Bùi Thanh Thùy
“Chết giữa mùa hè” là cuốn sách mang nặng chủ nghĩa cá nhân đậm chất Nhật Bản, kết tinh tư tưởng lúc sinh thời của Yukio Mishima: “Sự hủy hoại một vẻ đẹp đang ở giữa đỉnh cao là cách duy nhất để giữ cho nó tồn tại vĩnh viễn”.
Yukio Mishima là nhà văn và nhà biên kịch nổi tiếng của Nhật Bản. Ông được biết đến không chỉ nhờ các tác phẩm văn chương độc đáo, mà còn qua cái chết gây chấn động: Mổ bụng tự sát ở tuổi 45. Ông để lại gia tài văn chương đồ sộ gồm 34 cuốn tiểu thuyết, 50 vở kịch, 25 tuyển tập truyện ngắn… Một vài cuốn sách của ông cũng đã được xuất bản tại Việt Nam, gần đây có tập truyện ngắn Chết giữa mùa hè và tiểu thuyết Khao khát yêu đương, đều được giới thiệu bởi công ty sách Tao Đàn.
Yukio Mishima đã nhận được nhiều giải thưởng văn chương, từng là ứng viên hàng đầu cho giải Nobel Văn học. Với văn phong tinh tế, linh hoạt, đặc trưng Nhật Bản, ông được coi là một trong những tên tuổi quan trọng trên văn đàn Nhật thế kỉ 20.
Tập truyện kết tinh tư tưởng sống cốt lõi
“Chết giữa mùa hè’ là tập truyện hơn 300 trang bao gồm 9 truyện ngắn, 2 vở kịch Nô cận đại, những bài giới thiệu về Mishima và quá trình sáng tác của ông. Các truyện ngắn gồm: Ưu quốc, Đôi cánh, Dì Haruko, Onnagata, Chết giữa mùa hè, Hồn bướm, Chim công, Mối tình của vị cao tăng chùa Shiga, Bồn phun nước giữa cơn mưa… Hai vở kịch Nô được trích trong cuốn sách là Nàng Aoi và Đạo thành tự. Những tư liệu ấy đã tạm đủ để cho độc giả hiểu về lý tưởng sống, nhân sinh và thế giới quan của Mishima.
Yukio Mishima là một văn tài đặc biệt, “một sự tồn tại hãn hữu giữa lòng văn học Nhật Bản”. Ông yêu nước Nhật thời trước chiến tranh và hoài vọng các giá trị truyền thống với lòng ưu quốc nồng nhiệt. Nhưng với lý tưởng tôn quân bảo hoàng cùng tư tưởng cực đoan cá nhân, Mishima Yukio là một tác giả dễ gây tranh cãi.
Mishima là một người luôn bị ám ảnh bởi cái chết. Ông gợi đến cái chết rất nhiều trong các sáng tác của mình. Nhưng, qua tập truyện ngắn này, ta có thể thấy rằng cái chết chỉ là một phần của cuộc sống và, thực chất, cái chết chính là một cột mốc đánh dấu đỉnh cao trong sự thiết tha của con người đối với cõi đời.
Có thể thấy, các cốt truyện của Mishima không có cái kết, cũng không chứa bất kỳ mâu thuẫn nào đáng kể. Câu văn của ông thường không phức tạp, cũng không ẩn ý đạo lý. Cuốn sách mang lại cho độc giả một cảm thức và sự thẩm thấu về nỗi buồn, cái chết, tình yêu mà ông đã gửi gắm qua những câu chữ rất đỗi tài hoa.
Gắn cái đẹp với sự tàn bạo và hủy diệt
Sinh thời, Yukio Mishima cho rằng: “Sự hủy hoại một vẻ đẹp đang ở giữa đỉnh cao là cách duy nhất để giữ cho nó tồn tại vĩnh viễn”.
Ông viết về cái chết – Những cái chết diễn ra khi sự sống và cái đẹp đang ở trong thời kì mới bắt đầu, hoặc vừa nở rộ. Mishima không chỉ quan tâm cái chết trên thân xác, với ông, cái chết cũng có thể có thể diễn ra từ trong tâm, chết do những lý tưởng và đam mê bị sụp đổ. Có lúc, cái chết được ông miêu tả vừa đẹp vừa dữ dội như trong “Ưu quốc”. Ông đã gợi nhắc đến Seppuku, thuật mổ bụng tự sát đại diện cho tinh thần võ sĩ đạo. Ám ảnh và bi tráng, cái chết ấy diễn ra tuyệt đẹp trong máu và tình yêu, chết vì niềm tự tôn ái quốc.
Nhưng cũng có lúc, cái chết lại trần trụi, “nhẹ như cánh hoa anh đào” như trong “Chết giữa mùa hè”, rằng “Cả nhà giờ đã quen với cái chết, và cũng như những ai đã quen với một tật xấu, họ bắt đầu cảm thấy mình không còn phải e dè gì đối với cuộc sống nữa”. Hoặc đôi khi, sự chết chóc ở đây chính là sự thất vọng cùng cực, như trong “Chim công”, hoặc một cái chết như một sự giải thoát và giác ngộ trong “Mối tình của vị cao tăng chùa Shiga”.
Văn chương của Mishima mềm mại, tinh tế, kết hợp ngôn ngữ và văn phong đặc trưng Nhật Bản cùng kết cấu Tây phương, pha trộn giữa truyền thống lẫn hiện đại. Tất cả những kết hợp ấy đã tạo cho các tác phẩm của ông một vẻ đẹp hoàn mỹ, khiêm nhường rất Nhật.
Đọc Mishima, một tác giả độc lập, không chạy theo thời cuộc, đa tài và kiêu hãnh. “Chết giữa mùa hè” của Tao Đàn kết tinh phong cách và tư tưởng của ông, cũng thể hiện một cái nhìn khác về tình yêu, tình dục, con người, cuộc sống này. Với ‘Chết giữa mùa hè”, Mishima đã dẫn ta đi một cách êm ái giữa vẻ đẹp và sự bạo tàn, giữa ý niệm chênh vênh về sự sống và cái chết.
Với gia tài sáng tác đồ sộ để lại, chúng ta đều phải công nhận rằng Mishima mãi mãi là một tài năng văn chương đặc biệt không những ở giữa lòng văn học Nhật Bản mà cả trong văn học thế giới.
Hồng Nhung đăng bài