Ông Phong đội chiếc mũ bê rê, tay xách máy vi tính rảo bước ra gara xe. Bà Cúc, vợ ông, gọi với theo:  
– Lại không cơm chiều sao ông?

Xe lăn bánh, mấy lời của bà không chạm được vào khói của xe nhả ra, nó rơi lịch bịch trước cửa. Bà Cúc ê chề nhìn nó, quẳng bó rau ngót đang cầm trên tay lên mặt trên của tủ lạnh, mớ tôm định nấu canh bà đã dặn mấy người kéo tôm sông từ hôm qua đang búng lên trong chiếc thau nhựa một cách vô duyên.

Bà lau nhà, miết cây lau xuống, không còn bất kì vết nhơ nào lưu lại, một sự sạch sẽ bóng loáng đến trượt ngã. Bà nằm sõng soài bởi vệt nước chưa kịp khô ở cuối giường ngủ, không đau lắm, nhưng không muốn dậy, bà ứa nước mắt, chúng lăn xuống, ướt tóc, thấm xuống sàn. Bà muốn gọi Ngọc, con gái bà, ở phòng bên đỡ bà dậy như một cái cớ để đánh động ông Phong trở về nhưng rồi lại thôi, bà chưa từng làm thế và tại sao bây giờ phải làm thế? Vả lại cánh cửa phòng Ngọc luôn khép kín chẳng ai có thể gọi cho đến khi tự nó mở ra. Bà định vịn giường đứng dậy, dù sao vẫn phải nấu cơm chiều cho hai mẹ con nhưng bà không muốn, bà nằm im đó thiếp ngủ. Vệt loang của nước lau nhà và nước mắt trộn lẫn, khô dần….

2.

Ba mẹ Phong nhìn thấy Cúc trong một buổi dạ tiệc. Đó là một buổi tiệc sinh nhật của ông Lữ Kim, một chủ hãng vải lớn ở Chợ Lớn. Ba mẹ Cúc là chủ hãng gỗ có tiếng, còn ba mẹ Phong là giáo sư ở một trường đại học, cả hai đều là bạn của gia đình ông Lữ Kim. Họ gặp nhau, nói vài ba câu chuyện và có vẻ hợp. Ít lâu sau đó ba mẹ Phong đến thăm nhà. Lần đó có Phong, anh lặng im nghe tiếng vĩ cầm của Cúc. Ánh mắt anh nhìn đi đâu đó, xa xăm, buồn phiền. Ba hỏi Cúc có ưng Phong không? Ông bà Lê Công có ý dạm hỏi. Cúc thưa ba cho Cúc thêm thời gian, mới gặp lần đầu, Cúc chưa rõ lòng mình.

Cúc ngắm Phong qua sợi dây vĩ cầm run rẩy, người ta có nói gì với Cúc đâu mà ba biểu Cúc ưng hay không?  Mẹ nói tình yêu nó mơ hồ lắm, Phong học hành ở nước ngoài, chắc văn minh. Cuộc hôn nhân truyền thống của những người đàn bà Lạc Việt luôn cõng trên lưng mình hai chữ chịu đựng.

Vừa cạn tuần trăng mật, mẹ chồng Cúc xin mượn của hồi môn của con dâu và mượn luôn số vàng vòng nhẫn cưới bà tặng con dâu ngày cưới:

– Ba hùn vốn làm ăn với người ta. Phá sản, mất hết rồi. Cả cái nhà này cũng cầm cố. Con cứu gia đình…

Cái sứ mệnh cao cả mà Cúc được trao đã lột sạch những món tài sản cuối cùng và vụn vặt nhất mà Cúc có. Mẹ chải tóc cho Cúc, nước mắt rơi thấm mấy lọn tóc mai. Cúc nói không sao mà. Người ta là dân trí thức không rành mấy chuyện buôn bán nên mới có chuyện, chứ có khó khăn khổ sở gì đâu mà mẹ lo. Mẹ lo chứ sao không lo. Mới cưới đã vầy… Cúc đưa tay miết những nét nhăn trán mẹ. Phong thương con thiệt mà. Mẹ cầm tay Cúc hỏi bộ móng tay dài mẹ thường tỉa tót cho Cúc sao cụt lủn thế này, mấy vết chai này tại là làm sao? Đôi tay con gái mẹ chỉ kéo vĩ cầm và cắm hoa thôi nhưng sao các vết xước cứ kéo dài dọc ngang? Người làm đâu mà con đi chợ? Lấy nhau hơn năm rồi sao không thấy có bầu? Con ổn mà. Mọi việc đang rất tốt. Mẹ đừng lo, đừng khóc để con về bên ấy…

Cúc về, sáng còn sớm, ông giáo sư ung dung tỉa tót mấy cây cảnh ngoài hiên, bà giáo sư đang lục tìm cái gì đó trong đống sách cũ. Phong đã đi làm từ trước khi Cúc đi chợ. Cúc bắt đầu với vũ điệu của chổi và cây lau nhà. Bà giáo sư nói Cúc đừng nhọc nhằn quá như thế. Một tuần lau một lần thôi. Mỗi ngày quét là được. Cúc thưa xin mẹ hãy để con làm, những việc này cũng nhẹ nhàng. Mẹ chồng nói cả nhà ơn con. Không phải cưới con về để đày ải con đâu. Nhà có chuyện, phải cho chị giúp việc nghỉ, Phong bỏ dở việc du học về nước đi làm.

Cúc cười như khóc. Cúc có quyền gì đâu. Kể cả quyền làm vợ. Cúc đã cố dời Phong từ góc buồng lên giường ngủ. Nhiều lần, cô chờ Phong làm việc xong, đã nửa đêm, cô đi tắm, phủ nước hoa, trang điểm một chút, quàng trên người một tấm khăn lụa mỏng. Anh cũng hăng say và cuồng nhiệt, cô ngỡ mình đã khiến chồng yêu, dù bằng cách nào cũng được, nhưng luôn luôn lúc cơn sóng kia dồn dập và nâng cô lên đến đỉnh cao rực rỡ của ái tình mê đắm, Phong tỉnh táo phun lên tường những luồng nham thạch tàn nhẫn và vô cảm. Cô van xin Phong hãy cho cô có cơ hội có con. Cô quỳ trên giường ngủ, Phong khi ấy, cơn mệt kéo đến, anh để mặc Cúc, phủ chăn qua người nằm ngủ. Cúc vào nhà tắm, cô giặt khăn thơm, lau những vết trên tường, cô ôm lấy nó và khóc…

Cúc mở tung mọi cánh cửa, cô tháo rèm cửa và giặt giũ chúng mỗi tuần, cô sợ và ghét bụi, cô luồn vào từng ngóc ngách xua đuổi chúng ra khỏi bốn tầng lầu, cô rượt đuổi chúng cho đến khi cả người cô cơ hồ nhuốm một lớp bụi dầy. Cô tắm, mái tóc dài rên xiết trong nước, cơ thể cô nước cọ xát, mơn trớn, xoa dịu rồi đổ xuống xối xả. Những tia nước bị bóp mạnh tung ra bắn vào Cúc. Dây thần kinh cô căng ra rồi giãn dần. Ít nhất với nước, cô không bị từ chối, cô có thể thuần phục, điều khiển nó. Cuộc truy hoan với nước chỉ dừng lại khi Cúc khóc. Cúc bước ra, thơm tho và sạch sẽ. Cô tiếp tục ướp mình với mắm muối nhà chồng để hoàn thành bữa cơm chỉ có tiếng lách cách của chén muỗng, tuyệt nhiên không có tiếng người.

3.

Ông Phong bước vào quán, cô tiếp viên đón vị khách quen niềm nở, không cần hỏi, cô mang đến một tách café và một chiếc bánh quy. Ông ngả mình trên sofa, nơi ông ngồi hướng ra sông Sài Gòn, phía cửa sổ nhô lên từ vòm xanh màu tím hoa bằng lăng nhưng nhức. Ông mở laptop chờ đời một bức vào đúng 15 giờ của Tâm Nhiên. Nó giống như một sự cứu rỗi cho một tâm hồn hấp hối có cơ hội sống sót. Mà ở tuổi hơn 60 người ta dễ chết vì cô đơn hơn là bệnh liên quan đến huyết áp và tim mạch.

Đó là cuộc gặp gỡ kì lạ. Khi ông nhận được một bức email đi lạc. Sẽ không có gì đặc biệt nếu cái tên người gởi kia không quá giống với tên người yêu cũ của ông, chỉ là đảo thứ tự, Nhiên Tâm – Tâm Nhiên. Ông mở email: “Tôi một cô gái 20 tuổi đi tìm người yêu. Hình hài như thế nào tôi không biết được. Tôi gởi những bức email vu vơ vào những địa chỉ bất kì tôi bắt gặp. Một tâm hồn cô đơn cần được bù đắp bởi một tâm hồn cô đơn khác. Tâm Nhiên”. Ngớ ngẩn và trẻ con. Lướt qua. Trở lại. Ông trả lời: “Tôi. Một ông già cô đơn, 60 tuổi. Chắc không hợp với một bé gái như cô”. Đó là một sự khởi đầu đầy quyến rũ của một mối quan hệ phức tạp.

Ông kể cho cô nghe những cơn ám ảnh không biết từ đâu kéo về, về những cuộc thử nghiệm bất thành của ông giáo sư lên chính con trai mình, về sự cô độc và nỗi ô nhục trong cảm giác khi đối mặt với vợ, về cô con gái duy nhất luôn xa lánh ba mình. Màn tự khai của ông Phong hân hoan đến mức ông thấy lòng nhẹ bẫng. Như một thứ gây nghiện, ông Phong không thể tách rời những bức email vào mỗi chiều thứ bảy. Tâm Nhiên luồn vào tâm hồn ông và dạo chơi ở đó, cô tinh nghịch nhún nhẩy và rung lên những sợi cảm giác ngủ quên từ lâu. Cô bật chúng lên, cọ rửa chúng, khiến chúng trở nên mới mẻ.

Vào tháng thứ 9 của cuộc tình, Tâm Nhiên đồng ý gặp mặt với một điều kiện ông Phong phải phân chia tài sản với vợ và cô không chịu trách nhiệm gì với cuộc đời của đứa con gái đã 25 tuổi. Không đùa với cuộc đời mình được – Tâm Nhiên nói. Đầu óc ông như vỡ ra, cô gái tinh thần thánh thiện của ông cũng trần trụi như thế. Nhưng Tâm Nhiên không sai, chỉ là ông không thể. Ông nói rằng ông chỉ có một ít tài sản riêng nhưng không đáng kể, tất cả mọi thứ là của vợ ông, ông không thể lấy đi của bà Cúc dù chỉ là một cái chén. Sau lời từ chối ấy, Tâm Nhiên không biến mất, dù cuộc thỏa thuận kia bất thành. Những thứ bảy lại tiếp tục, bình yên như ru.

15h30p tín hiệu email Tâm Nhiên.

15h38p. Cô nhân viên đứng gần đó thấy ông khách quen hai tay ôm lấy đầu gục xuống bàn phím. Chiếc bàn lay mạnh, ly café rơi xuống, vỡ, café bắn tung tóe, chiếc bánh quy lăn theo một đường xiên chéo rồi nằm xuống. Cô hốt hoảng kêu lên, vài người chạy lại. Ông ngẩng lên, xua tay bảo ông không sao cả, hãy mang cho ông một lý café mới. Đừng hỏi gì thêm nữa, người ta không thể chết vì một bức email, ông lảm nhảm…

4.

