Khép lại một chặng đường văn học kháng chiến ngót 30 năm với bao vinh quang và trải nghiệm, văn học Việt Nam chuyển mình bước vào một giai đoạn mới đầy thử thách và những cơ hội vẫy gọi.

Hội nghị lý luận phê bình lần thứ IV Văn học 30 năm đổi mới

Nền văn học cách mạng trước đây hướng đến mục tiêu cao nhất là phục vụ những nhiệm vụ chính trị đặt ra cho toàn dân tộc thì sau năm 1975 đã dần hướng mối quan tâm vào những vấn đề xã hội đời thường. Văn học 1945- 1975 ghi nhận sự lên ngôi của khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, tạo nên một chủ âm ngợi ca hào sảng vang vọng trong mọi tác phẩm. “Sử thi với tư cách siêu thể loại (metagenre) đã thâm nhập và ảnh hưởng vào mỗi thể loại thuộc tất cả các phương thức thể hiện: tự sự (ký, truyện ngắn, vừa, tiểu thuyết); trữ tình (thơ, trường ca) và kịch”[1]. Sau năm 1975, đặc biệt là từ giai đoạn đổi mới lấy mốc 1986, chất sử thi đã nhường chỗ cho chất tiểu thuyết, tư duy tiểu thuyết như một công cụ soi chiếu mọi vấn đề xã hội và bề sâu số phận con người. Chất tiểu thuyết đã thâm nhập và chi phối mạnh mẽ mọi thể loại trong đó có hồi ký.

Hồi ký, một thể ký tự sự điển hình, luôn bị mặc định trong cái khung đơn nhất của sự thật và sự cứng nhắc của những phản ánh bản thể không dễ xoay chuyển. Nhưng cũng như mọi thể loại văn học một mặt vừa giữ vững các mã hạt nhân, mặt khác luôn có xu hướng giao lưu, tiếp biến, lại không thể đứng ngoài dòng chảy hối hả của đời sống văn học vốn không bao giờ đứng im, hồi ký của thời kỳ đổi mới đã dần dần có những chuyển đổi thú vị. Quan sát những tác phẩm hồi ký nổi bật, ta phát hiện ra chất tiểu thuyết đậm đặc chi phối các yếu tố nội dung và hình thức thể hiện, tạo nên sự biến đổi ở mọi phương diện từ tư duy sáng tác đến cấu trúc thể loại, từ nghệ thuật xây dựng nhân vật đến điểm nhìn và giọng điệu trần thuật…

Cốt lõi của hồi ký, như mọi thể loại ký khác là ghi chép và diễn giải về sự thật, nói đơn giản hơn là viết về người thật việc thật. Khi tiếp nhận một tác phẩm hồi ký, ý thức đầu tiên đến với độc giả chính là thôi thúc bóc tách các mã sự thật đó và đối chiếu tính chân thật của các chi tiết trong tác phẩm với thực tế đã diễn ra. Sự thật càng bị giấu giếm càng kích thích trí tò mò và niềm yêu thích khám phá. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, sự thật trong hồi ký không phải là bất kỳ sự thật nào trong đời sống và người viết hồi ký luôn luôn đối diện với nguy cơ phải chấp nhận những sai lệch không tránh khỏi của sự thật do độ lùi xa của thời gian và cơ chế “lãng quên” của trí nhớ. Sự chân thật của hồi ký chỉ có bản thân người viết mới chứng thực được. Nhưng ngay cả người viết ra hồi ký cũng không thể chắc chắn 100% về tính chính xác của những sự kiện đã lùi vào quá khứ. Nên đôi khi, đọc một sự kiện diễn ra trong hồi ký, thay vì hỏi “điều này có thật hay không?”, ta nên tự hỏi bản thân “điều này có ý nghĩa như thế nào?”. Ngày nay, công việc viết hồi ký không giản đơn chỉ là nêu ra sự thật tẻ nhạt của quá vãng mà thông qua việc tái hiện các hình tượng nghệ thuật, bằng cách chọn lọc, sắp xếp và cân đối giữa sự thật khách quan và sự thật chủ quan, người viết cần phải mang đến cho độc giả một món ăn tinh thần thú vị và bổ ích để họ tìm được những lời giải đáp về cuộc sống qua kinh nghiệm và ký ức của một cá nhân khác.

