Nhà xuất bản Kim Đồng, một trong số các NXB đủ điều kiện hoạt động

Trong hai ngày 16 – 17.7, Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ TT&TT và Hội Xuất bản VN phối hợp tổ chức Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2015. Chỉ còn hơn 1 tháng là đến thời hạn cuối để các cơ quan chủ quản NXB thực hiện thủ tục đề nghị cấp đổi giấy phép thành lập NXB trực thuộc, chỉ mới có 24 NXB đảm bảo đủ điều kiện hoạt động.

Xuất bản phẩm tăng 123% so với cùng kỳ 2014

Năm 2015 là dịp kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn của cả nước, đem đến một thuận lợi không nhỏ cho ngành xuất bản. Theo đăng ký xuất bản, các NXB dự kiến xuất bản 48.035 cuốn sách và thực tế Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ TT&TT xác nhận đã có 46.577 cuốn được xuất bản, phát hành. So với cùng kỳ năm 2014, số lượng xuất bản phẩm tăng 123%. Đấy thực sự là một con số ấn tượng trong bối cảnh văn hóa đọc bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như sự phát triển của mạng Internet… Về nội dung xuất bản phẩm, ông Chu Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết: “Nhìn chung, nội dung xuất bản phẩm của các NXB đã bám sát nhiệm vụ chính trị, văn hóa, tư tưởng, thể hiện ở việc đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc và phục vụ tốt công tác tuyên truyền đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước trên mọi lĩnh vực đời sống”.

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2014, ngành xuất bản đã ấn hành 116 xuất bản phẩm khác như tranh, ảnh, bản đồ, đĩa… với 893.000 bản và 36 tài liệu không kinh doanh với 110.000 bản. Năm 2015 cũng là năm đầu tiên Ngày sách Việt Nam được tổ chức với quy mô quốc gia… Thời gian qua, việc chấp hành và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất bản cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Dù vậy, nhiều lĩnh vực trong ngành phát hành cũng đang đứng trước những thử thách lớn. Đơn cử như lĩnh vực sách giáo dục Tiếng Anh đang bị sự cạnh tranh lớn của các đơn vị phát hành sách nước ngoài. Hay trong lĩnh vực nông nghiệp, cẩm nang kỹ năng cuộc sống thuộc nhiều chuyên ngành… xuất bản phẩm nội chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc…

Trong bối cảnh đó, hơn bao giờ hết ngành xuất bản đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao. Ông Phạm Minh Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát hành Fahasa nhìn nhận: “Thị trường sách đang phát triển tốt nhưng đòi hỏi cao hơn, khắt khe hơn so với trước đây rất nhiều. Tính chuyên nghiệp, những dòng sách được đầu tư bài bản, có tính định hướng… vẫn luôn được thị trường đón nhận”. Nổi lên trong xu hướng này, các công ty truyền thông văn hóa đang khẳng định vị thế trong thị trường sách. Nhiều cuốn sách, dòng sách của các công ty truyền thông văn hóa như sách của Anpha Book, Thaiha Book… được khán giả đón nhận tích cực. Lóe lên theo đó là những sáng tác của các tác giả trẻ có sự tìm tòi, thể nghiệm mới về nội dung và phương thức thể hiện đã đem đến lối đi mới cho ngành xuất bản...

Báo động trước giờ G.

Theo dự kiến, đến hết ngày 31.8.2015 là thời hạn cuối để các cơ quan chủ quản NXB thực hiện thủ tục đề nghị Bộ TT&TT cấp đổi giấy phép thành lập NXB trực thuộc. Thế nhưng theo tổng hợp báo cáo của các cơ quan chủ quản cho thấy, trong số 63 NXB, chỉ có 24 NXB đảm bảo đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Xuất bản, Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21.11.2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản. Như vậy, hiện có tới 39 NXB không đủ điều kiện hoạt động, chiếm 61,9% do thiếu nguồn tài chính để hoạt động xuất bản, do thiếu chức danh lãnh đạo NXB, thiếu biên tập viên cơ hữu yêu cầu tối thiểu là 5 người hoặc thiếu diện tích trụ sở. Thậm chí, có đơn vị như NXB Công thương thiếu cả 3 điều kiện cần và đủ để duy trì hoạt động cơ quan xuất bản.

Ông Đỗ Quý Doãn, Chủ tịch Hội Xuất bản VN chua chát: “Tình hình ngành xuất bản nói chung chưa thoát được khó khăn. Có NXB nợ khoảng 20 tỉ thì có bán cả trụ sở, tất tật vốn liếng… chưa chắc đã đủ trả. Số đầu sách tăng nhưng lượng phát hành giảm cũng là điều đáng buồn… Vì thế, việc xác định mô hình của các NXB là doanh nghiệp hay sự nghiệp có thu… hiện nay là vấn đề tiên quyết. Bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động xuất bản và ràsoát, điều chỉnh, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này, cần sự chung sức, ra tay của các cơ quan chủ quản để cứu ngành xuất bản”. Đáng chú ý, trong các NXB hiện đang hoạt động hiện nay có 2 NXB trực thuộc SởTT&TT của địa phương quản lý là NXB Nghệ An và NXB Đồng Nai, theo các nhà quản lý cũng như giới xuất bản sách thì nhất thiết phải đưa hai NXB này trực thuộc UBND tỉnh để tiếp tục duy trì việc thành lập và hoạt động xuất bản.

Về công tác kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu, Báo cáo công tác xuất bản 6 tháng đầu năm của Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết Cục đã xử lý 74 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung của 33 NXB, yêu cầu đình chỉ phát hành để sửa chữa 50 cuốn, đình chỉ phát hành yêu cầu NXB thẩm định nội dung và có ý kiến cơ quan chủ quản 10 cuốn… Nhìn chung, các tồn tại trong ngành xuất bản những tháng đầu năm tập trung một số hạn chế cơ bản như đăng ký đề tài không phù hợp chức năng nhiệm vụ của NXB; đăng ký tên sách không phù hợp với tóm tắt nội dung sách; quảng cáo trên xuất bản phẩm cũng có nhiều tồn tại và hiện tượng nộp lưu chiểu muộn vẫn tồn tại ở nhiều NXB… Ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng ban Tuyên giáo TƯ khẳng định: “Nhìn chung ngành xuất bản đã đáp ứng được nhu cầu đọc của nhiều đối tượng độc giả. Nhưng hơn bao giờ hết ngành xuất bản cần phải nhìn thẳng, đối diện với các hạn chế, tồn tại… để hoàn thiện, phát triển ngành xuất bản”.

Theo Phúc Nghệ, Phạm Ngân – Văn hóa online