Vì sao ngắn?

Ngày nay rất khó nhìn thấy hình ảnh một người say mê đọc những bộ tiểu thuyết trường thiên như Chiến tranh và hòa bình của L. Tolstoy, Sông Đông êm đềm của M. Sholokhov, Những người khốn khổ của V. Hugo… mặc dù đó là những kiệt tác văn chương. Không có gì lạ khi nhịp sống hiện đại thường khẩn trương chói gắt, quỹ thời gian nhàn rỗi rất ít vì phải lo mưu sinh căng thẳng hơn, các áp lực đời sống đè nặng hơn lên mỗi người. Văn hóa nghe nhìn đang bành trướng, ở thế thượng phong; ngành công nghiệp giải trí đang lên ngôi và ngày càng nhiều “chiêu” lôi kéo con người hiện đại, nhất là lớp trẻ, tiêu dùng thời gian nhàn rỗi vào những hoạt động tinh thần mà ở đó con người ít phải suy tư, nghiền ngẫm thế sự.

Quan sát sự đọc sách văn chương của người Việt Nam hiện nay sẽ thấy: những tiểu thuyết dày dễ bị độc giả quay lưng vì nhiều lí do (có lẽ chỉ giới nghiên cứu – lí luận – phê bình hay các giảng viên văn học ở các trường đại học, các nghiên cứu viên ở Viện Văn học là còn chịu khó, chịu khổ đọc mà thôi). Nhưng những cuốn sách “vừa tay” (ở đây được hiểu là ngắn) lại có cơ hội tồn tại khi nó phù hợp với sở thích và hoàn cảnh hiện đại. Sự riêng thích này không phải là một động thái bột phát, ngẫu hứng và ngẫu nhiên. Nó có căn nguyên văn hóa mà nhiều khi chúng ta vô tình không để ý. Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Hượu đã có lí khi nhận xét: “Giữa các dân tộc, chúng ta không thể tự hào là nền văn hóa của ta đồ sộ, có những cống hiến lớn lao cho nhân loại, hay có những đặc sắc nổi bật (…). Chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc, một ngành văn hóa nào đó trở thành đài danh dự, thu hút, quy tụ cả nền văn hóa”. Có thể ý kiến của nhà khoa học đã và còn sẽ “gây hấn” cảm xúc và tạo tranh luận, nhưng chúng tôi nghĩ là cần thiết, vì khoa học phải trung thực, khách quan và công bằng. Sáng tạo nghệ thuật gắn liền với quan điểm thẩm mĩ, đặc biệt quan điểm về cái đẹp. Nhà khoa học đồng thời chỉ ra: “Cái đẹp vừa ý là xinh, là khéo. Ta không háo hức cái tráng lệ, huy hoàng, không say mê cái huyền ảo, kì vĩ. Màu sắc chuộng cái dịu dàng, thanh nhã, ghét sặc sỡ. Quy mô chuộng sự vừa khéo, vừa xinh, phải khoảng (…). Tất cả đều hướng vào cái đẹp dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng và có quy mô vừa phải”(1). Tất cả những khái niệm “vừa khéo”, “vừa xinh”, “phải khoảng” là chỉ cái tính chất “vừa phải”, “vừa tầm” trong tư duy nghệ thuật (tâm lí sáng tác cũng như tâm lí tiếp nhận) của người Việt Nam từ lâu đời. Thiết nghĩ các nhà tiểu thuyết hiện đại không thể không chú ý đến đặc trưng văn hóa này của dân tộc khi sáng tác với câu hỏi “viết cho ai đọc?” và “viết như thế nào?”.