Hồi ký không thể hư cấu như tiểu thuyết, không chấp nhận mọi sự bịa đặt, xuyên tạc nhưng nhà văn hoàn toàn có thể chọn lọc, tưởng tượng, tái tạo lại những sự kiện trong quá khứ. Như Tobias Wolff viết trong phần giới thiệu cuốn hồi ký của ông- The boy’s life (Cuộc sống của một chàng trai), “Đây là một cuốn sách của bộ nhớ, và bộ nhớ có câu chuyện riêng của mình để nói“. Và như vậy, chất tiểu thuyết không thể làm lay chuyển những giá trị tự thân đã làm nên bản sắc thể loại- đó là chức năng phục dựng sự thật trong quá khứ của hồi ký nhưng hoàn toàn có thể hiện hình trong những thủ pháp miêu tả sự thật, âm vang trong cách kết cấu tác phẩm, đậm nét trong sự tái hiện hình tượng người kể chuyện và thế giới nhân vật đầy “tính dư”, trong âm hưởng đa thanh của ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật.

1. Kết cấu hiện đại

Trong kinh nghiệm sáng tác truyền thống, hồi ký thường được cấu trúc theo trật tự niên biểu và có kết cấu đơn nhất bám sát trục sự thật. Nhưng với việc học tập các kỹ thuật viết tiểu thuyết, các tác giả hồi ký tiêu biểu như Tô Hoài, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Đặng Anh Đào… đã thể hiện những kiểu kết cấu khác lạ, biểu đạt hiệu quả ý đồ của người viết mà vẫn không làm sai lệch định hướng sự thật. Như cách so sánh của Jennie Yabroff: “Good memoir borrows from fiction, following the rule that the story is not as important as the way it’s told” (Một cuốn hồi ký tốt có thể vay mượn cách viết từ tiểu thuyết, theo nguyên tắc câu chuyện không quan trọng như cách nó nói).

Hồi ký Cát bụi chân ai của Tô Hoài là một dẫn chứng tiêu biểu cho kĩ thuật lắp ghép và cắt dán trong kết cấu tác phẩm. Sự cắt dán thoải mái những mảnh hồi ức khiến người đọc rất dễ bị lạc trong mê hồn trận của hoài niệm. Chương mở đầu gợi nhắc đến nhà văn lớn Nguyễn Tuân theo cách rất vu vơ và tưng tửng đúng kiểu Tô Hoài: “TÔI KÉM NGUYỄN TUÂN MƯỜI TUỔI. Trước kia tôi không quen Nguyễn Tuân”[2]. Người đọc bắt đầu dồn sự chú ý vào Nguyễn Tuân nhưng càng dõi theo mạch phát triển của hồi ký, sự đẩy đưa của những câu chuyện lan man, không đầu không cuối càng khiến ta rời xa trục ký ức ban đầu. Chuyện Nguyễn Bính mất con trong một cơn say mê sảng; chuyện Nguyên Hồng “nước mắt ròng ròng” vì bị mất chức chủ bút tờ báo Văn; chuyện Xuân Diệu với tình trai tội lỗi và những tối “quờ quạng” tìm bạn; chuyện về Kim Lân, Trần Dần, Văn Cao, Nguyễn Huy Tưởng… chập chờn trong những kỷ niệm mờ chồng, đứt quãng. Việc lắp ghép liên tục được “trợ giúp” bởi kí ức, tưởng tượng và các mối quan hệ xoay quanh nhân vật tôi. Trong chuỗi ký ức tưởng chừng ngẫu nhiên, rời rạc, kết dính một cách lỏng lẻo ấy dường như vẫn luôn thấy thấp thoáng hình bóng Nguyễn Tuân nghênh ngang, kiêu bạc, không lẫn lộn vào bất kỳ ai, không cúi đầu trước bất kỳ thế lực nào. Đọc Cát bụi chân ai của Tô Hoài không khác gì đọc một cuốn tiểu thuyết viết theo phong cách hậu hiện đại vừa ngẫu hứng, mơ hồ, vừa thâm sâu, u mặc.

Nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào với tác phẩm Tầm xuân cũng thể nghiệm cách viết đầy kỹ thuật của tiểu thuyết vào hồi ký như chính bà đã tâm sự trong lời mở đầu “Cuốn hồi ký này có sự khác biệt, ít nhất là ở tính chất không liên tục, nhảy quãng về thời gian, về không gian, về hình ảnh của hồi ức. Nhiều khi, một kỷ niệm xuất hiện ở những trang đầu, rồi những mảnh vỡ của nó trở đi trở lại ở những câu chuyện sau, với những biến thái, dị bản mới”. Có thể thấy, kết cấu mảnh vỡ chính là điểm đặc sắc của cuốn hồi ký này. Chuỗi hồi ức của bà như một hợp âm của màu sắc, hương vị và những cảm giác lắng đọng, được thổi hồn ngay từ tên gọi của các chương mục: Chiếc “vành cánh” bạc, Bữa cơm của mẹ, Cô gái mắt khô, Tầm xuân, Những người đi vào xứ sở khác, Chuyện trà lá của nhà văn… Mỗi chương giống như một câu chuyện nho nhỏ, giản dị, dẫn dắt người đọc men theo những kỷ niệm tản mát, vừa sâu lắng, vừa bay bổng về người cha nổi tiếng Đặng Thai Mai – một anh đồ xứ Nghệ điển hình, khảnh ăn, thích uống trà, bao dung với người làm nhưng vô cùng khó tính với vợ con và học trò… Kết cấu hồi ký không tuân theo trật tự thông thường của thời gian mà được xé lẻ ra theo sự lan toả của những dòng hồi ức bất tận. Hình ảnh bản thân tác giả được khắc họa không nhiều, nhưng nếu để ý, ta có thể nhận ra chân dung của một trong 4 cô con gái tài năng của nhà văn họ Đặng: từ khi còn là một cô bé non nớt, khao khát có được chiếc “vành cánh bạc” qua những tháng ngày ê a hát những bài hát tiếng Pháp, chép Chinh phụ ngâm cho ba đến lúc đã trở thành một học giả tên tuổi với phong cách nghiên cứu sắc sảo và uyên thâm được thế giới công nhận.

Một số hồi ký nổi bật cũng mang cách kết cấu hiện đại (Viết về bè bạn– Bùi Ngọc Tấn, Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương– Ma Văn Kháng, Cô bé nhìn mưa– Đặng Thị Hạnh…) giúp nới rộng đường biên thể loại và người đọc có thể thoải mái tiếp nhận tác phẩm theo “tầm đón” rất riêng của mình.

2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật đầy “tính dư”

Trong tiểu thuyết, ưu điểm về trường tiếp xúc với hiện tại giúp nhà văn luôn khám phá con người trong sự vận động, biến đổi, thậm chí có xu hướng bộc lộ cả những “phần dư nhân tính” (theo chữ dùng của Bakhtin). Nhân vật của tiểu thuyết với sự hoà trộn tuyệt vời giữa tính khái quát và tính cá thể làm nên những điển hình nhiều khi còn “thật” hơn cả con người đời thực. Ngược lại, trong hồi ký truyền thống, sự tái hiện thế giới, sự kiện, con người từ cái nhìn ngược về quá khứ khiến các nhân vật dường như đều mang tính bất biến và bình ổn, không có sự phát triển hay phá cách. Nhưng càng ngày, với việc hấp thụ chất tiểu thuyết vào các tác phẩm hồi ký, các tác giả đã mở rộng biên độ phản ánh, sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để xây dựng nên những nhân vật suy nghiệm, luôn trong quá trình tự vấn bản thân, luôn có những phát triển bất ngờ trong cá tính cũng như không bao giờ bị đóng khung trong một khuôn mẫu chật hẹp của sự thật. Tất nhiên, sự sáng tạo trong cách xây dựng nhân vật trong hồi ký vẫn luôn phải đảm bảo nguyên tắc bám sát người thật việc thật, người viết hồi ký vì thế phải biết “bỏ giả lấy thật, bỏ thô lấy tinh, chọn lọc trong hàng đống chi tiết của cuộc sống những chi tiết vừa sinh động lại vừa tiêu biểu, những chi tiết đắt nhất, để tái tạo thành hình tượng điển hình”[3].

