(Đọc tập thơ “Siêu thoát trong rừng tùng” của Nguyễn Thanh Lâm, Nxb Hội Nhà văn – 2016)

Trong cuộc sống chạy đua tốc độ ngày càng gấp gáp đến chóng mặt hiện nay thì cái sự ung dung siêu thoát là một cách lựa chọn rất đáng ghi nhận. Gần đây có vị quan chức cấp cao mới mới nghỉ hưu đã vô chùa lễ Phật và nói “muốn sống làm người tử tế”. Nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm lựa chọn cách sống ung dung siêu thoát trong thơ như thế nào, xin cùng đọc tập “Siêu thoát trong rừng tùng”:

Nhắm mắt để nhìn thấy vầng sáng dịu dàng giấc mơ

Nghe tiếng hát xa xôi thuộc về muôn đời…

Chim gõ kiến như ẩn sĩ gõ nhịp thời gian

Gọi ta tỉnh thức.

(Siêu thoát trong rừng tùng)

Thông thường, muốn nhìn phải mở mắt, nhưng sao nhà thơ lại nói: “Nhắm mắt lại để nhìn thấy” rõ ràng là phi lý. Để nhìn thấy những thứ thông thường thì phải mở mắt ra để quan sát, nhìn nhận cho tường tận, nhưng ở đây nhà thơ muốn nhìn gì? Nhìn “vầng sáng dịu dàng giấc mơ”, thì ra không phải hiện thực hiện hữu mà là hiện thực nhuốm màu siêu thực. Có một dạo ta phải cân nhắc, kiêng kị khi nói đến siêu thực, nhưng từ hiện thực đến siêu thực là sự phát triển tất yếu của tư duy và nghệ thuật, là thành quả chói ngời của nhân loại, nó bổ sung cho hiện thực hiện hữu phong phú đầy đủ hơn. Đọc lại câu thơ thì thấy nhà thơ có lý chứ không phi lý chút nào, muốn nhìn được “vầng sáng dịu dàng giấc mơ” mà cứ mở mắt trô trố ra thì làm sao nhìn tới được cõi ảo diệu cao siêu? Không những vậy,“nhắm mắt lại” còn nghe được: “tiếng hát xa xôi thuộc về muôn đời…”. Khi mắt nhắm, thị giác tạm nghỉ ngơi thì đôi tai phải làm thay chức năng của đôi mắt, rất có lý. Và như vậy sẽ nghe được, nhận biết được nhiều hơn bình thường là hiển nhiên.

Hai câu sau cũng là một sáng tạo rất đáng ghi nhận:

Chim gõ kiến như ẩn sĩ gõ nhịp thời gian

Gọi ta tỉnh thức.

Hóa ra để nhìn cho rõ, nghe cho tường, có thứ cần mở mắt, lại có thứ cần nhắm mắt. Thơ ca khám phá và phát hiện làm cho đời sống phong phú là vậy.

Trong một trường hợp khác:

Biết bao điều con người phải tư duy và mơ mộng

Nghe sự im lặng của thế giới xôn xao ở tâm mình

Nghe bằng trái tim chú ong thi sĩ.

(Chú ong thi sĩ)

Để nhận biết thế giới, nhà thơ còn phải vận dụng nhiều cách khác, như phải hóa thân vào con ong, biến con ong thành thi sĩ nữa… cũng là một ý hay.

Đọc thơ Nguyễn Thanh Lâm ít gặp những trường hợp giật mình về ngôn ngữ, hình ảnh; thơ anh thanh đạm mà thấm sâu, viết lối này non tay rất dễ bị nhạt, phải bản lĩnh và dũng cảm lắm mới có thể chọn bút pháp này.

Sen đã hết mùa không muốn thơm. Lại thơm

Không gian không ướp hương. Mà hương

Tóc bạc không muốn xanh. Lại xanh

Bản năng ngủ quên bừng tỉnh.

(Trời đi vắng)

Tức là phải quan sát sự vật thật tinh tế kết hợp với sức liên tưởng kỳ ảo và bay bổng; nhưng đến bước sau còn khó hơn nhiều, ấy là phải hình thành nên một ý tưởng, một tư tưởng.

Tôi đã phóng chiếu hồn mình ở đây

Cửa Phật cõi không

Giả tưởng ước mơ có mà không có

Nhưng tôi tin trái tim tôi đang đặt ở nơi này.