Ông bà Lê Công thú nhận với con trai họ sắp mất nhà bởi một cuộc làm ăn mạo hiểm. Lê Phong cay đắng hỏi tại sao ba mẹ không yên ổn với công việc nghiên cứu và giảng dạy ở trường đại học. Phong nói Tâm, người yêu anh, hãy về nước cùng anh, họ sẽ cưới nhau nhưng Tâm không muốn về Việt Nam. Sài Gòn sau giải phóng vẫn còn biến động, Sài Gòn run rẩy và nhiều nguy hiểm, cô muốn ở lại Úc. Phong cố thuyết phục Tâm rằng chiến tranh, bom đạn không chạm đến Sài Gòn, thành phố miễn nhiễm khỏi những cuộc chiến. Anh yêu Tâm nhưng anh không thể ở lại, ba mẹ anh đã già. Tâm bảo anh hãy đón ba mẹ sang, gia đình cô sẽ bảo lãnh. Ông bà Lê Công không muốn điều ấy, những ngày tháng cuối đời ông bà không thể là kẻ lưu vong.

Mặc nhiên anh cho Cúc là nguyên nhân cho tất cả sự chia lìa giữa anh và Tâm. Anh nhớ Tâm mỗi đêm, anh ôm ấp hình bóng ấy và nuôi dưỡng Tâm trong lòng như một cách để phản kháng tình cảm của Cúc. Ba hỏi tại sao anh phải làm như thế? Tàn phá chính mình hay đó là cách trả thù tinh vi của con đối với ba mẹ? Phong lắc đầu. Giáo sư đặt tay lên vai con trai và bảo rằng hãy để những vấn đề tâm lý ấy cho ông giải quyết.

– Không, thưa ba, con ổn. Con không muốn trở thành đối tượng nghiên cứu của ba.

Giáo sư lao ánh nhìn bất lực về phía con trai. Phong lạnh, khô như vụn gió gẫy. Cái nhìn ấy té nhào khi chạm vào ánh mắt không cảm giác của Phong. Ngay lúc ấy, anh nhìn thấy Cúc đang cố rướn mình cột chặt sợi dây thép phía cuối hành lang để treo mấy giò lan, tà áo gió lật lên cao lộ một vùng da thịt trắng ngần, gương mặt thanh tú của cô đỏ hồng lên dưới nắng. Phong đứng dậy giúp vợ. Cô quay lại mỉm cười. Cô nhờ anh lát nữa cùng cô vắt rèm cửa, nó nặng quá, mọi lần không có anh, Cúc phải để nó ráo bớt nước rồi vắt từng khúc một. Phong gật đầu, anh nhấc mấy giò lan lên treo ở dây phơi anh vừa mới mắc. Đó là lan Cattleya hồng, tím, trắng và vàng, chúng thuộc giống lan đẹp nhất trong họ Orchidaceae. Cúc nói quà của ba em mang về, hình như anh cũng thích phải không? Giáo sư Lê Công rời khỏi bàn trà và tham gia câu chuyện với Cúc. Anh cảm thấy thú vị khi khuôn miệng nhẹ nhàng của Cúc đang rất lễ phép và am hiểu thưa chuyện với ba về hoa và cây cảnh. Chỉ một lát, Cúc thưa ba và chồng cô phải giặt nốt số rèm cửa, nắng lên rồi.

Khi anh lên trên sân thượng Cúc vẫn chưa giặt xong rèm cửa, cô vén quần lên cao cho khỏi ướt, da thịt trắng thơm như hoa quỳnh, đôi chân cô nhún nhẩy trong chiếc thau lớn, những chiếc rèm cửa lớn và phủ dài trong nước hẳn rằng rất nặng. Nhưng kìa, nó uyển chuyển và ngoan ngoãn dưới đôi chân thon của Cúc. Thân hình cô đong đưa, gương mặt cô hơi ngước lên, mắt nhắm hờ, mi cong quyến rũ, thỉnh thoảng cô cúi xuống ôm một đám bọt rồi đôi tay vươn lên, nắng phản chiếu qua đám bọt lung linh sắc cầu vồng, rồi cầu vồng tan biến trên tay cô, cô khẽ lắc lư như đang khiêu vũ, bọt xà bông trắng xóa tràn lên miệng thau, nó bông lên, vài đám bọt tung ra ngoài rồi nhanh chóng biến mất, chỉ để lại nên nền xi măng một vết loang mờ.