Trung tâm của hồi ký thời kỳ này vẫn là nhân vật xưng “tôi” – hình tượng nghệ thuật của một tác giả cụ thể với tên tuổi, tính cách đã được xác tín ngoài đời thực nhưng không bao giờ trùng khít hoàn toàn với con người bằng xương bằng thịt phía ngoài trang sách. Giờ đây, nhiều tác giả viết hồi ký không hẳn chỉ để kể lại những bí mật đã qua nhằm thoả mãn trí tò mò của độc giả. Hơn lúc nào hết, khi đã trải qua một thời gian đủ dài để tĩnh tâm nhìn sâu vào quá khứ, khi thời cuộc cho họ cơ hội để phát ngôn một cách trung thực và thẳng thắn, họ đều muốn lật tẩy lại bản ngã của chính mình trong những năm tháng xa xôi ấy, muốn một lần nữa sống lại những cảm giác buồn vui, đau khổ, hạnh phúc như thể đang tham gia vào bộ phim mà chính họ vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên – dù biết trước mọi tình tiết của kịch bản, nhưng vẫn ngập tràn trong những nếm trải và hân hoan vô bờ. Bởi một lẽ thật giản dị, quá khứ của chúng ta, “một thời để mất”[4] – là “thời vòm trời cũng khác, gió thổi cũng khác, cánh đồng trước cửa cũng khác. Trời xanh hơn bây giờ. Trăng đẹp hơn bây giờ”[5]. Mỗi người đối diện với quá khứ không chỉ bằng sự tỉnh táo suy ngẫm của thời hiện tại mà còn gửi gắm vào đó biết bao tâm tư rung động, những khao khát mơ hồ, những níu giữ vội vàng và cả những ước vọng thầm lén đến tương lai.

Ta nhìn thấy một Tô Hoài thẳng thắn đến mức sỗ sàng (đôi khi văng tục trên trang sách), tình nghĩa đến mức hơi bi lụy (khi chứng kiến những nỗi đau của các bạn văn), là con người mang dục tính như bất kỳ ai (khi bị kéo vào cuộc làm tình vụng trộm với Xuân Diệu) trong loạt hồi ký Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Những gương mặt- chân dung văn học…, hoàn toàn khác với hình ảnh người đảng viên lạnh lùng, mẫu mực – cán bộ cao cấp của đảng Cộng Sản Việt Nam, một nhà văn trong ban lãnh đạo tư tưởng văn nghệ của Đảng và Hội Nhà Văn Việt Nam… Đó là một Tô Hoài không lúc nào thôi cật vấn mình trong những trang hồi ký, một Tô Hoài đầy những mâu thuẫn và trăn trở, tự khinh khi chính bản thân qua lời quở mắng của bạn bè: “Thằng ngoại ô láu cá, văn chương đẽo gọt!” (Như Phong), “Tiên sư mày, thằng Câu Tiễn! Ông thì không, Nguyên Hồng thì không.” (Nguyên Hồng), “Mồm nói thế  này, bụng lại nghĩ khác. Thằng cơ hội!” (Nguyễn Tuân). Không chỉ có Tô Hoài, nhờ hồi ký, người đọc đã khám phá ra nhiều tác giả khác, qua những lời “trung thực đến đáy”, qua những chi tiết đắt giá đã vô tình hay cố ý hé lộ cho ta nhìn thấu những bản thể thú vị và đầy phức tạp của họ. Một Vũ Bão hiện ra trong Rễ bèo chân sóng như một hình mẫu của sự thâm trầm, lịch duyệt, một người có năng lực quan sát tinh nhạy, luôn điềm tĩnh vượt lên mọi thử thách, trái ngược với hình dung về một nhà văn, nhà báo dí dỏm, sôi nổi ngoài đời thực. Một Bùi Ngọc Tấn rất xông xáo, mạnh mẽ và phóng khoáng qua những trang tiểu thuyết và phóng sự lại hiện lên trong những dòng hồi ức Viết về bè bạn với một thái độ e dè, khiêm nhường, tự coi mình chỉ là “cây gai, cây ké bên lề đường văn học”. Một Đặng Anh Đào bác học, nghiêm cẩn trong những công trình nghiên cứu, dịch thuật lại là một người đàn bà thật giản dị, hóm hỉnh và đầy sức hút trong hồi ký Tầm xuân. Họ như sống một cuộc đời khác trong hồi ký của chính mình.

Bên cạnh sự thể hiện đầy nghệ thuật của các nhân vật xưng “tôi”, người đọc còn được đón nhận những bức chân dung nhiều chiều của thế giới nhân vật trong văn bản. Chỉ bằng một vài dòng miêu tả sắc nét, những cuộc đối thoại trong những hoàn cảnh giao tiếp đặc thù, những hành động, cử chỉ tưởng chừng vụn vặt, các tác giả hồi ký đã tài tình lột tả chiều sâu tính cách của mỗi nhân vật, giúp họ tiệm cận với khả năng điển hình hóa như trong tiểu thuyết. Vẫn là Nguyễn Tuân tài hoa, ngông ngạo như ta đã từng rất quen trong làng văn nhưng con người ấy, khi được đặt trong không gian mờ tối với những ánh đèn leo lắt của cái dốc ngã sáu Hàng Kèn – mà Tô Hoài âu yếm gọi là “ngã sáu đường đời”, khi ưu tư bên làn khói thuốc và nói “Cứ ngồi đây mình lại nhớ nó. Không hiểu sao”, khi “rút khăn tay chấm mắt” sau điệu hò Phú Ơn.. (Cát bụi chân ai) bỗng hiện lên như biểu tượng của nghĩa tình đất Việt, của thứ văn hóa dân tộc sâu lắng dễ làm người ta bùi ngùi vì nhớ tiếc. Lại nghĩ đến Xuân Diệu – “ông hoàng thơ tình”, ở mỗi cuốn hồi ký khác nhau lại được khắc họa thêm một chiều kích mới: người bạn chung thuỷ, nhiệt tình trong Hồi ký song đôi, người cán bộ thận trọng, nghiêm túc trong Rễ bèo chân sóng, nhà thơ đầy những ẩn ức và khắc khoải trong Cát bụi chân ai… hay Nguyên Hồng nhạy cảm, sớm đau khổ với những kiếp đời bé nhỏ, tận tụy với công việc viết văn đến quên mình, dễ xúc động và nghiện rượu – một Nguyên Hồng chân thật trong hồi ký của Bùi Ngọc Tấn và Tô Hoài, thật hơn cả những trang viết của ông. Hồi ký bằng sức nặng của những câu văn chuyên chở sự thật đã phác hoạ thành công rất nhiều nhân vật như thế.

3. Kỹ thuật tự sự tạo tính đa thanh cho văn bản

Sự đa dạng hóa điểm nhìn trần thuật và luân phiên thay đổi điểm nhìn từ bên ngoài vào bên trong là một đặc điểm độc đáo, tạo nên tính đa thanh của tiểu thuyết. Nhiều hồi ký xuất hiện trong thời kỳ đổi mới đã vận dụng thành công các kỹ thuật tự sự của tiểu thuyết như Cát bụi chân ai, Chiều chiều của Tô Hoài, Viết về bè bạn của Bùi Ngọc Tấn, Tầm xuân của Đặng Anh Đào, Đặng Thai Mai hồi kýNhớ lại một thời của Tố Hữu…. Khác với văn bản hồi ký truyền thống được tái diễn từ điểm nhìn của một người kể chuyện “toàn tri”, từ tầm cao hiện tại nhìn về quá khứ xa vời với thái độ điềm tĩnh và giọng điệu trước sau như nhất, các tác phẩm hồi ký theo xu hướng hiện đại thường lựa chọn trần thuật từ điểm nhìn của người kể chuyện “bất toàn tri”, luôn băn khoăn, hồ hởi trước mỗi sự kiện diễn ra và luân phiên trao điểm nhìn trần thuật đến những nhân vật khác nhau trong văn bản. Phương thức trần thuật này làm tăng tính đối thoại của văn bản, làm xuất hiện nhiều bè giọng đa thanh trong hồi ký, kéo người đọc vào cuộc hành trình khám phá những bí ẩn tận cùng của sự thật.

Với việc gia tăng điểm nhìn trần thuật, Viết về bè bạn của Bùi Ngọc Tấn tuy là hồi ký của một cá nhân viết tặng cho những người bạn nghệ sĩ của mình nhưng không hề có tính thông báo, diễn giải một chiều như các hồi ký trước đây mà thực sự đã trở thành một cuộc đối thoại giữa nhà văn với các nhân vật của mình, giữa các nhân vật trong trang sách với bạn đọc. Cuốn sách được chia thành hai phần lớn: Rừng xưa xanh lá và Một thời để mất. Phần thứ nhất gồm nhiều chương mục nhỏ, mỗi chương kể về một/ một vài người bạn trong giới văn nghệ sĩ. Ở mỗi chương, các nhân vật hầu như được tác giả trao cho lời dẫn chuyện, tự kể về mình với nhiều giọng điệu khác nhau (Rừng xưa xanh lá là câu chuyện của Chu Lai, Đình Kính, Nguyễn Quang Thân với giọng hài hước xen lẫn chua chát giễu nhại, Vũ Bão, một tiếng cười- một dòng cười là những ký ức đầy hoài nhớ của Bùi Ngọc Tấn trước tin bạn đã đi xa, Một mơ ước về kiếp sau là chuyện của nhà thơ nữ đa đoan Nguyễn Thị Hoài Thanh với giọng kể trầm lắng, trữ tình…). Cũng có khi điểm nhìn bên ngoài của tác giả như hoà tan vào điểm nhìn bên trong của nhân vật để thống thiết nói lên những chiều sâu tâm sự không thể giãi bày: ông hiểu nỗi cô đơn kiệt cùng của Nguyễn Thị Hoài Thanh “Em tôi nào ngủ được. Bởi cô đơn. Bởi hoang vắng. Bởi nhà đề bô tối om từng có người chết ở liền bên…’(Một mơ ước về kiếp sau), hiểu những khổ sở day dứt của Mạc Lân mỗi lần bán máu “Những lần đầu đứng ngồi xì xụp bát phở ngoài hành lang ngượng lắm. Cắm mặt mà và, mà xụp xoạp cho nhanh. Nhưng rổi quen. Nghĩ mình lương thiện. Quá lương thiện. Lương thiện gấp trăm lần những người khác…” (Thời gian gấp ruổi). Phần thứ hai của cuốn sách là dòng hồi ức chảy tràn về nhà văn lớn Nguyên Hồng, ở đó, không chỉ có điểm nhìn của Bùi Ngọc Tấn mà còn có sự giao kết của những điểm nhìn từ Xuân Diệu, Vũ Thư Hiên, Dương Tường, Nguyên Bình… để tạo nên bức chân dung sống động với những chuyện ít ai biết về một nhà văn gắn với đất Hải Phòng – nhà văn của những kiếp khổ đau.

Hồi ký Tô Hoài luôn là sự đan xen rất nhiều điểm nhìn và giọng trần thuật khác nhau một cách hữu ý. Như một đoạn văn trích lược sau đây:

“Chúng tôi và người phiên dịch, với Giôn ngồi quanh chiếc bàn nhỏ, trên đặt gói thuốc lá Thủ đô bao bạc và một đĩa kẹo (…).

Tôi rơi xuống nước, thả phao nổi bơi được ngay. Thế mà, không biết vướng vào đâu, một bên đầu gối sái không cựa được. Tôi chưa kịp mở điện đài. Nhìn ra, thuyền và súng đã vây quanh. Bị bắt hơn một tháng, thưa các ông, lúc nào tôi cũng thèm thịt bò (…)

(Chiếc áo rộng màu lá cơi. Số 31 in trước ngực và lưng áo. Dạo có những cuộc trao trả tù binh ở sân bay Gia Lâm, tôi đã trông thấy những tù binh phi công Mỹ đội nón lá…).

Lúc ấy, khoảng hai giờ trưa. Lên bờ, tôi được cởi trói, mô tô đèo tôi một quãng rồi xe camiông đem đi (…)”[6].

Nhìn thoáng qua, có thể nhận ra đây là một đoạn độc thoại của tên phi công Mỹ khi bị bắt. Điều thú vị là những lời nói của tên lính Mỹ không hề được ngăn cách với lời dẫn dắt của nhân vật “tôi”, cũng không được ký hiệu riêng biệt để đánh dấu lời nói nên rất dễ lẫn vào lời kể của người dẫn chuyện. Ta nhận ra ít nhất có hai giọng điệu khác nhau xuất hiện: giọng bao biện giảo hoạt của kẻ muốn lấp liếm mọi tội lỗi và giọng điềm tĩnh suy xét của người quan sát. Cách chêm xen khéo léo làm nổi rõ ý đồ của tác giả giúp người đọc hiểu hơn tính chất của cuộc thăm tù cũng như tính cách đối lập của hai phía.

Rõ ràng, từ cách phối hợp linh hoạt các điểm nhìn trần thuật đến việc tạo lập giọng điệu trần thuật đa thanh, các tác giả hồi ký đã thành công trong việc chuyển tải hơi thở của thời đại, phản ánh sâu sắc những vấn đề của hôm nay.

“Thể loại, trong một quan niệm quen thuộc và ổn định của lý luận cũng như trong thực tiễn sáng tạo là các dạng thức tổ chức tác phẩm, quy tụ những hình thức nhìn nhận và phản ánh đời sống. Thể loại vừa ổn định vừa biến đổi, một mặt nó lưu giữ những yếu tố hạt nhân, những mã di truyền để bảo tồn trạng thái ổn định, mặt khác, nó luôn có xu hướng biến dạng, tạo nên các biến thể phong phú phù hợp với sinh tồn của nó trong mỗi thời đại văn học”[7]. Soi vào quan điểm trên, ta nhận thấy việc tiếp nhận chất tiểu thuyết vào các tác phẩm hồi ký thời kỳ đổi mới là một xu hướng tất yếu, hoà trong khuynh hướng vận động chung của bức tranh thể loại. Chất tiểu thuyết, nếu khéo vận dụng, sẽ không làm cho hồi ký rời xa trục sự thật mà chỉ khiến cho mọi dòng chảy của hồi ức trở nên ấn tượng hơn, hấp dẫn hơn và đạt được hiệu quả tác động thẩm mỹ cao hơn.

Thạc sĩ Trần Thị Hồng Hoa


[1] Vũ Tuấn Anh, Đời sống thể loại trong quá trình văn học đương đại, trích trong “Những vấn đề lý luận và lịch sử văn học”, NXB Khoa học xã hội HN 2001, tr. 462.

[2] Tô Hoài, Cát bụi chân ai, Nxb Hội nhà văn, 2015, tr.5

[3] Nam Mộc, “Thể ký và vấn đề viết về ngưòi thật việc thật”, trích trong cuốn Về lý luận- phê bình văn học, NXB Khoa học xã hội, H, 2002, tr. 562.

[4] Tên một tác phẩm hồi ký của Bùi Ngọc Tấn

[5] Bùi Ngọc Tấn, Viết về bè bạn, Nxb Hội nhà văn, 2012, tr. 286.

[6] Tô Hoài, Cát bụi chân ai, Nxb Hội nhà văn, 2014, tr. 301. Những chỗ (…) là phần văn bản còn nhưng người viết không đánh lại đầy đủ để tránh dài dòng.

[7] Vũ Tuấn Anh (2001), “Đời sống thể loại trong quá trình văn học đương đại”, in trong cuốn Những vấn đề lý luận và lịch sử văn học, NXB Khoa học xã hội, H, tr.460.

 

ThS. Trần Thị Hồng Hoa – Vanvn.net

Exit mobile version