Nhà văn VÕ THỊ XUÂN HÀ

1.

Có lẽ bộc bạch riêng tư là điều tôi không muốn, nếu như Văn nghệ Quân đội không phải là nơi gắn bó với tôi, không chỉ nghiệp văn mà còn một gắn kết riêng biệt. Gần đây đi công tác cùng xe với nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng biên tập Tạp chí, tôi vui chuyện kể ra điều gắn kết riêng đó. Anh bảo: “Quý quá! Sao chị không viết cho tạp chí đôi điều câu chuyện chị vừa kể?”.

Tôi quê gốc ở Nam Phổ – Huế, sát với Vỹ Dạ. Gia đình ông bà nội ba đời sinh sống làm ăn ở Vỹ Dạ. Ba tôi là con trai cả tiệm vàng Tài Nguyên nổi tiếng nhất nhì ở Huế thời Pháp thuộc, nhưng ông cũng là một trong những tiểu đội trưởng đầu tiên của Liên khu Năm. Mẹ tôi gốc Huế nhưng mấy đời sinh sống ở Đà Lạt, nên mẹ không biết mấy về vùng đất gốc gác. Ông ngoại tôi là “thợ cả” (cách gọi kiến trúc sư trưởng thời Pháp thuộc) xây lăng tẩm cho dòng họ Nam Phương hoàng hậu ở Đà Lạt, xây nền móng ban đầu khu nhà hạt nhân nguyên tử… Mẹ tôi trốn nhà đi theo cách mạng và gặp ba tôi ở chiến khu Bình Định. Năm 1954, ba mẹ tôi tập kết ra Bắc. Chị em tôi được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Thuở nhỏ chúng tôi luôn phải đi sơ tán, hoặc lênh đênh theo mẹ đến những vùng đất như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Tây… Mẹ tôi là y tá quân đội, sau học lên thành một y sĩ giỏi. Ba tôi là sĩ quan quân đội (ông đi chiến trường B từ đầu năm 1960, cho đến trước khi về nghỉ hưu là Phó Chủ nhiệm Thông tin của cơ quan Bộ Tư lệnh Đoàn 559). Chị em tôi luôn được sống trong mối quan tâm của đồng nghiệp và đồng đội của ba mẹ. Tình nhân ái của mọi người trong bối cảnh đất nước lúc đó đã nuôi chị em tôi khôn lớn. Tình nhân ái sau này đã tạo nên điểm cốt yếu trong văn tôi. Những ngày tháng lênh đênh khắp mọi miền trên đất Bắc (như hoàn cảnh sống của nhiều con em miền Nam khác) đã cho tôi những bối cảnh truyện, những nhân vật trên rừng, dưới bể, nông thôn, thành phố… như nhiều người nhận xét.

Trong các vùng đất, tôi được ngấm văn hóa của Đà Lạt nhiều nhất, vì mẹ tôi là con gái Đà Lạt, nói giọng Đà Lạt, lại là con của nước Chúa (mẹ tôi giấu biệt điều này, như ba mẹ vẫn giấu biệt mình biết tiếng Pháp, để đi theo cách mạng); trong khi ba tôi cứ biền biệt ở chiến trường, chị em tôi không được biết chút gì về Huế quê nội mình.

Người cho chúng tôi biết đôi điều, có được hình dung rõ nét nhất về Huế khi còn nhỏ là nhà thơ Thanh Tịnh, người duy nhất có mối liên hệ với dòng tộc tôi ở Huế. Tuổi thơ của tôi được biết đến viên kẹo Nga đầu tiên là quà của ông mang lên Trại B để thăm chị em chúng tôi thay cho ba thì đi B, mẹ thì học ngành y sơ tán tận Quảng Ninh (Trại B thuộc Tổng cục Chính trị, là trại sơ tán dành cho con của những người đi B, bấy giờ đặt ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Bước chân đầu tiên của tôi đặt đến ngôi nhà số 4 phố Lý Nam Đế là từ ngày còn nhỏ xíu. Nhà thơ Thanh Tịnh đưa chị em tôi đến phòng ông ở, nơi ông làm Chủ nhiệm (nay gọi là Tổng biên tập) Tạp chí Văn nghệ Quân đội – mà ngày ấy tôi đâu có biết gì về chức vụ này.

Tôi học rất giỏi, cả văn và toán. Nhưng khi đi thi học sinh giỏi, thầy cô luôn chọn tôi thi văn, vì học sinh giỏi văn hiếm hơn giỏi toán. Nhưng số phận lại đưa tôi đi học cao đẳng toán, ra trường đi dạy đạt từ giáo viên dạy giỏi đến chiến sĩ thi đua cấp tỉnh thành. Đi dạy, yêu thương học trò, đắm đuối với nghiệp trồng người không ít năm mà dường như tôi vẫn cứ sống trong cơn mộng du, dường như đó vẫn chưa phải là cuộc sống mà tôi xác lập. Tôi luôn muốn viết ra một cái gì đó, chưa định hình. Điều định hình rõ nét nhất trong tôi sau nhiều năm dạy học đó là, nếu không hiểu gì về văn chương cổ kim thì làm sao có thể viết được cái gì dù là cho riêng mình. Tôi không đến với văn chương chỉ bằng sự đam mê, mặc dù tôi tập sáng tác từ rất nhỏ. Lúc ấy, tôi đã sáng tác cả văn cả thơ, rồi gửi cho nhà thơ Thanh Tịnh nhưng không thấy ông hồi âm dù chỉ bằng một lời nói. Sau này, tôi đoán chắc ông lo cho tôi, thân gái lại đam mê văn chương sẽ lận đận. Y như tôi chặn đứng việc viết lách của con gái tôi sau này.