Phong đưa tay lên trấn ngực. Cúc đẹp một cách lạ lùng. Ánh nhìn chấp chới qua mảnh cầu vồng phản chiếu. Cúc mở mắt xoay người về phía anh, vòng tay cô đưa ra như đón anh, cả gương mặt của cô phảng phất ánh sáng quyến rũ. Đầu óc anh trở nên mâu thuẫn. Phong không rõ vì sao ý nghĩ kì quái ấy bám riết lấy anh, nó thắt anh lại từng khúc và bóp chặt lấy cổ họng của anh. Hắt hủi Cúc là cách duy nhất để anh từ chối cảm giác bản thân mình bỉ ổi, rẻ tiền.

Anh thở hắt một tiếng rồi bước xuống, bỏ rơi ánh cầu vồng và những đám bọt trắng trên sân thượng. Anh nói với mẹ anh ra ngoài có lẽ trưa sẽ không về. Ba hỏi còn mấy tấm rèm đã hứa phụ vợ? Thì cô ấy vẫn tự làm được khi không có con kia mà. Anh bước nhanh như ai đuổi, cưỡi chiếc Honda 67 phóng vọt lên. Anh tấp vào một quán café nhỏ ở đường Phan Đình Phùng. Quán café duy nhất ở Sài Gòn mà anh thích kể từ sau khi trở về Việt Nam. Anh ngồi đối diện với chiếc đồng hồ Thụy Sĩ. Anh nhìn ông chủ pha café bằng chiếc vợt thiếc, gương mặt ông bình lặng, các thao tác đều chậm rãi dù quán lúc đó đã khá không. Trước mắt anh cặp tình nhân luống tuổi đang đối diện nhau. Anh đoán vậy vì thấy họ ngồi có khoảng cách, nhưng vẻ đắm đuối không giấu được dù đã rất kín đáo. Thỉnh thoảng có tiếng nấc khô, ánh mắt người đàn bà nhàu nhĩ mờ đục như để che đậy khối tình sắp vỡ ra. Anh bắt gặp họ rất nhiều lần ở ngay góc ngồi đó, thời gian bất định, có lúc sáng sớm, có khi chiều muộn, rất ít khi buổi trưa. Họ gần như không nói gì với nhau, khuôn miệng cũng không nhích lên. Họ chỉ nhìn nhau. Bao giờ cũng thế, người phụ nữ về trước, người đàn ông ngồi thêm một lát rồi về.

Sự kiêu hãnh, tự ái của con người thật man rợ. Sau ái ân nồng nhiệt, anh cười đắng ngắt, anh rũ ra bởi ý nghĩa mình đang làm tình với mớ tài sản Cúc có chứ không phải là bản thân Cúc. Vào cuối tháng 6 của cuộc hôn nhân Phong Cúc, anh nhận được một bức thư từ Úc của Tâm. Tâm đã biết Phong lấy vợ sau 2 tháng về nước, cô cũng lấy chồng sau Phong 2 tháng và đã sinh con gái. Một năm nữa cô có chuyến về Việt Nam và muốn gặp anh. Tâm luôn thế, rõ ràng và lý tính. Hôm ấy anh say, một cách rất vô cớ, anh lại cho rằng Cúc là nguyên nhân cho mọi sự. Anh đem tất cả những gì liên quan đến Tâm hỏa táng ngay dưới sân nhà. Một tiếng cười dài, đàn bà luôn tỏ ra mình bao dung và sâu sắc nhưng thực chất lại là giống loài tham lam và nông cạn bậc nhất. Ông giáo sư lảm nhảm rằng Phong cần trị liệu tâm lý. Dưới ngọn lửa, mặt Phong sậm lại, mắt nhìn trân trân ngọn lửa một cách say đắm lạ kì. Cúc đứng chờ đám cháy kia tàn xuống, nguội đi, sau đó cô quét, hốt, rửa sạch tinh tươm như thể trước đó chưa từng có đám cháy kia.

5.

Ngày còn bé, sau bữa cơm, Ngọc luôn vào phòng và khóc. Có một nỗi kinh sợ bởi bữa cơm-không-tiếng-người của gia đình, ngay cả khi ông bà nội còn sống. Ngọc sợ hãi gia đình, cô thường kiếm cớ trốn ra ngoài, nhưng cô không chơi với chúng bạn, cô thích một mình, nếu cần người để chơi cô sẽ tự mình phân vai ra thành những người vô hình không tên không tuổi nào đó. Vài lần ông nội bắt gặp Ngọc đang lảm nhảm một mình, ông đăm chiêu cố gắng nghe cuộc đối thoại. Ông nói với con trai rằng Ngọc cần sớm trị liệu, con bé có những dấu hiệu của tâm thần phân liệt. Những vết xước trên người nó ngày một sâu, nó tự cào cấu mà không biết.

– Đối với ba, ai cũng có thể trở thành bệnh nhân tâm lý và cần trị liệu. Ba đã từng ứng dụng thuyết phân tâm học của Freud để trị liệu cho con đấy thôi. Nhưng ba à, tất cả, ba hãy để nó tự nhiên đi. Ba đừng quá ám ảnh với nghề nghiệp của ba!

Giáo sư im lặng sau sự phủ nhận của con trai. Ông cũng không nói thêm nhận xét của mình về Ngọc với ai nữa. Ông dành thời gian cho Ngọc, cùng trò chuyện và tham gia những câu chuyện tưởng tượng với Ngọc. Ông xoa những vết thương trên tay Ngọc, lấy ngòi bút rạch lên tay mình đến chảy máu, Ngọc khóc thét hỏi ông làm gì ghê vậy? Ông cào mạnh thêm mấy đường, vết xước nát ra, Ngọc chụp lấy tay ông, rồi vồ lấy cây viết bẻ nó làm đôi quăng đi. Ông cười xoa đầu Ngọc nói rằng máu của ông sẽ thay thế những ám ảnh khác trong Ngọc.

Cũng không rõ vì lý do gì, cô không gần gũi được với ai hoặc chẳng ai chịu gần gũi cô. Ngay cả mẹ và ông bà ngoại. Một thứ tình thương rất kiểu cách, chăm sóc đó nhưng không phải là sự quan tâm thật sự. Thậm chí trước lúc bà ngoại mất, bà kêu Ngọc vô nói Ngọc ráng thương lấy mẹ thì Ngọc cũng không cảm nhận được Ngọc ở đâu trong lòng mọi người. Mẹ chăm Ngọc kĩ lưỡng, nhưng ít khi trò chuyện, ôm ấp. Mẹ không bao giờ mắng mỏ, nói nặng gì Ngọc nhưng tuyệt nhiên không dạy bảo khuyên nhủ điều gì. Màu sắc của địa ngục nhuộm kín ngôi nhà. Ngọc như bơi lội rã rời trong dòng sông ma quái ấy.

Không biết trong 2 tỉ con người của thế giới này có người đàn bà nào cô đơn như mẹ không? Mẹ hay đi đi lại lại lên lên xuống xuống tất cả các cầu thang trong nhà. Thỉnh thoảng nửa đêm, mẹ dậy, ngồi miết trong bếp, nơi bàn ăn. Ngày bé, Ngọc dậy uống nước, trông thấy cái bóng mờ mờ dưới ánh sáng của cây đèn ngủ, Ngọc rú lên tưởng ma. Sau này mẹ không ngồi ở nơi đó nữa, dịch chuyển ra cầu thang. Những ngày ấy ông hay lảm nhảm về việc trị liệu cho cả nhà nhưng cũng không ai quan tâm đến điều đó ngoại trừ bà nội. Bà kiên nhẫn nghe ông nói, nhẫn nại gò mình bên máy đánh chữ gõ tất cả những ý tưởng của ông mà ông vẫn gọi đó sẽ là công trình nghiên cứu vĩ đại nhất cuộc đời. Nhưng công trình ấy chưa kịp hoàn thành thì bà nội mất. Ông xuống dốc rất nhanh, sự già nua kéo đến như một cơn bão dữ. Chứng hoang tưởng hành hạ ông. Ông ngỡ ngôi nhà là giảng đường và ông say mê với các bài thuyết giảng của mình hàng giờ đồng hồ. Mẹ xót không nỡ để ông một mình với mớ ngôn ngữ cao siêu và loạn xạ nọ nên ngồi im nơi bàn, thỉnh thoảng mang cho ông cốc nước mát. Rồi ông nội cũng tỉnh táo, trong một quãng ngắn nào đó, ông cho họp gia đình lại và nói về chứng thần kinh phân liệt muộn, chứng Hallucination. Cuối cùng ông nói hãy cho ông đến bệnh viện tâm thần. Xem như ông xin, đừng ai từ chối vì đó thực là mong muốn của ông. Lần đầu tiên Ngọc thấy ba khóc, ba quỳ xuống. Còn ông quay sang cầm lấy tay mẹ nói:

– Cả đời này, con đã gánh nợ cho cả nhà và ba xin con hãy gánh nó cho trọn vẹn. Ba xin lỗi con…

Nói rồi ông Nội quỳ xuống lạy mẹ. Mẹ đứng chết trân rồi đổ sụp xuống dưới chân ông. Một tháng sau đó ông đã mất trong bệnh viện tâm thần một cách đơn độc.

Khi thường xuyên sống với những điều bất thường lâu dần những điều bất thường kia trở thành bình thường và ngược lại. Ngọc không còn khóc nữa, cũng không lo sợ rúm ró như hồi còn nhỏ khi thấy những bóng người đi đi lại lại vô hồn trong đêm. Nếu có mơ mơ màng màng trông thấy thì chắc là ai đó trong nhà mộng du, chắc ai đó không ngủ được và chắc ai đó trong số âm binh vẫn ẩn hiện trong nhà muốn kiếm người nói chuyện nên cho nhìn thấy hoặc ông bà nội hay ông bà ngoại tìm về. Ngọc nói mẹ nấu dư cơm chút đỉnh bởi nhà mình thực ra đông người lắm, bới cơm thêm vào mấy cái chén gác ngang đôi đũa mời người ta.

Đêm đó mẹ ngồi ngoài hiên, nói Ngọc đừng ở trong phòng, nói chuyện với mẹ đi. Mẹ vẫn biết Ngọc thường xuyên trò chuyện với một người đàn ông. Chắc Ngọc yêu rồi nhưng người ta có yêu Ngọc không? Điều này Ngọc phải biết, đừng như mẹ. Ngọc bảo Ngọc vừa viết bức email cuối cùng, mọi chuyện kết thúc rồi và nó sẽ tốt đẹp thôi. Mẹ dựa hẳn vào vai Ngọc, Ngọc cứ ngồi im, kể chuyện về những ngôi sao, hay là hát cũng được. Mẹ ngủ trên vai Ngọc. Trái tim 25 tuổi của Ngọc thắt lại. Nước mắt cô trào ra, cô hắt nó về một bên để bên kia mẹ ngủ yên.

6.

Giải thoát. Khi bà đã gần 60? Bà trở dậy, từ cuối góc giường ấy, vết loang đã khô và không có cái cớ nào làm bà thêm trượt ngã nữa.

Bà Cúc đứng trước cửa phòng con gõ nhẹ 3 cái. Im lặng. Bà gọi Ngọc ơi. Im lặng. Bà thấy khó thở nơi ngực, bà muốn nói với Ngọc cái điều 25 năm nay vẫn giấu con. Có thể là trút cái gánh nợ mà vô tình hay cố ý bà đã phải gánh đến gần hết đời người. Có thể bà sẽ đến một ngôi chùa nào đó hoặc bỏ đi, cũng không biết đi đâu, cứ đi triền miên rồi lạc ở một nơi nào đó, đôi chân rệu rã và gục xuống. Như những con tôm kia, búng lên cao rồi hạ trật khỏi thau rơi ra nền gạch chết cạn. Bà lên tầng 4 nhìn lên di ảnh ba mẹ chồng, hỏi ba rằng ở dưới đó ba còn nghiên cứu các liệu pháp tâm lý nào nữa hay không?

Trên kệ còn một chai rượu của ông Phong uống gần cạn. Bà đang khát. Bà mở ra uống. Mấy cọng tóc bạc trên đầu như tê rần rần ngay từ giọt rượu đầu tiên.

Lúc bấy giờ chiều đã muộn. Cửa phòng Ngọc mở, bà Cúc quay lại nhìn con, mắt con sưng mọng lên như vừa trải qua cơn vật vã. Ngọc đến, cầm lấy cây lau nhà vứt ra ngoài sân:

– Cả ngày cả đêm mẹ cứ như hồn ma ấy! Từ nay, mẹ sẽ là Người.

Ngọc với bó rau ngót, lượm mấy con tôm chết cạn lẫn mớ tôm còn sống quăng hết vào sọt rác. Cô nhìn mẹ mắt ngập nước:

– Mẹ lạnh lắm. Con không thích. Nhưng con thương mẹ. Từ nay, nếu mẹ muốn bỏ cái nhà này đi. Con sẽ đi theo mẹ.

Ơ… Bà nghe cái gì đó như mơ vậy. Nhưng Ngọc, nó đang đứng trước bà, hai tay nó đang đặt lên vai bà. Nó vẫn còn ở đây, ngôi nhà này vẫn còn người. Bà cười ngu ngơ, nhìn đứa con gái của chồng với Tâm mà bà nuôi từ khi nó chưa đầy tuổi, khi Tâm ôm con từ Úc về và trả cho Phong. Bà vịn vào vai Ngọc, không phải vì mấy giọt rượu cuối cùng dưới đáy chai mà ông Phong để lại khiến bà say, cũng chẳng hiểu lý do gì nữa, chân bà nhũn ra…

– Mình ra hiên ngồi đi con.

– Mẹ đợi ba?

– Không.

*

Đêm ấy ông Phong không về. Cũng chẳng ai thấy ông Phong trở về nữa. Mẹ con nhà ấy không xôn xao, không hoảng sợ. Vài năm sau Ngọc lấy chồng. Người ta nghe tiếng cười vọng ra từ nhà ấy, có tiếng trẻ con bi bô tập nói. Có tiếng người va vào nhau rộn rã. Không bí mật nào trong nhà ấy được tiết lộ. Nó mãi mãi đi cùng bà Cúc cho đến khi bà trút hơi thở cuối cùng vào một đêm mùa thu nhẹ nhàng:

– Chẳng còn món nợ nào con phải mang theo cả. Nhưng nếu ba con có về, thì hãy nói với ba, cả đời mẹ không biết oán hận ai… Món quà cuối cùng mẹ có thể tặng lại ba chính là con…

Ngọc vuốt mắt cho mẹ. Cô bảo với chồng hãy gói chiếc laptop cô để trên đầu tủ mang theo cho mẹ. Trong ấy có bức email cuối cùng cô viết cho người đàn ông 60 tuổi luôn ra khỏi nhà vào 14h mỗi thứ bảy: “Hơn một năm qua em yêu ông bằng cách này. Hai chúng ta an ủi nhau bằng chính nỗi cô đơn của mình. Em hạnh phúc khi ông hạnh phúc. Ông trả lời đều đặn, kiểm tra email đều đặn. Em hạnh phúc hơn nữa khi ông từ chối việc li dị người vợ già, điều kiện để gặp em và cưới em.

Ông nói em chính là người hiểu ông nhất, hiểu rất rõ tựa như em là một phần trong thân thể ông. Ông xây đắp một giấc mộng vô thường để vớt vát tâm hồn thương tật của ông. Mà vốn dĩ nó sẽ rất bình thường nếu ông không quá ám ảnh bởi những nỗi ô nhục tự ông tưởng tượng. Ông có biết vì sao em hiểu ông như tận tường gan ruột hay không? Sự thật là em đã lừa dối ông suốt hơn một năm nay để tìm hiểu lý do vì sao ông ghét bỏ bà nhà như vậy. Sự thật là ba ơi, con hiểu ba rất rõ vì con đã lớn lên bên ba 25 năm nay. Sự thật là con đang lừa dối ba một cách tàn nhẫn để hiểu rõ hơn những góc sâu nhất của trái tim một người đàn ông kinh sợ gia đình mình!”.

 


Nguồn Văn nghệ số 15/2016