(Tôi tin)

Tư tưởng trong thơ Nguyễn Thanh Lâm cũng nhẹ nhàng chứ không đao to búa lớn do vậy dễ nhập hồn, nhập thần.

Xem cuốn phim hoạt hình mây biến ảo

Muôn loài hiện lên và biến mất

Núi nhẹ xốp

Ta không trọng lượng

Đứng. Bay.

Trời mênh mông mà chật chội.

(Bức tranh trời)

Không ít bài trong tập này mới đọc tưởng như không có tứ, nhưng nhiều bài được thiết kế theo lối “cấu tứ lỏng” (khác với lối “cấu tứ chặt” truyền thống). Suốt cả bài “Bức tranh trời” nói điều nọ điều kia một cách tản mạn nhưng bất ngờ câu cuối: “Trời mênh mông mà chật” đã khái quát một tâm trạng bức xúc nào đó, chính điều bất ngờ này đã hình thành cấu tứ của bài thơ, cũng phải tinh ý một chút mới nhận ra.

Đôi khi anh nhẩn nha rất tự nhiên:

Lý trí nói nhiều nhưng biết ít

Trái tim biết nhiều mà im lặng.

(Soi gương)

Hai câu vừa là ý tưởng, tư tưởng, vừa là cấu tứ của bài thơ. Cũng tựa như phần sau của bài “Vô đề II”:

Không ai ở mãi trong đời

Bon chen mê ngộ một thời rồi đi.

Ý này tuy không mới mẻ gì nhưng cái sự tương phản trong câu tám có tầm khái quát nên đã trở thành trụ chống vững vàng cho cả bài.

Hoặc trường hợp kết thúc bài “Không có thật”:

Hạnh phúc là nụ cười ngụ ngôn

Bất hạnh là chuyện đời vô thường.

Những câu có dáng dấp châm ngôn thế này thường dễ khô khan nhưng Nguyễn Thanh Lâm khéo sử dụng hình ảnh ví von “nụ cười ngụ ngôn” làm cho bớt đi yếu tố chính luận do vậy cặp câu trên vẫn là điểm quy tụ, khiến cả bài thơ trụ vững. Ở đây như người làm xiếc đi trên dây, thành công và thất bại chỉ cách sợi tóc.

Tiếp cận vùng tâm linh thường có hai điều tâm nguyện: một là cầu được ước thấy, nghiêng về lợi danh; hai là vô thường, nghiêng về tự tại hư không. Nguyễn Thanh Lâm nghiêng về ước nguyện thứ hai nhưng rất đời thường:

Ước gì một ngày

Anh nhìn thấy em và con đều mới lạ…

(Ước)

Điều này nói và nghe tưởng dễ nhưng thực ra là cực kỳ khó, nó đòi hỏi không những ở đối tượng mà còn cả ở chủ thể nữa, cả hai đều phải thanh tẩy tà hạnh, tà kiến. Không khuyến khích sự khổ não nhưng nó tránh cho bản ngã bị biến hoại giúp cho ta tương phùng với lý tưởng Chân Thiện Mỹ.

Anh đến chùa tìm em

Em trao cho anh chìa khóa mới

Mở cửa vào nhà của mình.

(Chìa khóa mới)

Anh đi đâu đó trở về nhà, bảo vợ đưa chìa khóa thì chả có gì đáng nói, điều này diễn ra thường xuyên với tất cả chúng ta. Nhưng cái lạ và thơ ở ba dòng trên là gì? Đó là “vào chùa” và “chìa khóa mới”. Có thể vẫn là chìa khóa hàng ngày, nhưng ý nghĩa và hồn vía thì khác rồi, mới rồi. Với chìa khóa ấy, anh “mở cửa vào nhà của mình”, ta hiểu cuộc sống trong ngôi nhà ấy đã được đổi thay về bản chất. Thơ kín đáo, phong cách thiền triết, loại thơ này kén người đọc, bởi không tĩnh tâm thì không nhận ra vẻ đẹp và cái hay của thơ.

Chất thơ đạm, không cần nồng; cấu tứ lỏng, không cần chặt giống như ngồi thiền, thả lỏng toàn thân là đặc điềm của tập thơ “Siêu thoát trong rừng tùng”. Đây là nét mới trong đời sống thơ ca hiện nay, tôi nghĩ rất đáng lưu tâm tìm đọc. Đây là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm, một bước tiến mới trong chặng đường sáng tạo thi ca của anh.

TP. Hồ Chí Minh tháng 10 – 2016

NGUYỄN VŨ TIỀM – Vanvn.net