 

Khởi đầu từ Tố Tâm

Tố Tâm (viết năm 1922, in lần đầu năm 1925) của Song An Hoàng Ngọc Phách (1896 – 1973), có thể coi là cuốn tiểu thuyết ngắn đầu tiên trong văn học hiện đại Việt Nam. Trong lần in thứ nhất tại Nhà xuất bản Châu Phương, Hà Nội, văn bản tác phẩm chỉ dài 80 trang. Có thể nói đây là cuốn sách “gối đầu giường” của nhiều nam thanh nữ tú trước năm 1945. Vào những năm 20 của thế kỉ XX, độc giả là cư dân thành thị mặc dù bước đầu làm quen với những “trường thiên tiểu thuyết” như Những người khốn khổ của V. Hugo, thì chủ yếu vẫn lựa chọn hình thức tiểu thuyết ngắn để thưởng thức. Theo sách Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam (Từ cuối thế kỉ XIX đến năm 1945) – Nxb Văn học, 2001 thì tiểu thuyết thời kì này chủ yếu thuộc dạng thức ngắn. Một số ví dụ: Giấc mộng con I và II (1916 – 1932) của Tản Đà dài 148 trang, Cay đắng mùi đời (1925) của Hồ Biểu Chánh dài 133 trang, Bỉ vỏ (1938) của Nguyên Hồng dài 199 trang, Đêm hội Long Trì (1944) của Nguyễn Huy Tưởng dài 150 trang, Nàng công chúa Huế (1938) của Lưu Trọng Lư dài 162 trang…

Thời kì 1945 – 1975, mặc dù tiểu thuyết Việt Nam chủ yếu phát triển theo khuynh hướng sử thi, quy mô phản ánh hiện thực đời sống mở ra vô cùng tận (kiểu như Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi, Cửa biển của Nguyên Hồng, Bão biển của Chu Văn, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Mẫn và tôi của Phan Tứ… nghĩa là những “trường thiên”) thì vẫn có một “dòng” tiểu thuyết ngắn chinh phục độc giả vì tính chất cô đúc, hàm súc của nó như  Sắp cưới (1957) của Vũ Bão, Đi bước nữa (1960) của Nguyễn Thế Phương, Mùa hoa dẻ (1957) của Văn Linh, Nhãn đầu mùa (1960) của Trần Thanh – Xuân Tùng…

Văn học đương đại Việt Nam (sau 1975), dường như là mảnh đất nuôi dưỡng tiểu thuyết ngắn. Vẫn phải thừa nhận vị trí không thể chối cãi của những “trường thiên tiểu thuyết” kiểu như Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh (mỗi cuốn đều cỡ 900 trang khổ to) – không phải là không có độc giả tìm đến những cuốn sách dày cộp ấy vì rất nhiều lí do. Nhưng theo chúng tôi, tiểu thuyết trường thiên không có thị phần văn chương lớn như tiểu thuyết ngắn. Chỉ cần điểm danh nhanh sẽ thấy đội hình tiểu thuyết ngắn trên văn đàn những năm đầu thế kỉ XXI là đông đảo, hùng hậu và về phương diện kinh tế thị trường thì đó là một món hàng bắt mắt. Xin dẫn ra một số tiểu thuyết ngắn (dưới 200 trang) đáng chú ý trên văn đàn Việt Nam đương đại: Thiên sứ (1989) của Phạm Thị Hoài, Không thành người lớn (1995) của Từ Nguyên Tĩnh, Bè trầm (1988) của Nguyễn Trọng Tín, Lạc rừng (1999) của Trung Trung Đỉnh, Thoạt kỳ thủy (2004) của Nguyễn Bình Phương, Tấm ván phóng dao (2004) của Mạc Can, Thiên thần sám hối (2004) của Tạ Duy Anh, Trăm năm thoáng chốc (2004) của Vũ Huy Anh, Khê Ma Ma (2004) của Thái Bá Lợi, Ở đất kẻ thù (2006) của Lê Lan Anh, Cọng rêu dưới đáy ao (2007) của Võ Văn Trực, Thời loạn (2009) của Lê Lựu, Một bàn tay thì đầy (2010) của Hoàng Việt Hằng, Giảng đường yêu dấu (2010) của Mai Anh Tuấn, Trò chơi hủy diệt cảm xúc (2012) của Y Ban. Cuốn tiểu thuyết “siêu ngắn” Hình bóng đàn bà (2006) của Vũ Xuân Tửu chỉ có 80 trang khổ 11x18cm (ông cũng là tác giả viết truyện ngắn có duyên, đã từng đoạt giải Nhất truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2006). Theo tác giả đây là một cuộc thí nghiệm, có thể thành công hoặc không thành công. Độc giả và giới phê bình trân trọng tinh thần dám nghĩ dám làm của nhà văn.

Cũng phải nói thêm một ý: trong quá trình sáng tác tiểu thuyết ngắn, các nhà văn hiện đại Việt Nam (đặc biệt thế hệ trưởng thành sau 1945) tất nhiên sẽ học hỏi được những kinh nghiệm nghệ thuật thế giới, bổ sung cho bản thân những vốn liếng mới. Các nhà văn của chúng ta đã đọc và rút tỉa được những kinh nghiệm quý báu từ những tiểu thuyết ngắn Người xa lạ (1942) của nhà văn Pháp A. Camus (bản dịch tiếng Việt dài 140 trang), Buồn ơi chào nhé (1954) của nhà văn Pháp F. Sagan (bản dịch tiếng Việt dài 100 trang), Ông già và biển cả (1965) của nhà văn Mĩ E. Hemingway (bản dịch tiếng Việt dài 80 trang), Người thứ bốn mốt (1926) của nhà văn Nga  B. Lavơrênhép (bản dịch tiếng Việt dài 85 trang), Thiếu nữ đánh cờ vây của nhà văn Pháp gốc Trung Quốc Sơn Táp (bản dịch tiếng Việt dài 195 trang)… Đó hẳn là phương pháp “ôn cố tri tân”, học ngoài để vận trong.

 

Ngắn, dài khác nhau thế nào?

Tiểu thuyết ngắn được đặc trưng bởi cái gì? Trước hết dĩ nhiên là “ngắn” (tạm thời chúng tôi đề xuất một cách nhận biết về “ngắn”: đó là những tiểu thuyết có độ dài dưới 200 trang in truyền thống cỡ 13x19cm). Viết ngắn, hiện đang được xem là một cuộc chơi ngôn từ, một thể nghiệm của sáng tác tiểu thuyết. Chúng tôi mạnh dạn đề xuất ba tiêu chí để xem xét tiểu thuyết ngắn:

 

1. Sự dồn nén dung lượng

Dồn nén dung lượng, theo cách nói của nhà kinh tế, thì đó là phát triển theo chiều sâu – nghĩa là chú ý đến năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản phẩm (ở đây là tác phẩm văn chương). Trong xã hội hiện đại, con người cũng đang cố gắng phấn đấu cho một cuộc sống có chất lượng (không phải là “ăn no mặc ấm” mà là “ăn ngon mặc đẹp”). Trong nghệ thuật, quy luật “quý hồ tinh bất quý hồ đa” luôn luôn đúng. Xin dẫn một trường hợp để chúng ta cùng suy ngẫm – đó là hiện tượng Mạc Can với tiểu thuyết Tấm ván phóng dao (Giải A cuộc thi tiểu thuyết lần thứ II, 2002 – 2004, của Hội Nhà văn Việt Nam). Với độ dài khiêm tốn (193 trang), đây là tiểu thuyết mà độc giả có thể “đọc một hơi”. Nhà văn Hồ Anh Thái đã có một nhận xét chính xác về đặc điểm của cuốn tiểu thuyết này: “Mạc Can sử dụng hiệu quả phương pháp gián cách. Mọi sự kiện, mọi biến động của đời sống bên ngoài vừa được tái hiện trực tiếp lập tức được đẩy ra xa, đưa qua màng lọc của chàng thiếu niên, khắc in lại trong đó những đường đồ thị run rẩy. Chuyện thế sự khi ấy chỉ còn là cái cớ để cho những rung cảm của một con người được dịp phun trào ra, ngân lên. Sự kiện ngay phút chốc được xóa mờ, nhường chỗ cho những chiêm nghiệm, những rung động, những cung bậc tình cảm tinh tế nhiều vẻ” (Lời giới thiệu Tấm ván phóng dao, Nxb Hội Nhà văn, 2004). Sự dồn nén dung lượng, theo cách nói của nhà khoa học, giống như là cách chế tác những “vi mạch” (khối lượng sự vật rất bé, nhưng sức chứa dữ kiện rất lớn). Tôi có một so sánh hơi khập khiễng như sau: tiểu thuyết ngắn giống như loại ô-tô nhỏ đang rất thịnh hành ở các thành phố lớn hiện nay, vì nó gọn nhẹ và cơ động, tính năng của nó thì vẫn không khác gì ô-tô “khủng”.