Vậy là bằng mọi giá tôi đi học Tổng hợp văn tại chức rồi chuyển sang học Trường viết văn Nguyễn Du khoá 4 – tốt nghiệp thủ khoa khóa này. Đến khi cầm tấm bằng trong tay, tôi mới cho rằng mình đủ kiến thức tối thiểu để viết văn. Và tôi lao vào đời, làm đủ mọi việc để kiếm sống và để có thêm nhiều vốn sống. Rất nhiều sáng tác sau này của tôi đã dựa trên những năm tháng lăn lộn ngoài đời.

Nói về sự học, tôi còn có bằng đỏ các lớp cao cấp chính trị, cán bộ tổ chức, quản lí nhà nước. Tôi đi dạy mười năm, làm báo cũng trên mười năm ở nhiều tờ báo khác nhau, làm quản lí ở một số cơ quan báo chí, xuất bản… Ngoài đời, tôi mở quán cà phê tới sáu, bảy lần. Cả chặng đường đi bộn bề như vậy, một bên là cơm áo gạo tiền gia đình ngổn ngang trắc trở, một bên là hành trang văn chương và sự ngộ dần con đường đi trong nghiệp của mình.

2. 

Tôi bắt đầu viết vào năm hai mươi tám tuổi, có lẽ là không sớm so với nhiều cây bút khác. Khi mới bắt đầu, tôi rất hào hứng và viết như kiểu cảm xúc lâu ngày bị dồn nén, đến lúc có dịp thì tuôn trào như thác lũ.

Tôi may mắn có một miền quê huyền thoại. Xứ Huế luôn tồn tại trong các tác phẩm của tôi, chứ không chỉ ở những sáng tác đầu tay. Tôi, cũng như các nhà văn khác, luôn có xu hướng biến miền quê mình thành xứ sở thần tiên. Nhưng với tôi, xứ sở thần tiên ấy được nhìn theo nhiều cung bậc, lúc êm đềm, lúc dữ dội, và có lúc xa lạ. Tôi yêu xứ Huế, yêu như cách người ta yêu mà không được gần, xa xôi vạn dặm, mơ mơ hồ hồ, mà như thấm đẫm từng mao mạch… Tôi cũng yêu Đà Lạt quê ngoại vô chừng. Có lẽ sự lãng mạn sương khói pha chút cô độc miên viễn mang dáng dấp những cánh rừng bạt ngàn, những non cao thăm thẳm trong các lớp vỏ truyện của tôi có được là nhờ linh thiêng xứ sở cao nguyên, nơi mẹ tôi luôn lưu giữ và truyền lại cho tôi qua dòng máu kiêu hãnh của bà. Nhưng Hà Nội lại là nơi tôi sinh thành và được nuôi dưỡng, rồi gắn bó. Sự bình tĩnh, chống đỡ mọi tai ương được hun đúc và bồi đắp trong cốt cách, đó là thái độ sống nơi thị thành, nơi con người có thể tự xây đắp cho mình một thành lũy để hòa đồng mà không bị hút xoáy, xây đắp cho mình một đam mê đã trở thành đạo nghiệp… Tôi tin nỗi đam mê này sẽ trường tồn trong tôi suốt cả cuộc đời trần.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng ngôi nhà của cha ở Huế, ngôi nhà của mẹ ở Đà Lạt vẫn là những hình ảnh huyền ảo nhất trong tôi. Có nhiều truyện ngắn của tôi chỉ mang đậm dấu ấn thị thành Bắc Kì. Nhưng khi quyết định viết một câu chuyện về Huế thì tôi tự hào mình không làm hổ danh dòng văn miền Trung yêu dấu.

3. 

