LỚP D TOÁN LÝ HỒI HỌC SƯ PHẠM VÀ SAU KHI TỐT NGHIỆP RA TRƯỜNG
Bài viết của thầy giáo Nguyễn Bá Vi
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, 43 anh chị em chúng tôi được trúng tuyển vào học trường Sư Phạm 10 + 3 Hà Tây. Đến ngày 27/12/1975 tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình được sáp nhập thành tỉnh Hà Sơn Bình. Từ đó trường Sư Phạm 10 + 3 Hà Tây được đổi thành trường Sư Phạm 10 + 3 Hà Sơn Bình. Bốn mươi ba anh chị em trúng tuyển học lớp D Toán Lý, trường sư phạm 10 + 3 Hà Tây gồm 20 bạn nữ 23 bạn nam ở các huyện: Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Đan Phượng, Thị Xã Sơn Tây, Quốc Oai, Ba Vì. Có 1 bạn con em miền Nam ở Hà Nội gửi vào.
Học ban Toán Lý nghĩa là học 2 bộ môn cơ bản là Toán và Vật Lý, cùng với đó, học những bộ môn nghiệp vụ sư phạm khác như: Giáo dục học, phương pháp dạy học, Tâm lý lứa tuổi, các bộ môn Chính trị: Triết học Mác Lê Nin, Kinh tế chính trị học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng. Chúng tôi đã được đào tạo rất cơ bản, rất bài bản và toàn diện.
Thời kỳ học sư phạm chúng tôi đều ý thức học tập, rèn luyện, tu dưỡng hằng ngày và nhất là khi có kỳ thi thì ai ai cũng tự giác ôn luyện nghiêm túc tới khuya, học cả ngày nghỉ và ngày lễ, ra tận nghĩa trang của làng Hà Hồi để học bài, truy bài. Không một ai trong số chúng tôi chơi bời bỏ học, đàn đúm vi phạm phẩm chất đạo đức giáo sinh sư phạm. Cuối năm thứ hai, lớp được chia thành 2 đoàn đi kiến tập tại 2 trường PTCS Châu Can và Đại Xuyên của huyện Phú Xuyên, 2 trường cách nhau khoảng năm, sáu cây số đối xứng nhau qua chiếc cầu Giẽ. Tại nơi kiến tập ấy, những chiếc xe đạp của các bạn vẫn rong ruổi từ bên này sang bên kia để thăm nhau, những đôi bạn chở nhau bằng xe đạp đi từ nhà tới trường kiến tập, những chuyến đi ấy thường đi qua con đê của con sông tĩnh lặng êm đềm cả sớm và tối, may thay không có đôi bạn nào rơi tùm xuống sông!
Mùa hè năm thứ hai, lớp được chia thành nhiều nhóm nhỏ và tỏa về nhiều địa phương khác nhau để thực hiện “Chiến dịch hè ánh sáng văn hóa”. Trong chiến dịch ấy tất cả các bạn đều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, các bạn bám dân, tận tình giúp đỡ, dạy dỗ cho những người chưa biết chữ, mang lại ánh sáng văn hóa thiết thực cho nhân dân. Trong chiến dịch ấy nhóm các bạn đến xã Tân Minh, huyện Thường Tín đã làm được một việc vô cùng ý nghĩa đó là các bạn dã dạy cho một chị có chồng là bộ đội đang đóng quân ở biên giới Tây Nam từ chỗ không biết chữ đến biết đọc, biết viết rồi các bạn giúp chị tự tay viết thư thăm chồng nơi xa, việc làm ấy đã mang lại bao niềm vui ấm áp, hạnh phúc cho chị và cả gia đình.
Hết năm thứ hai do yêu cầu công tác tổ chức, một nhóm các bạn nam Ứng Hòa của lớp chuyển sang lớp A Toán Lý, tuy vậy tình cảm lớp D Toán Lý vẫn được duy trì củng cố. Một hình ảnh đáng nhớ là sau khi tốt nghiệp, nhóm các bạn lớp D Toán Lý vẫn tụ tập nấu cơm liên hoan chia tay. Rồi hôm chia tay ra trường nhiều bạn tỏ ra buồn bã không cầm được nước mắt.