 

2. Sự giản lược nhân vật và cốt truyện

Tiểu thuyết Thiên thần sám hối (2004) của Tạ Duy Anh có độ dài 125 trang, và chỉ có hai nhân vật chính: người mẹ mang thai sắp đến ngày sinh con, đứa bé ở dạng bào thai (vì còn ba ngày nữa bé mới chào đời). Tiểu thuyết là câu chuyện về cuộc đấu tranh nội tâm của một con người dù hình hài chưa rõ ràng nhưng đã có thể “hiểu” được cuộc đời và cái lí, cái lẽ của cõi nhân gian: “Còn bảy mươi hai giờ nữa tôi mới hết giai đoạn bào thai. Sau đó chỉ còn mỗi việc giẫy đạp, gào thét mà chui ra, thế là thành người”. Cuối cùng thì với tinh thần hiện sinh, như người ta nói, đứa bé đã dứt khoát: “Nhưng tôi chấp nhận cuộc sống, còn bởi một sự thật ngàn lần khó tin hơn: Con người chẳng làm được gì hơn ngoài sự chuẩn bị cho cái chết của chính mình. Vì thế họ phải chuẩn bị đến nơi đến chốn”. Tiểu thuyết của Tạ Duy Anh một dạo đã gây sóng gió dư luận bởi cái “tứ” độc đáo nhưng không dễ chấp nhận “chết khó hơn là sống” (thậm chí có người còn cho rằng đứa bé ở dạng bào thai không thể coi là nhân vật văn chương được!?). Một trường hợp khác, theo chúng tôi cũng rất điển hình, là tiểu thuyết Lạc rừng (1999, Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ I, 1998 – 2000, của Hội Nhà văn Việt Nam) của Trung Trung Đỉnh. Với độ dài 190 trang, tiểu thuyết có cái sức nén và sức phóng của một mũi tên rời khỏi dây cung, bay nhanh tới đích. Nhân vật xưng “tôi” kể chuyện là một chiến sĩ giải phóng quân bị lạc đơn vị, sa vào giữa trùng trùng rừng núi. Anh được đồng bào dân tộc cứu chữa, nuôi nấng, đùm bọc. Một cuộc “lạc rừng” đã nảy sinh biết bao nhiêu chuyện, nhưng đằng sau những câu chuyện lạ lẫm là một cái “tứ” rất sâu đậm: sự cần thiết của những cuộc “lạc” ra ngoài hệ thống của mình, sự cần thiết phải va chạm văn hóa với hệ thống khác. “Lạc rừng” như là một tình huống tư tưởng giả định để con người có được cái phẩm tính trải nghiệm, có dịp để chiêm nghiệm và nhận biết cái lí lẽ cũng như cái tình của đời sống vốn vô cùng, vô tận. Nhà văn Xô-viết N. Đumbatze trong tiểu thuyết Quy luật muôn đời đã nêu ra một cái “tứ” khá sâu sắc “khi đối diện với cái chết ta mới biết quý trọng sự sống” – vì thế mỗi người cần thiết phải qua một lần nằm bệnh viện để có cơ hội nghiền ngẫm các giá trị sống. Trung Trung Đỉnh thì nêu lên một tình huống giả định: mỗi người cần có một lần “đi lạc” để có cơ hội ngộ ra những gì ở ngoài hệ thống của mình và là dịp kiểm tra lại năng lực thực tiễn cá nhân.

Sự giản lược nhân vật và cốt truyện, theo chúng tôi, như là hệ quả tất yếu của sự dồn nén dung lượng của hình thức “tiểu thuyết ngắn” đang rất thịnh hành trong văn chương đương đại Việt Nam.

 

3. Phép tỉnh lược như là giải pháp cho xây dựng kết cấu tác phẩm

“Tỉnh lược” theo Từ điển tiếng Việt: lược bỏ bớt cho gọn. Một nhà văn đã nói: nghệ thuật viết là nghệ thuật rút gọn. Trong tiểu luận Nghệ thuật tiểu thuyết, nhà văn M. Kundera đã viết: “Tôi nghĩ rằng để nắm bắt được tính phức tạp của cuộc sống trong thế giới hiện đại cần có một kĩ thuật tỉnh lược, cô đặc. Làm khác đi anh sẽ rơi vào cái bẫy dài dằng dặc (…). Thử tưởng tượng một tòa lâu đài khổng lồ đến nỗi không thể bao quát hết trong tầm mắt, thử tưởng tượng một bản nhạc bộ tứ kéo dài chín tiếng đồng hồ. Có những giới hạn của con người không nên vượt qua, những giới hạn của trí nhớ chẳng hạn. Khi đọc đến phần cuối cuốn sách, anh còn đủ sức nhớ lại phần đầu. Nếu không, cuốn tiểu thuyết sẽ thành dị hình, tính sáng sủa về kết cấu của nó sẽ tối sầm lại”(2).

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng có một ý rất hay: “Viết truyện ngắn là chơi bố cục, thú lắm”. Tôi nghĩ cách nói “chơi bố cục” cũng có thể vận dụng cho cả nghệ thuật viết tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết ngắn. Hiện chúng ta đang nói về “tái cấu trúc” nền kinh tế Việt Nam, nhưng suy rộng ra thì lĩnh vực nào cũng đòi hỏi phải tái cấu trúc (giáo dục chẳng hạn, lại càng cần thiết và cấp bách). Đã thấy rõ những tìm tòi trong xây dựng cấu trúc tiểu thuyết theo phương pháp “dòng ý thức” (Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh), phương pháp “tiểu thuyết trong tiểu thuyết” (Phố Tàu của Thuận), phương pháp “gián cách” (Tấm ván phóng dao của Mạc Can), phương pháp “mã hóa” – chúng tôi tạm gọi (Trò chơi hủy diệt cảm xúc của Y Ban)… Tôi muốn dẫn lại ý kiến của Nguyên Ngọc nhận xét về tiểu thuyết Khê Ma Ma của Thái Bá Lợi để thấy rõ hơn tác dụng của phép tỉnh lược đối với xây dựng kết cấu tác phẩm: “Thái Bá Lợi rất ít khi viết dài, rất ít khi anh để cho một cuốn sách của mình đi đến chỗ nói rốt ráo đến độ chẳng còn gì để nói tiếp nữa” (Là một đối thoại mở – Lời bạt Khê Ma Ma, Nxb Hội Nhà văn, 2004).

 

Triển vọng của tiểu thuyết ngắn

Ngay từ năm 1999, Tạ Duy Anh trong một bài viết đã nhấn mạnh: “Xu hướng ngắn, thu hẹp bề ngang, vừa khoan sâu chiều dọc, đa thanh hóa sự đối thoại, nhiều vỉa ý nghĩa, bi kịch thời đại được dồn nén trong một cuộc đời bình thường, không áp đặt chân lí là dễ thấy. Tiểu thuyết ít mô tả thế giới hơn là tạo ra một thế giới theo cách của nó. Ở đó con người có thể chiêm ngưỡng mình từ nhiều chiều hơn là chỉ thấy cái bóng của mình đổ dài xuống lịch sử”(3). Lại nhớ nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn, đoạt giải Nobel văn chương 2013, thì khăng khăng “Tiểu thuyết phải trường thiên”. Song thực tế thì ông đã viết một cuốn tiểu thuyết ngắn rất “tai tiếng” về chiến tranh.

Tiểu thuyết ngắn, theo tôi, có triển vọng. Tại sao không?!

Hà Nội, tháng 9 năm 2013

B.V.T

Nguồn: vannghequandoi

——-

(1) Trần Đình Hượu. Đến hiện đại từ truyền thống. Nxb Văn hóa – Thông tin, 1994.

(2) M. Kundera. Tiểu luận – Nghệ thuật tiểu thuyết. Những di chúc bị phản bội. Nxb Văn hóa – Thông tin, 2001.

(3)  Tạ Duy Anh. Tiểu thuyết – cái nhìn cuối thế kỉ. Báo Văn hóa,  số ngày 18-8-1999.

Exit mobile version