Có một nhà phê bình văn học nói về các nhà văn nữ Việt Nam, rằng “họ chỉ là người viết về bản thân mình, không biết cách viết truyện”. Nhà phê bình văn học đó cần phải xem lại trình độ của mình trong văn hóa đọc. Thời cổ xưa các câu chuyện được truyền tụng như thế nào? Đó là nhờ tài nghệ của các nghệ nhân kể chuyện. Họ lang thang trên khắp mọi nẻo đường và các câu chuyện được xây đắp bằng mọi cách. Có người kể cái kết thúc trước. Rồi đến phần đầu. Loanh quanh mãi người nghe mới hiểu phần giữa. Có người bắn một mũi tên xuyên táo, rồi nhẩn nha đem từng chi tiết ra bóc như bóc vỏ củ hành. Khi có con chữ thì loài người kể chuyện lên thân cây, lên bãi cát, lên những tấm giấy hồ, rồi sau này lên những cuốn sách. Các nhà văn nữ Việt Nam kể chuyện bếp núc hay kể chuyện chống giặc ngoại xâm, thì đều mang cốt cách thần thái của Hai Bà Trưng, của Hoàng thái hậu Ỷ Lan, của Huyền Trân Công chúa, của Chúa Mẫu Liễu Hạnh, và xa xôi âm thầm dâng hiến của Công nữ Ngọc Vạn…

Có một bài trả lời phỏng vấn của tôi đã đăng trong tập tuyển giới thiệu Đất nước, con người, tác giả, tác phẩm Việt Nam của Nhà xuất bản St.Martin’s Press (Mĩ), do ông Trần Quý Phiệt, giáo sư khoa Tiếng Việt trường Schreiner College, phỏng vấn. Tôi muốn trích nguyên văn để có thể phần nào lí giải con đường đi của mình:

Hỏi: Chị có viết với tư cách nhà văn phụ nữ cho quần chúng phụ nữ như các nhà văn phụ nữ tranh đấu cho nữ quyền có ở phương Tây không? Là nhà văn phụ nữ chị có thể hội nhập được vào giọng chính (mainstream) không? Hay là chị phải sáng tạo một nền văn học cho chính mình (a literature of your own)?

Trả lời: Khi ngồi vào bàn viết, tôi nghĩ mình viết về những con người, cho những con người, nhưng vì tôi là phụ nữ nên việc thể hiện những xúc cảm nội tại sẽ thiên giọng nữ hơn. Đã là nhà văn thì phải tranh đấu cho và vì quyền con người. Nếu những tác phẩm của tôi góp phần tranh đấu cho hạnh phúc của một hay hàng vạn chị em phụ nữ, thì cũng đơn giản vì tôi là một nhà văn. Tôi không có ý chia thế giới ra làm hai phần và xác định mình phải viết để tranh đấu cho một phần hai thế giới là phụ nữ như mình. Chính bởi vì tôi không thích bất cứ một sự thương xót nào mà người ta có thể quan niệm về sự tự ti, sự yếu đuối, sự kêu gọi thương hại cho phụ nữ.

Và vì vậy tôi hoàn toàn có thể hội nhập được vào giọng chính (mainstream). Và cũng vì vậy mà tôi – nếu có thể khơi được cái rãnh thiên tài có trong mỗi con người – luôn ước muốn sáng tạo một nền văn học cho chính mình (a literature of your own). Cho chính mình? Tức là cho thời đại mình! 

Những khó khăn mà một nhà văn nữ gặp phải thì vô vàn. Giá như không có nhiều thì tốt biết bao. Tôi cũng như nhiều nhà văn nữ khác sẽ được rảnh rang để nghiên cứu, học hỏi, để viết thật hay. Nhưng gặp gian nan thì cũng bình tĩnh mà bước qua. Bước qua rồi mình sẽ ở một ngưỡng khác, lớn hơn. Sẽ viết được rộng hơn, đằm sâu hơn.

4. 

Tôi hay được mời giảng cho học viên ở các lớp bồi dưỡng sáng tác. Bản thân tôi cũng hay được thay mặt các cây bút trẻ nói lên mong ước của thế hệ trẻ, lớp những người viết mà tôi có cơ duyên được là người phụ trách công tác nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam trong suốt mười năm trời. Với công tác nhà văn trẻ, tôi cho đó là một may mắn, bởi tôi có cơ hội được đọc, phải đọc và theo dõi những tác phẩm của họ. Phát hiện, bảo vệ, giúp đỡ… là những việc có thể ai đó cho là giáo điều, thừa thãi. Với tôi, lại là nguồn bổ sung năng lượng viết cho mình, khi được tiếp xúc với nhiều giọng điệu, phong cách, với những thể nghiệm táo bạo, và đặc biệt là trẻ.

Với các lớp bồi dưỡng sáng tác, vừa truyền cảm hứng sáng tác cho học viên, vừa lấy lại niềm tin cho chính mình. Giống như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, kết nối các thế hệ, nuôi dưỡng mạch nguồn sáng tạo của bản thể. 

Trong các bài thuyết trình của mình, tôi thường nhấn mạnh việc học của một nhà văn là vô cùng cần thiết.

Tôi thường tâm sự với bạn viết trẻ: Nếu như trong tử vi của ai đó không có sao văn xương, văn khúc chiếu thì chớ có buồn. Bản thân chúng ta hãy tự thắp cho mình một ngọn đèn, cái ngọn bạch lạp đó có thể cháy leo lét. Đến một lúc nào đó nó sẽ sáng rỡ, soi rọi cho chúng ta, từ ánh sáng của nó tạo nên ánh sáng của sao văn xương, văn khúc chiếu cho chúng ta đi.

Và điều này chỉ đúng với những ai quyết tâm đi theo con đường này.

(Bài đã in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội)

Exit mobile version