu tiên là giảm thiểu đặt mua báo chí, giảm thiểu mua sách. Các hội chợ sách vẫn rất đông người đến tìm chọn mua sách. Nhưng thứ mà phần đông giới trẻ tìm mua lại là những cuốn cẩm nang dạy làm giàu, dạy cách kinh doanh, cách quản lý, nghệ thuật đắc nhân tâm… Mà những cuốn đó, đa số cũng là sách dịch.
2. Hồi đầu năm nay, tôi đã từng được “trời thương”, khi đưa ý định bán sách cân lên trang Facebook cá nhân để than thở cho vơi bớt nỗi buồn của người làm xuất bản tâm huyết đang lâm vào cảnh trớ trêu. Ngay lập tức, hàng loạt trang mạng cá nhân đã xúc động chia sẻ câu chuyện buồn này của tôi. Chỉ trong vòng vài tiếng, cả cộng đồng người yêu sách rung động. Họ kéo đến công ty tôi khá đông để chọn mua những cuốn sách được giảm đến 70%. Đó là món quà vô giá trong đời một nhà văn làm công việc xuất bản sách như tôi. Dù chỉ thu lại được 30% số vốn ít ỏi, nhưng tôi nhận ra: bạn đọc thực sự chưa bao giờ quay lưng với sách Việt. Lý do chính là bởi họ không còn tin vào chất lượng sản phẩm sách Việt tràn lan trên thị trường. Nay sách do một nhà văn như tôi phát ra tín hiệu cần bạn đọc, nên họ đã tin tưởng mà tìm đến.
Tháng trước, giám đốc một công ty sách tên tuổi trong làng xuất bản gọi điện cho tôi, với một giọng băn khoăn tiếc nuối, rằng không hiểu chỗ tôi còn bán được loại sách giảm tới 70% trên giá bìa không? Nếu còn, họ sẽ giao cho tôi, tỷ lệ giảm lên tới 80% để đỡ phải bán cân.
Thế nhưng, tôi đành lắc đầu vì dù được độc giả mua ủng hộ một số lượng lớn, sách tồn kho của công ty tôi vẫn còn chất cao đến cả chục tấn. Cám cảnh, cho bạn và cho cả chính mình, tôi cay đắng hỏi: Bán được bao nhiêu một cân? Kết quả, công ty bạn bán tới hơn hai mươi tấn sách, với mức giá bèo bọt, 10 nghìn đồng một cân. Nhóm cân sách chạy qua chỗ tôi để xem loại sách gì, có thể mua để tiêu thụ tại hội chợ không. Tôi giới thiệu: “Sách của chúng tôi vừa tuyển chọn tác giả – tác phẩm kỹ lưỡng, đặt chất lượng lên hàng đầu, vừa rất sạch (số lỗi morat thấp nhất), lại đẹp nhã nhặn, sang trọng chứ không hầm hố hay lòe loẹt điểm trang bằng dập bìa nổi, chữ nhũ”…
Thế nhưng, sau khi xem xét kỹ lưỡng, họ ái ngại lắc đầu: “Sản phẩm của công ty bên kia đa phần là sách dịch, in giấy đẹp, bìa bắt mắt. Sách của bên chị toàn văn học trong nước, lại đa số là thể loại truyện ngắn, khó bán lắm. Trả rẻ thì lại mang tiếng với chị”. Tôi hiểu ngay vấn đề. Thôi thì để giữ gìn sự tự trọng cần thiết cho sách Việt, tôi chọn cách tặng lại toàn bộ số sách đó cho các thư viện vùng sâu vùng xa, các thư viện gia đình, các tác giả trẻ khó khăn. Họ vẫn rất cần những tác phẩm văn học Việt chất lượng mà thị trường không công bằng của Việt Nam hiện nay đang hững hờ, ngoảnh mặt.
Có thể nói, những thách thức mà người làm xuất bản sách như chúng tôi đang đối mặt hiện thời hầu như chưa tìm ra lối thoát. Hàng loạt các công ty xuất bản đang phải tìm kiếm nguồn thu từ những công việc khác cho nhân viên. Hàng loạt công ty xuất bản vỡ, phải chuyển đổi. Người nào còn trụ được, thì có thể nhờ nguồn vốn lớn, hoặc phải đặt sổ đỏ nhà đất để thế chấp vay ngân hàng, hoặc có được mối quan hệ thân thiết với các nhà xuất bản nước ngoài, nhờ đó dễ dàng mua, thậm chí được cho – tặng bản quyền để in sách dịch.
Khó khăn của những nhà văn đích thực, những nhà văn tâm huyết với sự nghiệp văn chương nước nhà là chồng chất. Nhưng điều căn bản, tôi nghĩ môi trường tốt cho nhà văn Việt là độc giả Việt, động lực giúp các nhà văn Việt sáng tạo cũng là độc giả Việt. Chúng tôi không thể đổ lỗi cho ai ngoài chính mình.
Và chúng tôi vẫn đang hành động để lấy lại vị thế cho văn học Việt, góp phần xây dựng nền văn hóa dân tộc, xây dựng tâm hồn và lối sống Việt.
Một thời điểm không xa, chắc chắn độc giả Việt sẽ nhận ra vẻ đẹp tinh túy thuần Việt trong những dòng chữ được chắt lọc từ ngòi bút và trí tuệ nhà văn – do chính họ sinh ra và nuôi dưỡng. Sách Việt sau thời gian dao động sẽ trở lại vị thế, như nó vốn có và xứng đáng có. Mong thế. Và cũng hy vọng thế.
Xót xa, cám cảnh cho sách là cảm giác chung của người trong giới lẫn số đông độc giả khi đọc được mẩu tin nóng hổi tính thời sự có tựa đề “25 tấn sách tại Lẩu sách cuối năm”, trong đó quảng cáo hình thức tiêu thụ sách mới toanh của một công ty, bán theo cân, đồng giá 88 nghìn đồng. Khá nhiều người yêu văn hóa đọc thấy sốc, khi lời mời gọi này quy sách về một khái niệm “món lẩu” khá trần tục. Cũng bởi rất ít người biết tới câu chuyện phải ngậm ngùi bán sách theo cân của nhiều đơn vị xuất bản khá uy tín đã tồn tại lâu nay. Để thu hồi vốn được chút nào hay chút ấy, để giải phóng kho chứa, để đỡ nhói lòng khi nhìn những bao bì sách còn thơm mùi mực in, giấy mới chịu cảnh nằm phủ bụi từ ngày này sang tháng khác.
Theo Nhân dân hàng tháng
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài