Nhà thơ Chế Lan Viên (ảnh Internet)
Trái tim Chế Lan Viên là trái tim lớn có sức chứa đựng tất cả những tình cảm bình thường và cao quý nhất. Trái tim sâu nặng tình đời ấy nhạy cảm ôm ấp những đớn đau thương cảm khôn nguôi với những bất hạnh, những rủi ro, lại biết sẵn sàng sẻ chia tình yêu thương, niềm vui sướng, đón nhận những cảm xúc nhân ái rất đời, lại cũng dạt dào xúc động tự hào vì con người kiêu hãnh trên thế gian này.
Con người giàu yêu thương tình nghĩa
Hơn ai hết, từ tuổi chập chững bước vào thành niên, nhà thơ trẻ Chế Lan Viên đã biết thương thân, đã có sự thức tỉnh của tình cảm giật mình, mình lại thương mình xót xa (Kiều). Anh thương cho thân phận mình đầy xót xa, tủi nhục trong phận bèo bọt một cộng đồng “thời của thương đau”. Tuy nhiên, màu sắc xã hội đã hiện lên như một dấu ấn đặc sắc. Thương mình – thương người. Đã thấp thoáng một tâm trạng cảm thương dân tộc gửi gắm qua nỗi đau của dân Chàm vong quốc trong Điêu tàn.
Con mắt bên trong, con mắt cật vấn cứ xoáy sâu vào cõi lòng để trở thành một ám ảnh đeo bám rất lâu trong đời Chế Lan Viên. Mặc cảm xót xa về lỗi lầm quá khứ trở đi trở lại hành hạ nhà thơ, không chỉ một lần. “Dĩ vãng buồn thương mang lá cờ đen” đến quấy nhiễu hòng phá vỡ trận tuyến tâm hồn. Ánh sáng và phù sa đậm đặc những lời thơ tâm niệm như một thú nhận, lại như một lời tự nhủ, lo lắng chân thành nhưng đầy tin tưởng của một người biết ra sức chữa chạy căn bệnh tinh thần trầm kha mạn tính.
Mạch thơ tự tu – cảm nhận thương thân này như con nước ngầm vẫn cứ tuôn chảy ngay đến tận cuối dòng sông thơ Chế Lan Viên. Tuy nhiên những xót xa ân hận mỗi thời mỗi khác, trong những tình huống đã không như trước. Trái tim được thức tỉnh đã mang những cảm xúc trí tuệ hơn.
Thấy mình đồng thời thấy người: “Thương người như thể thương thân” (ca dao) càng thương mình càng thương người, càng yêu mình càng yêu người trong trải nghiệm lớn đầy ý vị triết học một đời.
Thương cảm lớn bắt đầu từ thương cảm nhỏ bé thường tình mà thiêng liêng: thương yêu người thân. Với Chế Lan Viên, từ khi vượt thoát được cái tôi nhỏ nhoi vị kỷ, nhà thơ tìm ra được ý nghĩa thật lớn lao của những niềm riêng ấy.
Tình mẹ con được khởi đầu bằng bài thơ cảm động Gửi mẹ trong vùng giặc chiếm (1952) đặc biệt là Kết nạp Đảng trên quê mẹ (Ánh sáng và phù sa). Xét kỹ, đã có sự chuyển động, biến hoá tình cảm. Mẹ đã là quê hương, mẹ đã là Đất nước. Hình bóng mẹ như đã nhập vào cờ đỏ búa liềm. Mẹ chưa là đồng chí Nhưng Đảng kỳ đây chính là của mẹ. Chính là mẹ đã giới thiệu cho con Từ buổi dạy con lòng thương ghét ban đầu. Là người sinh hạ, mẹ cũng là người nuôi dưỡng và là chỗ dựa một đời cho con. Từ thương cảm bà mẹ nghèo khổ, vất vả, đau thương, nhà thơ mở lòng đến những bà mẹ nuôi kháng chiến với nỗi nhớ trọn đời (Tiếng hát con tàu). Ngày thống nhất đất nước, Chế Lan Viên nhiều lần về thăm quê mẹ, thương nhớ khôn nguôi:
Ừ thế đó một đời xa cách mẹ
Ba mươi năm trở lại nhà,
nước mắt xuống mâm cơm
(Canh cá tràu).
Trong Di cảo thơ, người mẹ Chế Lan Viên còn xuất hiện nhiều lần như một hình ảnh có sức mạnh động viên an ủi đầy xúc động trên con đường nhà thơ vươn tới cái tận thiện, tận mỹ của nghệ thuật.
Như một tất yếu tình cảm tình thương yêu mẹ và những bà mẹ đã dẫn tới tình dân, nghĩa đồng bào. Tình cảm xã hội này đằm thắm cảm xúc cá nhân được bao trùm đến “người anh du kích” đi giết giặc với “chiếc áo nâu suốt một đời vá rách” đến “thằng em liên lạc” lầm lũi, quả cảm đi giao thông… “Mười năm tròn không mất một phong thơ”… Tiếng hát con tàu cũng mở ra một tình cảm mới lớn lao: Tình yêu làm người lạ thành người thân, làm đất lạ hoá quê hương.
Trong chiến tranh, thương cảm lớn lao nhất, thiêng liêng nhất dành cho những anh hùng, liệt sĩ, những người có tên tuổi hoặc vô danh. Đặc biệt Chế Lan Viên gợi ta lòng đồng cảm sâu xa khi dồn đau thương, tiếc nuối cho những liệt sĩ vô danh, đã lấy máu tô thắm cho lá cờ Tổ quốc, đã xả thân xây đài vinh quang Dân tộc (Ai? Tôi, Một người thường). Thăm Côn Đảo, Chế Lan Viên có những dòng thơ như thấm máu tâm hồn.
Hàng nghìn mộ cát vô danh, vô danh, vô danh
Cái hạnh phúc lớn lao là cuộc đấu tranh
Giờ lại vô danh trong nấm mồ bằng cát
Hoa dại mọc bên mồ, màu tím vô danh
(Mộ cát vô danh)
Từ Những bài thơ đánh giặc (1972) Chế Lan Viên đã bình luận và tiên đoán:
Cái cân lượng đau thương này rất lớn
Rồi đây các thế hệ sẽ đong, cân trên hạnh phúc của mình
Cao tay với một chùm quả ngon ngọt ngày mai
Thì hôm nay biết mấy máu xương đã bón.
Chiến tranh – hoà bình: “Thời ta đau và thời để thôi đau”. Nhưng giờ đây lại là thời cân lại từng giá máu. Nhìn lại chiến tranh, nhà thơ không giấu vết thương lòng, nhưng nhận rõ bản chất nhân đạo của chiến tranh giải phóng, của văn minh thắng bạo tàn, và đó chính là lòng nhân ái Chế Lan Viên.
Ý thức nhân văn nhà thơ lại sáng lên trong cảm thương dân tộc trong cả đời thơ. Dân tộc Việt Nam cực kỳ nhân hậu nhưng phải trải qua hàng nghìn năm trận mạc giao tranh, mắt cảnh giác, tay cầm chắc vũ khí – thanh gươm và khẩu súng, chông tre và tên lửa. Hiếm có dân tộc nào có vị trí địa – chính trị quan trọng, từng phải đối đầu với những thế lực lớn mạnh hơn gấp bội. Thách thức ghê gớm, khốc liệt lại càng làm bộc lộ rõ bản chất kiên cường dũng mãnh dân tộc.
Không phải ngẫu nhiên nhiều nhà thơ lớn Việt Nam gặp nhau trên trang Kiều những năm đánh giặc. Thương cô Kiều như đời dân tộc và ngược lại “Dân tộc trầm luân trong sóng Tiền Đường”. Ở Di cảo thơ III, nhà thơ đưa ra những cảm nhận sâu sắc qua Định nghĩa dân tộc: Dân tộc muốn sống giữa lửa chiến tranh và lũ lụt của người/ Vỡ đê biển với vỡ đời/ Dân tộc có qúa nhiều kẻ thù… Thương cảm cha ông cũng là thương cảm dân tộc. Ta tìm ra Nguyễn Du cũng là tìm ra cả chính mình.
Xã hội Kiều là xã hội con người, vấn đề Kiều là vấn đề nhân loại. Cùng Nguyễn Du, Chế Lan Viên nâng cảm xúc lên tầm cao mới.
Ở các tập Di cảo thơ cuối đời, nhà thơ thương cảm cho cái bi kịch của kiếp người. Thấm thía một nỗi buồn nhân thế: cuộc đời là trò chơi, là cuộc dấn thân giữa hai trời May, Rủi. Nhưng vượt lên vẫn là một ước vọng cao cả, có phần vô vọng qua cái bi kịch của người nghệ sĩ chân chính muốn vươn lên tuyệt đích, tuyệt đỉnh của nghệ thuật (Xâu kim, Tìm đường). Triết lý về cuộc bể dâu “trăm năm trong cõi người ta”, Chế Lan Viên vẫn có niềm tin vào những giá trị người vĩnh cửu: Dẫu cạn bể vẫn còn viên muối đọng/ Tâm hồn ta như những tầng văn hoá phủ lên nhau (Đừng tuyệt vọng). Đó chính là cốt lõi của chủ nghĩa nhân văn Chế Lan Viên.
Chế Lan Viên triết luận về những vấn đề lớn của nhân sinh, của đời người, đồng thời nhà thơ cũng sống rất thực tế với những mối quan hệ xã hội cụ thể, gần gũi: bè bạn, anh em, đồng chí, đồng nghiệp. Có Nàng tiên trên mặt đất (tuyển thơ tình) cũng có “ông Bụt giữa trần gian”. Chế Lan Viên thông minh, sắc sảo, trực tính và có phần nóng nảy nhất là trong tranh luận, đối mặt với điều trái ngược, chướng tai gai mắt. Tuy vậy, về bản chất, nhà thơ là con người sống hồn nhiên chân thành, hiền minh, khoan hoà và đa cảm. Theo Mai Quốc Liên thì “Anh là người dễ mủi lòng, dễ xúc động, dễ tha thứ. Khi Xuân Quỳnh mất là lúc anh đã lâm bệnh, cứ động nhắc đến Xuân Quỳnh là anh khóc ròng…” Bảo Định Giang cùng nhận xét ấy “Tính anh hay xúc động và hay khóc” và kể những buổi tiễn đưa anh em đi chiến trường (ở trụ sở 51 Trần Hưng Đạo, cũng là nơi nhà thơ trú ngụ) Chế Lan Viên thường ôm từng người và giàn giụa nước mắt. Nhận tin không may về một nhà văn hay nghệ sĩ hy sinh ở mặt trận, Chế Lan Viên cũng khóc sướt mướt hàng giờ. Một bạn văn khác thấy ở ông: “Có tấm lòng cao thượng, hào hiệp”. Nhà thơ hay giúp đỡ người khác và cũng rất trân trọng sự cưu mang của bạn bè. Trước khi mất, Chế Lan Viên dặn gia đình phải biết ơn thầy thuốc, bè bạn đã giúp đỡ mình. Một đời ông đã sống tình nghĩa và rất có ân tình. Trước đó cũng như những ngày bệnh cuối đời, như để mở hết lòng bao dung, độ lượng, ông căn dặn người thân không được oán trách ai, không được oán trách gì. Đó phải chăng là sự tự hoá giải để tìm được an nhiên tự tại, siêu thoát ngay trong cõi người này.
Con người biết trân trọng và tự hào
Rất có ý thức về bản thể, nhà văn rồi cũng vượt thoát được cái thảm cảnh tự dằn vặt, tự xỉ vả, hạ nhục mình, thậm chí sát hại chính cái tôi cá nhân trong phó mặc buông xuôi của dòng chảy vô định Đánh đắm cả thuyền mình/ Trong cuộc đời tại chỗ. Ngoảnh lại mười lăm năm nói lên sự u mê một thời bế tắc Tôi đi giữa lòng mình/ Mà mình không hiểu nữa. Nhưng Khi đã có hướng rồi, Chế Lan Viên trở lại lòng mình, làm chủ tâm hồn mình.
Ấy là khi nhà thơ được là mình, lại về trong lòng dân, biết tôn trọng mình và tôn vinh nhân dân. Thấy mình đồng thời thấy người. Tôn trọng mình cũng là tôn trọng cộng đồng tập thể xã hội. Từ thương mình đến yêu mình, từ xa dân đến gắn bó với dân một cách tự nhiên là cả một cuộc đại cách mạng Con lại gặp nhân dân như nai về suối cũ/ Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa… Đó là sự gặp gỡ kỳ lạ giữa tôi và ta trong thời đại mới.
Tự tin vào sức mạnh bản thân, tiềm lực tự thân, nhà thơ cũng thấy được sức mạnh hồi sinh và vươn lên kỳ diệu thần thánh của nhân dân, dân tộc:
Nhân dân không có thanh gươm vung một cái đến trời mây
Nhưng họ gánh lịch sử đến nghìn lần lớn hơn đời họ…
Nhân dân ta trăm lần vót nhọn ngọn tầm vông
Bị dìm xuống dữ dội, vùng lên càng dữ dội.
Nhà thơ thấy mình:
Anh đã biến đau thương thành sức mạnh
Biến cái cúi đầu thành trận đánh
Nỗi lặng im thành sóng vỗ muôn trùng
Biến cái rụng rơi thành sự vun trồng.
Thấy người:
Người ngã xuống tựa máu mình đứng dậy
Người sống khiêng người chết để xung phong
Người chết cũng thành vũ khí tiến công.
Đó là những sự thật mà như huyền thoại.
Với ý thức cách mạng, nhà thơ biết trân trọng lịch sử. Trân trọng từ những vết thương lòng rướm máu, những nụ cười gằn và tiếng khóc nấc của cha anh (Các anh xưa). Lại biết đi lên từ chỗ những nơi người xưa bỏ cuộc, mở một hành trình lớn trong dựng xây, chiến đấu. Để có được những phút “chói loà, hoá thân, đột biến” của lịch sử. Như chiến thắng vĩ đại 30/4/1975:
Ta ngang dọc núi sông, xoay chuyển địa bàn
Đưa thế trận ta từ chốt Trường Sơn về tận bờ Đông Hải
Với nhân dân ta là một hoá thành triệu mãi…
Thế quân ta đi như sóng biển lan tràn.
Trăm vạn hùng binh ta đã chiếm Sài Gòn.
Đó là tôn vinh sự tuyệt vời của chiến tranh nhân dân, sức mạnh nhân dân cũng là của dân tộc:
Nhưng phải chiến thắng lớn thì dân tộc mới chói ngời bản ngã
Ta đã tìm ra ta trong Rạch Gầm, Đống Đa, Hàm Tử, Chi Lăng
Và nhân loại tìm ra ta trong Cách Mạng Tháng Tám, Hà Nội, Điện Biên hay ở Bạch Đằng
(Ngày vĩ đại).
Hiển nhiên yêu nhân dân, yêu dân tộc, yêu Tổ quốc là gắn bó hữu cơ trong một thể thống nhất.
Chủ nghĩa yêu nước vốn là truyền thống tinh thần tốt đẹp, hàng nghìn năm của dân tộc ta. Chế Lan Viên đã nhấn mạnh tính nhạy cảm, thường trực và những thời điểm chói loà của tinh thần yêu nước vĩ đại ấy. Nhà thơ đã đưa Việt Nam lên hàng dân tộc tiên tiến trong thời đại.
Nay nhân loại gọi và ta nghe thời đại gọi
Thì Việt Nam lại là người lính đi đầu ở giữa hàng quân
(Ngày vĩ đại)
Hai tiếng Việt Nam vang lên như niềm kiêu hãnh, tự hào cao độ! Yêu thương con người nhưng đồng thời phải trân trọng con người, tôn vinh con người trên đỉnh cao của sự nghiệp giải phóng. Đó là yếu tố cơ bản của tinh thần nhân văn Chế Lan Viên phù hợp với định nghĩa nhân đạo của chủ nghĩa Mác.
Con người sống hồn nhiên, tự nhiên
Có một thời để nhớ cho tất cả. Tuy nhiên, nếu chỉ nhớ rõ một Chế Lan Viên ca sĩ hào hùng cho sự nghiệp chiến đấu của dân tộc mà phần nào chưa thấy một Chế Lan Viên hồn nhiên đời thường là hiểu Chế Lan Viên chưa đầy đủ.
Trong Chế Lan Viên còn có một con người có tầm vóc: con người thiên nhiên. Con người đó thật hồn nhiên. Nói yêu thiên nhiên có lẽ chưa đủ. Phải nói là nhà thơ gắn bó máu thịt với tự nhiên, hoà nhập với tự nhiên, sống “tự nhiên nhi nhiên”. Hãy nhớ hồn thơ Chế Lan Viên luôn chói loà “ánh sáng” và màu mỡ những “phù sa” cuộc đời. Tập thơ ra đời trong bão táp vẫn nói đến “hoa những ngày thường”. Và sau đó, kỳ diệu là xuất hiện cả Hoa trên đá.
Thiên nhiên vốn là đề tài vĩnh cửu của thơ trữ tình. Thơ một thời nói đến thiên nhiên là để miêu tả cái đẹp, vừa để thưởng ngoạn, vừa để tỏ tình, nói chí. Tuy nhiên nhà thơ Hồ Chí Minh cũng đã nói thơ xưa thiên về yêu thiên nhiên đẹp.
Thơ Chế Lan Viên cũng tràn đầy thiên nhiên. Có cả đấy: gợi cảm và ngụ ý. Có vẻ đẹp đến ngỡ ngàng mê đắm có khi làm thảng thốt ngẩn ngơ Xuân qua mình chẳng biết/ Hoa gạo đỏ thình lình. Có khi là một cảm tưởng sảng khoái lâng lâng như niềm vui với vẻ đẹp hồi sinh…
Một trời xanh rất biếc
Một trung châu đất mật, lúa vàng
Một mùa dâu mang lụa đến cho tằm
Một mặt đất mùa xuân rót máu
(Nay đã phù sa).
Những khung cảnh thiên nhiên được đan lồng với hoạt động con người như phông nền của cuộc sống thường đậm đà màu sắc dân tộc: từ bụi lúa, bờ tre, khóm lau, rừng nứa đến sông núi, mây trời… Tình yêu thiên nhiên không chỉ đơn thuần là yêu cảnh vật mà chính cũng là lòng yêu đất nước. Khi nhà thơ kêu gọi “Hãy yêu và bảo vệ… Một đảo vắng Hòn Ngư còn chớp bể/ Một rặng núi Kỳ Sơn từng lắm lúc mưa nguồn” (Sao chiến thắng) thì tình yêu không chỉ giới hạn ở sự thưởng ngoạn, chiêm ngưỡng mà đã được nâng lên mức trách nhiệm. Từ một việc rất nhỏ Chớ hái hoa trong bệnh viện như lời nhắc nhở một hành động văn hoá, tới việc giữ gìn mùi hương cũng là gợi đến phẩm cách con người Nhưng vượt lên bùn, sen cứ ngát hương sen (Hương sen).
Trong thơ Chế Lan Viên có những bài thơ thật đẹp về thiên nhiên, về đất, về trời, về biển: Chim lượn trăm vòng, Giữa tết trồng cây, Cành phong lan bể; về cây, về hoa: Hoàng thảo hoa vàng, Lau mùa thu, Búp lộc vừng, Hoa súng hồng, Hoa gạo son, Sen Huế… Hầu như thiên nhiên tươi nở bốn mùa trong thơ. Điều quan trọng là thiên nhiên không chỉ ghi dấu ấn đẹp trong hồn người mà còn góp phần tạo dựng, bồi đắp hồn thơ, làm nên những bông hoa cảm xúc, trí tuệ trong tâm hồn. Hoa gạo son người tình nhân trong hoàng hôn đẹp một cách mãnh liệt: Chiều tối màu son đỏ chói hồn. Hoa trở thành người bạn tâm tình có sức trợ giúp mạnh mẽ:
Khi bom dứt, em thành hoa sữa…
Và chính vì vết thương anh mà hoa sữa lại về
(Sau cơn bom, hoa sữa)
Mỗi lần đau, anh lại đến Tây Hồ
Chữa lành anh là hoa súng tím
(Hoa súng tím)
Và như vậy, chỉ riêng thế giới hoa trong thơ đã mang bao hương sắc lạ. Qua điểm hoa ta thấy nổi lên đặc sắc cảm thụ và tư duy Chế Lan Viên. Đó còn là vẻ đẹp và hương sắc trí tuệ. Qua hoa nói chí, thực ra cũng không lạ. Nhưng qua hoa, Chế Lan Viên còn nói nhiều triết lý, còn nghiệm suy triết học, còn làm triết luận. Nhất là với hoa ẩn dụ – tượng trưng: Mai hoa em lại về (Tình ca ban mai) Một điểm vàng tí xíu/ Níu ta vào vũ trụ (Cành mai trên gác). Đã lạ là Sen tư tưởng nhưng cực lạ là Hoa trên bêtông.
I
Sau hoa trên đá, tâm hỏi:
“Có hoa trên bê tông nữa chứ?”
Sao lại không? Hỡi hoa thiền tông!
Nơi nào mà hoa không thể ngộ
Hoa sắc màu ở giữa hư không
II
Muốn có cành hoa trên bê tông
Cây phải rất thiền tông
Lạ thật! Nhưng ta lại quen một Chế Lan Viên từ lâu đã đến với Phật giáo và thơ ông thường có những thoáng siêu thực màu sắc hiện đại. Thiên nhiên như vậy trở thành người bạn thân thiết đến mức như tri âm tri kỷ, là người thầy nghiêm trang và đạt đạo, là hướng dẫn viên thông minh kỳ thú, tất cả như đem lại cho ta sức mạnh diệu kỳ.
Một con sông biết bao kỳ diệu Hỡi sông Hồng tiếng hát 4000 năm… và bí ẩn đầy “bão bùng” và những “chiến công”. Một dãy núi thật kỳ vĩ:
Ôi Trường Sơn vĩ đại của ta ơi!
Ta dựa vào ngươi kéo pháo lên đồi.
Bởi từ lâu, thi sĩ đã hoá thân vào đất nước và có sự chuyển hoá sức mạnh:
Tâm hồn tôi khi Tổ quốc soi vào
Thấy ngàn núi, trăm sông diễm lệ
Con ngọc trai đêm hè đáy bể
Uống thuỷ triều bỗng sáng hạt châu.
Tâm hồn nhà thơ đã tràn ngập sức mạnh tự nhiên của đất nước. Phải chăng đó là lòng yêu nước anh hùng trong thời đại mà Chế Lan Viên đã hấp thu được.
Những năm cuối đời Chế Lan Viên như muốn hoà nhập hẳn vào thiên nhiên, đất nước, như muốn được “trở về” với cát bụi. Thơ đẫm mùi thiền, lại trở về với Sắc, Không, lại bàn về hư vô và tồn tại. Một cái gì như tiếc nuối vô hạn nhưng bình thản:
Thôi không còn các mùa hoa phía trước
Mà ngoái đầu nhẩm lại các mùa hoa phía sau
Đấy là quy luật
Nhận mà không đau
(Các mùa hoa)
Nhà thơ “cảm ơn một mùa ở trên trái đất” – cái hành tinh ấm áp hơi người vì có “các mùa hoa”. Xác định rõ Anh không ở lại yêu hoa mãi được và tin vô cùng:
Anh tồn tại mãi không bằng tuổi tên, mà như tro bụi
Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên
(Từ thế chi ca I).
Giờ đây sau hai mươi năm chiêm nghiệm lại đời thơ Chế Lan Viên vẫn thấy nguyên vẹn một trái tim toả sáng tình người.
Chế Lan Viên đã xây dựng tháp thơ trên tình người. Và, đến lượt nó, tình người lại vun đắp mãi ngọn tháp thơ như một đỉnh cao nhân văn đồ sộ và sừng sững tồn tại mãi cùng năm tháng…
Theo Đ.T.H. (Nguồn: Tạp chí Thơ-Hội nhà văn VN)