Ba năm sư phạm với biết bao kỷ niệm vui buồn mà sau 45 năm đã trôi qua không thể nhớ lại được hết và với trang giấy nhỏ này không thể viết một cách đầy đủ được.
Xin được lắng đọng những tình cảm, những kỷ niệm ấy bằng những câu thơ trong bài thơ “Về hội lớp” của thầy giáo Đỗ Thế Minh viết vào trưa ngày 25/10/2023 vừa qua:
… Vui buồn cùng nếm trải
Quý mến và yêu thương
Giận hờn cùng trách móc
Tình ý cũng nảy sinh
Thầm yêu và trộm nhớ
Nhưng mà vẫn dại khờ!
….
Sang năm thứ ba, sự dại khờ có phần bớt giảm nhưng rất tiếc vẫn không có “Phút làm nên lịch sử”, sự dại khờ ấy trách nhiệm thuộc về 21/23 bạn nam chúng tôi, xin được nhận lỗi trước 18/20 bạn nữ bởi trong số đó xin chúc mừng 2 đôi bạn đã trở thành 2 đôi uyên ương đó là đôi bạn Lê Xuân Trường và Nguyễn Thị Mỵ, đôi bạn Hoàng Văn Phú và Phùng Thị Phúc.
Kết thúc năm thứ ba chúng tôi ra trường công tác, lúc ấy là tỉnh Hà Sơn Bình, một số được điều động giảng dạy ở các huyện đồng bằng, một số lên công tác tại các huyện miền núi. Lên huyện Lạc Sơn có các thầy cô: Đỗ Thế Minh, Trịnh Văn Hành, Hoàng Văn Phú, Kiều Thị Hưởng và Nguyễn Hữu Bội. Lên huyện Mai Châu là các thầy cô: Trần Tuấn, Ngô Văn Quý. Thầy Đoàn Thanh Trường lên công tác ở huyện Kim Bôi. Các thầy cô không những lên huyện miền núi công tác mà còn là những Chiến sĩ văn hóa tiên phong “cõng” con chữ lên những bản làng xa xôi của các xã vùng cao, vùng sâu, mang ánh sáng văn hóa đến các bản làng.
Sau 2 năm công tác, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, các thầy Nguyễn Văn Xuyên, Đỗ Thế Minh, Trịnh Văn Hành, Ngô Văn Quý, Nguyễn Quang Vinh, Dư Đình Xuân lại tạm biệt phấn trắng bảng đen hăng hái cầm súng lên đường bảo vệ Tổ Quốc. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự cả sáu thầy đều quay trở lại với ngành giáo dục. Sau khi công tác được mấy năm, hai thầy giáo được điều động vào tăng cường cho tỉnh Minh Hải đó là: thầy giáo Nguyễn Duy Ngữ và Lê Xuân Trường. Sau 5 năm công tác tại Minh Hải, hai thầy cũng trở về miền bắc với ngành giáo dục cùng tất cả các thầy cô khác tiếp tục nỗ lực phấn đấu đạt kết quả cao trong công tác.
Có thầy đã trở thành cán bộ lãnh đạo cao nhất cấp huyện. Có thầy cô chuyển sang công tác ở Bộ Quốc Phòng và trở thành sĩ quan cao cấp của Quân đội. Có một cô giáo trở thành nhà văn có tên tuổi. Số các thầy cô khác phấn đấu trở thành giáo viên giỏi các cấp, nhiều thầy cô thành Cán bộ quản lý lãnh đạo các trường học, các Phòng Giáo dục, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên, Cán bộ Công đoàn các cấp.
Hồi đầu mới ra trường công tác, đời sống kinh tế xã hội của đất nước sau chiến tranh rất khó khăn, mỗi cán bộ viên chức lúc ấy được bao cấp mua 13 kg lương thực, khi đi mua phải mang nhiều bao đựng: mấy cân gạo, mấy cân độn sắn tươi, sắn khô, hạt bo bo thậm chí độn cả phân đạm. Phương tiện thông tin không có, phương tiện giao thông hạn chế, hầu như chúng tôi không ai có liên hệ và biết được về nhau, nhưng mỗi chúng tôi không ai bảo ai đều nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn vượt lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nhiều thế hệ học trò của chúng tôi đã trưởng thành và trở thành những cán bộ lãnh đạo cấp ủy đảng và chính quyền các cấp. Các con cháu của chúng tôi đều chăm ngoan, thành đạt, đó là thành quả không thể đo đếm, là sản phẩm đặc biệt của nghề dạy học.
Như chúng ta đã biết, nghề dạy học có những đặc điểm chung cho mọi dân tộc, song cũng có đặc điểm riêng của Việt Nam. Về mặt lao động, nghề dạy học có những nét đặc thù riêng so với nghề lao động trí óc khác. Đối tượng lao động của người thầy là nhân cách, tâm hồn, thể chất con người nói chung và của thế hệ trẻ nói riêng, tạo dựng ra toàn bộ nhân cách con người. Người Thầy giáo có trách nhiệm làm cho nhân cách ấy ngày càng tốt hơn hoàn thiện hơn, công cụ lao động của người thầy chính là bản thân mình, là toàn bộ nhân cách của mình với những phẩm chất đạo đức trong sáng với năng lực dồi dào và các phương tiện giảng dạy giáo dục cần thiết khác, phương pháp lao động chủ yếu của người thầy là phương pháp nêu gương của bản thân, cảm hóa học trò bằng tư tưởng và tình cảm của mình đồng thời phát huy năng lực trí tuệ học sinh, đó là những đặc điểm chung làm cho nghề dạy học trở thành một nghề cao quý và sáng tạo.
Sản phẩm đã có, thành quả đã có, nhiệm vụ người thầy đã hoàn thành, chúng tôi trân trọng cảm ơn các thầy giáo, cô giáo trường Sư phạm 10 + 3 Hà Sơn Bình, nay là trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội đã dày công dạy bảo, đào tạo chúng tôi trở thành một thế hệ nhà giáo.
Khó khăn vất vả đã qua đi, hôm nay sau 45 năm lần đầu các thầy cô lớp D Toán Lý trường Sư phạm 10 + 3 Hà Sơn Bình (cũ) tụ họp tại đây để ôn lại những kỷ niệm vui buồn. Trong số 43 thầy cô của lớp có một số do điều kiện sức khỏe, do hoàn cảnh gia đình hoặc do lý do đặc biệt khác không có mặt dự họp hôm nay. Trong đó chúng ta thật xót xa có tới tám thầy cô của lớp không về, không bao giờ trở về gặp mặt chúng ta nữa, đó là thầy giáo Nguyễn Duy Ngữ, cô giáo Phùng Thị Phúc, cô giáo Đỗ Thị Hải, thầy giáo Dư Đình Xuân, cô giáo Mai Thị Dậu, thầy giáo Nguyễn Văn Minh, cô giáo Nguyễn Thị Đoàn và cô giáo Nguyễn Thị Hạnh. Với lòng tiếc thương vô hạn, chúng ta xin được chia sẻ nỗi đau này tới thân nhân của tám bạn, những người vợ, người chồng, người con, những người thân trong gia đình tám thầy cô.
Thuở còn là học sinh và thuở dạy học chúng tôi đều được học tập thấm nhuần nhiều lời dạy của Bác Hồ kính yêu đối với nhà giáo và học sinh. Một trong những lời dạy mà chúng tôi ghi lòng tạc dạ đó là:
“Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình, thật thà yêu trường mình – có gì vẻ vang hơn là đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng xã hội! Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất… những thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.
Thời phấn trắng bảng đen đã qua, trở về với cuộc sống đời thường, mỗi chúng tôi đều có quyền tự hào rằng mình đã từng là anh hùng vô danh.
Chúc tất cả các thầy cô giáo sức khỏe, hạnh phúc, sống vui khỏe sống có ích trong cuộc đời, sống hạnh phúc bên những người thân trong gia đình, đồng thời hướng về nhau bằng một tình cảm chân thành, thương yêu quý trọng theo đúng nghĩa.
TM Ban Liên lạc lâm thời lớp D Toán Lý trường sư phạm 10+3 Hà Sơn Bình.